You are on page 1of 122

MỞ ĐẦU

- Tổng số tiết: 08 LT: 02 BT: 02 TH: 04


- Mục tiêu:
+ Nắm được một cách khái quát về khái niệm từ, vị trí và chức năng của
từ trong hệ thống các đơn vị ngôn ngữ.
+ Nắm được một cách khái quát các ngành khoa học về từ và nghĩa của
từ
- Nội dung phần giảng dạy trên lớp:
1. Từ và từ vựng
2. Từ vựng – ngữ nghĩa học
- Nội dung sinh viên tự nghiên cứu:
Sinh viên cần ôn lại các kiến thức đã học ở phần Đại cương Từ vựng của
học phần Cơ sở ngôn ngữ.

1. Từ và từ vựng
1.1. Từ
a. Khái niệm
Xét ví dụ sau:
Nhân dân ta rất anh hùng
Câu trên có thể phân chia thành các đơn vị ngôn ngữ sau: câu, cụm từ, từ,
hình vị, âm vị.
- Âm vị là những đơn vị ngữ âm nhỏ nhất, tự thân không có nghĩa, được
dùng để tạo ra vỏ âm thanh cho các đơn vị có nghĩa.
Ví dụ:
Từ các âm vị /ng/, /o/, /a/, /n/, khi kết hợp chúng với nhau ta được hình vị
“ngoan” – đây là một đơn vị có nghĩa.
- Hình vị là những đơn vị được tạo ra từ các âm vị, tự thân có nghĩa
nhưng không dùng trực tiếp để giao tiếp (tức không trực tiếp kết hợp với nhau
để tạo thành câu).

1
Nói cách khác, hình vị là đơn vị nhỏ nhất, có nghĩa, dùng để tạo nên từ.
Ví dụ:
+ Hình vị có thể tự thân tạo thành từ:
Ví dụ: ta, nó, xe, đạp...
+Hình vị có thể kết hợp với hình vị để tạo thành từ:
Ví dụ: đẹp + đẽ = đẹp đẽ
Xe + đạp = xe đạp
+ Hình vị không thể trực tiếp kết hợp với nhau để tạo thành câu.
- Từ là đơn vị được “từ hóa” từ các hình vị hoặc là đơn vị có nghĩa lớn
hơn được tạo ra bởi sự kết hợp của các hình vị. Những đơn vị này trực tiếp kết
hợp với nhau tạo thành cụm từ, câu.
Ví dụ:
+ Từ các hình vị : nhà, đi, xe, đạp... qua quá tình “từ hóa” ta được các
từ: nhà, đi, xe, đạp...
+ Khi kết hợp các hình vị với nhau cũng cho ta kết quả là các từ.
Ví dụ: đẹp + đẽ = đẹp đẽ
Xe + đạp = xe đạp
 Lưu ý:
+ Trong thực tế, có một số trường hợp gây hiểu lầm rằng: trong một từ,
yếu tố trực tiếp tạo nên nó không phải bao giờ cũng là hình vị mà có thể là âm
vị.
Ví dụ: - A, mẹ đã về!
- Thế ư?
Có người cho rằng các từ “a” và “ư” trong các ví dụ trên được tạo nên bởi
các âm vị: âm vị /a/ và âm vị /ư/.
Cần khẳng định rằng, yếu tố trực tiếp tạo nên từ bao giờ cũng là hình vị.
Thực chất “a” và “ư” ở trên không phải là một âm vị mà nó là 2 âm vị kết
hợp với nhau, trong đó có một âm vị siêu đoạn tính (thanh điệu). Nó dùng để

2
phân biệt “a” với “à/ á/...”, “ư” với “ứ/ ừ...”. Nghĩa là “a”, “ư” ở trên là các từ
được tạo nên từ các hình vị.
+ Song, thành tố trực tiếp tạo nên từ không phải bao giờ cũng là một
hình vị mà có thể là 1 tổ hợp hình vị.
Ví dụ: + Ngôn ngữ học  1 từ
1THHV HV
+ Ngữ văn học  1 từ
1THHV HV
 Trong trường hợp trên “ngôn ngữ” và “ngữ văn” không phải là một từ
mà là một tổ hợp hình vị (xét trên phương diện chức năng tạo nên từ).
- Từ là đơn vị cơ bản, đơn vị trung tâm của ngôn ngữ. Trong các đơn vị ngôn
ngữ, từ là đơn vị có thể đảm nhiệm nhiều chức năng nhất.

Đặc điểm Khả năng tạo Khả năng tạo


Nghĩa
ĐV ngôn ngữ từ câu
Âm vị - - -
Hình vị + + -
Từ + + +

Bằng các từ như: ăn, đi, tôi, cơm, học... có thể tạo ra các đơn vị lớn hơn
như: ăn cơm, đi học, tôi ăn cơm...
Các đơn vị mới không sẵn có, không cố định và không bắt buộc. Chúng
được tạo ra trong một hoạt động giao tiếp nào đó. Giao tiếp kết thúc thì nó lại
“trở về” là từ. Các đơn vị được cấu tạo với các từ, xuất hiện trong giao tiếp
được gọi là cụm từ, câu.
Vậy, từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa, có tính độc lập tương đối, tự do xuất
hiện trong lời nói và có chức năng cú pháp là thành phần câu.

b. Đặc điểm
- Có hình thức ngữ âm và ngữ nghĩa

3
- Có tính có sẵn, cố định, bắt buộc
- Từ là các đơn vị thực tại, hiển nhiên của ngôn ngữ. Trong hệ thống ngôn
ngữ, không có đơn vị nào có hình thức ngữ âm và ý nghĩa cụ thể lớn hơn từ. Vì
vậy, từ là đơn vị lớn nhất của hệ thống ngôn ngữ.
- Từ là đơn vị nhỏ nhất ở trong câu, đơn vị nhỏ nhất để tạo câu.
c. Đơn vị tương đương với từ: ngữ cố định
Xét các từ in nghiêng trong các câu sau:
+ Tôi chờ mãi mà nó không đến.
+ Tôi chờ hết nước hết cái mà nó không đến.
 Ở ví dụ trên, “hết nước hết cái” được sử dụng tương đương với từ “mãi”
- Những tập hợp từ sẵn có, cố định, bắt buộc và nhỏ nhất để tạo thành câu
như: hết nước hết cái, mẹ tròn con vuông, một nắng hai sương, đẹp như tiên,
mắt lá răm... là các ngữ cố định.
Những đơn vị tương đương với từ được các nhà ngôn ngữ học gọi là: ngữ
cố định, cụm từ cố định, từ tổ cố định, nhóm từ cố định... bao gồm thành ngữ,
quán ngữ và một số tổ hợp cố định khác.
- Tính chất tương đương với từ của ngữ cố định biểu hiện ở hai phương
diện:
+ Về kết cấu: ngữ cố định mang tính ổn định, chặt chẽ, khó có thể chêm
xen một yếu tố nào khác ở ngoài vào (giống các từ ghép).
+ Về nghĩa: toàn bộ ngữ cố định tập trung biểu thị một khái niệm, gọi
tên một sự vật, hiện tượng, hoạt động, tính chất... trong thực tế khách quan
(giống từ). Nghĩa của các ngữ cố định có tính chất mới, không phải là sự cộng
lại đơn thuần nghĩa của từng yếu tố cấu thành.
 Tóm lại, cả về kết cấu và nghĩa, ngữ cố định đều có giá trị tương đương với
từ. Vì vậy, ngữ cố định được coi là một loại đơn vị từ vựng.

1.2. Từ vựng
a. Khái niệm

4
- Trong thuật ngữ “từ vựng” có thể hiểu “từ” là từ, từ ngữ, “vựng” là tập
hợp.
- Tập hợp các từ và ngữ cố định (đơn vị tương đương với từ) ta được từ
vựng của một ngôn ngữ.
- Từ vựng học là bộ môn của ngôn ngữ học nghiên cứu vốn từ vựng của
một thứ tiếng.
b. Các phạm vi nghiên cứu về từ vựng
- Phạm vi nghiên cứu từ vựng: Đơn vị từ vựng là các yếu tố của hệ thống
từ vựng gồm các từ (đơn vị từ vựng chủ yếu, điển hình của một ngôn ngữ) và
ngữ cố định (đơn vị từ vựng thứ yếu, không điển hình).
- Phạm vi nghiên cứu hệ thống từ vựng:
Hệ thống từ vựng là sự tập hợp các đơn vị từ vựng lại mà thành. Hệ thống
từ vựng có tính tầng bậc. Từ vựng của một ngôn ngữ là một hệ thống lớn, bao
hàm trong lòng nó những hệ thống nhỏ thuộc các tầng bậc khác nhau. Các từ
đồng nghĩa, các từ trái nghĩa, từ địa phương, thuật ngữ... đều là những hệ
thống.
c. Vai trò của từ vựng trong ngôn ngữ
Từ vựng có vai trò quan trọng trong ngôn ngữ. Mỗi từ biểu thị một mảnh
hiện thực khách quan được phản ánh vào trong từ, trong ngôn ngữ. Vì vậy, từ
vựng có vai trò quan trọng là phản ánh, biểu thị hiện thực khách quan, giúp con
người nhận thức, khám phá hiện thực khách quan một cách gián tiếp thông qua
ngôn ngữ.
Ngoài ra, từ vựng cung cấp “từ” cho người sử dụng ngôn ngữ tổ chức
thành các đơn vị ngôn ngữ lớn hơn (cụm từ, câu...) để phục vụ nhu cầu giao
tiếp và tư duy.
d. Nhiệm vụ và mục đích cơ bản của từ vựng học
Từ vựng học có nhiệm vụ và mục đích là phải giải đáp những vấn đề
chính như:
- Từ là gì? Nó được tạo nên bằng cái gì và như thế nào?

5
- Nghĩa của từ là gì? Muốn phân tích nghĩa của từ phải làm như thế nào?
- Thực chất các kiểu tập hợp từ vựng như: đồng âm, đồng nghĩa, trái
nghĩa, các trường từ vựng là gì và nghiên cứu nó như thế nào?
- Phân chia các lớp từ vựng bằng cách nào, những con đường phát triển
của từ vựng ra sao?...
e. Các ngành thuộc từ vựng học
- Từ nguyên học: Bộ môn này có mục đích tìm hiểu, giải thích và xác
định những hình thức, những ý nghĩa có tính chất cội nguồn của từ. Nó tiếp cận
đối tương nghiên cứu bằng cách nhìn lịch đại là chủ yếu và nhiều khi còn phải
vận dụng cả cứ liệu của các ngành khoa học lân cận như: sử học, dân tộc học,
văn hóa và chính trị...
- Bộ môn danh học nghiên cứu các quy luật đặt tên: tên người, tên sông,
tên núi, tên vùng đất...
- Ngữ nghĩa học là bộ môn nghiên cứu các vấn đề ngữ nghĩa của. Nó liên
quan trực tiếp nhất đến từ điển học.

Câu hỏi:
1. Tại sao nói từ là đơn vị cơ bản, đơn vị trung tâm của ngôn ngữ?
2. Giải thích nhận xét: “Từ là đơn vị tự nhiên có sẵn. Trong khi đó, một số đơn
vị khác như cụm từ, câu... không mang tính hiển nhiên, có sẵn và đều do sự tồn
tại của các từ quy định”.

2. Từ vựng – ngữ nghĩa học


2.1. Từ vựng – ngữ nghĩa học
Là một chuyên ngành của ngôn ngữ học nghiên cứu từ và từ vựng của
ngôn ngữ trong chức năng biểu nghĩa của chúng.
Từ có 2 chức năng cơ bản là: chức năng biểu nghĩa (biểu thị sự vật, hiện
tượng...) và chức năng tạo câu.
2.2. Các ngành thuộc từ vựng – ngữ nghĩa học

6
a. Từ vựng – ngữ nghĩa học đại cương
Có nhiệm vụ phát hiện và miêu tả những quy luật chung nhất, có tính phổ
quát đối với từ vựng của nhiều ngôn ngữ.
b. Từ vựng – ngữ nghĩa học lịch sử
Có nhiệm vụ nghiên cứu những quy luật hình thành và phát triển của từ
vựng theo quan điểm lịch đại.
c. Từ vựng – ngữ nghĩa học miêu tả
Có nhiệm vụ nghiên cứu những đặc điểm của hệ thống từ vựng trong
trạng thái hiện tại của nó, theo quan điểm đồng đại.
Nói cách khác, từ vựng – ngữ nghĩa học miêu tả nghiên cứu từ vựng của
một ngôn ngữ ở một thời điểm nhất định, bỏ qua những diễn biến theo thời
gian. Nó chỉ chú ý tới những cái gì hiện có, đang xảy ra mà không chú ý tới quá
trình phát sinh, phát triển của các hiện tượng từ vựng. (Phần từ vựng – ngữ
nghĩa tiếng Việt này thuộc từ vựng – ngữ nghĩa học miêu tả).
 Sự phân chia nói trên chỉ có tính chất tương đối. Trong thực tế, các
ngành nhỏ của từ vựng – ngữ nghĩa học có nhiều điểm tiếp xúc với nhau, có
quan hệ mật thiết với nhau. Ví dụ, từ vựng – ngữ nghĩa học miêu tả vẫn phải
dựa trên những cứ liệu, những kết quả nghiên cứu của từ vựng – ngữ nghĩa học
lịch sử để khảo sát, nghiên cứu. Ngược lại, từ vựng – ngữ nghĩa học lịch sử
cũng phải dựa vào những thành tựu nghiên cứu mới nhất của từ vựng – ngữ
nghĩa học miêu tả để bổ sung những kết luận về quá trình phát sinh, phát triển
của từ và từ vựng học nói chung, nghĩa của từ nói riêng trong một ngôn ngữ.
2.3. Phương pháp nghiên cứu từ vựng – ngữ nghĩa học
Từ chứa đựng lượng thông tin rất lớn và là đơn vị thực tại hiển nhiên của
ngôn ngữ. Vì vậy, hầu như tất cả các chuyên ngành của ngôn ngữ đều làm việc
với từ. Việc nghiên cứu một chuyên ngành nào đó, cần phải sử dụng tất cả
những thành tựu đạt được ở các chuyên ngành khác để lý giải đối tượng của
mình.

7
Người ta sử dụng chủ yếu các phương pháp sau: phương pháp hệ thống,
phương pháp thống kê, phương pháp thay thế... để nghiên cứu từ vựng – ngữ
nghĩa học nói riêng và ngôn ngữ học nói chung.
2.4. Từ vựng – ngữ nghĩa học với nhiệm vụ thực tiễn của tiếng Việt
Trong tiếng Việt, từ vựng – ngữ nghĩa học có vai trò vô cùng quan trọng.
Từ với hình thức không đổi (bất biến) và với ý nghĩa của mình phải đảm nhiệm
các “phần việc” mà ở các ngôn ngữ khác, những đơn vị ở cấp độ dưới (hình vị)
và trên (cụm từ, câu) đảm nhiệm. Mặt khác, trong tiếng Việt, những bản sắc
độc đáo phần lớn là bản sắc của từ.
Tiếng Việt hiện nay đang phải gánh vác những nhiệm vụ đối nội và đối
ngoại cực kì to lớn. Nó đã là một ngôn ngữ đa chức năng như tiếng Anh, tiếng
Pháp, tiếng Nga... dù còn nhiều hạn chế.
Những nhiệm vụ đó đều có liên quan trực tiếp với việc nghiên cứu từ
vựng – ngữ nghĩa.
Từ vựng – ngữ nghĩa học tiếng Việt đóng vai trò then chốt trong việc
thực hiện những nhiệm vụ hẹp hơn đặt ra trong các trường học như việc dạy
tiếng Việt cho học sinh các cấp, rèn luyện ngôn ngữ, rèn luyện năng lực biểu
đạt, năng lực tư duy...
Từ vựng – ngữ nghĩa học tiếng Việt cung cấp cho ta những tri thức khoa
học về tiếng Việt và phương pháp nghiên cứu đúng đắn.
Câu hỏi và bài tập:
1. Tại sao cụm từ cố định lại được coi là một đơn vị từ vựng? Tính chất tương
đương với từ của cụm từ cố định được biểu hiện ở những phương diện nào?
Nêu và phân tích ví dụ.
2. Phân biệt khái niệm đơn vị từ vựng và hệ thống từ vựng. Nêu ví dụ.

8
Chương 1: ĐƠN VỊ TỪ VỰNG

- Tổng số tiết: 32 LT: 08 BT: 08 TH: 16


- Mục tiêu của chương:
+ Nắm vững đơn vị cấu tạo từ và các phương thức cấu tạo từ.
+ Nắm vững đặc điểm ngữ âm và đặc điểm ngữ pháp của từ tiếng Việt.
+ Nắm vững các kiểu từ xét về mặt cấu tạo.
+ Nắm vững các kiến thức về ngữ cố định.
- Nội dung phần giảng dạy trên lớp:
1.1. Từ và đặc điểm của từ tiếng Việt
1.2. Cấu tạo của từ tiếng Việt
1.3. Ngữ cố định
- Nội dung sinh viên tự nghiên cứu:
Sinh viên cần ôn lại các kiến thức phần Đại cương từ vựng. Cụ thể:
+ Các khái niệm cơ bản: âm vị, hình vị, từ, từ đơn, từ phức...
+ Phân biệt hai chức năng của từ: chức năng biểu đạt ý nghĩa và chức
năng tạo câu.

1.1. Từ và đặc điểm của từ tiếng Việt


1.1.1. Từ tiếng Việt
Việc đi đến một định nghĩa thỏa đáng về từ khá nan giải. Cái khó của
công việc này là do từ trong các ngôn ngữ khác nhau về loại hình, khác nhau về
nguồn gốc, có những đặc trưng rất khác biệt. Vì vậy, phương châm đúng đắn
nhất trong việc xác định từ, đi tìm một định nghĩa về từ là một mặt phải chú ý
tới những điểm đồng nhất, tính phổ quát của từ nói chung, mặt khác phải chú ý
tới những đặc điểm riêng của từ trong từng ngôn ngữ.
Nhiều nhà ngôn ngữ học đã đưa ra định nghĩa về từ tiếng Việt. Cụ thể:
- Vũ Đức Nghiệu định nghĩa như sau:“Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa
của ngôn ngữ được vận dụng độc lập, tái hiện tự do trong lời nói để xây dựng
nên câu”. [5, 137]

9
- Nguyễn Thiện Giáp quan niệm: “Từ của tiếng Việt là một chỉnh thể
nhỏ nhất có ý nghĩa dùng để tạo câu nói; nó có hình thức của một âm tiết, một
khối viết liền”. [10, 69]
- Đỗ Hữu Châu cho rằng:“Từ của tiếng Việt là một hoặc một số âm tiết
cố định, bất biến, mang những đặc điểm ngữ pháp nhất định, nằm trong những
kiểu cấu tạo nhất định, tất cả ứng với một kiểu nghĩa nhất định, lớn nhất trong
tiếng Việt và nhỏ nhất để tạo câu”. [3, 16]
Trong các định nghĩa trên, đáng chú ý hơn cả là định nghĩa của Đỗ Hữu
Châu. Trong định nghĩa của Đỗ Hữu Châu, cần chú ý những ý nhỏ nói về đặc
trưng của từ tiếng Việt như sau:
- Từ vựng tiếng Việt là một hoặc một số âm tiết (ví dụ: nhà, đi, xe đạp,
sạch sành sanh, xã hội chủ nghĩa…). Các từ này mang tính cố định, ổn định,
bất biến.
- Mỗi từ tiếng Việt gắn với những đặc điểm ngữ pháp nhất định (đặc
điểm về khả năng kết hợp với từ khác, khả năng đảm nhiệm các chức vụ khác
trong câu).
- Mỗi từ tiếng Việt đều thuộc một kiểu cấu tạo nào đó (nếu không là từ
đơn thì là từ ghép hoặc từ láy…)
- Những từ có cùng kiểu cấu tạo thường có cùng một kiểu ý nghĩa. Ví dụ:
những từ ghép đẳng lập có nghĩa mang tính khái quát (nhà cửa, bàn ghế, quần
áo…); những từ ghép chính phụ có nghĩa mang tính phân loại (xe đạp, cà chua,
thợ điện…)
- Từ được coi là đơn vị “lớn nhất trong tiếng Việt”, nghĩa là đặt nó trong
tương quan với những đơn vị ở cấp bậc thấp hơn như: âm vị (đơn vị ngữ âm),
hình vị (đơn vị cấu tạo từ). Nhưng với tư cách là đơn vị tạo câu thì từ được coi
là đơn vị nhỏ nhất.
1.1.2. Đặc điểm của từ tiếng Việt
1.1.2.1. Đặc điểm ngữ âm

10
a. Hình thức ngữ âm của tiếng Việt cố định, bất biến ở mọi vị trí, mọi
quan hệ và chức năng trong câu. Nói cách khác, hình thức của từ không thay
đổi khi từ ở trong từ điển và khi từ ở trong câu nói.
Ví dụ: Xét từ sách trong các trường hợp sau:
- Trong từ điển: sách
- Trong câu nói:
+ Sách này của tôi.
+ Không có sách thì không có tri thức.
+ Tôi đọc sách.
Dễ nhận thấy, hình thức của từ không thay đổi khi từ ở trong từ điển và
khi từ ở trong câu nói.
 Vì vậy, khi nhìn vào hình thức ngữ âm của từ, ta không biết giá trị ngữ
pháp của chúng. Giá trị ngữ pháp của từ được hiện thực hóa, được bộc lộ trong
mối quan hệ giữa nó với các từ khác đứng trước hoặc đứng sau (văn cảnh).
+ Văn cảnh (ngôn cảnh) được hiểu là hoàn cảnh ngôn ngữ trực tiếp của
từ như lời nói miệng, bài, đoạn, câu và các từ khác đứng xung quanh nó.
+ Cần phân biệt với ngữ cảnh là hoàn cảnh tổng quát của một hành vi
giao tiếp.
 Tính cố định, bất biến về âm thanh là điều kiện hết sức thuận lợi giúp
chúng ta nhận diện được từ hết sức dễ dàng.
b. Trong tiếng Việt, có một số từ mà giữa hình thức ngữ âm của nó và sự
vật, hiện tượng mà nó biểu thị có một mối quan hệ nhất định.
 Điều này được thể hiện rõ nét qua các từ tượng thanh.
Ví dụ: Các từ láy tượng thanh như: rì rào, ù ù, rì rầm, lộp bộp, róc
rách…
- Nguyên nhân:
+ Có hiện tượng này là vì thể vật chất của từ trùng hợp (hoàn toàn hay
bộ phận) với thể vật chất của cái được biểu hiện (âm thanh tự nhiên).

11
+ Bên cạnh đó, do tiếng Việt là ngôn ngữ giàu thanh điệu, cấu tạo ngữ âm
của các âm lại rất phong phú nên hình thức ngữ âm của các từ tiếng Việt có khả
năng gợi tả, có giá trị biểu hiện rất cao.
 Lưu ý:
Sự lợi dụng những đặc trưng ngữ âm của từ trong văn bản chỉ có tác dụng
khi có điều kiện ngữ nghĩa thích hợp. Cái quyết định vẫn là ý nghĩa. Chỉ khi
nào nắm chắc được ý nghĩa thực có của các từ, của câu thì sự phân tích âm
thanh mới thuyết phục được người nghe.
Trong sáng tạo văn chương, các nhà văn , nhà thơ rất có ý thức khai thác
đặc điểm này về mặt ngữ âm của từ tiếng Việt để tạo ra những câu văn, câu thơ
mà hình thức ngữ âm của từ có tác dụng gợi nghĩa, gợi nội dung rất lớn. Những
câu thơ như:

“Nỗi niềm chi rứa Huế ơi


Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”
(Tố Hữu – Quê mẹ)
“Đoạn trường thay, lúc phân kì
Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
là sự vận dụng tài tình những hiệu quả âm học thính giác và vận động – cấu âm
tiềm tàng trong vỏ ngữ âm của các từ để gấy thêm những cảm giác cụ thể cho ý
thơ. Cụ thể:
Đọc 2 câu thơ Kiều ở trên, ta thấy dường như âm thanh ở đây có một sự
tương ứng nào đó với tình cảnh của người trong cuộc. Cái sự khó khăn trong
phát âm được lặp lại ở hai cặp âm tiết trong dòng thơ thứ hai (khấp khểnh, gập
ghềnh) có một sự phù hợp nào đó với cuộc đời đầy truân chuyên mà nàng Kiều
đang bước vào, đang dấn thân.
+ khấp khểnh có nhiều chỗ không bằng phẳng, không khớp nhau

12
+ gập ghềnh  khi lên cao, khi xuống thấp một cách không đều, không
nhịp nhàng

Câu hỏi:
1. Trình bày các định nghĩa về từ tiếng Việt.
2. Những đặc điểm cơ bản của từ tiếng Việt?

1.1.2.2. Đặc điểm ngữ pháp


* Khái niệm
- Đặc điểm ngữ pháp của từ là những đặc điểm xuất hiện khi từ kết hợp
với từ tạo nên những câu nói hiểu được, chấp nhận được đối với một cộng đồng
ngôn ngữ.
- Các từ khác nhau có đặc điểm ngữ pháp khác nhau song tính chung
nhất của các đặc điểm ngữ pháp là tính đồng loạt. Nhờ tính đồng loạt của các
đặc điểm ngữ pháp mà từ vựng của một ngôn ngữ mới chia ra được thành các
từ loại.
Ở tiếng Việt, đặc điểm ngữ pháp của từ không biểu hiện trong nội bộ từ
mà biểu hiện chủ yếu ở ngoài từ, trong tương quan của nó với các từ khác trong
câu. Tương quan đó thể hiện ở:
a. Khả năng kết hợp giữa các từ đang được xét với những từ chứng
Từ chứng là những từ có ý nghĩa khái quát, những ý nghĩa quan hệ hay
tình thái, thường chỉ kết hợp với những từ thuộc một từ loại nhất định.
- Những, các, mọi, mỗi, từng... thường kết hợp với danh từ.
Ví dụ: những sinh viên khoa Văn, các bậc phụ huynh, mỗi thầy cô giáo,
từng người...
- Đã, sẽ, đang, vẫn, cứ, còn... thường kết hợp với động từ.
Ví dụ: Tôi đã đọc xong cuốn sách đó rồi.
Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác.
Nó đang học bài.

13
- Rất, hơi, lắm, khá... thường kết hợp với tính từ.
Ví dụ: Chiếc khăn rất đẹp.
Cái áo này hơi đắt.
Quyển sách cậu cho tớ mượn hay lắm!
b. Khả năng làm các thành phần trong câu như làm chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ...
Ví dụ 1:
+ Sinh viên đó học rất giỏi  từ “sinh viên” đảm nhiệm chức vụ chủ
ngữ.
+ Tôi đang dạy Ngữ pháp tiếng Việt cho các sinh viên  từ “sinh viên”
đảm nhiệm chức vụ bổ ngữ.
Trong tiếng Việt, khả năng làm vị ngữ trực tiếp hay làm vị ngữ gián tiếp
với từ nối “là” thường được dùng như tiêu chí chủ yếu để phân biệt các từ loại.
Ví dụ 2:
+ Sinh viên học bài (vị ngữ trực tiếp)
+ Tôi là sinh viên (vị ngữ gián tiếp).
 Chúng ta thấy, từ học bài làm vị ngữ trực tiếp; còn từ sinh viên cũng
làm vị ngữ song gián tiếp, thông qua từ nối là.
c. Khả năng chi phối các thành phần phụ trong cụm từ, trong câu
Để phân xuất các loại động từ thành những động từ ngoại động và động
từ nội động, chúng ta lấy khả năng có hay không có bổ ngữ danh từ chỉ đối
tượng trực tiếp của hoạt động do động từ biểu thị làm tiêu chí phân loại.
So sánh 2 nhóm câu sau :
+ Người kỹ sư chữa máy/ Hoa nở.
+ Người thợ xây nhà/ Nó ngủ.
 Nhận xét:
Dễ thấy máy, nhà là những đối tượng của các họat động “chữa”, “xây”
nên chữa, xây là các động từ ngoại động.
Ngược lại, đằng sau các từ nở, ngủ không thể có bổ ngữ như vậy cho nên
chúng là các động từ nội động.

14
* Đặc điểm ngữ pháp của từ không hoàn toàn độc lập với ý nghĩa. Đặc
điểm ngữ pháp của từ chính là những biểu hiện ở khả năng tạo câu của một ý
nghĩa nào đó của từ. Ý nghĩa của từ là cơ sở của các đặc điểm ngữ pháp. Ngược
lại, đặc điểm ngữ pháp là cái khuôn hình thức để định hình một ý nghĩa. Một
hiểu biết về thực tế khách quan mà chưa gắn với một đặc điểm ngữ pháp nào
đó thì chưa phải là ý nghĩa của từ.
Ví dụ: Ý nghĩa nước, lửa, núi của các âm tiết thủy, hỏa, sơn chưa phải là
ý nghĩa của từ tiếng Việt vì các âm tiết này chưa có những đặc điểm ngữ pháp
như các từ khác. Cụ thể: nó không thể kết hợp được với các từ chứng: những,
các, mọi, mỗi, từng (là các từ chứng của danh từ); và chúng cũng không có khả
năng làm thành phần câu.
- Các đặc điểm ngữ pháp là các căn cứ khách quan để xác định các ý
nghĩa khác nhau của một hình thức ngữ âm.
Ví dụ:
+ Lá cờ rất đỏ
+ Phải ba đỏ xe mới lùi vào được.
+ Trời tối rồi, đỏ đèn lên đi.
 Nhận xét:
Nhờ các đặc điểm ngữ pháp (cụ thể là khả năng kết hợp) khác nhau của
các âm tiết “đỏ” (đỏ 1 có khả năng kết hợp về phía trước với “rất” nên nó là
tính từ; đỏ 2 có khả năng kết hợp về phía trước với số từ nên nó là danh từ,; đỏ
3 là động từ) mà chúng ta khẳng định nó có 3 ý nghĩa:
+ Ý nghĩa thứ nhất chỉ đặc điểm màu sắc
+ Ý nghĩa thứ hai chỉ sự vật (lần đèn đỏ bật lên)
+ Ý nghĩa thứ ba chỉ hoạt động (làm xuất hiện ngọn lửa)
- Các đặc điểm ngữ pháp còn giúp chúng ta phân biệt ý nghĩa của những
từ mà thoạt nhìn chúng ta tưởng là giống nhau.
Ví dụ: Xét các từ vui và vui lòng trong hai câu sau:
+ Cha mẹ vui vì con học tập tiến bộ.

15
+ Cha mẹ vui lòng vì con học tập tiến bộ.
 Ta thấy, các từ vui và vui lòng trong hai câu trên có vẻ giống nhau về ý
nghĩa. Nhưng nếu lấy vị trí định ngữ sau những từ chỉ cảnh huống sinh hoạt để
thử nghiệm thì thấy, từ vui có thể ở vị trí đó như: Cuộc liên hoan rất vui; còn từ
vui lòng thì không. Chúng ta không thể nói: Cuộc liên hoan rất vui lòng.
Như thế, từ vui vừa chỉ trạng thái tâm lý vừa chỉ đặc điểm của cảnh vật
hay cảnh huống có thể gây ra tâm trạng vui ở người quan sát. Trái lại, từ vui
lòng chỉ có ý nghĩa trạng thái tâm lý mà không có ý nghĩa thứ hai.
 Tóm lại: Đặc điểm ngữ pháp của từ tiếng Việt là tổng thể của những
đặc điểm kết hợp, khả năng làm thành phần cụm từ, thành phần câu và khả
năng chi phối lần nhau giữa các từ trong cụm từ, trong câu.

