You are on page 1of 19

Hội Nghị “Sacra Liturgia UK 2016” London, Anh Quốc, 5/7/2016

HƯỚNG VỀ MỘT THỰC THI ĐÚNG ĐẮN SACROSANCTUM CONCILIUM


Kính thưa các Đức Cha, các cha, phó tế, các nam nữ tu sỹ và anh chị em thân
mến trong Chúa Kitô:
Trước hết tôi muốn cám ơn ĐHY Vincent Nicholas vì sự đón nhận đến TGP
Westminster và những lời chào mừng tốt đẹp của ngài. Cũng vậy tôi muốn cám
ơn đến Đức Cha Dominique Rey, giám mục Frejus-toulon, vì lời mời của ngài
cho tôi hiện diện với quý vị tại hội nghị Phụng Vụ Thánh (Sacra Liturgia) quốc tế
lần thứ ba và mời tôi thuyết trình vào buổi khai mạc tối nay. Tôi chúc mừng Đức
Cha về sáng kiến quốc tế để cổ võ việc nghiên cứu tầm quan trọng của huấn
luyện và cử hành phụng vụ trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh.
Hôm nay tôi rất vinh hạnh được hiện diện ở đây với tất cả quý vị. Tôi cám ơn
mỗi quý vị đang hiện diện ở đây, phản ánh sự đánh giá cao tầm quan trọng của
điều mà ĐHY Ratzinger một lần đã đề cập “vấn nạn về phụng vụ” hôm nay, vào
khởi đầu thế kỷ 21. Đây là một dấu hiệu hy vọng lớn lao cho Giáo Hội.
Dẫn nhập
Trong sứ điệp ngày 18/02/2014 cho buổi thuyết trình kỷ niệm 50 năm hiến chế
Phụng Vụ của Công đồng Vatian II, Sacrosantum concilium, Đức Thánh Cha
Phanxicô nhận xét rằng việc đánh dấu 50 năm kể từ ngày ban hành hiến chế phải
thúc đẩy chúng ta “sống lại sự dấn thân chấp nhận và thực thi giáo huấn của hiến
chế trong một sự hoàn chỉnh.” Đức Thánh Cha tiếp:
Cần phải kết hợp một quyết tâm mới đối với những phần tử đã lãnh nhận phép
rửa và những cộng đoàn Giáo Hội để tiến bước trên con đường chỉ ra bởi các
nghị phụ, trước nhiều công việc còn chưa được làm để khai triển hiến chế Phụng
Vụ Thánh. Cụ thể, tôi muốn nói đến sự dấn thân trong việc đào tạo và những
sáng kiến vững chắc và có tổ chức, đối với cả giáo dân, giáo sỹ và những người
thánh hiến.
Những lời của Đức Giáo Hoàng thật đúng. Chúng ta phải làm nhiều nếu chúng ta
ý thức được tầm nhìn của các nghị phụ công đồng Vatican II đối với đời sống
phụng vụ của Giáo Hội. Chúng ta có nhiều việc phải làm nếu hôm nay, sau 50
năm bế mạc công đồng, chúng ta phải đạt được “một sự thực thi đúng đắn và
hoàn chỉnh hiến chế về phụng vụ thánh.”
Trong bài này tôi muốn đặt trước quý vị vài nhận định Giáo Hội Tây phương có
thể tiến đến một sự thi hành Sacrosanctum Concilium trung thành hơn như thế
nào. Để được như vậy, tôi đề nghị một câu hỏi: “Các nghị phụ công đồng
Vativan II nhằm đến điều gì trong việc cải tổ phụng vụ?” Sau đó, tôi sẽ nhận
định những ý định của các nghị phụ đã được thực thi sau công đồng như thế nào.
Cuối cùng, tôi muốn trình bày với quý vị vài lời khuyên về đời sống phụng vụ
hôm nay để thực hành phụng vụ có thể phản ánh trung thành hơn những ý định
của các nghị phụ công đồng.
A. Phụng Vụ Thánh Là Gì?
Nhưng trước hết, hãy xem xét câu hỏi đầu tiên. Đó là “Phụng vụ thánh là gì?”
Bởi vì nếu chúng ta không hiểu bản chất phụng vụ Công Giáo, như là khác biệt
với những nghi lễ của các cộng đoàn Kitô khác hay tôn giáo khác, chúng ta
không thể hy vọng hiểu được hiến chế phụng vụ của Công đồng Vatican II, hoặc
để áp dụng hiến chế một cách trung thành.
Trong tông hiến Tra le sollecitudini (22/11/1930) thánh Giáo hoàng Piô X dạy
rằng “những mầu nhiệm thánh” và “cầu nguyện công khai và trọng thể của Giáo
Hội,” là phụng vụ thánh, là “nguồn trước tiên và không thể thiếu được cho “tinh
thần Kitô đích thực.” Thánh Piô đã kêu gọi mọi người tham gia thực sự và hiệu
quả vào các nghi lễ phụng vụ Giáo Hội. Như quý vị biết, giáo huấn này và sự cổ
vũ này được lặp lại bởi số 14 của hiến chế Sacrosanctum Concilium.
Sau 25 năm sau, Đức Piô XI kêu gọi cùng một ý tưởng trong Tông hiến Divini
Cultus (20/12/1928), dạy rằng “phụng vụ thật sự là một sự thánh, bởi đó chúng ta
được nâng lên với Chúa, kết hợp với Người, tuyên xưng đức tin và những bổn
phận với Người vì những ân sủng chúng ta đã lãnh nhận và sự trợ giúp mà chúng
ta đang thiếu thốn.”
Đức Piô XII tập trung vào phụng vụ trong thông điệp Mediator Dei (20/11/1947)
trong đó ngài dạy:
Phụng vụ thánh là sự thờ phượng công khai mà Đấng Cứu chuộc như là Đầu của
Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa Cha, cũng như là sự thờ phượng mà cộng đoàn
tín hữu dâng lên Đấng sáng lập của mình, và qua ngài đến Cha trên trời. Tựu
chung, đó là sự phờ phượng dâng hiến bởi Nhiệm Thể Chúa Kitô bao gồm cả
Đầu và chi thể (n. 20).
Ngài dạy rằng “bản chất và đối tượng của phụng vụ thánh” là nhằm “kết hợp các
linh hồn chúng ta với Chúa Kitô và thánh hóa các linh hồn qua Đấng Cứu Thế để
Chúa Kitô được tôn kính và qua Người và trong Người, Chúa Ba Ngôi được tôn
vinh.” (n. 171).
Vatican II dạy rằng qua phụng vụ “công việc cứu độ được hoàn thành”
(Sacrosanctum Concilium, n.2) và phụng vụ:
được xem như việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó
công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và
được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng
tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là
gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người.
Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội,
nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi
nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp.
Từ đó Sacrosanctum Concilium dạy rằng phụng vụ:
là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn
trào mọi năng lực của Giáo Hội. Thực vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông
đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên
Chúa, cùng nhau qui tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần Hiến Tế
và ăn tiệc của Chúa.
Có thể tiếp tục trình bày giáo huấn về bản chất của phụng vụ thánh với những
giáo huấn của các giáo hoàng sau công đồng và của Sách Giáo Lý Giáo Hội
Công Giáo. Nhưng bây giờ chúng ta hãy dừng lại ở công đồng. Bởi vì tôi nghĩ,
rất rõ ràng, Giáo Hội dạy rằng phụng vụ Công Giáo là nơi ưu tiên duy nhất của
hành động cứu chuộc của Chúa Kitô trong thế giới hôm nay của chúng ta, bởi vì
nhờ việc tham dự thật sự vào đó mà chúng ta lãnh nhận ân sủng và sức mạnh của
Chúa. Đó là rất cần thiết cho sự bền đỗ và tiến triển trong đời sống Kitô hữu. Đó
là nơi được Thiên Chúa thiết lập mà chúng ta đến để chu toàn bổn phận dâng hy
lễ lên Thiên Chúa, dâng Hy Lễ Duy Nhất Đích Thật. Đó là nơi chúng ta ý thức
được nhu cầu thâm sâu thờ phượng Thiên Chúa toàn năng. Phụng vụ Công Giáo
là cái gì đó thánh thiện, cái gì đó thánh thiện bởi bản chất. Phụng vụ Công Giáo
không phải chỉ là sự tụ hợp đơn thuần những con người.
