You are on page 1of 4

PHỤNG VỤ và BÍ TÍCH

I. HỘI THÁNH CỬ HÀNH PHỤNG VỤ.


1. Phụng Vụ là gì?
Phụng Vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh được thừa tác viên hợp pháp cử
hành nhân danh toàn thể Hội Thánh.
Như vậy, một cử hành có tính Phụng Vụ đòi phải có ba yếu tố:
1. Phải là lời kinh chính thức của Hội Thánh được ấn định trong sách Phụng Vụ, chứ
không phải là lời nguyện tự phát.
2. Phải do một thừa tác viên hợp pháp cử hành, nghĩa là những người được Hội Thánh
cắt đặt và ban quyền chủ sự, chứ không phải là bất cứ ai có thiện tâm là được.
3. Phải cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh vì Phụng Vụ không bao giờ có tính cá
nhân cho dù thừa tác viên cử hành một mình.
Thế nên, những việc sau đây được coi là việc Phụng Vụ vì hội đủ ba yếu tố trên:
Thánh Lễ Tạ Ơn, 7 Bí Tích, và các Giờ Kinh Phụng Vụ. Ngoài ba việc kể trên, mọi cử
hành khác chỉ được coi là những việc đạo đức (Lần hạt, tĩnh tâm, hành hương, cầu
nguyện...).
Mầu nhiệm Chúa Tử Nạn và Phục Sinh là mầu nhiệm cứu độ lớn nhất trong đạo, và là
trung tâm của mọi cử hành phụng vụ. Vì thế, phụng vụ còn được gọi là việc Hội Thánh,
nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, cử hành mầu nhiệm Chúa chết đi và sống lại để tôn
vinh Thiên Chúa và kêu cầu ơn cứu độ.
Cử hành ở đây được hiểu là hiện tại hoá mầu nhiệm cứu độ, chứ không phải tái diễn,
nghĩa là nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Hội Thánh làm cho việc Chúa chết và sống lại
không trôi vào dĩ vãng nhưng đi vào đời sống chúng ta hôm nay một cách mầu nhiệm. Tại
sao vậy? Đức Giêsu là con người nên bất cứ hành động nào của Ngài đã xảy ra đều đi vào
quá khứ, nhưng Đức Giêsu còn là Thiên Chúa nên hành vi của Ngài mãi mãi là hiện tại,
như lời sách Khải Huyền: “Ta là Anpha và Ômêga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là
Đấng Toàn năng” (Kh 1,8).
2. Mùa Phụng Vụ.
Năm Phụng Vụ bắt đầu với Chúa Nhật I mùa Vọng và kết thúc bằng lễ Chúa Kitô
Vua. Đỉnh cao là Tuần Thánh và lễ Phục Sinh.
Năm Phụng Vụ chia làm 5 mùa:
a) Mùa Vọng: Mùa Vọng là mùa hướng lòng về ngày Chúa Kitô sẽ lại đến trong vinh
quang để xét xử thế giới và con người, nhưng gần hơn cả là chuẩn bị tâm hồn và đời sống
để mừng mầu nhiệm Giáng Sinh.
Mùa Vọng kéo dài trong khoảng 4 tuần lễ, bắt đầu từ Chúa Nhật I mùa Vọng đến chiều
ngày 24/12. Trong suốt mùa Vọng, lễ phục mang màu tím nói lên sự hoán cải trông đợi ơn
cứu độ của Thiên Chúa.
1
b) Mùa Giáng Sinh:
Mùa Giáng Sinh mừng kính mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa làm người. Mùa
này kéo dài khoảng hơn hai tuần, từ ngày 25/12 (lễ Giáng sinh) đến hết lễ Chúa Giêsu chịu
phép rửa (lễ phục màu trắng).
c) Mùa Chay:
Mùa Chay là mùa thống hối, trở về với Chúa để sửa soạn tâm hồn đón mừng lễ Phục
Sinh (lễ phục màu tím). Mùa Chay, theo nguyên nghĩa, là mùa 40 ngày, có lẽ ban đầu khởi
sự từ Chúa Nhật I mùa Chay đến hết ngày Thứ Năm Tuần Thánh (tuần I – V cộng thêm 5
ngày của Tuần Thánh [Chúa Nhật Lễ lá + Thứ Hai đến Thứ Năm TT] = 40). Thế nhưng
truyền thống Hội Thánh muốn giữ chay 40 ngày, mà ngày Chúa Nhật là ngày kính Chúa
Phục Sinh không được phép ăn chay, nên mùa Chay đã sớm bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro,
trước Chúa Nhật I. Dù vậy cũng chưa đủ 40 ngày ăn chay (mới có 38 ngày chay) nên cộng
thêm 2 ngày chay thánh nữa của Tam Nhật Vượt Qua là Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh.
Chuyển tiếp giữa mùa Chay và mùa Phục Sinh là TAM NHẬT VƯỢT QUA THÁNH.
Tam Nhật Vượt Qua là ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chúa Nhật Phục Sinh, bắt đầu từ chiều
Thứ Năm Tuần Thánh (vì ngày đại lễ đối với người Do Thái được bắt đầu từ chiều ngày
hôm trước) cho đến hết ngày Chúa Nhật Phục Sinh.
Sáng Thứ Năm Tuần Thánh, trong một giáo phận chỉ có một Thánh Lễ làm phép Dầu
Thánh do Đức Giám Mục cử hành để sử dụng cho cả năm. Chiều Thứ Năm Tuần Thánh
cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly, tưởng niệm việc Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể, sau lễ có
Chầu Thánh Thể cho đến nửa đêm. Ngày thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh không cử hành
Thánh Lễ, nhưng chiều Thứ Sáu có nghi thức Hôn Kính Thánh Giá để tưởng nhớ cuộc
Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Chiều tối Thứ Bảy Tuần Thánh là đã bắt đầu ngày đại lễ nên có
cử hành canh thức và Thánh Lễ Vọng Phục Sinh.
d) Mùa Phục Sinh:
Mùa Phục Sinh mừng kính mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô sống lại đem đến ơn cứu độ
cho toàn thể nhân loại (lễ phục trắng). Mùa Phục Sinh kéo dài 50 ngày, bắt đầu từ Thánh
Lễ Vọng Phục Sinh cho đến hết lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, gồm 7 tuần.
e) Mùa Thường Niên:
Mùa thường niên gồm 34 tuần (lễ phục màu xanh lá cây), xen kẽ giữa mùa Giáng Sinh
và mùa Chay (khoảng 8 tuần), giữa mùa Phục Sinh và mùa Vọng (các tuần còn lại). Trong
mùa thường niên, Hội Thánh không cử hành một khía cạnh đặc biệt nào về mầu nhiệm
Chúa Kitô như trong các mùa Giáng Sinh và Phục Sinh, nhưng tôn kính mầu nhiệm Chúa
Kitô cách chung. Đây là thời gian Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm về những lời rao
giảng và cuộc đời của Chúa Kitô và hướng ta đến niềm hi vọng vinh quang muôn đời.
Trong các lễ kính các thánh thường sử dụng lễ phục màu Trắng, trừ màu Đỏ dành cho
các thánh Tử Đạo, màu Tím cho các lễ Cầu Hồn hoặc An Táng, màu Vàng thay cho tất cả
các màu (đối với Việt Nam), thường là đại lễ. Muốn biết hôm nay là ngày lễ gì, thuộc mùa
2
gì, tuần mấy... thì phải mở Lịch Công Giáo của từng năm.
II. HỘI THÁNH CỬ HÀNH BÍ TÍCH.
1. Bí Tích là gì?
Bí tích là dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu do Chúa Giêsu thiết lập để thông chuyển ơn
thiêng liêng cho chúng ta.
Như vậy, một cử hành được xem là Bí tích phải hội đủ ba yếu tố:
- Phải là một dấu chỉ, nghĩa là có thể nghe được, thấy được, cảm nhận được bằng giác
quan của con người (hữu hình); và dấu chỉ ấy phải sinh hiệu quả do việc thừa tác viên hợp
pháp cử hành đúng nghi thức của Hội Thánh (hữu hiệu). Bất cứ một bí tích nào cũng
thường có hai dấu chỉ hữu hình quan trọng: dấu chỉ bằng sự việc (nước, đặt tay...) và dấu
chỉ bằng lời (lời Rửa Tội, lời cầu xin Chúa Thánh Thần...).
- Nhằm thông chuyển ơn lành của Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta tin rằng mình lãnh
nhận được ơn thiêng liêng qua việc đón nhận các dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu đó. Ơn
Chúa được hiểu là chính Chúa đến trợ giúp chúng ta, chứ không phải là một cái gì phụ
thuộc của Chúa ban cho.
- Và phải do Chúa Giêsu thiết lập và uỷ thác cho Hội Thánh (x.Mt 28,19; Lc 22,19; Ga
20,22).
Xét như vậy thì chỉ có 7 Bí tích: Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể, Hoà Giải, Xức Dầu
bệnh nhân, Hôn Phối, và Truyền Chức thánh. Ngoài ra còn có nhiều nghi thức khác do Hội
Thánh lập ra cũng để ban ơn thánh, song chỉ được gọi là phụ tích (như việc ban phép lành,
tẩm liệm...).
2. Người ban và người lãnh nhận.
- Người ban chính là người cử hành bí tích (thừa tác viên), phải được Hội Thánh thừa
nhận (chẳng hạn người nhận chức thánh), và ban quyền (thừa tác viên hợp pháp), và phải
làm đúng nghi thức của Hội Thánh với ý ngay lành thì bí tích mới sinh hiệu quả (hiệu năng
do sự), mang lại ơn thánh cho những người muốn lãnh nhận mà không tuỳ thuộc vào tình
trạng thánh thiện hay tội lỗi của người ban.
- Người nhận bí tích phải có đức tin và ý muốn ngay lành. Bí tích chỉ được ban cho
người còn sống, và giả thiết họ phải tin và có ý muốn tự do lãnh nhận. Mức độ lãnh nhận
ơn Chúa còn tuỳ thuộc tình trạng tâm hồn của người lãnh nhận (hiệu năng do nhân).
Nếu hiểu bí tích là dấu chỉ mà qua đó con người gặp gỡ Thiên Chúa thì có vô vàn bí
tích. Chẳng hạn: Hội Thánh là bí tích của Đức Kitô, Chúa Kitô là bí tích của Thiên Chúa,
và bất cứ một sự việc, sự vật nào cũng có thể là bí tích mà qua đó chúng ta gặp gỡ được
Thiên Chúa.

