You are on page 1of 12

ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC BƯỚC PHÁT TRIỂN ĐẶC BIỆT

TỪ TRƯỜNG VẼ GIA ĐỊNH ĐẾN ĐẠI HỌC MỸ THUẬT TP. HỒ CHÍ MINH
(1913 -2023)
Huỳnh Quốc Thắng*
Tóm tắt
Với tầm nhìn 110 năm phát triển từ Trường Vẽ Gia Định đến Trường Đại học Mỹ
thuật TP. Hồ Chí Minh (1913 – 2023), đặc biệt thông qua thực tế các kết quả Đào tạo Sau
đại học ở đây, bài viết không chỉ nêu lên một số tổng kết thực tiễn lịch sử mà còn có thể
rút ra những nhận thức khoa học về các quy luật liên quan quá trình đào tạo của ngôi trường
này trong quá khứ cũng như trong tương lai. Một nhận định quan trọng là Đào tạo Sau đại
học của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh có thể xem là cột mốc đỉnh cao của
những thành tựu cơ bản được xây dựng và phát triển qua các giai đoạn bắt đầu từ việc ra
đời của Trường Vẽ Gia Định vào đầu thế kỷ XX đồng thời đó cũng là sự khẳng định vị thế
mới với những yêu cầu mới của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ở giai đoạn
hiện nay. Những nhận định lớn như vậy với những nội dung cụ thể được khái quát thành
những luận cứ quan trọng có thể góp phần cho các ý tưởng đề xuất về các định hướng chiến
lược phát triển của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới, góp
phần phát huy tốt hơn nữa các thành quả đã có.
Từ khóa
Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đào tạo Sau đại học, Trường Vẽ Gia Định
1. Dẫn nhập
Khái niệm “Đào tạo Sau đại học” (SĐH) được xác định bao gồm quá trình giáo dục/sư
phạm diễn ra từ khâu tuyển sinh (đầu vào) cho đến lúc hoàn thành bảo vệ luận văn/luận án
(đầu ra) của các học viên thuộc hai bậc học: Cao học (Thạc sĩ) và Nghiên cứu sinh (Tiến
sĩ) thông qua các hoạt động giảng dạy/hướng dẫn/quản lý của đội ngũ cán bộ giáo viên
thuộc khoa/bộ môn, các phòng, ban chức năng liên quan và Ban giám hiệu của một trường
đại học cụ thể. Tiến trình 110 năm từ Trường Vẽ Gia Định đến Đại học Mỹ thuật TP. Hồ
Chí Minh (1913 - 2023) gồm nhiều giai đoạn phát triển và Đào tạo SĐH thuộc giại đoạn
sau cùng của quá trình phát triển ấy, được tính từ khi Quyết Định số 1942/QĐ – SĐH ngày
16 tháng 09 năm 1993 của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo cho phép nhà trường này được đào
tạo bậc Cao học…
Qua nhiều thời kỳ phát triển cả về lượng lẫn về chất, việc tiến lên đào tạo bậc SĐH
như vậy là một bước tiến không chỉ về nâng cấp đào tạo mà còn là một sự khẳng định vị
thế mới của một trung tâm đào tạo quốc gia (khu vực phía Nam) trong quá trình hội nhập
quốc tế với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới đồng thời cũng đặt ra nhiều yêu
cầu mới cho Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Tác giả bài viết vốn là người từng
theo học chính quy tại trường (giai đoạn 1966 – 1970) đồng thời là một giảng viên thỉnh
giảng có quá trình liên tục trực tiếp tham gia cộng tác nghiên cứu giảng dạy Sau đại học
của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh gần như ngay từ đầu cho đến nay do đó
vừa là người trong cuộc vừa mang tính khách quan nhất định. Bài viết được thực hiện dựa
vào tham khảo các nguồn tài liệu khác nhau, các văn bản liên quan, thông qua phương pháp