Tôi muốn nhấn mạnh thực tại rất quan trọng ở đây: Thiên Chúa, chứ không phải
là con người, là trung tâm của phụng vụ Công Giáo. Chúng ta thờ phượng Chúa.
Phụng vụ không phải là về quý vị và tôi; đó không phải là nơi chúng ta cử hành
căn cước riêng của chúng ta hoặc những thành tựu hoặc tuyên dương hay cổ võ
văn hoá và những tập tục tôn giáo riêng của chúng ta. Phụng vụ trước tiên và trên
hết là về Thiên Chúa và những gì Chúa đã làm cho chúng ta. Phụng vụ bởi đó
chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa sự thờ phượng đích thực theo Giao ước mới
thiết lập bởi Chúa Kitô. Bởi đó, khi đi vào những đòi hỏi của những nghi lễ đã
phát triển trong truyền thống Giáo Hội, chúng ta được nhận lấy căn cước và ý
nghĩa đích thực như là những người con cái nam nữ của Chúa Cha.
Thật là thiết yếu cho chúng ta hiểu được đặc tính này của phụng vụ Công Giáo
bởi vì trong những thập niên gần đây chúng ta thấy nhiều cử hành phụng vụ mà
trong đó dân chúng, những phẩm chất và những thành đạt của con người chiếm
ưu thế, gần như đến một sự gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên. Như ĐHY
Ratzinger đã viết: “Nếu phụng vụ diễn ra trên hết như là một chuỗi hoạt động của
chúng ta, thì điều thiết yếu bị lãng quên: Thiên Chúa. Bởi vì phụng vụ không
phải về chúng ta, nhưng về Thiên Chúa. Quên Thiên Chúa là một mối nguy hiểm
nguy cấp cho thế hệ chúng ta.” (Joseph Ratzinger, Theology of the Liturgy,
Collected Works vol. 11, Ignatius Press, San Francisco 2014, p. 593).
Chúng ta cần phải diễn tả rõ ràng về bản chất của sự thờ phượng Công Giáo nếu
chúng ta muốn đọc hiến chế phụng vụ một cách đúng và nếu chúng ta muốn áp
dụng nó một cách trung thành. Bởi vì các nghị phụ công đồng được huấn luyện
bởi những giáo huấn phổ quát của các giáo hoàng thế kỷ 20 mà tôi đã trích dẫn.
Thánh Gioan XXIII không triệu tập công đồng để hạ giá những giáo huấn này mà
chính ngài đã cổ võ. Các nghị phụ đã không đến Vatican vào tháng 10, 1962 với
ý định chế ra một phụng vụ đặt con người làm trung tâm. Nhưng ĐGH và các
nghị phụ đã tìm kiếm những cách thức trong đó những Kitô hữu có thể kín múc
sâu hơn “nguồn mạch tối cần thiết và thiết yếu” để đặt được “tinh thần Kitô hữu
đích thực” cho ơn cứu độ của họ và cho tất cả mọi người trong thời đại đó.
B. Các Nghị Phụ Công Đồng Vatican II Đã Có Ý Định Gì?
Chúng ta cần tìm hiểu ý định của các nghị phụ Vatican II chi tiết hơn, đặc biệt
nếu chúng ta muốn trung thành với ý định của họ hôm nay. Họ đã có ý định gì
qua hiến chế phụng vụ?
Chúng ta hãy bắt đầu với số đầu tiên của Sacrosanctum Concilium:
Thánh Công Đồng nhận thấy mình có bổn phận đặc biệt phải lo canh tân và phát
huy Phụng vụ, để giúp cho đời sống Kitô hữu nơi các tín hữu ngày càng tăng
triển; để thích ứng cách tốt đẹp hơn những định chế có thể thay đổi cho hợp với
những nhu cầu của thời đại hôm nay, đồng thời cũng để phát huy những gì có thể
đem lại sự hợp nhất cho tất cả những ai đã tin theo Chúa Kitô, và củng cố những
gì hỗ trợ cho việc mời gọi mọi người vào lòng Giáo Hội.
Chúng ta hãy nhớ rằng khi công đồng được khai mạc cải cách phụng vụ đã trở
nên nổi bật ở thập niên trước nên các nghị phụ rất quen thuộc với những cải cách
này. Họ không đánh giá những vấn đề một cách lý thuyết không có ngữ cảnh. Họ
kỳ vọng tiếp tục công việc đã bắt đầu và xem xét những nguyên tắc cải tổ phụng
vụ mức độ cao hơn và căn bản hơn, như được Thánh Gioan XXIII đề cập trong
Motu proprio Rubricarum Instructum 25/07/1960.
Vì thế, số 1 của hiến chế đưa ra 4 lý do để tiến hành cải tổ phụng vụ. Thứ nhất,
“để giúp cho đời sống Kitô hữu nơi các tín hữu ngày càng tăng triển” là mối ưu
tư của mọi mục tử vào mọi thời đại. Thứ hai, “để thích ứng cách tốt đẹp hơn
những định chế có thể thay đổi cho hợp với những nhu cầu của thời đại hôm nay”
có thể làm chúng ta suy nghĩ thêm nhất là vào ngữ cảnh của những năm 1960.
Nhưng thật sự, nếu đọc hiến chế với sự giải nghĩa liên tục mà hầu hết các nghị
phụ có ý định, điều đó có nghĩa rằng họ muốn sự phát triển phụng vụ bấy lâu để
có thể tăng cường đời sống Kitô hữu. Họ không muốn thay đổi chỉ vì thay đổi.
Vì thế, lý do thứ ba, “để phát huy những gì có thể đem lại sự hợp nhất cho tất cả
những ai đã tin theo Chúa Kitô” cũng làm chúng ta dừng lại để xem các nghị phụ
muốn dùng phụng vụ để làm phương tiện đại kết, làm cho nó thành một phương
tiện cho một mục đích. Có phải vậy không? Chắc chắn, sau công đồng, nhiều
người đã cố gắng làm vậy. Nhưng các nghị phụ đã thấy điều này là không thể.
Hiệp nhất trong thờ phượng trước bàn thờ tế lễ là mục tiêu mong muốn của mọi
hoạt động đại kết. Phụng vụ không phải là phương tiện để cổ võ thiện ý hay hợp
tác những việc tông đồ. Không, ở đây, các nghị phụ nói rằng họ tin rằng cải tổ
phụng vụ có thể trở nên một phần của một công trình có thể giúp dân chúng đạt
đến sự hiệp nhất Công Giáo, nếu không có sự hiệp nhất đó sự hiệp nhất trọn vẹn
trong thờ phượng là không khả thể.
Cùng một động lực trong lý do thứ tư của việc cải tổ phụng vụ: “để củng cố
những gì hỗ trợ cho việc mời gọi mọi người vào lòng Giáo Hội.” Ở đây chúng ta
tiến xa hơn sự hiệp nhất với anh chị em Kitô hữu mà đi đến “cả nhân loại.” Sứ vụ
của Giáo Hội là đi đến mọi người nam nữ. Các nghị phụ tin và hy vọng rằng một
sự tham gia tích cực trong phụng vụ có thể đẩy mạnh hoạt động truyền giáo của
Giáo Hội.
Tôi đưa ra ví dụ. Trước công đồng nhiều năm, trong các nước truyền giáo và
trong cả các nước phát triển, có nhiều thảo luận về việc dùng các ngôn ngữ địa
phương trong phụng vụ, nhất là cho những bài đọc từ kinh thánh và cho cả nhiều
hành vi trong phần thứ nhất của thánh lễ (mà bây giờ chúng ta gọi là Phụng Vụ
Lời Chúa) và cho phần thánh nhạc. Tòa Thánh đã cho phép rộng rãi dùng ngôn
ngữ địa phương để cử hành nhiều bí tích. Đây là ngữ cảnh mà các nghị phụ công
đồng nói đến những khả thể hiệu năng tích cực về đại kết hay truyền giáo của
việc cải cách phụng vụ. Đúng là ngôn ngữ địa phương có một chỗ tích cực trong
phụng vụ. Các nghị phụ đang tìm kiếm điều đó, mà không cho phép việc tin lành
hóa phụng vụ thánh hay đồng thuận một sự hội nhập văn hóa giả tạo.
