You are on page 1of 30

Thủy hử hay Thủy hử truyện (Hoa phồn thể=水滸傳; Hoa giản thể=水浒传;

phát âm pinyn=Shuǐhǔ Zhuàn), nghĩa đen là "bờ nước", là một tác phẩm
trong bốn tác phẩm lớn của văn học cổ điển Trung Hoa, thường gọi là nhóm
Tứ đại danh tác. Tác giả Thủy hử thường ghi là Thi Nại Am; cũng có người
cho là của La Quán Trung. Truyện được viết dựa theo sách Đại Tống Tuyên
Hòa di sự[1]

Cốt truyện chính là sự hình thành và những thành tích của một nhóm người
chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 anh hùng Lương
Sơn Bạc (cũng ghi là Lương Sơn Bạt).

Tác giả
xem: Thi Nại Am

Các dị bản

Theo Lỗ Tấn, có tổng cộng 6 bản Thủy hử, thuộc hai loại: 70 hồi và trên 70 hồi.
Loại 70 hồi thường chỉ khác nhau chút ít ở hồi cuối cùng - hồi 71, do nhà bình
luận hoặc người đứng ra khắc in thêm vào, nhưng đều ghi rõ tác giả là Thi Nại Am
và đều dừng lại ở thắng lợi của nghĩa quân - Loại trên 70 hồi có nhiều bản, 100
hồi, 115 hồi, 120 hồi, 141 hồi, trong đó 70 hồi đầu giống nhau, những hồi sau khác
nhau về tình tiết câu chuyện nhưng đều nói đến quá trình thất bại của quân Lương
Sơn Bạc.
Một trong những bản Thủy hử thuộc loại phổ thông nhất là bản có 70 hồi, do Kim
Thánh Thán - một nhà phê bình nổi tiếng đời Thanh soạn lại. Ngoài phần phê bình
văn chương, Thánh Thán đã cắt bỏ đoạn "anh hùng Lương Sơn phân chia ngôi thứ,
phân công trách nhiệm" của nguyên bản 71 hồi mà tạo ra một "giấc mộng kinh
hoàng", của Lư Tuấn Nghĩa, ông này mơ thấy 108 vị anh hùng bị giết sạch và giữa
trời đất xuất hiện 4 chữ "thiên hạ thái bình".

Cốt truyện

Dù có nhiều dị bản nhưng tựu chung, toàn bộ nội dung truyện Thủy hử bao gồm
hai phần chính: giai đoạn hình thành, tập hợp 108 anh hùng Lương Sơn Bạc (trong
70 hồi đầu) và quá trình tổn thất, tan rã hoàn toàn của lực lượng này.

Hình thành và phát triển

Quá trình tập hợp của các anh hùng thảo dã tại bến nước để hình thành quân khởi
nghĩa Lương Sơn Bạc được Thi Nại Am dành 70 hồi để diễn giải. Tuy nhiên, nhân
vật đầu tiên được đề cập không phải là một trong các vị anh hùng Lương Sơn, mà
là Cao Cầu. Theo ý kiến các nhà nghiên cứu[2], quá trình thăng tiến của gian thần
Cao Cầu chính là sự tố cáo cho chính sự thối nát của nhà Bắc Tống khi đó mà
người chịu trách nhiệm cao nhất là hoàng đế Tống Huy Tông[3], một quân vương
chơi bời, không quan tâm tới việc triều chính.

Từ một thảo dân lông bông, Cao Cầu gặp may hết lần này tới lần khác, trở thành
sủng thần của vua Tống Huy Tông và được phong chức Thái uý. Mối liên kết giữa
các gian thần Cao Cầu, Dương Tiễn, Lương Trung Thư... và bộ máy quan lại tham
lam, xảo quyệt, độc ác bên dưới đã làm hại các lương thần của triều đình (Lâm
Xung, Võ Tòng, Dương Chí, Tống Giang, Hoa Vinh...) khiến họ lần lượt phải bỏ
sự nghiệp đi theo Lương Sơn Bạc.

Cũng có những anh hùng xuất thân nơi thôn dã, không có chức vụ quyền hành
nhưng bất bình với sự áp chế, bóc lột của quan lại địa phương như Lý Quỳ, Sử
Tiến, Lưu Đường... nên đã ra tay cứu giúp người hoạn nạn hoặc tự cứu bản thân
mình, trở thành người phạm tội với triều đình và cũng lên Lương Sơn.

Từng nhóm anh hùng được tập hợp riêng lẻ, rồi sau đó tất cả đều tụ về Lương Sơn.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về Thủy hử, có những người con đường lên
Lương Sơn vòng vo nhiều lần như Tống Giang, vì ông vốn mang tư tưởng trung
hiếu với triều đình; lại có những người con đường lên Lương Sơn thẳng tuột như
Lý Quỳ - ông coi việc làm phản khi bị hà hiếp là đương nhiên. Thủy hử phản ánh
thực trạng trong xã hội phong kiến nhiều đời: "quan bức thì dân phản", điều đó rất
hợp với tâm lý của đông đảo quần chúng lao động nghèo khổ bị bóc lột, áp bức
nên Thủy hử dễ đi sâu vào tiềm thức của nhân dân.

Điều khiến Thủy hử trở nên ly kỳ, hấp dẫn là ngoài tính cách đa dạng của các nhân
vật, các tình tiết còn mang nhiều tính bất ngờ, thú vị cho người đọc. Người thủ
lĩnh đầu tiên của Lương Sơn Bạc là Vương Luân, nhưng chính Vương Luân lại bị
Lâm Xung sát hại để tôn Tiều Cái. Tiều Cái được xem là người khai sáng Lương
Sơn, nhưng lại không thuộc vào số 108 vị anh hùng - không thuộc vào 36 vị thiên
cang hay 72 vị địa sát - vì ông bị tử trận trước khi Lương Sơn tập hợp đủ 108
người. Tài năng, tính cách của các anh hùng Lương Sơn cũng phong phú, mỗi
người một vẻ. Ngoài những người giỏi chinh chiến trên lưng ngựa như Quan
Thắng, Lâm Xung, Hô Duyên Chước, Tần Minh, Đổng Bình... đánh bộ như Lý
Quỳ, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm... còn một đội ngũ các tướng chuyên đánh thủy quân
như anh em Trương Hoành - Trương Thuận, 3 anh em họ Nguyễn và cả Lý Tuấn;
các quân sư tài ba như Ngô Dụng, Chu Vũ; những người di chuyển nhanh hoặc
giỏi đột nhập như Đới Tông, Thời Thiên... Đặc biệt, trong các anh hùng Lương
Sơn còn có 3 phụ nữ (Cố Đại Tẩu, Hỗ Tam Nương và Tôn Nhị Nương).

