You are on page 1of 4

A.

NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

I. CÁCH VIẾT MỞ BÀI ẤN TƯỢNG CHO BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

1. Lưu ý khi viết mở bài:

- Mở bài trước hết cần khái quát được nội dung của bài văn/bài thơ cần nghị luận.

- Tiếp đến cần nhắc đến nghệ thuật của bài thơ/bài văn qua ngòi bút của tác giả.

- Nêu lên phạm vi và ý nghĩa của vấn đề.

2. Các cách viết mở bài gián tiếp:

a) Đi từ xa tới gần: Nêu các ý liên quan đến vấn đề, sau đó đi vào vấn đề cần phân tích. Chú ý đi từ chủ
đề lớn nhất rồi đến các chủ đề nhỏ được bao hàm trong chủ đề lớn. Quá trình dẫn dắt thường là: Nền văn
học – giá trị chung mà nó mang lại – tác phẩm cụ thể - giá trị riêng mà tác phẩm mang lại.

Ví dụ: M. Goóc-ki đã từng khẳng định một chân lí “Văn học là nhân học”. Thật vậy, suốt chiều dài lịch
sử của nhân loại nói chung và nền văn học nói riêng (nền văn học), không thể phủ nhận rằng thơ ca đem
lại cho chúng ta những giá trị nhân đạo cốt lõi nhất, từ đó thức tỉnh và nuôi dưỡng tâm hồn người (giá trị
chung). Với “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài (tác phẩm cụ thể) cũng vậy, dưới ngòi bút đanh thép nhưng
cũng vô cùng thấu cảm của ông (khái quát nghệ thuật), diễn biến của 2 nhân vật chính trong đêm đông
(khái quát nội dung) qua đoạn trích “…” (phạm vi) chính là minh chứng rõ ràng nhất của lòng nhân đạo
cùng với sức sống tiềm tàng mãnh liệt của những số phận cùng khổ. (giá trị riêng mà tác phẩm mang
lại/ý nghĩa vấn đề).

b) Đi từ những đặc điểm giống nhau giữa các tác phẩm có cùng đề tài/hình ảnh

- Đề tài: Đề tài là phạm vi hiện thực được phản ánh trong tác phẩm, người viết nghị luận văn học sẽ dễ
dàng giới thiệu vấn đề một cách rành mạch. Các đề tài thường thấy: chiến tranh, người lính, mùa thu, mùa
xuân, người phụ nữ, … Quá trình dẫn dắt thường là: Nêu hình ảnh/đề tài thường thấy – các tác phẩm liên
quan – tác phẩm cần phân tích – giá trị và nội dung tác phẩm đó.

Ví dụ: Trong các tác phẩm văn học Việt Nam, chúng ta đã từng gặp không ít những người phụ nữ có số
phận bi thương nhưng không khuất phục trước cuộc đời (hình ảnh thường thấy): một nàng Kiều trong
“Đoạn trường tân thanh” của đại thi hào Nguyễn Du, một Thị Nở trong “Chí Phèo” của ngòi bút hiện thực
phê phán xuất sắc Nam Cao, hay một người đàn bà không tên trong “Vợ Nhặt của nhà văn làng mạc Kim
Lân (Nêu tác phẩm liên quan). Và trong “Vợ chồng A Phủ” (tác phẩm cần phân tích), dưới ngòi bút
đậm chất dân tộc và tràn đầy tinh thần nhân đạo, một lần nữa ta lại bắt gặp một người phụ nữ như thế.
Trong đoạn trích miêu tả cảnh Mị cởi trói cho A Phủ “…”, ta đã thấy được sức sống tiềm tàng mãnh liệt
đã giải cứu Mị khỏi thần quyền và cường quyền chốn núi rừng Tây Bắc (Nội dung và nghệ thuật).

c) Đi từ những đặc điểm khác nhau giữa các tác phẩm có cùng đề tài/hình ảnh

Quá trình dẫn dắt thường là: Nêu lên chủ đề chung – những tác phẩm có cùng đề tài và chung đặc điểm –
Nêu lên tác phẩm cũng có đề tài đó nhưng mang đặc điểm khác biệt – Nội dung và nghệ thuật tác phẩm
cần phân tích.