Tôi là một người Phi châu. Tôi xin nói rõ rằng: phụng vụ không phải là chỗ cổ võ
nền văn hóa của tôi. Nhưng đó là chỗ văn hóa của tôi được rửa tội, nơi văn hóa
của tôi được nâng lên đến thực tại thiêng liêng. Qua phụng vụ Giáo Hội (mà các
nhà truyền giáo đã mang đi khắp thế giới), Chúa nói với chúng ta. Ngài biến đổi
chúng ta và làm chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh của Người. Khi
một người trở nên Kitô hữu, khi một ai đi vào sự hiệp thông hoàn toàn với Giáo
Hội Công Giáo, họ lãnh nhận cái gì đó, mà nó biến đổi họ. Tất nhiên, các nền
văn hóa và những kitô hữu mang những tài năng của họ vào Giáo Hội với một sự
khiêm nhường và Giáo Hội trong sự khôn ngoan hiền mẫu sử dụng chúng khi
thấy rằng chúng phù hợp. Phụng vụ của các địa hạt Anh Giáo giờ đây trở nên
hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo là một ví dụ sống động.
Thế nhưng, cần phải minh bạch: chúng ta nói muốn nói gì khi dùng từ hội nhập
văn hóa. Nếu chúng ta thật sự hiểu ý nghĩa của từ này như một sự hiểu biết trong
mầu nhiệm của Chúa Kitô thì chúng ta có được chìa khóa để hiểu hội nhập văn
hóa. Đó không phải là một yêu cầu hay đòi hỏi một pháp lý chính thức để châu
phi hóa, châu mỹ la tinh hóa hay á châu hóa thay vào tây phương hóa của Kitô
giáo. Hội nhập văn hóa vừa không phải là tuyên thánh cho một nền văn hóa địa
phương hay một hình thức trong văn hóa này và làm cho nó trở nên tuyệt đối.
Hội nhập văn hóa là một lan tỏa hay hiển linh của Chúa trong sự sâu thẳm của sự
hiện hữu chúng ta. Sự lan tỏa của Chúa trong cuộc sống chúng ta làm nên sự gián
đoạn, một sự từ khước mở ra cho một con đường theo những hướng mới, tạo nên
những yếu tố của một nền văn hóa mới, làm phương tiện của Tin Mừng cho con
người và phẩm giá con người như trường hợp Con Thiên Chúa. Khi Tin Mừng đi
vào đời sống chúng ta, nó làm gián đoạn và biến đổi cuộc sống, với một hướng đi
mới, những chiều hướng mới về luân lý và đạo đức. Nó lái trái tim con người về
Thiên Chúa và tha nhân để yêu mến và phục vụ truyệt đối, không gò bó. Khi
Chúa Giêsu đi vào một cuộc đời con người, ngài biến đổi nó và thần linh hóa nó
với ánh sáng rạng ngời của thánh nhan, như Thánh Phaolô trên đường đi Đamát.
Như bởi mầu nhiệm Nhập Thể, Lời Chúa trở nên con người trong mọi sự, trừ tội
lỗi (Heb 4:15), thì Tin Mừng mặc lấy mọi giá trị con người và văn hóa, nhưng từ
chối chấp nhận đi vào cấu trúc tội lỗi. Có nghĩa rằng càng có nhiều tội lỗi cá
nhân và tập thể trong cộng đoàn Giáo Hội hay xã hội, thì càng có ít khoảng trống
dành cho sự hội nhập văn hóa. Ngược lại, một cộng đoàn Kitô càng tỏa sáng sự
thánh thiện và giá trị Tin Mừng, thì càng có nhiều cơ hội hội nhập văn hóa sứ
điệp Kitô. Sự hội nhập văn hóa của đức tin là một thách đố về sự thánh hóa. Nó
sáng tỏ mức độ thánh thiện và cấp độ thấm sâu của Tin Mừng và đức tin vào
trong một cộng đoàn Kitô. Hội nhập văn hóa, vì thế, không phải là huyền thoại
tôn giáo.
Hội nhập văn hóa không thiết yếu thành tựu trong việc dùng những ngôn ngữ địa
phương, khí cụ và âm nhạc Mỹ latinh, vũ điệu Châu Phi hay những nghi thức và
biểu tượng Á châu, Phi châu trong phụng vụ và bí tích. Hội nhập văn hóa là Chúa
xuống thế vào trong cuộc sống, trong những hành động luân lý, trong văn hóa và
phong tục con người để giải thoát họ khỏi tội và dẫn đưa họ đến sự sống của
Thiên Chúa Ba Ngôi. Chắc chắn, đức tin cần có một văn hóa để có thể được
chuyển tải. Vì thế, Thánh Gioan Phaolô II khẳng định rằng một đức tin mà không
có văn hóa thì đó là đức tin chết: “Hội nhập văn hóa được áp dụng thích hợp cần
phải được hướng dẫn bởi 2 nguyên tắc: phù hợp với Tin Mừng và hiệp thông với
Giáo Hội toàn cầu.” (Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, n. 54).
Tôi đã dành thời gian để nhìn lại số 1 của hiến chế bởi vì nó rất quan trọng mà
nếu chúng ta đọc Sacrosanctum Concilium trong ngữ cảnh của nó như một văn
kiện chủ ý cổ võ một sự phát triển hợp pháp (như sự gia tăng sử dụng ngôn ngữ
địa phương) trong sự liên tục với bản chất, giáo huấn và sứ vụ của Giáo Hội
trong thế giới hiện đại. Chúng ta cần đọc trong đó những điều không được nói ra.
Các nghị phụ không có ý định một cuộc cách mạng, nhưng một sự tiến hóa, một
cải cách chừng mực.
Ý định của các nghị phụ rất rõ trong những đoạn then chốt. Số 14 là một trong
những đoạn quan trọng nhất của hiến chế:
Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự
các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động. Việc tham dự ấy do
chính bản tính Phụng Vụ đòi hỏi; lại nữa, nhờ phép Rửa Tội, việc tham dự Phụng
Vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo, “là giòng giống được lựa
chọn, là tư tế vương giả, là dân thánh, là con dân được tuyển chọn” (1P 2,9; x.
2,4-5).
Trong việc canh tân và cổ võ Phụng Vụ Thánh, cần phải hết sức để tâm đến việc
tham dự trọn vẹn và linh động của toàn dân: vì Phụng Vụ là nguồn mạch trước
tiên và thiết yếu, từ đó các tín hữu phải múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thực. Vì
thế, nhờ việc huấn luyện cần thiết, các mục tử chăn dắt các linh hồn phải nhiệt
tâm tìm đạt được điều đó trong mọi hoạt động phụng vụ.
Tuy nhiên, sẽ không có một tia hy vọng nào đạt tới kết quả đó, nếu trước tiên
chính những mục tử chăn dắt các linh hồn không thấm nhuần sâu rộng tinh thần
và năng lực của Phụng Vụ cũng như không thành những bậc thầy trong lãnh vực
ấy. Vì vậy, rất cần phải chú trọng đến việc huấn luyện Phụng Vụ cho hàng giáo
sĩ.
Ở đây, chúng ta nghe âm vang của các giáo hoàng tiền công đồng, nhắm tới một
sự tham gia thật sự hiệu quả trong phụng vụ và để có được như vậy, họ nhấn
mạnh rằng sự đào tạo về phụng vụ là cấp thiết. Các nghị phụ diễn tả một thực tại
ở đây mà nó đã bị lãng quên sau đó. Chúng ta hãy nghe lại lần nữa những lời của
công đồng và cân nhắc tầm quan trọng của chúng: “Sẽ không có một tia hy vọng
nào đạt tới kết quả đó, nếu trước tiên chính những mục tử chăn dắt các linh hồn
không thấm nhuần sâu rộng tinh thần và năng lực của Phụng Vụ cũng như không
thành những bậc thầy trong lãnh vực ấy.”