Quy hàng và tan rã

ương Sơn Bạc phát triển đến cực thịnh ở hồi 70 với việc tập hợp đủ 108 vị anh
hùng được phân thứ hạng và nhiệm vụ ở Lương Sơn. Triều đình nhà Tống nhiều
lần phát quân đi đánh dẹp đều bị quân khởi nghĩa đánh bại.

Thái uý Cao Cầu đích thân cầm quân đi dẹp, bị quân Lương Sơn bắt sống. Tuy
nhiên, do thủ lĩnh Tống Giang mang nặng tư tưởng trung quân ái quốc nên đã sai
thả Cao Cầu và xin được về quy thuận triều đình.

Dù bị nhiều ý kiến phản đối (nhất là Võ Tòng,Lỗ Trí Thâm,và Lý Quỳ), Tống
Giang vẫn quyết ý dẫn các thủ hạ về quy hàng khi được triều đình chiêu an.

Sau khi về hàng triều đình, quân Lương Sơn được điều đi chống quân nhà Liêu
xâm phạm bờ cõi nhà Tống. Quân Lương Sơn thắng quân Liêu liên tiếp nhiều trận,
sắp tiến đến kinh đô nước Liêu thì vua Huy Tông theo lời các gian thần, chấp
thuận cho nước Liêu giảng hòa và hạ lệnh Tống Giang rút quân.

Trở về, triều đình lại phái quân Lương Sơn đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa khác
của Điền Hổ, Vương Khánh và Phương Lạp. Với đội ngũ thiện chiến, tài năng,
quân Lương Sơn dưới cờ hiệu của triều đình nhà Tống đã dẹp được cả 3 cuộc khởi
nghĩa quy mô lớn này.

Khi đánh quân Liêu và các cuộc khởi nghĩa nông dân khác của Điền Hổ, Vương
Khánh, họ toàn thắng và không có tướng lãnh nào tử vong. Tuy nhiên, khi đánh
Phương Lạp, quân Lương Sơn bị tổn thất nặng. Và khi giặc giã không còn, nhà
Tống tìm cách trừ khử họ.
Kết cục

Sự suy giảm quân số chỉ diễn ra khi quân Lương Sơn đụng độ quân Phương Lạp.
Cho tới khi hạ đội quân này và bắt sống thủ lĩnh của họ (Võ Tòng bắt được
Phương Lạp), các anh hùng Lương Sơn Bạc bị tổn thất rất nhiều.

Trong 108 người, 5 người không tham dự cuộc chiến với Phương Lạp do được
lệnh ở lại hoặc bị gọi về; 103 người tham dự cuộc chiến với Phương Lạp thì có 76
người bị tử trận hoặc không trở về triều nhận quan tước, 27 người trở về triều.

Những người chết

Tổng số có 69 người chết, trong đó:

1. Tướng chết trận:

59 người, bao gồm:

15 chánh tướng:

Tần Minh, Từ Ninh, Đổng Bình, Trương Thanh, Lưu Đường, Sử Tiến, Sách Siêu,
Trương Thuận, Nguyễn Tiểu Nhị, Nguyễn Tiểu Ngũ, Lôi Hoành, Thạch Tú, Giải
Trân, Giải Bảo.

44 phó tướng:

Tống Vạn, Tiêu Đĩnh, Đào Tông Vượng, Hàn Thao, Bành Kỷ, Trịnh Thiên Thọ,
Tào Chính, Vương Định Lục, Tuyên Tán, Khổng Lượng, Thi Ân, Hách Tư Văn,
Đặng Phi, Chu Thông, Cung Vượng, Bao Húc, Đoàn Cảnh Trụ, Hầu Kiện, Mạnh
Khang, Vương Anh, Hỗ Tam Nương, Hạng Sung, Lý Cổn, Yến Thuận, Mã Lân,
Đan Đình Khuê, Nguỵ Định Quốc, Lã Phương, Quách Thịnh, Âu Bằng, Trần Đạt,
Dương Xuân, Úc Bảo Tứ, Lý Trung, Tiết Vĩnh, Lý Văn, Thạch Dũng, Đỗ Thiên,
Đinh Đắc Tôn, Trâu Uyên, Lý Lập, Thang Long, Sái Phúc, Trương Thanh, Tôn
Nhị Nương

2. Các chánh phó tướng ốm chết dọc đường:

10 người, gồm:
5 chánh tướng:

Lâm Xung, Dương Chí, Trương Hoành, Mục Hoằng, Dương Hùng.

5 phó tướng:

Khổng Minh, Chu Quý, Chu Phú, Thời Thiên, Bạch Thắng.

Những người sống

Còn lại 39 người sống sau khi dẹp Phương Lạp, nhưng kết cục cũng khác nhau,
không phải ai cũng được trọn vẹn

1. Tướng không muốn ra làm quan và đã bỏ đi trên đường về kinh

4 người:

2 chánh tướng:

Yến Thanh, Lý Tuấn

Trong Thủy hử truyện, sau này Lý Tuấn trở thành vua Xiêm La.

2 phó tướng:

Đồng Uy, Đồng Mãnh.

Hai tướng này cùng sang Xiêm La với Lý Tuấn

2. Những trường hợp không về khác


Lỗ Trí Thâm và Võ Tòng ở lại chùa Lục Hòa (Hàng Châu) theo nghiệp tu hành.
Võ Tòng sau sống ngoài 80 tuổi, Lỗ Trí Thâm chết tại chùa này chỉ một thời gian
ngắn sau khi thắng Phương Lạp.

