You are on page 1of 14

CHIỀU TỐI

(Mộ)
I.TÌM HIỂU CHUNG :
1. Tác giả:
a. Cuộc đời
- Hồ Chí Minh (1890 - 1969) xuất thân trong gia đình nhà nho yêu nước. Cha là Nguyễn Sinh
Sắc, mẹ là Hoàng Thị Loan. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An giàu
truyền thống yêu nước.
- Thuở bé học chữ Hán sau đó học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp

- Quá trình hoạt động cách mạng:

+ 1911: ra đi tìm đường cứu nước.

+ 1918 – 1922: hoạt động Cách mạng trên đất Pháp, tích cực viết báo, viết sách tuyên truyền
chống chủ nghĩa thực dân và đoàn kết các dân tộc thuộc địa.

+ 1923 – 1941: chủ yếu hoạt động ở Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan.

+ 1942-1943: bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ ở các nhà ngục Quảng
Tây, Trung Quốc.

+ 2- 9 – 1945: đọc bản Tuyên ngôn độc lập…

 Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam, người Thầy vĩ đại
của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc
của nhân dân. Đồng thời, Người còn là nhà văn, nhà thơ lớn với di sản văn học quí giá.

b. Sự nghiệp sáng tác:

- Các tác phẩm chính:

+ Văn chính luận: Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc
kháng chiến (1946), Không có gì quí hơn độc lập tự do (1966)…

+ Truyện và kí: Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Vi hành (1923), Những trò lố hay là
Varen và Phan Bội Châu (1925)…

+ Thơ ca: tập thơ “Nhật kí trong tù” và nhiều bài thơ sáng tác tại Việt Bắc

- Phong cách nghệ thuật

+ Xem văn nghệ là hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ cho sự nghiệp Cách mạng
+ Đặc biệt chú ý đến đối tượng thưởng thức

+ Luôn quan niệm tác phẩm văn chương phải có tính chân thật.

+ Đòi hỏi nhà văn phải chú ý đến hình thức biểu hiện, tránh lối viết cầu kì, xa lạ, nặng nề.

 Hồ Chí Minh rất am hiểu văn hóa, văn học phương Đông (Trung Quốc) và văn hóa, văn học
phương Tây (Pháp) ⇒ hai dòng phương Đông và Phương Tây quyện chảy trong huyết mạch văn
chương.