*
Giảng viên cao cấp, Phó giáo sư Tiến sĩ, Khoa Văn hoá học – Đại học KHXHNV, ĐHQGTPHCM, nguyên Hiệu
trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, giảng viên thỉnh giảng Sau đại học của Đại học Mỹ
thuật TP. Hồ Chí Minh.
1
quan sát, trực tiếp tham gia, trải nghiệm thực tế kết hợp phỏng vấn sâu một số nhà giáo,
nhà quản lý lâu năm của Trường đồng thời với cách tiếp cận từ góc độ Mỹ thuật học kết
hợp Giáo dục học, Sư phạm học và một số khoa học chuyên ngành khác như Văn hóa học,
Nghệ thuật học…nhằm góp phần nhận định về kết quả, vị trí, ý nghĩa việc Đào tạo SĐH
và hy vọng qua đó sẽ đề xuất thêm một số gợi mở góp phần phát huy tốt hơn nữa các thành
quả đã có, hướng tới chặng phát triển mới ở những năm tiếp theo với những yêu cầu ngày
càng cao hơn nữa của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
2. Các giai đoạn xây dựng và phát triển từ Trường Vẽ Gia Định đến Trường Đại
học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và vị trí của Đào tạo Sau đại học
Tính đến thời điểm hiện nay (năm 2023), Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh
đã có 110 năm hình thành và phát triển có thể được phân chia theo 2 thời kỳ dựa trên cột
mốc lịch sử năm 1975 (giai đoạn trước và sau khi hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước)
với 5 giai đoạn khác nhau như sau :
2.1. Thời kỳ trước năm 1975 (gồm 3 giai đoạn phát triển sau khi hình thành):
- Giai đoạn 1 (1913 – 1940): Trường Vẽ Gia Định (École de Dessin) vốn có tên gốc
ban đầu là Trường Mỹ thuật Bản xứ Gia Định (Ecole d’Art Indigènes de Gia Dinh) và sau
đổi thành Trường Dạy Vẽ và Điêu khắc Gia Định (Ecole de Dessins et de Gravures de Gia
Dinh) được chính thức thành lập ngày 01 tháng 9 năm 1913 và đến năm 1917 lại được
mang tên là Trường Trang trí Mỹ thuật Gia Định (École d’Arts Décoratifs de Gia Dinh).
Đây là giai đoạn hình thành và xác lập mô hình tổ chức hoạt động đào tạo mỹ thuật chủ
yếu cho các ngành: Hội họa, Trang trí, Ấn loát thạch bản và khắc đồng…lúc đầu với sự
điều hành chung của một số họa sĩ người Pháp tiếp sau đó là người Việt. Tương tự như vậy,
trước đó năm 1901, Trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một (École d'art indigène de Thu
Dau Mot) được thành lập để đào tạo lúc đầu về Đồ gỗ, Điêu khắc, Sơn mài…; tiếp theo
năm 1903, Trường Dạy nghề Biên Hòa (L’ Ecole professionelle de Bien Hoa) cũng đã được
thành lập với lúc đầu có 2 ngành (ban): Đúc đồng và Đồ gốm…(Xem Phụ lục ảnh 1)
Tiếp sau đó ở Hà Nội, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École Supérieure
des Beaux-Arts de l'Indochine) được thành lập ngày 27 Tháng 10 năm 1924, là tiền thân
của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội sau này và Đại học Mỹ thuật Việt Nam hiện nay.
Trong bối cảnh từ lâu đời hoạt động mỹ thuật truyền thống nước ta chủ yếu mang tính dân
gian, không có đào tạo chính quy và trong toàn cảnh thực tế đất nước lúc ấy đã và đang
nằm trong ách thống trị về chính trị - xã hội của thực dân Pháp, việc hình thành những
trung tâm đào tạo mỹ thuật mang tính chất chính quy, bài bản đầu thế kỷ XX ở hai đầu đất
nước thực sự là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa cách mạng nhất định. Nền mỹ thuật hiện
đại Việt Nam chính thức hình thành với cơ hội lớn để tiếp xúc với những thành tựu tiến bộ
của mỹ thuật phương Tây song song với việc kế thừa các tinh hoa vốn cổ của nghệ thuật
dân tộc theo tinh thần như “một nhân duyên của sự hòa quyện hai dòng chảy dân gian và
bác học” (Nguyễn Văn Minh, 2013: 5). Đặc biệt trong đó, việc ra đời Trường Vẽ Gia Định
và Trang trí Mỹ thuật Gia Định thực chất là việc hình thành bước đầu của một trung tâm
đào tạo chính quy góp phần đặt nền tảng cho sự phát triển nền mỹ thuật hiện đại của Việt
Nam ở Gia Định, vùng đất gắn với Thành phố Sài Gòn, thủ phủ của chế độ thực dân Pháp
ở Đông Dương trước kia cũng như của các chính phủ thuộc sự chi phối của đế quốc Mỹ tại
miền Nam Việt Nam giai đoạn về sau và tiếp theo cho đến nay đó là TP. Hồ Chí Minh,
trung tâm kinh tế - xã hội hàng đầu của cả nước, trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn nhất ở

