You are on page 1of 9

Phùng Phương Linh

MSSV: 31211023413
Môn học: BHXH
Giảng viên: Võ Thành Tâm

CHẾ ĐỘ THAI SẢN TRONG LUẬT BHXH NĂM 2014 TẠI


VIỆT NAM HIỆN NAY
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong xã hội hiện nay, vai trò và vị trí của người phụ nữ nói chung cũng như người lao động
(NLĐ) nữ nói riêng đang ngày càng trở nên quan trọng trong hầu hết ở tất cả những ngành
nghề, lĩnh vực. Theo đó, việc đảm bảo an sinh xã hội hiện nay, đặc biệt là với đối tượng là
nữ giới cần được quan tâm và nhìn nhận nhiều hơn nữa.
Lực lượng lao động nữ hiện nay có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm bù đắp
một phần thu nhập bị giảm hoặc thay thế thu nhập bị mất do ốm đau, bệnh tật, mang thai, tai
nạn lao động, thất nghiệp, tuổi già, đặc biệt là các chính sách, chế độ liên quan đến vấn đề
thai sản, từ đó họ có thể thực hiện cả chức năng lao động lẫn chức năng tái sản xuất sức lao
động cho xã hội một cách tốt nhất.
Việc nghiên cứu về chế độ thai sản tại Việt Nam đang trở nên cấp thiết và quan trọng đối
với cả xã hội và ngành y tế. Ở Việt Nam, pháp luật đã có những quy định, chính sách riêng,
đặc thù cho đối tượng lao động là nữ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của họ, một trong số
đó là chế độ trợ cấp thai sản, Chế độ này là một trong 5 chế độ được thực hiện sớm nhất
trong chính sách BHXH của nước ta từ những buổi đầu hình thành. Việc hiểu rõ về chế độ
thai sản không chỉ giúp cải thiện sức khỏe của phụ nữ mang thai mà còn đóng vai trò quan
trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. Ngoài ra, các quy định về vấn đề này cũng
phần nào hỗ trợ lao động nữ phục hồi sức khỏe, vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế, ổn
định cuộc sống, đảm bảo sức khỏe và trí lực.
Tuy nhiên, các chính sách và các quy định hiện nay vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần phải
tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đặc thù của lao động nữ tại Việt
Nam. Từ những vấn đề nêu trên, tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài “Chế độ thai sản trong Luật
BHXH 2014 tại Việt Nam” để đưa ra một cách nhìn khách quan, toàn diện về chế độ thai
sản trong pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra một số kiến nghị góp phần xây dựng chính sách
hiện nay.
II. LÝ THUYẾT LIÊN QUAN
1. Chế độ thai sản
Chế độ Bảo hiểm thai sản là một phần của hệ thống BHXH, được xây dựng để bảo vệ thu
nhập và giảm chi phí cho NLĐ trong thời kỳ thai sản. Chính sách này không chỉ đảm bảo
sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai và sinh con, mà còn hỗ trợ cho cả NLĐ nam và nữ
trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh và thực hiện các biện pháp hạn chế sinh sản.
2. Chính sách BHXH và các văn bản pháp lý về chế độ thai sản tại Việt Nam
a. Đối tượng áp dụng
Căn cứ khoản 1 điều 2 và điều 30 Luật BHXH năm 2014, đối tượng áp dụng chế độ thai sản
là NLĐ là công dân Việt Nam thuộc các trường hợp sau:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ
xác định thời hạn, HĐLĐ thời vụ hoặc một công việc nhất định từ đủ 3 tháng đến
dưới 12 tháng (bao gồm cả HĐLĐ ký kết giữa NSDLĐ và người đại diện theo pháp
luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động);
- NLĐ có HĐLĐ từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức
cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ,
sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ
yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền
lương.
b. Điều kiện hưởng
Điều 31 Luật BHXH 2014 quy định các trường hợp được hưởng chế độ thai sản bao gồm (i)
lao động nữ sinh con và mang thai, (ii) lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang
thai hộ, (iii) NLĐ nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi, (iv) lao động nữ đặt vòng hoặc NLĐ
dùng biện pháp triệt sản và (v) lao động nam tham gia BHXH có vợ sinh con. Trong đó, lao
động nữ mang thai sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi phải đóng BHXH đủ 6
tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi. Trường hợp lao động nữ
mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở y tế có thẩm quyền thì chỉ cần đóng BHXH
từ đủ 3 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì đủ điều kiện hưởng trợ cấp. Nếu
NLĐ nữ bị thôi việc hoặc chấm dứt HĐLĐ trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi
dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ theo quy định.