2. Tác phẩm:
a. Vị trí, xuất xứ:
- “Chiều tối” là bài thứ 31 trong 134 bài thơ của tập“Nhật kí trong tù”
- “Nhật kí trong tù”là tập thơ được viết trong khoảng thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới
Thạch bắt giam vô cớ và giải đi khắp các nhà lao ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), từ tháng 8
năm 1942 đến tháng 9 năm 1943.
- Tập thơ “Nhật kí trong tù” gồm 134 bài thơ bằng chữ Hán ghi trong một cuốn sổ tay lấy tên là
“Ngục trung nhật kí”. Năm 1960, tập thơ được dịch ra tiếng Việt và có tên là “Nhật kí trong tù”.
b. Hoàn cảnh sáng tác :
“Chiều tối” được sáng tác trong lần Người bị giải đi từ nhà lao Tĩnh Tây sang nhà lao Thiên Bảo
vào cuối thu năm 1942. Bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật
c. Thể thơ và bố cục:
* Thể thơ: thất ngôn tứ tuyệt Đường luật
* Bố cục:
- Hai câu đầu: Bức tranh thiên nhiên
- Hai câu thơ sau: Bức tranh đời sống
 Bài thơ tiêu biểu cho thơ trữ tình Hồ Chí Minh: nhà thơ không trực tiếp bộc lộ cảm
nghĩ nội tâm mà biểu hiện qua cách cảm nhận hình ảnh, cảnh vật khách quan. Qua bức
tranh cảnh vật, ta thấy được những nét đẹp tâm hồn của một nhà thơ – chiến sĩ: lòng yêu
thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống, phong thái ung dung tự chủ và niềm lạc quan,
nghị lực kiên cường vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt, tăm tối trên bước đường chuyển
lao.
II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN:
1. Hai câu thơ đầu: Bức tranh thiên nhiên chiều tối miền sơn cước
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”
(Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không)
- Điểm nhìn: Trên hành trình bị giải lao “điểu, mây”(cánh chim, chòm mây) -> từ cao, xa – viễn
cảnh
- Hình ảnh:
+ “Quyện điểu”: cánh chim mỏi là hình ảnh ước lệ tượng trưng cho tín hiệu thời gian, gợi buổi
chiều tà – khoảnh khắc cuối ngày.
Liên hệ:
“Chim bay về núi tối rồi” (Ca dao)
“Chim hôm thoi thót về rừng” (“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)
Trong thơ ca cổ điển phương Đông, cánh chim bay về tổ thường mang ý nghĩa biểu tượng cho
buổi chiều tà .Trong thơ Bác cũng thế, song nó không dừng lại ở đó, bởi đây không phải là cánh
chim “bay” - quan sát trạng thái vận động bên ngoài của sự vật, mà là cánh chim “mỏi” - cảm
nhận rất sâu trạng thái bên trong của sự vật, một cảm nhận của con người hiện đại trên cơ sở ý
thức sâu sắc của “cái tôi” cá nhân trước ngoại cảnh. Có thể thấy một sự gần gũi, tương đồng giữa
con người và cánh chim kia: suốt một ngày bay đi kiếm ăn, cánh chim kia đã mệt mỏi và người
tù cũng rã rời sau một ngày lê bước trên con đường đày ải. Trong ý thơ có cả sự hoà hợp và cảm
thông thương yêu giữa con người với thiên nhiên, tạo vật mà cội nguồn của tình yêu thương ấy
chính là tình yêu mênh mông của Bác. Đúng như Tố Hữu đã từng viết:
"Bác ơi tim Bác mênh thống thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người"
Hay: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”.
Điều đó, thể hiện tình cảm nhân ái bao la của Người đối với cảnh vật. Đây chính là tình cảm
nhân đạo của Hồ Chí Minh.
+ “ Cô vân”: chòm mây cô đơn, lẻ loi. “Mạn mạn” nhằm diễn tả trạng thái lửng lờ, chậm chạp
trôi của chòm mây và với trạng thái ấy, nó gợi được thời gian như ngừng trôi, không gian như
mênh mông -> nghệ thuật chấm phá, lấy điểm tả diện, thiên về gợi – Bút pháp cổ điển.
So sánh với dịch thơ: “Cô vân” dịch thành “chòm mây” → bản dịch chưa dịch được chữ “cô”
nên chưa sát nghĩa trong nguyên tác, làm mất đi biểu hiện cô độc, lẻ loi của áng mây trên bầu
trời. Từ “mạn mạn” dịch thành “trôi nhẹ” → chưa thấy được tư thế chậm chạp gợi vẻ uể oải,
lững lờ của áng mây.
Liên hệ:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” ( Thu điếu – Nguyễn Khuyến)
“Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay” – Hoàng Hạc lâu)
Nhưng trong thơ Bác không phải là áng mây trắng ngàn năm vẫn bay gợi sự vĩnh hằng của Thôi
Hiệu, hay tầng mây lơ lửng gợi sự không vĩnh viễn của Nguyễn Khuyến; mà là chòm mây có
hồn, có tâm trạng. Nó cô đơn, lẻ loi và lặng lẽ, lờ lững trôi giữa không gian rộng lớn của trời
chiều cuối thu nơi núi rừng Quảng Tây - với chòm mây ấy, không gian như mênh mông vô tận
và thời gian như ngừng trôi.
+ Người tù (tả cảnh ngụ tình): sự tương đồng giữa cánh chim mỏi, chòm mây cô đơn với người

. Có mệt mỏi, cô đơn, buồn nhưng vượt lên hoàn cảnh với tâm hồn ung dung thư thái
. Ý chí, nghị lực –> chất thép
. Nhạy cảm, đồng cảm với thiên nhiên, tạo vật -> chất tình
 Cánh chim kia có dù có mệt mỏi sau một ngày bay đi kiếm ăn thì cuối cùng nó cũng được trở
về với tổ ấm, với nguồn cội “tầm túc thụ”. Chòm mây kia tuy có cô đơn nhưng nó vẫn được tự
do trôi giữa bầu trời rộng lớn “mạm mạn độ thiên không” Cái nhìn lạc quan
 Trong nghịch cảnh vẫn ung dung, lạc quan, hướng về sự sống tương lai với bản lĩnh
kiên cường, nghị lực phi thường -> vẻ đẹp hiện đại của ý thơ -> tính hiện đại.
Hai câu thơ là tư thế của con người làm chủ hoàn cảnh, làm chủ cuộc đời, càng đặt hai câu thơ
trong hoàn cảnh sáng tác của nó, người đọc càng cảm nhận được bản lĩnh phi thường, tinh thần
thép của người tù chiến sĩ Hồ Chí Minh trước những khắc nghiệt của cuộc đời để hướng về sự
sống vạn vật:
“Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình” (Hoàng Trung Thông)

