You are on page 1of 9

ĐẶC TÍNH CỦA HỘI THÁNH (khai triển giáo lý)

Bất cứ tổ chức trần thế nào cũng cần có một cơ cấu, một tổ chức cụ thể và cần có mối
liên hệ sâu sắc trong nội bộ tổ chức mình. Giáo hội Công giáo không chỉ là một cơ cấu như
vậy, bởi chưng Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì thế, Giáo Hội còn mang
một chiều kích sâu xa hơn nữa trong chính mình đó là ân sủng cưu mang trong lòng Giáo hội
ấy. Giáo hội vừa là hữu hình nhưng đồng thời cũng là vô hình. Hơn thế nữa, Giáo hội cũng là
hình ảnh của Thiên Chúa và nối dài hành động của Thiên Chúa nơi cuộc sống trần thế. Chúng
ta nói nối dài ở đây vì chính Thiên Chúa đã hành động trong suốt dòng lịch sử cứu độ của nhân
loại qua dân tộc được tuyển chọn (dân tộc Do Thái), hơn thế nữa, chính Đức Giêsu Kitô - Ngôi
Lời Thiên Chúa đã làm người để có thể ở với con người, Ngài hành động và sống như một con
người; Ngài về trời và hiện diện trong thế giới qua Giáo hội. Giáo hội hằng ngày vẫn tiếp tục
hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống mình qua các bí tích, qua việc cử hành các nghi lễ
phụng vụ và cả bằng chính mọi hoạt động của mình nữa. Bởi vậy, Giáo hội mỗi ngày cần nhìn
lại căn tính của chính mình để không lạc xa nhiệm vụ ban phát các hành động của Thiên Chúa
trong đời sống hiện tại. Giáo hội được Đức Giêsu thiết lập sống động cách hữu hiệu và liên tục
không gián đoạn trong lịch sử nhân loại; bên cạnh đó, Giáo hội với bốn đặc tính: duy nhất,
thánh thiện, công giáo và tông truyền, nói lên ý nghĩa sâu sắc của chính Giáo hội. Bởi chưng,
cùng với thời gian, các đặc tính của Giáo hội vẫn được củng cố và khơi lại để Giáo hội không
đánh mất chính mình. Trong bài này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về bốn đặc tính này của
Giáo hội, để nhờ việc hiểu biết hơn về các đặc tính ấy, chúng ta sống các chức năng của Hội
Thánh trong vai trò của một thành phần trong Giáo hội mầu nhiệm ấy.
1. Hội Thánh duy nhất
Trong đời sống hôm nay, chúng ta nghe về rất nhiều Giáo hội khác nhau: Giáo hội Phật
giáo, Giáo hội Tin Lành, Giáo hội Chính Thống, Giáo hội Công Giáo… Như thế phải chăng
không có một Giáo hội duy nhất mà có rất nhiều giáo hội đó đây quanh ta. Nhưng chúng ta nói
Giáo hội Công giáo là Hội Thánh duy nhất, vậy điều đó có ý nghĩa gì? Duy nhất ở đây là một
đặc tính hay một yếu tính của Hội Thánh chứ không nhằm nói lên tính độc tôn Giáo hội của
mình.
Đặc tính duy nhất của Giáo hội Công giáo được thể hiện như một đặc tính cốt yếu vì
những nền tảng đặc trưng của Giáo hội. Bởi chưng, Giáo hội được biết đến không chỉ ở chiều
kích hữu hình với cơ cấu phẩm trật bền chặt, nhưng còn là ở phẩm tính vô hình đến từ chính
Thiên Chúa. Nhưng bởi đâu Giáo hội có phẩm tính vô hình của Thiên Chúa nếu không phải
được đặt nền tảng và bắt nguồn từ nguồn mạch là chính Thiên Chúa. Như vậy, yếu tố đầu tiên
của tính duy nhất này nằm trong nguồn gốc của Giáo hội. Giáo hội được đặt nền tảng trong
Thiên Chúa và phát xuất từ Thiên Chúa. Kinh Thánh nói về việc Đức Kitô quy tụ nhóm các
môn đệ quanh mình như một nhóm cộng đoàn các tín hữu đầu tiên. Cộng đoàn những người
tin ấy tiếp tục lớn mạnh và được củng cố trong sự dẫn dắt của Ngài nhờ lời giảng dạy và việc
1
làm tông đồ mà Ngài thực hiện trên cuộc đời của họ. Khi sứ mạng trần thế của Ngài hoàn tất,
trong ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần được trao ban trong cộng đoàn môn đệ ấy khiến họ
quy tụ và mạnh dạn sống căn tính Kitô hữu của mình trong việc rao truyền và làm chứng. Như
vậy, chính Thiên Chúa đã quy tụ và củng cố Giáo hội trong buổi ban đầu nhằm làm cho Giáo
hội ý thức về nguồn gốc của chính mình, họ bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Nguồn gốc ấy
được củng cố bằng việc Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa tiếp tục hướng dẫn Giáo hội và ở
cùng Giáo hội ấy trong sứ vụ của mình. Nhưng sứ vụ Giáo hội là gì nếu không phải là cưu
mang những người con của mình để đưa họ về cùng Thiên Chúa là Cha và là Đấng Tạo hóa.