Mở đầu số 21, chúng ta nghe ý định các nghị phụ rất rõ: “Giáo Hội hiền mẫu, vì
muốn cho dân Kitô giáo thâu đạt được dồi dào những ân sủng trong Phụng Vụ
Thánh cách chắc chắn hơn, nên ước mong nhiệt thành đảm trách việc canh tân
toàn diện Phụng Vụ. Bởi vì, Phụng Vụ gồm phần bất biến, do Thiên Chúa thiết
lập, và những phần có thể thay đổi. Phần này có thể hoặc cũng phải sửa đổi theo
dòng thời gian, nếu tình cờ có len lỏi vào những yếu tố rất ít đáp ứng hoặc ít phù
hợp với bản tính thâm sâu của Phụng Vụ.” “Ut populus Christianus in sacra
Liturgia abundantiam gratiarum securius assequature..” Khi chúng ta học Latin,
chúng ta biết rằng “ut” diễn tả một mục đích rõ ràng trong mệnh đề kế tiếp. Các
nghị phụ có ý định gì? “Toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc
cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động.” Làm thế nào để đạt được
điều đó? Bởi chú tâm cẩn thận đến một sự phục hồi chung của chính phụng vụ
(ipsius Liturgiae generalem instaurationem sedulo cuare cupit”). Hãy chú ý: các
nghị phụ nói đến một “sự phục hồi” không nói đến một cuộc cách mạng.
Một trong những diễn tả rõ ràng và sinh động nhất ý định của các nghị phụ nằm
ở khởi đầu chương 2 của hiến chế, bàn về mầu nhiệm bí tích Thánh Thể. Trong
số 48 chúng ta đọc:
Vì thế, Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức
tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu
đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh
một cách ý thức, thành kính và linh động: họ được đào tạo bởi lời Chúa; được bổ
sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền,
không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và
ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian, họ được tiêu hao trong tình kết liên
với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi
người.
Anh chị em thân mến, đó là những gì các nghị phụ nhằm tới. Đúng, họ thảo luận
và bỏ phiếu để đạt tới những ý định của họ. Nhưng chúng ta biết rõ những cải
cách nghi thức đề ra trong hiến chế như phục hồi Lời nguyện chung trong Thánh
lễ (n. 53), nới rộng việc đồng tế (n. 57) hay những quy định như đơn giản hóa
trong số 34 và 50. Tất cả đều nằm trong ý định cơ bản của các nghị phụ mà tôi
vừa trình bày những nét chính. Những điều đó là phương tiện đến một mục đích
và mục đích mà chúng ta cần phải đạt tới.
Nếu chúng ta tiến đến một việc áp dụng đích thực của Sacrosanctum Concilium,
thì đó là những mục đích, những thành tựu phải được đặt trước mắt chúng ta
trước hết và trên hết. Nếu chúng ta nghiên cứu những điều đó với cái nhìn mới
mẻ và với những lợi ích trải nghiệm của 5 thập niên vừa qua, chúng ta sẽ nhìn
những cải tổ nghi thức cụ thể và những quy định phụng vụ trong một chiều
hướng khác. Nếu hôm nay, “để giúp cho đời sống Kitô hữu nơi các tín hữu ngày
càng tăng triển” và để “hỗ trợ cho việc mời gọi nhân loại vào lòng Giáo Hội,”
những nhu cầu này cần phải được xem xét lại và chúng ta xin Chúa ban cho
chúng ta lòng mến, khiêm nhường, và sự khôn ngoan để làm việc đó.
C. Điều Gì Đã Xảy Ra Sau Khi Công Bố Sacrosanctum Concilium?
Tôi đề nghị đọc lại hiến chế và xem xét sự cải tổ sau khi nó được công bố bởi vì
tôi không nghĩ rằng nếu hôm nay chúng ta đọc lại số đầu của hiến chế
Sacrosanctum Concilium và chúng ta hài lòng vì chúng ta đã đạt được những
mục đích của hiến chế. Anh chị em thân mến, đâu là những tín hữu mà các nghị
phụ nói tới? Hôm nay nhiều tín hữu đã không còn là tín hữu: họ không đến với
phụng vụ nữa. Dùng lời của thánh Gioan Phaolô: quên lãng Thiên Chúa dẫn đến
bỏ rơi con người. Vì thế không lạ gì trong ngữ cảnh này một cơ may lớn mở ra
cho một sự phát triển vô giới hạn cho thuyết hư vô (nihilism) trong triết học, chủ
nghĩa tương đối trong luân lý, và chủ nghĩa thực dụng – và ngay cả một chủ
nghĩa khoái lạc tục hóa – trong cuộc sống hàng ngày. Văn hóa châu Âu tạo ra
một cảm giác là nơi dân chúng có một sự “chối đạo thầm lặng,” họ có tất cả
những gì họ cần và sống như Chúa không hiện hữu” (Tông huấn, Giáo Hội tại
Châu Âu, n. 9). Đâu là sự hiệp nhất mà các nghị phụ hy vọng đạt được? Chúng ta
chưa đạt tới. Chúng ta đã tiến triển làm cho nhân loại được trở về trong lòng
Giáo Hội chưa? Tôi không nghĩ như vậy. Và thế nhưng, chúng ta đã làm nhiều
trong phụng vụ!
Trong 47 năm linh mục và sau 36 năm sứ vụ giám mục tôi có thể làm chứng rằng
nhiều cộng đoàn Công Giáo và cá nhân sống và cầu nguyện phụng vụ cải tổ sau
công đồng với sùng mộ và niềm vui, kín múc nhiều, nếu không phải từ tất cả, từ
những thiện ích mà các nghị phụ đã mong muốn. Đây là kết quả lớn của công
đồng. Nhưng từ kinh nghiệm của mình, nhất là trong sự phục vụ là tổng trưởng
Bộ Phụng tự và kỷ luật các bí tích, tôi biết có nhiều lèo lái phụng vụ trong cả
Giáo Hội hôm nay và có nhiều trường hợp có thể được cải tiến hơn để những
mục tiêu của công đồng có thể đạt tới. Trước khi suy nghĩ về những cải tiến khả
thể, chúng ta hãy xem những gì đã xảy ra sau khi hiến chế phụng vụ được công
bố.
Vào thế kỷ 16, Đức Giáo Hoàng trao phó canh tân phụng vụ được công đồng
Trentô mong mỏi cho một ủy ban đặc biệt và ủy ban này chuẩn bị sửa lại những
sách phụng vụ. Những sách này còn được công bố bởi Đức Giáo Hoàng. Đó là
tiến trình thông thường và được Đức Phaolô VI làm như vậy năm 1964 khi thành
lập Ủy ban để áp dụng hiến chế về phụng vụ. Chúng ta biết nhiều về ủy ban này
bởi nhật ký phát hành của tổng thư ký ủy ban, TGM Annibale Bugnini.
Công việc của ủy ban này áp dụng Hiến chế chắc chắn ở dưới những ảnh hưởng,
ý tưởng và những đề nghị mới mà không nằm trong Sacrosanctum Concilium. Ví
dụ, đúng là công đồng không đưa ra hướng dẫn về những Kinh nguyện thánh thể
mới, nhưng những ý tưởng này được phát sinh và được chấp nhận và những kinh
nguyện này được hợp thức ban hành bởi Đức Giáo Hoàng. Đúng là như TGM
Bugnini nói rõ, nhiều kinh nguyện và nghi thức được tạo ra và sửa chữa theo tinh
thần của thời đại, đặc biệt theo nhậy cảm đại kết. Liệu hiến chế dù nhiều hay ít đã
được áp dụng, hoặc những gì được làm để đạt tới mục tiêu của hiến chế, hoặc ủy
ban đã ngăn cản những mục tiêu đó: đây là những vấn đề cần được nghiên cứu.
Tôi mừng rằng hôm nay những vấn đề này đang được các học giả xem xét cẩn
thận. Thế nhưng, có một thực tại quan trọng là chân phước Phaolô VI xét rằng
những cải tổ đưa ra bởi ủy ban là thích hợp và đã ban hành chúng. Với quyền
tông tòa của ngài, ngài thiết lập những luật và bảo đảm những cải tổ là hợp pháp
và giá trị.