Công Tôn Thắng từ giã Lương Sơn ngay trước khi ra quân tấn công Phương Lạp
và theo La Chân Nhân tu hành ở Kế Châu

3. Những tướng trở về và nhận chức phong

Còn 27 tướng lĩnh Lương Sơn trở về và nhận chức phong của triều đình, gồm:

12 chánh tướng:

Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa, Ngô Dụng, Quan Thắng, Hô Duyên Chước, Hoa
Vinh, Sài Tiến, Lý Ứng, Chu Đồng, Đái Tông, Lý Quỳ, Nguyễn Tiểu Thất.

15 phó tướng:

Chu Vũ, Hoàng Tín, Tôn Lập, Phàn Thuỵ, Lăng Chấn, Bùi Tuyên, Tưởng Kinh,
Đỗ Hưng, Tống Thanh, Trâu Nhuận, Sái Khánh, Dương Lâm, Dương Xuân, Tôn
Tân, Cố Đại Tẩu.

4. Tướng đã ở kinh từ trước hoặc được lệnh gọi về

5 phó tướng:

An Đạo Toàn, Hoàng Phủ Đoan, Kim Đại Kiện, Tiêu Nhượng, Nhạc Hòa.

Số mệnh khác nhau của 32 người này sau khi về kinh mới là đa dạng nhất, không
chỉ nói lên sự bội bạc của triều đình nhà Tống đối với công thần, mà còn lột tả tận
cùng tính cách của từng người. Cho tới đoạn kết cục này, độc giả mới thực sự nhìn
ra chân tướng của tất cả các anh hùng Lương Sơn Bạc.

Số Phận Của 32 Vị Tướng Còn Lại.

+ Tống Giang ngu trung, tự sát theo mệnh lệnh của vua. Hơn thế, sợ Lý Quỳ sẽ
làm phản để báo thù cho mình, ông buộc Lý Quỳ phải uống rượu độc để cùng
chết.

+ Lư Tuấn Nghĩa bị triều đình đầu độc chết.

+ Ngô Dụng và Hoa Vinh, sau khi mang xác Tống Giang và Lý Quỳ đi chôn, cũng
treo cổ tự vẫn ở cùng chỗ 2 ngôi mộ. Cái chết của Ngô - Hoa đầy bi phẫn.

+Quan Thắng nhận chức, sau bị tai nạn ngã ngựa chết.

+ Lý Ứng, Sài Tiến nhận chức một thời gian rồi từ chức về quê.

+ Đái Tông nhận chức rồi từ chức về làm thủ từ ở Thái An

+ Nguyễn Tiểu Thất, Tống Thanh, Mục Xuân, Trâu Nhuận, Tôn Tân, Tôn Lập, Cố
Đại Tẩu, Tưởng Kính về kinh nhưng không nhận chức mà trở về quê.

+ Chu Vũ và Phàn Thuỵ bỏ đi làm đạo sĩ, ngao du thiên hạ.

+ Chu Đồng và Hô Duyên Chước còn làm tướng chống quân nhà Kim sau này (Hô
Duyên Chước tử trận). Lăng Chấn cũng tiếp tục phục vụ triều đình trong chiến
trận.

+ Dương Lâm, Bùi Tuyên cùng về suối An Lạc giữ chức tiểu lại.

+ Hoằng Tín làm quan ở Thanh Châu


+ An Đạo Toàn ở lại Viện thái y làm thày thuốc

+ Hoàng Phủ Đoan lại đi giữ ngựa cho triều đình

+ Kim Đại Kiện làm ngự bảo giám

+ Nhạc Hòa phục vụ trong phủ phò mã

+ Tiêu Nhượng làm văn thư trong phủ gian thần Sái Kinh
Trong 32 người, 3 người bị triều đình sát hại; 2 người tự vẫn vì phẫn chí; 12 người
về tới kinh nhưng vẫn không nhận chức, bỏ về quê cũ hoặc đi làm đạo sĩ; 3 người
nhận chức rồi sau đó từ chức vì không thích bon chen ở chốn quan trường nhiều
gian thần; 13 người tiếp tục phục vụ triều đình

Các thủ lĩnh Lương Sơn Bạc

Các anh hùng Lương Sơn Bạc thường được nhắc tới gồm có 108 người, tuy nhiên trên
thực tế phải là 109 người, nếu tính cả Tiều Cái. Xa hơn nữa, chủ trại đầu tiên là Vương
Luân, song Vương Luân nhanh chóng bị trừ khử không đóng vai trò gì đối với sự phát
triển của Lương Sơn Bạc và do đó không được nhắc tới và không được tính vào hàng ngũ
các anh hùng Lương Sơn.

Mặc dù Tiều Cái không chính thức thuộc về 108 anh hùng Lương Sơn Bạc vì trúng tên
chết sớm ở trại Tăng Đầu, nhưng xét ra Tiều Cái là người lãnh tụ đầu tiên từ lúc Lương
Sơn mới mở. Đối với các anh hùng Lương Sơn Bạc, từ Tống Giang trở đi, Tiều Cái là thủ
lĩnh tối cao và nếu không vì cái chết của Tiều Cái, Tống Giang có thể không trở thành thủ
lĩnh của Lương Sơn

108 thủ lĩnh Lương Sơn gồm có 36 vị sao Thiên Cương và 72 vị Địa sát, đứng đầu là
Tống Giang và cuối cùng là Đoàn Cảnh Trụ
Về hình mẫu các nhân vật

Tuy Thủy hử có sự đa dạng về tính cách và sở trường, sở đoản các nhân vật nhưng theo ý
kiến các nhà nghiên cứu, trong đó có ý kiến của nhà phê bình Kim Thánh Thán đời nhà
Thanh, một số nhân vật trong Thủy hử có những nét tương đồng với nhân vật trong Tam
Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Đó là nguyên nhân chính để các nhà nghiên cứu
khẳng định sự tham gia ở mức độ nhất định của La Quán Trung đối với tác phẩm Thủy
hử.