Như thế, nguồn gốc Giáo hội bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, được hướng dẫn bởi Thiên Chúa
và quy hướng về chính Ngài. Vì vậy, đặc tính duy nhất được đảm bảo ngay trong căn tính của
Giáo hội, vì Giáo hội ấy trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần.
Nhờ nền tảng hay Giáo hội bắt nguồn từ một nguồn mạch duy nhất là chính Thiên Chúa, đặc
tính duy nhất của Giáo hội được thể hiện như dấu chỉ của Thiên Chúa duy nhất trong xã hội.
Bởi nguồn gốc của Giáo hội là chính Thiên Chúa nên Giáo hội cũng được lãnh nhận một
giáo huấn duy nhất đến từ Thiên Chúa; bởi đó, Giáo hội lưu truyền cho con người một giáo
huấn duy nhất ấy. Đặc tính duy nhất của Giáo hội cũng bao gồm việc duy nhất của một giáo
huấn được giảng dạy trong lòng Giáo hội. Nhưng giáo huấn của Giáo hội là gì và được rao
truyền như thế nào? Thánh Phao lô Tông đồ khẳng định về giáo huấn được rao truyền là một
giáo huấn về Đức Kitô bị đóng đinh, chịu chết và đã phục sinh để ban ơn cứu độ cho con
người mọi thời đại. Vì thế, giáo huấn của Giáo hội hai mươi thế kỷ qua vẫn không thay đổi và
rao truyền về một Đức Kitô chịu khổ hình như thế. Hơn thế nữa, Giáo hội tin vào Thiên Chúa
duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần, một vị Thiên Chúa duy nhất được mạc khải qua Đức
Giêsu Kitô - Con Thiên Chúa làm người. Bởi Thiên Chúa đã mạc khải về chính Ngài trong
suốt chiều dài lịch sử qua các ngôn sứ của Ngài, nhưng thật vậy, Đức Kitô là Thiên Chúa đã
mạc khải cho ta cách trọn vẹn về Thiên Chúa, đồng thời Ngài đã tỏ lộ cho ta thấy hình ảnh một
Thiên Chúa là Cha yêu thương đến tận cùng, một tình yêu sẵn sàng hiến thân cho người mình
yêu. Bởi đó, Giáo hội rao truyền giáo huấn về một Thiên Chúa là Tình yêu cho nhân loại mọi
thời đại. Giáo lý của Giáo hội đặt nền tảng trong tình yêu của Thiên Chúa với con người và
tình yêu của con người đối với nhau; vì vậy, giáo huấn của Giáo hội được truyền dạy để nói
cho mọi người biết về Thiên Chúa là ai, Thiên Chúa được tôn thờ là Đấng nào và nói cho mọi
người biết cách thức sống với nhau để được hoàn thiện như Thiên Chúa.
Giáo hội bao bọc trong lòng mình những con người muốn lành thánh và truyền cho họ
niềm tin sâu xa của chính Giáo hội. Vì một giáo huấn được truyền giảng duy nhất trong lòng
Giáo hội được xây dựng trên nền tảng là mạc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, nhờ
giáo huấn duy nhất về một Đức Kitô khổ nạn và phục sinh, bởi đó, người tín hữu cũng mang
trong mình một niềm tin duy nhất. Tính duy nhất của niềm tin Kitô ấy cũng làm nên một Giáo
hội duy nhất. Bởi chưng Giáo hội là gì nếu không phải bao gồm những con người tin vào
Thiên Chúa, Giáo hội không phải chỉ là những vật sự hay những gia sản cao quý, nhưng Giáo
2
hội phải là những con người tin, những con người sinh động và hiện hữu. Bởi đức tin có chiều
kích cá nhân của từng người nhưng hơn thế nữa, đức tin còn mang chiều kích của cộng đoàn
Giáo hội nữa. Bởi vậy, vì cưu mang nơi mình một niềm tin duy nhất vào Thiên Chúa duy nhất
là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, tin vào Thiên Chúa được mạc khải qua Đức
Giêsu Kitô mà Giáo hội củng cố đặc tính duy nhất nơi mình cách toàn hảo.