Như vậy, quy định này đã hỗ trợ, phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ khi phát hiện
bản thân mang thai mà chưa đóng đủ thời gian BHXH thì có thể bổ sung để được hưởng trợ
cấp khi sinh con.
c. Thời gian hưởng, mức hưởng và thủ tục hưởng
i. Thời gian hưởng
Căn cứ theo quy định Luật BHXH 2014, thời gian hưởng các chế độ thai sản như sau:
- Thời gian hưởng khám thai: Lao động nữ được nghỉ 5 lần để khám thai, mỗi lần 1
ngày, trường hợp cơ sở y tế ở xa hoặc người mang thai có bệnh lý/thai bất thường thì
được nghỉ 2 ngày/lần. Thời gian nghỉ khám thai không bao gồm nghỉ lễ, Tết, nghỉ
hàng tuần.
- Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai
bệnh lý: Lao động nữ được nghỉ việc theo chỉ định cơ sở y tế có thẩm quyền, tối đa
(i) 10 ngày với thai dưới 5 tuần tuổi, (ii) 20 ngày nếu thai từ 5 đến dưới 13 tuần tuổi,
(iii) 40 ngày nếu thai từ 13 đến dưới 25 tuần tuổi và 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi
trở lên, không tính những ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần.
- Thời gian hưởng sinh con:
Lao động nữ sinh con được nghỉ trước và sau sinh con là 6 tháng (tính cả lễ, Tết, nghỉ hàng
tuần), trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì mỗi con được nghỉ thêm 1 tháng. Thời
gian nghỉ hưởng chế độ trước khi sinh con tối đa 2 tháng.
Lao động nam nếu có vợ sinh con thì được nghỉ hưởng (i) 5 ngày nếu vợ sinh thường, (ii) 7
ngày nếu vợ sinh mổ hoặc sinh non dưới 32 tuần tuổi, (iii) 10 ngày nếu vợ sinh đôi, nếu sinh
ba trở lên thì cứ thêm một con thì nghỉ thêm 3 ngày, (iv) 14 ngày nếu vợ sinh đôi trở lên
phải mổ. Thời gian nghỉ được tính trong khoảng 30 ngày sau khi vợ sinh, không tính nghỉ
lễ, Tết, nghỉ hàng tuần.
Nếu sau sinh con mà con dưới 2 tháng tuổi chết thì mẹ được nghỉ 4 tháng kể từ ngày sinh
con, nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ 2 tháng từ ngày con chết,
nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ không quá 6 tháng và không tính vào thời gian nghỉ
việc riêng theo quy định pháp luật về lao động (tính cả lễ, Tết, nghỉ hàng tuần).
Nếu sau sinh mẹ chết mà chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha mẹ đều tham gia BHXH
thì cha hoặc người nuôi dưỡng trực tiếp được nghỉ hưởng chế độ thời gian còn lại của mẹ.
Nếu mẹ có đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì nếu mẹ chết
thì cha hoặc người nuôi dưỡng trực tiếp được nghỉ hưởng đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng không nghỉ việc thì vẫn được hưởng chế
độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ (tính cả lễ, Tết, nghỉ hàng tuần).
- Thời gian hưởng đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai
hộ: Lao động nữ mang thai hộ được hưởng đủ các chế độ đã nêu trên cho đến khi
giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ. Trường hợp thời điểm giao trẻ mà thời
gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì vẫn được nhận trợ cấp đủ 60 ngày
không tính nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế
độ thai sản từ ngày nhận con đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Pháp luật Việt Nam chỉ
chấp nhận hình thức mang thai hộ nhân đạo và có quy định về thủ tục hưởng chế độ
cho lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.
- Thời gian hưởng khi nhận con nuôi: NLĐ được hưởng chế độ thai sản đến khi con
đủ 6 tháng tuổi, trường hợp cả cha và mẹ đều đủ điều kiện nhận trợ cấp thì chỉ 1
người được nghỉ hưởng chế độ.