Nhưng khi những công việc cải tổ chính thức được thi hành vài sai lạc nghiêm
trọng trong việc giải thích về phụng vụ đã nổi lên và cắm rễ vào nhiều nơi khác
nhau trên thế giới. Những lạm dụng phụng vụ này nổi lên bởi vì những hiểu biết
sai lạc công đồng và kết quả tạo ra là cử hành phụng vụ trở nên chủ quan và tập
trung vào ý muốn cá nhân cộng đoàn hơn là tập trung vào sự thờ phượng Thiên
Chúa cao cả. Vị tiền nhiệm của tôi, tổng trưởng bộ phụng tự ĐHY Arinze, một
lần gọi thứ này là “làm lễ tự mình.” Thánh Gioan Phaolô II cũng nhận thấy cần
thiết phải viết những dòng sau đây trong thông điệp Bí tích Thánh Thể của Giáo
Hội (17/04/2003):
Một sự tăng trưởng nội tâm của cộng đoàn Kitô hữu đã đáp lại mối quan tâm
muốn loan báo của Huấn Quyền. Chắc hẳn việc canh tân Phụng Vụ của Công
Đồng đã mang đến nhiều thiện ích về phương diện tham dự ý thức hơn, tích cực
và hiệu năng hơn của các tín hữu vào Hy Tế trên bàn thờ. Đàng khác, trong nhiều
địa phương, việc tôn thờ Thánh Thể có một chỗ đứng quan trọng hằng ngày và
trở nên nguồn suối vô tận của sự thánh thiện. Việc tham dự sốt sắng của tín hữu
vào những cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa vào dịp lễ trọng Mình và Máu
Thánh Chúa là một hồng ân Chúa ban, làm cho những ai tham dự mỗi năm đều
tràn đầy hân hoan. Người ta có thể nêu lên nơi đây nhiều dấu hiệu tích cực khác
về niềm tin và lòng yêu mến Thánh Thể.
Tiếc thay, bên cạnh những ánh sáng nầy, lại không thiếu những bóng tối. Quả
vậy, ở nhiều nơi, việc tôn thờ Thánh Thể gần như hoàn toàn bị bỏ rơi. Thêm vào
đó, do hoàn cảnh nầy hay hoàn cảnh nọ trong Giáo Hội, nhiều lạm dụng đã làm
lu mờ đức tin ngay chính và giáo thuyết Công Giáo liên can đến Bí Tích kỳ diệu
nầy. Đôi khi cũng nảy sinh một cách hiểu rất giản lược về Mầu Nhiệm Thánh
Thể. Bỏ đi giá trị hy tế của nó, Thánh Thể chỉ có ý nghĩa và giá trị của một cuộc
gặp gỡ thân hữu trong một bữa tiệc thông thường mà thôi. Hơn nữa, sự cần thiết
của chức tư tế thừa tác, dựa trên việc kế nhiệm các tông đồ, đôi khi cũng bị lu mờ
và tính chất bí tích của Thánh Thể đã bị giản lược duy vào hiệu năng loan báo.
Từ đó, nơi nầy hay nơi khác, nhiều sáng kiến đại kết, dù rất thiện chí, đã rơi vào
những việc thực hành Thánh Thể đi ngược lại với kỷ luật trong đó Giáo Hội diễn
tả niềm tin của mình. Làm sao không đau đớn sâu xa trước những điều nầy?
Thánh Thể là một hồng ân quá lớn lao đến nỗi không thể chấp nhận sự hàm hồ và
giản lược nào.
Tôi hy vọng thông điệp nầy có thể góp phần để đánh tan một cách hữu hiệu
những bóng tối trên phương diện giáo thuyết và những cách thực hành không thể
chấp nhận được, hầu Bí Tích Thánh Thể tiếp tục chói sáng trong tất cả vẻ huy
hoàng của mầu nhiệm (n. 10).
Vừa có những thực hành lạm dụng, vừa có những phản ứng ngược lại với những
cải cách chính thức được ban hành. Một số người nhận thấy đã đi quá xa và quá
nhanh chóng hoặc ngay cả nghi ngờ về phương diện tín lý những cải cách chính
thức. Tranh cãi xuất hiện năm 1969 với bức thư gửi từ ĐHY Ottaviani và Bacci
đến Đức Phaolô VI nói lên những lo ngại nghiêm trọng. Sau đó Đức Giáo Hoàng
đã quyết đoán là thích hợp để có những chính xác về tín lý. Những vấn nạn này
cũng cần được nghiên cứu cẩn thận.
Nhưng có một thực tại mục vụ ở đây: vì lý do chính đáng hay không, một số
người đã không thể hay không muốn tham dự vào những nghi thức được cải tổ.
Họ xa lánh hay chỉ tham dự vào những nghi thức chưa cải tổ mà họ có thể tìm
được, ngay cả khi việc cử hành này không được phép. Bởi đó, phụng vụ trở thành
sự diễn tả của chia rẽ trong Giáo Hội, thay vì hiệp nhất Giáo Hội. Công đồng
không có ý định rằng phụng vụ chia rẽ chúng ta! Thánh Gioan Phaolô II đã làm
để chữa lành những chia rẽ, trợ giúp bởi ĐHY Ratzinger, sau là ĐGH Bênêđictô
XVI cố gắng làm những điều cần thiết để giải hòa bên trong Giáo Hội bởi thiết
lập trong Motu Proprio Summorum Pntificum (7/7/2007) cho phép không hạn
chế những hình thức cổ của nghi lễ Roma cho những cá nhân hay nhóm mà họ
muốn kín múc nơi sự sung túc của nghi lễ này. Trong sự quan phòng của Chúa,
giờ đây chúng ta có thể có sự hiệp nhất Công Giáo khi tôn trọng và hân hoan
trong sự đa dạng hợp pháp của những thực hành nghi thức.
Cuối cùng, tôi muốn nhận định rằng trong những cải tổ và dịch thuật sau công
đồng (và chúng ta thấy vài những việc này đã được làm quá nhanh chóng, có
nghĩa là hôm nay chúng ta phải sửa đổi lại để cho trung thành với bản Latin
chính gốc), có thể đã không chú ý đủ để những gì mà các nghị phụ cho rằng cần
thiết cho sự tham gia tích cực trong phụng vụ mà các ngài mong muốn có thể đạt
tới: các giáo sỹ “thấm nhuần sâu rộng tinh thần và năng lực của Phụng Vụ.”
Chúng ta biết một tòa nhà với nền móng yếu sẽ có nguy cơ hư hại hoặc sụp đổ.
Chúng ta có thể xây lên một phụng vụ mới, hiện đại trong ngôn ngữ địa phương,
nhưng nếu chúng ta không đặt trên một nền móng đúng đắn, nếu giáo sỹ và
chủng sinh không thấm nhuần tinh thần và năng lực của phụng vụ như công đồng
đòi hỏi, thì họ không thể đào tạo dân chúng được trao phó cho họ. Chúng ta cần
xem lời dạy của công đồng một cách nghiêm túc: sẽ là vô vọng đối với một canh
tân phụng vụ mà không có một sự đào tạo phụng vụ đầy đủ. Không có một đào
tạo thiết yếu cho giáo sỹ có thể làm nguy hại đức tin về mầu nhiệm Thánh Thể
của giáo dân.
Tôi không muốn bị đánh giá là người quá bi quan, và tôi nói lại: tôi lập lại là có
nhiều tín hữu nam nữ, giáo sỹ và tu sỹ đã nhận được từ phụng vụ cải tổ sau công
đồng những lợi ích thiêng liêng và hoa trái tông đồ, và chúng ta cám ơn Chúa vì
điều đó. Nhưng từ sự phân tích ngắn của tôi, tôi nghĩ quý vị sẽ đồng ý rằng
chúng ta có thể làm tốt hơn để phụng vụ thánh thật sự trở nên nguồn và chóp
đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội bây giờ, đầu thế kỷ 21, như các nghị
phụ đã rất mong muốn.
Tuy nhiên, đây là điều Đức Phanxicô đề nghị chúng ta: “Cần phải kết hợp một
sẵn sàng mới để tiến bước trên con đường chỉ ra bởi các nghị phụ công đồng, vì
còn nhiều việc phải làm để áp dụng đúng và hoàn chỉnh hiến chế về phụng vụ
thánh đối với những người đã được rửa tội và các cộng đoàn Giáo Hội. Tôi nhắm
tới, đặc biệt, sự dấn thân trong việc đào tạo và sáng kiến vững chắc và có hệ
thống về phụng vụ cho cả giáo dân và giáo sỹ.”
D. Chúng Ta Sẽ Tiến Thế Nào Đến Một Sự Áp Dụng Đúng Sacrosanctum
Concilium Hôm Nay?