Câu hỏi:
1. Trình bày các đặc điểm ngữ âm của từ tiếng Việt? Cho ví dụ.
2. Trình bày các đặc điểm ngữ pháp của từ tiếng Việt? Cho ví dụ.

1.2. Cấu tạo của từ tiếng Việt


Cấu tạo từ là những sự vận động trong lòng một ngôn ngữ (được sự thúc
đẩy của xã hội) để sản sinh ra các từ phục vụ những nhu cầu mới về mặt diễn
đạt mà xã hội đặt ra. Việc sản sinh ra từ cũng trước hết là sản sinh ra các nghĩa
mới.
1.2.1. Đơn vị cấu tạo từ
- Đơn vị cấu tạo từ là những đơn vị mà tiếng Việt sử dụng để cấu tạo ra
các từ cho từ vựng tiếng Việt. Trong tiếng Việt, đơn vị cấu tạo từ được đa số
các nhà nghiên cứu gọi bằng hình vị.
- Thuật ngữ hình vị vốn có nghĩa là “đơn vị hình thái” được hình thành từ
thuật ngữ mooc – phem. Thuật ngữ hình vị còn được các nhà nghiên cứu gọi là:
từ tố (Nguyễn Văn Tu), tiếng (Nguyễn Tài Cẩn), nguyên vị (Hồ Lê)...
* Một số khái niệm về hình vị:

16
- Về khái niệm hình vị, Vũ Đức Nghiệu quan niệm: “Hình vị là đơn vị
ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa và/ hoặc có giá trị (chức năng) về mặt ngữ pháp”.
[5, tr.139]
- Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Các yếu tố cấu tạo từ (hình vị) là những hình
thức ngữ âm có nghĩa nhỏ nhất – tức là những yếu tố không thể nào phân chia
thành những yếu tố nhỏ hơn nữa mà cũng có nghĩa – được dùng để cấu tạo ra
các từ theo các phương thức cấu tạo từ của tiếng Việt”. [2, tr.28]
- Đỗ Xuân Thảo, Lê Hữu Tỉnh viết: “Hình vị là đơn vị nhỏ nhất, có
nghĩa, được dùng để cấu tạo nên các từ”. [12, tr.236]
 Khi xem xét việc định nghĩa hình vị tiếng Việt, đa số các tác giả tán
thành định nghĩa thứ 3.
+ Đặc trưng “nhỏ nhất” của hình vị có thể được hiểu nó là đơn vị tối giản,
không thể chia nhỏ hơn được nữa. (Nếu chia nhỏ hơn thì ta được âm vị, nhưng
âm vị không phải là đơn vị có nghĩa).
+ Đặc trưng “có nghĩa” của hình vị cũng cần được hiểu một cách linh
hoạt. Nghĩa của hình vị có thể là nghĩa từ vựng (ví dụ: nhà, máy, đẹp...), cũng
có thể là nghĩa phân biệt, nghĩa bổ sung(ví dụ: au (đỏ au), dấu (yêu dấu), rì
(xanh rì), đẽ (đẹp đẽ), nhắn (nhỏ nhắn), lùng (lạnh lùng)... hoặc nghĩa có tính
tiềm tàng (ví dụ: ái, quốc (ái quốc), sơn, hà (sơn hà)... hay nghĩa ngữ pháp (ví
dụ: đã, sẽ, đang, vẫn, cứ, còn...), nghĩa biểu cảm (ví dụ: ái, ôi, ối, nhỉ, nhé...)
 Lưu ý:
Việc dùng thuật ngữ “hình vị” để chỉ đơn vị cấu tạo từ trong tiếng Việt
chỉ là một giải pháp chứ không phải là giải pháp duy nhất. Trong các sách giáo
khoa tiếng Việt ở phổ thông hiện nay, người ta đều dùng thuật ngữ “tiếng” để
chỉ đơn vị cấu tạo từ trong tiếng Việt, dựa vào tiếng để tiến hành phân loại cấu
tạo từ tiếng Việt.
Những người theo quan niệm này cho rằng “tiếng” là đơn vị mà người
bản ngữ rất dễ nhận biết. Theo quan niệm này “tiếng” có một số dặc trưng cơ
bản sau:

17
- Tiếng là đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất (về mặt này nó trùng với âm
tiết)
Ví dụ: Xuân/ này/ hơn/ hẳn/ mấy/ xuân/ qua. (Bác Hồ)
 Câu thơ trên có 7 tiếng (7 âm tiết)
- Tiếng là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa
Ví dụ: Sách  nếu chia nhỏ hơn thì ta được các âm vị, mà các âm vị thì
lại không có nghĩa.
 Như vậy, tiếng là đơn vị 2 mặt (âm – nghĩa), phân biệt với âm tiết là
đơn vị một mặt (chỉ có mặt âm thanh mà không có nghĩa).
Quan niệm trên đứng trước một khó khăn là một số từ của tiếng Việt có
những tiếng không có nghĩa.
Ví dụ: các tiếng bù, nhìn (trong từ bù nhìn); bồ, kết (trong từ bồ kết);...
Rất khó chứng minh được những tiếng nói trên là những đơn vị có nghĩa.
Mặt khác, khi sử dụng thuật ngữ tiếng, các nhà nghiên cứu vẫn còn một
số băn khoăn:
+ Thứ nhất, người học dễ nhầm lẫn tiếng (đơn vị cấu tạo từ) với âm tiết
(đơn vị ngữ âm), thậm chí có thể đồng nhất hóa tiếng với âm tiết.
+ Thứ hai, nội dung của khái niệm tiếng đôi khi được hiểu một cách
không rõ ràng, thống nhất giữa một số nhà nghiên cứu, nên việc dựa vào tiếng
để tiến hành phân loại cấu tạo từ tiếng Việt cũng gặp một số khó khăn.
 Vì vậy, hiện nay, đa số các nhà nghiên cứu đều thống nhất gọi đơn vị
cấu tạo từ là hình vị.
1.2.2. Các phương thức cấu tạo từ tiếng Việt
- Một hình vị có thể cấu tạo từ với nhiều phương thức khác nhau.
Ví dụ: Hình vị “xanh” có thể kết hợp với các hình vị “xanh”, “ngắt”,
“non” theo các phương thức khác nhau, ta có các từ: xanh xanh, xanh ngắt,
xanh non.
- Phương thức cấu tạo từ là cách thức mà ngôn ngữ tác động vào hình vị
để cho ta các từ.

18
- Từ tiếng Việt được cấu tạo theo 3 phương thức: từ hóa hình vị, ghép và
láy.
a. Từ hóa hình vị
- Từ hóa hình vị là phương thức tác động vào bản thân một hình vị, làm
cho nó có những đặc điểm ngữ pháp và ý nghĩa của từ, biến hình vị thành từ mà
không thêm bớt gì cả vào hình thức của nó. Kết quả của phương pháp này là
các từ đơn.
Nói cách khác, dùng một hình vị tạo thành một từ thực chất là cấp cho
hình vị cái tư cách đầy đủ của một từ.
Ví dụ: Từ các hình vị: cơm, nước, ăn, bù nhìn,... qua quá trình “từ hóa”
chúng trở thành các từ: cơm, nước, ăn, bù nhìn..
- Hiện nay, phương thức này chủ yếu chỉ tác động vào các hình thức ngữ
âm mô phỏng âm thanh và các yếu tố vay mượn.
Ví dụ:
+ Từ cạch vốn mô tả tiếng động khi hai vật rắn va chạm vào nhau, nay
thông qua phương thức từ hóa, mang ý nghĩa “bắn súng cối bằng cách thả quả
đạn vào nòng súng” (Cạch cho chúng mấy quả 81) và mang đặc điiểm ngữ
pháp của từ bắn, phóng, phát, lao,... để trở thành một từ.
+ Các từ như săm, lốp, phanh, tivi, mì chính... là do sự từ hóa các yếu tố
vay mượn từ tiếng nước ngoài.
b. Ghép
- Ghép là phương thức tác động vào 2 hoặc hơn 2 hình vị có nghĩa, kết
hợp chúng với nhau để sản sinh ra một từ mới (mang đặc điểm ngữ pháp và ý
nghĩa như một từ)  Phương thức này cho ta các từ ghép.
Ví dụ: Từ các hình vị: ăn, uống, đi, đứng, máy, bay... qua quá trình ghép
ta có các từ: ăn uống, đi đứng, máy bay...
- Biểu đồ của phương thức ghép là:
Hình vị A, B – Ghép  từ A + B hoặc B + A
c. Láy

19
- Láy là phương thức tác động vào một hình vị cơ sở làm xuất hiện một
hình vị láy giống nó toàn bộ hay bộ phận về âm thanh. Cả hình vị cơ sở và hình
vị láy tạo thành một từ (mang đặc điểm ngữ pháp và ý nghĩa của từ)  Phương
thức này cho ta các từ láy.
Ví dụ: Phương thức láy tác động vào hình vị xinh cho ta hình vị láy xinh.
Hình vị láy và hình vị cơ sở làm thành từ xinh xinh. Tác động vào hình vị đỏ,
tím cho ta hình vị láy đắn, tim, do đó ta được các từ láy đỏ đắn, tim tím.
- Biểu đồ của phương thức láy là:
Hình vị gốc A – láy hình vị láy A/ A’ từ AA hoặc AA’ hoặc A’A
Câu hỏi:
1. Đơn vị cấu tạo từ trong tiếng Việt? Những đặc điểm cơ bản của nó?
2. Các phương thức cấu tạo từ tiếng Việt?
3. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 3 đến 5 câu). Lấy trong đoạn văn đó một số
từ làm ví dụ để chứng minh rằng: từ tiếng Việt được cấu tạo theo những
phương thức khác nhau.

1.2.3. Các kiểu từ xét về mặt cấu tạo


* Cơ sở để phân loại từ tiếng Việt
- Khi phân loại từ tiếng Việt về mặt cấu tạo, đa số các nhà nghiên cứu
đều căn cứ vào số lượng hình vị để chia từ tiếng Việt thành: từ đơn (từ một
hình vị) và từ phức (từ do 2 hình vị trở lên tạo thành).
Ví dụ: + núi, sông, bàn, ghế... (từ đơn)
+ xe đạp, cuộc sống, tổ quốc... (từ ghép)
- Trong từ đơn lại căn cứ vào số lượng âm tiết mà chia thành: từ đơn đơn
âm và từ đơn đa âm.
Ví dụ: + đi, chạy, viết, vẽ... (từ đơn đơn âm)
+ lêkima, bù nhìn, ễnh ương... (từ đơn đa âm)
- Dựa vào phương thức tạo từ, người ta chia từ phức thành: từ ghép (sản
phẩm của phương thức ghép) và từ láy (sản phẩm của phương thức láy).

20
Ví dụ: + tàu thủy, máy bay, học sinh, giáo viên... (từ ghép)
+ sạch sẽ, xào xạc, lao xao, khúc khuỷu... (từ láy)
- Các từ ghép cũng được chia nhỏ dựa trên mối quan hệ ngữ nghĩa giữa
các hình vị thành: từ ghép hợp nghĩa (từ ghép đẳng lập) và từ ghép phân nghĩa
(từ ghép chính phụ).
Ví dụ: + đất nước, thuyền bè... ( từ ghép đẳng lập)
+ sinh viên, hải tặc... ( từ ghép chính phụ)
- Các từ láy lại được chia nhỏ dựa trên tiêu chí số lần láy thành: các từ
láy đôi, láy ba (láy lần thứ nhất), láy tư (láy lần thứ hai).
Ví dụ: + mênh mông, nhỏ nhắn... (láy đôi)
+ khít khìn khịt, sạch sành sanh... (láy ba)
+ lưa tha lưa thưa, khấp kha khấp khểnh... (láy tư)
 Tuy có sự khác nhau đôi chút về cách phân loại từ của một số nhà
nghiên cứu, nhưng về cơ bản, kết quả của sự phân loại từ tương đối giống nhau.
Kết quả đó là các kiểu: từ đơn, từ ghép, từ láy.
1.2.3.1. Từ đơn
a. Khái niệm
Từ đơn là những từ do một hình vị tạo nên.
Ví dụ: Nhà, đi, bàn, ghế, ...
b. Đặc điểm
- Về mặt ý nghĩa từ đơn không phân lập thành những hệ thống có một
kiểu ngữ nghĩa chung. Chúng ta lĩnh hội và ghi nhớ nghĩa của từng từ một
riêng rẽ. Kiểu cấu tạo không đóng vai trò gì đáng kể trong việc lĩnh hội ý nghĩa
của từ.
- Phần lớn từ đơn tiếng Việt là từ nhiều nghĩa.
Ví dụ: + Chạy – chạy bàn, chạy ăn, chạy bữa, chạy chợ, chạy việt dã...
+ Đi – đi ở, đi tù, đi lính, đi dạo...
+ Ăn – ăn cơm, ăn tiền, ăn xăng, ăn giải, ăn ảnh...
c. Phân loại

21
Các nhà nghiên cứu chia từ đơn thành 2 loại: từ đơn đơn âm (từ đơn có
một âm tiết) và từ đơn đa âm (từ đơn có 2 âm tiết trở lên).
- Đa số từ đơn tiếng Việt là từ đơn một âm tiết .
Ví dụ: đất, nước, sông, núi, ăn, ngủ...
Loại này tuy có số lượng không lớn lắm nhưng chúng mang những đặc
trưng ngữ nghĩa chủ yếu của từ vựng tiếng Việt. Với những đặc trưng ngữ
nghĩa đó, chúng được dùng để cấu tạo hàng loạt các từ phức (từ ghép và từ láy).
- Từ đơn đa âm có thể là từ thuần Việt như: bù nhìn, bồ kết, ễnh ương,
chèo bẻo, bồ hóng, mồ hôi, mà cả..., cũng có thể là các từ vay mượn từ các
ngôn ngữ gốc Ấn - Âu như: axít, apatít, mít tinh, căng tin, xà phòng...
1.2.3.2. Từ láy
a. Khái niệm
Ví dụ: xanh – xanh xanh
đẹp – đẹp đẽ
may – may mắn
thưa – lưa thưa
khít – khít khìn khịt
thưa – lưa tha lưa thưa
chậm – chậm chà chậm chạp
 Từ láy là những từ được cấu tạo theo phương thức láy, là phương thức
lặp lại toàn bộ hay bộ phận hình thức ngữ âm của hình vị gốc (hình vị gốc là
hình vị mang nghĩa từ vựng) với thanh điệu giữ nguyên hay biến đổi theo quy
tắc biến thanh. (Quy tắc biến đổi thanh điệu theo 2 nhóm: nhóm cao: thanh
ngang, thanh hỏi, thanh sắc; nhóm thấp: thanh huyền, thanh ngã, thanh nặng).
b. Đặc điểm
- Ý nghĩa của từ láy hình thành từ ý nghĩa của hình vị cơ sở.
Ví dụ: xanh – xanh xanh
sạch – sạch sẽ
tím – tim tím

22
- Ý nghĩa của từ láy có thể đột biến hoặc sắc thái hóa ý nghĩa của hình vị
cơ sở (hình vị gốc).
+ Sắc thái hóa nghĩa là thêm cho ý nghĩa của hình vị cơ sở một số sắc
thái nào đó chứ không thay đổi hẳn nó. Kết quả của sự sắc thái hóa có thể thu
hẹp hoặc mở rộng nghĩa so với nghĩa của hình vị gốc.
Ví dụ: rối – rối rít; xấu – xấu xa
hội – hội hè; mùa – mùa màng
+ Đột biến nghĩa ở từ láy là làm cho hình vị cơ sở có một sắc thái ý
nghĩa mới. Do đó, những trường hợp này, khó xác định được hình vị cơ sở (bởi
hình vị cơ sở bị đột biến nghĩa). Nói cách khác, hình vị cơ sở đã bị quên mất
nghĩa. Có thể xem những từ láy không xác định được hình vị cơ sở này là kết
quả cực đoan của quá trình mất nghĩa ở hình vị cơ sở.
Ví dụ: rạch ròi, phôi pha, lấm tấm, trùng trình...
- Hiệu quả ngữ nghĩa của từ láy:
+ Diễn đạt một sự lặp lại, kéo dài, trải rộng của hoạt động hay tính chất.
Ví dụ: gật gật, lắc lắc, vui vui, buồn buồn, nhăn nhó…
+ Biểu thị các trạng thái động của sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: đu đưa, động đậy,…
+ Có khả năng gợi những ấn tượng cụ thể, có hình ảnh đậm nét.
Ví dụ: chới với, lả lướt, thưỡn thẹo, chênh vênh, cheo leo, run rẩy, chờn
vờn, lập lòe…
+ Có khả năng phản ánh đánh giá, tình cảm, sự cảm thụ của người nói
đối với đối tượng được nêu ra.
Ví dụ: xanh xao, vàng vọt, ngả ngốn, thưỡn thẹo, lươn lẹo…

Câu hỏi và bài tập:


1.Nêu đặc điểm của từ láy và hiệu quả ngữ nghĩa của nó?Cho ví dụ minh họa.
2. Xác định từ xét về mặt cấu tạo trong những trường hợp được in nghiêng sau:
- Người người thi đua.(Bác Hồ)

23
- Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng. (Viễn Phương)
- Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi. (Giang Nam)

1.2.3.2. Từ láy
c. Phân loại
Căn cứ vào số lần láy người ta chia từ láy thành:
+ từ láy đôi, từ láy ba (sản phẩm của lần láy thứ nhất)
+ từ láy tư (sản phẩm của lần láy thứ hai)
* Từ láy đôi (sản phẩm của lần láy thứ nhất)
- Căn cứ vào bộ phận được giữ lại trong âm tiết của hình vị cơ sở, từ láy
chia thành: từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận.
 Từ láy toàn bộ
+ Toàn bộ âm tiết của hình vị cơ sở được giữ nguyên (không thay đổi
bộ phận nào).
Ví dụ: xa xa, xinh xinh, xanh xanh, ngày ngày…
+ Có 2 dạng biến thể là: láy đôi toàn bộ có biến thanh (đo đỏ, tim tím,
nhè nhẹ, trăng trắng...), láy đôi toàn bộ có biến đổi vần và thanh (tôn tốt,
khang khác, đèm đẹp...)
 Từ láy bộ phận
+ Láy âm (phụ âm đầu của hình vị cơ sở được giữ lại).
Ví dụ: mập mạp, gầy gò, run rẩy, mỉa mai, gượng gạo… (hình vị gốc
đứng trước); thập thò, lấp ló, khấp khểnh… (hình vị gốc đứng sau).
+ Láy vần (vần của hình vị cơ sở được giữ lại).
Ví dụ: lò dò, luẩn quẩn, luống cuống, lờ mờ,… (hình vị gốc đứng sau).
co ro, thiêng liêng (hình vị gốc đứng trước).
* Từ láy ba (sản phẩm của lần láy thứ nhất): Từ một hình vị cơ sở
tạo nên từ láy có ba hình vị trong kết cấu
Ví dụ:
sạch – sạch sành sanh

24
khít – khít khìn khịt
con – cỏn còn con
tóe – tóe tòe loe
* Từ láy tư (sản phẩm của lần láy thứ hai)
Ví dụ:
thưa – lưa thưa – lưa tha lưa thưa
run – run rẩy – run run rẩy rẩy
gượng – gượng gạo – gượng gà gượng gạo
 Lưu ý:
Các từ láy kiểu: nham nham nhở nhở, bổi hổi bồi hồi, cảu nhảu càu
nhàu... thực chất là kiểu láy toàn bộ với đơn vị gốc có 2 âm tiết.
d. Một số điểm cần lưu ý chung về từ láy
* Một số kiểu láy có ý nghĩa tương đối thuần nhất:
+ Các từ láy toàn bộ có hình vị cơ sở gốc tình từ đứng sau, hình vị láy
đứng trước mang thanh bằng (thanh ngang hoặc thanh huyền) thường diễn đạt
sự giảm nhẹ tính chất.
Ví dụ: hiền hiền, xinh xinh, đo đỏ, tim tím, trăng trắng, đèm đẹp…
+ Nếu hình vị láy đứng trước có thanh trắc thì cường độ của tính chất lại
tăng lên
Ví dụ: dửng dưng, cỏn con,...
+ Các từ láy toàn bộ có hình vị cơ sở gốc động từ thường diễn tả sự lặp
đi lặp lại động tác kèm theo sự giảm nhẹ cường độ
Ví dụ: rung rung, gật gật, lắc lắc, cười cười…
+ Các từ láy toàn bộ có hình vị cơ sở gốc danh từ thường diễn tả sự lặp
đi lặp lại của sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: ngày ngày, đêm đêm, tháng tháng,…
* Quy tắc chuyển hóa thanh điệu trong các từ láy đôi theo hai nhóm
cao ( thanh ngang, thanh hỏi, thanh sắc), và thấp (thanh huyền, thanh ngã,
thanh nặng) trong nhiều trường hợp là căn cứ để xác định các từ láy đôi.

25
- Các từ mơ màng, mơ mộng, lanh lợi, âu sầu, ủ rũ, êm đềm... có bộ phận
vần hoặc âm đầu của các âm tiết trong từng từ theo đúng quy tắc láy nhưng
thanh điệu của chúng không phù hợp với quy tắc biến thanh nên chúng chưa
hẳn là từ láy đôi chân chính.
 Các từ nêu trên có thể xếp vào từ ghép có hai hình vị đều có nghĩa.
- Có những từ láy chân chính có cấu tạo không theo đúng quy tắc biến
thanh nhưng có thể giải thích được.
Ví dụ: thầm thẫm thay cho thâm thẫm; se sẽ thay cho sè sẽ.
- Có một số từ mà cả hai đều có nghĩa từ vựng. Ví dụ: mặt mũi, tốt tươi,
đi đứng, tươi cười... Mặc dù chúng có hình thức ngữ âm ngẫu nhiên giống từ
láy nhưng hai hình vị trong mỗi từ có quan hệ với nhau về nghĩa.
 Vì vậy chúng được xếp vào loại từ ghép (từ ghép hợp nghĩa).
- Có một số từ hai âm tiết rất phù hợp với quy tắc láy đôi về âm và thanh
điệu song cả hai âm tiết đều có nghĩa.
Ví dụ: gậy gộc, thuốc thang, chùa chiền, hỏi han, mưa móc...
(gộc: gốc tre già; móc: sương buổi sớm; thang: dược liệu để dẫn các vị
thuốc chính trong một thang thuốc bắc hoặc thuốc nam; chiền: chùa; han: hỏi)
Về nghĩa của các từ này vừa giống với ý nghĩa của một từ ghép vừa
giống với ý nghĩa của một từ láy.
 Đây là trường hợp trung gian giữa từ ghép và từ láy.
- Có một số từ hai âm tiết phù hợp với quy tắc láy cả về vần và thanh,
song cả hai âm tiết đều không có nghĩa.
Ví dụ: ba ba, châu chấu, đu đủ, chôm chôm, thằn lằn, chuồn chuồn...
Những từ này có nghĩa gọi tên các sự vật thông thường như tên gọi khác.
 Có thể xếp chúng vào loại từ đơn đa âm.
- Có một số từ mà các âm tiết trong từng từ được biểu hiện trên chữ viết
không có phụ âm đầu.
Ví dụ: ồn ã, ấm áp, im ắng, êm ả, yếu ớt, ao ước, oái oăm, ỏn ẻn, õng
ẹo... Những từ này mang đặc trưng ngữ nghĩa nói chung của từ láy.

26
 Vì vậy có thể xếp các từ loại trên vào loại từ láy (láy âm).
* Khi nhận biết từ láy, không nên để hình thức viết đánh lừa.
Ví dụ: Cần thấy được các từ như: cuống quýt, cập kênh, cồng kềnh là
những từ láy âm (phụ âm /k/ được lặp lại, được ghi bằng những chữ cái khác
nhau).
 Tóm lại, mỗi từ láy là một nốt nhạc về âm thanh. Các từ láy là những
công cụ tạo hình rất đắc lực của nghệ thuật văn chương, nhất là của thơ ca.
1.2.3.3. Từ ghép
a. Khái niệm
Ví dụ:
hoa + hồng = hoa hồng
đất + nước = đất nước
sông + núi = sông núi
xe + đạp = xe đạp
cho + nên = cho nên
 Từ ghép là sản phẩm của phương thức ghép, là phương thức kết hợp
hai hoặc một số hình vị với nhau.
b. Phân loại
- Căn cứ vào đặc trưng của các hình vị, có thể chia từ ghép thành hai loại
lớn: từ ghép hư và từ ghép thực.
+ Từ ghép hư do 2 hình vị hư (những hình vị có ý nghĩa ngữ pháp,
không có ý nghĩa từ vựng) ghép lại với nhau.
Ví dụ: bởi vì, cho nên, để mà, để cho, nếu mà, nếu như, mặc dầu…
(những từ này có số lượng rất ít trong tiếng Việt).
+ Từ ghép thực là những từ ghép do hai hoặc hơn hai hình vị thực
(những hình vị có ý nghĩa từ vựng hoặc vốn có ý nghĩa từ vựng) kết hợp với
nhau theo phương thức ghép.
Ví dụ: xe đạp, nhà cửa, quần áo, thuyền bè…

27
- Căn cứ vào tính chất của mối quan hệ giữa các hình vị, vào đặc trưng
nghĩa của từ, người ta chia từ ghép thành ba loại: từ ghép phân nghĩa (từ ghép
chính phụ), từ ghép hợp nghĩa (từ ghép đẳng lập), và từ ghép biệt lập.
+ Từ ghép phân nghĩa:
 Từ ghép phân nghĩa là từ ghép cấu tạo từ hai hình vị theo quan hệ
chính phụ, trong đó một hình vị chỉ loại lớn (sự vật, hoạt động, tính chất) và
một hình vị có tác dụng phân hóa loại lớn thành những loại nhỏ hơn cùng loại
nhưng độc lập với nhau và độc lập với loại lớn. Các từ ghép phân nghĩa lập
thành những hệ thống gồm một số từ thống nhất với nhau nhờ hình vị chỉ loại
lớn.
 Từ ghép phân nghĩa (từ ghép chính phụ) được chia thành: từ ghép phân
nghĩa một chiều và từ ghép phân nghĩa hai chiều.
- Từ ghép phân nghĩa một chiều: là những từ ghép có một hình vị chỉ loại
lớn.
Ví dụ: máy cày, thuyền nan, xe máy, cá chép, cây cam…
- Từ ghép phân nghĩa hai chiều: là những từ ghép mà cả hai hình vị vừa có
tính chất chỉ loại lớn vừa có tính chât chỉ hình vị phân nghĩa.
Ví dụ: đảng ủy, đảng viên, đoàn viên, hiệu trưởng, lớp trưởng, bộ Công an,
bộ Y tế…
 Đặc trưng chung về nghĩa của các từ ghép phân nghĩa là nó có tác dụng
sắc thái hóa, cụ thể hóa nghĩa của hình vị loại lớn. Nói cách khác, nghĩa của từ
ghép phân nghĩa mang tính loại biệt. (Mỗi từ biểu thị một loại nhỏ sự vật, hiện
tượng trong thực tế khách quan)

Câu hỏi:
Tìm các từ láy đôi có cấu tạo hình thức như sau:
- Tương quan về nguyên âm: u – i ví dụ: đủng đỉnh, rủ rỉ)
- Tương quan về phụ âm cuối: m – p (ví dụ: đèm đẹp); n – t (ví dụ: tôn
tốt); ng – c (khang khác.

28
1.2.3.3. Từ ghép
b. Phân loại
+ Từ ghép hợp nghĩa:
 Từ ghép hợp nghĩa là những từ do hai hình vị tạo nên, trong đó không có
hình vị nào chỉ loại lớn, không có hình vị nào là hình vị phân nghĩa. Các từ
ghép này biểu thị loại rộng hơn, lớn hơn, bao trùm hơn so với hình vị tách
riêng.
Ví dụ: quần áo, nhà cửa, mua bán, đi lại, vui buồn, tươi sáng…
Quan sát các ví dụ trên ta thấy, hai hình vị kết hợp với nhau tạo thành
một từ ghép hợp nghĩa phải cùng từ loại (danh – danh, động – động, tính –
tính), phải cùng phạm trù ngữ nghĩa (cùng chỉ sự vật, hoạt động, tính chất),
phải đồng nghĩa, gần nghĩa hoặc trái nghĩa.
 Nhìn chung trật tự của hai hình vị trong từ ghép hợp nghĩa mang tính cố
định, nhưng cũng có một số trường hợp các hình vị có thể đổi chỗ cho nhau.
Ví dụ: nhà cửa – cửa nhà
quần áo – áo quần
vui buồn – buồn vui
xây dựng – dựng xây
 Các từ ghép hợp nghĩa được chia thành ba loại sau:
- Từ ghép hợp nghĩa tổng loại: ý nghĩa của từ chỉ một loại lớn, trong đó
mỗi hình vị biểu thị chỉ là những loại nhỏ tiêu biểu.
Ví dụ: cam quýt, ếch nhái, đi lại, mua bán…
- Từ ghép hợp nghĩa chuyên chỉ loại: Nghĩa của từ ghép này không chỉ
loại lớn mà chỉ tương đương với ý nghĩa do loại hình vị biểu thị.
Ví dụ: chợ búa, thuyền bè, ăn nói, ăn mặc…
- Từ ghép hợp nghĩa bao gộp: đây là những từ ghép biểu thị những hành
động hay tính chất thường đi với nhau thành từng cặp.
Ví dụ: lắp ghép, phải trái, trắng đen, may rủi, tươi sống…

29
+ Từ ghép biệt lập:
Từ ghép biệt lập mặc dù vẫn được hình thành trên quan hệ chính phụ
hay đẳng lập, song chúng không có tính hệ thống. Mỗi từ là một trường hợp
riêng rẽ. Những đặc trưng ngữ nghĩa của mỗi từ không lặp lại ở các từ khác,
chúng là các sự kiện biệt lập.
Ví dụ: Từ chân vịt. Từ này chỉ một bộ phận của các thủy động cơ, nằm
trong nước, xoáy nước để đẩy thuyền, tàu đi. Ý nghĩa này không thuộc kiểu
ghép hợp nghĩa. Nó cũng không phải là một từ ghép phân nghĩa, bởi lẽ trong nó
không có hình vị chỉ loại lớn chung cho những từ khác. Chân vịt không phải là
một loại nhỏ trong chân. Nói một cách tổng quát, cái sự vật mà từ chân vịt
biểu thị không thể quy loại  Nó là một từ biệt lập về loại. Tương tự, ta có các
từ: (con) thiêu thân, (tính) ba phải, (cái) đỉa quần…
Theo Đỗ Hữu Châu (sđd – tr.66) thì các từ phức Hán Việt cũng xếp vào
số từ ghép biệt lập. (Vì đại bộ phận người Việt Nam không nắm được ý nghĩa
của các hình vị Hán Việt, không nhận ra quan hệ giữa chúng nên cũng không
nhận ra tính phân nghĩa hay hợp nghĩa của từ phức Hán Việt).
 Lưu ý về kết quả phân loại
- Những loại từ ghép đã trình bày chỉ là những loại lớn. Mỗi loại như vậy
còn có thể tiếp tục nghiên cứu nữa và phân loại nhỏ hơn để thấy được đặc điểm
ngữ nghĩa tinh tế hơn.
- Trong ngôn ngữ, bất cứ ở phạm vi nào cũng có hiện tượng trung gian.
Điều này càng phổ biến đối với tiếng Việt. Vì vậy, không nên nghĩ rằng giữa
các kiểu cấu tạo nói trên có một ranh giới tuyệt đối cố định. Có trường hợp
cùng một hình thức ngữ âm được lĩnh hội theo nhiều cách khác nhau. Do đó
chúng là những từ thuộc những cách cấu tạo khác nhau.
Ví dụ: cá mú, cơm rượu – có thể thuộc hai kiểu từ ghép phân nghĩa hoặc
hợp nghĩa.