- Thời gian hưởng khi sử dụng các biện pháp tránh thai: NLĐ được nghỉ theo chỉ
định của cơ sở y tế tối đa (i) 7 ngày đối với lao động nữ đặt vòng, (ii) 15 ngày đối với
NLĐ thực hiện triệt sản (tính cả lễ, Tết, nghỉ hàng tuần).
- Thời gian nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau sinh: lao động nữ sau thời gian
hưởng chế độ sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu hay sau thời gian hưởng chế
độ khi sinh con theo quy định mà sức khỏe còn yếu thì sẽ được nghỉ tối đa 10 ngày
đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên, tối đa 7 ngày đối với lao động nữ
sinh con phải phẫu thuật và 5 ngày đối với các trường hợp khác. Như vậy, điều kiện
để lao động nữ được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sau thai sản là trong vòng 30
ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi.
- Bên cạnh những chế độ nêu trên, lao động nữ sinh con hoặc NLĐ nhận con nuôi dưới
6 tháng tuổi thì được nhận thêm trợ cấp 1 lần (còn gọi là trợ cấp tã lót), trường hợp
chỉ có người cha tham gia BHXH thì cha được nhận phần trợ cấp này.
ii. Mức hưởng
Mức hưởng chế độ thai sản theo quy định pháp luật hiện hành thì mức hưởng một tháng
bằng 100% mức lương bình quân căn cứ đóng BHXH của 6 tháng liền kề. Trường hợp chưa
đóng đủ 6 tháng thì mức hưởng là mức bình quân lương căn cứ đóng BHXH các tháng đã
đóng BHXH.
Về cách tính trợ cấp thai sản, cụ thể như sau:
- Khám thai, nghỉ việc khi vợ sinh con
Lcc đ BHXH 6 t h á ng liề n k ề
TC theo ngày = × 100 % × số ngày nghỉ (Không tính ngày lễ, Tết, nghỉ
24
hàng tuần).
- Sinh con, nhận con nuôi (tính cả lễ, Tết, nghỉ hàng tuần)
TC theo tháng = Lcc đ BHXH 6 t h á ng liề n k ề × 100 % × số ngày nghỉ.
- Sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện tránh thai
Lcc đ BHXH 6 t h á ngli ề n k ề
TC theo ngày = ×100 % × số ngày nghỉ (tính cả lễ, Tết, nghỉ hàng tuần).
30
- Trợ cấp 1 lần (Trợ cấp tã lót)
TC 1 lần = 2 × Lương cơ sở tại thời điểm sinh con/nhận con nuôi.
Theo nghị định 24/2023/NĐ-CP, mức lương cơ sở tính từ ngày 1/7/2023 là 1,8 triệu
đồng/tháng. Như vậy, mức hưởng trợ cấp 1 lần cho mỗi con tại thời điểm từ sau 1/7/2023 sẽ
là 3,6 triệu đồng/tháng/con.
- Dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản:
TC theo ngày = 25% Lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại nhà
TC theo ngày = 40% Lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại cơ sở tập trung
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12 của Thông tư số 59/2015/TT- BLĐTBXH
ngày 29/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, trường hợp lao động nữ đi làm
sớm sau sinh con, trước khi hết thời hạn nghỉ thai sản theo quy định thì cần thỏa 3 điều kiện:
(i) Đã nghỉ ít nhất 4 tháng, (ii) có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền và (iii) được
NSDLĐ đồng ý. Khi đi làm sớm, lao động nữ vẫn được hưởng đủ trợ cấp thai sản cho đến
khi hết thời gian quy định (nhưng vẫn phải đóng BHXH, BHYT).
d. Điểm mới trong luật BHXH 2014 so với luật BHXH 2006 về chế độ thai
sản
Thứ nhất, về đối tượng được áp dụng trợ cấp thai sản, so với Luật BHXH 2006, Luật BHXH
2014 đã mở rộng về đối tượng, bổ sung thêm hai trường hợp là NLĐ làm việc theo HĐLĐ
từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng và người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp
tác xã có hưởng tiền lương. Như vậy, đối tượng đã được bao quát và mở rộng phạm vi hơn,
từ đó hỗ trợ đảm bảo sự bình đẳng đối với đối tượng thuộc diện tham gia và hưởng chế độ
thai sản.
