You are on page 1of 4

4.

Ảnh hưởng của môi trường tự nhiên đến hoạt động marketing của sản phẩm
mì tôm Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam.
4.1. Sự ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đến hoạt động marketing sản phẩm mì
tôm Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam
4.1.1. Khí hậu.
Nhắc tới điều kiện tự nhiên, điều đầu tiên phải kể đến là khí hậu. Việt Nam có khí hậu
đa dạng do sự phân chia địa hình từ Bắc vào Nam. Thời tiết từng khu vực có thể ảnh
hưởng đến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm mì tôm. Trong những ngày nóng, một số
người tiêu dùng có thể có nhu cầu cao hơn cho các sản phẩm nhanh chóng và thuận
tiện như mì tôm, còn trong những ngày lạnh, nhu cầu có thể giảm đi. Hoặc ngược lại
khi đồ ăn nóng như mỳ tôm sẽ hợp một số người tiêu dùng trong thời tiết lạnh. Cụ thể
hơn, mỗi năm nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam tăng đến 0.7°C, từ đó hoạt động
marketing cho sản phẩm mỳ tôm Hảo Hảo có thể lựa chọn nhóm người tiêu dùng theo
từng nhu cầu để đẩy mạnh chiến dịch.
4.1.2. Địa lý.
Địa lý tự nhiên của Việt Nam cũng tương đối đa dạng, trải dài từ núi cao đến đồng
bằng khiến cho sự phân bố về mùa màng, phân phối và ảnh hưởng từ thiên tai cũng
khác nhau.
Các sự kiện như bão, lụt lớn, hoặc động đất có thể gây ra thiệt hại cho các kênh
phân phối và sản xuất mì tôm. Vào năm 2020, thiên tai được đánh giá là rất nhiều yếu
tố bất thường, có đến 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49
tỉnh, thành phố; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ
ngày 6 đến 22-10 tại khu vực Trung bộ. Đặc biệt, suốt nửa tháng 10/2020, ngày nào ở
miền Trung cũng xuất hiện lượng mưa hơn mức trung bình 100-200%, thậm trí 300-
400%. Điều này có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung cấp đến các tỉnh miền núi và
tăng giá cả khi chi phí và lượng nhân sự cần để vận chuyển tăng cao, làm thay đổi nhu
cầu và cách tiếp cận marketing.
Các loại hình thiên tai liên tục xuất hiện tại Việt Nam ảnh hưởng đến người và tài
sản, cụ thể hơn là đến nền kinh tế khi các mùa vụ bị gián đoạn. Thay đổi theo mùa vụ
cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cần thiết cho sản xuất mì tôm khi các
nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất không thể đáp ứng đủ số lượng cần thiết.
Ngoài ra, các vùng miền khác nhau có thể có điều kiện tự nhiên khác nhau, điều
này có thể tạo ra sự biến động trong việc tiếp cận thị trường và yêu cầu phân phối.
Một khu vực có nhiều ngày mưa nhiều hoặc có mùa lũ có thể tạo điều kiện thuận lợi
cho việc tiêu thụ mì tôm – một sản phẩm ăn liền tiện lợi trong thời gian chế biến và
tiêu thụ.
Bên cạnh đó, nhờ vị trí địa lý thuân lợi nằm trên ngã tư đường hàng hải, hàng
không quốc tế, với các tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Á tạo điều kiện giao lưu với
các nước trong khu vực và thế giới, Acecook dễ dàng thông thương với các đối tác
trên toàn quốc và các nước trên thế giới bằng nhiều loại hình giao thông.
4.2. Sự ảnh hưởng của tài nguyên thiên nhiên đến hoạt động marketing sản
phẩm mì tôm Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam.
Tài nguyên thiên nhiên có vai trò quan trọng đối với sản phẩm mỳ gói từ nhiều
khía cạnh khác nhau, từ nguyên liệu chính cho một gói mỳ đến nguyên liệu trong quá
trình sản xuất.
Đối với nguyên liệu chính, mỳ gói được sản xuất từ ngũ cốc như bột mì, bột gạo,
bột ngô... Tài nguyên thiên nhiên được sử dụng để sản xuất các loại ngũ cốc này như
đất, nước và các phân bón hóa học.
Trong các khâu sản xuất, đóng gói và vận chuyển mỳ gói đều đòi hỏi một lượng lớn
năng lượng từ các nguồn nguyên liệu thiên nhiên như than đá, dầu mỏ... Việc này đòi hỏi
phải biết sử dụng nguồn tài nguyên đúng cách để giảm thiểu lượng khí thải và khí nhà
kính gây hại cho môi trường. Trong đó, bao bì sản phẩm mỳ gói thường được sản xuất từ
chất liệu như nhựa, giấy... Những chất liệu này thường có nguồn gốc từ tài nguyên thiên
nhiên như cây cỏ, dầu mỏ.

Bên cạnh đấy, nước cũng là là nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình sản xuất
mỳ tôm Hảo Hảo. Sử dụng lượng lớn nước trong quá trình sản xuất mỳ gói có thể gây ra
tác động tiêu cực đến nguồn nước và môi trường nước xung quanh khu vực sản xuất.

