You are on page 1of 8

Họ và tên: Nguyễn Thị Tuyết Đề bài: Phân tích luận điểm của Hồ Chí

Minh: "Nước được độc lập mà dân không


MSV: 11195653
được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập
Lớp học phần: Tư tưởng HCM_14 cũng chẳng có ý nghĩa lý gì".
Liên hệ thực tiễn Việt Nam hiện nay.
BÀI LÀM
I – Đặt vấn đề.
Vị lãnh tụ vĩ đại của nước Việt Nam ta không ai khác ngoài Bác Hồ. Người là
danh nhân văn hóa thế giới khiến ai ai cũng phải nghiêng mình. Người đã để lại cho
nền văn học nước nhà một kho tàng tác phẩm giá trị. Và bản Tuyên ngôn độc lập là
một trong số đó. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác về ở tại căn nhà số 48
phố Hàng Ngang, Hà Nội. Tại đây, Bác đã dành phần lớn thời gian để soạn thảo bản
Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Bác đọc Tuyên ngôn
độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đánh dấu mốc son lịch sử chói
lọi của dân tộc, độc lập và tự do, dân chủ cho nhân dân. Mọi người được bình đẳng,
bác ái, được sống, tự do và tìm được hạnh phúc. Đặc biệt, Bác còn khẳng định “Nước
được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có
nghĩa lý gì”. Đây là tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội xuyên
suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và thực tiễn của chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở
thành chiến lược cách mạng của Đảng ta và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện
nay và lâu dài hơn nữa.

II – Giải quyết vấn đề


Độc lập dân tộc là tư tưởng chủ đạo, chi phối toàn bộ sự nghiệp cách mạng của
Hồ Chí Minh: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đó là tất cả những gì
tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”. Trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra
nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã đanh thép khẳng định: “Tất cả các
dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền
sung sướng và quyền tự do”. Vậy độc lập, tự do, hạnh phúc là gì mà lại có ý nghĩa
quan trọng như vậy?
Độc lập là quyền bất khả xâm phạm của một đất nước, một quốc gia, một dân tộc
bởi chính người dân sinh sống ở đó, có nghĩa là có chủ quyền tối cao. Độc lập cũng có
thể nói theo nghĩa phủ định: là tình trạng không bị điều khiển, cai trị bởi một thế lực
khác thông qua chủ nghĩa thực dân, sự bành trướng hay chủ nghĩa đế quốc. Độc lập có
thể giành được nhờ việc chống lại thực dân hóa (phi thực dân hóa) chống lại sự chia
cắt.

Tự do là tình trạng khi cá nhân không chịu sự ép buộc, có cơ hội để lựa chọn và
hành động theo đúng với ý chí nguyện vọng của chính mình. Nghĩa là việc không bị
kiểm soát bởi một thế lực đối với số phận, ý chí tự do.

Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu
cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng
chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí.

“Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” là cụm từ rất đỗi quen thuộc với nhân dân ta, nó
luôn xuất hiện bên dưới quốc hiệu Việt Nam trong các văn bản, chứng từ… Điểm đặc
biệt là chỉ với sáu chữ đơn giản và ngắn gọn đã bộc lộ được “ham muốn tột độ” của
người khai sinh ra chính thể cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á, là cái đích Người đặt
ra cho những người đồng chí hướng của mình phải phấn đấu hi sinh đưa lại cho dân
tộc mình, cho quốc dân đồng bào mình. Trước hết là độc lập, bởi lẽ nếu không có độc
lập, tức bị vong quốc, mất nước, đất nước trong cảnh nô lệ lầm than thì làm gì có tự
do, lấy đâu ra tự do và hạnh phúc. Chính vì vậy, nước bị mất độc lập thì việc đầu tiên
là phải giành cho bằng được độc lập. Có độc lập rồi thì dân mới được tự do, hạnh
phúc.

Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, độc lập ở đây chính là độc lập dân tộc, là đưa
đất nước thoát khỏi ách áp bức, đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành lại độc
lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng nên một nhà
nước mới. Bởi khi Người bước lên vũ đài chính trị trong bối cảnh nước mất nhà tan.
Người đã tận mắt chứng kiến sự đàn áp thống trị tàn bạo của đế quốc Pháp đối với dân
tộc, sự hèn hạ của triều đình phong kiến và rất khâm phục tinh thần chống Pháp giành
độc lập của các nhà yêu nước tiền bối và đương thời. Thực tiễn đó đã hình thành ở
Người lòng khát khao giải phóng dân tộc, thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước
vào tháng 6/1911. Vì vậy, vấn đề dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là
vấn đề dân tộc nói chung mà là vấn đề dân tộc thuộc thuộc địa trong thời đại cách
mạng vô sản. Thực chất của vấn đề dân tộc là vấn đề đấu tranh giải phóng các dân tộc
thuộc địa nhằm thủ tiêu sự thống trị của nước ngoài, giành độc lập dân tộc, xóa bỏ ách
áp bức, bóc lột thực dân, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập nhà nước dân tộc
độc lập.