Thứ hai, về các trường hợp được hưởng trợ cấp thai sản, Luật BHXH 2014 đã có những quy
định mới cho việc mang thai hộ và lao động nam có vợ sinh con để đảm bảo việc chăm sóc
cho vợ và con nhỏ. Tuy nhiên, về vấn đề mang thai hộ vẫn chưa có các quy định, văn bản
hướng dẫn cụ thể dẫn đến các bất cập liên quan.
Thứ ba, về mức hưởng trợ cấp chế độ thai sản, mức hưởng trợ cấp đã tăng từ 75% lên 100%
mức lương căn cứ đóng BHXH của NLĐ, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tốt nhất cho các
đối tượng hưởng chế độ khi bị giảm hoặc bị mất thu nhập.
Thứ tư, thay đổi cách tính trợ cấp thai sản theo ngày đối với những trường hợp thời gian
nghỉ tính theo ngày như khám thai, sẩy thai, nạo thai, đặt vòng, triệt sản. Mức trợ cấp một
ngày bằng mức trợ cấp một tháng chia cho 24 ngày giống như ở chế độ ốm đau.
Nhìn chung, so với Luật BHXH 2006, Luật BHXH 2014 đã có những sửa đổi và bổ sung
đáng kể đối với chế độ thai sản, giúp cho những đối tượng hưởng trợ cấp có điều kiện tốt
nhất có thể trong thời kỳ sinh con và nuôi con nhỏ, đảm bảo an sinh xã hội.
III. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ THÁCH THỨC TRONG CHẾ
ĐỘ THAI SẢN TẠI VIỆT NAM
1. Thực trạng tổ chức thực hiện
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2021 Ngành đã giải quyết chế độ và chi trả cho
trên 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức
khỏe. Năm 2022, toàn Ngành đã giải quyết cho gần 11 triệu lượt người hưởng chế độ ốm
đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, tiếp tục tăng so với năm 2021. Trong bối cảnh
khó khăn của dịch bệnh COVID-19, ngành BHXH Việt Nam đã linh hoạt thực hiện các
phương thức giải quyết chế độ và chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho NLĐ. Đồng thời, tăng
cường sử dụng các dịch vụ công, rút ngắn thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ, đẩy mạnh chi
trả các chế độ qua tài khoản ngân hàng.
Chính sách mở rộng quyền lợi của người tham gia BHXH được tăng thêm đồng nghĩa với
việc số tiền chi trả cho NLĐ từ Quỹ BHXH cũng tăng thêm. Tỷ lệ sử dụng quỹ ốm đau, thai
sản có chiều hướng ngày càng tăng cao. Đây là vấn đề đáng báo động, tỷ lệ đóng góp vào
quỹ ốm đau, thai sản không tăng nhưng tỷ lệ chi trả quỹ ốm đau, thai sản ngày càng lớn.
Qua 5 năm từ năm 2016 đến năm 2020, tình hình giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản,
dưỡng sức phục hồi sức khỏe trên toàn quốc có biến động khá lớn, tỷ lệ số giải quyết/số thu
quỹ ốm đau, thai sản trên toàn quốc có xu hướng mất cân đối trong nhiều năm.
Nhìn chung, công tác tổ chức thực hiện chế độ thai sản được nhiều ban, ngành phối hợp chỉ
đạo, kiểm tra, hậu kiểm một cách rõ ràng, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vấn đề, hạn chế,
vướng mắc cần được cải thiện và bổ sung.
2. Thách thức
Trong quá trình thực hiện công tác thai sản, vẫn còn tồn tại một số vấn đề, thách thức như:
Thứ nhất, còn diễn ra tình trạng trục lợi quỹ ốm đau, thai sản. NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận
chỉ đóng 6 tháng BHXH hoặc tăng mức đóng BHXH trong thời gian 6 tháng trước sinh con
để hưởng trợ cấp thai sản cao hơn. Ngoài ra, một số trường hợp NLĐ sử dụng các chứng từ
giả, hoặc được các cơ sở y tế cấp khống (không thực tế đi khám chữa bệnh) để thanh toán
chế độ và một số trường hợp khác.