Nhưng đặc tính duy nhất của Giáo hội còn được thể hiện trong sự hiệp nhất của mọi
thành phần trong lòng Giáo hội ấy. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi gợi nhớ chúng ta đến sự
hiệp nhất của cộng đồng các ngôi vị thần linh. Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần luôn hiệp
nhất với nhau với mối tương quan các ngôi vị trong một bản thể Thiên Chúa duy nhất. Bởi
vậy, Giáo hội cũng noi theo sự hiệp nhất của Thiên Chúa trong vai trò họa lại hình ảnh của
Thiên Chúa nơi trần thế. Thiên Chúa là khuôn mẫu của sự hiệp nhất, bởi đó Giáo hội cũng
kiếm tìm và bảo tồn sự hiệp nhất nơi chính mình. Sự hiệp nhất của Giáo hội chỉ có thể có được
khi chính những thành phần của Giáo hội là mỗi người chúng ta biết xây dựng tình hiệp nhất
ấy. Nhưng sự hiệp nhất ở đây là gì nếu không phải là hiệp nhất hướng lên chiều cao với Thiên
Chúa, hướng chiều ngang với mọi người trong lòng Giáo hội. Để có được sự hiệp nhất đó, mỗi
người tín hữu phải xây dựng đời sống cộng đoàn hầu có thể thông hiệp với nhau trong một
Giáo hội duy nhất. Sự hiệp nhất của Giáo hội không có nghĩa là làm cho người khác và mọi
người một khuôn đúc để mọi người đều giống nhau, nhưng sự hiệp nhất trong lòng Giáo hội
luôn tôn trọng sự khác biệt của từng con người, hay hiệp nhất trong chính sự đa dạng của từng
thành viên trong gia đình Giáo hội. Bởi con người có một món quà đến từ chính Thiên Chúa là
tự do, bởi đó tự do làm cho mỗi người khác nhau nhưng chính trong sự khác biệt nơi mỗi
người cần được kết hiệp với nhau trong yêu thương, và nối kết trở thành một Giáo hội phong
phú và đa dạng của những con người tự do trong Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Giáo hội hiệp nhất
luôn bao gồm yếu tố hiệp thông của những thành phần trong Giáo hội của mình. Thành phần ở
đây chúng ta muốn nói đến các thành phần trong Giáo hội: Giáo hội khải hoàn là thành phần
những con người lành thánh đang được chiêm ngắm Thánh nhan Thiên Chúa nơi Thiên quốc;
thành phần Giáo hội thanh luyện là những con người đã qua đời còn phải được thanh luyện
trong lòng yêu mến Thiên Chúa ở luyện tội; thành phần Giáo hội lữ hành hay Giáo hội tại thế
chính là những con người đang sống trong cuộc lữ hành trần thế là mỗi người chúng ta đang
sống. Cả ba thành phần Hội thánh ấy hiệp thông với nhau các trọn vẹn trong mầu nhiệm các
thánh cùng thông công. Bởi chưng, Giáo hội thanh luyện trông chờ những con người tại thế
cầu nguyện và trông chờ những lời chuyển cầu của các thánh nơi Giáo hội khải hoàn lên Thiên
Chúa, hầu họ có thể lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa. Như thế, nhờ sự hiệp nhất trọn vẹn
giữa các thành phần trong Giáo hội, Giáo hội tạo nên một sự thống nhất trọn vẹn, một sự duy
nhất noi theo chính nguồn mạch của mình là Thiên Chúa duy nhất.
2. Hội Thánh thánh thiện

3
Đặc tính thánh thiện của Hội Thánh bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, bởi chưng Giáo hội
được chính Đức Kitô thiết lập và Giáo hội chính là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô - là
Thiên Chúa. Chính vì thế, Giáo hội mang trong mình sự thánh thiện của chính Thiên Chúa.