30
- Cấu tạo từ cũng như các sự kiện ngôn ngữ khác có tính chất động. Các
hình vị có thể thay đổi giá trị cấu tạo từ, do đó các từ được cấu tạo với nó có
thể thay đổi từ kiểu này sang kiểu khác.
1.2.3.4. Biến thể từ vựng của các từ trong lời nói
Trong lời nói, do những yêu cầu nhất định, do những tác động nhất định,
những hình thức chuẩn mực của từ (từ phức và từ đơn đa âm) có thể bị biến đổi
ít nhiều cho ta các biến thể từ vựng của từ trong lời nói.
a. Biến thể rút gọn
vật lý – lý
văn học – văn
lịch sử - sử
hóa học – hóa
b. Biến thể rút gọn và “đặt thành thừa số chung”
ưu điểm, khuyết điểm – ưu khuyết điểm
nguyên liệu, vật liệu – nguyên vật liệu
công nghiệp, nông nghiệp – công nông nghiệp
c. Biến thể rút gọn và gộp
tuyên huấn, giáo dục – tuyên giáo
khoa học, giáo dục – khoa giáo
văn hóa, xã hội – văn xã
văn hóa, thể thao – văn thể
d. Biến thể xen kẽ
ăn mặc – ăn với mặc, cái ăn cái mặc
ăn uống – ăn với chả uống
đi đứng – đi với chả đứng
nhìn ngó – nhìn với chả ngó
e. Biến thể lồng chéo
quét dọn nhà cửa – quét nhà dọn cửa
bướm ong chán chường – bướm chán ong chường

31
g. Biến thể láy hình vị thứ hai
xanh lè – xanh lè lè
đầy ắp – đầy ăm ắp
chua loét – chua loen loét
nhạt phèo – nhạt phèo phèo
đen thui – đen thui thui
 Lưu ý:
- Chỉ xác nhận một hình thức nào đó là biến thể khi hình thức đầy đủ đã
có trước.
- Các biến thể lời nói của từ không có tính đồng loạt, không bắt buộc và
có tính khẩu ngữ.
- Có một số biến thể, nhất là biến thể rút gọn, khi được dùng phổ biến thì
đã trở thành từ.
 Tóm lại: Cơ chế sản sinh và các kiểu cấu tạo làm thành đặc điểm cấu
tạo từ. Đặc điểm ngữ âm, đặc điểm ngữ pháp và đặc điểm cấu tạo là ba bộ phận
tạo nên hình thức từ. Chúng gắn bó mật thiết với nhau, quy định lẫn nhau và
giúp bộc lộ chức năng biểu nghĩa của từ.

* Sơ đồ các kiểu từ xét về mặt cấu tạo

Từ đơn đơn âm
Từ đơn
Từ đơn đa âm

Từ tiếng Việt Từ ghép hợp nghĩa (từ ghép đẳng lập)


Từ ghép Từ ghép phân nghĩa (từ ghép chính phụ)

Từ phức Từ ghép biệt lập

Láy đôi
Từ láy 32
Láy ba
Láy tư

* Cách nhận diện từ


Quan hệ về âm Có Không
Quan hệ về nghĩa
Có A B
Không C D

- Trường hợp A: có mối quan hệ về nghĩa, có mối quan hệ về âm.


Ví dụ: tóc tai, mặt mũi… (từ ghép)
- Trường hợp B: có mối quan hệ về nghĩa, không có mối quan hệ về âm.
Ví dụ: sách vở, quần áo, máy kéo… (từ ghép)
- Trường hợp C: không có mối quan hệ về nghĩa, có mối quan hệ về âm.
Ví dụ: nho nhỏ, bâng khuâng, long lanh… (từ láy)
- Trường hợp D: không có quan hệ về nghĩa, không có quan hệ về âm.
Ví dụ: bù nhìn, mồ hôi, mà cả… (từ đơn đa âm)
Bài tập:
1. Các từ sau có cấu tạo giống nhau hay khác nhau?
Đom đóm, đau đáu, đu đưa, đánh đập, đèn điện, đủng đỉnh, động đậy.
2. Phân loại các từ sau (theo kiểu cấu tạo):
- Ồn ã, ấm áp, ép uổng, êm ái, im ắng, ế ẩm, oi ả, ít ỏi, oằn oại, yếu ớt, ấm ức.
- Cuống quýt, cập kênh, cồng kềnh, cò kè, cót két.
- Tốt tươi, chán chê, mặt mũi, đi đứng, tươi cười.
3. Phân loại các từ (theo kiểu cấu tạo) có trong đoạn văn sau:
“... Lủi thủi một mình, chán không! Nghĩ lại xưa kia, điếm cỏ đầu sương, vui
buồn, anh em có nhau, gian nan biết mấy cũng vững lòng tin, mà lúc nào cùng
nhau sung sướng thì cũng hể hả, nức lòng. Than ôi! Giờ một mình tôi lẽo đẽo

33
đường dài, đơn thân độc bóng. Có lúc nhớ lại cái lần cùng nhau trên chiếc bè
sen Nhật lênh đênh ra nước lớn, Trũi khẩn khoản đưa càng của mình cho tôi
ăn, nước mắt tôi muốn ứa ra...”
(Tô Hoài – Dế mèn phiêu lưu ký)

1.3. Ngữ cố định (cụm từ cố định, từ tổ cố định)


1.3.1.Khái niệm
- Ngữ cố định là những đơn vị có sẵn trong ngôn ngữ, được hình thành
trong quá trình phát triển của lịch sử, xã hội ngôn ngữ. Nó thường gồm một tập
hợp các từ đơn có kết cấu vững chắc, cố định, ổn định, bất biến và có ý nghĩa
hoàn chỉnh, dùng để gọi tên sự vật hiện tượng, biểu thị khái niệm.
- Ví dụ: cha truyền con nối, chuột sa chĩnh gạo, chó chui gầm chạn, nước
đổ lá khoai, cưỡi ngựa xem hoa, của đáng tội, nói vô phép, chẳng chóng thì
chầy...
1.3.2.Đặc điểm
- Ngữ cố định được sử dụng tương đương với từ, có thể thay thế hoặc kết
hợp với từ để tạo câu.
Ví dụ: Nó đúng là mèo mù vớ cá rán.
 Ngữ cố định mèo mù vớ cá rán được sử dụng tương đương với từ may
mắn.
- Nghĩa của ngữ cố định không phải là nghĩa của từng thành tố cộng lại
mà là nghĩa chung có tính chất mới, nghĩa toàn khối.
Ví dụ: Cả bốn yếu tố: cưỡi, ngựa, xem, hoa trong ngữ cố định “cưỡi ngựa
xem hoa” đều tập trung biểu thị nghĩa: qua loa, đại khái, không kĩ lưỡng, sâu
sắc. Người bản ngữ lĩnh hội và sử dụng cái nghĩa chung, nghĩa toàn khối đó
chứ không quan tâm tới nghĩa riêng của từng yếu tố cấu thành.
- Ngữ cố định là cách nói chung để chỉ các cụm từ đã được cố định hóa.
Sự thực thì trong loại đơn vị từ vựng này có nhiều kết cấu có hình thức cấu tạo
là câu như: chuột chạy cùng sào, cha truyền con nối, chó ngáp phải ruồi, chim

34
sa cá lặn... Vì vậy, cái quyết định để xác định các ngữ cố định tương đương với
từ là ở chức năng cấu tạo câu.
- Kết cấu ngữ cố định về cơ bản là chặt chẽ, ổn định, cố định, nhưng cá
biệt có một số trường hợp vẫn có thể chêm xen yếu tố khác vào giữa hoặc thay
đổi vị trí các vế. Ngữ cố định cũng có thể có những biến thể. Các dạng biến thể
này thể hiện sự sáng tạo của người sử dụng.
Ví dụ: tan cửa nát nhà – nhà tan cửa nát – cửa nát nhà tan
đi guốc trong bụng – đi giày đinh trong bụng – lê dép loẹt quẹt trong
bụng
1.3.3.Phân loại
Có nhiều cách phân loại ngữ cố định, dựa trên những tiêu chí khác nhau.
 Căn cứ vào đặc điểm cấu tạo về ngữ nghĩa và sự vận dụng, người ta chia
ngữ cố định thành: quán ngữ và thành ngữ
a. Quán ngữ
Quán ngữ là những ngữ cố định có những đặc trưng rất gần với cụm từ tự
do. Đó là những cách nói, cách diễn đạt nhằm mục đích đưa đẩy, để chuyển ý
hay dẫn ý, để mở đề hoặc gây sự chú ý, tạo tình huống giao tiếp, không khí
giao tiếp.

Ví dụ:
+ Loại dùng trong khẩu ngữ: của đáng tội, nói vô phép, không sớm thì
muộn, nghỉ cho khỏe, ai cũng biết rằng, chắc chắn là...
+ Loại dùng trong văn viết: như trên đã nói, có người cho rằng, nói tóm
lại, nói một cách khác...
b. Thành ngữ
Thành ngữ là những ngữ cố định mà các từ trong đó đã mất tính độc lập
đến mức độ cao, kết hợp thành một khối vững chắc hoàn chỉnh. Nghĩa của
chúng không phải là do nghĩa của từng thành tố tạo ra mà là nghĩa chung của cả

35
tập hợp. (Nghĩa vốn có của các yếu tố cấu thành bị mờ đi; nghĩa của cả tổ hợp
có tính chất mới, có tính hình tượng, tính biểu trưng rất cao).
Ví dụ:
+ mẹ tròn con vuông, đầu trâu mặt ngựa, ném đá giấu tay, chuột sa
chĩnh gạo, ruột để ngoài da...
+ trắng như tuyết, đen như củ súng, bạc như vôi, hiền như bụt, chậm
như rùa, hôi như cú, đẹp như tiên...
 Căn cứ vào hình thức, cụ thể là căn cứ vào các kết cấu cú pháp gốc của
chúng, các ngữ cố định tiếng Việt được phân chia thành hai loại: ngữ cố định
có kết cấu câu và ngữ cố định có kết cấu cụm từ.
a. Ngữ cố định có kết cấu câu
Các ngữ cố định có kết cấu câu thường biểu thị các sự kiện, tình thế phức
tạp không có từ sẵn có đồng nghĩa.
Ví dụ: mèo mù vớ cá rán, ma cũ bắt nạt ma mới, mả táng hàm rồng, lời
nói gió bay, ...
b. Ngữ cố định có kết cấu cụm từ
Căn cứ vào thành phần trung tâm, ngữ cố định có kết cấu cụm từ lại có
thể chia nhỏ thành:
- Ngữ cố định có kết cấu cụm danh từ
Ví dụ: bạn nối khố, mắt bồ câu, cá mè một lứa, mặt xanh như tàu lá, ruột
đau như cắt, chăn đơn gối chiếc...
- Ngữ cố định có kết cấu cụm tính từ
Ví dụ: thẳng ruột ngựa, ngay cán tàn, yếu như sên, chậm như rùa, nóng
gan nóng ruột, dai như chó nhai giẻ rách...
- Ngữ cố định có kết cấu cụm động từ
Ví dụ: nói không trôi, làm chiếu lệ, chạy long tóc gáy, chết không nhắm
mắt, cười như nắc nẻ, lạy như tế sao, học như cuốc kêu, vẽ đường cho hươu
chạy, ném đá giấu tay...

36
Câu hỏi và bài tập:
1. Thế nào là thành ngữ, quán ngữ? Cho ví dụ.
2. Nêu đặc điểm của thành ngữ tiếng Việt?
3. Tìm các thành ngữ so sánh (kiểu A như B) dựa vào các từ sau: xanh, đỏ,
nặng, nhẹ, trắng, đen, khô, nát, nhanh, chậm, cứng, mềm, buồn, vui...
4. Tìm các từ đồng nghĩa với các thành ngữ sau:
- Mèo mù vớ cá rán
- Chuột sa chĩnh gạo
- chó ngáp phải ruồi
- Nước đổ lá khoai
- Vắt cổ chày ra nước
- Ném đá giấu tay
- Một nắng hai sương
1.3.4.Giá trị ngữ nghĩa của ngữ cố định
a. Tính biểu trưng
Có thể nói, mỗi ngữ cố định là những bức tranh nho nhỏ về những sự vật,
sự việc cụ thể, riêng lẻ được nâng lên để nói về cái phổ biến, cái khái quát, trừu
tượng.
Ví dụ: Múa rìu qua mắt thợ (ẩn dụ)
Đẹp như tiên (so sánh)
Áo chiếc quần manh (hoán dụ)
 Vì vậy, nghĩa của các ngữ cố định có tính biểu trưng (tính chất tượng
trưng) rất cao.
Do có tính biểu trưng nên nghĩa của các ngữ cố định rất cô đọng, súc tích,
có tác dụng thay thế cả một cụm từ tự do, một cách nói, một cách diễn đạt đôi
khi khá rườm rà, dài dòng nào đó.
Ví dụ: Cách diễn đạt “tình thế của những kẻ hèn kém bị dồn vào bước
đường cùng, không lối thoát, mặc dù đã xoay sở hết cách” có thể thay thế bằng
ngữ cố định ngắn gọn “chuột chạy cùng sào”

37
 Rõ ràng là, bằng phương tiện cụm từ tự do như lời giải nghĩa dẫn trên,
chúng ta chẳng những không thể nói lên đầy đủ những cái đáng nói của tình thế
đó mà còn mắc phải nhược điểm là dài dòng, rườm rà, nhạt nhẽo.
 Vì vậy, có thể nói:
Biểu trưng là cơ chế tất yếu mà ngữ cố định nói riêng và từ vựng nói
chung phải sử dụng để ghi nhận, diễn đạt những nội dung phức tạp hơn một
khái niệm đơn.
b. Tính dân tộc
Tính dân tộc là đặc trưng của một ngôn ngữ cụ thể, song nó thể hiện đậm
nét hơn ở các ngữ cố định.
- Tính dân tộc của ngữ cố định hiện ra thứ nhất là ở nội dung của chúng.
Cụ thể, các ngữ cố định phản ánh các biểu hiện, các sắc thái khác nhau của sự
vật, hiện tượng... đã có gọi tên hoặc chưa có gọi tên; thấy được biểu hiện nào,
sắc thái nào đáng chú ý để ghi giữ chúng lại. Điều này tùy thuộc vào đời sống,
kinh nghiệm và cách nhìn của từng dân tộc.
Ví dụ: đen như củ tam thất, lúng túng như thợ vụng mất kim, ...
- Thứ hai, tính dân tộc thể hiện ở các tài liệu, tức là ở các vật thực, việc
thực mà ngữ cố định dùng làm biểu trưng cho nội dung của chúng.
Con mèo, con chuột, con ong, con chó, con ruồi..., ngôi chùa, pho tượng,
ông bụt, con voi, con ngựa, con rồng..., tấm áo, manh quần..., tình trạng con rắn
mất đầu, con đỉa phải vôi... đều là tài liệu mang đậm màu sắc xứ sở Việt Nam
được quan sát một cách tài tình, được liên hệ một cách độc đáo. Những tài liệu
này của ngữ cố định tiếng Việt khiến cho chúng không thể lẫn với bất cứ ngữ
cố định nào của ngôn ngữ khác.
Ví dụ: ăn như mèo, ăn như rồng cuốn, uốn như rồng leo, làm như mèo
mửa, chuột sa chĩnh gạo, đầu voi đuôi chuột, mật ít ruồi nhiều, hiền như bụt,
áo chiếc quần manh, giẫy nẩy như đỉa phải vôi,...
c. Tính hình tượng và tính cụ thể

38
- Tính hình tượng là kết quả của tính biểu trưng. Nhờ tính hình tượng mà
các ngữ cố định dễ gây được những ấn tượng mạnh mẽ ở người đọc, người
nghe. Ở phương diện này, ngữ cố định mang tính chất, màu sắc của sáng tác
văn học, tăng thêm đáng kể tính thuyết phục.
- Tính cụ thể của ngữ cố định thể hiện ở tính bị quy định về phạm vi sử
dụng.
+ Thứ nhất, tuy có nghĩa phổ biến khái quát nhưng các ngữ cố định
không phải có thể dùng cho bất cứ sự vật, hiện tượng nào.
Ví dụ: Chúng ta đã miêu tả ý nghĩa của ngữ chuột chạy cùng sào. Ngữ
này có thể dùng cho rất nhiều tình thế cá nhân và xã hội khác nhau như: quân
sự, chính trị, kinh tế, làm ăn,... nhưng vì nó nhắc đến chuột – một con vật bị
khinh bỉ, do đó ngữ này không phải dùng cho bất cứ người nào cũng được. Nó
chỉ dùng cho những nhân vật mà chúng ta khinh bỉ, coi thường, thù ghét.
+ Thứ hai, tính cụ thể của ngữ cố định còn được thể hiện ở tính bị quy
định về sắc thái ngữ nghĩa. (Mỗi ngữ cố định thường chỉ nêu bật một khía cạnh
nào đó của tính chất, đặc điểm... được nói tới mà thôi)
Ví dụ: Cũng là tính chất lúng túng, nhưng:
+ lúng túng như gà mắc tóc nói đến tình trạng lúng túng do sa vào nhiều
sự việc dồn dập mà không tìm được cách giải quyết.
+ lúng túng như thợ vụng mất kim là nói đến sự lúng túng không phải vì
gặp nhiều sự việc rắc rối mà là do chỗ chưa có kinh nghiệm, lại mất phương
hướng.
+ lúng túng như ếch vào xiếc là nói đến sự lúng túng do bị giam hãm
trong những tình thế cực kì khó khăn, không thi thố tài năng được.
+ lúng túng như chó ăn vụng bột là nói đến sự lúng túng của những
người phạm sai lầm, muốn che giấu lỗi lầm của mình nhưng tang chứng vẫn
“sờ sờ” ra đấy...
d. Tính biểu thái

39
Các ngữ cố định thường kèm theo thái độ, cảm xúc, sự đánh giá, lòng
kính trọng, sự xót thương, sự phủ định, thái độ chê bai... đối với người hay vật
được nói tới.
Sự bày tỏ thái độ, tình cảm thông qua các thành ngữ, nếu được sử dụng
đúng lúc, đúng chỗ sẽ đạt được hiệu quả cao trong giao tiếp.
 Tóm lại, ngữ cố định là một mảng không thể thiếu được trong từ vựng
của một ngôn ngữ. Nó góp phần đáng kể trong việc mang lại tính phong phú,
sinh động, đa dạng, nhiều màu vẻ, sự giàu có của từ vựng nói riêng, ngôn ngữ
nói chung. Nó góp phần tạo ra sức sống luôn luôn tươi xanh cho ngôn ngữ.

Câu hỏi và bài tập:


1. Tìm các thành ngữ đồng nghĩa với các từ sau:
- Lười biếng
- Vất vả
- Keo kiệt
- Thuận lợi
- Khó khăn
- Giàu có
- Lúng túng
- Rủi ro
- Bận bịu
2. Giải thích các thành ngữ sau:
- Đầu voi đuôi chuột
- Nuôi ong tay áo
- Già kén kẹn hom
- Mẹ tròn con vuông
- Tai bay vạ gió
- Máu chảy ruột mềm
- Mang con bỏ chợ

40
3. Tìm các thành ngữ chỉ sự nghèo đói và đặt câu với các thành ngữ đó?
4. Phân tích tác dụng của cách dùng các thành ngữ trong đoạn trích dưới đây:
Khi chưa có Đảng ra đời, người nông dân Việt Nam phải vất vả. Cuộc đời
họ là cuộc đời của kẻ phải bán mặt cho đất, bán lưng cho giời để làm ra hạt
lúa củ khoai, bát cơm manh áo nuôi sống kẻ khác. Họ đã từng nhiều phen vùng
dậy nhưng rồi vẫn không thoát được cảnh quanh năm đầu tắt mặt tôid, làm
lụng quần quật và cái kết quả do họ một nắng hai sương làm ra vẫn rơi vào tay
bọn người giàu có.

41
Chương 2: NGHĨA CỦA TỪ

- Tổng số tiết: 32 LT: 08 BT: 08 TH: 16

2.1. Nghĩa của từ là gì?


2.1.1. Khái niệm
Khi nghiên cứu vấn đề nghĩa của từ, người ta thấy có khá nhiều nhân tố
liên quan tới việc hình thành nghĩa của từ như: hình thức ngữ âm của từ, sự vật
hiện tượng được từ gọi tên, khái niệm được từ biểu thị, những yếu tố hệ thống
ngôn ngữ chi phối, liên quan tới nghĩa của từ, tình cảm, thái độ, ý thức tư
tưởng, cách cảm nghĩ của người sử dụng ngôn ngữ, văn cảnh mà từ xuất hiện...
Trong các nhân tố nói trên, những nhân tố được coi là quan trọng nhất liên
quan tới việc hình thành nghĩa của từ là sự vật, hiện tượng được từ gọi tên; khái
niệm được từ biểu thị và những yếu tố thuộc hệ thống ngôn ngữ.
Có thể hình dung quá trình hình thành nghĩa của từ như sau:
Sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan phản ánh vào tư duy con
người thành khái niệm (về sự vật, hiện tượng). Các khái niệm ấy đi vào hệ
thống ngôn ngữ, được ngôn ngữ hóa, trở thành nghĩa của từ. Lúc đó, nghĩa của
từ là hiện tượng ngôn ngữ, tồn tại trong khuôn khổ của một hệ thống ngôn ngữ
nhất định.
- Xét ví dụ sau:
Từ “cây” có hai mặt: mặt biểu hiện âm thanh và mặt biểu hiện nội dung.
Nghĩa của từ cây thuộc về mặt thứ hai.
Quá trình hình thành nghĩa của từ “cây” như sau:
+ Quy chiếu, gắn từ “cây” vào mọi cái cây bất kì trong thực tại đời sống.
+ Hiểu được đại khái “cây” là thực vật có thân, có lá.
+ Dùng từ “cây” trong giao tiếp đúng với quy tắc ngữ pháp tiếng Việt.
 Nghĩa của từ “cây” là: loài thực vật có rễ, thân, lá, hoa, quả...

42
 Khái niệm: Nghĩa của từ là khái niệm về sự vật, hiện tượng trong
thực tế khách quan được phản ánh vào trong tư duy, được ngôn ngữ hóa.

Sự vật, hiện tượng ngôn ngữ hóa Ý nghĩa


phản ánh vào Khái niệm
khách quan của từ
tư duy
2.1.2. Các thành phần ý nghĩa trong từ
Nghĩa của từ không phải là một khối không phân hóa, phân lập, mà nó là
một hợp thể, phức thể của các thành phần ý nghĩa khác nhau. Tùy theo các
chức năng mà từ chuyên đảm nhiệm, trong ý nghĩa của từ có những thành phần
ý nghĩa sau:
- Ý nghĩa biểu vật gắn với chức năng biểu vật
- Ý nghĩa biểu niệm gắn với chức năng biểu niệm
- Ý nghĩa biểu thái gắn với chức năng biểu thái
a. Nghĩa biểu vật
- Nghĩa biểu vật là liên hệ giữa từ với sự vật (hoặc hiện tượng, thuộc
tính, hành động...) mà nó chỉ ra. Bản thân sự vật, hiện tượng, thuộc tính, hành
động... đó người ta gọi là biểu vật hay cái biểu vật.
- Biểu vật có thể hiện thực hoặc phi hiện thực, hữu hình hoặc vô hình, có
bản chất vật chất hoặc phi vật chất.
Ví dụ: đất, trời, mưa, nắng, nóng, lạnh, bàn, ghế, gió, nắng, ma, quỷ,
thánh, thần, thiên đường, địa ngục...
- Nghĩa biểu vật của từ không đồng nhất với sự vật, hiện tượng, thuộc
tính, hành động... mà chỉ gọi ra sự vật, hiện tượng, thuộc tính, hành động.
- Mỗi nghĩa biểu vật của từ là một mảng hiện thực khách quan được phản
ánh trong từ, trong ngôn ngữ.
Cũng cần biết rằng, sự vật, hiện tượng, thuộc tính, hành động... tồn tại
trong thực tế khách quan mang tính cụ thể, cá thể, đơn lẻ, phong phú, đa dạng...
nhưng nghĩa biểu vật lại mang tính khái quát. Nó chỉ ra cả chủng loại sự vật,
hiện tượng chứ không nhằm chỉ riêng một sự vật, hiện tượng cụ thể nào (trừ

43
các danh từ riêng trong ngôn ngữ, thì nghĩa biểu vật tương ứng với một sự vật
cá biệt).
b. Nghĩa biểu niệm
- Nghĩa biểu niệm là liên hệ giữa từ với ý (hoặc ý nghĩa, ý niệm). Các ý
đó người ta gọi là cái biểu niệm (sự phản ánh các thuộc tính biểu vật vào trong
ý thức của con người).
Nói cách khác, sự vật, hành động, tính chất... phản ánh vào tư duy con
người thành các khái niệm. Các khái niệm ấy được ngôn ngữ hóa thành nghĩa
biểu niệm của từ..
Mỗi thuộc tính bản chất của sự vật, hiện tượng được nhận thức trở thành
dấu hiệu trong nội dung của khái niệm. Sau đó mỗi dấu hiệu của khái niệm
được ngôn ngữ hóa trở thành một nét nghĩa trong cấu trúc nghĩa biểu niệm của
từ.
Nói cách khác, nghĩa biểu niệm của từ chứa đựng những hiểu biết của
con người về những thuộc tính bản chất của sự vật, hiện tượng trong thực tế
khách quan
Ví dụ:
* Từ “bàn” (danh từ)
- Đồ dùng
- Có mặt phẳng được đặt cách mặt nền một khoảng đủ lớn bởi các chân
- Làm bằng gỗ, đá, sắt
- Dùng để đặt đồ vật, sách vở khi viết...
* Từ “đi” (động từ)
- Hoạt động dời chỗ bằng chân
- Tốc độ bình thường
- Hai bàn chân không đồng thời nhấc lên khỏi mặt đất
* Từ “hiền” (tính từ)
- Tính chất tâm lý của con người

44
- Không gây tác hại cho người khác dù người đó gây ra thiệt hại cho
mình.
Vì ý nghĩa biểu niệm là một tập hợp có tổ chức, có quan hệ nên được gọi
là cấu trúc biểu niệm.
Đối với từ vựng ngữ nghĩa học, cái quan trọng là nghĩa biểu niệm. Trọng
tâm chú ý phân tích miêu tả của từ vựng – ngữ nghĩa học là nghĩa biểu niệm. Vì
vậy, khi không bắt buộc phải xác định rạch ròi về mặt thuật ngữ thì khi nói đến
nghĩa, tức là nói đến nghĩa biểu niệm.
c. Nghĩa biểu thái (nghĩa biểu cảm, nghĩa ngữ dụng, nghĩa hàm chỉ)
- Nghĩa biểu thái là mối liên hệ giữa từ với thái độ chủ quan, cảm xúc của
người nói.
Nói cách khác, nghĩa biểu thái phản ánh tình cảm, cảm xúc, thái độ người
sử dụng đối với đối tượng được nói đến.
Ví dụ: Có những tư khi phát âm giúp chúng ta bộc lộ sự đánh giá: to,
nhỏ, mạnh, yếu... Có những từ gợi cho chúng ta những cảm xúc sợ hãi: ma
quái, chém giết, tàn sát... Có những từ khi phát âm giúp chúng ta bộc lộ sự
khinh bỉ: đê tiện, hèn hạ, lì lợm, thô bỉ, bợ đỡ, ton hót...
 Thật ra, việc phân biệt các thành phần ý nghĩa trong từ như trên là cần
thiết và hợp lí, nhưng không phải các thành phần nghĩa đó hiện diện trong mỗi
từ bao giờ cũng đồng đều và rõ ràng như nhau. Vì thế trong từ vựng ngữ nghĩa
học, nhiều khi người ta chỉ nhắc đến nghĩa biểu vật, nghĩa biểu thái như những
xác nhận về sự tồn tại của chúng hơn là phân tích, chứng minh cho thật minh
bạch.
 Lưu ý:
Phân biệt nghĩa của từ với khái niệm
- Khái niệm là kết quả của một quá trình nhận thức, phản ánh những đặc
trưng chung nhất, khái quát nhất và bản chất nhất của sự vật, hiện tượng. Người
ta có được khái niệm chủ yếu là nhờ những khám phá tìm tòi khoa học. Nội

45
dung của một khái niệm có thể rất rộng, rất sâu, tiệm cận với chân lí khoa học;
và có thể diễn đạt bằng một từ hoặc hơn một từ.
Ví dụ: nước cứng, máy gặt đập liên hợp, công nghệ sinh học...
- Nghĩa của từ cũng phản ánh những đặc trưng chung, khái quát sự vật,
hiện tượng do con người nhận thức được trong đời sống thực tiễn tự nhiên và
xã hội. Nó có thể chưa phải là kết quả của nhận thức đã tiệm cận tới chân lí
khoa học. Vì vậy sự vật, hiện tượng nào càng ít được nghiên cứu, khám phá thì
nhận thức về nó được phản ánh trong nghĩa của từ gọi tên nó càng xa với khái
niệm.
Bên cạnh đó, ta thấy rằng, không phải từ nào cũng phản ánh khái niệm
(các thán từ và các công cụ ngữ pháp chẳng hạn) và trong nghĩa của từ còn có
thể hàm chứa cả sự đánh giá về mặt này hay mặt khác, có thể chứa cả thái độ
và cảm xúc của con người...
Để tiện so sánh, chúng ta phân tích từ “nước” của tiếng Việt. Khái niệm
khoa học về nước là: Hợp chất của ôxi và hiđrô mà trong thành phần của mỗi
phân tử nước có hai nguyên tử hiđrô và một nguyên tử ôxi.
Nghĩa "nôm" của từ nước có thể được miêu tả dưới dạng từ điển ngắn
gọn là: Chất lỏng không màu, không mùi và hầu như không vị, có sẵn trong ao
hồ, sông suối,...
Miêu tả như thế thật ra là chưa đủ. Rất nhiều thứ, loại (biểu vật) được
người Việt quy về loại nước mà chả cần chúng đảm bảo thuộc tính lỏng, còn có
nước nhiều hay ít, mùi vị thế nào, thậm chí có nước hay không,... điều đó
không quan trọng. Chẳng hạn: nước biển, nước mắm, nước xốt, nước dứa,
nước ép hoa quả,...
phở nước (đối lập với phở xào)
mỡ nước (đối lập với mỡ khổ)
nước gang (gang lỏng – Ví dụ: Đổ nước gang vào khuôn đúc)
 Phân tích như trên đây chứng tỏ rằng nghĩa và khái niệm không đồng
nhất. Đó là nói về các từ nói chung. Đối với nhiều thuật ngữ khoa học, sự phân