2
phía Nam. Đây là một trong những nguyên nhân gốc lý giải vì sao ngay từ đầu: Trường Vẽ
Gia Định tuyển sinh từ khắp các tỉnh Nam Kỳ và tiếp theo sau đó, qua các giai đoạn phát
triển khác nhau cho đến nay, ngôi trường này vẫn luôn đóng vai trò là trung tâm đào tạo
mỹ thuật của cả vùng Nam Bộ, rộng ra là của cả các tỉnh thành ở phía Nam (Xem Phụ lục
Ảnh 2)
- Giai đoạn 2 (1940 – 1951): Mỹ nghệ thực hành Gia Định (Ecole des Arts appliqués
de Gia Đinh) hoặc gọi tắt là Trường Mỹ nghệ (L’école d’ Arts) (1940). Đó là giai đoạn phát
triển mới thông qua sự khẳng định hướng đào tạo cả Mỹ thuật tạo hình lẫn Mỹ thuật ứng
dụng cơ bản với 3 ban: Hội họa mỹ thuật (tranh sơn mài, tranh lụa, tranh sơn dầu…), Hội
họa kiến trúc, Hội họa ấn loát. Ngoài ra, sau đó chương trình đào tạo còn được cải thiện,
thêm môn trang trí tổng quát, luật viễn cận, đặc biệt thêm môn học ký hoạ, nhờ thế mà
trường đã đưa học sinh thâm nhập sâu vào thực tế để phản ánh nhiều mặt cuộc sống thông
qua nghệ thuật tạo hình. Mặc dù có bị gián đoạn hoặc bị hạn chế một thời gian bởi thời
cuộc (1945 – 1948) nhưng chính trong thời kỳ đó nhiều học sinh của trường đã trực tiếp đi
tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tiến đến giải phóng đất nước…
- Giai đoạn 3 (1951 – 1975): Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định (1951), Quốc gia
Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (1954), Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định (1961) và Quốc
gia Trang trí Mỹ thuật (1971). Đây là thời kỳ khẳng định vị thế trung tâm đào tạo mỹ thuật
của khu vực phía Nam dưới thời chế độ Việt Nam Cộng Hòa (trong đối trọng với trường
Đại học Mỹ thuật Hà Nội thuộc khu vực miền Bắc xã hội chủ nghĩa). Trường Quốc gia
Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn với các chuyên khoa mỹ thuật tạo hình: Sơn dầu, Sơn mài,
Lụa, Điêu khắc lúc đầu gồm 3 năm học sau đó nâng cấp thêm 4 năm để thành khóa học 7
năm. Trường Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định với 3 (ban) chuyên ngành: Hội họa
và Trang Trí, Hội họa và Kiến trúc, Thạch bản và Ấn loát lúc đầu gồm 4 năm học sau đó
nâng thêm 3 năm để thành 7 năm học và từ đó đổi thành Trường Quốc gia Trang trí Mỹ
thuật. Từng bước nâng cấp đào tạo ngày càng chuyên sâu về chuyên môn dựa trên sự song
hành của Mỹ thuật ứng dụng và Mỹ thuật tạo hình đó là xu hướng rõ rệt ở giai đoạn này
(Xem Phụ lục Ảnh 3)…
2.2. Thời kỳ sau năm 1975 (Gồm 2 giai đoạn với đỉnh cao là Đào tạo Sau đại học):
- Giai đoạn 4 (1975 – 1981): Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (1975). Đây là
thời kỳ tích hợp các lực lượng mỹ thuật tại chỗ gồm cả đội ngũ họa sĩ từ chiến khu về hoặc
từ miền Bắc vào để xây dựng trung tâm đào tạo mỹ thuật khu vực phía Nam của nước Việt
Nam hòa bình, thống nhất. Chỉ 6 tháng sau ngày giải phóng 30/4/1975, nhà trường đã khai
giảng năm học đầu tiên đào tạo song song hai cấp đại học và trung học. Trong điều kiện
khó khăn sau chiến tranh và với cơ chế quan liêu bao cấp gây nhiều hạn chế trầm trọng,
đồng thời với việc đảm bảo việc dạy và học, duy trì và từng bước phát triển về tổ chức, cơ
sở vật chất – kỹ thuật, xây dựng lại chương trình, nội dung kế hoạch đào tạo…tất cả là sự
nỗ lực cực kỳ lớn !
- Giai đoạn 5 (1981 đến nay) : Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (29/9/1981, trên
cơ sở đổi tên từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh). Đây là giai đoạn phát triển
mới ngày càng toàn diện của một trường đào tạo chuyên về mỹ thuật của khu vực phía
Nam trong hệ thống giáo dục quốc dân, dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Văn hóa qua các
thời kỳ. Đặc biệt sau khi vượt qua những khủng hoảng của cơ chế bao cấp, từ sau năm
1986, cùng với sự chuyển động chung của toàn xã hội nhằm thực hiện đường lối đổi mới

3
của Đảng và Nhà nước, Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã có những nỗ lực
cao để chuyển động toàn diện và đồng bộ các mặt theo hướng không ngừng cải tiến về
quản lý, mở rộng các phương thức, đa dạng hóa các loại hình đào tạo bên cạnh luôn đảm
bảo giữ vững, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Nội dung đào tạo của trường bao
quát cả hai lãnh vực lớn: Mỹ thuật tạo hình và Mỹ thuật ứng dụng với trên dưới 20 chuyên
ngành ở mỗi lĩnh vực có liên quan cả Hội họa, Đồ hoạ, Điêu khắc và Sư phạm mỹ
thuật1…Tất cả theo định hướng chung: “Mục tiêu đào tạo của nhà trường…là phát triển
chiều sâu nhóm ngành Mỹ thuật tạo hình, phát triển chiều rộng nhóm ngành Mỹ thuật ứng
dụng, tăng cường cơ sở vật chất, quy mô đào tạo cả về số lượng sinh viên và ngành học mà
xã hội có nhu cầu” (Trương Phi Đức, 2013: 4). Theo hướng đó, trong những năm qua, nhà
trường đã đào tạo hàng ngàn học sinh, sinh viên mỹ thuật đã và đang tham gia hoạt động ở
hầu khắp các tỉnh, thành Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, bên cạnh các bậc Đại học và Trung học gồm cả Đại học chính quy và Đại
học tại chức, từ năm 1993 Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh được nâng cấp một
bước quan trọng đó là việc chính thức triển khai các chương trình Đào tạo SĐH của
Trường…Trong đó, các chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ gồm: Mỹ thuật tạo hình (sáng
tác), Lý luận và lịch sử mỹ thuật. Sau đó chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ với mã số
chuyên ngành: Lý luận và lịch sử mỹ thuật cũng đã được chính thức triển khai (Xem Phụ
lục Ảnh 4 & 5)
Trên thực tế, chương trình SĐH nhằm góp phần đào tạo những người có trình độ
chuyên môn cao và khả năng nghiên cứu chuyên sâu trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật
và công nghệ và nó làm cho các trường đại học có thể trở thành là một trung tâm giáo dục
phù hợp với chuẩn chất của một nền “giáo dục đỉnh cao” (higher education) hoặc “giáo
dục hàn lâm” (academic education) theo cách như Philippe De Lara (2009), giảng viên
Triết học và Khoa học chính trị tại Đại học Paris II đã từng nói : “văn hoá đại học bao gồm
một sự tổng hợp giữa (tính) bách khoa toàn thư và (tính) cá biệt của việc nghiên cứu đang
được thực hiện” (Nguyên văn:“la culture universitaire consiste dans une synthèse entre la
totalisation encyclopédique et la singularité de la recherche en train de se faire”). Đây là
nội dung, mục tiêu mà Đào tạo SĐH chắc chắn sẽ có thể trực tiếp góp phần quyết định cho
sự phát triển của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, là một trong những yêu cầu
rõ nét nhất trước hết trong mối quan hệ chức năng của văn hoá quản trị đại học của Trường
ở trình độ cao. Quy định công tác quản lý Đào tạo SĐH của Trường Đại Học Mỹ Thuật
TP.HCM (Ban hành kèm theo Quyết định số 87/QĐ-ĐHMTHCM ngày 28/8/2013 của Hiệu
trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM) là một minh chứng rõ về điều đó. Với 7 chương
và 50 điều chặt chẽ, Quy định này ngoài Quy định chung còn có các quy định chi tiết về
Cơ sở đào tạo, Tuyển sinh, Chương trình và tổ chức đào tạo…Đặc biệt, trong Chương I ở
mục Quy định chung và ở Điều 2. Mục tiêu đào tạo trong văn bản Quy định này đã ghi rõ:
“Đào tạo thạc sĩ giúp học viên nắm vững lý thuyết, có trình độ cao về thực hành, có khả
năng nghiên cứu, làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, phân tích, giải quyết
những vấn đề thuộc ngành, chuyên ngành được đào tạo”. Rõ ràng việc Đào tạo SĐH từ