Tống Giang, ngoài sự trung hiếu với triều đình, theo Kim Thánh Thán, còn mang nhiều
nét của tính giả dối, giống như Lưu Bị. Ngô Dụng với trí thông minh tuyệt đỉnh rất giống
Gia Cát Lượng. Quan Thắng và Chu Đồng đều có hình ảnh phảng phất như Quan Vũ. Lý
Quỳ có tính nóng và ngay thẳng giống Trương Phi...

Ngoài ra, tên một số nhân vật cũng mang những chữ gợi nhớ đến các nhân vật Tam Quốc
Diễn Nghĩa. Lã Phương có biệt danh là "Tiểu Ôn hầu", cũng sử dụng hoạ kích như Lã
Bố; Trong Tam Quốc, Gia Cát Lượng có tên tự là Khổng Minh, trong Thủy hử có hai anh
em họ Khổng là Khổng Minh và Khổng Lượng; Tiên phong Sách Siêu khoẻ mạnh nhưng
bồng bột giống với nhân vật Mã Siêu của Tam Quốc...

Giá trị nghệ thuật

Trong bài giới thiệu tác phẩm Thủy hử, giáo sư Lương Duy Thứ viết:

Sức hấp dẫn kỳ lạ của Thủy hử chủ yếu do tài năng văn chương của Thi Nại Am. Kim
Thánh Thán là một người mang nặng tư tưởng phong kiến đã phải thốt lên: "Những tên
sao thiên cương, địa sát, xét ra không hợp đạo làm người, sao lại có áng văn viết ra lạ
lùng dễ mê hoặc lòng người đến thế? Ta muốn dựng Thi Nại Am dậy mà hỏi cho ra?"
Về mặt kết cấu, tác phẩm được độc giả đón nhận như hàng trăm truyện ngắn ly kỳ, có thể
đứng độc lập như những tác phẩm riêng lẻ, nhưng dưới ngòi bút của Thi Nại Am chúng
được xâu chuỗi liền mạch thành một hệ thống hoàn chỉnh[7]. Kết cấu đó mang đặc sắc
của những tác phẩm phát triển từ chuyện kể, và sợi dây quán xuyến toàn bộ tác phẩm là
sự xung đột giữa chế độ phong kiến áp bức và tinh thần phản kháng mãnh liệt của các
anh hùng hảo hán.

Từ những câu chuyện về các số phận đầy éo le trắc trở, như những dòng suối tuôn chảy
về sông, Thủy hử đã dựng dậy vô số nhân vật có phong tục tập quán cũng như lời ăn
tiếng nói của vùng thượng lưu và trung lưu sông Hoàng Hà. Phải dụng công lắm Thi Nại
Am mới xây dựng được những nhân vật không những có "suy nghĩ và hành động phù
hợp với giai cấp xuất thân và địa vị xã hội" mà còn có cá tính muôn màu muôn vẻ, hình
dáng và lời nói không ai giống ai trong thực tế cuộc đời. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng có
những nhân vật chỉ được phác hoạ sơ và có những người chỉ thêm cho đủ số 108.

Trong số 108 hảo hán Lương Sơn có hơn một nửa là những “tôi trung con hiếu”, những
con người vốn sẵn lòng thờ phụng triều đình, nhưng “muốn làm nô lệ mà vẫn không
được”, họ phải đứng dậy, làm việc bất đắc dĩ “bức thướng Lương Sơn” (buộc phải lên
Lương Sơn Bạc)[8]. Vốn là những người dân thấp cổ bé họng, không nuôi ảo tưởng gì
đối với con đường công danh sự nghiệp phong kiến và sự phản kháng của họ chỉ nhằm
tìm đường sống, nhưng những hảo hán Lương Sơn đã không thể thành công. Sự thất bại
của họ cho thấy sự thực lịch sử là trong xã hội phong kiến, khởi nghĩa nông dân chỉ có
thể hoặc bị thế lực thống trị đàn áp, hoặc trở thành công cụ thay triều đình đổi ngôi của
chế độ phong kiến.

Tác phẩm xây dựng được tính cách nhân vật điển hình, rõ rệt, thậm chí dị biệt. Nếu Tống
Giang coi việc làm phản là tội "đáng diệt chín họ" và con đường đến với Lương Sơn
quanh co, day dứt bao nhiêu, thì Lý Quỳ lại xem đó là việc đương nhiên và việc gia nhập
chốn thủy hử (bến nước) của họ Lý lại đơn giản bấy nhiêu. Ngay trong một nhân vật, khi
hoàn cảnh sống và địa vị xã hội thay đổi, tính cách cũng thay đổi theo, như Lâm Xung
vốn là người hiền lành nhẫn nhục, nhưng khi ở miếu Thổ thần, hiểu thấu sự nham hiểm
và tàn bạo của đám quan trên, ông lại trở nên ngỗ ngược, ngang tàng. Về nỗ lực xây dựng
cá tính của những hình tượng nghệ thuật, Thủy hử đã vượt thoát khỏi những khuôn sáo
"tính cách có sẵn", "lý tưởng hóa" của các tác phẩm cổ điển, tạo nên những cá tính sinh
động và có sức thuyết phục độc giả.
Theo giáo sư Lương Duy Thứ, văn chương của Thủy hử không "dệt gấm thêu hoa" như
Tây Sương ký, không "nhả ngọc phun châu" như Hồng Lâu Mộng, mà là "nhạc trỗi
chuông ngân", hùng hồn, dồn dập. Văn chương của Thủy hử gần gũi với truyện kể dân
gian. Tác phẩm Thủy hử giữ được tính sống động của nhân vật trong ngôn ngữ gân gũi
với đời sống hằng ngày, trong lối hành văn ít trang sức tô điểm.