46
biệt giữa nghĩa và khái niệm không cần đặt ra nữa: chúng đã tiệm cận đến giới
hạn của nhau.
2.1.3. Cơ cấu nghĩa của từ
- Một từ có thể có một hoặc nhiều nghĩa. Nếu là từ nhiều nghĩa (đa nghĩa)
thì các nghĩa đó của từ có quan hệ với nhau, được sắp xếp theo những cơ cấu tổ
chức nhất định.
Trong từng nghĩa của mỗi từ cũng có thể gồm những thành tố nhỏ hơn, có
thể phân tích ra được và cũng được sắp xếp theo một tổ chức nào đó.
- Mỗi một nghĩa gồm một số nghĩa tố (nét nghĩa) được tổ chức lại. Nghĩa
tố được hiểu là một dấu hiệu lôgíc ứng với một thuộc tính chung của sự vật,
hiện tượng được đưa vào nghĩa biểu niệm.
Ví dụ: Từ “chân”: - Bộ phận cơ thể động vật
- Ở phía dưới cùng
- Để đỡ cơ thể đứng yên hoặc vận động
(Các nghĩa tố được sắp xếp như trên theo thứ tự từ cái lớn cho tới cái nhỏ,
từ cái cần yếu nhất cho tới cái ít cần yếu hơn...)
- Việc phân tích nghĩa của từ cho đến những thành tố cuối cùng là yêu
cầu bắt buộc về mặt nguyên tắc, nhưng không phải bao giờ ta cũng làm được
điều đó một cách dễ dàng trên thực tế. Cho tới nay vẫn chưa có một phương
pháp tổng quát và những tiêu chí hình thức đủ mạnh để cho phép xác định sự
phản ánh “đặc trưng bản chất” nào thì cần được coi là một nghĩa tố (nét nghĩa).
Vì vậy, khi phân tích nghĩa của từ, có lúc chúng ta phải có những biện luận
riêng cho từng nhóm, thậm chí từng từ.
Câu hỏi và bài tập:
1. Nghĩa của từ là gì? Các thành phần ý nghĩa trong từ?
2. Xác định các nghĩa biểu vật khác nhau của các từ đa nghĩa sau:
- chân
- đầu
- đi

47
2.2. Nét nghĩa và cấu trúc biểu niệm của từ
2.2.1. Nét nghĩa
2.2.1.1. Ví dụ
Ví dụ 1: Cám ăn con lợn.
- Xét về mặt ngữ pháp: Câu trên là một câu chuẩn mực giống như các
câu: Con mèo ăn con cá./Con gà ăn thóc.
- Xét về mặt nghĩa: Câu trên bất thường về nghĩa.
- Nguyên nhân của sự bất thường này nằm ở một thành tố, một bộ phận
trong nghĩa của từ “cám”. Cụ thể:
+ Từ “cám” trong câu trên biểu hiện chủ thể của hành động “ăn” – một
hành động có chủ ý [+ chủ ý]
+ Hành động “ăn” – xét về mặt ngữ nghĩa hay mặt kết trị, đòi hỏi chủ
thể của nó (tức chủ thể thực hiện hành động “ăn”) phải là một “cái gì đó” có
“khả năng biết ăn”.
+ Thực tế, “cám” không có “khả năng ăn”, không có tri giác, không thể
thực hiện hành động “ăn”, nhưng người nói ( hoặc viết) lại đưa nó vào cấu trúc
câu với tư cách là chủ thể của hành động “ăn” nên đã dẫn tới sự bất thường về
nghĩa vì không tương thích trong kết hợp.
Chúng ta có thể nói:
Con mèo/Con ngựa/ Con gà + ăn vì con mèo, con ngựa, con gà... đều có
“khả năng ăn” nên đều có thể đóng vai trò làm chủ thể của hành động “ăn”. Nói
cách khác, thành tố nội dung cần yếu để một danh từ hoặc danh ngữ đóng vai
trò làm chủ thể của hành động “ăn” phải là nét đặc trưng của động vật. Sở dĩ ta
nói được “Con lợn ăn cám” vì “con lợn” mang nét nghĩa “động vật” [+ động
vật] mà không nói “cám ăn con lợn” vì “cám” chứa nét nghĩa [- động vật].
Ví dụ 2: Xác định các nét đặc trưng của các từ sau: đàn ông, đàn bà, trẻ
con, bò, chó, cây táo, cây lê, bút chì, ăn, uống, đọc
Nhận xét:

48
- Các từ đàn ông, đàn bà, trẻ con, bò, chó... có nét đặc trưng [+ động vật],
phân biệt với các từ cây táo, cây lê, bút chì... có nét đặc trưng [+ sự vật] (tức [-
động vật]); và các từ ăn, uống, đọc... có nét đặc trưng [+ chủ ý]... Đối chiếu các
từ đàn ông, đàn bà, trẻ con, bò, chó...với nhau ta thấy giữa chúng lại có nét đặc
trưng [+ người] (của các từ đàn ông, đàn bà, trẻ em) và nét đặc trưng [- người]
(của các từ bò, chó)
- Các nét đặc trưng [+ động vật] hay [- động vật] của các danh từ như đàn
ông, đàn bà, bò, chó... hay nét đặc trưng [+ chủ ý] của các động từ như ăn,
uống, đọc... được các nhà nghiên cứu coi là các nghĩa tố, nét nghĩa, nghĩa cơ
sở, dấu hiệu khu biệt nghĩa, thừa số ngữ nghĩa, nguyên sơ ngữ nghĩa, hạt nhân
ngữ nghĩa, ngữ hình nội dung... Trong đó, cách gọi tương đối phổ biến là nét
nghĩa.
Vậy, nét nghĩa là gì?
2.2.1.2. Định nghĩa
Nét nghĩa là những thành phần nghĩa thể hiện thuộc tính sự vật mà từ
biểu thị, dựa vào đó mà từ có thể thuộc vào một trong các nhóm từ vựng – ngữ
nghĩa được phân chia tạm thời theo chủ đề.
2.2.1.3. Đặc trưng của nét nghĩa
Trong cấu trúc nghĩa của từ, mỗi nét nghĩa có 2 đặc trưng : đặc trưng bản
chất và đặc trưng vị trí. Trong đó, đặc trưng bản chất tương ứng với thuộc tính
của sự vật, hiện tượng khách quan, còn đặc trưng vị trí chiếm một vị trí nhất
định trong cấu trúc biểu niệm của từ.
a. Đặc trưng bản chất của nét nghĩa
- Nét nghĩa không được thể hiện ra bằng vỏ vật chất của từ.
Ví dụ:
 Nét nghĩa [+ người] của các từ học sinh, sinh viên
 Nét nghĩa [+ bộ phận cơ thể] của các từ tay, chân, đầu, cổ
- Trong cơ cấu nghĩa của từ, nét nghĩa được xem như là sự phản ánh một
dấu hiệu đặc trưng, ứng với một thuộc tính chung hoặc riêng của sự vật, hiện

49
tượng được đưa vào nghĩa biểu niệm của từ và chúng cũng được sắp xếp trong
một cơ cấu tổ chức nhất định nào đó.
Ví dụ:
 Nét nghĩa [+ người] là nét nghĩa chung của các từ học sinh, sinh
viên, ông, bà...
 Nét nghĩa [+bộ phận cơ thể] là nét nghĩa chung của các từ tay,
chân, cổ, mắt, tai, mũi, gan...
Nhưng:
 Nét nghĩa [+ đang học trường đại học] là nét nghĩa riêng của từ
sinh viên.
 Nét nghĩa [+ đang học trường phổ thông] là nét nghĩa riêng của từ
học sinh.
Tương tự:
 Nét nghĩa [+ nối đầu với thân] là nét nghĩa riêng của từ cổ.
 Nét nghĩa [+ ở phía dưới cùng] và nét nghĩa [+ để đỡ cơ thể đứng
hoặc vận động dời chỗ] là hai nét nghĩa riêng của từ chân.
 Nét nghĩa [+ để tiết ra mật] là nét nghĩa riêng của từ gan.
- Để phát hiện ra các nét nghĩa, cần phải tìm ra những nét nghĩa chung,
đồng nhất trong nhiều từ rồi lại đối lập những từ có nét nghĩa chung đó với
nhau để tìm ra những nét nghĩa cụ thể hơn, những nét nghĩa chỉ riêng có trong
một từ là nét nghĩa riêng của từ đó. Như vậy, về mặt cơ cấu tổ chức, nghĩa của
từ chính là tổ hợp của những nét nghĩa.
Ví dụ: Nghĩa của từ chân là tổ hợp của một nét nghĩa chung [+bộ phận
cơ thể] và 2 nét nghĩa riêng [+ ở phía dưới cùng]; [+ để đỡ cơ thể đứng yên
hoặc vận động dời chỗ].
 Lưu ý:
Tính chất “chung”, “riêng” của các nét nghĩa chỉ là tương đối (Có tính
chất chung rộng, có tính chất chung hẹp. Tức là có những nét nghĩa chung cho
rất nhiều từ, lại có những nét nghĩa chung cho một số từ ít hơn. Ví dụ: Các từ:

50
học sinh, sinh viên, ông, bà, bố, mẹ có nét nghĩa chung rộng là [+ người] và các
nét nghĩa chung hẹp như:
 Nét nghĩa [+ đang học ở một bậc học] là nét nghĩa chung hẹp của các từ
học sinh, sinh viên.
 Nét nghĩa [+ tuổi cao] là nét nghĩa chung hẹp của các từ ông, bà.
 Tương tự, nét nghĩa [+ có con] là nét nghĩa chung hẹp của các từ bố,
mẹ).
b. Đặc trưng vị trí của nét nghĩa
Như chúng ta đã biết, về mặt cơ cấu tổ chức, nghĩa của từ chính là tổ hợp
của những nét nghĩa. Do đó, đặc trưng đầu tiên của các nét nghĩa khi xét về mặt
vị trí của các nét nghĩa là :
- Mỗi nét nghĩa phải chiếm một vị trí xác định trong cấu trúc biểu niệm
của từ.
- Trật tự của các nét nghĩa thay đổi có thể làm thay đổi nghĩa của từ.
Ví dụ:
 [+ tự mình], [+ làm cho], [+ mình không sống] = tự tử
 [+ làm cho X], [+ tự mình], [+ không sống] = bức tử
Từ đặc trưng này, chúng ta có thể rút ra kết luận :
Để xây dựng được ý nghĩa biểu niệm của từ, cần phải xác định được các
nét nghĩa và sắp xếp chúng theo những trình tự nhất định.
- Vị trí của nét nghĩa trong cấu trúc biểu niệm quy định giá trị, tính chất
của nét nghĩa.
Ví dụ:
+ Ngồi trên ghế (1)  Nét nghĩa [+ dùng để ngồi] được hiện thực hóa
 giá trị chức năng cao  Có thể nói: Kéo ghế mời ngồi.
+ Ngồi trên giường (2)  Nét nghĩa [+ có mặt cứng] được hiện thực hóa
 Không thể nói: Kéo giường mời ngồi.
Các từ ghế, giường có các nét nghĩa chung [+ đồ vật], [+ có mặt cứng] và
các nét nghĩa riêng :

51
+ Nét nghĩa riêng của từ ghế là [+ dùng để ngồi].
+ Nét nghĩa riêng của từ giường là [+ dùng để nằm]
Tuy nhiên, trong tổ hợp (1), để phù hợp với nghĩa của từ ngồi, nét nghĩa
[+ dùng để ngồi] của từ ghế được hiện thực hóa. Còn trong tổ hợp (2), nét nghĩa
[+ có mặt cứng] lại được hiện thực hóa ; còn nghĩa [+ dùng để nằm] của từ
giường lại bị trung hòa hóa. Do đó, có thể thấy, ở (1) nét nghĩa [+ dùng để
ngồi] là nét nghĩa cụ thể hơn, có giá trị chức năng cao hơn và có giá trị hệ
thống thấp hơn. Ngược lại, ở (2) nét nghĩa [+ có mặt cứng] lại có giá trị hệ
thống cao hơn, giá trị chức năng thấp hơn.
Từ đặc trưng này, ta có thể kết luận :
Trong một tổ hợp từ, nét nghĩa của một từ được hiện thực hóa cho phù
hợp với nghĩa một từ khác càng cụ thể bao nhiêu, giá trị hệ thống càng thấp bao
nhiêu, giá trị chức năng càng cao bao nhiêu thì tổ hợp từ đó có tần số xuất hiện
càng lớn, càng đặc trưng cho từ bấy nhiêu.
Chính vì thế mà cách nói : Kéo ghế mời ngồi là cách nói bình thường, có
tần số xuất hiện cao.
Còn cách nói : Kéo giường mời ngồi là không bình thường và không được
chấp nhận.

Câu hỏi:
1. Nét nghĩa là gì? Cho ví dụ.
2. Đặc trưng bản chất của nét nghĩa? Cho ví dụ.
3. Đặc trưng vị trí của nét nghĩa? Cho ví dụ.

2.2.2. Cấu trúc biểu niệm của từ


2.2.2.1. Ý nghĩa biểu niệm
a. Ví dụ
Xác định các nét nghĩa và nghĩa của các từ sau: bàn, chân, nói, hiền,
phấn khởi...

52
- [+ đồ dùng], [có mặt phẳng được đặt cách mặt nền một khoảng đủ lớn
bởi các chân], [+ bằng nguyên liệu rắn] [dùng để đặt các đồ vật hay sách vở khi
viết lách, nghiên cứu] = bàn
- [+ bộ phận cơ thể] [+ động vật] [có chức năng đỡ cơ thể khi đứng yên
hoặc vận động dời chỗ] = chân
- [+ hoạt động] [+ người] [+ của miệng] [+ phát ra các đơn vị ngôn ngữ ở
dạng âm thanh] = nói
- [+ tính chất tâm lí] [+ của người] [không gây tác hại cho người khác]
[dù bị người đó gây thiệt hại cho mình] = hiền
- [+ trạng thái tâm lí] [+ của người] [+ tích cực] [+ hướng tới ngoại cảnh]
[+ do được kích thích mạnh mẽ một cách lành mạnh] [+ muốn đem hết sức
mình hoàn thành những việc có lợi cho xã hội] = phấn khởi
b. Nhận xét
Nghĩa của từ được hình thành bởi sự tập hợp một số nét nghĩa gọi là ý
nghĩa biểu niệm của từ.
- Một từ có thể có nhiều nét nghĩa
- Sự tập hợp một số nét nghĩa tạo thành nghĩa của từ (còn gọi là ý nghĩa
biểu niệm)
c. Quan hệ giữa nét nghĩa và ý nghĩa biểu niệm của từ
 Tập hợp một số nét nghĩa thành ý nghĩa biểu niệm là một tập hợp có quy
tắc, giữa các nét nghĩa có những quan hệ nhất định. Các từ thuộc các từ loại
khác nhau có cách tổ chức các nét nghĩa khác nhau. Các ý nghĩa biểu niệm của
những từ trong một từ loại lại có tổ chức giống nhau.
Ví dụ : Từ bàn và từ búa có tổ chức ý nghĩa biểu niệm giống nhau : Đặc
trưng bản chất đến đặc trưng về chức năng. Cụ thể :
- Đặc trưng bản chất của từ bàn và búa thể hiện ở các nét nghĩa :
+ đồ vật hoặc đồ dùng

53
+ cấu tạo : bàn : [có mặt phẳng được đặt cách mặt nền một khoảng đủ
lớn bởi các chân] ; búa : [một khối nguyên liệu rắn có trọng lượng đủ lớn, có
cán hoặc không]
- Đặc trưng về chức năng :
+ bàn [+ dùng để đặt đồ vật hay sách vở]
+ búa [+ dùng để tạo ra một lực tác động bằng hình thức gõ, nện]
 Trong các ý nghĩa biểu niệm của từ có những nét nghĩa chung cho nhiều
từ và những nét nghĩa riêng cho từng từ.
Ví dụ :
+ Nét nghĩa [+ đồ dùng] là nét nghĩa chung cho các từ : bàn, ghế, tủ…
+ Nét nghĩa [dụng cụ] là nét nghĩa chung cho các từ : kìm, dao, cưa…
+ Nét nghĩa [dùng để đặt đồ vật hay sách vở khi viết lách, nghiên cứu] là
nét nghĩa riêng của từ bàn.
+ Nét nghĩa [dùng để nằm] là nét nghĩa riêng của từ giường.
 Các nét nghĩa trong ý nghĩa biểu niệm của từ còn khác nhau ở tính chất
khái quát và cụ thể.
- Một nét nghĩa được coi là khái quát khi nó có thể phân chia thành những
nét nghĩa nhỏ hơn nằm trong nó.
Ví dụ: Các nét nghĩa: [hoạt động] [dời chỗ] [dời chỗ bằng chân] trong ý
nghĩa biểu niệm của từ đi.
+ Đặt trong mối quan hệ với nét nghĩa [dời chỗ bằng chân] thì nét nghĩa
[dời chỗ] lại mang tính khái quát (đối lập với nét nghĩa [dời chỗ bằng chân] là
nét nghĩa mang tính cụ thể).
- Nhiều nét nghĩa có thể quy về một nét nghĩa lớn hơn, khái quát hơn.
Ví dụ:
+ Nét nghĩa [có mặt phẳng được đặt cách mặt nền] của từ bàn
+ Nét nghĩa [gồm một khối nguyên liệu rắn có trọng lượng đủ lớn, có
cán hoặc không] của từ búa
 có thể quy về nét nghĩa [cấu tạo về hình dạng].

54
Hoặc:
+ Nét nghĩa [để đặt đồ vật hoặc sách vở khi viết lách hoặc nghiên cứu]
của từ bàn
+ Nét nghĩa [để tạo ra một lực] của từ búa
+ Nét nghĩa [để đỡ cơ thể khi đứng và để vận động] của từ chân
 có thể quy về nét nghĩa [chức năng].
- Các nét nghĩa khái quát không thể đưa vào một nét nghĩa khái quát lớn
hơn nữa mà chỉ có thể phân hóa thành những nét nghĩa cụ thể được gọi là một
nét nghĩa phạm trù hay một phạm trù ngữ nghĩa. Ví dụ: Các phạm trù ngữ
nghĩa: sự vật, hoạt động, trạng thái, cấu tạo, chức năng, chất liệu, phương tiện,
cách thức...
 Sự vật, hiện tượng có rất nhiều thuộc tính nhưng không phải tất cả các
thuộc tính đều trở thành các nét nghĩa trong ý nghĩa biểu niệm. Nói cách khác,
không phải tất cả các thuộc tính đều tham gia vào quá trình hình thành ý nghĩa
biểu niệm; chỉ những thuộc tính nào tạo nên sự thống nhất và đối lập về mặt
ngữ nghĩa giữa các từ mới là nét nghĩa (hoặc thành tố) của ý nghĩa biểu niệm.
d. Định nghĩa
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể định nghĩa một cách đầy đủ ý
nghĩa biểu niệm của từ như sau:
- Ý nghĩa biểu niệm của từ là tập hợp một số nét nghĩa chung và riêng,
khái quát và cụ thể theo một tổ chức, một trật tự nhất định. Giữa các nét nghĩa
có những quan hệ nhất định.
2.2.2.2. Cấu trúc biểu niệm
a. Ví dụ
Xét các ví dụ sau:
 [đồ dùng] [có mặt phẳng được đặt cách mặt nền một khoảng đủ lớn bởi
các chân] [bằng nguyên liệu rắn] [dùng để đặt các đồ vật hay sách vở khi viết
lách hoặc nghiên cứu] = bàn (1a)
 [sự vật] [cấu tạo về hình thức] [chất liệu] [chức năng] = danh từ (1b)

55
 [hoạt động] [người] [của miệng] [phát ra các đơn vị ngôn ngữ ở dạng âm
thanh] = nói (2a)
 [hoạt động] [sự vật] [quan hệ] [cách thức] = động từ (2b)
b. Nhận xét
- Các ví dụ (1a), (2a) là ý nghĩa biểu niệm của từ bàn và từ nói.
- Ở các ví dụ (1b), (2b) các nét nghĩa đã được khái quát thành các phạm
trù ngữ nghĩa mang tính khái quát chung cho nhiều từ.
 Dạng cấu tạo như ví dụ (1b), (2b) gọi là cấu trúc biểu niệm.
c. Định nghĩa
Tập hợp các nét nghĩa phạm trù, khái quát chung cho nhiều từ được gọi là
cấu trúc biểu niệm.

Câu hỏi và bài tập:


1.Cấu trúc biểu niệm là gì? Cho ví dụ.
2. Tìm ý nghĩa biểu niệm và cấu trúc biểu niệm của các từ sau: đi, giáo viên,
phấn khởi.

2.3. Hiện tượng nhiều nghĩa


2.3.1. Tính nhiều nghĩa của từ
2.3.1.1. Từ đa nghĩa
* Trong quá trình phát triển của lịch sử, xã hội, nảy sinh thêm nhiều sự
vật, hiện tượng mới. Để làm tròn chức năng công cụ giao tiếp và tư duy của
mình, ngôn ngữ cũng phải sáng tạo thêm các từ mới để biểu thị những sự vật,
hiện tượng mới. Từ vựng của ngôn ngữ thường phát triển theo hai con đường:
+ Thứ nhất, sáng tạo nên những từ mới, những hình thức ngữ âm mới
+ Thứ hai, tạo thêm những nghĩa mới cho từ có sẵn để chỉ những sự vật,
hiện tượng mới. Con đường phát triển này của từ vựng đã tạo nên từ đa nghĩa.
- Định nghĩa về từ đa nghĩa:
Ví dụ: ăn - ăn cơm, ăn xăng, ăn than, ăn ảnh, ăn tiền...

56
Ta thấy:
+ ăn ở (1): Tự cho vào cơ thể thức nuôi sống
+ ăn ở (2): Tiếp nhận cái cần thiết cho sự hoạt động
+ ăn ở (3): Nhận hàng để chuyên chở
+ ăn ở (4): Hợp với nhau, tạo nên một cái gì hài hòa
 Từ “ăn” trong các trường hợp trên có cùng một hình thức ngữ âm, có
hình thức giống nhau nhưng có nhiều nghĩa khác nhau. Những từ có đặc điểm
này gọi là từ đa nghĩa.
Vậy, từ đa nghĩa là gì?
Một từ (một hình thức ngữ âm) nhưng có thể gọi tên nhiều sự vật, hiện
tượng, biểu thị nhiều khái niệm (khái niệm về sự vật, hiện tượng...) trong thực
tế khách quan thì được gọi là từ đa nghĩa. [12, tr.251]
Vũ Đức Nghiệu định nghĩa như sau:
“Từ đa nghĩa là những từ có một số lượng nghĩa biểu thị những đặc
điểm, thuộc tính khác nhau của một đối tượng, hoặc biểu thị những đối tượng
khác nhau của thực tại”. [5, tr.172]
- Từ đa nghĩa là những từ có tần số xuất hiện cao, được sử dụng nhiều
nhất trong cuộc sống. Trong tiếng Việt, nó thường là những từ đơn âm, những
từ vốn có từ lâu đời.
* Gắn liền với sự phân biệt các thành phần ý nghĩa trong từ vựng của từ
(thành nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm, nghĩa biểu thái) có tác giả chủ trương
phân biệt hiện tượng nhiều nghĩa (đa nghĩa) biểu vật và hiện tượng nhiều nghĩa
(đa nghĩa) biểu niệm.
- Hiện tượng nhiều nghĩa (đa nghĩa) biểu vật
Ví dụ: Từ MŨI trong tiếng Việt có các nghĩa biểu vật cơ bản sau:
(1) Bộ phận của cơ quan hô hấp
(2) Phần nhọn của vũ khí: mũi dao, mũi súng...
(3) Phần trước của tàu thuyền: mũi tàu, mũi thuyền...
(4) Phần đất nhô ra ngoài biển: mũi đất, mũi Cà Mau...

57
(5) Đơn vị quân đội: mũi quân bên trái...
Ở ví dụ trên, ta thấy, trong các nghĩa biểu vật của từ “mũi”, nghĩa 1 ứng
với “bộ phận cơ thể người, động vật”; nghĩa 2 ứng với “vũ khí”; nghĩa 3 ứng
với “bộ phận của tàu thuyền”; nghĩa 4 ứng với “đất đai”...  Ta nói, từ “mũi”
là một từ nhiều nghĩa biểu vật.
 Như thế, căn cứ chủ yếu để xác định tính nhiều nghĩa (đa nghĩa) biểu
vật là các phạm vi sự vật, hiện tượng khác nhau được từ biểu thị.
Ở đây, cũng cần hiểu rằng, việc tách các nghĩa biểu vật của một từ cũng
chỉ mang tính tương đối.
- Hiện tượng nhiều nghĩa (đa nghĩa) biểu niệm
Ví dụ: Từ ĐỨNG có các nghĩa biểu niệm cơ bản sau:
(1) (Chỉ tư thế , trạng thái), (thân hình thẳng góc với mặt nền),
(trên hai chân).
Ví dụ: Nhiều người đứng trước nhà, đứng nghiêm
(2) (Chỉ hoạt động), (tự tác động), (làm cho mình dừng lại).
Ví dụ: Đang đi bỗng đứng lại.
(3) (Chỉ đặc điểm), (thẳng góc, không nghiêng lệch).
Ví dụ: Cây cột chôn rất đứng.
Ở ví dụ trên, ba ý nghĩa mà từ “đứng” diễn đạt rất khác nhau. Mỗi ý nghĩa
là một cấu trúc biểu niệm tương đối độc lập với nhau. Chúng ta nói, từ “đứng”
là một từ nhiều nghĩa biểu niệm.
 Như thế, căn cứ để xác định tính nhiều nghĩa (đa nghĩa) biểu niệm là ý
nghĩa từ loại, đặc điểm ngữ pháp, ý nghĩa ngữ pháp của từ.
Giống như trường hợp nhiều nghĩa (đa nghĩa) biểu vật, việc xây dựng
những căn cứ để xác định tính nhiều nghĩa (đa nghĩa) biểu niệm của từ - cụ thể,
việc tách các nghĩa biểu niệm khác nhau của từ cũng là vấn đề có nhiều nan
giải và chỉ mang tính chất tương đối.
2.3.1.2. Phân loại các nghĩa trong từ đa nghĩa
Có nhiều cách phân loại nghĩa trong từ đa nghĩa. Chẳng hạn:

58
 Đỗ Xuân Thảo – Lê hữu Tỉnh phân loại như sau:
a. Phân loại theo quan điểm lịch đại
Tức là phân loại theo quá trình phát triển, biến đổi nghia của từ. Theo
cách này, người ta chia các nghĩa khác nhau của từ đa nghĩa thành 2 loại: nghĩa
gốc và nghĩa phái sinh
- Nghĩa gốc: Là nghĩa đầu tiên của từ, là khái niệm đầu tiên mà từ biểu thị
Ví dụ :
(1) Từ “đầu” có nghĩa gốc là: “bộ phận trên hết, hoặc trước hết của thân
thể người hoặc loài vật, trong chứa bộ não”.
(2) Từ “xuân”: “mùa đầu của một năm, từ tháng giêng đến tháng ba”.
Có nhiều từ mà ngày nay nghĩa gốc đã trở thành nghĩa cổ và không được
sử dụng nữa.
Ví dụ: Từ “thẻ” có nghĩa gốc chỉ “mảnh tre dài, hẹp, mỏng, dùng để viết
chữ vào đó” (khi chưa có giấy).
- Nghĩa phái sinh: Là nghĩa xuất hiện sau nghĩa gốc, được hình thành trên
cơ sở nghĩa gốc.
Ví dụ : Từ “đầu” có các nghĩa phái sinh cơ bản sau:
+ Chỉ bộ phận trên cùng của sự vật (đầu van, đầu súng...)
+ Bộ phận ở vị trí trước hết của sự vật (đầu cầu, đầu làng, đầu
lưỡi...)
+ Vị trí danh dự, điều khiển (dẫn đầu, đứng đầu, đầu đàn...)
+ Trí tuệ, ý chí (đầu não, đầu óc, đương đầu, đối đầu..)
Từ “xuân” có các nghĩa phái sinh cơ bản sau:
+ Chỉ tuổi trẻ, sức trẻ (tuổi xuân, sức xuân...)
+ Một năm (Xuân này kháng chiến đã năm xuân)

b. Phân loại theo quan điểm đồng đại


Theo quan điểm đồng đại có các loại nghĩa sau: nghĩa chính, nghĩa phụ,
nghĩa tu từ.