1
Ví dụ: Hội họa (Sơn dầu, Sơn mài, Tranh lụa với Vẽ bố cục màu, Vẽ hình họa toàn thân…), Đồ hoạ (Tranh in, Tranh
truyện với in khắc gỗ, khắc kim loại, in đá, in lưới và Sáng tác truyện tranh, minh họa…), Điêu khắc (Tượng tròn, Phù
điêu, Thiết kế đồ họa (Thiết kế (Graphic) logo, bộ thương hiệu, poster…; Truyền thông (Media): ứng dụng thiết kế
truyền thông, quay phim, dựng 3D, edit video, xử lý hậu kì, thiết kế web, maketting...
4
mục tiêu, nội dung cho đến phương thức và trình độ tổ chức, quản lý của Trường Đại học
Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh từ thực tế thời gian qua cho thấy đã tiến lên một bước phát triển
mới về chất. Điều ấy càng khẳng định rằng qua các giai đoạn phát triển khác nhau với quy
mô tốc độ không giống nhau nhưng nhìn chung đó vẫn là quá trình không ngừng tích lũy
về số lượng để từng bước tạo ra chất lượng mới mà Đào tạo SĐH chính là một thành tựu
đỉnh cao của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tính từ khi Trường Vẽ Gia Định
ra đời…
3. Đào tạo Sau đại học là sự khẳng định vị thế mới với những yêu cầu mới của
Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh
3.1. Đào tạo Sau đại học tạo sự đột phá cả về lượng và chất của Trường Đại học
Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh nói riêng, góp phần phát triển chất lượng và hiệu quả thực
tế cho hoạt động mỹ thuật ở các địa phương phía Nam nói chung
Đến nay (thời điểm tháng 5/2023) dựa vào văn bản tổng hợp của Bộ phận Sau đại
học (Phòng Đào tạo – Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế) cho thấy đã có 515 học viên
Cao học bảo vệ tốt nghiệp tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, gồm 372 luận
văn thuộc chuyên ngành Mỹ thuật Tạo hình và 143 thuộc chuyên ngành Lý luận và lịch sử
Mỹ thuật. Về Tiến sĩ trong tổng số 35 Nghiên cứu sinh của Trường đến nay, đã có 5 NCS
bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp trường. Từ thực tế cho thấy, kết quả Đào tạo SĐH
của Trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh qua các giai đoạn đã đào tạo được hàng loạt
cán bộ khoa học trẻ không chỉ góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các
cơ quan đơn vị tại các địa phương mà còn đã góp phần quan trọng để xây dựng lực lượng
cán bộ, giáo viên chủ chốt cho các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu tại TP. Hồ
Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam, kể cả một số địa phương ở miền Trung (đặc biệt
là ở Thừa Thiên – Huế)… Ngay bản thân Trường Đại học mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cũng
đã từng bước được xây dựng và phát triển hoàn thiện hơn từ Ban Giám hiệu cho tới các
khoa, bộ môn, phòng ban của mình bằng chính đội ngũ ấy. Những thế hệ học viên cao học,
nghiên cứu sinh đầu tiên đã trở thành lực lượng bổ sung không chỉ cho việc giảng dạy, quản
lý đào tạo mỹ thuật mà còn có cả nhiều công trình khoa học (giáo trình, đề tài nghiên cứu,
bài báo…) có giá trị được chính thức công bố cả trong và ngoài nước…
Tất cả thực tế như nêu trên minh chứng rằng Đào tạo SĐH Trường Đại học Mỹ thuật
TP. Hồ Chí Minh với mục tiêu phát triển đội ngũ khoa học trẻ, nguồn nhân lực chất lượng
cao nhằm góp phần xây dựng đất nước trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và
hội nhập quốc tế đã là một hiện thực tích cực được khẳng định bước đầu. Điều đó mang ý
nghĩa chiến lược bởi trên mọi khía cạnh của sự phát triển đời sống xã hội, ở đâu cũng cần
đến yếu tố con người tham gia góp phần thúc đẩy sự phát triển ấy bằng chính hoạt động
của mình với một điều kiện nhất định về “chất lượng nhân lực”. Nói “chất lượng nhân lực”
tức nói đến những chuẩn chất về năng lực và phẩm chất mà con người có thể có để đảm
bảo khả năng tạo hiệu quả phát triển bền vững cho lĩnh vực hoạt động xã hội mà mình tham
gia. Cụ thể trong lĩnh vực mỹ thuật, từ sáng tác cho đến nghiên cứu giảng dạy, lý luận phê
bình…ở đâu chúng ta cũng có thể thấy rất cần có đội ngũ “nguồn nhân lực chất lượng cao”
như vậy. Thực tế đã minh chứng đội ngũ khoa học có học vị và năng lực trong các lĩnh vực
hoạt động mỹ thuật khác nhau được hình thành từ quá trình Đào tạo SĐH của Trường Đại
học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình rất rõ rệt .