Thiên Chúa được tuyên xưng trong phẩm tính của Ngài là yêu thương, thánh thiện. Bởi vì,
Thiên Chúa là tình yêu và không là gì khác ngoài tình yêu, cho nên tình yêu Thiên Chúa cũng
cư ngụ trong chính Giáo hội của Ngài. Giáo hội ấy cũng được thánh hóa trong tình yêu của
Thiên Chúa để được trở nên tinh tuyền, thánh thiện. Vì là thân thể của Đức Kitô, Giáo hội
cũng san chia sự thánh thiện của Ngài, Đức Kitô là Thiên Chúa vì thế nơi Ngài luôn là Thánh
thiện, toàn hảo. Sự thánh thiện nơi Thiên Chúa thể hiện trong việc quyền lực của ác thần không
thể áp đặt được trên Ngài, nói một cách khác Thiên Chúa không bao giờ phạm tội. Chúa Kitô
trong cuộc đời trần thế đã thể hiện sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi chính mình Ngài. Hình
ảnh Đức Giêsu trừ quỷ, tha thứ tội lỗi cho con người nói lên Ngài vượt trên mọi thần dữ và sự
nhơ uế của tội lỗi, nhưng luôn thánh thiện và lấy sự thánh thiện của mình mà thánh hóa mọi
người nên trong sạch cho Thiên Chúa. Bởi đó, Giáo hội là thân thể của Đức Kitô cũng mang
trong mình sự thánh thiện đó, đồng thời cũng nhờ sự thánh thiện đến từ Thiên Chúa mà thánh
hóa mọi người được cưu mang trong lòng Giáo hội.
Bên cạnh đó, Giáo hội thánh thiện là bởi trong lòng Giáo hội đó có những phương thế
để giúp con người nên thánh thiện. Phương thế ở đây ta nói đặc biệt đến Lời Chúa và các bí
tích. Đối với mọi Kitô hữu, Thánh Kinh là nơi ghi chép lời của Thiên Chúa nói với con người.
Vì là Lời Chúa nên Thánh Kinh không bao giờ lỗi thời cho dù đã được viết cách đây hai mươi
thế kỷ và còn lâu hơn thế nữa, vì là lời Chúa nói với con người nên Kinh Thánh luôn là nói với
ai đó trong cuộc sống của chính họ. Vì chưng, cùng trong một ngày, phụng vụ lời Chúa trong
Giáo hội mời gọi tất cả con cái mình đọc chung một đoạn Lời Chúa, nhưng nơi mỗi con người
được Chúa nói với mình cách khác nhau, vì Lời Chúa luôn có tính hiện tại và nói với mỗi
người trong chính cảnh huống cuộc đời mình, Lời Chúa luôn là hiện sinh nói với con người
trong hoàn cảnh hiện tại của họ. Vì thế, Lời Chúa là một phương thế hữu hiệu để thánh hóa
người Kitô hữu mọi thời nên tốt lành, thánh thiện. Bởi chưng, chỉ khi sống theo Lời Chúa, con
người mới thực sự trở nên con cái Thiên Chúa cách trọn hảo nhất. Đồng thời, trong Giáo hội
cũng có các bí tích như những phương dược nhằm thánh hóa và chữa lành tâm hồn con người
trong cuộc sống trần thế của họ. Các bí tích được chính Đức Kitô thiết lập nhằm đồng hành với
con người trong từng giai đoạn của cuộc sống thường nhật. Giáo hội nhờ việc cử hành các bí
tích hầu nối dài hành động của Đức Kitô trong lòng nhân loại, để Ngài tiếp tục thánh hóa thế
giới cho chính Ngài trong sự toàn vẹn thánh thiện. Bởi chưng, khi tham dự cử hành các bí tích
cách chủ động, người tín hữu được thông dự vào chính sự sống thần linh của Thiên Chúa qua
việc hiệp thông với Giáo hội là thân mình của Ngôi Con. Không những vậy, việc thông dự ấy
đòi buộc nơi thẳm sâu con người một sự thánh thiện để có thể hòa điệu với vị Thiên Chúa
thánh thiện nơi các bí tích. Điều này có nghĩa là bản thân mỗi người tín hữu cần có một sự
thánh thiện nơi mình, nhưng làm sao chúng ta có được sự thánh thiện ấy nếu chúng ta không
4
được thánh hóa trong Thần Khí qua bí tích Rửa Tội, làm sao có được sự thánh thiện ấy nếu
mỗi ngày con người chúng ta không hoán cải chính mình và tiếp tục làm mới chính mình qua
các bí tích khác trong Giáo hội. Đồng thời, nhờ việc đến với các bí tích mà ân sủng của Thiên
Chúa sẽ thánh hóa con người trở nên thánh thiện. Trong Giáo hội có rất nhiều phương thế để
thánh hóa con người, nhưng Lời Chúa và các bí tích là những phương thế hữu hiệu nhất giúp
cho con người được trở nên thánh thiện ngay trong lòng một thế giới đang tục hóa. Bởi thế,
điều đó mời gọi người tín hữu siêng năng đến với các phương thế ấy nhằm thánh hóa bản thân
và kiện toàn đời sống đức tin của mình.