2. Hai câu thơ sau: Bức tranh đời sống sinh hoạt của con người miền sơn cước
“Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng”
(Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng)
- Điểm nhìn: Có sự dịch chuyển từ trên trời cao từ xa, xuống thấp gần đó là mặt đất, con người
-> cái nhìn gần – cận cảnh
- Hình ảnh “thiếu nữ” là một cách dùng từ trang trọng, gợi lên một vẻ đẹp trẻ trung khỏe khoắn
của người lao động. Công việc của thiếu nữ là “ma bao túc”- xay ngô tối, một công việc vất vả.
Cũng viết về người phụ nữ nhưng trong thơ xưa người phụ nữ xuất hiện với vẻ đẹp liễu yếu đào
tơ, còn trong thơ Bác người phụ nữ xuất hiện gắn với vẻ đẹp lao động chăm chỉ cần mẫn trẻ
trung khỏe khoắn, trở thành là trung tâm của bức tranh sinh hoạt. Đó chính yếu tố hiện đại
của bài thơ. Bởi trong thơ xưa có bóng dáng con người nhưng chỉ thấp thoáng, mờ nhạt, nhỏ bé.
Hình ảnh con người chỉ tôn thêm cái hùng vĩ, hoang sơ của đất trời thiên nhiên như trong thơ Bà
Huyện Thanh Quan:
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

