You are on page 1of 4

Tự liên hệ bản thân và phương hướng phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng đạo đức của

cán hộ, đảng viên sau khi được học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Qua nghiên cứu và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về quan điểm “thực hành tiết
kiệm chống lãng phí, tham ô, quan liêu” và về “sửa đổi lối làm việc”. Tôi nhận thấy:
- Trước hết tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm cơ bản
và toàn diện về đạo đức, bao gồm: vị trí, vai trò, nội dung của đạo đức; những phẩm
chất đạo đức cơ bản và những nguyên tắc xây dựng nền đạo đức mới; yêu cầu rèn
luyện đạo đức với mỗi người cách mạng. Hồ Chí Minh ví đạo đức là nguồn nuôi
dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối.
Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông
cạn; cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo; người cách mạng phải có đạo đức,
không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. “có đạo
đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại không rụt rè, lùi bước” “khi
gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phát, khiêm tốn”.
Trong tư tưởng của người thì cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư là nền tảng của
đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng, làm mối quan hệ
“với tự mình”.
- Người quan niệm cho rằng cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính của con người,
như trời có bốn mùa, đất có bốn phương, người có bốn tính không thể thiếu được
vậy.
Về cần, kiệm, liêm, chính, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là phẩm chất gắn liền với
hoạt động thực tiễn, được thể hiện cụ thể hàng ngày của mỗi con người không thể
che đậy được; gắn chặt giữa nói và làm, giữa suy nghĩ và hành động. Thể hiện cụ
thể:
+ Cần, là sự lao động, làm việc cần cù sáng tạo, có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật,
có kế hoạch, có năng suất, chất lượng cao. Những thói hư, tật xấu lười lao động, ăn
bám, ăn cắp, làm láo báo cáo hay, vô tổ chức, vô kỷ luật là không phù hợp với đạo
đức phẩm chất cách mạng. Bác Hồ rất ghét kẻ đạo đức giả, nói mà không làm, nói
một đường làm một nẻo. Người cho rằng kẻ đó làm giảm đi lòng tin của nhân dân
đối với Đảng.
+ Kiệm, là tiết kiệm sức lao động, thời giờ, tiền của của dân, của nước, của bản thân
từ cái nhỏ, đến cái lớn, không phô trương hình thức, xa xỉ, hoang phí. "Tiết kiệm là
quốc sách".
+ Liêm, là "luôn luôn tôn trọng của công, của dân", "liêm khiết trong mọi hoàn
cảnh" không tham địa vị, không tham tiền tài; không ham người tâng bốc mình. Lợi
dụng chức vụ quyền hạn đục khoét của công, tham ô, hối lộ, móc ngoặc làm những
việc trái đạo đức, trái pháp luật, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân là người
không liêm.
+ Chính, là "người không tà, thẳng thắn, đứng đắn" đối với mình, đối với người và
đối với việc. "Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc sai thì dù nhỏ mấy cũng
tránh". Người còn dạy: "Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính; đối với đồng
sự phải thân ái giúp đỡ; đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành; đối với nhân
dân phải tôn trọng lễ phép; đối với công việc phải tận tụy; đối với địch phải cương
quyết khôn khéo".
Người lãnh đạo, người “giữ cán cân công lý” còn cần phải có chuẩn mực là chí công
vô tư. Chí công là rất mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng,
thiên tư, thiên vị “tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán”, đem lòng chí công, vô tư đối
với người, với việc. “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi
hưởng thụ thì mình nên đi sau", "phải lo trước cho thiên hạ, vui sau thiên hạ".
Người còn chỉ ra mối quan hệ: cần, kiệm, liêm chính tốt sẽ dẫn tới chí công vô tư, và
chí công vô tư, một lòng vì dân, vì nước thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm,
liêm, chính. Người đặc biệt lưu ý: "Trước nhất là cán bộ cơ quan, các đoàn thể, cấp
cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ có quyền mà thiếu lương
tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư". Người cũng còn
chỉ ra một luận điểm rất quan trọng, có giá trị vô cùng thiết thực: "Trước mặt quần
chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "Cộng sản" mà ta được quần chúng yêu
mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn
nhân dân mình phải làm việc trước cho người ta bắt chước". Luận điểm này thể
hiện rõ một phương châm xây dựng đạo đức là nêu gương. Không gì thiết thực hơn,
có sức cảm hóa và lôi cuốn hơn trong lĩnh vực đạo đức bằng việc nêu gương tốt.
Quần chúng nhân dân đã và đang phàn nàn về một số cán bộ, đảng viên không
thường xuyên tự rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, không tự phê bình và phê
bình để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Ở một số Chi, Đảng bộ
thực hiện việc tự phê bình và phê bình có lúc, có nơi chỉ làm qua loa, lấy lệ. Mấy ai
"dũng cảm" tự bộc bạch những hành vi tham ô, tham nhũng, làm giàu bất chính
của mình; còn việc phê bình góp ý cho nhau thì xuê xoa "dĩ hòa vi quý" chính vì vậy
một số cán bộ, đảng viên đã tự đánh mất mình không còn "cái tâm" trong sáng của
người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của dân. Đó chính là do lãng quên việc
rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà
Bác Hồ đã dạy và do không thực thi nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình.
Người dạy: “- Thang thuốc chữa bệnh quan liêu:
+ Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết.
+ Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân.
+ Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình.
+ Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.
Về Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh X.Y.Z,
viết xong tháng 10 năm 1947. Đây là tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, một
tài liệu học tập của cán bộ để tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc…