Theo những ý muốn của các nghị phụ và những bối cảnh khác nhau mà chúng ta
đã thấy xuất hiện sau công đồng, tôi muốn trình bày một vài nhận định thực hành
để làm thế nào thực thi Sacrosanctum Concilium trung thành hơn hôm nay. Dù
tôi đang phục vụ là Tổng trưởng bộ phụng tự, tôi đưa ra những nhận định này
trong một sự khiêm nhường như là một linh mục, một giám mục với một hy vọng
rằng những nhận định này có thể thúc đẩy một suy niệm và nghiên cứu thấu đáo,
và những thực hành phụng vụ tốt đẹp trong cả Giáo Hội.
Tôi sẽ không làm quý vị ngạc nhiên nếu tôi nói trước tiên rằng tất cả chúng ta
cần phải xét lại chất lượng và chiều sâu của việc đào tạo phụng vụ, chúng ta thấm
nhuần tinh thần và hiệu năng của phụng vụ như thế nào đến giáo sỹ và giáo dân.
Quá thường xuyên, chúng ta giả sử rằng các ứng viên của chức thánh linh mục và
phó tế vĩnh viễn “biết” đủ về phụng vụ. Nhưng công đồng không nhấn mạnh đến
trình độ hiểu biết, tất nhiên, mặc dầu hiến chế nói đến tầm quan trọng của việc
học phụng vụ (nn. 15-17). Không, đào tạo phụng vụ là trước tiên và cơ bản là
chìm đắm trong phụng vụ, trong mầu nhiệm sâu thẳm của Chúa, Chúa Cha yêu
thương. Đó là vấn đề sống phụng vụ trong sự phong phú của nó, để uống từ mạch
sâu của nó, chúng ta luôn có được sự khao khát về hấp dẫn, trật tự, vẻ đẹp, im
lặng, chiêm niệm, tôn vinh, thờ lạy của phụng vụ và khả năng của nó nối kết
chúng ta mật thiết với Đấng hoạt động trong và qua các nghi thức thánh của Giáo
Hội.
Đó là tại sao những ai trong ‘đào tạo’ về mục vụ cần phải sống phụng vụ một
cách đầy đủ như trong các chủng viện và cơ sở huấn luyện. Ứng viên của phó tế
vĩnh viễn cần sống trong đời sống phụng vụ trong thời gian lâu dài. Và tôi muốn
nói thêm, việc cử hành hoàn chỉnh và phong phú nghi thức cổ của Lễ điển Roma,
phải là một phần quan trọng của đào tạo phụng vụ cho giáo sỹ, vì làm sao chúng
ta bắt đầu và hiểu hay cử hành các nghi thức đã được canh tân với một giải nghĩa
của sự liên tục nếu chúng ta chưa bao giờ kinh nghiệm vẻ đẹp của truyền thống
phụng vụ mà các nghị phụ công đồng chính họ đã biết và truyền thống đã sản
sinh ra biết bao vị thánh qua các thế kỷ? Một sự khôn ngoan mở ra cho mầu
nhiệm của Giáo Hội và sự phong phú, truyền thống qua các thế kỷ, và một sự
khiêm nhường vâng phục với những gì Thánh Thần nói với các Giáo Hội hôm
nay là những dấu chỉ thật sự rằng chúng ta thuộc về Chúa Kitô: và ngài nói với
họ:” Vì thế, mọi luật sỹ người đã được thụ giáo về nước trời, như gia chủ, người
rút ra trong kho mình cả cái cũ và cái mới” (Mt 13:52).
Nếu chúng ta chú tâm, nếu các tân linh mục và phó tế thật sự khao khát phụng
vụ, họ sẽ có thể huấn luyện những người được trao phó cho họ – ngay cả khi họ
không có những hoàn cảnh và điều kiện khả năng dồi dào như ở chủng viện và
nhà thờ chính tòa. Tôi nhớ đến nhiều linh mục trong những hoàn cảnh như vậy
vẫn đào tạo những người thuộc quyền mình trong tinh thần và hiệu năng của
phụng vụ, những giáo xứ đó là điển hình của những tấm gương về vẻ đẹp phụng
vụ. Chúng ta cần nhớ rằng sự đơn sơ trang trọng không đồng nghĩa với sự giản
lược tối thiểu hay kiểu tầm thường không hiểu biết. Đức Phanxicô dạy trong
Evangelii Gaudium: Hội thánh truyền giáo và truyền giáo chính mình qua vẻ đẹp
của phụng vụ, đó vừa là nhiệm vụ truyền giáo và nguồn của sự cho đi chính
mình” (24).
Thứ hai, tôi nghĩ cần thiết phải rõ ràng về bản chất của việc tham gia phụng vụ,
của sự tham gia thật sự mà công đồng kêu gọi. Có nhiều sự lẫn lộn ở điểm này
trong những năm qua. Số 48 của hiến chế viết: “Giáo Hội hằng bận tâm lo cho
các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng
quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và
kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh
động.” Công đồng nhìn nhận sự tham gia như là nội tâm trước tiên, đến từ “một
hiểu biết thấu đáo các nghi lễ và kinh nguyện.” Đời sống nội tâm, đời sống hòa
sâu trong Chúa và được sống thân tình bởi Thiên Chúa là điều kiện tối quan trọng
cho một sự tham gia hiệu quả và thành công trong các mầu nhiệm thánh mà
chúng ta cử hành trong phụng vụ. Cử hành Thánh Thể phải được nội tâm hóa. Đó
là bên trong chúng ta Chúa muốn gặp gỡ chúng ta. Các nghị phụ kêu gọi các tín
hữu hát, thưa với linh mục, đảm nhận các thừa tác thuộc về phận sự của họ,
nhưng nhấn mạnh rằng tất cả phải “ý thức những gì họ đang làm, với sùng mộ và
hoàn toàn linh động.”
Nếu chúng ta hiểu được ưu tiên của nội tâm hóa việc tham gia phụng vụ chúng ta
sẽ tránh những hoạt động phụng vụ ồn ào và bất xứng đã xuất hiện nhiều trong
những thập niên vừa qua. Chúng ta không đến phụng vụ để trình diễn, làm những
gì đó cho người khác xem: chúng ta đến để được nối kết với hành động của Chúa
Kitô qua sự nội tâm hóa những nghị thức phụng vụ bên ngoài, kinh nguyện, dấu
chỉ và biểu tượng. Có thể các linh mục mà ơn gọi của mình là thừa tác phụng vụ
cần phải nhớ điều đó hơn ai hết! Nhưng chúng ta cần đào tạo người khác, đặc
biệt trẻ em và giới trẻ về ý nghĩa của tham gia phụng vụ đích thực, về cách thức
đích thực cầu nguyện trong phụng vụ.
Thứ ba, tôi đã nói đến thực tại rằng một số cải tổ được thực hiện sau công đồng
có thể được làm đồng loạt theo tinh thần của thời cuộc và có sự gia tăng những
nghiên cứu phê phán bởi con cái Giáo Hội, hỏi rằng cái gì đã được làm để thật sự
thực thi những mục tiêu của Hiến chế hay những cải tổ này đã đi quá những điều
nhắm tới. Cuộc thảo luận này nhiều khi được làm với tên gọi “cải tổ của cải tổ.”
Tôi nhớ rằng cha Thomas Kocil trình bày một nghiên cứu về vấn đề này tại Hội
nghị Phụng Vụ thánh tại New York cách đây một năm.
Tôi không nghĩ chúng ta có thể bỏ qua khả năng hay sự mong muốn một cải tổ
chính thức của cải tổ phụng vụ bởi vì những đề xướng của nó tạo ra những đòi
hỏi quan trọng để cố gắng trung thành với sự cương quyết của công đồng trong
số 23 của hiến chế “truyền thống tốt lành đó …được giữ, nhưng con đường vẫn
mở ra cho một sự tiến triển hợp pháp.” Sự tiến triển cần bắt đầu với nghiên cứu
thần học, lịch sử, mục vụ một cách cẩn thận và “chỉ nên thực hiện những đổi mới
nhất thời khi lợi ích thiết thực và chắc chắn của Giáo Hội đòi hỏi và sau khi đã
cân nhắc thấy rằng những hình thái mới, một cách nào đó, phải được triển nở có
hệ thống từ những hình thái sẵn có.”