59
- Nghĩa chính: Là nghĩa cơ bản, làm nền tảng cho sự phát triển nghĩa của
từ, là nghĩa hoạt động từ do, có tính chất độc lập, không hoặc ít phụ thuộc vào
văn cảnh, có khả năng kết hợp rộng nhất, là nghĩa được dùng nhiều nhất trong
một thời đại nhất định.
Ví dụ 3:
(1) “chân”: Chỉ chi dưới của người, động vật.
(2) “vàng”: Kim loại quý, bền vững.
(3) “chạy”: Dời chỗ bằng chân với vận tốc cao.
- Nghĩa phụ: Là loại nghĩa đã được cố định hóa.
Ví dụ 4:
(1) Từ “chân” có các nghĩa phụ:
+ Bộ phận dưới của đồ vật: chân bàn, chân ghế, chân tủ...
+ Vị trí dưới cùng của sự vật: chân đồi, chân núi, chân trời, chân
mây...
(2) Từ “vàng” có các nghĩa phụ:
+ Quý, đáng trân trọng: lời vàng, tấm lòng vàng...
+ Tình yêu: đá vàng...
(3) “Chạy”:
+ Tìm kiếm: chạy thầy, chạy tiền...
+ Trốn tránh: chạy loạn, chạy giặc...
+ Vận hành: máy chạy, đồng hồ chạy...
+ Điều khiển: chạy máy...
+ Vận chuyển: chạy thóc vào kho...
- Nghĩa tu từ: Là nghĩa tồn tại nhất thời trong một câu nói cụ thể nào đó,
mang tính sáng tạo, tính cá nhân, được hình thành trên cơ sở nghĩa chính, nghĩa
phụ.
Ví dụ 5:
(1) Nghĩa “chỉ cuộc sống mới, chế độ mới, chỉ chủ nghĩa xã hội” của từ
“xuân” trong thơ Tố Hữu:

60
“Xuân ơi xuân, em mới đến dăm năm
Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội”
(2) Nghĩa chỉ nàng Kiều của từ “hoa” trong các câu thơ Kiều sau:
“Thà rằng liều một thân con
Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây”.
Hay:
“ Rộng thương nội cỏ hoa hèn
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau”.
 Vũ Đức Nghiệu phân loại theo kiểu lưỡng phân như sau:
a. Nghĩa gốc và nghĩa phái sinh
- Nghĩa gốc: Là nghĩa đầu tiên, nghĩa có trước, trên cơ sở nghĩa đó người
ta xây dựng nên nghĩa khác. Nghĩa gốc là nghĩa không giải thích được lí do và
có thể được nhận ra một cách độc lập không thông qua nghĩa khác.
Ví dụ: Từ “chân” – bộ phận cơ thể động vật ở phía dưới cùng, để đỡ thân
thể đứng yên hoặc vận động rời chỗ.
- Nghĩa phái sinh: Là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc.
Chúng thường là nghĩa có lí do và được nhận ra qua nghĩa gốc của từ.
Ví dụ: Anh ấy có chân trong đội bóng đá  “chân” có nghĩa là cương vị,
phận sự của một người với tư cách là một thành viên của một tổ chức.
b. Nghĩa thường trực và nghĩa không thường trực
- Nghĩa thường trực: Là nghĩa đã đưa vào cơ cấu chung ổn định của nghĩa
từ và được nhận thức một cách ổn định, như nhau trong những hoàn cảnh khác
nhau.
Ví dụ: Mũi là bộ phận của cơ quan hô hấp của động vật.
- Nghĩa không thường trực: Là nét nghĩa bất chợt sinh ra ở một hoàn cảnh
nào đó trong quá trình sử dụng và sáng tạo ngôn ngữ (loại nghĩa này còn được
gọi là nghĩa ngữ cảnh).
Ví dụ: Xét câu sau trong lời bài hát “Áo trắng em đến trường”:

61
Áo trắng em đến trường, cùng đàn chim ca rộn ràng. Từng làn gió vờn
tóc em, kỉ niệm buồn vui, ngập tràn.
 “Áo trắng” trong câu này chỉ đến “nữ sinh”, và nó chỉ mang nghĩa đó
trong một số trường hợp mà thôi. Vì vậy, ta nói nghĩa của từ “áo trắng” là nữ
sinh là nghĩa không thường trực.
c. Nghĩa trực tiếp – nghĩa chuyển tiếp
- Nghĩa trực tiếp (nghĩa đen): Là nghĩa trực tiếp phản ánh đối tượng, làm
cho từ gọi tên một cách trực tiếp.
Ví dụ:
(1) “chạy” – Dời chỗ bằng chân với vận tốc cao.
(2) “bụng” – Một bộ phận của cơ thể động vật, trong đó có chứa
ruột và dạ dày
- Nghĩa chuyển tiếp (nghĩa bóng): Là nghĩa gián tiếp phản ánh đối tượng,
làm cho từ gọi tên sự vật một cách gián tiếp (thường thông qua hình tượng hoặc
nét đặc thù của nó).
Ví dụ: Suy bụng ta ra bụng người
 “bụng” trong trường hợp này mang nét nghĩa là chỉ ý nghĩ, tình cảm
tâm lý, ý chí con người.
d. Nghĩa tự do – nghĩa hạn chế
- Nghĩa tự do: Là nghĩa được bộc lộ trong mọi hoàn cảnh, không lệ thuộc
vào một hoàn cảnh bắt buộc nào.
Ví dụ: Sắt – Kim loại có tính chất rắn, cứng, màu sáng, nóng chảy ở
nhiệt độ trên 1500 độ C.
 Nghĩa này là nghĩa tự do vì nó được bộc lộ trong mọi hoàn cảnh:
giường sắt,mua sắt, có công mài sắt có ngày nên kim...
- Nghĩa hạn chế: Là nghĩa chỉ được bộc lộ trong một vài hoàn cảnh bắt
buộc
Ví dụ: Kỉ luật sắt

62
 “sắt” có nghĩa là nghiêm ngặt, cứng rắn và buộc phải làm theo trong
hoàn cảnh hạn chế.
 Đỗ Hữu Châu phân loại như sau:
a. Theo lịch sử biến đổi nghĩa ta có: Nghĩa gốc và nghĩa nhánh
- Nghĩa gốc (nghĩa từ nguyên): Là nghĩa có trước
- Nghĩa nhánh : xuất hiện từ nghĩa gốc theo kiểu móc xích.
b. Theo khả năng sử dụng, ta có: nghĩa cổ và nghĩa thường dùng
- Nghĩa cổ: Là nghĩa được loại hẳn trong giao tiếp hàng ngày hiện nay.
- Nghĩa thường dùng: Là nghĩa hiện dùng
c. Theo khu vực địa lí ta có: nghĩa toàn dân và nghĩa địa phương
d. Theo lĩnh vực xã hội ta có: nghĩa thuật ngữ, nghĩa nghề nghiệp
e. Dựa vào nghĩa biểu vật và nghĩa biểu niệm để phân biệt nghĩa chính và
nghĩa phụ
- Nghĩa chính: Là nghĩa biểu vật mà mọi người trong cùng một cộng
đồng ngôn ngữ thường hiểu đối với một từ nào đó khi nó đứng một mình và ít
lệ thuộc vào những từ đứng trước và sau nó.
- Nghĩa phụ: Thường bắt nguồn từ nghĩa chính, nó có cơ sở từ nghĩa
chính.
Ví dụ:
Xuân - Mùa đầu tiên trong năm (nghĩa chính)
- Chế độ mới xã hội chủ nghĩa (nghĩa phụ)
 Mỗi cách phân loại trên đều có cơ sở lí luận hợp lí. Tuy nhiên, để phù
hợp với việc khai thác từ ngữ trong giảng dạy tác phẩm văn chương trong nhà
trường, chúng ta nên dựa vào cách phân loại thứ nhất.

Câu hỏi và bài tập:


1. Xác định nghĩa của từ “nhà” trong các trường hợp sau:
- Nhà tranh vách đất
- Nhà giàu

63
- Nhà Đường
2. Xác định nghĩa của từ “mặt” trong từng câu kiều sau:
- Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
(Câu 164)
- Sương in mặt, tuyết pha thân
Sen vàng lãng đãng như gần như xa.
(Câu 189)
- Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng gia nghi.
(Câu 2223)
- Buồn trông nội cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
(Câu 2052)

2.3.2. Sự chuyển biến ý nghĩa của từ


Hiện tượng nhiều nghĩa là kết quả của sự chuyển biến ý nghĩa của từ.
2.3.2.1. Sự chuyển biến ý nghĩa của từ
a. Trong sự chuyển biến ý nghĩa, có khi nghĩa biểu vật đầu tiên không còn
nữa
Ví dụ: Nghĩa “bên phải,bên trái” của từ đăm chiêu, nghĩa “không tiền,
không tài sản” của từ ngặt, nghĩa “ở tình thế nguy hiểm, quẫn bách” của từ
nghèo.
b. Từ nghĩa đầu tiên đến nghĩa mới có thể diễn ra sự biến đổi theo kiểu móc
xích. (Nghĩa đầu tiên chuyển sang S1, từ S1 chuyển sang S2, từ S2 chuyển sang
S3...)
Ví dụ: Từ thẻ - nghĩa đầu tiên là “mảnh tre, mảnh gỗ được khắc chữ”
(khi chưa phát minh ra giấy)

64
- Nghĩa trên chuyển sang nghĩa khác là “đồ vật trong nghề mê tín” (xin
thẻ)
- Đến nay, nó có nghĩa “giấy chứng nhận là một thành viên của tổ chức
“(thẻ Đoàn, thẻ hội viên...)
c. Sự chuyển nghĩa có thể dẫn đến kết quả là ý nghĩa sau khác hẳn ý nghĩa
trước. Thậm chí ngay trong một từ, sự chuyển nghĩa có thể khiến cho nó đồng
nghĩa với từ trái nghĩa trước đây của nó.
Ví dụ: Từ đứng có cấu trúc biểu niệm “hoạt động dời chỗ dừng lại” vốn
trái nghĩa với từ chạy. Nhưng do sự chuyển nghĩa, từ đứng mang nghĩa “điều
khiển máy” trong câu “Chị công nhân đứng 24 máy môt ca”. Ở nghĩa này đứng
lại đồng nghĩa với chạy.
d. Sự chuyển nghĩa còn có thể làm cho ý nghĩa của từ mở rộng hoặc thu hẹp
lại
Ví dụ 1: Từ hồ vốn chỉ “bột quấy đặc để ăn” trong tục ngữ “Có bột mới
gột nên hồ”. Nghĩa này hiện nay rất ít dùng. Nghĩa phổ biến của nó bây giờ
được mở rộng ra là “bột quấy đặc để dán” (hồ dán); “dùng cháo loãng nấu bằng
gạo để làm cứng sợi vải” (hồ vải); “dùng chất có màu để làm tăng độ trắng cho
quần áo” (hồ lơ)  Như vậy là nghĩa của từ hồ được mở rộng.
Ví dụ 2: Từ đài có nghĩa gốc chỉ “những công trình kiến thiết cao hơn
mặt đất”, nhưng trong cách nói “nghe đài”, “đài báo tin thời tiết” thì đã có sự
thu hẹp ý nghĩa. Trong nghĩa thu hẹp này, nét nghĩa “nơi phát tin qua sóng vô
tuyến” là chủ yếu.
e. Sự chuyển biến về nghĩa còn có thể làm thay đổi ý nghĩa biểu thái (nghĩa
“xấu đi” hay “tốt lên”)
Ví dụ: Từ tếch trước kia vốn chỉ có nghĩa “ra đi”, mang sắc thái trung
hòa về tính biểu cảm, tức không xấu cũng không tốt. Nay thì chỉ khi nào muốn
phê phán sự ra đi của ai đó, ta mới nói “Anh ta tếch thẳng”.
2.3.2.2. Phương thức chuyển nghĩa

65
Để xây dựng, phát triển thêm nghĩa của các từ, trong ngôn ngữ có nhiều
cách. Tuy nhiên, có hai phương thức quan trọng nhất thường gặp trong các
ngôn ngữ là: ẩn dụ và hoán dụ.
a. Ẩn dụ
- Ẩn dụ từ vựng là một phương thức chuyển tên gọi dựa trên sự liên
tưởng, so sánh những mặt, những thuộc tính... giống nhau giữa các đối tượng
được gọi tên.
Có thể diễn giải định nghĩa này như sau:
Giả sử ta có từ T với tên gọi cho đối tượng Đ1 (và lẽ đương nhiên, T có
nghĩa S1).
Khi cần gọi tên cho một đối tượng Đ2 nào đó, mà người ta thấy giữa Đ1
và Đ2 có những đường nét, những mặt nào đó giống nhau, người ta có thể dùng
T để gọi tên luôn cho cả Đ2. Lúc này, một nghĩa S2 tương ứng được xác lập
trong T.
Chúng ta nói rằng ở đây đã diễn ra một phép ẩn dụ.

Ví dụ: Từ CÁNH trong tiếng Việt có nhiều nghĩa. Khi định danh cho
cánh chim, cánh chuồn chuồn, cánh bướm,... nó có nghĩa là: Bộ phận dùng để
bay của chim, dơi, côn trùng; có hình tấm, rộng bản, tạo thành đôi đối xứng ở
hai bên thân và có thể khép vào, mở ra.
Trên cơ sở so sánh nhiều sự vật khác có hình dạng tương tự (hoặc người
Việt liên tưởng và cho là chúng tương tự nhau), người ta đã đã chuyển CÁNH
sang gọi tên cho những bộ phận giống hình cánh chim ở một vật: cánh máy
bay, cánh quạt, cánh hoa; cánh chong chóng, cánh cửa, ngôi sao năm cánh; kề
vai sát cánh đấu tranh, cánh tay, cánh buồn; cánh rừng, cánh đồng, cánh
quân,... (những tên gọi về sau này đã khác rất xa so với cánh chim).
 Có 2 hình thức chuyển nghĩa:
- Dùng cái cụ thể để nói cái cụ thể (ẩn dụ cụ thể - cụ thể)

66
Ví dụ: chân bàn, chân núi, chân tường,…; mũi thuyền, mũi đất, mũi dao,
mũi quân…
- Dùng cái cụ thể để gọi tên những cái trừu tượng (ẩn dụ cụ thể - trừu
tượng)
Ví dụ: khối kiến thức, xiềng xích của những lề thói cũ, đập tan luận điệu
xuyên tạc…
 Một số cơ chế của phép ẩn dụ:
- Dựa trên sự giống nhau về hình thức giữa các sự vật  Có các ẩn dụ
hình thức
Ví dụ: cánh máy bay, cánh quạt, cánh buồm, cánh chong chóng...
- Dựa vào sự giống nhau về cách thức thực hiện giữa hai hoạt động, hiện
tượng  Có các ẩn dụ cách thức
Ví dụ: Khi nói “cắt hộ khẩu”, “nắm tư tưởng”, “đừng có vặn nhau nữa”…
là chúng ta chỉ rõ cách thức “chuyển hộ khẩu”, cách thức “nhận thức tư tưởng”,
cách thức “truy hỏi nhau để tìm ra sự thật”… cũng giống như cách thức chúng
ta cắt, nắm, vặn… một sự vật vật lí, cụ thể nào đó.
- Dựa vào sự giống nhau về chức năng giữa các sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: bến trong “bến xe”, “bến tàu điện”… không giống về hình dạng, vị
trí với “bến đò”, “bến sông”. Nó chỉ giống nhau ở chức năng đầu mối giao
thông mà thôi.
- Dựa vào sự giống nhau về tính chất, trạng thái hoặc kết quả giữa các đối
tượng
Ví dụ: nắng ấm  giọng ấm
thuốc đắng  lời cay đắng
b. Hoán dụ
Hoán dụ từ vựng là phương thức chuyển tên gọi dựa trên mối liên hệ
logic giữa các đối tượng được gọi tên.
Định nghĩa này có thể được thuyết minh lại như sau: Giả sử ta có từ T là
tên gọi của đối tượng Đ1 và từ này có nghĩa S1. Khi cần gọi tên cho một đối

67
tượng Đ2 mà giữa Đ2 và Đ1 có mối liên hệ logic nào đó (như liên hệ giữa bộ
phận với toàn thể, giữa nguyên liệu với sản phẩm tạo thành chẳng hạn) thì
người ta có thể dùng T để gọi tên luôn cho cả Đ2. Lúc này từ T được xây dựng
thêm, được cấp thêm một nghĩa S2. Người ta bảo như thế là đã có một phép
chuyển nghĩa hoán dụ.
Ví dụ: Khéo vá vai (áo) tài vá nách (áo)
Ở đây, tiếng Việt đã lấy bộ phận thân thể để gọi tên bộ phận trang phục
có vị trí tương ứng
 Các dạng chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ:
- Hoán dụ dựa trên mối quan hệ bộ phận – toàn thể. Dạng chuyển nghĩa
này có các cơ chế chuyển nghĩa cụ thể sau:
+ Lấy tên gọi của một bộ phận cơ thể gọi tên cho người hay cho cả toàn
thể.
Ví dụ: chân, tay, miệng là tên gọi các bộ phận cơ thể. Tuy nhiên, trong
các ví dụ: “có chân trong đội bóng đá”, “một tay cờ xuất sắc”, gia đình bảy tám
miệng ăn”… thì chúng chỉ cả cơ thể trọn vẹn.
+ Lấy tên gọi của tiếng kêu, đặc điểm hình dáng của đối tượng gọi tên
cho đối tượng.
Ví dụ: con tu hú, con tắc kè, con mèo, con quạ...
+ Lấy tên gọi của đơn vị thời gian nhỏ gọi tên cho đơn vị thời gian lớn.
Ví dụ: xuân, thu, đông... có thể dùng để chỉ “năm”.
+ Lấy tên gọi của toàn bộ gọi tên cho bộ phận.
Ví dụ: “một ngày công”, “một đêm văn nghệ”, “tháng liên hoan phim”...
Ngày, đêm, tháng là những từ chỉ cả đơn vị thời gian lớn: 12 giờ hoặc 30 (31)
ngày. Thế nhưng, trong những cách nói trên, “ngày” chỉ là 8 (7) giờ, “đêm” chỉ
là 3 (4) giờ, “tháng” có thể chỉ vài mươi ngày.
- Hoán dụ dựa trên mối quan hệ vật chứa – vật bị chứa.
Ví dụ: Nhà – công trình kiến trúc để ở

68
Một nhà sum họp trúc mai – nhà là những người trong gia đình (tức
những người được chứa trong cái nhà).
- Hoán dụ dựa trên quan hệ giữa nguyên liệu và sản phẩm được chế tạo ra
từ nguyên liệu
Ví dụ: áo len, nhẫn vàng, chậu nhựa…
- Hoán dụ dựa trên quan hệ giữa đồ dùng, dụng cụ với người sử dụng
Ví dụ: cây viôlông, cây sáo…. chỉ “nhạc công”.
cây bút trẻ  chỉ “nhà văn”
- Hoán dụ dựa trên quan hệ giữa vật chứa với lượng vật chứa được chứa
đựng
Đây là những hoán dụ rất phổ biến. Hầu hết tất cả các sự vật trong tiếng
Việt (chủ yếu là các đồ vật) có thể chứa đựng một cái gì đó đều có thể được
dùng để chỉ đơn vị đo lường. Ví dụ: mấy thùng gạo, ba bồ sách, một giường
quần áo,…
- Hoán dụ dựa trên quan hệ giữa tư thế cụ thể và cơ quan mang đặc trưng
của tư thế
Ở đây, tên gọi các tư thế quan sát được dùng để chỉ các hành vi hoặc tình
trạng sinh lí, tâm lí đi kèm với chúng. Ví dụ:
+ tắt thở, nhắm mắt, xuôi tay… chỉ cái chết.
+ khoanh tay chỉ sự bất lực
+ cúi đầu chỉ sự cam chịu
+ quỳ gối chỉ sự khuất phục nhục nhã
- Hoán dụ dựa vào quan hệ giữa hoạt động và công cụ
Ở trường hợp này, tên gọi của hoạt động được dùng để gọi tên công cụ.
Ví dụ: cuốc và cái cuốc, đục và cái đục, giũa và cái giũa…
 Tóm lại, mỗi sự vật, hiện tượng có quan hệ với nhiều sự vật, hiện
tượng khác chung quanh, do đó có thể có rất nhiều dạng hoán dụ. Vấn đề quan
trọng cần chú ý là cần phải biết lựa chọn quan hệ nào là cơ bản để chuyển đổi
tên gọi.

69
 Lưu ý:
Phân biệt ẩn dụ và hoán dụ từ vựng với ẩn dụ và hoán dụ tu từ.
- Ẩn dụ và hoán dụ từ vựng là những ẩn dụ, hoán dụ đã được ghi trong từ
điển, được mọi người thừa nhận và sử dụng. Tách khỏi ngôn cảnh người ta vẫn
thừa nhận và hiểu nó.
Ví dụ: mắt kính (ẩn dụ từ vựng)
chân ghế (hoán dụ từ vựng)
- Ẩn dụ và hoán dụ tu từ là những ẩn dụ, hoán dụ có tính chất lâm thời,
chỉ được hiểu và thừa nhận trong văn cảnh và không được ghi vào từ điển
Ví dụ:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
(Viễn Phương)
 Ở ví dụ trên, mặt trời 1 có nghĩa là: thiên thể nóng sáng, là nguồn
chiếu sáng và sưởi ấm chủ yếu cho trái đất. Còn mặt trời 2 là hình ảnh ẩn dụ chỉ
Bác Hồ. Nghĩa thứ 2 chỉ xuất hiện trong văn cảnh cụ thể nên nó là ẩn dụ tu từ.

Câu hỏi và bài tập:


1. Nêu cơ sở của các ẩn dụ sau:
- mặt hồ, cánh đồng, bàn tay
- ruột bút, lòng sông, miệng giếng
 Cơ sở của ẩn dụ là dựa trên sự giống nhau giữa các sự vật.
2. Nêu cơ sở của các hoán dụ sau:
- Trước sân có mấy gốc cau
- Làng có mươi nóc nhà.
- Anh ấy là một tay cờ xuất sắc.
 Cơ sở của hoán dụ là dựa vào mối quan hệ giữa bộ phận và toàn thể.
3. Xác định nghĩa của từ “mặt trời” trong các ví dụ sau:
- Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

70
Mặt trời chân lí chói qua tim
(Tố Hữu)
 Mặt trời: lí tưởng cách mạng (ẩn dụ tu từ)
- Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.
(Nguyễn Khoa Điềm)
 Mặt trời 1: thiên thể nóng sáng, ở xa trái đất, là nguồn chiếu sáng và sưởi
ấm chủ yếu cho trái đất.
Mặt trời 2: niềm tin yêu, hi vọng của người mẹ (ẩn dụ tu từ)

71
Chương 3: HỆ THỐNG TỪ VỤNG CÓ QUAN HỆ VỂ
NGHĨA

- Tổng số tiết: 40 LT: 10 BT: 10 TH: 20


- Mục tiêu của chương:
+ Nắm vững khái niệm trường nghĩa và xác lập được các trường nghĩa.
+ Nắm vững bản chất các hiện tượng đồng nghĩa, trái nghĩa, đồng âm.
- Nội dung phần giảng dạy trên lớp:
3.1. Các trường nghĩa
3.2. Hiện tượng đồng nghĩa
3.3. Hiện tượng trái nghĩa
3.4. Hiện tượng đồng âm
- Nội dung sinh viên tự nghiên cứu:
Sinh viên cần ôn lại kiến thức phần Đại cương Từ vựng. Cụ thể:
+ Sơ lược về trường nghĩa
+ Từ đồng nghĩa
+ Từ trái nghĩa
+ Từ đồng âm

3.1. Các trường nghĩa


3.1.1. Trường nghĩa là gì ?
a. Xét các ví dụ sau:
1. sách, vở, bút, thước, tẩy....
2. cày, bừa, cuốc, cào, máy gặt...
Nhận xét:
+ Các từ ở ví dụ (1) chung nhau nét nghĩa đồ dùng học tập
+ Các từ ở ví dụ (2) chung nhau nét nghĩa công cụ sản xuất.
Với nét nghĩa dụng cụ ta tập hợp được các từ ở 2 nhóm (1) và (2) vào
thành một nhóm.

72
Mỗi một tiểu hệ thống ngữ nghĩa như trên được gọi là một trường nghĩa.
b. Khái niệm
Trường nghĩa là một tập hợp các từ căn cứ vào một nét đồng nhất nào đó
về ngữ nghĩa. Mỗi trường nghĩa là một tiểu hệ thống nằm trong hệ thống lớn là
từ vựng của một ngôn ngữ. Quan hệ ngữ nghĩa trong từ vựng chính là quan hệ
ngữ nghĩa giữa các trường nghĩa và quan hệ ngữ nghĩa trong lòng mỗi trường.
Ví dụ: Trường nghĩa về người nói chung chính là quan hệ ngữ nghĩa giữa các
trường:
+ Tuổi tác: trẻ em, thiếu niên, thanh niên, cụ già...
+ Giới tính: nam, nữ, đàn ông, đàn bà,...
+ Nghề nghiệp: học sinh, sinh viên, giáo viên, bác sĩ, kĩ sư,...
+ Chức vụ: giám đốc, hiệu trưởng, tổ trưởng, chủ tịch...
...
3.1.2. Các loại trường nghĩa
Dựa vào hai quan hệ cơ bản trong ngôn ngữ mà F.de Sausure đã chỉ ra là:
quan hệ hình tuyến (quan hệ ngang) và quan hệ trực tuyến (quan hệ dọc) người
ta chia trường nghĩa thành hai loại: trường nghĩa ngang (trường nghĩa tuyến
tính) và trường nghĩa dọc (trường nghĩa trực tuyến). Trong trường nghĩa dọc có
hai trường nghĩa nhỏ là trường nghĩa biểu vật và trường nghĩa biểu niệm. Phối
hợp trường nghĩa ngang và trường nghĩa dọc ta có trường nghĩa liên tưởng.
3.1.2.1. Trường nghĩa biểu vật
- Trường biểu vật là tập hợp những từ cùng biểu thị một phạm vi sự vật,
hiện tượng trong thực tế khách quan. Cơ sở để xác lập trường nghĩa biểu vật là
sự đồng nhất nào đó trong ý nghĩa biểu vật của các từ.
Ví dụ 1: Trường biểu vật về động vật
+ Tên các loài: gà, lợn , chó, mèo, trâu bò...
+ Giống: đực, cái, trống, mái...
+ Bộ phận cơ thể: đầu, mỏ, chân, đuôi, mõm...
+ Hoạt động dời chỗ: chạy, phi, lao, trườn, bò...

73
+ Hoạt động của các giác quan: ngửi, nhìn, liếm...
+ Hoạt động tác động lên vật khác: cấu, xé, vồ, gặm, nhấm ...
Ví dụ 2: Trường biểu vật về người gồm:
+ Người nói chung:
Giới tính: đàn ông, đàn bà, nam, nữ, trai, gái,...
Tuổi: trẻ em, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, cụ già...
Nghề nghiệp: học sinh, sinh viên, bác sĩ, kĩ sư...
Chức vụ: giám đốc, hiệu trưởng, chủ tịch...
+ Bộ phận cơ thể: đầu, tay, chân, cổ, mắt, mũi...
+ Hoạt động chức năng, gồm:
Hoạt động trí tuệ: suy nghĩ, phán đoán, suy luận, liên tưởng...
Hoạt động của các giác quan để cảm giác: nhìn, nghe, sờ, nếm...
Hoạt động tác động đến đối tượng khác: ôm, đấm, tát...
Hoạt động rời chỗ: đi, chạy...
+ Xét về tính chất, gồm:
Tính chất ngoại hình: cao, lùn, thấp, béo, gầy,...
Tính chất tâm lý: hiền, đanh đá, ích kỷ, ác,...
Tính chất về trí tuệ: ngu, đần, thông minh, hoạt bát,...
Tính chất xã hội: lương thiện, bất lương,...
+ Xét về trạng thái, gồm:
Trạng thái sinh lý: đói, no, yếu, khỏe,...
Trạng thái trí tuệ: tỉnh táo, minh mẫn, ...
Trạng thái nội tâm: vui, buồn, giận, ...
Ví dụ 3: Trường biểu vật về tay
+ Bộ phận của tay: cánh tay, bàn tay, cổ lay, ngón tay, khuỷu tay, đốt,
móng, lòng bàn tay, mu bàn tay, bắp tay, kẽ tay, ngón cái, ngón trỏ, ngón
giữa, ngón đeo nhẫn, ngón út, gang tay, hoa tay...
+ Đặc điểm ngoại hình của tay: búp măng, dùi đục, ngắn, dài, mỏng, dày,
thô, thon, cứng, mềm...

74
+ Hoạt động của tay: ấn, ẩn, ẩy, bám, bấu, bạt, bắt, bẻ, bẹo, bóc, bê,
bưng, bốc, bới, bớp, bợp, cài, cạo, cấu, cấy, chải, chặt, chẻ, chép, chĩa, cời,
cởi, cù, củng, cuốc, dắt, day, đánh, đào, đặt, đẽo, đơm, đưa, gạch, gảy, gắp,
ghi, ghì, ghìm, giằng, giật, giữ, gói, hái, hơ, huých, kẻ, kéo, khênh, khêu,
khoác, khoát, khuỳnh, kì, kí, lau, lần, lôi, lột, lượm, nắm, nặn, nắn, ném, ôm,
phanh, phát, phẩy, phủi, quăng, quẹt, quật, quơ, quờ, sàng, sảy, sờ, với, vục,
vung, xách, xoắn, xiết, xoa, xua...
 Lưu ý: so sánh các trường lớn với nhau (như trường biểu vật về người so
với trường biểu vật về động vật) cũng như so sánh các trường nhỏ trong mỗi
trường lớn (như trường biểu vật vể tay so với trường biểu vật về chân) ta thấy
chung rất khác nhau về số lượng từ và về tổ chức. Có trường có số lượng từ
lớn, có tổ chức phức tạp (như trường người), có trường có số lượng từ nhỏ và
tổ chức không phức tạp.
- Khi phân lập các trường, ta chú ý đến nghĩa biểu vật chứ không chú ý
đến từ. Nghĩa là phân lập trường không phải là phân loại từ. Không phải một
từ ở trường này thì không thể ở trường kia được nữa. Vì từ có tính nhiều nghĩa
biểu vật nên có thể nằm trong nhiều trường biểu vật khác nhau. Nếu nghĩa
chính của từ nằm trong trường nghĩa nào thì trường đó là trường biểu vật chính
của nó.
Ví dụ:
Từ mũi có các nghĩa biểu vật:
+ Bộ phận cơ quan hô hấp của người, động vật (nghĩa biểu vật chính)
+ Bộ phận nhọn của vũ khí (mũi dao, mũi súng)
+ Bộ phận đất nhô ra ngoài biển (mũi đất)
+ Đơn vị quân (mũi quân)
 Từ mũi có trường biểu vật chính là trường người, động vật.
- Có những từ chỉ nằm trong một trường, đó là những từ điển hình của
trường. Chúng quy định những đặc trưng ngữ nghĩa của trường.
Ví dụ:

75
+ Những từ chỉ tính chất ngoại hình của người: lùn, gù
+ Những từ chỉ hoạt động của mắt người: quắc, nheo
- Các trường biểu vật có thể “giao thoa” với nhau khi một số từ của
trường này cũng nằm trong trường kia. Có đặc điểm này là do các từ có thể
nằm trong nhiều trường khác nhau. Căn cứ vào số lượng từ có thể nằm trong
cả hai trường, ta xác định tính độc lập tương đối giữa hai trường.
Ví dụ:
+ Phần giao nhau giữa trường người và trường động vật là những từ chỉ
bộ phận cơ thể: đầu, mắt, chân, mũi, răng...
+ Hai trường người và thực vật đối lập với nhau cao hơn là hai trường
người và động vật.
3.1.1.2. Trường nghĩa biểu niệm
Tập hợp những từ có chung một cấu trúc biểu niệm thì ta được trường
nghĩa biểu niệm. Nói cách khác, trường nghĩa biểu niệm là tập hợp các từ có
cấu trúc biểu niệm giống nhau. Cơ sở để xác lập trường nghĩa biểu niệm là sự
đồng nhất về ý nghĩa biểu niệm của từ.
Ví dụ 1:
Dựa vào cấu trúc biểu niệm:
+ (dụng cụ lao động) (cầm tay) ta xác định được trường biểu niệm gồm có
các từ sau: dao, kéo, liềm, hái,...
+ (dụng cụ lao động) (cầm tay) (dùng để soi, đục): đục, khoan, dùi,
chàng, đục, ...
Ví dụ 2:
Trường biểu niệm (vật thể nhân tạo) (phục vụ cho sinh hoạt):
+ Đồ dùng để ngồi, nằm: ghế, giường, phản, đi – văng, chõng,...
+ Đồ dùng để đặt: bàn, giá, ...
+ Đồ dùng để chứa đựng: tủ, rương, hòm, vali, chạn, thúng, nong, nia,
chai, lọ, chum, vại, bình, hũ, ...
+ Đồ dùng để mặc, che thân: áo, quần, khăn, khố, váy, tất, giày, dép, ...