Thứ hai, còn tồn tại việc chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH bắt buộc, dẫn
đến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng đáng kể, đồng thời gây thất thoát quỹ.
Thứ ba, về công tác tổ chức thực hiện, chỉ đạo, kiểm tra, hậu kiểm trong việc giải quyết chế
độ, nhiều địa phương, cơ quan vẫn còn chưa đồng nhất, thủ tục còn rườm rà, ảnh hưởng đến
NLĐ và NSDLĐ.
IV. KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở những hạn chế trong các quy định của luật pháp về chế độ bảo hiểm thai sản cho
NLĐ, tôi đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi luật về
bảo hiểm thai sản trong thực tế như sau:
Đầu tiên, việc hoàn thiện luật bảo hiểm thai sản cần phải tuân thủ quan điểm nhất quán của
Đảng và Nhà nước về chính sách BHXH nói chung và phải phù hợp với các quy định của
BHXH bắt buộc theo tinh thần đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX. Ngoài ra, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày
22/11/2012 của Bộ Chính trị cũng cần được thực hiện để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.
Thứ hai, cần mở rộng phạm vi áp dụng chế độ bảo hiểm thai sản để bảo vệ quyền lợi của
NLĐ. Hiện nay, các đối tượng được áp dụng chế độ bảo hiểm thai sản vẫn bị hạn chế bởi
quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân NLĐ. Đồng thời, cần bổ sung quy
định cho phép lao động nữ chuyển công việc khi mang thai nếu cần.
Thứ ba, cần thay đổi quy định để cho phép lao động nữ nghỉ khám thai 9 lần (mỗi tháng một
lần) trong suốt thời kỳ thai kỳ. Ngoài ra, cần quy định về BHXH cho lao động nữ khám thai
ngoài giờ làm việc.
Thứ tư, Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng lao động nữ mang thai để bù đắp
những bất lợi mà họ phải đối mặt.
Thứ năm, cần mở rộng chế độ BHXH tự nguyện, đặc biệt là chế độ thai sản, với nhiều mức
phí đóng bảo hiểm khác nhau để đảm bảo cho lao động nữ làm việc ở khu vực phi chính
thức.
Thứ sáu, cần tuyên truyền, giáo dục để NLĐ nữ hiểu rõ quyền lợi của mình, đặc biệt là
quyền được bảo vệ và ưu tiên khi mang thai.
V. KẾT LUẬN
Chính sách bảo hiểm thai sản và các chính sách xã hội đối với lao động nữ đã được thiết kế
để hỗ trợ phụ nữ vừa có thể thực hiện vai trò làm mẹ một cách tốt nhất, vừa có thể tham gia
vào công việc xã hội một cách hiệu quả. Việc triển khai chế độ bảo hiểm thai sản trong
những năm qua đã giúp hàng triệu người, đặc biệt là phụ nữ lao động, giải quyết các vấn đề
liên quan đến cuộc sống và chăm sóc cho thai nhi, trẻ nhỏ... Tuy nhiên, trong quá trình thực
hiện, chính sách BHXH về thai sản đã phát sinh một số hạn chế do nhiều nguyên nhân khác
nhau. Do đó, trong tương lai, cần tập trung vào việc hoàn thiện pháp luật và các hoạt động
khác như tuyên truyền để nâng cao nhận thức về pháp luật liên quan đến thai sản, cũng như
tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra... để cải thiện hiệu quả của chính sách bảo hiểm thai
sản trong xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. Văn bản pháp luật
1. Luật BHXH 2014 số 58/2014/QH13
2. Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên
chức và lực lượng vũ trang
3. Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật BHXH về BHXH bắt buộc do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội ban hành
B. Danh mục tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Tiến Dũng (2020), Sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo hiểm thai sản.
2. Nguyễn, T. L. H. (2013). Pháp luật về BHXH đối với lao động nữ ở Việt Nam hiện nay.
3. ThS. Bùi Thị Kim Loan (2022). ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH VÀ TỔ
CHỨC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU, THAI SẢN Ở VIỆT NAM.
4. ThS.Nguyễn Xuân Tiệp (2022). Vai trò và thực trạng của chế độ trợ cấp thai sản ở Việt
Nam. Tạp chí BHXH.

You might also like