- Nghệ thuật:
+ “ ma bao túc – bao túc ma”(nguyên tác) -> điệp vòng –> diễn tả vòng quay liên tục không dứt
của chiếc cối xay ngô -> gợi nhịp điệu lao động chăm chỉ, cần mẫn, hăng say
+ “xay ngô tối – xay hết” (dịch thơ) -> chưa rõ nghệ thuật điệp vòng và chữ “tối” làm lộ rõ ý
thơ của nguyên tác, mất đi cái hay của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật vốn chỉ gợi chứ
không tả, tạo nên một thi phẩm hàm súc“ý tại ngôn ngoại” – ý ở ngoài lời.
+ Nhãn tự “hồng” – ánh sáng, hơi ấm – tấm lòng của người tù
Trong nghệ thuật Đường thi, “nhãn tự” nghĩa là con mắt của chữ, là mắt thơ, là điểm sáng của cả
bài thơ. Chữ “hồng” là ánh sáng và hơi ấm của ánh lửa lò than hiện thực nơi cô gái đang xay
ngô; của ngọn lửa cách mạng luôn thôi thúc Bác không bỏ cuộc; của niềm tin tưởng, sự lạc quan
luôn hướng về sự sống, về tương lai tốt đẹp.
- Nhân vật trữ tình
+ Quên đi cảnh ngộ của bản thân để đồng cảm với người lao động -> lòng yêu người, yêu cuộc
sống
+ Tinh thần thép của người chiến sĩ cộng sản
+ Tinh thần nhân đạo quốc tế vô sản . Đó chính là tình yêu thương của một chiến sĩ cộng sản
đối với con người thuộc giai cấp vô sản, nhân dân lao động – đối tượng mà người dành cả cuộc
đời mình đấu tranh vì họ.
=> Nhân cách lớn của Hồ Chí Minh
III. Tổng kết: Ghi nhớ SGK
TỪ ẤY
Tố Hữu
I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
a. Cuộc đời:
- Tố Hữu (1920 - 2002), tên thật là Nguyễn Kim Thành. Quê quán: Thừa Thiên Huế.
- Tham gia mặt trận Dân chủ và được kết nạp Đảng 7/1938.
- Là nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại.
 Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Con
đường thơ của Tố Hữu gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường cách mạng đầy
gian khổ hi sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang của dân tộc.
b. Sự nghiệp sáng tác:
* Các giai đoạn sáng tác
- Thời kì kháng chiến chống Pháp : Từ ấy (1937 – 1946 ), Việt Bắc (1947 – 1954)
- Thời kì xây dựng CNXH ở miền Bắc: Gió lộng (1955- 1961)
- Thời kì kháng chiến chống Mĩ: Ra trận (1962 – 1971), Máu và hoa(1972 -1977)
- Sau 1975: Một tiếng đờn (1992), Ta với ta (1999)
 Theo sát từng chặng đường của cách mạng Việt Nam. Tố Hữu được xem là lá cờ đầu
của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại.
* Đặc điểm thơ
- Thơ trữ tình chính trị viết về lẽ sống lớn, tình cảm lớn.
- Cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi
- Nghệ thuật đậm đà tính dân tộc truyền thống
* Thành tựu đạt được:
- Huân chương Sao vàng ( 1994)
- Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996)
- Giải thưởng văn học ASEAN ( 1999)
 Cả cuộc đời Tố Hữu cống hiến cho cách mạng và cho thơ ca.
2. Tác phẩm
a.Xuất xứ:
- Trích ở phần “Máu lửa” của tập thơ “Từ ấy”.
- Tập thơ “Từ ấy” (1937 – 1946 ): gồm 3 phần
+ Máu lửa: tiếng reo náo nức của một tâm hồn trẻ đang băn khoăn đi tìm lẽ sống thì gặp ánh sáng
lí tưởng
+ Xiềng xích: Ghi lại quá trình đấu tranh gay go của người chiến sĩ CM trong nhà tù thực dân ->
sự trưởng thành vững vàng của người chiến sĩ
+ Giải phóng: Sau khi Tố Hữu vượt ngục tiếp tục đấu tranh cho đến ngày Cách mạng thành công
b. Hoàn cảnh sáng tác:
Sáng tác vào 07/1938 để ghi nhận lại những kỉ niệm đáng nhớ khi nhà thơ được đứng vào hàng
ngũ của Đảng Cộng Sản.
c. Nhan đề: “Từ ấy”:
- Thời điểm nhà thơ được kết nạp Đảng Cộng Sản (7/1938).
- Dấu mốc có ý nghĩa quan trọng trong đời cách mạng và đời thơ của Tố Hữu. Đánh dấu sự
chuyển biến lớn lao trong thái độ, tình cảm của nhà thơ.
d. Thể thơ: Bài thơ viết theo thể thất ngôn
II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
1. Khổ thơ đầu, nhà thơ diễn tả niềm say mê, vui sướng khi gặp lí tưởng Cộng sản:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim.
Hồn tôi là một vườn hoa lá.
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.”
*Hai câu đầu: được viết theo bút pháp tự sự, nhà thơ kể lại một kỉ niệm không quên của đời
mình.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim.
- “Từ ấy” là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đời cách mạng Tố Hữu, khi
đó nhà thơ mới 18 tuổi, đang hoạt động sôi nổi trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Huế, được giác
ngộ lí tưởng Cộng sản, được kết nạp vào Đảng.
- Bằng những hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ”, “mặt trời chân lí”, Tố Hữu khẳng định lí tưởng Cộng