76
+ Đồ dùng để che phủ: màn, mùng, khăn, chăn, chiếu, ...
+ Đồ dùng để trang điểm: gương, lược, ...
Ví dụ 3:
Trường biểu niệm (hoạt động tác động tới X), (làm cho X có tình trạng
Y):
+ X động hay tĩnh tại chỗ: rung, lay, lắc, lung lay, ...
+ X dời chỗ hoặc dừng lại: đẩy, xô, ném, hãm phanh, thẳng, dừng, ...
+ X là trạng thái tâm lí: thức, đánh thức, thức tỉnh, khêu gợi, ...
+ X bị chia cắt hoặc liền lại: phân, chia, phân tách, phân tán, thái, cắt,
chặt, bè, cưa, nối, hàn, vá, dán, dính, ghép, ...
+ X bị chết, mất đi: giết, ám sát, sát hại, diệt, xử tử, hành hình, đầu độc,
ám hại, cất, giấu, thu, ...
Ví dụ 4:
Trường biểu niệm (có tính chất tốt hay xấu) (có thể gây tác động tích cực
hay tiêu cực cho đối tượng khác): hiền lành, tốt bụng, mát, bổ, nguy hiểm, dữ,
hung dữ, tàn bạo, hung tàn, ...
Ví dụ 5:
Trường biểu niệm (có tính chất tốt hay xấu) (xét về mặt đạo đức hay pháp
lí): vị tha, nhân ái, nhân hậu, trung hậu, trung thực, thẳng thắn, lương thiện,
ích kỉ, bất lương, du côn, tư lợi, ...
 Lưu ý:
Các cấu trúc biểu niệm dùng làm căn cứ phân lập các trường biểu niệm
chỉ mới chứa những nét nghĩa lớn và chưa đầy đủ. Mỗi cấu trúc như thế đều có
một khoảng trống và mỗi nét nghĩa lớn trong đó đều có những biến số. Sự bổ
sung những khoảng trống và cụ thể hóa dần các biến số sẽ là cơ sở để phân
chia một trường biểu niệm lớn thành những trường biểu niệm nhỏ.
Sự phân lập từ vựng thành hai trường biểu vật và biểu niệm dựa trên sự
phân biệt hai thành phần nghĩa trong từ. Tuy nhiên, hai loại trường nghĩa này
có liên hệ với nhau. Nếu lấy những nét nghĩa biểu vật trong cấu trúc biểu niệm

77
làm tiêu chí lớn để tập hợp thì ta có các trường biểu vật. Nhưng khi phân
trường biểu vật lớn thành những trường biểu vật nhỏ thì lại phải dựa vào các
nét nghĩa khác trong cấu trúc biểu niệm.
3.1.2.3. Trường nghĩa tuyến tính ( trường nghĩa ngang)
Ví dụ: Cho từ tay, ta thấy:
+ Trước từ tay có thể có các từ: bàn, cánh, ngón, cổ, khuỷu, bắp, móng,
cầm, nắm, bắt, xòe, giơ, vẫy...
+ Sau từ tay có thể có các từ: trái, phải, to, bé, dài, ngắn, búp măng, dùi
đục, đẹp, xấu, ...
 Tập hợp những từ hình thành nhờ sự tập hợp tất cả các từ cùng với từ tay
làm trung tâm theo quan hệ hàng ngang như trên được gọi là trường nghĩa
tuyến tính.
- Trường nghĩa tuyến tính là trường nghĩa được hình thành nhờ sự tập
hợp tất cả các từ cùng với từ trung tâm theo quan hệ hàng ngang trong cụm từ,
trong câu.
- Để xác lập trường nghĩa tuyến tính, ta chọn một từ làm gốc (từ trung
tâm) rồi tìm những từ có thể kết hợp với nó tạo thành chuỗi tuyến tính chấp
nhận được trong ngôn ngữ.
Ví dụ:
+ Trường tuyến tính của từ nắm: tay, bài, tình hình, kiến thức, vấn đề,
chuôi dao, cán cuốc, chặt, chắc, sâu sắc, hời hợt,...
+ Trường tuyến tính của từ tốt: học lực, đạo đức, phẩm chất, chất lượng,
nhất, cực kì, lắm, quá, ...
- Khả năng kết hợp của từ bị chi phối bởi đặc điểm ngữ nghĩa của từ. Vì
vậy các trường nghĩa tuyến tính góp phần làm sáng tỏ những quan hệ và cấu
trúc nghĩa của từ trong từ vựng, làm sáng tỏ những đặc điểm hoạt động của từ.
Cụ thể, phân tích ý nghĩa của các từ trong trường tuyến tính có thể phát hiện
được nội dung ngữ nghĩa của các quan hệ cú pháp và tính chất của các quan hệ
đó.

78
Ví dụ: Các từ chỉ nơi chốn như: trên đường, trong nhà, ngoài sân, dưới
đất... cùng nằm trong trường tuyến tính với các từ:
+ Các từ chỉ hoạt động rời chỗ như: đi, chạy, bơi, bò, bay, lội,...
+ Các từ chỉ tư thế: đứng, ngồi, nằm, ở, ...
 Ta nói, các từ chỉ nơi chốn có quan hệ cú pháp chặt với các từ chỉ hoạt động
rời chỗ hoặc chỉ tư thế.
Ngược lại, từ chỉ nơi chốn không nằm trong cùng một trường tuyến tính
với các từ chỉ hoạt động phá vỡ, tạo tác. Cụ thể: Người Việt Nam không hay
nói: “Tôi cắt nhà”, “Tôi xây trên tường” mà thường nói “Tôi cắt giấy”, “Tôi
xây nhà”.
 Ta nói, từ chỉ nơi chốn có quan hệ cú pháp lỏng với các từ chỉ hoặt động tạo
tác, phá vỡ.
Quan hệ cú pháp chặt hay lỏng của một từ với loại từ nào đó do các nét
nghĩa trong cấu trúc biểu niệm của từ quy định.
3.1.2.4. Trường liên tưởng
- Liên tưởng là quan hệ giữa các từ mà khi xuất hiện từ này làm cho ta
nghĩ đến từ khác. Các từ có quan hệ liên tưởng thường biểu hiện những sự vật,
hiện tượng, tính chất, trạng thái, số lượng.... thuộc cùng một phạm trù, một
phạm vi của thực tế khách quan. Toàn bộ những từ do một từ kích thích gợi ra
theo quy luật liên tưởng tập hợp lại thành trường liên tưởng.
Ví dụ: Từ sự xuất hiện của từ đỉa ta nghĩ ngay tới những từ như: ghê tởm,
sống dai, dai, bùn lầy, ruộng nước, nông thôn...
Mặt trời  nắng, nóng, rực rỡ, chói lọi, sáng, đỏ, ban mai, tròn,...
Quê hương  đẹp, nhớ, kỉ niệm, tuổi thơ, ngọt ngào, tình yêu....
- Các từ trong trường liên tưởng là sự hiện thực hóa, cố định bằng từ các ý
nghĩa liên hội của từ trung tâm. Các từ trong trường liên tưởng bao gồm:
+ Các từ cùng nằm trong trường biểu vật
+ Các từ cùng nằm trong trường biểu niệm
+ Các từ cùng nằm trong trường tuyến tính

79
- Các từ được liên tưởng tới do cùng xuất hiện nhiều lần với từ trung tâm
trong những ngữ cảnh có chủ đề gần giống nhau.
Ví dụ:
Từ từ mận ta có các từ liên tưởng: đào, mơ, xanh, chín, chua,...
Từ từ gà ta có các từ liên tưởng: gà trống, gà mái, gà chọi, gà ri, gà
con,...
- Trường liên tưởng thường không ổn định nên ít có tác dụng phát hiện
những quan hệ cấu trúc về ngữ nghĩa của các từ và từ vựng, song nó lại có tác
dụng giải thích sự dùng từ - nhất là việc dùng từ trong các tác phẩm văn học.
- Trường liên tưởng mang tính dân tộc: do điều kiện về lịch sử xã hội, về
hoàn cảnh sống, tập quán, nếp nghĩ, thói quen... của con người thuộc từng dân
tộc khác nhau nên các từ được gợi ra xoay quanh một từ kích thích nào đó có
thể không hoàn toàn giống nhau.
+ Trường liên tưởng có tính thời đại: Trong cùng một quốc gia nhưng ở
mỗi thời đại, do sự khác nhau về điều kiện lịch sử xã hội cho nên tâm lí, nếp
nghĩ của con người ở mỗi thời đại cũng khác nhau.
+ Trường liên tưởng mang tính cá nhân: Trường liên tưởng mang dấu ấn
cá nhân do hoàn cảnh giai cấp, lứa tuổi, trình độ văn hóa, kinh nghiệm sống
của từng người không giống nhau (Người từng trải có sự hiểu biết sâu rộng thì
có trường liên tưởng phong phú. Ngoài ra, liên tưởng còn gắn với những kỉ
niệm riêng của mỗi người).
- Trường liên tưởng có vai trò lớn trong việc giải thích sự dùng từ, nhất là
sự dùng từ trong các tác phẩm văn học, giải thích các hiện tượng sáo ngữ, sự
né tránh đến kiêng kị những từ nhất định, sự ưa thích lựa chọn những từ nào
đấy để nói hay viết.... Về cơ bản, có thể nói, chỉ riêng diện mạo ngôn ngữ cũng
đủ làm chúng ta không lẫn được một tác phẩm văn học của thời đại này với tác
phẩm văn học của thời đại khác.
3.2. Hiện tượng đồng nghĩa
3.2.1. Ví dụ

80
(1) Mẹ, má, bầm, u, bủ....
(2) Máy bay, tàu bay, phi cơ.....
(3) May, chuột sa chĩnh gạo, mèo mù vớ cá rán....
(4) Ăn, xơi, nhậu, tọng, ngốn....
(50 Mình vê với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ người
Nhớ Ông cụ mắt sáng người
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường.
(Tố Hữu)
(6) Sức loẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy
của người đàn bà lực điền, hắn ngã chổng quèo trên mặt đất....
.... Kết cục, anh chàng “hầu cận ông Lí” yếu hơn chị chàng con mọn, bị
chị này túm tóc lẳng một cái ngã nhào ra thềm. (Ngô Tất Tố)
(7) Sao bây giờ anh mới đến?
Anh đã đến không đúng như lời anh hẹn.
 Nhận xét:
- Các ví dụ (1), (2), (3), (4) là các từ có nghĩa giống nhau. Về mặt cấu tạo
chúng có thể là từ đơn, từ ghép, cụm từ cố định.
- Ở ví dụ (5): Các từ Bác, Người, Ông Cụ trong đoạn thơ đều chỉ một
người: Bác Hồ.
- Ở ví dụ (6): Các cụm từ: người đàn bà lực điền, chị chàng con mọn
đồng nghĩa với tên gọi chị Dậu.
Các từ, các cụm từ đồng nghĩa ở các ví dụ (5), (6) chỉ xuất hiện trong
ngữ cảnh. Hiện tượng này còn được gọi là đồng nghĩa ngữ cảnh hay đồng nghĩa
biểu vật.
- Ở ví dụ (7): Các câu đã cho đều được hiểu với nghĩa giống nhau. Đây
là một hiện tượng đồng nghĩa hành vi nói năng. Các đơn vị đồng nghĩa trong ví
dụ này là câu.
3.2.2. Khái niệm

81
3.2.2.1. Hiện tượng đồng nghĩa
Hiện tượng đồng nghĩa là hiện tượng có nghĩa giống nhau của các đơn
vị ngôn ngữ trong sự tồn tại vốn có của nó hoặc trong ngữ cảnh cụ thể.
3.3.2.2. Từ đồng nghĩa
Một số định nghĩa về từ đồng nghĩa
Trong lịch sử ngôn ngữ học, khái niệm từ đồng nhĩa được xác định một
cách khác nhau:
- Reeffoocmatxki (Matscova 1947 – dẫn theo Nguyễn Văn Tu) định
nghĩa như sau: “Từ đồng nghĩa là những từ phát âm khác nhau mà ý nghĩa
giống nhau hoặc tương tự”.
- Nguyễn Văn Tu định nghĩa: “Những từ đồng nghĩa là những từ có
nghĩa giống nhau. Đó là nhiều từ khác nhau cùng chỉ một sự vật, một đặc tính,
hành động nào đó. Đó là những tên khác nhau của một hiện tượng. Những từ
đồng nghĩa có một chỗ chung là việc định danh”. [13, tr.95]
- Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Từ đồng nghĩa là từ có thể thay thế được cho
nhau trong những ngôn cảnh giống nhau mà ý nghĩa chung của ngôn cảnh
không thay đổi về cơ bản”. [3, tr.193]
- Vũ Đức Nghiệu định nghĩa như sau: “Từ đồng nghĩa là những từ tương
đồng với nhau về nghĩa, khác nhau về âm thanh và có phân biệt với nhau về
một số sắc thái ngữ nghĩa hoặc sắc thái phong cách nào đó hoặc đồng thời cả
hai”. [5, tr.195]
 Nhận xét:
+ Các định nghĩa 1 và định nghĩa 2 bị phê phán bởi chưa quan tâm tới
hiện tượng nhiều nghĩa của từ.
Ví dụ:
lành có thể đồng nghĩa với các từ sau:
lành – hiền, từ tâm...
lành – nguyên vẹn, lành lặn...
lành – khỏi, bình phục...

82
Do không phân biệt nghĩa biểu vật với nghĩa biểu niệm nên các định
nghĩa này không chỉ rõ trong các từ đồng nghĩa thì nghĩa nào giống nhau là cơ
bản (phần lớn các từ đồng nghĩa khác nhau đôi chút về ý nghĩa biểu niệm).
+ Định nghĩa 3 không giải quyết được những rắc rối sau đây: Không phải
tất cả các từ đồng nghĩa đều có thể thay thế cho nhau trong cùng một ngôn
cảnh.
Ví dụ:
Anh ấy chết vì bệnh.
Từ chết lúc này không thay thế bằng các từ đồng nghĩa với nó như bỏ
mạng, hi sinh.
Ngược lại, có những từ thay thế được cho nhau trong một ngôn cảnh mà
ý nghĩa của ngôn cảnh không thay đổi về cơ bản nhưng chúng lại không phải
là những từ đồng nghĩa.
Ví dụ:
Con anh chị có nhà không?
Trong ngôn cảnh này cháu có thể thay thế được cho con nhưng không
thể nói con và cháu là hai từ đồng nghĩa.
+ Định nghĩa 4 có sức thuyết phục hơn cả bởi phân tích nội dung nêu
trọng định nghĩa ta thấy chúng phù hợp với các ví dụ đã phân tích ở phần 1.
3.2.3. Bản chất hiện tượng đồng nghĩa
a. Đồng nghĩa là một hiện tượng, có phạm vi rộng khắp trong toàn bộ từ vựng.
Đó là quan hệ giữa các từ có chung ít nhất một nét nghĩa.
Ví dụ:
- e, sợ, hãi, ngại, khiếp, kinh, hoảng, kinh hoàng, hoảng hốt, kinh hãi,
kinh sợ, sợ hãi, ngại ngùng, e dè, e ngại, ngại ngần, rợ, rờn rợn, khiếp hãi....
- ăn, xơi, mời, hốc, ngốn, tọng, chén, đánh chén...
- nhanh, mau, nhanh chóng, mau chóng, nhanh nhẹn, nhanh nhảu,
nhanh nhanh, mau mau, mau mắn, chóng vánh, chong chóng.
- bé, nhỏ, bé nhỏ, nhỏ bé, bé bỏng, nho nhỏ, nhỏ nhắn,...

83
b. Hiện tượng đồng nghĩa chỉ xuất hiện trong từng trường nghĩa một. Các từ chỉ
đồng nghĩa với nhau khi thuộc cùng một trường nghĩa.
c. Một từ có nhiều nghĩa có thể đồng nghĩa với nhiều nhóm từ khác (thuộc các
trường khác nhau). Nét nghĩa chung giữa các từ đồng nghĩa phải không loại trừ
lẫn nhau.
Ví dụ:
- ăn1 đồng nghĩa với xơi, mời hốc...
- ăn2 đồng nghĩa với hút (ăn thuốc – hút thuốc)
- ăn3 đồng nghĩa với hưởng (ăn lương – hưởng lương)
- ăn4 đồng nghĩa với hợp (ăn ý – hợp ý)
- ăn5 đồng nghĩa với thắng (ăn cuộc – thắng cuộc)
- trông1 đồng nghĩa với nhìn (trông trời – nhìn trời)
- trông2 đồng nghĩa với dựa (trông vào ai – dựa vào ai)
- trông3 đồng nghĩa với chăm sóc (trông trẻ - chăm sóc trẻ)
d. Hiện tượng đồng nghĩa là hiện tượng có nhiều mức độ tùy theo số lượng các
nét nghĩa trong chung trong các từ. Càng đi vào nhóm nhỏ trong một trường thì
mức độ đồng nghĩa giữa các từ ngày càng tăng lên. Mức độ đồng nghĩa thấp
nhất khi các từ chỉ có chung một nét nghĩa. Mức độ đồng nghĩa cao nhất khi
các từ có tất cả các nét nghĩa (hoặc đại bộ phận các nét nghĩa) trùng nhau.
Ví dụ:
- máy bay, tàu bay, phi cơ - mức độ đồng nghĩa cao.
- đẵn, chặt, phát, xẻ, bổ, phạt, thái, băm – mức độ đồng nghĩa thấp
(chúng có nét nghĩa chung là [hoạt động], [chia cắt đối tượng]).
3.2.4. Phân loại từ đồng nghĩa và giá trị của từ đồng nghĩa
3.2.4.1. Phân loại
a. Từ đồng nghĩa tuyệt đối (hoàn toàn)
Ví dụ:
(1) trốn – chuồn – tẩu
(2) phụ nữ – đàn bà

84
(3) nhi đồng – trẻ con
(4) hoài sơn – củ mài
(5) trần bì – vỏ quýt,
(6) lợn – heo
(7) vừng – mè
(8) lạc – đậu phộng
 Nhận xét:
Các từ ở các ví dụ trên giống nhau ở tất cả các nét nghĩa (biểu vật, biểu
niệm, biểu thái) và chỉ khác nhau ở phạm vi sử dụng. Cụ thể:
- Ở ví dụ (1): trốn dùng trong phong cách viết; chuồn, tẩu thường dùng
trong phong cách nói.
- Ở ví dụ (2), (3): phụ nữ, nhi đồng thường được dùng trong phong cách
viết trang trọng, còn đàn bà, trẻ con thường dùng trong phong cách nói bình
thường.
- Ở ví dụ (4), (5): hoài sơn, trần bì được dùng trong phong cách khoa
học còn củ mài, vỏ quýt được dùng trong phong cách nói hàng ngày.
- Ở ví dụ (6), (7), (8): lợn, vừng, lạc được dùng ở miền Bắc còn heo, mè,
đậu phộng được dùng ở miền Nam.
 Những từ đồng nghĩa như trên được gọi là từ đồng nghĩa tuyệt đối.
Từ đồng nghĩa tuyệt đối là những từ đồng nhất về ý nghĩa biểu vật, ý
nghĩa biểu niệm, ý nghĩa biểu thái, chỉ khác nhau ở phạm vi sử dụng.
Loại này không có nhiều trong ngôn ngữ. Các từ đồng nghĩa luôn cạnh
tranh với nhau, thường có một số từ sẽ bị đẩy vào vị trí tiêu cực.
Ví dụ: tàu bay, phi cơ, máy bay
- Thời Pháp thuộc dùng từ tàu bay
- Thời chống Mỹ dùng từ phi cơ
- Ngày nay dùng từ máy bay
b. Từ đồng nghĩa tương đối
Ví dụ:

85
(1) cho, biếu, tặng
(2) chặt, phạt, bổ, xẻ, băm, thái
 Nhận xét:
Ở ví dụ (1), các từ cho, biếu, tặng cùng diễn đạt khái niệm trao quyền sở
hữu cái gì đó cho ai nhưng mỗi từ có sắc thái ý nghĩa riêng: cho dùng trong
quan hệ thân mật, biếu dùng trong quan hệ với người trên, tặng dùng trong
những trường hợp trang trọng.
Ở ví dụ (2), các từ đã cho giống nhau ở chỗ chúng đều có nghĩa chung là
chia cắt đối tượng, nhưng chúng khác nhau cũng ở một vài nét nghĩa cụ thể:
+ băm, thái – chia cắt đối tượng thành những phần nhỏ.
+ chặt, phạt, bổ, xẻ – chia cắt đối tượng thành những phần lớn.
Có thể thấy, những từ trên có một số nét nghĩa trùng nhau nhưng đồng
thời lại có một số nét nghĩa khác. Người ta gọi chúng là từ đồng nghĩa tương
đối.
Từ đồng nghĩa tương đối là những từ có sự khác nhau ít nhiều nhiều
trong thành phần ý nghĩa của chúng. Căn cứ vào sự khác nhau ít nhiều đó có
thể chia thành.
* Từ đồng nghĩa sắc thái: Trong những từ đồng nghĩa này có sự khác nhau về
thái độ, tình cảm của người nói đối với đối tượng được nói đến, khác nhau về
phạm vi lớn nhỏ của sự vật.
Ví dụ: ăn, xơi, đớp, ngốn, tọng...
Lều, nhà, lâu đài...
* Từ đồng nghĩa biểu niệm là những từ đồng nghĩa khác nhau ở một hoặc vài
nét nghĩa nào đó, khác nhau ở phạm vi sử dụng.
Ví dụ:
Mang, cầm, nắm, xách, bê, ôm...
Cho, biếu, tặng,.....
Chạy, phi, lồng, lao.....
Đoàn, đội, lũ, bầy, toán, bọn, bụi, khóm, đảm.....

86
3.2.4.2. Giá trị của từ đồng nghĩa
- Cung cấp cho người sử dụng ngôn ngữ những phương tiện ngôn ngữ để
lựa chọn biểu thị các sự vật, hiện tượng trong những biểu hiện phong phú, sinh
động, đa dạng của nó cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh giao tiếp, nhất là
trong ngôn ngữ văn chương nghệ thuật.
Ví dụ:
Sửa sang buồm gió lèo mây
Khuyển Ưng lại chọn một bầy côn quang.
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
Dễ nhận thấy các từ: bầy, toán, đội, tốp... là các từ đồng nghĩa. Tuy
nhiên, trong ngữ cảnh cụ thể muốn tỏ rõ sự khinh miệt, tác giả đã lựa chọn từ
bầy.
- Sự tồn tại của từ đồng nghãi là biểu hiện của sự giàu đẹp và sự phát
triển, sự phong phú của một ngôn ngữ nào đó. Từ đó có thể rút ra được những
bài học lớn về cách quan sát, thể nghiệm về tự nhiên, xã hội của người sử dụng
ngôn ngữ.
- Từ đồng nghĩa có giá trị tu từ học rất lớn. Vì vậy, trong ngôn ngữ thơ
ca, người ta sử dụng khá nhiều các từ, các cách nói đồng nghĩa. Từ đồng nghĩa
có vai trò rất lớn trong sự phát triển văn hoá của con người. Con người càng
nắm vững và càng có vốn từ đồng nghĩa phong phú thì càng có khả năng diễn
đạt chính xác.
3.3. Hiện tượng trái nghĩa
3.3.1. Ví dụ
(1) cao > < thấp, béo > < gầy, nặng > < nhẹ, tốt > < xấu, thiện > < ác...
(2) hạnh phúc > < bất hạnh, chính nghĩa > < phi nghĩa...
(3) - Đầu voi đuôi chuột
- Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.
- Rằng nay châu chấu đá voi
Mai kia voi sẽ bị lòi ruột ra.

87
(Hồ Chí Minh)
- Thay bao lần lá nguỵ trang
Con đường ra trận lá vàng lại tươi.
(Chế Lan Viên)
 Nhận xét:
- Ví dụ (1) là các cặp từ có nghĩa đối lập nhau.
- Ví dụ (2) là hiện tượng đối lập về nghĩa giữa từ với cụm từ (trong cụm
từ có sử dụng yếu tố có ý nghĩa phủ định).
- Ví dụ (3) các từ voi đối lập về nghĩa với chuột, mực đối lập về nghĩa
với đèn, châu chấu đối lập về nghĩa với voi, vàng đối lập về nghĩa với tươi.
Những sự đối lập về nghĩa của các từ này chỉ xuất hiện trong ngữ cảnh trên.
Đây là các trường hợp trái nghĩa ngữ cảnh (Ở bài này không bàn tới những
trường hợp trái nghĩa vừa nêu).
3.3.2. Khái niệm
3.3.2.1. Hiện tượng trái nghĩa
Hiện tượng trái nghĩa là hiện tượng có nghĩa đối lập nhau của các đơn
vị ngôn ngữ trong sự tồn tại vốn có của nó hoặc trong ngữ cảnh cụ thể.
3.3.2.2.Từ trái nghĩa
Một số định nghĩ về từ trái nghĩa:
- Nguyễn Thiện Giáp quan niệm: “Từ trái nghĩa là những từ khác nhau
về ngữ âm, đối lập về ý nghĩa, biểu hiện khái niệm tương phản về lôgic, nhưng
tương liên lẫn nhau”. [10, tr.205]
- Nguyễn Văn Tu viết: “Những - khái niệm không tương hợp được phản
ánh trong nhóm từ đặc biệt là từ trái nghĩa”. [13, tr.8]
- Hoàng Phê cho rằng: Từ trái nghĩa là những từ “có ý nghĩa trái ngược
nhau”. [14, tr.102]
- Vũ Đức Nghiệu định nghĩa: “Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa đối lập
nhau trong mối quan hệ tương liên. Chúng khác nhau về ngữ âm và phản ánh
những khái niệm tương phản về lôgic”. [5, tr.199]

88
- Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Trái nghĩa trước hết là một dạng quan hệ giữa các
từ trong cùng một trường, cùng tính chất với hiện tượng đồng nghĩa. Trái
nghĩa và đồng nghĩa là những biểu hiện cực đoan của hai quan hệ đồng nhất
và đối lập”. [3, tr.215]
 Nhận xét:
+ Định nghĩa 2, 3 chỉ lấy tiêu chí đối lập về ý nghĩa làm cơ sở để xác
định từ trái nghĩa mà không hoặc ít quan tâm đến các tín hiệu khác.
+ Ý kiến của Đỗ Hữu Châu quan tâm đến hiện tượng trái nghĩa không
chỉ ở từng cặp từ.
+ Nguyễn Thiện Giáp, Vũ Đức Nghiệu ... không chỉ chú ý tới tiêu chí
“sự đối lập về nghĩa” mà còn chú ý đến các mặt khác như ngữ âm, quan hệ
tương liên, quan hệ lôgic. Cách định nghĩa của các tác giả này được nhiều
người chấp nhận bởi nội hàm của nó đầy đủ, hợp lý hơn cả.
3.3.3. Bản chất hiện tượng trái nghĩa
- Trái nghĩa trước hết là một dạng quan hệ giữa các từ trong cùng một
trường. Trái nghĩa xuất hiện khi phân hoá trường lớn thành các trường nhỏ đối
lập với nhau, trái ngược nhau.
Ví dụ:
nặng >< nhẹ ( đối lập trọng lượng)
nông >< sâu (đối lập bề sâu)
rộng >< hẹp (đối lập bề rộng)
mạnh >< yếu (đối lập sức mạnh)
- Hiện tượng trái nghĩa là hiện tượng đồng loạt, không chỉ là hiện tượng
giữa hai từ. Hàng loạt từ ở cực này trái nghĩa với hàng loạt từ ở cực kia.
Ví dụ:
Nhỏ, tí, tí xíu >< lớn, vĩ đại, đồ sộ
Tí hon, nhỏ nhoi >< to tát, lớn lao, khổng lồ
- Hiện tượng trái nghĩa không phải xảy ra đối với toàn bộ ý nghĩa của
một từ mà có tính chất bộ phận. Tức là một ý nghĩa này của từ trái nghĩa với từ

89
này, một ý nghĩa kia của từ trái nghĩa với từ khác. Có hiện tượng này là do một
số từ mang nhiều sắc thái nghĩa khác nhau, tương ứng với một sắc thái ấy có
một ý nghĩa.
Ví dụ:
mở >< đóng (cửa), mở >< khép (cửa), mở >< gấp (vở), mở >< đậy
(nút), mở >< che (màn), mở >< hạ (màn)
chín >< xanh, chín >< non, chín >< sống
lành >< rách, lành >< dữ, lành >< độc
già >< trẻ, già >< non
- Ở các từ trong một nhóm trái nghĩa, nếu có một từ chuyển nghĩa theo
hướng này thì các từ trái nghĩa với nó cũng có khả năng chuyển nghĩa theo
hướng đó.
Ví dụ:
Cao >< thấp, người cao >< người thấp, cây cao >< cây thấp, cao cờ
>< thấp cờ, cao tay >< thấp tay, trình độ cao >< trình độ thấp
đậm >< nhạt, đậm đà >< nhạt nhẽo (câu chuyện)
nặng >< nhẹ, nặng nề >< nhẹ nhàng (công việc)
dễ >< khó, dễ chịu >< khó chịu (cảm giác)
xấu >< đẹp, xấu mặt >< đẹp mặt
mặn >< nhạt, ăn mặn >< ăn nhạt
3.3.4. Các cặp từ trái nghĩa và nội đung quan hệ trái nghĩa
- Hiện tượng trái nghĩa xuất hiện do sự phân hóa một nét nghĩa lớn
thành hai cực đối lập, nhưng không phải bất cứ sự sự phân cực nào của môt nét
nghĩa lớn đều cũng dẫn tới hiện tượng trái nghĩa. Ví dụ như sự phân hóa nét
nghĩa “vật thể” thành “vật thể tự nhiên”, “vật thể nhân tạo”; nét nghĩa “phương
tiện” thành “có phương tiện”, “không có phương tiện”...
- Thống kê các cặp tính từ trái nghĩa có thể khái quát hoá các nhân tố
thường kết hợp với nhau hình thành nên ý nghĩa cụ thể của từng cặp trái nghĩa
là: nhân tố đánh giá (tốt – xấu), nhân tố cường độ (yếu – mạnh) và nhân tố

90
phương hướng (trên – dưới).
Ví dụ:
dài – ngắn, rộng – hẹp, cao – thấp, nặng – nhẹ...
trên – dưới, trước – sau, trong – ngoài, ngang – dọc...
mạnh – yếu, khoẻ – yếu, căng – chùng, chặt – lỏng...
sáng – tối, trắng – đen, đậm – nhạt, dễ – khó...
tiện lợi – bất lợi, thuận lợi – khó khăn...
sạch – bẩn, tốt – xấu, đẹp – xấu...
- Trong các ngôn ngữ, hiện tượng trái nghĩa xảy ra nhiều nhất trong khu
vực các tính từ, tiếp đến là động từ. Các danh từ trái nghĩa ít hơn. Từ các cặp
quan hệ trái nghĩa trong tính từ, có thể xác định và giải thích được hiện tượng
trái nghĩa trong các từ loại khác.
Ví dụ:
+ nâng - hạ là hai động từ trái nghĩa vì chóng đối lộp với nhau theo cặp
trái nghĩa về phương hướng.
+ ngày - đêm là hai danh từ trái nghĩa vì chúng đối lập với nhau thẹo cặp
trái nghĩa về “cường độ” (ánh sáng).
- Những từ biểu thị “cường độ lớn” trong cặp trái nghĩa là tên gọi của
tính chất sự vật xét về mức độ đo đặc điểm (tính chất, độ cao, trọng lượng, độ
dài, diện tích...), cho nên khi cần nói về một vật nào đó, ta chỉ dùng từ biểu thị
cường độ lớn (cao, nặng, dài, rộng...).
3.3.5. Phân loại từ trái nghĩa và tác dụng của từ trái nghĩa
3.3.5.1. Phân loại
Có thể chia trái nghĩa thành các loại sau:
a. Trái nghĩa loại trừ lẫn nhau
Những từ này biểu thị sự vật, hiện tượng, hành động, tính chất không thể
tồn tại cùng một lúc.
Ví dụ: Chính nghĩa – phi nghĩa, sống – chết, tự do – nô lệ, mua – bán,
ngày – đêm...