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lấy bút danh X. Y. Z) viết Sửa đổi lối làm việc vào lúc cuộc
kháng chiến trường kỳ, gian khổ của nhân dân ta chống thực dân Pháp mới bắt
đầu. Đảng ta trở thành đúng cầm quyền được hơn hai năm. Sự nghiệp cách mạng
đang đứng trước nhiều thử thách. Qua thực tiễn đấu tranh bảo vệ thành quả cách
mạng, bảo vệ chính quyền non trẻ, trong hàng ngũ cán bộ cách mạng đã sớm bộc lộ
những nhược điểm, sai sót trong phương thức, lề lối làm việc. Nếu chậm khắc phục
sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và sự nghiệp cách mạng.
Nhằm vạch ra những sai lầm khuyết điểm, lệch lạc; chấn chỉnh lại nhận thức tư
tưởng, nâng cao trình độ chính trị, lý luận, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác
của cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng, Bác Hồ đã
viết tác phẩm này . Đây là một tác phẩm rất quan trọng, đề cập nhiều vấn đề lớn,
vừa có tính lý luận, tính nguyên tắc, vừa có tính chỉ đạo thực tiến sâu sắc về xây
dựng Đảng trong điều kiến Đảng cầm quyền, chăm làm cho Đảng thực sự trong
sạch, vững mạnh, gắn bó mặt thiết với nhân dân, và ngang tầm với yêu cầu nhiệm
vụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng,
là vũ khí sắc bén để làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Người chỉ rõ: mục
đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa chữa cách
làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Cũng vì đối
tượng phê bình là đồng chí của mình và bản thân mình, mục đích vì sự vững mạnh
và tiến bộ của Đảng, nên việc phê bình và thực hiện tự phê bình vừa phải nghiêm
túc nhưng cũng rất thân ái: tự phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo
riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và
khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, châm chọc. Phê
bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Người nêu lên những căn bệnh mà
người cán bộ thường mắc phải cần phê bình, sửa chữa. Đó là bệnh chủ quan, bệnh
hẹp hòi và bệnh ba hoa.
Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, gồm 6 phần: Phần I. Phê bình và sửa chữa.
Điều đầu tiên Bác muốn nói với cán bộ, đảng viên là Đối với mình. Bác nêu vai trò
của tự phê bình và phê bình, cách thức tổ chức, thời gian, tài liệu, cách thức học tập,
cách phê bình, kiểm tra, báo cáo, thực hành...
Phần II, III. Mấy điều kinh nghiệm và tư cách, đạo đức cách mạng.
Đây là những điều Bác nói về vấn đề “Đối với người”. Với đức tính khiêm tốn phi
thường, Bác chỉ nói “mấy điều kinh nghiệm”, nhưng “mấy điều” đó lại là những
quan điểm lý luận cơ bản về cán bộ, về vai trò của cán bộ; về học tập kinh nghiệm
cũng như vai trò năng động, tích cực sáng tạo của cán bộ, đảng viên trên cơ sở phát
huy dân chủ trong Đảng; về quan điểm đối với quần chúng nhân dân…
Phần IV, V, VI, Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo; Chống thói ba hoa. Phần này Bác
nói về vấn đề “Đối với công việc”
Về vấn đề cán bộ, Bác đã khẳng định cán bộ là cái gốc của mọi công việc; vì vậy,
việc huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.
Như vậy, sửa đổi lối làm việc của Đảng ở các cấp, theo tư tưởng của Hồ Chí Minh,
trước hết phải phê bình và sửa chữa bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh giáo điều,
bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa... Mỗi chứng bệnh đó là một kẻ địch nguy hiểm. Mỗi kẻ
địch bên trong là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài, trong đó kẻ địch bên trong
đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những
kẻ địch đó. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Để chữa khỏi những bệnh trên, ta phải tự phê bình
ráo riết và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình. Hai việc
đó phải đi đôi với nhau. Mỗi cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê
bình, tự sửa chữa như mỗi ngày rửa mặt. Được như vậy Đảng ta mới thực sự trong
sạch, vững mạnh.
Từ những nhận thức trên, nhìn lại bản thân Tôi tự nhận thấy:
a) Về ưu điểm:
- Có tinh thần học tập, tự nâng cao trình chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu
nhiệm vụ của cơ quan phân công.
- Có ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí,
quan liêu; trong thực hiện việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực
hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê và phê bình. Thực hiện tốt đợt
“Phát động phong trào thi đua yêu nước” của Trung tâm trong việc thực hành tiết
kiệm điện, sử dụng điện thoại, trong mua sắm trang thiết bị, văn phòng phẩm. Thực
hiện nghiêm Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng
Chính phủ và Công văn số 2356/UBND-VX ngày 14 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban
nhân dân thành phố về tổ chức nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán
bộ, công chức, viên chức nhà nước. Thực hiện Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg
ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 72/QĐ-VP
ngày 21 tháng 9 năm 2007 của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
thành phố về ban hành Quy chế văn hóa công sở.
- Luôn cố gắng nỗ lực trong việc tự học tập và rèn luyện bản thân, giữ gìn phẩm
chất đạo đức, lối sống của người đảng viên, công chức và luôn cố gắng hoàn thành
tốt nhiệm vụ được giao.
b) Khuyết điểm, hạn chế:
- Chưa mạnh dạn, tự tin trong thực hiện công việc; còn hạn chế về kinh nghiệm rà
soát văn bản.
c) Phương hướng phấn đấu:
- Tiếp tục phát huy những ưu điểm và học tập nhiều hơn và tích lũy kinh nghiệm rà
soát văn bản để ngày càng vững vàng hơn về nghiệp vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ
được giao. Luôn chấp hành tốt mọi chủ trương đường lối chính sách của Đảng,
Pháp luật của Nhà nước; noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc học tập và rèn
luyện liên tục theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không lơ là… Nhất là tránh
những bệnh chủ quan, hẹp hòi, ba hoa.

You might also like