Cùng với các phương thế hiện diện trong Giáo hội, Giáo hội luôn có nơi mình những
gương mẫu của sự thánh thiện nơi những con người thánh thiện. Kinh Thánh cho ta một gương
mẫu tuyệt vời nơi Đức Giêsu là con người toàn hảo, chính Ngài đã chỉ cho chúng ta cách thế
nên thánh hữu hiệu và toàn diện nhất trong điều răn mới của Ngài: Hãy yêu như Chúa yêu, vì
thế con đường nên thánh hữu hiệu nhất luôn bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa và với tha nhân
của chúng ta. Đức Giêsu không chỉ mạc khải về một Thiên Chúa nhưng còn là gương mẫu để
trở thành người cách chuẩn mực nhất, nơi Ngài con người được phục hồi và vai trò hình ảnh
của Thiên Chúa nơi con người được thể hiện cách trọn hảo nhất. Nên thánh chính là việc con
người thể hiện hình ảnh Thiên Chúa đang hiện diện nơi chính mình. Bên cạnh Đức Giêsu,
Kinh Thánh cũng như truyền thống lâu đời của Giáo hội cũng cho ta thấy những gương mẫu
cao cả của các thánh khác. Các ngài cũng cho ta thấy về một con đường nên thánh ngay trong
việc chu toàn các bổn phận thường nhật trong các chức vụ và vai trò của mình. Nhờ chu toàn
các việc bổn phận trong tình yêu Thiên Chúa và mọi người, con người thánh hóa chính mình
và vạn vật hầu đạt tới mối tương quan sâu xa là chính Thiên Chúa. Giáo hội không phải là một
cộng đoàn những con người thánh thiện nhưng là cộng đoàn của những con người có ước
muốn sống thánh thiện, ước mong sửa đổi chính mình để nên giống Chúa mỗi ngày. Bởi đây
không chỉ là ước muốn nơi con người nhưng còn là lệnh truyền của chính Thiên Chúa đã khắc
sâu nơi đáy lòng con người: “các ngươi hãy nên thánh vì ta là Đấng Thánh” (Lv 11,45). Thiên
Chúa đã ước muốn con người được thánh hóa, vì thế con người cũng khát mong thánh hóa chính
mình hầu đạt tới cứu cánh của mình trong Đấng Sáng tạo. Bởi vậy, việc thi hành đức ái trong đời
sống chính là cách thức hữu hiệu nhất để thánh hóa con người, bởi chưng chính Thiên Chúa đã
làm người và chỉ ra cho con người một hướng đi trong tình yêu để có thể đến cùng Thiên Chúa
là Đấng Thánh.
3. Hội Thánh Công giáo
Ngôn từ công giáo được sử dụng rất nhiều trong đời sống của người tín hữu, bản thân
ngôn từ này có nghĩa là toàn diện, toàn bộ, là của chung cho tất cả mọi người, ý nghĩa của sự
phổ quát và toàn diện. Như vậy, ngôn từ công giáo cần được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ
nhất, Giáo hội công giáo vì là thân thể của Đức Kitô - Đấng cứu độ toàn diện. Thánh Ignatio
de Antiokia nói về đặc tính này: “Đâu có Đức Kitô thì đấy có Giáo hội công giáo”. Như vậy,

5
Giáo hội công giáo được xác định ngay trong sự hiện diện của Chúa Kitô nơi con người và thế
giới. Bởi vậy, chính Đức Kitô làm nên đặc tính công giáo nơi Giáo hội. Giáo hội là đầy đủ thân
thể của Đức Kitô gắn liền với đầu của mình, bởi đó Giáo hội nhận nơi mình đầy đủ phương thế
của ơn cứu độ. Chỉ Đức Kitô mới đem lại cho nhân loại ơn cứu độ toàn diện của chính Thiên
Chúa. Nơi Giáo hội, con người được mời gọi nên giống Đức Kitô là con người toàn diện.