91
b. Từ trái nghĩa biểu thị trạng thái, tính chất đối lập nhau nhưng có thể có điểm
trung gian ( từ có ý nghĩa trung gian giữa hai từ của cặp trái nghĩa).
Ví dụ:
no – lưng lửng – đói
xanh – ương – chín
trẻ – đứng tuổi – già.
3.3.5.2. Tác dụng của từ trái nghĩa
- Quan hệ trái nghĩa giúp ta hiểu sâu thêm nghĩa của từ, bởi dựa vào
quan hệ trái nghĩa, có thể thấy nghĩa của từ được hiện thực hoá trong sự so
sánh, đối chiếu.
Ví dụ:
nhẹ 1. Trọng lượng nhỏ nặng 1. Trọng lượng lớn
2. Coi thường 2. Coi trọng
cao 1. Độ dài theo phương thẳng thấp 1. Độ dài theo phương thẳng
đứng với một mặt phẳng, tích cực. đứng với một mặt phẳng, tiêu cực.
2. Mức độ trên: cấp cao 2. Mức độ dưới: cấp thấp
đầu 1. Bộ phận trước hết của con đuôi 1. Bộ phận sau cùng của con
vật. vật.
2. Phần trước hết 2. Phần sau rốt

- Từ trái nghĩa có sức biểu cảm lớn. Nó góp phần làm cho sự diễn đạt có
hình ảnh, rõ ràng, đặc biệt giúp cho sự phản ánh toàn diện, nhiều mặt các sự
vật, hiện tượng của đời sống.Vì vậy, trong các tác phẩm văn chương, người ta
sử dụng khá nhiều các cặp từ trái nghĩa.
Ví dụ:
+ Bất kì đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, không chia tôn giáo,
đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân
Pháp, cứu Tổ quốc.
(Hồ Chí Minh)
+ Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê

92
Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao.
(Nguyễn Du)
- Từ trái nghĩa đặc biệt quan trọng trong phép đối chọi (phép đối). Phép
đối thường được sử dụng trong câu đối, thơ Đường, thành ngữ, tục ngữ.
Ví dụ:
+ Khôn ba năm dại một giờ
+ Đầu xuôi đuôi lọt
+ Vào sinh ra tử
+ Trạng dở chứ không phải trạng nguyên
Khách quen chẳng hóa ra khách lạ.
(Câu đối Việt Nam)
Phép đối cũng được biểu hiện cả trong văn xuôi. Để gây ấn tượng mạnh,
hấp dẫn độc giả, nhan đề của các bài thơ, các tiểu phẩm, tiểu thuyết... đặt theo
lối đối chọi.
Ví dụ: Chiến tranh và hòa bình (Tônxtôi), Ngày và đêm (Ximônôp),
Gầy và béo (Sêkhôp)...
- Từ trái nghĩa còn được dùng để cấu tạo các nghịch dụ, tức là sự kết
hợp của các từ biểu thị khái niệm đối lập nhau. Chẳng hạn, tên một tác phẩm
của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Kẻ cướp nói chuyện hòa bình, hoặc như trong câu
ca dao:
Đàn ông nông nổi giếng khơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.
* So sánh bản chất hiện tượng đồng nghĩa vổi hiện tượng trái nghĩa
- Giống nhau:
+ Cùng xảy ra trong một trường nghĩa.
+ Xảy ra ở hàng loạt từ.
+ Không nhất thiết xảy ra đối với toàn bộ ý nghĩa của từ.
- Khác nhau:
+ Đồng nghĩa là biểu hiện cực đoan của quan hệ đồng nhất về ý nghĩa.

93
+ Trái nghĩa là biểu hiện cực đoan của quan hộ đối lập về ý nghĩa.
 Hiện tượng đồng nghĩa và trái nghĩa về bản chất là một.
3.4. Hiện tượng đồng âm
3.4.1. Khái niệm
a. Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Các đơn vị đồng âm là những đơn vị không có
quan hệ đồng nhất và đối lập về ngữ nghĩa nhưng lại giống nhau về hình thức
ngữ âm”. [3, tr.288]
Ví dụ 1:
Là (1): là quần áo
Là (2): từ nối
Là (3): chim là sát mặt ao
Ví dụ 2:
(1) Câu đơn có một cụm C – V trong kết cấu.
(2) Câu cá
(3) Câu là một đơn vị ngôn ngữ
(4) Trăm năm bia đá cũng mòn...
(5) Khách nói với chủ quán: Cho hai bia đá.
 Nhận xét:
+ Câu ở ví dụ (1) là một hình vị. Câu ở ví dụ (2), (3) là một từ. Đối
chiếu (1) và (2) ta thấy có hiện tượng một hình vị đồng âm với một từ; đối
chiếu (2) và (3) ta thấy có hiện tượng hai từ đồng âm với nhau.
+ Bia đá ở (4) là một từ. Bia đá ở (5) là một cụm từ. Đối chiếu (4) và (5)
ta thấy có hiện tượng một từ đồng âm với một cụm từ.
Theo Đỗ Hữu Châu, nếu như đã chấp nhận sự phân biệt các cấp độ khác
nhau trong ngôn ngữ thì chỉ nên xem là đồng âm thực sự khi các đơn vị trong
cùng một cấp độ đồng âm với nhau (hình vị đồng âm với hình vị, từ đồng âm
với từ, cụm từ đồng âm với cụm từ). Ở đây, loại trừ hiện tượng đồng âm xuất
hiện trong lời nói (chỉ bàn tới hiện tượng đồng âm trong ngôn ngữ).
b. Vũ Đức Nghiệu cho rằng: “Từ đồng âm là những từ trùng nhau về hình

94
thức ngữ âm nhưng khác nhau về ý nghĩa”. [5, tr.188]
Ví dụ:
ba1: cha, bố
ba2: số từ giữa 2 và 4
ba3: sóng nhỏ (ba đào, phong ba)
ba4 : chỉ có nghĩa kết cấu (ba ba, ba hoa, ba láp, ba vạ)
3.4.2. Nhận xét về hiện tượng đồng âm
a. Hiện tượng đồng âm trong tiếng Việt xuất hiện khá nhiều trong khu vực
những từ một âm tiết. Nói cách khác, hiện tượng đồng âm nói chung và từ
đồng âm nói riêng thường xảy ra ở những đơn vị có kích thước vật chất không
lớn, tức là có thành phần ngữ âm không phức tạp.
Những trường hợp đồng âm giữa các từ đa tiết kiểu như sau cực kỳ hiếm
thấy:
+ nữ công - nữ công nhân viên chức
nữ công - những công việc của phụ nữ
+ đường kính – chất có tinh thể trắng, có vị ngọt để ăn
+ đường kính – dây cung lớn nhất của vòng
+ bàn tính – bàn bạc, tính toán
bàn tính – dụng cụ để tính toán
+ băng hà – chết
Băng hà – nước đóng băng chảy từ núi cao xuống như dòng sông
+ thức giả – người có học thức cao
thức giả – vờ thức
+ lâm thâm – rừng sâu
lâm thâm – từ láy âm
b. Vì tiếng Việt không biến hình nên những từ nào đã đồng âm với nhau thì
luôn luôn đồng âm với nhau trong mọi hoàn cảnh sử dụng.
c. Đại bộ phận các từ đồng âm không được giải thích về nguồn gốc (chủ yếu là
các từ bản ngữ). Có một bộ phận nhỏ các từ đổng âm có thể phát hiện ra con

95
đường hình thành nên chúng. Cụ thể:
+ Do vay mượn từ của các ngôn ngữ khác.
Ví dụ: Tiếng Việt có từ đầm1 – “hồ nước nhỏ” và đầm2 do mượn từ
dame của tiếng Pháp; sút1 – “sa sút” và sút2 do mượn từ tiếng Anh schoot; cổ1
– “bộ phận cơ thể” và cổ2 – “cũ” là mượn từ tiếng Hán.
+ Do sự biến đổi ngữ âm, kết quả của sự chuyển di từ loại, kết quả của một
quá trình biến đổi ngữ âm lịch sử nào đó, cách phát âm địa phương cũng dẫn
đến trường hợp đồng âm.
Ví dụ:
len (chen lấn) – len (áo len)
đui (đui mù) – đui (đui đèn)
cày (cái cày) – cày (dang cày ruộng)
với (từ nối): Anh với tôi đôi người xa lạ. (Chính Hữu)
với (động từ): Giơ tay với thử trời cao thấp. (Hồ Xuân Hương)
Phương ngữ Bắc bộ phất âm như nhau trong các trường hợp sau:
tre (cây tre) – che nắng
ra (ra sân) – da (cặp da)
d. Phân biệt từ đa nghĩa với từ đồng âm.
- Nếu hai từ khác nhau về nguồn gốc, trùng nhau về ngữ âm thì đó là
hai từ đồng âm.
Ví dụ:
gạo1 – loại ngũ cốc cần thiết cho con người (danh từ)
gạo2 – chăm chỉ thuộc lòng (tính từ)
- Nếu có một nghĩa nào đó của từ đa nghĩa đã tách xa, đứt đoạn mối
liên hệ với toàn bộ cơ cấu nghĩa chung thì nó hình thành nên một từ đồng âm
với từ ban đầu.
Ví dụ:
cây1 (cây tre)
cây2 (cây át cơ)

96
cây3 (cây vàng)
Giữa cây1 và cây3 đã hoàn toàn đứt đoạn mối liên hệ về nghĩa nên cần
được coi là hai từ đồng âm.
Đối với hiện tượng chuyển loại, cần có những biện luận cụ thể vì mối
liên hệ về nghĩa của mỗi từ trong các từ loại khác nhau vẫn còn rõ rệt.
Khi được dùng trong hai tư cách từ loại khác nhau với hai nghĩa riêng,
trong đó nếu nghĩa mới phái sinh do chuyển từ loại đã có khả năng độc lập làm
cơ sở tạo nên nghĩa phát sinh khác thì lúc này nên tách ra thành hai từ đồng âm.
Nếu không thoả mãn điều kiện đó thì cần xử lý nó với tư cách là từ đa nghĩa.
3.4.3. Các loại từ đồng âm và giá trị của nó
3.4.3.1. Các loại từ đồng âm
a. Từ đồng âm ngẫu nhiên
Nghĩa là hai hay nhiều từ có hình thức ngữ âm ngẫu nhiên giống nhau,
giữa chúng không hề có mối quan hệ nào. Chúng vốn là những từ hoàn toàn
khác nhau.
Ví dụ:
bay1 (chim bay) – động từ
bay2 (cái bay) – danh từ
đường1 (đường di) – danh từ chỉ sự vật
đường2 (đường ăn) – danh từ chỉ chất liệu
Những từ đồng âm ngẫu nhiên chiếm đa số trong tổng số các từ đồng âm
trong tiếng Việt. Nó được coi là loại từ dồng âm điển hình.
b. Từ đồng âm ít nhiều có căn cứ, có cơ sở
- Những từ đồng âm loại này được hình thành do tách rời nghĩa của một
từ nhiều nghĩa mà nghĩa được tách không còn liên hệ gì với các nghĩa khác.
Ví dụ:
ăn1 – hoạt động dưa thức ăn vào miệng nhai rồi nuối (ăn cơm)
ăn2 – trùng khít (mộng ăn, phanh ăn)
đài1 – chỗ đất đắp cao để làm lễ (vũ đài, khán đài).

97
đài2 – cơ sở phát thanh (đài phát thanh)
- Bên cạnh đó là trường hợp “đồng âm khác loại” nghĩa là một từ
thuộc nhiều từ loại khác nhau.
muối (danh từ) – 1kg muối
muối (động từ) – muối dưa
3.4.3.2. Giá trị của từ đồng âm
Từ đồng âm trong tiếng Việt có giá trị tu từ học rất lớn. Nó là cơ sở
cho nghệ thuật chơi chữ. Cụ thể:
- Tạo ra những câu có nhiều từ đồng âm cùng xuất hiện, gây nên sự
tương phản giữa âm và nghĩa, thậm chí có thể dẫn tới hiện tượng lẫn lộn,
hiểu lầm.
Ví dụ:
+ Tôi tôi vôi.
Trong câu này, tôi1 là đại từ, tôi2 là động từ.
+ Tập thể dục tập thể dục tập thể.
Trong câu này đã sử dụng 3 cặp đồng âm: tập1 – nhóm, tập2 – thực
hành điều đã học cho quen; thể1 – hình thức, thể2 – thân thể; dục1 – thúc đẩy,
dục2 – dưỡng
- Tạo ra những ngữ cảnh trong đó mỗi một từ có thể hiểu nước đôi.
Ví dụ:
“Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng.”
Khi đọc câu ca dao trên, chúng ta hiểu lợi ở đây là điều có ích, trái với
hại. Nếu đọc tiếp:
“Thầy bói gieo que nói rằng
Lợi thì có lợi...”
Chúng ta vẫn hiểu như vậy. Nhưng khi đọc hết cả câu: “Lợi thì có lợi
nhưng răng chẳng còn”, chúng ta mới biết mình đã lầm. Rõ ràng, nhờ sự đan
nhau của hai ngữ cảnh có tác dụng xác nhận các ý nghĩa khác nhau của từ

98
lợi (ngữ cảnh “Thầy bói gieo quẻ nói rằng/ Lợi thì có lợi” xác nhận nghĩa
“có ích” của lợi; ngữ cảnh “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn” xác nhận
nghĩa “bộ phận cắm răng”) mà lợi trong “lợi thì có lợi” đã được hiểu nước
đôi.

Câu hỏi và bài tập:


1. Trường nghĩa là gì? Các loại trường nghĩa?
2. Bản chất hiện tượng đồng nghĩa.
3. Bản chất hiện tượng trái nghĩa.
4. Thế nào là hiện tượng đồng âm?
5. Xác lập trường biểu vật về từng chủ đề sau: nhà trường, gia đình, quê
hương, thành phố, nông thôn, rừng, biển.
6. Các từ trong từng nhóm sau đây có những nét nghĩa chung nào? Nhận xét
về mức độ đồng nghĩa của các từ trong từng nhóm.
- Dẫn đầu, cầm đầu, đứng đầu...
- Đoàn kết, liên kết, cấu kết...
- Chắp, nối, can, hàn, vá...
- Rét, giá, lạnh, cóng...
7. Chỉ ra những nét nghĩa chung và riêng của những từ ngữ đồng nghĩa, gần
nghĩa trong các đoạn thơ sau:
- Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ người
Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu tủi vải đẹp tươi lạ thường
(Tố Hữu)
- Hoan hô anh Giải phóng quân
Kính chào Anh, con người đẹp nhất
Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất
Sống hiên ngang, bất khuất trên đời

99
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi.
(Tố Hữu)
8. Tìm các cặp từ trái nghĩa trong các ngữ cảnh sau và chỉ ra tiêu chí ngữ
nghĩa chung làm cơ sở cho việc xác định các từ trái nghĩa này.
Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất
Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam
(Dương Hương Ly)

- Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang


Mà không biết con đèo chạy dọc.
(Phạm Tiến Duật)
9. Phân tích giá trị biểu đạt thực thể khách quan của các từ cùng trường
nghĩa có trong các đoạn thơ sau:
- Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm
Ta lội tung tăng trên mặt nước mặt sông
Ta lặn xuống, nghe vang xa tiếng sấm
Nghe mưa rơi, tiếng âm tiếng trong
(Ca Lê Hiến)
- Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
(Huy Cận)
10. Có ý kiến cho rằng: “Việc dạy từ ngữ theo các chủ đề thực chất là dạy từ
ngữ theo các trường biểu vật hoặc trường biểu niệm, cũng có nghĩa là dạy từ
ngữ theo hệ thống”.
Anh ( chị) có đồng ý với ý kiến trên không? Vì sao?
11. Phân tích và chứng minh nhận xét sau: Giữa các từ đồng nghĩa có mức độ
đồng nghĩa cao thấp khác nhau, tùy thuộc ở số lượng nét nghĩa chung.

100
Chương 4: HỆ THỐNG TỪ VỰNG KHÔNG CÓ QUAN
HỆ VỀ NGHĨA

- Tổng số tiết: 16 LT: 04 BT: 04 TH: 08


- Mục tiêu của chương:
+ Nắm được các căn cứ để xác lập các lớp từ không có quan hệ về nghĩa
và kết quả của sự phân chia các lớp từ theo các tiêu chí khác nhau.
+ Nắm chắc các khái niệm: từ thuần Việt, từ Hán Việt, thuật ngữ, từ
nghề nghiệp, từ địa phương...
- Nội dung phần giảng dạy trên lớp:
4.1. Phân lớp từ theo nguồn gốc
4.2. Phân lớp từ theo phạm vi sử dụng
4.3. Phân lớp từ theo mức độ sử dụng
4.4. Phân lớp từ theo phong cách sử dụng
- Nội dung sinh viên tự nghiên cứu:
Đọc kĩ nội dung chương 4 và tập hợp các từ địa phương đã biết thành hệ
thống.

4.1. Phân lớp từ theo nguồn gốc


Từ vựng tiếng Việt cũng như từ vựng của ngôn ngữ khác được chia thành
từ thuần (lớp từ bản ngữ) và từ ngoại lai (từ vay mượn).
Lớp từ ngữ ngoại lai ở từ vựng tiếng Việt được phân thành hai lớp nhỏ
hơn: lớp từ ngữ gốc Hán và các lớp từ ngữ gốc Ấn – Âu (chủ yếu là gốc Pháp).
4.1.1.Từ thuần Việt
Từ thuần Việt là những từ cơ bản, từ gốc của tiếng Việt. Nó ra đời sớm và
được dân tộc ta sử dụng từ thời thượng cổ đến nay.
Về mặt nguồn gốc: Các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra rất nhiều giải thuyết
khác nhau về nguồn gốc của từ thuần Việt. Tuy nhiên, ý kiến được nhiều
người chấp nhận hơn cả là ý kiến cho rằng cơ sở hình thành của lớp từ thuần

101
Việt là các từ gốc Nam phương, bao gồm cả Nam Á và Tày Thái.
Lớp từ thuần Việt là cốt lõi của từ vựng tiếng Việt. Từ thuần Việt có số
lượng lớn và mang tính dân tộc sâu sắc. Trong tiếng Việt hiện đại, từ thuần
Việt có vai trò điều khiển, chi phối hoạt động của mọi lớp từ khác.
4.1.2. Từ vay mượn
Từ vay mượn trong tiếng Việt là những từ tiếng Việt mượn của ngôn ngữ
khác, nhưng “cải tạo” lại để có hình thức ngữ âm, có đặc điểm ngữ pháp phù
hợp với hệ thống ngữ âm, ngữ pháp của tiếng Việt. Trong quá trình Việt hoá,
không chỉ có hình thức ngữ âm thay dổi mà nghĩa của từ cũng thay đổi.
Căn cứ vào nguồn gốc của từ mà tiếng Việt vay mượn, có thể chia từ vay
mượn trong tiếng Việt thành hai loại:
4.1.2.1. Các từ gốc Hán
- Tiếng Việt và tiếng Hán đều là những ngôn ngữ có lịch sử lâu đời. Sự
tiếp xúc giữa hai ngôn ngữ này bắt đầu khi phong kiến nhà Hán của Trung
Quốc xâm chiếm nước ta. Quá trình tiếp xúc với tiếng Hán của tiếng Việt diễn
ra thông qua nhiều con đường và bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Có thể
chia quá trình tiếp xúc Hán – Việt thành hai giai đoạn lớn:
+ Giai đoạn đầu: Từ đầu Công nguyên đến đời Đường (đầu thế kỷ VIII).
+ Giai đoạn sau: Từ đời Đường (thế kỷ VIII - thế kỷ X) trở về sau.
- Các từ ngữ gốc Hán cũng chia làm hai loại theo hai giai đoạn này. Cụ
thể:
+ Từ Hán cổ là những từ gốc Hán được du nhập vào tiếng Việt trong giai
đoạn đầu. Vì đi vào tiếng Việt đã lâu, đã được đồng hoá mạnh nên những từ
này hiện nay nói chung không còn có vẻ xa lạ đối với người Việt nữa.
Ví dụ: chè, chén, chém, chìm, buồng, buồm, mùi, mua...
+ Từ Hán Việt là những từ gốc Hán du nhập vào tiếng Việt trong giai
đoạn sau mà người Việt đã đọc âm chuẩn (Trường An) của chúng theo hệ
thống ngữ âm của mình. Cách đọc đó duy trì (với những biến đổi ít nhiều) cho
đến ngày nay.

102
Ví dụ: trà, mã, trọng, khinh, vương, cậu, nam, nữ...
Tên gọi từ Hán Việt còn bao gồm cả những từ vốn khống phải là gốc Hán,
mà do người Hán vay mượn một ngôn ngữ khác rồi người Việt vay mượn lại
và đọc theo âm Hán Việt như các từ Hán Việt khác.
Ví dụ:
Từ có nguồn gốc Nhật Bản: trường hợp, nghĩa vụ, phục tùng, điều chế,
kinh tế, mỹ thuật, cộng hoà...
Từ có nguổn gốc Phạn (Sanskrit): phật, Di lặc, Thích ca mâu
ni...
Từ có nguồn gốc châu Âu: câu lạc bộ, Mạc Tư Khoa, Anh Cát Lợi, Nữu
ước....
Ngoài ra, những từ do người Việt tạo ra nhưng sử dụng yếu tố cấu tạo có
nguồn gốc Hán cũng được coi là từ Hán Việt.
Ví dụ: y sĩ, đặc công, ca ngợi, tàu thuỷ, hiểm nghèo, người bệnh, tiểu
đội, ...
- Một số ít từ gốc Hán du nhập vào tiếng Việt thông qua con đường khẩu
ngữ không đem lại cho tiếng Việt ảnh hưởng đáng kể nào.

Ví dụ: Xì dầu, mì chính, vằn thắn, xá xíu, sủi cảo, lẩu, lục tào xá, phò,
tào phở,...
* Nhận xét:
- Diễn biến của từ gốc Hán nói chung trong tiếng Việt rất phức tạp.
Chúng được Việt hoá, được "cải tạo” về mặt ngữ âm. Khả năng hoạt động của
chúng khi đi vào tiếng Việt rất không đồng đều. Về ý nghĩa, không phải từ
gốc Hán nào trong tiếng Việt cũng giữ nguyên cái nghĩa vốn có của nó.
- Các từ gốc Hán nói chung và từ Hán Việt nói riêng, có vị trí rất đặc
biệt trong từ vựng tiếng Việt. Chúng có số lượng lớn và năng lực sản sinh
mạnh. Chúng gia nhập vào mọi lĩnh vực giao tiếp của đời sống ngưòi Việt.
4.1.2.2. Các từ ngữ gốc Ấn – Âu
- Cuối thế kỉ XIX, thực dân Pháp hoàn thành việc xâm chiếm nước ta,

103
biến nước ta thành thuộc địa của chúng. Từ đó trở đi, Việt Nam đã chịu ảnh
hưởng của Pháp ngày càng nhiều về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa,
xã hội... Tiếng Pháp cũng vì thế mà thâm nhập vào tiếng Việt ngày càng nhiều.
Ví dụ:
+ Tên món ăn: bít tết, kem, pho mát, rượu vang, xúc xích,....
+ Tên quần áo, vải vóc: gilê, len, may ô, si líp, sơ mi, vét tông,...
+ Tên thuốc: atpirin, canxi, vitamin,...
...
- Đồng thời, gián tiếp thông qua tiếng Pháp, một số từ ngữ của tiếng
Anh cũng du nhập vào tiếng Việt. Ví dụ: mít tinh, ten nít, ...
- Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại đã có ảnh hưởng lớn
tới Việt Nam. Nhiều từ Nga cũng vì thế được tiếp nhận vào tiếng Việt. Và sau
khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước ta mở rộng quan hệ ngoại
giao với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác nên tỉ lệ các từ tiếng Việt
tiếp nhận của tiếng Nga càng tăng. Ví dụ: bôn sê vích, xô viết, ...
- Khi du nhập vào tiếng Việt, các từ ngữ gốc Ấn Âu ít hoặc không có sự
biến đổi về nghĩa. Thế nhưng sự “cải tạo” bộ mặt ngữ âm lại là điều cần chú ý.
Các từ ngữ gốc Ấn – Âu được đọc theo các đọc của người Việt. Có nghĩa là
các từ được phân chia thành những âm tiết tách rời và phát âm theo cơ cấu ngữ
âm của âm tiết tiếng Việt. Trong quá trình “cải tạo”, người Việt thêm thanh
điệu cho các âm tiết, bỏ bớt âm trong các tổ hợp phụ âm, chuyển âm này thành
âm khác cho phù hợp với cách phát âm của mình.
Ví dụ:
+ Thêm thanh điệu:
café – cà phê
fromage – pho mát
saucisse – xúc xích
+ Khi có phụ âm kép thì bỏ bớt một phụ âm:
glacé – lát xê

104
frein – phanh
gramme – gam
+ Bỏ cả các âm câm không cần thiết với tiếng Việt:
copie – cóp
coupe – cúp
creme – kem
- Trong bối cảnh chúng ta đang ngày càng mớ rộng quan hệ hợp tác với
thế giới về nhiều mặt như hiện nay, việc thu nhận, xử lý các từ ngữ gốc Ấn Âu
trong tiếng Việt đã, đang và sẽ tiếp tục là vấn đề thời sự. Cần có thái độ đúng
đắn với các từ vay mượn. Một trong những phương sách làm giàu của mọi từ
vựng là vay mượn khi còn thiếụ, còn chưa có. Sự hòa nhập của nhiều từ vay
mượn vào từ vựng tiếng Việt đã chứng tỏ điều đó, thế nhưng sẽ là không đúng
nếu ta có thái độ ỷ lại, chỉ trông cờ vào nguồn từ ngữ của ngôn ngữ khác mà
không chủ động sáng tạo từ ngữ cho vốn từ vựng của mình.
4.2. Phân lớp từ theo phạm vi sử dụng
4.2.1. Thuật ngữ
4.2.1.1.1. Khái niệm
Thuật ngữ là những từ ngữ làm tên gọi cho các khái niệm, các đối
tượng được xác định một cách chặt chẽ, chuẩn xác trong mỗi ngành, mỗi lĩnh
vực khoa học, chuyên môn.
Ví dụ
Thuật ngữ toán học: vi phân, tích phân, đạo hàm, ...
Thuật ngữ ngôn ngữ học: âm vị, từ, câu, ...
Thuật ngữ kinh tế học: tích luỹ, giá trị gia tăng, tư bản, ...
Thuật ngữ sinh học: tế bào, di truyền, gien, ...
Mỗi môn khoa học kỹ thuật đều có hệ thống thuật ngữ của mình. So với
từ ngữ thông thường, thuật ngữ có ngoại diên hẹp hơn nhưng nội hàm sâu hơn
và được biểu thị một cách lôgic, chặt chẽ hơn. Thuật ngữ chỉ có một nghĩa,
không có từ đồng nghĩa, không có sắc thái biểu cảm.

105
Nghĩa của thuật ngữ hoàn toàn trùng với sự vật, hiện tượng mà nó gọi tên,
trùng với khái niệm mà nó biểu thị.
4.2.1.2. Đặc điểm cơ bản của thuật ngữ
a. Tính chính xác
Tính chính xác của các thuật ngữ thể hiện ở mặt ngữ nghĩa và mặt hình
thức. Về mặt ngữ nghĩa, một thuật ngữ chính xác là một thuật ngữ chỉ có một
cách hiểu rõ ràng và minh xác, chỉ có một khái niệm khoa học ứng với nó mà
thôi. Tính chính xác về mặt ngữ nghĩa đòi hỏi hình thức của chúng cũng phải
chính xác. Do tính chính xác về hình thức mà các thuật ngữ thường ngắn gọn
chặt chẽ (nhiều khi chấp nhận cả hình thức vay mượn).
b. Tính hệ thống
Mỗi thuật ngữ đều nằm trong một hệ thống nhất định và hệ thống ấy
phải chặt chẽ. Điều này phản ánh tính hệ thống của bản thân đối tượng được
khoa học mà các thuật ngữ biểu thị. Giá trị của mỗi thuật ngữ được xác định
bởi mối quan hệ giữa nó với các thuật ngữ khác trong cùng hệ thống. Nếu tách
thuật ngữ ra khỏi hệ thống thì nội dung thuật ngữ của nó không còn nữa. Nghĩa
của thuật ngữ sẽ bị hiểu khác đi.
c. Tính quốc tế
Tính quốc tế về ngữ nghĩa của các thuật ngữ là một điều hiển nhiên bởi
vì các khái niệm khoa học mà chúng biểu thị là tài sản chung của toàn thể nhân
loại.
Về hình thức: Không thể đòi hỏi sự quốc tế hoá hoàn toàn về mặt hình
thức của các thuật ngữ được vì mỗi ngôn ngữ có những thuộc tính riêng của
nó.
Tuy nhiên, hiện nay, ở một số ngành khoa học, ta thấy có hình thức
giống nhau của một số thuật ngữ trong các ngôn ngữ khác nhau (axit, ôxy,...).
4.2.1.3. Mối quan hệ giữa thuật ngữ và từ ngữ thông thường
- Thuật ngữ là một bộ phận của hệ thống từ vựng nói chung nên không
hoàn toàn cách biệt với các từ ngữ khác trong hệ thống ngôn ngữ. Khi trình độ

106
khoa học của quảng đại quần chúng được nâng lên, màu sắc chuyên môn,
phạm vi sử dụng hạn chế của thuật ngữ sẽ không còn là cái gì hoàn toàn đối lập
với ngôn ngữ toàn dân.
- Giữa từ toàn dân và thuật ngữ có quan hệ xâm nhập lẫn nhau. Từ toàn
dân có thể trở thành thuật ngữ và ngược lại. Khi từ toàn dân trở thành thuật ngữ
ý nghĩa của nó được hạn chế lại, có tính chất chuyên môn hóa.
Ví dụ 1:
Với tư cách là từ toàn dân, nước có nghĩa là “chất lỏng nói chung”, như:
nước sông, nước uống, nước đổ lá khoa...
Khi chuyển thành thuật ngữ hóa học, nước chỉ còn biểu thị chất lỏng do sự
kết hợp ôxy và hyđrô mà thành. Với nghĩa này, nước không thể kết hợp với:
sông, hồ...
Ví dụ 2: dứt điểm – thuật ngữ của ngành thể thao được dùng rộng rãi để
chỉ hiện tượng làm việc gì có tính toán, có chương trình sắp xếp trước sau, làm
cho xong hẳn đi vào một lúc nhất định công việc nào đó.
4.2.2. Từ nghề nghiệp
4.2.2.1. Khái niệm
Từ nghề nghiệp là những từ ngữ biểu thị những công cụ, sản phẩm lao
động và quá trình sản xuất của một nghề nào đó trong xã hội. Những từ ngữ
này thường được những người trong cùng ngành nghề đó biết và sử dụng,
những người không làm nghề ấy tuy ít nhiều cũng có thể biết những từ ngữ
nghề nghiệp nhưng ít và hầu như không sử dụng chúng. Vì vậy, từ nghề nghiệp
là lớp từ vựng được dùng hạn chế về mặt xã hội.
Ví dụ:
+ Từ nghề nghiệp của nghề nông: cày vỡ, cày ải, bón lót, bón thúc, gieo
thẳng ...
+Từ nghề nghiệp của nghề dệt: xa, ống, sợi mộc, sợi hồ, lõi sợi, ...
+ Từ nghề nghịêp của nghề làm lược bí: nan dại, nan khôn, nan đỏ, nan
thâm, nan đan, pha nan, nẹp...