5
Chương trình Đào tạo SĐH về mỹ thuật nói riêng cũng như các lĩnh vực xã hội nói
chung có một ưu thế quan trọng đó là khả năng tích hợp mọi ngọn nguồn kiến thức ngành
nghề đặc biệt là về phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu, về ngoại ngữ và trình
độ tiếp cận tri thức mới của thế giới liên quan ngành nghề, về năng lực giải quyết các vấn
đề thực tiễn ngành nghề bằng tư duy khoa học…Tất cả là cơ sở quan trọng làm cho chương
trình SĐH của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh có thể góp phần tích cực và hiệu
quả đối với việc đào tạo đội ngũ khoa học trẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp
ứng theo kịp các yêu cầu thực tiễn hoạt động mỹ thuật trong giai đoạn hội nhập quá trình
toàn cầu hóa hiện nay. Xu thế “hội nhập” (integration) với nghĩa bao quát là sự “trao đổi
chất” (để phát triển) mà ở đây, thông qua chương trình Đào tạo SĐH, đó là quá trình “tích
hợp” nhiều nguồn tri thức khác nhau với mục tiêu cao nhất là nhằm giúp con người “giao
tiếp” (cultural interchange and acculturation) ngày càng sâu rộng hơn với thế giới trên cả
hai chiều đồng đại lẫn lịch đại. Cụ thể và gần gũi hơn, qua thực tế các lĩnh vực hoạt động
mỹ thuật cho thấy, quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đặc biệt là trong bối cảnh cách
mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nhiều lĩnh vực ngành nghề mỹ thuật một mặt sẽ ngày càng
phát triển mạnh theo hướng mở rộng hơn (tích hợp thêm nhiều ngành nghề mới) đồng thời
với xu thế ngày càng đi vào chiều sâu (chuyên môn hóa cao) rõ ràng đã và đang đòi hỏi
đông đảo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao (cả về thực hành lẫn lý luận) trên các lĩnh
vực ấy…Hơn nữa, về nguyên lý việc xây dựng bất cứ một ngành nghề nào cũng phải theo
nguyên tắc “tạo ngành rồi mới có thể tạo nghề”, có nghĩa rằng phải tạo ra lý thuyết, lý luận
bên cạnh phải có hoạt động truyền đạt tri thức kết hợp hoạt động thực hành, thực tế…tất
cả tiến tới phải đạt tầm cao và chuyên sâu nhằm có thể tạo ra đội ngũ thông thạo nghề
nghiệp ngang tầm với trình độ chung của thế giới đương thời…Tất cả điều đó khẳng định
kết quả bước đầu của việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu
khoa học thông qua Đào tạo SĐH của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chắc
chắn là một trong những việc làm thiết thân mang nhiều ý nghĩa tích cực, đặc biệt là trong
bối cảnh thực tế hiện nay.
3.2. Đào tạo Sau đại học với những yêu cầu mới đặt ra cho định hướng phát triển
của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và cho hoạt động mỹ thuật Việt Nam,
đặc biệt là ở các địa phương phía Nam
Trong xu thế chung của quá trình toàn cầu hoá ngày càng phát triển sâu rộng, cùng
với thực tế ngày càng nhiều nội dung giảng dạy mang tính quốc tế hoá, hợp tác nghiên cứu
quốc tế ngày càng phát triển, trao đổi giáo viên và sinh viên ngày càng nhiều giữa các
nước...nên đã có ý kiến nhận định rất chính xác rằng “Các trường đại học là một phần của
hội nhập toàn cầu về văn hoá, công nghiệp và xã hội” (Satis Arnold, 2008). Nhìn từ góc độ
Văn hóa học kết hợp Giáo dục học, các trường đại học trong đó gồm cả Đại học Mỹ thuật
TP. Hồ Chí Minh có thể xem là những “tiểu văn hoá” (subculture) của văn hoá giáo dục
quốc gia cũng như văn hoá giáo dục của cả cộng đồng thế giới. Việc xây dựng và phát triển
văn hoá đại học ở đây do vậy nhất thiết phải là đề cao “tính chất mở” với nghĩa đó là quá
trình không ngừng đẩy mạnh “giao lưu và tiếp biến văn hoá” (cultural exchange and
acculturation) nhằm làm cho sự nghiệp phát triển văn hoá - giáo dục của mỗi trường là quá
trình không ngừng năng động tiếp thu cái mới để liên tục biến đổi về chất theo hướng ngày
càng tiến bộ theo kịp yêu cầu cuộc sống và ngang tầm thời đại.