Sự chân xác lịch sử

Khởi nguồn của Thủy hử truyện là các truyện kể, huyền tích dân gian về cuộc đời và
hành vi của các thủ lĩnh Lương Sơn Bạc, thêm vào đó, cũng tồn tại nhiều văn bản truyện
Thủy hử khác nhau nên có thể nói, tính xác thự về mặt lịch sử của tiểu thuyết này là
không cao. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là trên thực tế, Phương Lạp chưa từng
đụng đầu và do đó, bị tiêu diệt bởi quân lực của Lương Sơn. Phương Lạp đã thực sự xưng
đế và bị tiêu diệt bởi những đội quân khác của triều đình nhà Tống chứ không phải quân
Lương Sơn Bạc.

Trong một nhận định khác về sự chân xác của Thủy hử truyện, Lỗ Tấn viết :

"... Nguyên bản Thủy hử truyện này không còn, bộ Thủy hử lưu hành hiện nay có hai
loại, một loại 70 hồi, một loại trên 70 hồi. Loại trên 70 hồi cũng bắt đầu từ chuyện Hồng
thái uý lạc bước vào điện ma vương rồi sau đó 108 người tụ về Lương Sơn Bạc, đánh
người cướp của, cuối cùng nhận lệnh chiêu an, được phái đi đánh dẹp giặc Liêu, bình
định Điền Hổ, Vương Khánh, bắt được Phương Lạp (lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa nông
dân cùng thời) lập công lớn. Cuối cùng triều đình nghi kỵ, bắt Tống Giang uống thuốc
độc mà chết, rồi hóa thành thần. Còn chuyện chiêu an thì vốn là cách nghĩ của người
cuối Tống đầu Nguyên, bởi vì lúc này xã hội loạn lạc, quân lính áp chế nhân dân, những
người dân hòa bình thì nhẫn nhục chịu đựng, những người không hoa bình thì ly khai
làm giặc. Kẻ làm giặc một mắt chống cự với quân lính, quân lính không thắng nổi họ,
mặt khác cướp bóc nhân dân, tất nhiên nhân dân thường xuyên bị họ nhũng nhiễu.
Nhưng một khi giặc ngoại xâm đến, quân lính không chống cự nổi, nhân dân vốn căm
ghét ngoại tộc xâm lược, liền nghĩ đến chuyện dùng bọn giặc cướp đã chiến thắng quân
lính để chống xâm lược, bởi vậy giặc cướp lúc này lại trở thành kẻ hành đao. Còn như
chuyện Tống Giang uống thuốc độc tự sát thì lại do người đầu Minh thêm vào. Minh
Thái Tổ, sau khi nhất thống thiên hạ đã sinh lòng nghi kỵ các công thần, ra tay chém
giết, những kẻ giữ được trọn vẹn không nhiều. Để tỏ lòng đồng tình với những công thần
bị sát hại, nhân dân đã thêm vào chuyện Tống Giang uống thuốc độc tự sát rồi hóa thành
thần. Đó âu cũng là chỗ khiếm khuyết có thực, một ví dụ thường thấy về cách quyết
"đoàn viên" của tiểu thuyết".

Tống Giang ( 宋 江 ), là một nhân vật có thật sống vào thế kỷ 12 dưới triều
Tống ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc đời thật của ông chỉ được sử sách (Tống
sử) đề cập rất ít và không giống những gì miêu tả trong Thủy hử.

Trong tác phẩm Thuỷ hử của Thi Nại Am, ông là một trong những nhân vật
chính, có tên hiệu là Hô Bảo Nghĩa (Người kêu gọi chính nghĩa), còn gọi là
Tống Áp Ty, Tống Công Minh hay Cập Thời Vũ. Tống Giang là vị đầu lĩnh
của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc sau khi Triều Cái thọ tiễn qua đời. Nghĩa
quân của ông hoạt động ở các tỉnh Sơn Đông và Hồ Nam, trước khi đầu hàng
triều đình.

Tống Giang nổi tiếng là người tốt, hay giúp đỡ nhiều người nên tiếng đồn
khắp nơi. Đầu tiên là việc Tống Giang báo tin giúp Tiều Cái, Ngô Dụng, Công
Tôn Thắng... chạy thoát lên Lương Sơn Bạc. Vì Hà Đào được lệnh đến báo
quan phủ bắt bọn cướp đồ lễ sinh nhật của Sái Kính. May sao lại ngay giờ
trưa, quan phủ nghỉ; Hà Đào mới vào quán trà đợi, gặp Tống Giang. Hà Đào
vô tình tiết lộ cho Tống Giang biết bọn cướp là Tiều Cái, Ngô Dụng... Tống
Giang lừa Hà Đào ngồi đợi, phóng ngựa như bay đến báo tin cho Tiều Cái.
Nhờ đó mà Tiều Cái có thời gian thu xếp việc nhà và cùng với các anh em hảo
hán thoát thân. Chính vì việc này mà sau khi lên Lương Sơn Bạc, Tiều Cái và
Ngô Dụng quyết mời Tống Giang lên tụ nghĩa cho bằng được. Sau khi Tống
Giang lên làm đầu lĩnh Lương Sơn Bạc, điểm lại thấy anh em có cả thảy 108
người, vui mừng khôn xiết, liền lập đàn tế trời đất. Đến ngày thứ 49 thì tự
nhiên trời nổi sấm rồi một luồng hào quang xé bầu trời xẹt xuống phía Nam.
Tống Giang cho người đào lên thì thấy một văn bia ghi chữ cổ, nhờ người
dịch ra thì ở đó ghi đầy đủ tên của 108 vị đầu lĩnh Lương Sơn Bạc. Tống
Giang rất mừng, đổi tên Tụ Nghĩa Sảnh thành Trung Nghĩa Đường. Rồi từ đó
tìm cách quy thuận triều đình. Sau khi được triều đình ân xá cho quy thuận.
Tống Giang cùng các anh hùng Lương Sơn Bạc lập được nhiều chiến công
hiển hách.

Cái Chết
Sau khi dẹp được giặc Phương Lạp, đầu lĩnh Lương Sơn Bạc chỉ còn 27
người về kinh đô. Tống Giang được phong chức quan cai trị ở Sở Châu. Do bị
gian thần hãm hại nên Tống Giang đã chết khi uống phải ngự tửu (rượu vua
ban) có thuốc độc. Thực ra Tống Giang đã biết trong rượu có độc, nhưng vì
rượu vua ban, không thể không uống, nên ông phải chết trong đắng nhục.
Chi tiết này càng thể hiện rõ rằng Tống Giang là một kẻ ngu trung, "một
mực theo triều đình".