107
+ Từ nghề nghiệp của nghề làm nón: lá, móc vanh, guột, nức, khuôn, bắt
vanh, chằng nón, khâu nón ...
+ Từ nghề nghiệp của nghề mộc: bào, đục, cưa, cắt, cưa dọc, đục tảng,
xén, soi, phạt mộc, ra rui ...
4.2.2.2. Đặc điểm của từ nghề nghiệp
Từ nghề nghiệp có một số đặc trưng về ngữ nghĩa giống như các thuật ngữ
khoa học. Ý nghĩa của các từ nghề nghiệp cũng trùng với sự vật hiện tượng
được từ gọi tên (trùng với khái niệm được từ biểu thị). Từ nghề nghiệp cũng
mang tính đơn nghĩa, trung tính về mặt biểu cảm... Vì vậy, ranh giới giữa thuật
ngữ và từ nghề nghiệp không phải bao giờ cũng rõ ràng và ở một mức độ nào
đó hai lớp từ này có sự chuyển hoá cho nhau.
- Từ nghề nghiệp mang tính cụ thể, sinh động, nhiều màu vẻ, một số từ có
khả năng gợi hình ảnh. Cũng vì vậy, mức độ khái quát nghĩa của các từ nghề
nghiệp nói chung thấp hơn so với thuật ngữ. Từ nghề nghiệp là một sáng tạo về
ngôn ngữ của đại đa số nhân dân lao động. Từ nghề nghiệp chẳng những cần
thiết cho giao tiếp trong từng ngành nghề mà nó còn cần thiết cho mọi người
khi cần diễn đạt một cách chính xác, sinh động, ngắn gọn về những sản phẩm,
những sự kiện, những hoạt động xã hội.
4.2.3. Tiếng lóng
Tiếng lóng là một bộ phận từ ngữ do những nhóm, những lớp người trong
xã hội dùng dể gọi tên sự vật, hiện tượng, hành động... vốn đã có tên gọi trong
vốn từ vựng chung, nhằm giữ bí mật trong nội bộ nhóm mình, tầng lớp mình.
Tiếng lóng thường được hiểu là những từ ngữ riêng của bọn lưu manh,
trộm cắp, bất lương, làm ăn bất chính. Cách quan niệm như vậy có phần hẹp
hòi và không phản ánh đúng thực tế ngôn ngữ.
Sự thật là, mỗi tầng lớp xã hội có chung một hoàn cảnh, một cách sống,
có thể tạo ra một số từ ngữ riêng chỉ dùng trong nội bộ tầng lớp mình, những
từ như vậy đều có thể coi là tiếng lóng.
Ví dụ:

108
+ Tiếng lóng của những người buôn bán trái phép: phe (buôn bán), bắt
(gặp, lấy), đẩy (bán), luộc (mua lại), ngã (bằng lòng)...
+ Tiếng lóng của bộ đội: lính phòng không (chưa có vợ), lái F (vợ còn
trẻ), lái bà già (vợ đã đứng tuổi), đi xe dép (đi bộ), đi R (đi phép), đi âm tần,
đi cao tần (đi tranh thủ)...
+ Tiếng lóng của sinh viên: phao (tài liệu sử dụng gian lận trong khi
thi), chết (thi hỏng), ngánh (nhìn trộm bài), ngỗng (điểm hai), gậy (điểm
một)...
+ Tiếng lóng của bọn lưu manh, trộm cắp: chọi (thiếu niên xấc láo),
choai (thiếu nữ dậy thì), sơ vơ (người bán vé), bổ (nhảy tàu), dạt vòm (trốn
tạm), đột vòm (ăn trộm), rụng (bị bắt), đoa (đấm), mờ (xấu, chết), bè (tàu, xe)...
+ Tiếng lóng mới của những lớp người làm ăn phi pháp: đầu gấu, đại
bàng, đại ca, bảo kê, cái bang, chôm, chôm chỉa, làm gái, ra khơi, bãi đáp,
vào cầu, trúng quả...
- Tiếng lóng chỉ là một hiện tượng ký sinh vào tiếng Việt. Số phận của
tiếng lóng gắn liền với môi trường, hoàn cảnh và bản thân những tầng lớp xã
hội đã sản sinh ra nó. Vì vậy, tiếng lóng thay đổi thường xuyên. Sự thay đổi
này tùy thuộc vào hai nhân tố.
+ Sự thay đổi của bản thân môi trường, hoàn cảnh xã hội và những tầng
lớp sản sinh ra nó.
+ Bản chất của tiếng lóng là muốn bí mật. Khi cái bí mật bị phát hiện thì
cơ sở tồn tại của tiếng lóng cũng bị mất.
- Tiếng lóng thường được cấu tạo bằng những cách sau:
+ Đa số là dùng từ ngữ toàn dân với nghĩa khác.
Ví dụ: múc (đấm móc), cưa (tán gái)...
+ Sử dụng các yếu tố ngôn ngữ không dùng độc lập trong ngôn ngữ toàn
dân, nghĩa của chúng bị lu mờ.
Ví dụ: nhẩu (nhanh), nghếch (ngốc), xề (xấu)...
+ Dùng các từ Hán Việt vốn sử dụng hạn chế trong ngôn ngữ toàn dân.

109
Ví dụ: bách (trăm), thiên (nghìn), ngân (tiền)...
+ Biến đổi vỏ ngữ âm của từ trong ngôn ngữ toàn dân.
Ví dụ: chợ dậu (chợ giời), cửa gếch (cửa ga), xế (xe), sôi me (sôi máu)...
+ Mượn từ nước ngoài.
Ví dụ: xăng (không), ami (tình nhân), sốp phơ (tài xế).
+ Phục hồi một số tiếng lóng cũ.
Ví dụ: mồng (gái điếm), tễ bướu (nhiều tiền)
- Mặc dù tiếng lóng chỉ là từ có tính thông tục, chủ yếu được dùng trong
ngôn ngữ nói của tầng lớp xã hội nhất định nhưng những tiếng lóng không thô
tục, mà chỉ là những tên gọi có hình ảnh của sự vật, hiện tượng nào đó có thể
được dùng phổ biến, dần dần thâm nhập vào ngôn ngữ toàn dân. Trong các tác
phẩm văn học nghệ thuật, tiếng lóng được dùng làm một phương tiện tu từ học
để khắc họa tính cách và miêu tả hoàn cảnh sống của nhân vật.
4.2.4.Từ vựng toàn dân
- Từ vựng toàn dân là những từ toàn dân hiểu và sử dụng. Nó là vốn từ
chung cho tất cả những người nói tiếng Việt thuộc các địa phương khác nhau
trên toàn lãnh thổ. Từ vựng toàn dân là lớp từ vựng cơ bản, quan trọng nhất
trong mỗi ngôn ngữ. Có thể nói từ vựng toàn dân là hạt nhân từ vựng, làm cơ
sở cho sự thống nhất ngôn ngữ, không có nó, ngôn ngữ không thể có được và
do đó cũng không thể có sự trao đổi giao tiếp giữa mọi người.
- Từ vựng toàn dân có khối lượng từ ngữ lớn nhất trong từ vựng của
một ngôn ngữ.
- Về nội dung, từ vựng toàn dân biểu thị những sự vật, hiện tượng hay
khái niệm quan trọng và cần thiết nhất trong đời sống.
Ví dụ:
+ Những từ chỉ hiện tượng thiên nhiên: mưa. nắng, núi, sông...
+ Những từ chỉ bộ phận cơ thể con người: đầu, mắt, mũi, chân, tay...
+ Những từ chỉ sự vật, hiện tượng gắn liền với đời sống: cày, cuốc,
kim, chỉ, nhà, cửa...

110
+ Những từ chỉ tính chất của sự vật: đỏ, đen, dài, ngắn, tốt, xấu...
+ Những từ chỉ hoạt động thông thường: đi, đứng, cười, nói, sống,
chết...
- Về mặt nguồn gốc, vốn từ vựng toàn dân của tiếng Việt có thể bao
gồm các từ có quan hệ với các tiếng Môn – Khơme như: sông, bắn, lớp,
mũi, ...; có thể bao gồm các từ có quan hệ với tiếng Hán như: ngực, vai,
đâm, ...; , hoặc mượn của tiếng Hán và các ngôn ngữ khác như: đầu, gan, gác,
buồng, ..., sơ mi, ô tô, xe đạp, ....
- Từ vựng toàn dân là bộ phận nòng cốt của từ vựng văn học. Nó là vốn
từ cần thiết nhất để diễn đạt tư tưởng trong tiếng Việt. Từ vựng toàn dân cũng
là cơ sở để cấu tạo các từ mới, làm giàu cho từ vựng tiếng Việt nói chung.
- Nhìn chung, đa số các từ thuộc lớp từ vựng toàn dân là những từ trung
hoà về phong cách (tức chúng có thể sử dụng trong các phong cách chức năng
khác nhau).
- Trong tương quan với từ địa phương, từ nghề nghiệp, thuật ngữ và cả
tiếng lóng, từ vựng toàn dân vừa làm chỗ dựa cho chúng lại vừa được chúng bổ
sung cho. Trong từng trường hợp cần thiết vẫn có những từ ngữ trong các lóp
từ được sử dụng hạn chế đó được chấp nhận và tiếp thu vào vốn từ vựng toàn
dân (dĩ nhiên không phải là tất cả mọi từ). Đó là sự tác động qua lại hai chiều,
là biểu hiện của cái thống nhất trong cái đa dạng của từ vựng.
4.2.5. Từ địa phương
4.2.5.1. Khái niệm
- Từ địa phương là những từ được dùng hạn chế ở một hoặc một vài địa
phương. Từ địa phương thuộc một phương ngữ (tiếng địa phương) nào đó của
ngôn ngữ dân tộc.
- Từ địa phương là bộ phân từ vựng của ngôn ngữ nói hàng ngày của
bộ phận nào đó của dân tộc chứ không phải từ vựng của ngôn ngữ văn học.
Nếu trong tác phẩm văn chương, tác giả có sử dụng từ địa phương thì chỉ
với ý nghĩa làm rõ sắc thái địa phương, gắn với một dụng ý nghệ thuật nhất

111
định.
Ví dụ:
Gan chi gan rứa mẹ nờ
Mẹ rằng cứu nước mình chờ chi ai?
(Tố Hữu)
4.2.5.2. Phân loại
Từ địa phương có thể được chia thành mấy loại cơ bản sau:
a. Từ địa phương không có sự đối lập với từ vựng toàn dân
Đó là những từ biểu thị những sự vật hiện tượng, hoạt động, cách sống
đặc biệt chỉ có ở địa phương nào đó chứ không phải phải phổ biến đối với toàn
dân, do đó không có từ song song trong ngôn ngữ toàn dân. Các nhà ngôn ngữ
gọi loại này là từ địa phương dân tộc học.
Ví dụ:
+ Chao: món ăn làm bằng đậu phụ để lên men (địa phương Nam bộ).
+ Chẻo: nước chấm gồm vừng giã nhỏ trộn với mật hoặc đường và
nước mắm (địa phương Nghệ Tĩnh).
+ Nhút: dưa muối bằng cây đậu đen, quả mít xanh, cà vàng thái nhỏ trộn
với nhau (địa phương Nghệ Tĩnh).
+ Măng cụt: loại cây cùng họ với bứa, quả có vỏ dày và vị chát trong có
từ năm đến tám múi có cùi trắng và ngọt (địa phương Nam bộ).
+ Chôm chôm: loại cây có quả như vải, vỏ có nhiều gai mềm và dài (địa
phương Nam bộ).
b. Từ địa phương có sự đối lập với từ vựng toàn dân
Kiểu từ vựng địa phương này có thể chia ra hai loại nhỏ căn cứ vào hai
mặt ngữ âm và ngữ nghĩa của chúng:
- Từ ngữ địa phương đối lập về mặt ý nghĩa: Những từ ngữ này về ngữ
âm giống với từ ngữ tương ứng trong ngôn ngữ toàn dân nhưng ý nghĩa khác
nhau.
Ví dụ:

112
Từ Nghĩa trong ngôn ngữ toàn dân Nghĩa trong phương ngữ
Cào cào Loại sâu bọ cánh thẳng cùng họ Thái Bình: Cào cào có nghĩa
với châu chấu nhưng nhọn đầu tương ứng với châu chấu
Cậu Em trai mẹ Hải Hưng: Anh trai của mẹ
Châu chấu Loài sâu bọ cánh thẳng cùng họ Thái Bình: Châu chấu có nghĩa
với cào cào nhưng bằng đầu tương ứng với cào cào.
Chén Đồ dùng bằng sành, sứ, nhỏ thon Nam bộ: bát
thon …, để uống
Hạt tiêu Cây nhiệt đới có quả dùng làm Hải hưng: Ớt
gia vị
Hòm Đồ dùng bằng gỗ hay sắt hình Nghệ tĩnh: Cái quan tài
vuông hay chữ nhật để đồ đạc,
quần áo...
Mận Quả da tím hoặc xanh nhạt, vị Nam bộ: quả doi
ngọt hơi chua
Nón Đồ dùng bằng lá hình chóp tròn Nam bộ: Mũ và nón
để che đầu
Té Hắt nước Nam bộ: ngã

- Từ ngữ địa phương có sự đối lập về ngữ âm. Những từ ngữ này có sự khác biệt về ngữ âm ở những mức
độ khác nhau.

Toàn dân Hải Hưng Thanh Hóa Nghệ Tĩnh Nam bộ


Bà mậu mụ
cá quả cá tràu cá lóc
Cua rốc dạm dam
dứa gai thơm
đánh nhau đánh chắc đập chắc
Đâu Mô mô
đầu chốc trốc
Kia Tê tê
Kìa tề Tề
Không nỏ hổng
lợn ỉn heo
rừng ngàn ngàn
Tao Choa choa
thế rứa rứa
thuyền nốc ghe
cây xoan cây du cây sầu đâu
Cát Khát gát

113
chào mào chốc mào chúc mào
Đĩa Đẽ đĩa đĩa
đu đủ thù đủ thu đủ
Gà kê Kha
Gá gấy gầy
gấu Khau khau
lưới Lái lái
mợ mụ mự
nước Nác nác
Sàng Tràng tràng
sáo sậu tháo thậu
Trâu tâu Tru tru

 Lưu ý:
- Giữa từ vựng toàn dân và từ địa phương có quan hệ qua lại lẫn nhau,
ranh giới giữa chúng thay đổi phụ thuộc vào việc sử dụng. Từ địa phương được
xem như nơi bảo tồn những chứng tích xa xưa của ngôn ngữ dân tộc. Từ địa
phương là nguồn bổ sung cho ngôn ngữ văn học ngày càng giàu có., phong
phú.
- Từ địa phương chủ yếu là từ vựng khẩu ngữ. Vì vậy khi sử dụng từ địa
phương trong sách báo nghệ thuật, để đảm bảo sự trong sáng và đúng đắn cần
phải hết sức thận trọng và có mức độ. Nói chung chỉ nên dùng các từ địa
phương vào sách báo nghệ thuật trong những trưòng hợp sau:
+ Các sự vật nào đó lúc đầu chỉ được biết trong một khu vực nhất định
sau đó được phổ biến rộng rãi có tính chất toàn dân.
+ Những từ địa phương có sắc thái biểu cảm lớn so với các từ đồng
nghĩa tương ứng trong ngôn ngữ toàn dân.
4.3. Phân lớp từ ngữ theo mức độ sử dụng
Căn cứ vào mức độ sử dụng của các từ trong quá trình giao tiếp, có thể
chia từ vựng tiếng Việt thành hai lớp: từ vựng tích cực và từ vựng tiêu cực
( thực chất của cách phân chia này là dựa vào tần số sử dụng các từ).
4.3.1. Từ vựng tích cực
- Từ vựng tích cực là những từ ngữ quen thuộc, được sử dụng thường

114
xuyên trong phạm vi nào đó của việc giao tiếp bằng ngôn ngữ. Từ vựng tích
cực không mang sắc thái cổ, cũng không mang sắc thái mới.
- Mỗi địa phương, mỗi tầng lớp xã hội, mỗi lứa tuổi, giới tính, mỗi nghề
nghiệp và ngay cả mỗi cá nhân... đều có từ vựng tích cực và tiêu cực của riêng
mình, bởi việc tích luỹ, xây dựng và sử dụng từ ngữ ở các đối tượng đó không
thể đồng đều và có rất nhiều nhân tố tác động đến.
Ở đây, chúng ta nói đến từ vựng tích cực của cả cộng. Lớp từ ngữ tích
cực là thành phần cơ bản, trụ cột của từ vựng. Chúng thường được phản ánh
trong các từ điển tần số và từ điển tối thiểu (bao gồm những từ ngữ hay được
dùng nhất).
- Từ vựng tích cực bao gồm những từ ngữ có tần số xuất hiện cao (hay
được sử dụng, sử dụng một cách tích cực) và có độ phân bố lớn (được sử dụng
rộng rãi trong nhiều hoàn cảnh và loại hình giao tiếp).
4.3.2. Từ vựng tiêu cực
Từ vựng tiêu cực là các từ ngữ ít dùng hoặc không được dùng. Nó bao
gồm các từ ngữ đã lỗi thời và các từ ngữ còn mang sắc thái mới, chưa được
dùng rộng rãi.
Căn cứ vào nguyên nhân làm cho lỗi thời, có thể chia các từ ngữ lỗi thời
(từ vựng tiêu cực) thành hai loại:
+ từ ngữ cổ và từ ngữ lịch sử
+ từ mới
4.3.2.1. Từ ngữ cổ và từ lịch sử
a. Từ ngữ cổ là những từ ngữ biểu thị những đối tượng trong tiếng Việt hiện
nay có các từ đồng nghĩa tương ứng. Chính sự xuất hiện của các từ đồng nghĩa
tương ứng ở giai đoạn hiện nay làm cho chúng trở nên lỗi thời. Có thể phân
loại chúng thành những loại sau:
- Những từ ngữ cổ đã mất hẳn khỏi ngôn ngữ văn học hiện đại. Chúng
chỉ được gặp trong các tác phẩm văn học cổ. Muốn tìm và hiểu những từ này
phải dựa vào những tài liệu ghi chép được trong quá khứ để khảo sát và phân

115
tích.
Ví dụ: bui (chỉ), cóc (biết), mảng (mải), mựa (đừng, chớ), phen (sánh),
tua (nên)...
- Những từ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại
dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó.
Ví dụ: âu (âu lo), han (hỏi han), dấu (yêu dấu), giã (giã từ), bỏng (bé
bỏng)...
Thuộc dạng này còn có cả những từ có trong thành ngữ, tục ngữ hoặc
một số lối nói hạn chế nào đó mà hiện nay người ta ít hiểu hoặc không hiểu ý
nghĩa của chúng là gì.
Ví dụ: Con vua, vua dấu/ Con châu chấu, châu chấu yêu (tục ngữ); Chúa
dấu vua yêu một cái này (Hồ Xuân Hương). Gà kia mày gáy chiêu đăm (ca
dao). Già giái non hột (thành ngữ); Khôn cho người ta dái, dại cho người ta
thương (tục ngữ)... (Dấu (yêu), đăm (bên phải), chiêu (bên trái); giái (quả),
dái (sợ, kính nể).

b. Từ ngữ lịch sử
- Từ ngữ lịch sử là những từ ngữ đã trở nên lỗi thời vì đối tượng biểu thị
của chúng đã mất. Trong quá trình phát triển của lịch sử, nhiều sự vật, hiện
tượng bị mất đi, các tên gọi của những sự vật, hiện tượng này cũng mất dần vị
trí vốn có trước đây.
Ví dụ:
+ Tên gọi những chức tước, phẩm hàm thời xưa: bát phẩm, chánh hội,
chánh tổng, cửu phẩm, lý trưởng, phó lý, tham tri, thái thú, tuần phủ, tri
huyện...
+ Tên gọi các công việc thi cử: đình nguyên, hoàng giáp, hội nguyên,
hương cống, nghè, thám hoa, khóa sinh,...
+ Tên gọi các thứ thuế: thuế đinh, thuế điền, thuế thân...
- Về cơ bản, đối với xã hội ngày nay, những từ như thế người ta vẫn có

116
thể hiểu được hoặc hiểu được ít nhiều. Chúng không có từ đồng nghĩa trong từ
vựng hiện nay như là các từ cổ. Khi nói về những vấn đề lịch sử xã hội thời
trước, nếu cần người ta vẫn phải sử dụng những từ đó.
4.3.2.2. Từ mới
Phần lớn từ ngữ mới của tiếng Việt là các từ ngữ thuộc các ngành khoa
học tự nhiên và xã hội học. Khi một từ vừa mới xuất hiện chắc chắn chưa có
nhiều người trong phạm vi toàn xã hội biết đến. Nó còn nằm trong phạm vi hẹp
nào đó, vì thế nó thuộc về lớp các từ ngữ tiêu cực. Tuy vậy, nếu sau đó từ này
được chấp nhận và phổ biến trong xã hội một cách rộng rãi thì nó lại nhanh
chóng đi vào lớp từ vựng tích cực. Do đó, cái gọi là “từ mới” phải luôn luôn
được xét trong một thời gian cụ thể, một tình trạng từ vựng cụ thể.
Ví dụ: Cách đây từ khoảng 10 đến 15 năm các từ: cát xét, tủ lạnh, bếp ga, vô
tuyến vẫn còn là những tên gọi mới trong từ vựng tiếng Việt.
Hiện nay, các từ ngữ: tin học, phần cứng, phần mềm, đầu ra, đầu vào,
chuyển giao công nghệ, cổ đông, cổ phẩn, cổ phiếu, đĩa từ, bộ vi xử lý, hội
đồng quản trị, tiếp thị, hộ điều hành... chưa được dùng phổ biến và rộng rãi
trong phạm vi toàn xã hội và chưa đứng vào lớp từ vụng tích cực của toàn dân.
Thời gian và sự sử dụng của xã hội đối với những từ này trong tượng lai sẽ trả
lời chúng có đứng vào lớp từ vựng tích cực hay không.
4.4. Phân lớp từ ngữ theo phong cách sử dụng
Từ vựng học cũng phân lớp từ vựng theo tiêu chuẩn phong cách chức
năng nhưng không hoàn toàn là sự khảo sát, phân loại của phong cách học.
Ngôn ngữ giao tiếp của con người tồn tại dưới hai dạng cơ bản là nói và viết.
Về mặt thuật ngữ, người ta vẫn thường gặp các tên gọi phong cách nói (phong
cách khẩu ngữ) đặt trong thể đối lập với phong cách viết (phong cách sách vở).
Tuy tên gọi như vậy nhưng thực tế trong nội dung người ta muốn phân
biệt giữa một bên là ngôn ngữ đời thường (chưa có sự gia công trau dồi, ít gắn
với chuẩn tắc nghiêm nhặt) và một bên là ngôn ngữ được trau dồi chọn lọc gắn
liến với những chuẩn tắc nhất định.

117
Thật ra, ngay trong phong cách nói cũng có sự phân biệt giữa lời nói được
chọn lọc, trau dồi (lời diễn giảng, thuyết minh, lời phát biểu chính thức có
chuẩn bị sẵn....) với lời nói trong giao tiếp thông thường hàng ngày. Loại thứ
nhất ở đây gắn với ngôn ngữ thuộc phong cách viết hơn. Loại thứ hai được gọi
là lớp từ khẩu ngữ.
4.4.1. Lớp từ khẩu ngữ
Ở đây ta chỉ xét từ khẩu ngữ của toàn xã hội nói chung chứ không xét đến
từ khẩu ngữ hạn chế về lãnh thổ hay xã hội.
Từ khẩu ngữ là những từ dùng trong giao tiếp bằng lời nói miệng, nó
không phụ thuộc vào lãnh thổ hay tổ chức xã hội.
Một số dấu hiệu của lớp từ khẩu ngữ tiếng Việt:
a. Về mặt cấu trúc hình thức: các từ ngữ thuộc lớp này có nhiều khả năng biến
đổi cấu trúc vốn có của mình.
Ví dụ:
+ Tách rời và chèn thêm yếu tố khác vào:
học hành – học với hành, học với chả hành
ăn mặc – cái ăn, cái mặc
+ Tăng cường các dạng láy hoặc lặp từ:
đàn ông – đàn ông đàn ang
con gái – con gái con đứa
ông – ông ông ênh ênh
b. Ưa dùng những từ có sắc thái cực đại
Ví dụ: Lo thắt ruột, chờ đỏ mắt, đánh sặc tiết, chạy bở hơi tai, cứng
họng, no đòn....
c. Chấp nhận những lối xưng hô thân mật hoặc đậm màu sắc bày tỏ thái độ:
Mày, tao, cậu, tớ, chúng mình, bọn mình, y, hắn, hắn ta, bọn nó, tụi nó, thằng,
thằng cha, con mẹ, mụ, con mụ, mụ ta....
d. Chấp nhận những từ ngữ có sắc thái thông tục, thô thiển của những từ đánh
giá hoặc miêu tả hành vi: Ngu, tồi, chẳng ra chó gì, chẳng nước mẹ gì, ăn thua

118
mẹ gì, biết tay, phải lòng.....
e. Rất ưa dùng các quán ngữ, thành ngữ để đưa đẩy, rào đón hoặc để diễn đạt
cho sinh động: của đáng tội, có đời thuở nhà ai, thôi thì... thì đã đành là vậy,
nó chết một cái là, đánh đùng một cái, ấm ớ hội tề, chầu rìa hút thuốc vặt,
tuần chay nào cũng có nước mắt, lụy như lụy đò, ai biết quan đái mà hạ
võng...
f. Sắc thái khẩu ngữ và biểu cảm của lớp từ khẩu ngữ còn thể hiện rõ ở sự hiện
diện và hành động của những từ thưa gửi như: dạ, thưa..., các từ ngữ cảm
thán: ôi, ối, trời ôi, trời đất ơi, cha mẹ ơi...; các ngữ khí từ: à, ư, nhỉ, nhé...
4.4.2. Lớp từ ngữ thuộc phong cách viết
- Lớp từ ngữ thuộc phong cách viết bao gồm chủ yếu những từ ngữ
thưòng xuyên được dùng gắn liền với nội dung của một số phong cách chức
năng cụ thể như:
a. Phong cách khoa học: gắn bó với các thuật ngữ khoa học, các từ ngữ
chuyên môn hoá: đạo hàm, ẩn số, quỹ tích...; âm vị, hình vị, ngữ pháp, ngữ
âm...
b. Phong cách hành chính - công văn: gắn bó với các từ ngữ: công văn, công
hàm, công ước, hiệp định, biên bản, sao lục, chiểu theo, đơn phương, có
trách nhiệm thi hành, theo đề nghị, căn cứ vào...
c. Phong cách báo - công luận: gắn bó với các từ ngữ: tình hình, tình trạng, xã
hội, kinh tế, vãn hoá, giáo dục, quân sự...
d. Phong cách chính luận: gắn bó với các từ ngữ: cộng sản, vô sản, chính
nghĩa, phi nghĩa, xâm lược, chiến tranh, cánh tả, cánh hữu...
e. Phong cách văn chương: có thể tổng hoà các phong cách khác bằng những
thủ pháp riêng của từng thể loại và từng truyền thống văn học mỗi dân tộc,
mỗi giai đoạn.
- Lớp từ ngữ thuộc phong cách viết có một số biểu hiện về "hình thức"
như sau:
+ Không mang tính thông tục.

119
+ Chủ yếu gồm các thuật ngữ, các từ ngữ chuyên môn hóa.
+ Về mặt nội dung ý nghĩa, các từ ngữ thuộc lớp này nói chung là mang
tính khái quát, trừu tượng hoặc gợi hình, gợi cảm...
- Về mặt nguồn gốc phần nhiều là các từ gốc Hán và gốc Ấn Âu được du
nhập vào Việt Nam (các từ Hán Việt có vị trí rất đặc biệt).
4.4.3. Lớp từ ngữ trùng hoà về phong cách
Lớp từ ngữ này chiếm phần cơ bản trong từ vựng nói chung. Các từ ngữ
thuộc lớp này không có những dấu hiệu riêng như dấu hiệu của hai lớp từ nói
trên. Chúng có thể được dùng như nhau trong tất cả các phong cách chức năng
khác nhau.
Cần lưu ý là ranh giới giữa các lớp từ như trình bày trên không phải bao
giờ cũng rõ ràng. Trừ những đơn vị từ ngữ mang tính đặc trưng điển hình của
từng lớp, số còn lại đứng ở khoảng giữa rộng hơn với một đường ranh giới có
thể dễ dàng di động. Vậy là, một lần nữa, ta lại thấy tính linh động trong khả
năng chuyển hoá ranh giới lớp lang của các từ ngữ.

Câu hỏi và bài tập:


1. Thuật ngữ là gì? Đặc điểm của thuật ngữ?
2. Thế nào là từ nghề nghiệp? Cho ví dụ.
3. Có người cho rằng: “Tiếng lóng chỉ có ở bọn trộm cắp, lưu manh”. Anh
(chị) có đồng ý như vậy không?
4. Vai trò của từ địa phương trong tác phẩm văn chương.
5. Phân tích mối quan hệ giữa vấn đề từ dịa phương, từ vay mượn với vấn đề
chuẩn hoá ngôn ngữ và vấn đề gịữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (về mặt từ
ngữ).

120
121
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Tài Cẩn (1994), Ngữ pháp tiếng Việt (Tiếng Việt – Từ ghép –
Đoản ngữ), Nxb ĐH&THCN, H.
[2]. Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán (1993), Đại cương ngôn ngữ học (tập 1),
Nxb Giáo dục, H.
[3]. Đỗ Hữu Châu (1996), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H.
[4]. Đỗ Hữu Châu (1998), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb Giáo dục, H.
[5]. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến (2001), Cơ sở ngôn
ngữ học và tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H.
[6]. Nguyễn Thiện Giáp (1971), “Hiện tượng đồng âm trong tiếng Việt”, T/c
Ngôn ngữ, số 4.
[7]. Nguyễn Thiện Giáp (1973), “Về khái niệm thành ngữ tiếng Việt”, T/c ngôn
ngữ, số 3.
[8]. Nguyễn Thiện Giáp (1977), Những khái niệm cơ bản về ngôn ngữ học, Nxb
ĐHTH, H.
[9]. Nguyễn Thiện Giáp, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Minh Thuyết (1995), Dẫn
luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H.
[10]. Nguyễn Thiện Giáp (1998), Từ vựng học tiếng Việt, Nxb ĐH&THCN, H.
[11]. Hà Quang Năng (2009), Sự phát triển của từ vựng tiếng Việt sau thế kỉ
XX, Nxb KHXH, H.
[12]. Đỗ Xuân Thảo, Lê Hữu Tỉnh (1997), Giáo trình Tiếng Việt 2, Nxb Giáo
dục, H.
[13]. Nguyễn Văn Tu (1968), Từ vựng tiếng Việt học hiện đại, Nxb Giáo dục,
H.
[14]. Viện Nôn ngữ học (Trung tâm Từ điển học) (2000), Từ điển tiếng Việt,
Nxb Đà Nẵng.
[15]. Nguyễn Như Ý (1996), Từ điển giải thích thuật ngữ Ngôn ngữ học, Nxb
Giáo dục, H.

122

You might also like