6
Theo đó, quan điểm đào tạo và tầm nhìn chiến lược của Trường Đại học Mỹ thuật
TP. Hồ Chí Minh có thể xác định theo định hướng đúng đắn đó là: “Đưa vấn đề đào tạo mỹ
thuật Việt Nam sánh kịp với các trường trong khu vực, nhất là nhận thức , tư duy mới về
nghệ thuật” đồng thời với “Mở thêm các ngành mới mà xã hội có nhu cầu cao; đưa các loại
hình nghệ thuật mới của thế giới vào môi trường đào tạo, đưa mỹ thuật Việt Nam phát triển
tương đồng với các nền mỹ thuật trên thế giới” (Nguyễn Văn Minh, 2013: 7). Đó có thể
xem là một trong những quan điểm chỉ đạo trọng tâm trong các mục tiêu Đào tạo SĐH của
Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đồng thời đó cũng có thể là những chủ đề gợi
mở trong các định hướng nghiên cứu khoa học mà các đề tài luận văn, luận án của chương
trình Đào tạo SĐH của Trường cần phải tập trung góp phần làm rõ trong thời gian tới.
Liên quan định hướng chung nói trên, gắn với việc “Dạy” và “Học”, vấn đề chất
lượng – hiệu quả trong công tác “Nghiên cứu khoa học” của Trường Đại học Mỹ thuật TP.
Hồ Chí Minh nói chung, trong các đề tài luận văn, luận án thuộc chương trình Đào tạo
SĐH nói riêng có vị trí rất quan trọng. Nó là một bộ phận tạo nên giá trị khoa học – thực
tiễn của toàn bộ sự nghiệp đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học của Trường. Nói giá trị
khoa học là nói đến tính khách quan của các quy luật khách quan của các lĩnh vực hoạt
động mỹ thuật được nhận thức, các thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ được nắm bắt
từ nhiều góc độ khác nhau và được vận dụng tốt trong nội dung nghiên cứu, giảng dạy, ứng
dụng ngay trong quá trình xây dựng và phát triển nhà trường trước hết là về khía cạnh học
thuật. Còn nói giá trị thực tiễn là nói về điều kiện, hoàn cảnh thực tế, tính định hướng và
mục tiêu thực tế, hiệu quả cụ thể mà công tác đào tạo, nghiên cứu của Trường cũng như
chương trình Đào tạo SĐH cần đạt được nhằm trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng và
hiệu quả mọi khía cạnh hoạt động chuyên môn của Trường. Kết hợp hai mặt như vậy, cơ
sở khoa học - thực tiễn sẽ vừa là mục tiêu vừa là động lực thật sự cho sự phát triển của
Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh nói chung, của chương trình Đào tạo SĐH nói
riêng. Trên thực tế chất lượng và hiệu quả các ngành nghề đào tạo của các khoa, bộ môn
của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, gồm cả Đào tạo SĐH chắc chắn phải căn
cứ trên sự thừa nhận của xã hội về kết quả cụ thể được minh chứng ở trình độ, khả năng
ứng dụng vốn học tập của sinh viên, học viên, ở sự thành đạt của họ trên cơ sở đáp ứng
được yêu cầu thực tiễn cuộc sống diễn ra ngay tại địa phương, ngay trên đất nước mình
thông qua Giảng dạy – Học tập gắn với Nghiên cứu khoa học…
Theo các ý tưởng chung mang tính gợi mở như trên, nội dung chương trình Đào tạo
SĐH của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục rà soát lại về định hướng
liên quan tính khoa học – thực tiễn của nó. Chẳng hạn, không phải chỉ Lý luận và lịch sử
Mỹ thuật mà cả Mỹ thuật tạo hình bên cạnh năng lực sáng tác cũng cần được nâng cao
trình độ nghiên cứu lý luận, có nghĩa rằng không chỉ ở bậc Thạc sĩ mà cả ở bậc Tiến sĩ Mỹ
thuật cũng cần có các đề tài thuộc chuyên ngành thuộc lĩnh vực Mỹ thuật tạo hình (hiện
nay chỉ có chuyên ngành Lý luận và lịch sử Mỹ thuật). Cơ sở nào đặt vấn đề như vậy?
Đúng như Giáo sư Stéphane Brecq, Giám đốc của Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định
(1940 – 1944) trước đây đã từng nói: “Giảng dạy mỹ thuật ứng dụng là giảng dạy về sự
sống của nghệ thuật trong thực tế. Điều này đã nói lên sứ mệnh đặt vấn đề cái đẹp trong
mọi thứ đồ đạc để tô điểm cho cuộc sống của chúng ta. Mỹ thuật ứng dụng trong cuộc sống
phục vụ nhu cầu sử dụng qua sản phẩm cụ thể, nó phải thực dụng. Và, sự phục vụ này từ ý
nghĩa mỹ học đến áp dụng thực tế không phải lúc nào cũng không có những xung đột, cho