Trong Giáo hội, con người được lãnh nhận ơn cứu độ toàn diện được ban qua Chúa Kitô là
Thiên Chúa làm người. Chính vì thế, đặc tính công giáo được thể hiện trong sự toàn diện mà
Thiên Chúa cứu độ con người, đồng thời tính toàn diện vì Giáo hội là thân thể toàn diện của
Đức Kitô trong mầu nhiệm của Ngài. Điều này đồng nghĩa với việc người tín hữu tuyên xưng
một cách toàn vẹn về đức tin ngay chính, sống các bí tích trong lòng Giáo hội. Trong ý nghĩa
đó, Giáo hội là công giáo được biểu lộ rõ nét nhất trong chính ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện
xuống khi Thần Khí tác động khiến con người tuyên xưng và sống niềm tin cách trọn hảo,
đồng thời nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa trong thế giới mà Giáo hội công giáo ấy được
thể hiện mãi cho đến ngày tận thế, ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang của Ngài. Bên cạnh
đó, mỗi giáo hội địa phương cũng mang yếu tố công giáo. Bởi giáo hội công giáo vẫn thật sự
hiện diện nhờ sự quy tụ của những cộng đoàn người tin hiệp nhất với vị chủ chăn của mình là
đấng kế vị các tông đồ. Nhờ việc hiệp thông trọn vẹn với vị giám mục Roma (Đức giáo hoàng)
cũng như các giám mục giáo phận của mình, người giáo dân quy tụ nhau cũng tạo nên một
giáo hội với toàn bộ tính công giáo của mình. Bởi chưng, trong Giáo hội này, các tín hữu tập
họp nhau để nghe giảng dạy Lời Thiên Chúa và cử hành mầu nhiệm bữa tiệc ly của Đức Kitô,
chính vì thế, với sự hiện diện trọn vẹn của Đức Kitô trong lòng Giáo hội mà đặc tính công giáo
được thể hiện, cũng nhờ việc thông dự vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô mà Giáo hội
công giáo được quy tụ và bảo toàn.
Nghĩa thứ hai của đặc tính công giáo thể hiện trong tính phổ quát của niềm tin Kitô.
Tính phổ quát hay đặc tính của mọi người và cho mọi người được thể hiện ngay trong ngôn từ
công giáo. Thời xưa, tôn giáo được phân cấp cho từng tầng lớp xã hội, tầng lớp khác nhau thì
tôn giáo cũng khác nhau, xã hội, dân tộc khác nhau thì niềm tin vào Thiên Chúa cũng khác
biệt. Chính vì thế, Đức Kitô được rao giảng trong chính tôn giáo dành cho mọi người bất kể là
họ thuộc dân tộc hay tầng lớp xã hội nào. Công giáo là dành cho mọi người, ai cũng có quyền
tin và theo Đức Kitô và tin vào Thiên Chúa. Tin Mừng cho ta thấy lời mời gọi của Đức Kitô
trước khi lên trời: “Anh em hay đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài
thọ tạo” (Mc 16,15). Như thế hạn từ công giáo còn bao gồm nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của
người tín hữu. Loan báo Tin Mừng là lệnh truyền nhưng cũng là căn tính của người tin vào
Đức Kitô, mỗi người cần loan báo về chính Ngài cho người khác, để nhờ việc loan báo ấy, con
người thể hiện trọn vẹn căn tính của mình là người Kitô hữu. Tất cả mọi người đều được mời
gọi gia nhập Dân Thiên Chúa, bởi đó dân tộc của Chúa được chỉ định phải nới rộng chính
mình về mọi chiều kích không gian và thời gian; để cả hoàn cầu nhận biết Thiên Chúa và lưu
truyền sự nhận biết ấy cho những thế hệ mai hậu. Đặc tính công giáo của Giáo hội cũng đòi
6
buộc người tín hữu cần hiệp nhất với nhau trong một niềm tin và đức ái. Bởi chưng Giáo hội là
công giáo, là chung cho mọi người, khi mọi người cùng hiệp nhất với Đức Kitô xét như là
nguồn của mọi niềm tin tưởng, đồng thời mọi người được kêu mời hiệp nhất với giám mục
Roma xét như vị đại diện của Đức Kitô khi ngài lãnh đạo thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo
hội. Thiên Chúa hằng ở cùng nhân loại trong mọi hoạt động của đời sống họ, Ngài cũng sống
trong lòng dân thánh của Ngài là Giáo hội, bởi đó, nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng
Giáo hội, Giáo hội đến với mọi người và hòa nhập với thế giới nhằm thánh hóa thế giới nhờ
tác vụ của mình. Giáo hội không chỉ tồn tại cho riêng mình nhưng là hiện diện trong thế giới
và cùng với xã hội loài người; bởi đó, Giáo hội công giáo hôm nay cũng thăng tiến xã hội qua
hành động Phúc Âm hóa thế giới của mình. Chính trong việc Phúc Âm hóa xã hội mà đặc tính
công giáo của Giáo hội được thể hiện cách hữu hiệu nhất. Đời sống người Kitô hữu cần thể
hiện chiều kích này cách triệt để, bởi chưng chỉ khi truyền giáo qua lời rao giảng và đời sống
Tin Mừng, người Kitô mới thực sự sống đúng với căn tính của mình và chu toàn lệnh truyền
đến từ Thiên Chúa.