Thật vậy, tôi có thể nói rằng khi tôi yết kiến ĐGH tháng 4 vừa qua, ngài đề nghị
tôi nghiên cứu vấn đề một cải tổ của những cải tổ và cách thức trong đó 2 hình
thức của Nghi lễ Roma có thể làm phong phú cho nhau. Đây là 1 công việc dài
và phức tạp và tôi xin quý vị một sự kiên nhẫn và những lời cầu nguyện. Nhưng
nếu chúng ta phải thực thi Sacrosanctum Concilium trung thành hơn, nếu chúng
ta phải đạt được những gì mà công đồng mong mỏi, đây là một vấn đề nghiêm
trọng cần phải được nghiên cứu thấu đáo và thực thi với minh bạch và cẩn trọng
trong cầu nguyện và hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa.
Chúng ta là những linh mục, giám mục mang một trách nhiệm lớn. Chúng ta biết
gương sáng của chúng ta xây dựng những thực hành phụng vụ tốt; những cẩu thả,
thói quen hay sai sót của chúng ta làm tổn thương Giáo Hội và phụng vụ thánh
của Giáo Hội như thế nào!
Chúng ta những linh mục là những người thờ phượng trước tiên và trước hết.
Dân chúng có thể nhận ra sự khác biệt giữa một linh mục cử hành với đức tin và
một linh mục cử hành trong vội vàng, luôn nhìn đồng hồ, như là muốn nói rằng
linh mục đó muốn mau chóng hết sức có thể để trở lại làm việc mục vụ hay
những việc khác hay xem TV! Các cha thân mến, chúng ta có thể không làm
được việc gì quan trọng hơn bằng cử hành các mầu nhiệm thánh; chúng ta hãy
cảnh giác những cám dỗ của lười biếng hay nguội lạnh về phụng vụ bởi vì đó là
cám dỗ của ma quỷ.
Chúng ta cần nhớ rằng chúng ta không phải là tác giả của phụng vụ. Chúng ta là
những thừa tác khiêm nhường tuân theo những kỷ luật và nguyên tắc của phụng
vụ. Chúng ta cũng có trách nhiệm đào tạo những trợ tá trong những thừa tác
phụng vụ trong tinh thành và hiệu năng của phụng vụ và trong những luật phụng
vụ. Đôi khi tôi đã thấy những linh mục bước ra và để cho những thừa tác viên
ngoại lệ đi cho rước lễ: đó là sai, đó là sự từ chối tác vụ linh mục cũng như giáo
sỹ hóa giáo dân. Khi xảy ra như vậy, đó là dấu chỉ rằng sự đào tạo đã đi sai và
cần phải được chỉnh sửa. “Khi cầm lấy 5 tấm bánh …trao cho các môn đệ và họ
trao chia cho dân chúng… Số người ăn từ 5 tấm bánh là năm ngàn người nam
(Mt 14:18-21).
Tôi đã thấy linh mục và giám mục mang áo lễ cử hành thánh lễ, lấy điện thoại và
máy quay và dùng nó trong phụng vụ thánh. Đây là một cáo trạng kinh khủng
của những gì họ tin là sứ vụ của họ phải làm khi mặc phẩm phục phụng vụ, nó
bao phủ và biến đổi chúng ta thành một Kitô khác –và hơn nữa, như chính là
Chúa Kitô. Làm như vậy là phạm thánh. Không một giám mục, linh mục, phó tế
mặc phẩm phục để cử hành hay tham dự phụng vụ trong cung thánh được chụp
hình, ngay cả trong thánh lễ có đông các đồng tế. Tại những thánh lễ đồng tế
đông, nhiều linh mục ngồi nói chuyện với nhau là dấu hiệu để chúng ta cần khẩn
cấp xét lại sự thích hợp của những thánh lễ đông đồng tế như vậy.Đặc biệt nếu nó
dẫn các linh mục đến những dạng hành động gương mù như vậy không xứng
đáng với mầu nhiệm được cử hành hay số lượng đông của các đồng tế dẫn đến
nguy cơ phàm tục bí tích Thánh Thể.
Đó cũng là gương mù và phàm tục sự thánh nếu giáo dân cũng chụp hình trong
khi cử hành thánh lễ. Họ cần cử hành qua kinh nguyện không phải qua việc chụp
hình.
Tôi muốn đề nghị đến tất cả các linh mục. Các cha có thể đã đọc bài của tôi trong
L’Osservatore Romano năm trước 12/06/2015) hoặc trong bài phỏng vấn của tạp
chí Famille Chritienne tháng 5 vừa qua. Trong cả 2 dịp này tôi nói rằng tôi tin
rằng là điều cần thiết cho chúng ta trở lại một hướng chung càng sớm càng tốt –
cho cả linh mục và giáo dân quay về về cùng một hướng — hướng đông hay ít
nhất về hậu đường – hướng Chúa, ngài đến, trong những phần của nghi thức
phụng vụ khi chúng ta kêu cầu Chúa. Thực hành này được cho phép bởi luật
phụng vụ hiện thời. Đó là hoàn toàn hợp luật trong nghi thức hiện đại. Quả thực,
tôi cho rằng đó là bước rất quan trọng để bảo đảm rằng trong việc cử hành của
chúng ta, Chúa thật sự là trung tâm.
Vì thế, thưa các cha, tôi nài xin quý cha thực thi thực hành này bất cứ khi nào có
thể với cẩn trọng với giáo lý cần thiết, với một tự tin mục tử rằng đây là cái gì đó
tốt cho Giáo Hội, tốt cho dân chúng. Sự phán đoán mục tử sẽ xác định thế nào và
khi nào điều đó là có thể, nhưng có lẽ bắt đầu với Chúa Nhật I mùa Vọng năm
nay, khi chúng ta hướng về “Chúa đấng sẽ đến” và “đấng sẽ không trì hoãn” có
thể là thời gian tốt để làm việc này. Các cha thân mến, chúng ta cần lắng nghe lại
lời than của Chúa qua tiên tri Giêremia “họ đã quay lưng lại với ta thay vì quay
mặt lại.” (2:27). Chúng ta hãy quay lại về Chúa! Từ ngày rửa tộingười kitô hữu
chỉ biết một hướng: Hướng đông.”Bạn đi vào đối diện với kẻ thù vì bạn có ý định
từ bỏ nó, đối diện với mặt nó. Bạn quay về hướng Đông (ad Orientem) vì ai từ bỏ
ma quỷ thì quay về Chúa Kitô và chăm chú nhìn thẳng vào Người (Giáo lý về các
mầu nhiệm của thánh Ambrôsiô, Giám mục Milanô).
Tôi đề nghị một cách khiêm nhường và huynh đệ với các anh em giám mục: Xin
hãy hướng linh mục và giáo dân của mình về Chúa theo cách thức này, nhất là
trong những lễ đồng tế đông người trong giáo phận và nhà thờ chính tòa của
mình. Xin hãy đào tạo chủng sinh trong thực tại rằng chúng ta được gọi đến chức
linh mục không phải để làm trung tâm của phụng vụ, nhưng để dẫn giáo dân đến
với Chúa Kitô như những người đồng thờ phượng hiệp nhất trong cùng hành
động tế tự. Xin hãy làm sự cải tổ đơn giản và sâu sắc này trong giáo phận, nhà
thờ chính tòa, giáo xứ, chủng viện của anh em.
Chúng ta là giám mục có một trách nhiệm lớn lao và một ngày chúng ta sẽ phải
trả lời trước Chúa về sự quản lý của mình. Chúng ta không phải là chủ sở hữu
của bất cứ cái gì! Chẳng có cái gì thuộc về chúng ta. Như Thánh Phaolô dạy,
chúng chỉ là ‘tôi tớ của Chúa Kitô và quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Tấ
nhiên bây giờ đòi hỏi nơi người quản lý là lòng trung thành” (1 Cor 4: 1-2).
Chúng ta chịu trách nhiệm bảo đảm rằng những thực thể thánh của phụng vụ
được tôn trọng trong giáo phận và những linh mục, phó tế không những chỉ tuân
theo luật phụng vụ, nhưng biết được tinh thần và hữu năng của phụng vụ mà phát
sinh từ đó. Tôi rất cảm kích khi đọc bài thuyết trình về “Giám mục: Người quản
trị, cổ võ và trông coi đời sống phụng vụ của giáo phận” ở hội nghị Phụng Vụ
Thánh tại Roma bởi ĐTGM Alexander Sample của Oregon Hoa Kỳ, và tôi
khuyến khích anh em giám mục nghiên cứu bài này cách thấu suốt.