Tài nguyên thiên nhiên không chỉ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất mì tôm mà còn
đến cách tiếp cận của doanh nghiệp trong marketing sản phẩm, từ cung cấp nguyên liệu
đến chiến lược thương hiệu và tiếp thị khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến
nguồn gốc của sản phẩm và ảnh hưởng của chúng đối với môi trường và sức khỏe. Do đó,
việc tập trung vào các chiến lược marketing nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề này
có thể giúp tăng cường uy tín và tiếp thị hiệu quả cho sản phẩm mì tôm.

4.3. Ô nhiễm môi trường và sự cạn kiệt tài nguyên ảnh hưởng đến hoạt động
marketing sản phẩm mì tôm Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam.
4.3.1. Số liệu thống kê.
Hiện nay, mức độ ô nhiễm môi trường của Việt Nam đang ngày càng tăng cao do ảnh
hưởng của các nguồn gây ô nhiễm như xe cộ, công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng.
Các tình hình ô nhiễm nghiêm trọng nhất hiện nay ở Việt Nam bao gồm ô nhiễm không
khí, ô nhiễm nước và ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở
nước ta là 25 triệu tấn. Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90%,
còn ở TP.HCM là xấp xỉ 70%. Trong đó, lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng
8-12%. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm, gây ô nhiễm môi
trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Nước thải đô thị là góp phần lớn nhất đối với ô nhiễm nguồn nước, với chỉ 12,5%
nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào môi trường. Tại thành phố Hà Nội và Hồ
Chí Minh, lượng nước thải sinh hoạt xả vào môi trường lên tới khoảng 700.000 – 900.000
m3/ngày.
Về vấn đề ô nhiễm không khí, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 36 trong tổng 177 quốc
gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu. Theo thống kê của Iqair, nồng độ bụi mịn
PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo. Theo ước tính
của Viện nghiên cứu ảnh hưởng sức khỏe, cứ 10 người có 9 người hít thở không khí có
chứa bụi PM2.5 với nồng độ cao hơn 10 µg/m3. Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng
báo động và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của con người khi ở Hà Nội, chất lượng
không khí có thể gây khó thở và giảm tầm nhìn và hơn 1.300 người ở TP Hồ Chí Minh tử
vong mỗi năm gây ra do sự ô nhiễm không khí.
4.3.2. Mức độ ảnh hưởng.
Với mức độ ô nhiễm môi trường như vậy, hình ảnh thương hiệu và uy tín trong hoạt
động marketing có thể bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong trường họp sản phẩm mỳ tôm Hảo
Hảo được sản xuất hoặc đóng gói theo phương thức gây ô nhiễm môi trường, hình ảnh
thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đấy, các quy định và luật pháp liên
quan đến bảo vệ môi trường có thể ngày càng nghiêm ngặt. Điều này có thể đặt ra các
yêu cầu về sản xuất và đóng gói mỳ gói, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và marketing.
Bên cạnh đấy, nếu có các sản phẩm mỳ gói khác trên thị trường được quảng cáo là thân
thiện với môi trường hơn, sản phẩm mỳ tôm Hảo Hảo của Acecook có thể đẩy mạnh sự
cạnh tranh. Điều này đặt ra thách thức cho hoạt động marketing trong việc phát triển và
tiếp thị sản phẩm mỳ gói để cạnh tranh với các sản phẩm có uy tín môi trường cao.
Người tiêu dùng ngày càng nhận thức cao hơn về vấn đề môi trường. Họ có thể chọn
các sản phẩm được xem là "hữu cơ", "công bằng", hoặc "không gây hại môi trường" thay
vì các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường. Điều này có thể là một thách thức cho việc tiếp
thị sản phẩm mỳ gói truyền thống nếu nó không tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi
trường.
4.4. Sự can thiệp của chính phủ trong việc bảo quản tài nguyên thiên nhiên ảnh
hưởng đến hoạt động marketing sản phẩm mì tôm Hảo Hảo của Công ty cổ phần
Acecook Việt Nam.
Sự can thiệp của chính phủ vào vấn đề ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến
marketing cho sản phẩm mỳ tôm Hảo Hảo theo nhiều cách.

Đối với quy định về tiêu chuẩn sản xuất, chính phủ có thể áp đặt các tiêu chuẩn
nghiêm ngặt về quản lý môi trường và ô nhiễm không khí đối với các nhà sản xuất mỳ
gói. Điều này có thể bao gồm việc yêu cầu sử dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn,
sử dụng nguyên liệu ít gây ô nhiễm hoặc thúc đẩy các biện pháp tái chế và tái sử dụng
trong quá trình sản xuất. Đồng thời các nhà máy sản xuất mỳ gói cũng được khuyến
khích tạo ra các sản phẩm “xanh” hơn và chính phủ có thể tăng cường quản lý và kiểm
soát chất lượng sản phẩm, bao gồm cả việc kiểm tra mức độ ô nhiễm của sản phẩm mỳ
gói. Việc này có thể tạo ra cơ hội marketing cho nhãn hàng mì tôm Hảo Hảo nếu họ có
thể thể hiện cam kết của mình đối với bảo vệ môi trường thông qua chiến lược quảng bá
sản phẩm.

Nguồn: https://cecr.vn/thuc-trang-o-nhiem-rac-thai-va-o-nhiem-nguon-nuoc-tai-viet-nam/
https://systemfan.vn/thuc-trang-o-nhiem-khong-khi-tai-viet-nam
https://www.monre.gov.vn/Pages/thien-tai-bat-thuong,-gay-thiet-hai-lon.aspx

You might also like