4. Hội Thánh Tông Truyền
Đặc tính tông truyền của Giáo hội được thể hiện cách hữu hiệu qua những đặc điểm
quan trọng sau:
Giáo hội được xây dựng trên nền tảng vững chắc là các tông đồ. Đức Giêsu thiết lập
Giáo hội qua việc kêu gọi đến với Ngài những kẻ Ngài muốn và Ngài gọi là tông đồ. Cùng với
những tông đồ đó, trong ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên họ để thúc đẩy
họ ra đi rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô và về Thiên Chúa. Với bài giảng đầu tiên trong ngày
lễ Ngũ tuần, tông đồ Phêrô đã kêu gọi những người hiện diện và họ đã tin cùng chịu phép Rửa.
Giáo hội được thiết lập trên nền tảng các tông đồ là những con người dòn mỏng, yếu đuối
nhưng với sự trợ lực của Chúa Thánh Thần và chính Thiên Chúa, các ngài đã xây dựng nhiệm
thể Giáo hội cách chắc chắn dựa vào sứ vụ tông đồ của mình. Nhờ việc ở cùng Đức Kitô và
được sai đi, các tông đồ tiếp tục sứ mạng của Ngài trong Giáo hội và rao giảng một cách
nguyên vẹn giáo huấn của Thiên Chúa được biết đến qua lời rao giảng và đời sống của thầy
mình là Đức Kitô. Vì thế, cùng với việc thiết lập sứ vụ tông đồ qua việc thông truyền tác vụ
tông đồ của mình cho những người kế vị, Giáo hội tông truyền ấy được tiếp tục xây dựng trên
nền tảng tông đồ cùng với thời gian lâu dài. Nhờ việc đặt tay trong bí tích truyền chức thánh,
các giám mục tiếp nối các tông đồ và bảo tồn một truyền thống kéo dài trong Giáo hội. Với
chức vụ giám mục không bị gián đoạn, liên tục và kế tiếp nhau, các ngài tiếp tục làm cho Giáo
hội được thông truyền và bảo tồn tính tông truyền trong tác vụ của mình. Nền tảng các tông đồ
ấy đảm bảo cho Giáo hội một sự thống nhất, bởi chưng các tông đồ được chính Đức Giêsu
tuyển chọn để ở với Ngài. Nhờ việc ở với, các ngài có kinh nghiệm về Đức Giêsu và được học
tập trực tiếp nơi Ngài những giáo huấn của Thiên Chúa. Nhiệm vụ của các ngài được đảm bảo
nhờ việc được sai đi bởi chính Thiên Chúa, nhờ lãnh nhận sứ vụ của Thiên Chúa mà các tông

7
đồ rao truyền giáo huấn của Thiên Chúa và thiết lập một Giáo hội quy tụ quanh Thiên Chúa
như là cùng đích của mọi niềm tin tưởng. Thiên Chúa được rao truyền là vị Thiên Chúa được
mạc khải qua đời sống trần thế của Đức Giêsu, vì thế nhờ việc cảm biết và sống với, các tông
đồ truyền lại một cách sống động hình ảnh Thiên Chúa cho Giáo hội của mình.