sản như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng âý không phải là ánh
thu vàng nhẹ hay ánh xuân dịu dàng, mà là ánh sáng rực rỡ chói chang của một ngày “nắng hạ”.
Hơn thế, nguồn sáng ấy là “mặt trời chân lí”. Nếu mặt trời của tự nhiên tỏa ánh sáng, hơi ấm
cần thiết cho sự sống vạn vật thì lí tưởng cộng sản của Đảng, của cách mạng, của chủ nghĩa Mác
– Lênin sáng rực, chói lọi, ấm áp, vĩnh viễn, cần thiết như mặt trời, đúng đắn như chân lí làm
bừng sáng cả trí tuệ và tâm hồn nhà thơ thật kì diệu (A-ra-gông-người Pháp từng nói “Đảng đã
cho tôi sáng mắt sáng lòng”). Cách gọi lí tưởng là “mặt trời chân lí” như thế thể hiện thái độ
thành kính, ân tình của nhà thơ.
- Thêm những động từ “bừng” – chỉ ánh sáng phát ra đột ngột, “chói” – chỉ ánh sáng có sức
xuyên mạnh, càng nhấn mạnh: sự tác động kì diệu, mạnh mẽ của ánh sáng lí tưởng cộng sản đối
với tâm hồn nhà thơ làm xua tan màn sương mù của ý thức tiểu tư sản và mở ra trong tâm hồn
nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng và tình cảm.
Ở hai câu sau, bút pháp trữ tình lãng mạn cùng với những hình ảnh so sánh đã diễn tả cụ thể
niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản.
Hồn tôi là một vườn hoa lá.
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.”
- Bằng hình ảnh so sánh “hồn tôi là vườn hoa lá, rất đậm hương, rộn tiếng chim” nhằm cụ thể
hóa niềm vui sướng, tiếng reo phấn khởi, hân hoan trong lòng nhà thơ khi được vinh dự đứng
trong hàng ngũ những người cộng sản để hiến dâng cho lí tưởng. Nhà thơ thấy tâm hồn mình như
một thế giới tràn đầy sức sống với muôn hương ngàn sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cây
lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim ca hót. Đối với vườn hoa lá ấy thì còn gì đáng quý hơn ánh
sáng mặt trời? Đối với tâm hồn người thanh niên đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” thì còn gì
đáng quý hơn khi có một lí tưởng cao đẹp soi sáng, dẫn dắt.
- Tố Hữu sung sướng đón nhận lí tưởng như cỏ cây hoa lá đón ánh ánh sáng mặt trời. Chính lí
tưởng cộng sản đã làm tâm hồn nhà thơ tràn đầy sức sống, niềm yêu đời, yêu cuộc sống, làm cho
cuộc đời có ý nghĩa hơn.
Lí tưởng cộng sản đã mang tới niềm vui cho cuộc đời và khai sáng cho hồn thơ Tố Hữu.
Như vậy cách mạng không đối lập với nghệ thuật, trái lại đã khơi dậy một sức sống mới,
đem lại một nguồn cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ Tố Hữu. Bởi nhà thơ cách mạng là
sáng tác phục vụ cho sự nghiệp cách mạng như Sóng Hồng đã từng viết: "Lấy cán bút làm đòn
xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền", hay Hồ Chí Minh cũng đã viết: "Nay ở
trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong".
2. Khổ thơ thứ hai biểu hiện những nhận thức mới về lẽ sống:
“Tôi buộc hồn tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi,
Để hồn tôi với bao hồn khổ,
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”
- Trong quan niệm về lẽ sống, giai cấp tư sản và tiểu tư sản có phần đề cao cái “tôi” cá nhân chủ
nghĩa. Khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu khẳng định quan niệm mới về lẽ sống của ông là
sự gắn bó hài hòa giữa cái “tôi” cá nhân và “cái ta” chung của mọi người.
+ Với động từ “buộc” chỉ hành động thắt chặt, gắn mình với mọi người, thể hiện ý thức tự
nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của “cái tôi” cá nhân để
sống chan hòa với mọi người “trăm nơi”- hoán dụ chỉ con người sống ở khắp mọi nơi.
+ Với từ ‘trang trải” cho thấy tâm hồn nhà thơ trải rộng với cuộc đời, tạo ra khả năng đồng cảm
sâu xa với những kiếp người cùng khổ.
- Hai câu thơ sau cho thấy tình yêu thương con người của Tố Hữu là tình cảm hữu ái giai cấp.
+ Câu ba khẳng định trong mối liên hệ với mọi người nói chung, nhà thơ đặc biệt quan tâm đến
quần chúng lao khổ.
+ Ở câu bốn, “khối đời” là một ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ, đoàn
kết chặt chẽ với nhau cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung. Có thể hiểu : khi “cái tôi” chan hòa
trong “cái ta”, khi cá nhân hòa mình vào một tập thể cùng lí tưởng thì sức mạnh sẽ nhân lên gấp
bội “mạnh khối đời”- đó là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.
Tóm lại, Tố Hữu đã đặt mình giữa dòng đời và trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao
khổ, ở đấy nhà thơ đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới. Nhà thơ khẳng định mối liên hệ sâu