Ví dụ: Mùa xuân bao giờ cũng là một đề tài vĩnh cửu trong nền văn học (Chủ đề chung). Cái mùa của
sức sống ấy bao giờ cũng hiện lên một cách nhẹ nhàng và đằm thắm như thiếu nữ đôi mươi: (Các tác
phẩm cùng đề tài, chung đặc điểm):

“Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,


Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang”.

“Mùa xuân chín” (Hàn Mặc Tử)

Hay

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc trải đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương lúa”.

“Mùa xuân nho nhỏ” (Thanh Hải)

Thế nhưng, đi ngược lại với nét dịu dàng thơ ngây ấy, xuân trong ngòi bút của ông hoàng thơ tình Xuân
Diệu lại hiện lên rất khác: một xuân nồng cháy, một xuân đam mê, một xuân mãnh liệt, và một “xuân
không mùa”. (Tác phẩm cùng đề tài, mang đặc điểm khác biệt) Và trong bài thơ “Xuân không mùa”
của Xuân Diệu, ta đã cảm nhận được tình yêu tuổi trẻ và khát khao tình yêu mãnh liệt của ông qua ngòi
bút đậm chất trữ tình. (Khái quát nội dung & nghệ thuật)

d) Mở bài bằng một nhận định văn học:

Quá trình dẫn dắt thường là: Nhận định văn học – bài học rút ra từ nhận định đó – tác phẩm cần phân tích
cũng hàm chứa bài học đó – nội dung và nghệ thuật chung của tác phẩm cần phân tích.

Ví dụ: Trong “Trăng sáng”, Nam Cao đã từng viết rằng “Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không
nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”.
Thật vậy, nghệ thuật chân chính là nghệ thuật chạm đến hiện thực, buộc người nghệ sĩ phải cúi xuống
nếm vị mặn của cuộc đời, phải dũng cảm vạch tấm màn màu hồng để chứng kiến tất thảy những điều lem
lấm. Chính “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đã thấm nhuần tư tưởng ấy. Điều đó đã được
ngòi bút uyên thâm và sắc sảo của Nguyễn Minh Châu thể hiện qua suy nghĩ của nhân vật Phùng ở đoạn
văn “…”, qua đó giúp người đọc nhận ra giá trị thực sự của nghệ thuật chân chính trong bức tranh bình
minh nơi hải đảo.

Những nhận định văn học có thể sử dụng:

- “Mỗi tác phẩm đều có ít nhiều nhà văn” (Thạch Lam) – trong tác phẩm phần nào thể hiện được tính
cách, con người, tư tưởng, cuộc đời tác giả.

- “Văn học là nhân học” (M. Gorki)

- "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật
có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than.” (Nam Cao)

- “Nhà văn là người thư ký trung thành nhất của mọi thời đại.” (Balzac)

- “Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm.” (Pautopxki)

- “Văn học nằm ngoài các định luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.” (Sêđrin -
Nga)

- “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục
và bảo vệ những cái tốt đẹp.” (Ai-ma-tốp)

- “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì
thật là đê tiện.” (Đời thừa, Nam Cao)

- “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra.” (An-đéc-xen)

Những nhận định về thơ có thể sử dụng:

- “Khi cơn mưa mùa xuân rơi ở đâu đó

Thì trên đồng xào xạc cỏ và hoa

Khi nước mắt rơi từ thi sĩ

Thì những lời chân chính được sinh ra”.

(Gamzatov)

- “Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật

Một giọt mật thành, đời vạn chuyến ong bay”.

(Chế Lan Viên)

- “Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi

Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang”.

(Chế Lan Viên)

- “Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi” (Puskin)
- “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. (Bêlinxki)

- “Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi”. (Lưu Trọng Lư)

You might also like