You are on page 1of 7

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp khiến nhiều trường học phải

chuyển sang giảng dạy trực tuyến nhằm đảm bảo việc học tập của học sinh, sinh
viên không bị gián đoạn. Tuy nhiên việc áp dụng dạy học trực tuyến cũng có
những thuận lợi và khó khăn riêng. Giải mã và hiểu được những mặt tích cực và
tiêu cực này sẽ giúp ích cho giáo viên trong việc xây dựng phương pháp dạy học
hiệu quả hơn, đảm bảo thành tích học tập của học sinh. Cùng tìm hiểu những thuận
lợi và khó khăn khi dạy học trực tuyến thời COVID qua bài viết dưới đây.

-Những thuận lợi khi dạy học trực tuyến thời COVID

Dạy học trực tuyến thời Covid cũng mang đến nhiều lợi ích nhất định cho cả người
dạy và người học.

Học Online trong mùa Covid giúp phụ huynh có nhiều thời gian ở bên cạnh, giúp
đỡ các em học tập ngay tại nhà

+Linh hoạt về thời gian và địa điểm học tập

Khi học trực tuyến, học sinh, sinh viên có thể thoải mái tham gia các lớp học ngay
tại nhà với khung thời gian linh hoạt. Học trực tuyến vào mùa dịch cũng cho phép
các trường tiếp cận với mạng lưới học sinh, sinh viên trên diện rộng hơn, thay vì bị
giới hạn bởi ranh giới địa lý. Ngoài ra, các bài giảng trực tuyến có thể được ghi lại,
lưu trữ và chia sẻ để tham khảo trong nội bộ. Ghi lại bài giảng cho phép học sinh,
sinh viên truy cập tài liệu học tập vào bất cứ thời điểm nào, đồng thời việc ôn tập
kiến thức cũng trở nên dễ dàng hơn.

Do đó, cho dù dịch bệnh đang diễn ra, học sinh, sinh viên vẫn có thể dễ dàng gặp
mặt thầy cô, bạn bè, tham gia học tập trực tuyến ngay tại nhà mà không cần phải di
chuyển đến trường.
+Hỗ trợ đầy đủ về công nghệ

Nếu quay trở lại cách đây khoảng 10 năm, thì có lẽ không thể nào áp dụng dạy học
trực tuyến trên diện rộng được. Thật may mắn khi chúng ta đang sống trong thời
đại công nghệ 4.0 – giai đoạn mà nhà nhà, người người đều có laptop cá nhân, điện
thoại thông minh, ai cũng có thể truy cập kết nối Internet,….Và học sinh, sinh viên
có thể dễ dàng tham gia học trực tuyến, tham khảo mọi nguồn tài liệu học tập trên
Internet, laptop, điện thoại. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể dễ dàng cải thiện chất
lượng âm thanh, hình ảnh cho lớp học trực tuyến của mình với các trang thiết bị
hiện đại như: Webcam ghi hình, tai nghe, phần mềm dạy học,…. Tất cả mọi nguồn
tài nguyên đều có sẵn, và nhiệm vụ của chúng ta chính là áp dụng hiệu quả công
nghệ vào dạy và học trực tuyến.

+Học trực tuyến có chi phí thấp

Một ưu điểm khác của học trực tuyến thời Covid là chi phí tiết kiệm. Không cần
yêu cầu đầu tư quá nhiều, giáo viên và học sinh, sinh viên chỉ cần đăng ký phần
mềm dạy học trực tuyến, chuẩn bị sẵn laptop, tai nghe cùng kết nối Internet ổn
định là có thể tham gia bất cứ lớp học trực tuyến nào. Ngoài ra, một số phần mềm
như Zoom Cloud Meeting còn cung cấp nhiều tính năng thú vị cho dạy học như: sử
dụng bảng trắng kỹ thuật số, trình chiếu slide bài giảng, chia nhóm,….Giáo viên có
thể tận dụng các tính năng này và thao tác trên máy tính để dạy học trực tuyến cho
học sinh.

Chi phí đi lại, đưa đón con đến trường, ….. cũng được giảm thiểu khi tham gia học
trực tuyến trong mùa Covid. Tất cả các khóa học hoặc tài liệu học tập đều có sẵn
trực tuyến, do đó tạo ra một môi trường học tập không cần giấy tờ với chi phí hợp
lý hơn.
+Cải thiện sự chuyên cần của học sinh, sinh viên

Vì trong mùa dịch này, học sinh, sinh viên có thể tham gia vào các lớp học Online
ngay tại nhà, các em cũng không thể ra ngoài, ở gần tầm kiểm soát của gia đình
hơn,….. nên tình trạng bỏ học, trốn học được giảm thiểu đáng kể.