Nhưng như thế chưa đủ, theo Người, nếu đất nước được độc lập mà dân không
được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì, có nghĩa là, nếu
đất nước được độc lập, nhà nước mới được hình thành, nhưng nhà nước đó không
quan tâm đến dân chúng, không tạo ra cho dân chúng có một cuộc sống tự do, no ấm,
hạnh phúc thì độc lập đó không có ý nghĩa. Bởi tự do, hạnh phúc theo quan điểm của
Người là người dân phải được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do chủ
nghĩa xã hội đem lại. Đời sống vật chất là trên cơ sở một nền kinh tế cao dựa trên lực
lượng sảng xuất hiện đại, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Do đó,
sau khi giành độc lập, phải tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho dân giàu, nước
mạnh, mọi người được sung sướng tự do.

Sau khi Người kết thúc chuyến hành trình bôn ba khắp các châu lục để tìm ra con
đường cứu nước cho dân tộc, thì Người đã đi đến kết luận: “ Muốn cách mạng giải
phóng dân tộc thắng lợi thì phải đi theo con đường Cách mạng vô sản, phải đặt dưới sự
lãnh đạo của Đảng cộng sản và toàn thể dân tộc cùng tham gia kháng chiến”. Bởi vì
“Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi,
nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật...”. Người khẳng
định: chỉ có hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc mới có điều kiện tiến lên chủ
nghĩa xã hội, và chỉ có làm cách mạng xã hội chủ nghĩa độc lập dân tộc mới đạt tới
chân giá trị của nó ở chỗ nó hướng tới phục vụ lợi ích và quyền lực của mọi người lao
động, làm cho mọi thành viên của cộng đồng dân tộc trở thành người chủ thực sự có
cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ và cuộc sống tinh thần ngày càng phong phú.
Nhờ đó, cuộc cách mạng tháng Tám đã thành công vang dội và nhà nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa được ra đời. Tại ngày 2/9/1945, trên quảng trường Ba Đình
lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước nhân dân cả nước và với
toàn thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã
thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần
và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”

Ngay sau khi nước nhà mới được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn
dân đấu tranh xây dựng, củng cố và giữ vững chính quyền non trẻ. Người cùng Chính
phủ hết sức quan tâm đến đời sống, sản xuất, chiến đấu của nhân dân; đã thực thi
nhiều chủ trương, chính sách kinh tế, tài chính tích cực, trong đó nổi bật nhất là cải
cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng. Đất nước vẫn còn phần lớn là làm nông
nghiệp nên Bác rất quan tâm đến người nông dân, luôn mong cho người nông dân
được cơm no áo ấm, nên dù bận việc đại sự, nhưng Người vẫn về từng vùng nông
thôn, thăm hỏi, động viên bà con nông dân sinh sống, sản xuất và chiến đấu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh như một người cha già soi đường, chỉ lối cho dân tộc Việt
Nam. Người không chỉ quan tâm đến việc giành độc lập cho dân tộc mà còn luôn trăn
trở với việc làm sao cho dân chúng được tự do, hạnh phúc. Và lựa chọn con đường
tiến lên xã hội chủ nghĩa là một lựa chọn hoàn toàn sáng suốt và đúng đắn của chủ tịch
Hồ Chí Minh, vì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới là chế độ chính trị do người dân làm chủ,
một chế độ không còn người bóc lột người, và là một chế độ xã hội có nền kinh tế phát
triển cao, gắn liền với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, về văn hóa, đạo đức.

Hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc phải gắn liền với quyết tâm
chính trị lớn nhằm đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn
minh” đang được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới nhằm ra sức phát
triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xây
dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, góp phần tích cực vào cuộc đấu
tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã
hội. Đại hội Đảng thứ XIII đã đưa ra mục tiêu: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn
Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát
triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời
đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ
vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế
kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ năm
1986 đến nay đã trải qua gần 35 năm. Đó là một công trình vĩ đại của Đảng và nhân
dân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Ngay từ thời điểm đó cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng
ta luôn xác định đúng đắn đường lối, chủ trương đổi mới, hình thức, bước đi và cách
tiến hành phù hợp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được thể chế hóa thành pháp luật, tạo hành
lang pháp lý cho nền kinh tế vận hành có hiệu quả. Cụ thể, Quốc hội đã ba lần sửa đổi
và ban hành Hiến pháp, sửa đổi và ban hành trên 150 bộ luật và luật, trên 70 pháp
lệnh. Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và hàng loạt bộ luật để thể
chế hóa Hiến pháp 2013, cơ bản đã tạo cơ sở pháp lý hình thành và thúc đẩy việc hoàn
thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

So với thời kỳ trước đổi mới, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì
tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng, đời sống nhân dân từng
bước được cải thiện đồng thời tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh
vực của đời sống xã hội.