sắc giữa nghệ thuật và cuộc sống.
3.Khổ thơ cuối cho thấy sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của Tố Hữu:
“Tôi đã là con của vạn nhà,
Là em của vạn kiếp phôi pha,
Là anh của vạn đầu em nhỏ,
Không áo cơm cù bất cù bơ.”
- Trước khi được giác ngộ lí tưởng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Lí tưởng cộng sản
không chỉ giúp nhà thơ có được lẽ sống mới mà còn vượt qua tình cảm ích kỷ, hẹp hòi của giai
cấp tiểu tư sản để có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ. Hơn thế, đó còn là tình
cảm thân yêu ruột thịt giữa những người cùng trong một đất nước, những người lao động thống
khổ cùng đoàn kết đứng lên đấu tranh.
- Những điệp từ “là” cùng với các từ “con, em, anh”(từ chỉ quan hệ ruột thịt) và số từ ước lệ
“vạn” (chỉ số lượng đông đảo), nhằm nhấn mạnh, khẳng định tình cảm gia đình ruột thịt thật
đầm ấm, thân thiết. “Tôi” – nhà thơ đã đặt mình và cảm nhận sâu sắc mình là một thành viên
của đại gia đình quần chúng lao khổ. Cách gọi quần chúng là “kiếp phôi pha” – chỉ những
người lao động vất vả, thường xuyên dãi nắng dầm mưa để kiếm sống; là “vạn đầu em nhỏ,
không áo cơm cù bất cù bơ” – chỉ những em bé không nơi nương tựa, phải sống lang thang vất
vưởng nay đây mai đó, đã cho thấy tấm lòng đồng cảm, xót thương chân thành của nhà thơ,
đồng thời cũng thấy được lòng căm giận của nhà thơ trước bao bất công, ngang trái của
cuộc đời cũ. Chính vì những kiếp người “phôi pha”, những em bé “không áo cơm cù bất cù bơ”
âý mà Tố Hữu sẽ hăng say hoạt động cách mạng- ý thức trách nhiệm của công dân được giác ngộ
cách mạng . Những quần chúng lao khổ ấy, họ cũng chính là đối tượng sáng tác trong đời thơ của
Tố Hữu như: đứa bé đi ở trong Đi đi em, ông lão khốn khổ trong Lão đầy tớ, em bé bán bánh
rong trong Một tiếng rao đêm, cô gái giang hồ trong Tiếng hát sông Hương,…
III. TỔNG KẾT: Ghi nhớ SGK
- Bài thơ “Từ ấy” tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu, có sự kết hợp hài hòa
giữa trữ tình và chính trị; các thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, so sánh; ngôn ngữ giàu nhạc điệu
và giọng thơ sảng khoái, nhịp điệu thơ hăm hở. Bài thơ đã thể hiện được một cách sâu sắc,
tinh tế sự thay đổi nhận thức, tư tưởng, tình cảm của một thanh niên ưu tú khi được giác
ngộ lí tưởng cách mạng và được vinh dự đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng. Từ “Từ
ấy” về sau, Tố Hữu sẽ đấu tranh hết mình cho giai cấp cần lao.
ĐÂY THÔN VĨ DẠ
(Hàn Mặc Tử)
I.TÌM HIỂU CHUNG :
1. Tác giả:
a. Cuộc đời
- Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Sinh ngày 22.09.1912 tại Đồng Hới - Quảng Bình
- 1928 -1930: Học trung học ở Huế
- 1932 -1933: Làm công chức ở Sở Đạc điền Bình Định
- 1934 -1935: Vào Sài Gòn làm báo rồi trở về Quy Nhơn.
- Đến năm 1936, mắc bệnh phong, phải vào trại phong Quy Hòa và mất tại đó vào ngày
11.11.1940.
b. Sự nghiệp
* Bút danh: Hàn Mặc Tử, Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh
* Tác phẩm chính: Gái quê (1936), Thơ điên (1938), Duyên kì ngộ (1939), Chơi giữa mùa trăng
(1940)
* Phong cách thơ:
- Một hồn thơ mãnh liệt nhưng luôn quằn quại, đau đớn, dường như có một cuộc vật lộn và giằng
xé dữ dội giữa linh hồn và thể xác.
- Bên cạnh những vần thơ điên loạn, ma quái, rùng rợn với hai hình tượng chính là “hồn” và
“trăng”; lại xuất hiện những bài thơ hồn nhiên, trong trẻo với hình ảnh sáng đẹp đến lạ thường
(Mùa xuân chín, Đây thôn Vĩ Dạ).
- Thơ ông chịu ảnh hưởng lớn từ thơ ca Pháp: Bút pháp tượng trưng và yếu tố siêu thực
 Qua diện mạo hết sức phức tạp và đầy bí ẩn của thơ Hàn Mặc Tử, ta vẫn thấy được một tài
năng lớn, một tình yêu đến đớn đau hướng về cuộc đời trần thế. Hàn Mặc Tử được xem là một
hiện tượng thơ kì lạ vào bậc nhất của phong trào Thơ mới.
 Hàn Mặc Tử – Một đời thơ bất hạnh
2. Tác phẩm
a. Xuất xứ:
-“Đây thôn vĩ Dạ” lúc đầu có tên là “Ở đây thôn Vĩ Dạ”
- Sáng tác năm 1938, in trong tập “Thơ Điên” (về sau đổi thành “Đau thương”).
b. Hoàn cảnh ra đời:
- Trong thời gian Hàn Mặc Tử sống trong bệnh tật, vật vã với cơn đau ở trại phong Quy Hoà
nhận bức bưu ảnh kèm lời thăm hỏi của Hoàng Cúc gửi tặng.
- Bài thơ được khơi nguồn cảm hứng:
+ Từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử và Hoàng Cúc - người con gái xứ Huế
+ Từ tình yêu, kỉ niệm với xứ Huế – một vùng đất thơ mộng.
 Đây thôn Vĩ Dạ - Một thi phẩm tuyệt tác
II. Đọc hiểu văn bản:
1. Khổ một: Phong cảnh Vĩ Dạ trong tâm tưởng Hàn Mạc Tử
* Câu thơ mở đầu: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”
- Mở đầu câu thơ bằng từ “Sao”: Từ hỏi để truy tìm nguyên nhân anh không về chơi thôn Vĩ.
- Cách dùng từ “về chơi”: gợi sự thân mật, gần gũi; khác với “về thăm” có phần khách sáo
 Câu hỏi tu từ vừa thể hiện lời trách móc nhẹ nhàng của người Vĩ Dạ, lời mời gọi tha thiết của
người Vĩ Dạ; lại vừa là lời tự vấn lòng mình sao không về Vĩ Dạ của nhà thơ.
- Câu thơ thất ngôn nhưng có đến 6 thanh bằng gợi nỗi niềm chơi vơi khao khát, kết thúc bằng 1
thanh trắc gợi sự xốn xang, tiếc nuối day dứt muốn được về thăm thôn Vĩ.
 Mong ước rất đỗi bình thường nhưng lại quá đỗi xa vời với Hà Mặc Tử lúc này.
* Ba câu sau: Vẻ đẹp cảnh vườn và con người Vĩ Dạ
- Câu thơ thứ hai “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”
+ Động từ “nhìn”: để thưởng ngoạn phong cảnh Vĩ Dạ
+ Điệp từ “nắng”: ánh nắng gợi tả không khí ấm áp
+ Hình ảnh “nắng mới lên”: ánh nắng tinh khôi, trong trẻo, trinh nguyên của buổi sớm mai.
+ Hình ảnh “nắng hàng cau”: được gợi tả từ xa, bởi “hàng cau” là loài cây cao nhất trong vườn,
cho nên nó sớm đón được ánh nắng tinh khôi đầu tiên của ngày mới.
 Câu thơ giúp ta cảm nhận được ánh nắng ban mai ấm áp, tươi tắn , trong trẻo, lấp lánh trên
hàng cau vườn nhà nơi Vĩ Dạ
- Câu thơ tiếp theo “ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
+ Từ “mướt quá”: Ngạc nhiên, trầm trồ, khen ngợi, thán phục khi thưởng ngoạn phong cảnh
khu vườn.
+ Tinh tế trong cách dùng từ “mướt” : gợi tả độ mơn mởn, non tươi, mềm mại, mỡ màng của
cảnh vật nơi vườn nhà Vĩ Dạ.
+ Hình ảnh “xanh như ngọc”: So sánh độc đáo -> Sắc xanh trong trẻo, lấp lánh ánh sáng.
+ Từ “ngọc”: gợi cho chúng ta cảm nhận vẻ đẹp nơi vườn nhà xanh tươi mỡ màng rất là quý giá,
phải chăng cây cảnh trong vườn chắc hẳn được đôi bàn tay người Vĩ Dạ chăm sóc chu đáo tươi
tốt tạo nên vẻ đẹp của cấu trúc thẩm mĩ vườn nhà thôn Vĩ.
 Khu vườn đẹp, non tươi, đầy sức sống, quí giá như viên ngọc lớn.
Nhà thơ hoài niệm về những hình ảnh thiên nhiên Vĩ Dạ tuyệt đẹp.
- Câu cuối khổ thơ: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
+ Hình ảnh “ lá trúc che ngang”: thiên nhiên thanh tú, vẻ đẹp mảnh mai rất duyên dáng
+ “mặt chữ điền”: Cách nói ẩn dụ -> vẻ đẹp khuôn mặt cô gái Huế, cũng có thể chính là vẻ đẹp
khuôn mặt của tác giả -> Vẻ đẹp của con người phúc hậu
Nói đến khuôn mặt “mặt chữ điền” thường được hiểu là khuôn mặt đàn ông, còn người phụ nữ
thường được ngợi ca với khuôn mặt trái xoan. Tuy nhiên, trong ca dao miền Trung, “mặt chữ
điền” cũng để chỉ khuôn mặt đẹp phúc hậu, khả ái của người phụ nữ như:
“Mặt má bầu ngó lâu muốn chửi
Mặt chữ điền tiền rưỡi cũng mua”.
Hay câu: “Anh thương em không phải thương bạc thương tiền
Mà anh thương khuôn mặt chữ điền của em”
 Con người xuất hiện với vẻ đẹp: Tình tứ, kín đáo, phúc hậu đằng sau vẻ mảnh mai, thanh tú
của “lá trúc”.
Thiên nhiên và con người hài hòa với nhau trong một vẻ đẹp kín đáo dịu dàng: Thiên
nhiên tươi đẹp thơ mộng, con người thôn Vĩ đôn hậu, dịu dàng, quyến rũ.
 Tâm trạng nhà thơ : đắm say, tha thiết yêu đời.
2.Khổ hai:cảnh sông nước mây trời, hoa lá ngày đêm nơi xứ Huế và tâm trạng ngóng trông
của tác giả.
* Hai câu thơ đầu: khung cảnh thiên nhiên ban ngày xứ Huế:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
- Nghệ thuật: Điệp từ “gió, mây” kết hợp với nhịp thơ 4/3 gợi tả một không gian gió, mây chia
lìa, đôi đường, đôi ngả như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Lẽ thường thì “gió thổi mây bay”, phải
chăng mặc cảm chia lìa đã chia xa cả những thứ vốn không thể chia tách? Có vẻ phi lí về lô- gíc
thực tế, nhưng hợp lí về cảm xúc tâm trạng.
- Hình ảnh “Dòng nước buồn thiu”: nhân hoá con sông thành một sinh thể có tâm trạng để giãi
bày tâm tư của chính mình. Hoá ra không phải “dòng nước buồn thiu” mà chính “thi nhân buồn
thiu”, mà “buồn thiu” - buồn đến tột cùng của cảm xúc.
- Cảnh vật “hoa bắp lay”: chỉ lay động nhẹ khẽ, không đủ để là cho không gian thêm sống động
mà càng tăng sự hiu hắt, se lòng.
Tâm trạng u buồn, cô đơn, dự cảm về sự xa cách, li biệt.
* Hai câu thơ sau, dòng Hương Giang về đêm hiện lên ngập tràn ánh trăng :
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
- “Thuyền ai” đại từ phiếm chỉ “ai” gợi lên bao ngỡ ngàng, bâng khuâng, mơ hồ, vừa quen vừa lạ