7
nên, nó đòi hỏi sự nhận thức chung về trang trí, bố cục, một bức vẽ để áp dụng vào chất
liệu sơn mài, bích họa hay tranh thủy hồ…Bởi vì, với mỹ thuật ứng dụng, ý tưởng sáng tạo
sẽ luôn phụ thuộc vào những quy luật của vật chất” (Dẫn lại theo Nguyễn Văn Minh, 2013,
5 – 6). Nhìn sâu hơn, về lý luận người ta cũng đã khẳng định rằng: “Tài năng của nghệ sĩ
được thể hiện ở chỗ gợi mở, khám phá những ý tưởng mới lạ, làm cho công chúng thấy
được những cái đẹp ẩn ý giấu kín trong hình tượng nghệ thuật, những hàm ẩn sâu xa, rộng
lớn của tác phẩm và làm cho tâm hồn của con người, ý thức của xã hội được nâng lên”
(Nguyễn Xuân Tiên, 2017: 204). Điều đó cũng có nghĩa rằng năng lực, trình độ khoa học
của người nghệ sĩ nếu được phát triển thông qua công trình nghiên cứu cụ thể của mình
(qua các luận văn, luận án chẳng hạn) chắc chắn sẽ có ý nghĩa tích cực trên nhiều mặt,
trước hết là ở tầm cao và chiều sâu trong khả năng sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có
giá trị cao hơn nhằm có thể góp phần nâng cao trình độ văn hóa nghệ thuật và thẩm mỹ của
công chúng và xã hội nói chung…
Từ những nguyên lý đề cập ở trên, bản chất, nhiệm vụ trung tâm của giảng dạy và
học tập SĐH không phải chỉ là kiến thức mà chủ yếu là vì phương pháp và phương pháp
luận, điều kiện quyết định cho năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo về khoa học. Dạy học SĐH
thực chất là dạy cách tự học tập, nghiên cứu nhằm phát triển năng lực khoa học của người
học thông qua hệ thống kiến thức chuyên ngành ở trình độ cao trước hết thông qua thực
hiện một đề tài luận văn, luận án cụ thể. Hơn thế nữa, việc truyền đạt tri thức ở trình độ
SĐH là những tri thức có tính khái niệm hóa, hệ thống hóa và khái quát hóa cao, đóng vai
trò quan trọng đối với việc phát triển của xã hội, của các nền văn minh. Theo đó, nguyên
tắc sư phạm ở đây trên hết phải là sự cần thiết của việc kết hợp và cân bằng giữa tri thức
tổng quát - hệ thống với tri thức kinh nghiệm - thực tiễn, giữa tri thức trừu tượng và tri thức
cụ thể trong sự chia sẻ tri thức… để thực sự tạo ra tri thức từ những cộng đồng khác biệt,
biến “tri thức của” (knowledge of) thành “tri thức dành cho” (knowledge for)…(Adam B.
Seligman 2018, tr. 22 – 23).
Với yêu cầu như vậy, người giảng viên SĐH không những phải có nhiều kiến thức
cơ bản và vốn thực tiễn với tư duy phê phán sâu sắc, óc sáng tạo mạnh mẽ mà còn phải là
những “bậc thầy” về phương pháp và phương pháp luận thể hiện ngay trong năng lực và
phẩm chất sư phạm của mình. Tất nhiên, đối tượng trung tâm của quá trình ấy chính là
những luận văn, luận án được thực hiện bằng một kế hoạch thời gian cụ thể từ lúc thông
qua đề cương đến lúc hoàn thành bảo vệ trước hội đồng và được chính thức công nhận cấp
bằng cho người học, tất cả cần phải đạt chuẩn chất trên cả ba khía cạnh: (1) Tính pháp lý :
Đảm bảo tuân thủ theo đúng những quy chế, quy định về giáo dục đào tạo nói chung, về tổ
chức thi cử Sau đại học nói riêng; (2) Tính khoa học: Những quá trình nhận thức và sinh
hoạt nhằm hướng đến mục tiêu chiếm lĩnh các tri thức khoa học cơ bản và chuyên ngành,
các phương pháp và phương pháp luận nhằm nắm bắt các quy luật nhận thức lý luận, sáng
tạo; (3) Tính chuyên môn: Mỗi một luận văn, luận án được bảo vệ và mỗi buổi tổ chức bảo
vệ tốt nghiệp là một bước đi sâu hơn vào các khía cạnh khác nhau liên quan nét đặc thù
của từng loại khoa học/ngành nghề nói riêng...(Huỳnh Quốc Thắng, 2010: 10 – 13).
Ngoài ra, quyết định tất cả những định hướng lớn nói trên, vấn đề cơ chế, thể chế Đào
tạo SĐH về mỹ thuật từ yêu cầu thực tế của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Chí Minh cho
thấy cần phải tăng cường nhiều hơn về chất lượng, hiệu quả tổ chức, quản lý và các chính
sách, chế độ phù hợp với đặc thù bậc đào tạo cũng như loại hình đào tạo so với các bậc và

8
loại hình đào tạo khác…Điều này có liên quan cả những quan tâm cải tiến, đổi mới cần
thiết ở tầm vĩ mô liên quan các cơ quan quản lý cấp Bộ (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhằm tạo ra nguồn lực mới cho Đào tạo SĐH về mỹ thuật trong
bối cảnh mới hiện nay và sắp tới đây.

Kết luận

Trong tiến trình phát triển 110 năm (1913 – 2023) từ Trường Vẽ Gia Định đến Trường
Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đào tạo SĐH là một trong những nội dung hoạt động
ở giai đoạn sau cùng của tiến trình ấy với vị trí, ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với quá khứ
mà còn cả cho tương lai. Đối với quá khứ, đó là cột mốc đỉnh cao của những thành tựu cơ
bản được xây dựng và phát triển qua các giai đoạn bắt đầu từ việc ra đời của Trường Vẽ
Gia Định vào đầu thế kỷ XX. Đối với tương lai, đó là sự khẳng định vị thế mới với những
yêu cầu mới đặt ra cho Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh trong quá trình hội nhập
khu vực và toàn cầu trong tư thế của một trung tâm đào tạo cấp quốc gia về mỹ thuật ở khu
vực phía Nam đất nước. Đào tạo SĐH trên thực tế chỉ là một bộ phận gắn liền trong các
nhiệm vụ đào tạo và xây dựng tổ chức, quản lý toàn diện trên nhiều lĩnh vực…của trường
Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đó là bộ phận có vị trí đặc biệt liên quan
một trong những nhiệm vụ vừa mang tính thường xuyên, trước mắt vừa có tính lâu dài với
sự phức tạp khá cao cả về pháp lý đào tạo lẫn về quản lý chuyên môn và nghiên cứu khoa
học đồng thời có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với tất cả mọi lĩnh vực hoạt động trọng
tâm của Trường. Từ những thành quả bước đầu đã có, Đào tạo SĐH của Trường Đại học
Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ phải tiếp tục kế thừa và phát huy mọi thành quả,
kinh nghiệm đã có từ 110 năm phát triển từ Trường Vẽ Gia Định cho đến nay để nhân lên
tầm cao mới ngang tầm với những yêu cầu mới ngày càng cao của sự phát triển nhà
trường./.