Giáo hội tông truyền cũng được thể hiện nhờ sự hiện diện và trợ lực của Chúa Thánh
Thần cư ngụ trong lòng Giáo hội. Khi còn ở cùng với các tông đồ, Đức Giêsu hứa sẽ ban Chúa
Thánh Thần cho các ngài, để nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các tông đồ nhớ lại và
thi hành lời rao giảng của Đức Giêsu. Sau khi phục sinh từ cõi chết, Đức Giêsu hiện ra với các
môn đệ, sai các ông ra đi thứ tha tội lỗi cho mọi loài và trao ban Chúa Thánh Thần cho họ: anh
em hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20,22). Chúa Thánh Thần được trao ban cùng với sứ vụ
được trao phó để các tông đồ ra đi một cách chính danh và chính thức với mọi người. Sau hết,
trong ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã tràn ngập trên các Tông đồ dưới hình những
chiếc lưỡi bằng lửa và bắt đầu một sứ vụ mới của các ngài. Hình ảnh chiếc lưỡi lửa nói lên hai
chiều kích rõ rệt, chiếc lưỡi lửa tựa hình ảnh Isaia nuốt than hồng để thanh tẩy miệng lưỡi
nhằm giúp người tông đồ nói và rao truyền lời Thiên Chúa; bên cạnh đó, chiếc lưỡi lửa cũng là
lửa được nói ra thiêu đốt tâm hồn người lãnh nhận, lời ấy chất vấn lương tâm con người khiến
họ hoán cải chính mình. Từ buổi tạo dựng, Chúa Thánh Thần đã hoạt động nơi trần thế, và cho
đến khi lời hứa của Đức Giêsu được thành toàn, Chúa Thánh Thần tiếp tục cư ngụ trong Hội
Thánh để hướng dẫn và thánh hóa Giáo hội nhằm giúp Giáo hội thông truyền một giáo huấn
đến từ Thiên Chúa. Nhờ Chúa Thánh Thần mà các vị giám mục tiếp nối các tông đồ nhằm lưu
truyền giáo huấn của các ngài truyền lại. Chính việc tiếp tục giáo huấn tông đồ không thay đổi
đã làm nên đặc tính tông truyền trọn hảo của Giáo hội.
Bản chất tông đồ của Giáo hội không chỉ nằm nơi những vị chủ chăn nhưng là thuộc về
toàn thể Giáo hội, chính vì thế, mọi người tín hữu Kitô trong lòng Giáo hội đều có đặc tính
tông truyền này và tất nhiên theo cách thức phù hợp. Mọi tín hữu đều được thôi thúc trong việc
tông đồ. Sứ vụ được trao phó và được chính Thiên Chúa sai phái vào trong thế giới qua những
người đại diện Hội Thánh. Qua bí tích Rửa tội, mọi người tín hữu được lãnh nhận các chức vụ
của Chúa Kitô (tư tế, ngôn sứ và vương giả). Chính vì thế, nhiệm vụ tông đồ mời gọi mọi
người tín hữu trong Hội Thánh lên đường thi hành sứ vụ đến với mọi người để rao truyền
Thiên Chúa và sống đức ái trong lòng xã hội. Chỉ khi chu toàn những công việc trong đời sống
mình, người tông đồ hôm nay mới thực sự làm rõ nét đặc tính tông truyền nơi Giáo hội, một
Giáo hội được tuyển chọn và được Thiên Chúa sai phái đến với mọi người.
Giáo hội công giáo được Thiên Chúa thiết lập trên nền tảng các tông đồ là những con
người được ở cùng hầu có thể có kinh nghiệm về chính Thiên Chúa là tình yêu. Giáo hội ấy
được sai phái vào trong thế giới đầy biến động và kéo dài suốt dòng lịch sử của con người. Xã
hội loài người biến động với những nền văn hóa và thể chế chính trị thay đổi, song Giáo hội
vẫn luôn bảo toàn căn tính của mình là thuộc về Thiên Chúa, đồng thời Giáo hội cũng biểu lộ

8
trọn vẹn các đặc tính của chính mình: duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền. Giáo hội
không chỉ là một tổ chức hữu hình nhưng còn là ân sủng của Thiên Chúa hiện diện nơi Giáo
hội trong Chúa Thánh Thần, Giáo hội không chỉ gồm những tổ chức nhưng còn là mỗi người
và từng người tin vào Đức Kitô sống trong thế giới. Bởi vậy, để Giáo hội luôn bảo toàn và biểu
lộ những đặc tính ấy, người Kitô hữu luôn phải sống những đặc tính ấy trong đời sống của
chính mình. Đồng thời, nhờ ý thức được sứ vụ và căn tính Phúc Âm của mình, người tín hữu
cũng thực hành việc Phúc Âm hóa thế giới nhờ việc tích cực xây dựng giáo hội địa phương và
phát triển xã hội nơi mình sinh sống. Các đặc tính của Giáo hội đòi buộc nơi người Kitô hữu
những hành động, nhưng nhờ việc thực hành những hành động ấy mà căn tính Kitô nơi họ
được bảo toàn và bộc lộ cách rõ ràng nhất. Vì thế, điều cốt yếu nơi người giáo hữu là sống
chính các đặc tính của Giáo hội trong đời sống của mình, nhằm xây dựng Giáo hội và tái tạo
một xã hội bị tục hóa bởi xu thế của thời đại hôm nay.
Mục Đồng Nguyễn

You might also like