Trong lĩnh vực kinh tế: Giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) với mức tăng trưởng
GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%, qua 35 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã
có kết quả tăng trưởng rất ấn tượng. Giai đoạn 2011 - 2020 GDP dự kiến đạt khoảng
5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Đặc
biệt năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều nước trên thế giới có mức tăng
trưởng âm, riêng Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương trên 2%. Lực lượng sản
xuất có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng; chất lượng tăng trưởng có mặt
được cải thiện, trình độ công nghệ sản xuất có bước được nâng lên.
Trong lĩnh vực chính trị - xã hội: Vững bước xây dựng đất nước theo con đường
xã hội chủ nghĩa mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, các cán bộ lãnh đạo Đảng Cộng
Sản nước ta đã lãnh đạo, đề ra các chính sách chủ trương đường lối đúng đắn trên tất
cả các mặt xã hội của đất nước. Hệ thống chính trị được kiện toàn từ Trung ương đến
địa phương. Bộ máy hành chính các cấp cũng được hoàn thiện. Mặc dù nhiều lần có
xảy ra tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ như vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan
981 trên biển Đông thì Đảng và Nhà nước ta vẫn quyết giữ vững độc lập chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, bằng mọi biện pháp, hòa bình lẫn bạo lực.
Tóm lại, chính trị xã hội ta ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững. Đặc biệt, vị
thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Trong lĩnh vực y tế: Thực hiện lời Bác Hồ căn dặn trong bức thư gửi ngành y tế
ngày 27/2/1955 – ngày được chọn làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam hằng năm, sau 65
năm phát triển và trưởng thành, từ một nền y tế còn thiếu thốn về nhiều mặt, đến nay
Việt Nam tự hào góp mặt trên bản đồ y tế thế giới với nhiều thành tựu và tiến bộ vượt
bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, tạo nên những thành công có
tầm lan tỏa quốc tế. Các thành công nổi bật như: Năm 2011, ứng dụng kỹ thuật vi
phẫu trong điều trị tổn thương bỏng sâu và tạo hình sẹo bỏng, khuyết hổng mất da của
Viện Bỏng quốc gia đã được Bộ Y tế xếp là một trong 10 thành tựu y - dược học Việt
Nam trong năm. Ngày 28/12/2013, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội lần đầu tiên
thực hiện ca ghép thận trên người thuộc đề án “Phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể
người” của ngành Y tế Hà Nội. Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép
phổi từ người cho sống. Ngày 7/2/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố đã
nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus Corona mới (nCoV) gây dịch viêm
đường hô hấp cấp (COVID-19), tạo điều kiện cho việc xét nghiệm các trường hợp
nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Đây là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin
phòng, chống loại virus này trong tương lai.

Trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục: Dưới một nền chính trị ổn đinh, kinh tế phát
triển, văn hóa - giáo dục nước ta cũng thu được những thành tựu đáng kể. Cuộc sống
của người dân về vật chất, tinh thần, văn hóa ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Trong giáo dục, một là hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ của
học sinh, giáo viên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa hoàn thành
kế hoạch năm học 2019-2020. Hai là  tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học
phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Trong bối cảnh dịch bệnh phức
tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tổ chức thi
thành 2 đợt phù hợp với tình hình dịch bệnh của từng địa phương. Điều này thể hiện
trách nhiệm và sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ba là
hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (năm 2015 mới có 32/63
tỉnh/thành phố); duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, trung học cơ sở. Bốn
là chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc
tế ghi nhận, đánh giá cao.

Những thành tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo,
phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn, hệ thống quan điểm lí luận về công cuộc đổi
mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã
hình thành những nét cơ bản trên.Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền
với chủ nghĩa xã hội tiếp tục soi sáng là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam.

III – Kết luận

Với tình yêu nước, thương dân bao la, vô bờ bến, cả cuộc đời cống hiến cho sự
nghiệp cách mạng, cho nhân dân, chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ mong nước nhà được độc
lập và đồng bào ta được no ấm, hạnh phúc. Thật vậy, “Nước được độc lập mà dân
không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lậpcũng chẳng có nghĩa lý gì”. Tư tưởng
của Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng và
nhân dân ta, tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta trong thời đại
ngày nay và mai sau.

You might also like