+Phù hợp với nhiều kiểu học khác nhau

Mỗi học sinh đều có một phong cách học tập khác nhau. Một số học sinh học hiệu
quả hơn với hình ảnh, trong khi một số khác lại thích học qua âm thanh hơn. Một
số học sinh phát triển tốt trong lớp học, những học sinh khác lại học hiệu quả hơn
khi ở một mình, tránh bị phân tâm bởi các nhóm lớn. Hệ thống học tập trực tuyến,
với nhiều tùy chọn và tài nguyên, có thể được cá nhân hóa theo nhiều cách. Đó là
cách tốt nhất để tạo ra một môi trường học tập hoàn hảo phù hợp với nhu cầu của
từng học viên với từng tính cách khác nhau.

-Những khó khăn khi dạy học trực tuyến thời COVID

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, học trực tuyến thời Covid cũng mang đến nhiều
khó khăn cho cả giáo viên và học sinh.

Ngồi một chỗ nhìn vào máy tính trong thời gian dài, dễ khiến học sinh, sinh viên
cảm thấy nhàm chán

+Học sinh, sinh viên khó tập trung học tập

Đối với nhiều học sinh, sinh viên, một trong những thách thức lớn nhất của việc
học trực tuyến là phải vật lộn với việc tập trung nhìn vào màn hình máy tính/ điện
thoại trong thời gian dài. Khi học trực tuyến tại nhà, học sinh cũng dễ dàng bị phân
tâm bởi mạng xã hội hoặc các trang web khác,…. Vì vậy, các giáo viên bắt buộc
phải giữ cho các lớp học trực tuyến luôn hấp dẫn và duy trì tương tác để giúp học
sinh tập trung hiệu quả hơn vào bài học.

+Vấn đề về Công nghệ

Một thách thức quan trọng khác của các lớp học trực tuyến là kết nối internet và
trang bị công nghệ dạy học. Mặc dù mạng lưới Internet đã phát triển mạnh mẽ
trong vài năm qua, nhưng ở một số vùng nông thôn, người dân vẫn chưa tiếp cận
được với Internet và họ cũng không rành sử dụng máy tính, phần mềm,….. Điều
này gây bất lợi cho quá trình phổ biến giáo dục trực tuyến trên diện rộng và đảm
bảo tất cả các khu vực trên cả nước đều theo đúng chương trình giảng dạy.

+Đào tạo giáo viên và đổi mới phương pháp dạy học

Dạy học trực tuyến hoàn toàn khác so với các lớp học truyền thống, vì vậy đòi hỏi
giáo viên phải có hiểu biết cơ bản về việc sử dụng các trang thiết bị, phần mềm dạy
học. Vì không thể lên lớp và gặp mặt trực tiếp học sinh, giáo viên cần tìm hiểu
thêm một số phương pháp dạy học mới, phù hợp hơn cho các lớp học trực tuyến.
Không thể áp dụng các phương pháp giảng dạy, đứng lớp thông thường vào dạy
học Online.

Vì vậy, để giúp giáo viên hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, nhà trường, các
trung tâm giáo dục cần đầu tư vào việc đào tạo giáo viên cách sử dụng công nghệ
dạy học trực tuyến mới nhất, những quy định, lưu ý khi giảng dạy trực tuyến.

+Các vấn đề về sức khỏe

Nhiều bậc phụ huynh lo ngại về những nguy hại cho sức khỏe khi con cái của họ
dành quá nhiều giờ để dán mắt vào màn hình. Sự gia tăng thời gian sử dụng các
thiết bị điện tử là một trong những mối quan tâm và bất lợi lớn nhất của việc học
trực tuyến. Đôi khi nó cũng gây ra một số vấn đề về sức khỏe: đau mắt, cận thị,
đau lưng do tư thế ngồi khom lưng trước màn hình lâu,…..

Giải pháp tốt cho vấn đề này là cho học sinh nghỉ ngơi đầy đủ, tránh xa mọi thiết bị
điện tử sau khi đã kết thúc giờ học Online. Hạn chế tiếp xúc với màn hình điện
thoại, máy vi tính khi không cần thiết.

-Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến trong các
trường đại học:

Năm 2020 là một năm đầy biến động trên toàn thế giới, ảnh hưởng mạnh tới tất
cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Trong bối cảnh dịch bệnh covid diễn biến
phức tạp rất nhiều các quốc gia, các trường học đã lựa chọn học trực tuyến (e -
learning) là một trong những giải pháp tối ưu để giáo dục tiếp tục phát triển duy trì
trong tình trạng diễn biến bệnh dịch gia tăng. E-learning là một trong những
phương pháp học trực tuyến sử dụng kết nối mạng Internet để phục vụ học tập.
Thông qua hệ thống e-learning, người học có thể tham khảo các tài liệu học, đồng
thời có thể trao đổi với giảng viên mà không cần phải gặp trực tiếp. Nói cách khác,
hệ thống e-learning giống như một môi trường học tập bao gồm các công nghệ lưu
trữ và truyền tải dữ liệu. Nhờ đó, người học có thể tương tác với nhau ngay trên hệ
thống đào tạo trực tuyến mà không cần phải gặp trực tiếp.