Ngô Dụng (吴用) hay còn gọi là Trí Đa Tinh (智多星)


Giản thể (吴用)
Bính âm (Wu Yong)

Là một trong 36 Thiên Cang Tinh của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc trong
tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am. Ngô Dụng xếp ngôi thứ 3 trong 108 anh
hùng Lương Sơn Bạc. Ngô Dụng có túc trí đa mưu, về tài mưu lược quân sự
có thể ngang hàng Gia Cát Lượng và được Tiều Cái và Tống Giang trọng
dụng. Ngô Dụng là người đầu tiên phò tá Tiều Cái từ lúc mới thành lập
Lương Sơn.

Trong cuộc Nam chinh đánh Phương Lạp, Ngô Dụng bày mưu hiến kế, lập
được nhiều công trạng, được trao chức Thừa tuyên sứ quận Vũ Thắng. Khi
nghe tin Tống Giang và Lý Quỳ đã chết thì cùng Hoa Vinh treo cổ tự tử ở
đầm Lục Nhi-một nơi trông rất giống Lương Sơn Bạc.

Yến Thanh

Yến Thanh hay thường được gọi là Lãng Tử Yến Thanh là một nhân vật trong 36
Thiên Cang Tinh thuộc 108 anh hùng Lương Sơn Bạc của tiểu thuyết văn học cổ
điển Trung Hoa Thủy Hử của tác giả Thi Nại Am. Yến Thanh sinh tại Đại Danh
Phủ Bắc Kinh, mồ côi cha mẹ, được Lư Tuấn Nghĩa nhận làm gia nhân và hết mực
cưng chiều, coi như cánh tay phải. Yến Thanh là một người cao 6 thước, tuấn tú,
môi đỏ, mày rậm, giỏi võ thuật, đàn hát. Binh khí thường dùng là nỏ. Yến Thanh có
tài bắn tên, có thể cách xa 100 bước chân bắn xuyên cành liễu. Chức vụ ở Lương
Sơn Bạc là Bộ Quân Đầu Lĩnh.

Lâm Xung

Lâm Xung, ngoại hiệu Báo tử đầu là một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc của
tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am (có giả thuyết cho rằng đây là bút danh của La
Quán Trung). Lâm Xung là một trong 36 Thiên Cang Tinh.
Lâm Xung xuất hiện từ hồi 6, là một vị quan nhân đầu bịt khăn xanh mình mặc lạc
bào tay cầm quạt Tây Xuyên, đầu beo, mắt tròn, hàm én, râu cọp, mình cao tám
thước, niên kỷ chừng 34-35 tuổi.

Cùng với Quan Thắng, Tần Minh, Hô Duyên Chước, ông là một trong những người
có võ công cao cường nhất Lương Sơn Bạc, có kỹ thuật đánh Bát xà mâu cực kỳ
điêu luyện. Lâm Xung vốn có thù sâu với Cao Cầu, nhưng lần nào cũng không giết
được Cao Cầu. Sau khi đánh bại Phương Lạp, Lâm Xung bị bệnh cảm gió, Tống
Giang cho người chữa mãi không khỏi, bèn để Lâm Xung ở lại chùa Lục Hòa, giao
cho Võ Tòng chăm sóc. Nửa năm sau thì Lâm Xung qua đời.

Quan Thắng

Quan Thắng có biệt hiệu là Đại Đao là một trong 36 Thiên Cang Tinh, đã cùng với
hai phó tướng là Tuyên Tán và Hách Tư Văn gia nhập Lương Sơn Bạc.

Sau đó, triều đình phái hai viên mãnh tướng là Đan Đình Khuê và Ngụy Định Quốc
đến đánh Lương Sơn bạc, Quan Thắng đã trổ tài dụ tướng. Quan Thắng đã lập
nhiều chiến công trong trận đánh Phương Lạp. Khi về kinh được trao chức Tổng
quản Binh mã phủ Đại Danh. Sau này Quan Thắng đi thao luyện quân mã trở về,
nhân lúc say rượu, sẩy chân ngã ngựa, lâm bệnh rồi mất.

Hoa Vinh

Hoa Vinh , biệt hiệu Tiểu Lý Quảng là một nhân vật của Thủy Hử, tác giả Thi Nại
Am (có người cho rằng đây là bút danh của La Quán Trung), Hoa Vinh là một
trong 36 Thiên Cang Tinh Hoa Vinh được mọi người kính trọng do lòng trung
thành và lòng can đảm trong chiến đấu. Trong tiểu thuyết, Hoa Vinh là người có
môi đỏ thắm, răng trắng đẹp, mặt khôi ngô và trẻ trung, ngực nở nang, vai rộng.
Hoa Vinh là bạn tâm giao của Tống Giang. Hoa Vinh có tài bắn tên, có thể bắn đôi
lá liễu trong cách xa một 100 bước chân.

Hô Duyên Chước

Hô Duyên Chước , đôi khi phiên âm thành Hồ Diên Chước, là một trong 36 Thiên
Cang Tinh, sao Thiên Uy, biệt hiệu là Song Tiên - do ông chuyên dùng vũ khí là hai
ngọn roi thép.

Hô Duyên Chước đã cùng các tướng: Hàn Thao, Bành Kỷ, Lăng Chấn,... dưới lệnh
triều đình đi đánh Lương Sơn Bạc, các tướng ấy đầu bị bắt và quy hàng Lương Sơn
Bạc. Hô Duyên Chước cũng bị Ngô Dụng sai Quách Thịnh đặt bẫy bắt sống và trở
thành một trong 108 vị anh hùng Lương Sơn. Sau đó, Hô Duyên Chước mời Đại
Đao Quan Thắng cùng tụ nghĩa.