Tài liệu tham khảo

1. Satis Arnold (2008): Higher education in the New Context. Tài liệu bồi dưỡng Hiệu
trưởng các trường Đại học, Cao đẳng năm 2008. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hà Nội.
2. Ban chấp hành Trung ương Đảng (2013). Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong
điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", ngày 4
tháng 11 năm 2013 .
3. Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (2010). Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.
Kỷ yếu hội thảo. NXB Thế giới .
4. Georges Ribon (1947). “Les Écoles d’ Art de Cochinchine”. Tạp chí Indochine (9/1947).
Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM.
5. Trương Phi Đức (2013). “Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh – Một chặng
đường phát triển”. Văn nghệ (31-10-1913): 4.

9
6. Kim Ửng (2008). “95 năm Trường Vẽ Gia Định - Đại học Mỹ thuật TPHCM: Chiếc nôi
mỹ thuật phương Nam”. Địa chỉ truy cập : https://www. sggp.org.vn/95-nam-truong-ve-
gia-dinh-dai-hoc-my-thuat-tphcm-chiec-noi-my-thuat-phuong-nam-post193842.html.
7. Nguyễn Văn Minh (2013). “Nét đẹp truyền thống trong đào tạo Từ Trường Vẽ Gia Định
đến Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh”. Văn nghệ (31-10-1913): 5.
8. P. D. Lara (2009). Qu’est-ce que la culture universitaire ? http://blog. educpros.fr/
philippedelara/2009/11/14/qu’est-ce-que-la-culture-universitaire/
9. Adam B. Seligman (2018). Pedagogic principles for the production of shared
Knowledge. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa học đường đại học Việt Nam
trong thời kỳ phát triển và hội nhập”. Tháng 4/2018. Đại học KHXHNV, ĐHQG- HCM:
19 – 27.
10. Huỳnh Quốc Thắng (2010). Các điều kiện, yêu cầu và biện pháp nâng cao chất lượng
tổ chức bảo vệ tốt nghiệp cao học tại Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh. Kỷ yếu hội
thảo: “Nâng cao chất lượng Đào tạo SĐH”. Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí
Minh & NXB Thế giới:10 – 13.
11. Huỳnh Quốc Thắng (2018). Chức năng văn hoá đại học tiếp cận từ góc nhìn văn hoá
học. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa học đường đại học Việt Nam trong
thời kỳ phát triển và hội nhập”. Tháng 4/2018. Trường Đại học KHXHNV, ĐHQG-
HCM: 97 – 111.
12. Nguyễn Xuân Tiên (2017). Giáo trình Mỹ thuật học (Dùng cho học viên Sau đại học).
TP. Hồ Chí Minh: NXB Thông tin và Truyền thông.
13. Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc (1994). Sài Gòn Gia Định xưa - Ký họa đầu thế
kỷ XX, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
14. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai (2003). 100 năm hình thành và phát
triển (1903 – 2003). NXB Tổng hợp Đồng Nai.
15. Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM (2008). Kỷ yếu Trường Vẽ Gia Định – Đại học Mỹ
thuật TP.HCM 1913 – 2008.
16. Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM (2013). Kỷ yếu 100 năm Trường Vẽ Gia Định –
Đại học Mỹ thuật TP.HCM 1913 – 2013.

Thông tin tác giả bài viết:

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng


Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Đại học KHXHNV, ĐHQG-HCM
Giảng viên cộng tác Sau đại học Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh
Email: hquocthang@gmail.com
ĐT: 0903783322

10
PHỤ LỤC

Ảnh 1. Tranh cổ động (khoảng những thập niên đầu thế kỷ XX) về các trường
đào tạo mỹ thuật đầu tiên ở Gia Định, Đồng Nai và Biên Hòa
(Nguồn: https://chuyenxua.net/nho-ve-truong-ve-gia-dinh-lich-su-hinh-thanh-va-nhung-
hinh-anh-ngay-xua/)

Ảnh 2. Một lớp học hình họa trường Trang trí Mỹ thuật Gia Định năm 1925
(Nguồn:https://phuongmaigallery.com/vn/hoi-hoa-viet-nam/ Tu-Truong-Ve-Gia-
Dinh-Den-Truong-Dai-Hoc-My-Thuat-Thanh-Pho-Ho-Chi-Minh-429/)

11
Ảnh 3. Đại biểu thăm một lớp học Ban ấn loát Trường Trang trí Mỹ thuật
Gia Định khoảng năm 1969 (Tác giả bài viết lúc đó đang thực hành in lụa)
(Nguồn: https://chuyenxua.net/nho-ve-truong-ve-gia-dinh-lich-su-hinh-thanh-va-
nhung-hinh-anh-ngay-xua/)

Ảnh 4. Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ Mỹ Thuật (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Ảnh 5. Lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ Mỹ Thuật cấp trường (Nguồn: Ảnh tư liệu)

12

You might also like