+ Hình thức đào tạo trực tuyến e-learning đang được các trường đại học đẩy mạnh
phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của mọi đối tượng
người học. Tuy nhiên, từ những hạn chế trong triển khai, thực tiễn đòi hỏi cần phải
có những quy định rõ ràng hơn đối với hình thức đào tạo này, nhất là các chuẩn
trong kiểm định chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra.
Các chuyên gia về đào tạo e-learning cho biết, trong tất cả các quy chế về các hình
thức đào tạo, mới chỉ có Quy chế đào tạo từ xa và Thông tư 12 của Bộ Giáo dục
đào tạo về quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo
qua mạng là đề cập đến phương thức đào tạo trực tuyến. Các quy định hiện hành về
e-learning nói riêng, ứng dụng công nghệ thông tin nói chung trong giáo dục đại
học Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa đủ để tạo hành lang pháp lý cho phát triển
e-learning, vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng bộ tiêu chí chung cho
công tác đánh giá và đảm bảo chất lượng đào tạo e-learning, làm cơ sở cho các đơn
vị đào tạo tổ chức giám sát, thực hiện và quản lý quá trình đào tạo để đảm bảo chất
lượng; cấp văn bằng chung các hình thức đào tạo theo luật. Mặt khác, Bộ khuyến
khích các cơ sở giáo dục đại học có triển khai hình thức đào tạo trực tuyến xây
dựng và sử dụng chung công nghệ, chương trình, bài giảng, cần nghiên cứu bổ
sung và sẽ ban hành quy chế riêng về vấn đề này tạo hành lang pháp lý để các
trường đẩy mạnh hình thức đào tạo trực tuyến chính quy .

Từ những bất cập và thiếu đồng bộ trong triển khai đào tạo trực tuyến, các trường
kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban hành các quy định cụ thể, chi
tiết nhằm xác định rõ vai trò,vị trí, hình thức đào tạo e-learning. Đặc biệt là về
kiểm định và đảm bảo chất lượng đối với hình thức đào tạo trực tuyến phù hợp,
làm cơ sở để các trường tự đánh giá hoạt động đào tạo, quản lý đào tạo và đảm bảo
chất lượng; các Bộ, ngành quan tâm xây dựng hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin -
viễn thông quốc gia đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến.

Phát triển e-learning là một thách thức lớn cho các trường đại học, không chỉ là
vấn đề đầu tư nguồn lực mà thách thức nhất là sự thay đổi trong phương thức giảng
dạy, khả năng tiếp cận công nghệ của giảng viên và năng lực quản lý, lãnh đạo của
các trường. Vì vậy, các trường cần và nên đổi mới phương thức quản lý sát sao,
phát triển nguồn nhân lực, cải tiến phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy,
cũng như khả năng tiếp cận công nghệ của các giảng viên trong trường.

Bất kỳ một hình thức đào tạo nào cũng lấy người học làm trung tâm, người học là
một yếu tố đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển các khóa học trực
tuyến. Tất cả mọi thứ được thiết kế và phát triển phải được thực hiện xoay quanh
chủ thể quan trọng nhất là người học. Một trong những bước đầu tiên trong quá
trình thiết kế và xây dựng khóa học trực tuyến là phải tiến hành phân tích người
học sao cho đáp ứng được nhu cầu, kỳ vọng của người học. Đam bảo các khả năng
học tập, thỏa mãn các điều kiện tiên quyết cũng như có đủ các chế tài để xử lý,
nhắc nhở người học vi phạm quy định.

Kết luận:

Đào tạo trực tuyến là một xu thế phát triển không chỉ ở Việt Nam mà
trên toàn thế giới, hướng tới xã hội hóa học tập, nó giúp giải quyết nhiều vấn đề
khó khăn khi người học có thể học mọi lúc mọi nơi. Đây là điều mà các phương
pháp giáo dục truyền thống không có được. Tuy nhiên, để phát triển hình thức đào
tạo này, đòi hỏi cần có sự phối hợp làm tốt các giải pháp đồng bộ giữa các cơ quan
chức năng, các trường đại học, đội ngũ giảng viên và ý thức, trách nhiệm của
người học.

You might also like