Sau khi được chiêu an, Hô Duyên Chước đã lập được rất nhiều công lao cho Lương
Sơn Bạc như đẩy lui giặc Liêu, bắt sống tướng Liêu Ngột Nhan Diên Thọ, bình định
hai cuộc khởi nghĩa của Điền Hổ, Vương Khánh. Sau đó, Hô Duyên Chước lại theo
Tống Giang tiêu diệt Phương Lạp ở Giang Nam, khi trở về Hô Duyên Chước được
vua phong chức Binh mã chỉ huy sứ Ngự doanh.

Về sau, quân Kim sang xâm lược nhà Tống do Ngột Truật cầm đầu truy kích vua
Tống Cao Tông, Hô Duyên Chước lúc này đã ở ẩn tại huyện Hải Điểm, địa phận
Bình Giang đã cứu giá, chiến đấu với Ngột Truật để bảo vệ vua Tống. Nhưng không
may, Hô Duyên Chước do tuổi cao sức yếu nên đã tử trận. Sau đó vua Tống Cao
Tông đã phải bỏ chạy và đi tìm Nhạc Phi ở Ngưu Đầu Sơn.

Sài Tiến

Sài Tiến (bính âm: Chái Jìn), biệt danh là 'Tiểu Toàn Phong' (Cơn lốc nhỏ), người
Hoành Hải quận, Thương Châu, là nhân vật dòng dõi quý tộc và bí ẩn trong tác
phẩm văn học cổ điển Trung Quốc Thủy Hử. Sài Tiến là một trong 36 Thiên Cang
Tinh. Dù là một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, nhưng Sài Tiến là người có
dòng máu hoàng tộc: Sài Tiến là cháu đích tôn của Sài Vinh tức Chu Thế Tông,
hoàng đế nhà Đại Chu trong thời Ngũ Đại Thập Quốc.

Lý Quỳ

Lý Quỳ là một nhân vật trong tiểu thuyết Thủy Hử Truyện của Thi Nại Am (mà
một số người cho là bút danh của La Quán Trung). Cùng với Lỗ Trí Thâm, và Võ
Tòng, Lý Quỳ là một trong những người khỏe nhất của 108 anh hùng Lương Sơn
Bạc, nhưng cũng là nhân vật lỗ mãng nhất ở Lương Sơn Bạc. Với biệt danh Hắc
Toàn Phong (Gió Lốc Đen) hay Thiết Ngưu (Bò Sắt), Lý Quỳ (cao 1,81 m) ít khi lên
chiến mã xung trận. Lý Quỳ dùng đôi rìu để triệt hạ kẻ thù. Dù bên ngoài lỗ mãng
và hung hăng, Lý Quỳ rất mực trung thành và tín nghĩa. Lý Quỳ thường uống rượu
rất nhiều và thường đánh bại kẻ thù khi đang say. Nhân vật Lý Quỳ có nhiều nét
tương đồng với Trương Phi trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác giả La Quán
Trung. Trong chuyện Hậu Thủy Hử, sau khi triệt hạ Phương Lạp, Lý Quỳ cùng một
số anh hùng còn lại của Lương Sơn Bạc được làm quan, rồi sau này tự vẫn cùng
Tống Giang và Hoa Vinh.

Lỗ Trí Thâm

Lỗ Trí Thâm , biệt hiệu là Hoa Hòa Thượng là một nhân vật trong tiểu thuyết văn
học cổ điển Trung Hoa Thủy Hử của tác giả Thi Nại Am (có giả thuyết cho rằng đây
là bút danh của La Quán Trung). Lỗ Trí Thâm là một trong 108 anh hùng Lương
Sơn Bạc, một trong 36 Thiên Cang Tinh, sao Thiên Cô Tinh.

Lỗ Trí Thâm tên thật là Lỗ Đạt, vốn làm chức Đề hạt ở Đông Kinh, được mô tả là
người lực lưỡng, mặt tròn tai lớn, mũi thẳng mồm vuông, hai bên mép có một hàng
râu xoăn xoăn, mình cao tám thước, vai rộng đầy ôm, cách ăn mặc ra dáng một tay
quan võ. Ông quen biết với Cửu Văn Long-Sử Tiến, Đả Hổ Tướng-Lý Trung, Tiểu
Bá Vương-Chu Thông, vì giết Trấn Quan Tây-Trịnh Đồ nên bị truy nã, phải cắt tóc
đi tu trên núi Ngũ Đài Sơn, làm môn đệ của trưởng lão Trí Chân.

Ông có sức khỏe cường tráng, nhổ bật gốc dương liễu ở trước chùa Trấn Quốc. Lâm
Xung thấy thế rất mến, hai người kết làm bạn. Lỗ Trí Thâm làm nhiều ơn nghĩa đối
với Lâm Xung. Sau này ông cùng Thanh Diện Thú-Dương Chí, Thao Đao Quỷ-Tào
Chính cướp chùa Bảo Châu trên núi Nhị Long Sơn, chiêu nạp hảo hán. Về sau tất
cả cùng lên Lương Sơn Bạc. Sau khi cùng Võ Tòng bắt sống Phương Lạp, ông và Võ
Tòng muốn ở luôn tại chùa Lục Hòa để tu.
Một tối hai người đang ngủ say thì Lỗ Trí Thâm nghe thấy tiếng sóng triều tín trên
sông Tiền Đường, tưởng là quân địch liền chạy ra, gặp các sư, được giải thích cho về
sóng triều tín, ông mới nhớ lại 4 câu thơ mà sư phụ ông-trưởng lão Trí Chân đã nói
cho ông (Phùng Hạ nhi cầm-Gặp Hạ thì bắt-ông đã bắt sống tướng Hạ Hầu Thành
của Phương Lạp; Ngộ Lạp nhi chấp-Gặp Lạp thì trói-ông đã bắt trói Phương Lạp;
Thính triều nhi viên, Kiến tín nhi tịch-Nghe tiếng triều tín, đến lúc viên tịch), rồi
ông viên tịch (chết) ngay tối hôm đó