Tất cả mọi thừa tác viên phụng vụ cần phải xét mình thường xuyên. Tôi khuyến
khích phần II của tông huấn Sacramentum Caritatis của Đức Bênêđictô XVI
“Thánh Thể, Một Mầu Nhiệm Để Được Cử Hành.” Đã gần 10 năm tông huấn
này được công bố như kết quả hợp đoàn của THĐGM 2005. Chúng ta đã tiến
triển được đến đâu? Chúng ta cần làm thêm những gì? Chúng ta cần hỏi mình
những câu hỏi này trước Chúa, mỗi người theo trách nhiệm của mình và rồi làm
những gì có thể những gì chúng ta cần đạt tới theo cái nhìn lược ra bởi Đức
Bênêđictô. Đến đây, tôi lặp lại, Đức Phanxicô đề nghị tôi tiếp tục công việc
phụng vụ ngoại thường mà Đức Bênêđictô đã bắt đầu (xem Sứ điệp cho Sacra
Liturgia USA 2015, New York city). Không phải vì chúng ta có giáo hoàng mới
thì cái nhìn của vị tiền nhiệm là vô giá trị. . Ngược lại, Đức Phanxicô có một sự
kính trọng lớn đến cái nhìn và những công việc của Đức Bênêđictô đã thực thi
trong sự trung thành rõ rệt những ý định của các nghị phụ.
Trước khi tôi kết thúc, xin cho phép tôi đề cập đến vài cách thức nhỏ có thể đóng
góp cho việc thực thi trung thành Sacrosanctum Concilium. Một trong những cái
đó, là chúng ta có thể hát các văn bản phụng vụ, theo các truyền thống phụng vụ
của Giáo Hội, tận hưởng kho tàng thánh nhạc của chúng ta, đặc biệt những thánh
nhạc gần với nghi lễ Latinh, bình ca Gregorian. Chúng ta cần hát thánh nhạc
phụng vụ, không phải chỉ nhạc tôn giáo, hay tệ hại hơn, những bài thế tục.
Chúng ta cần có một sự cân bằng đúng giữa ngôn ngữ địa phương và dùng tiếng
Latin trong phụng vụ. Công đồng không bao giờ có ý định dùng tiếng địa phương
tuyệt đối. Nhưng công đồng cho phép dùng nhiều tiếng địa phương, đặc biệt là
các bài đọc.
Ngày nay, với sự in ấn hiện đại, chúng ta có thể dùng Latin mà tất cả đều hiểu, có
thể phần Phụng vụ Thánh Thể, và tất nhiên những dịp cử hành có tính quốc tế mà
nhiều người không hiểu tiếng địa phương. Khi dùng tiếng địa phương thì phải
dùng các bản dịch trung thành với bản gốc Latinh, như Đức GH vừa khẳng định
với tôi.
Chúng ta cần phải bảo đảm rằng thờ phượng (adoration) là cái hồn của những cử
hành phụng vụ. Trung tâm của phụng vụ là thờ phượng Chúa. Quá thường xuyên
chúng ta không chuyển từ cử hành sang thờ phượng, nhưng nếu không làm như
vậy, tôi lo ngại chúng ta không tham dự phụng vụ đầy đủ và trong nội tâm. Hai
tư thế thân xác là hữu ích và không thể thiếu. Thứ nhất là thinh lặng. Nếu tôi
không bao giờ thinh lặng, nếu phụng vụ không cho tôi khoảng thời gian cầu
nguyện thinh lặng và chiêm niệm, thì làm sao tôi có thể thờ lạy Chúa Kitô, làm
sao tôi có thể kết nối với ngài trong tâm hồn và linh hồn tôi? Thinh lặng là rất
quan trọng, không những trước và sau phụng vụ. Đó là nền tảng của một đời
sống thiêng liêng sâu xa.
Cũng vậy quỳ vào lúc truyền phép là thiết yếu. Trong phụng vụ phương Tây, đó
là một hành động thân xác để thờ lạy làm chúng ta khiêm nhường trước Chúa và
Thiên Chúa. Đó chính là hành vi cầu nguyện. Ở đâu quỳ và bái quỳ đã biến mất
khỏi phụng vụ thì cần phải khôi phục lại, nhất là khi chúng ta lãnh nhận Chúa
trong rước lễ. Các cha thân mến, ở đâu có thể và với cẩn trọng mục vụ như tôi đã
nói trước, hãy đào tạo giáo dân về hành vi thờ phượng và yêu mến tốt đẹp này.
Hãy quỳ trong thờ lạy và yêu mến trước Chúa trong Thánh thể một lần nữa!
“Con người không hoàn toàn là người trừ khi quỳ trước Thiên Chúa và thờ lạy
Người, để chiêm niệm sự thánh thiện huy hoàng và để mình được uốn nắn theo
hình ảnh của Người.” (R Sarah, On the Road to Ninive, p. 199).
Khi nói đến quỳ khi rước lễ, tôi muốn nói đến lá thư năm 2002 của Bộ Phụng tự
minh định rằng: Mỗi việc từ chối cho một tín hữu được rước lễ chỉ vì người đó
quỳ gối là một vi phạm nghiêm trọng một quyền cơ bản của người tín hữu Kitô”
(Thư, 1/7/2002., Notitiae, n. 436, Nov-Dec 2002, p. 583).
Y phục đúng cho những thừa tác viên ở cung thánh, gồm cả người đọc sách là
quan trọng nếu những tác vụ này được coi là đúng và nếu họ thực hành đúng đắn
với phụng vụ – nếu thừa tác viên cũng tỏ ra sự cung kính với Chúa và những
thừa tác mà họ thực thi.
Đó là vài lời khuyên: Tôi chắc chắn rằng nhiều điều khác có thể đưa ra. Tôi đặt
ra trước quý vị như những cách thức có thể để tiến bước “cách thức đúng để cử
hành phụng vụ một cách bên trong và bên ngoài,” tất nhiên là những mong ước
của ĐHY Razinger ở phần đầu tác phẩm, Tinh Thần Của Phụng Vụ. Tôi khuyến
khích quý vị làm tất cả những gì để có thể đạt được mục tiêu đó, nó rõ ràng phù
hợp với mục tiêu của Hiến chế phụng vụ của công đồng Vatican II.
Kết Luận
Tôi mở đầu bài nói này với xem xét giáo huấn của các giáo hoàng thế kỷ 20 về
phụng vụ. Đấng thứ nhất, thánh GH Piô X có khẩu hiệu cá nhân: Instaurare omia
in Christo- Vãn Hồi Mọi Sự Trong Chúa Kitô. Tôi khuyên rằng chúng ta lấy
những lời này làm mực thước riêng của mình khi cố gắng thực thi đúng đắn hiến
chế Sacrosanctum Concilium, bởi vì khi chúng ta đến với phụng vụ thánh chúng
ta đi vào trong não trạng của Chúa Kitô, nếu chúng ta mặc lấy Chúa Kitô như khi
chúng ta mặc áo trắng lúc rửa tội hay mặc phẩm phục tương ứng với thừa tác
phụng vụ của mình, chúng ta không thể đi lạc.
Thật đáng buồn rằng những thập niên sau Vatican II, “bên cạnh những khoảng
sáng có những bóng tối” trong đời sống phụng vụ của Giáo Hội như thánh GH
Gioan Phaolô II viết trong Ecclesia de Eucharistia (n.10). Và nhiệm vụ của chúng
ta là trình bày những nguyên nhân của nó. Nhưng đó cũng là nguồn hy vọng và
niềm vui lớn cho chúng ta hôm nay, khi thế kỷ 21 đang tiến nhiều tín hữu xác tín
đưọc tầm quan trọng của phụng vụ trong đời sống GH và dấn thân trong tông đồ
phụng vụ, được gọi chung chung như một phong trào phụng vụ mới.
Anh chị em thân mến, tôi cám ơn vì những dấn thân của anh chị em cho phụng
vụ thánh. Tôi khuyến khích và chúc lành cho anh chị em trong mỗi động thái, lớn
hay nhỏ, để mang lại “một cách thức đúng để cử hành phụng vụ bên trong và bên
ngoài.” Hãy bền bỉ trong công việc tông đồ này: Giáo Hội và thế giới cần anh chị
em!
Xin cầu nguyện cho tác vụ đặc biệt của tôi.
Xin cám ơn và xin Chúa chúc lành.
+ Robert Hồng Y Sarah
Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

You might also like