TÓM LƯỢC:
1. Phụng Vụ là gì? Phụng Vụ là việc Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Tử Nạn và Phục
Sinh của Chúa Kitô để tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu ơn cứu độ.
3
2. Những việc đạo nào được gọi là Phụng Vụ? Chỉ có ba việc: Thánh lễ tạ ơn, 7 bí tích
và các giờ kinh phụng vụ, được xem là việc phụng vụ của Hội Thánh. Ngoài ba việc đó,
chỉ được xem là những việc đạo đức.
3. Bí tích là gì? Bí tích là những dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu do Chúa Giêsu thiết lập
để thông chuyển các ơn thiêng liêng của Chúa.
4. Phụ tích là gì? Phụ tích cũng là những dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu để ban ơn lành
của Chúa, nhưng do Hội Thánh ấn định.
5. Có mấy bí tích? Có 7 bí tích là Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể, Hoà Giải, Xức
Dầu bệnh nhân, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối.
6. Làm sao để bí tích trở thành hữu hiệu? Để bí tích hữu hiệu cần phải có đầy đủ các dấu
chỉ chính yếu, và phải được thừa tác viên hợp pháp cử hành đúng nghi thức của Hội
Thánh.
7. Muốn lãnh nhận bí tích thì phải làm gì? Muốn lãnh nhận bí tích thì phải có đức tin và
ý muốn ngay lành, kèm theo sự hiểu biết Giáo Lý.

You might also like