- “Sông trăng” ánh trăng rọi xuống mặt nước sông Hương, vừa thực lại vừa ảo, vừa gần lại vừa
xa.
-> Sự kết hợp giữa “thuyền ai” và “sông trăng” đã tạo nên một hình tượng đẹp thi vị, gợi tả vẻ
đẹp lãng mạn, thơ mộng, thân thương của Huế.
- Hình ảnh “Thuyền”, “bến”, “trăng” là những biểu tượng về người con trai, con gái và hạnh
phúc lứa đôi. Trăng là nhân chứng cho đôi lứa nguyện thề “Vầng trăng vằng vặc giữa trời- Đinh
ninh hai miệng một lời song”( Truyện Kiều). Trong ca dao, tình duyên của nam nữ cũng được
giãi bày, ướm hỏi dưới trăng: “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng – Tre non đủ lá đan sàng nên
chăng ?”. Nhưng hình ảnh trăng trong thơ Hàn không chỉ gắn với biểu tượng hạnh phúc mà còn
gắn với nỗi đau quằn quại.
- Chữ “ kịp”=> nhà thơ cảm nhận hiện tại ngắn ngủi-> chạy đua với thời gian cho kịp “tối nay”-
thời gian đã xác định(không phải tối nào khác).
 Câu hỏi tu từ; thuyền có chở trăng về kịp tối nay; hay tình yêu, hạnh phúc có đến kịp với Hàn
Mạc Tử trước quỹ thời gian ngắn ngủi của đời ông không?
Câu hỏi chất chứa bao niềm khắc khoải, sự chờ đợi mỏi mòn tình yêu, hạnh phúc của thi nhân.
Ẩn trong đó có sự mông lung, hồ nghi, thất vọng.
- Bút pháp ảo hóa khiến thiên nhiên thơ mộng, huyền ảo.
 khổ thơ thứ hai vẽ nên bức tranh xứ Huế ảm đạm, nhuốm màu chia lìa, nhưng cũng huyền
ảo, thơ mộng, đồng thời toát lên tâm trạng mặc cảm chia lìa và mong chờ da diết của nhà thơ.
3. Khổ ba: cảnh Huế thơ mộng và tâm trạng hoài nghi
* Câu thơ đầu : Mơ khách đường xa, khách đường xa
- “Khách đường xa” : là người đang sống ở Vĩ Dạ, cũng có thể là chính nhà thơ ? -> điệp ngữ
nhấn mạnh khoảng cách xa xôi, sự cách trở.
- Từ ngữ “mơ” : gợi sự xa xôi, hư ảo
- “Mơ khách đường xa”: mơ tưởng, mong mỏi tha thiết nhưng xa xăm mịt mờ.
-> Nhận vật “Anh” và “Khách” trong hai khổ thơ một và ba đó chính là nhà thơ. Do mặc cảm vì
bệnh nan y, mặc cảm về tình người, Hàn Mặc Tử mãi mãi chỉ là một người khách quá xa xôi!
* Hai câu thơ tiếp:
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
- “Áo em”: áo của người con gái xứ Huế và chắc lẽ là của người ở thôn Vĩ, của người mà tác giả
đã thầm yêu ?
- “Trắng quá nhìn không ra”: Sự mờ nhòa, hòa lẫn giữa tà áo trắng của em với cảnh vật trong
màu trắng tinh khôi
- “Ở đây”: có thể là thôn Vĩ xứ Huế, cũng có thể là thế giới của nhà thơ đang tồn tại, đang từng
giây phút vật vã với căn bệnh bị cách li - đó là thế giới lạnh lẽo, cô đơn mà nhà thơ luôn ngóng
vọng ra ngoài.
- Hình ảnh “sương khói”:
+ Có thể hiểu theo nghĩa thực, xứ Huế nắng nhiều, mưa nhiều nên cũng nhiều sương khói, sương
khói làm tăng thêm vẻ hư ảo, mộng mơ của Huế, nhưng sương và khói đều màu trắng, "áo em"
cũng màu trắng thì chỉ có thể thấy bóng người thấp thoáng, mờ ảo “sương khói mờ nhân ảnh”.
+ Có thể hiểu theo nghĩa bóng, cái sương khói làm mờ cả bóng người ấy phải chăng tượng trưng
cho sự chóng vánh của mối tình chưa hẹn ước, hay tượng trưng cho bao cái huyền hoặc của cuộc
đời đang làm cho tình người trở nên khó hiểu và xa vời?
* Câu thơ cuối : Ai biết tình ai có đậm đà ?
- Câu hỏi tu từ + Đại từ “ai”: biểu hiện chút hoài nghi
+ Nhà thơ không biết tình người xứ Huế có đậm đà hay không, hay cũng mờ ảo, dễ tan như sương khói
+ Người Huế có biết tình cảm của nhà thơ với cảnh Huế, với người Huế hết sức thắm thiết, đậm đà.
 Một niềm yêu tha thiết, kín đáo của thi nhân.
 Cảnh và người xứ Huế thơ mộng
III. Tổng kết: Ghi nhớ SGK

You might also like