Võ Tòng

Võ Tòng hay Vũ Tùng, ngoại hiệu Hành giả, là một trong 108 anh hùng Lương Sơn
Bạc trong Thủy Hử Truyện. Võ Tòng cũng xuất hiện trong Kim Bình Mai- một tác
phẩm dựa trên câu chuyện của Thủy Hử, và một số tác phẩm khác.
Võ Tòng xuất thân từ huyện Thanh Hà, phủ Đông Bình, tỉnh Sơn Đông. Từ nhỏ mồ
côi cha mẹ và được anh ruột là Võ Đại Lang nuôi dạy. Ông là người tráng kiện, oai
hùng, mắt sáng như sao, mày ngài, ngực rộng, cơ bắp cuồn cuộn, cao 8 trượng. Từ
nhỏ Võ Tòng đã mê luyện võ thuật, sư phụ ông là Chu Đồng, một vị đại sư Thiếu
Lâm tự. Lớn lên ông có võ nghệ cao cường, thường hay uống rượu, thích hành hiệp
trượng nghĩa, nổi tiếng là con người nghĩa khí.
Võ Tòng còn nổi tiếng nghĩa hiệp với câu chuyện "Võ Tòng sát tẩu" (Võ Tòng giết
chị dâu) sau đây:
Anh trai Võ Tòng tên Võ Đại Lang làm nghề bán bánh hấp, là người lùn, dung mạo
xấu xí nhưng có vợ là Phan Kim Liên rất đẹp nhưng cũng rất đa tình. Nhân dịp Võ
Tòng về thăm anh, Phan Kim Liên thấy hình dung tuấn kiệt, mấy lần đòi tư thông
với Võ Tòng nhưng đều bị cự tuyệt.
Sau đó Võ Tòng có việc phải đi xa, Phan Kim Liên ở nhà lựa lúc Võ Đại Lang đi bán
bánh, tư thông với tên nhà giàu Tây Môn Khánh. Việc bị Võ Đại Lang phát hiện,
hai người bày mưu rồi giết hại Võ Đại Lang. Vài ngày sau khi Võ Đại chết, Võ Tòng
quay về, nghe tin dữ liền đi báo quan. Nhưng quan sợ uy thế của Tây Môn Khánh,
không dám xử. Thế là Võ Tòng, trước tiên tìm tới nhà giết chết Tây Môn Khánh cho
hả giận, rồi mới tự mình đi tìm chứng cứ điều tra. Cuối cùng dưới sự chứng kiến
của 3 người hàng xóm, ông ép Phan Kim Liên khai nhận tội rồi mổ bụng, cắt đầu ả,
đem ruột và đầu lên tế vong linh anh trai mình.

Sau vụ này, Võ Tòng bị khép tội giết người, trên đường đi lưu đày, ông trốn thoát,
gặp Lỗ Trí Thâm và cả hai cùng ý lên Lương Sơn Bạc, nhập bọn với Tống Giang,
Tiều Cái.

Sử Tiến

Sử Tiến là một nhân vật trong tác phẩm Thuỷ hử, một trong tứ đại danh tác của
văn học Trung Hoa.

Sử Tiến ở Sử gia trang thuộc phủ Duyên An. Từ nhỏ ông đã ham mê võ nghệ hơn
các công việc nhà nông. Ông hay xăm hoa trên mình, cùng với chín con rồng, vì thế
có tên hiệu là Cửu văn long (Chín con rồng xăm).

Trong phần đầu của tác phẩm, Vương Tiến, một giáo đầu cấm quân, do chống lại
lệnh của thái uý Cao Cầu nên bị truy nã. Trên đường bỏ trốn ông đến Sử gia trang.
Vương Tiến và Sử Tiến đã có cuộc đấu võ mà phần thắng thuộc về Vương Tiến. Sử
Tiến rất khâm phục võ nghệ của Vương Tiến nên bái ông làm sư phụ dạy võ nghệ.
Sau vài tháng, Vương Tiến thấy võ nghệ của Sử Tiến có tiến bộ vượt bậc nên từ giã.
Gần Sử gia trang có núi Hoa Sơn, ở đó có một toán cướp. Một lần, một tướng cướp
là Trần Đạt dẫn quân tấn công Sử gia trang, nhưng bị Sử Tiến đánh bại và bị bắt.
Anh em kết nghĩa với Trần Đạt là Chu Vũ và Dương Xuân đến cầu xin Sử Tiến thả
Trần Đạt. Sử Tiến cảm động và tha Trần Đạt. Từ đó, Sử Tiến với ba người kia trở
thành thân thiết. Hai bên thường gửi quà và mở tiệc đãi nhau.
Sau một buổi tiệc, một trong những gia nhân của Sử Tiến say rượu, trở về từ sào
huyệt của nhóm cướp. Một thợ săn tên Lý Cát bắt gặp anh ta. Do hám tiền, tay thợ
săn đã dò hỏi và lấy được lá thư của băng cướp gửi Sử Tiến. Hắn đem nộp lá thư
cho quan huyện và tố cáo Sử Tiến câu kết với giặc cướp. Quan huyện lập tức cử lính
đến tấn công Sử gia trang, nhưng do đã biết trước nên Sử Tiến cùng với sự giúp đỡ
của toán cướp đã đánh bại quân lính, sau đó đốt Sử gia trang và trốn lên Hoa Sơn.
Sử Tiến từ chối việc gia nhập băng cướp, đến Vị Châu và làm quen với Lỗ Trí
Thâm. Sau khi Lỗ Trí Thâm bị trục xuất khỏi chùa Ngũ Đài, gặp lại Sử Tiến và cả
hai trừ diệt được toán cướp đội lốt thầy tu của Thôi Đạo Thành và Khưu Tiểu Ất.

Sử Tiến trở lại Hoa Sơn. Ông tìm cách cứu con gái của một thợ vẽ tên Vương Nghĩa
do Hạ thái thú bắt ép làm thiếp, bằng cách ám sát hắn ta. Tuy nhiên việc bất thành ,
Sử Tiến bị bắt. Lỗ Trí Thâm đến tận dinh thái thú cứu bạn cũng bị bắt nốt. Sau đó,
các hảo hán Lương Sơn đóng giả Tú thái uý, đánh lừa Hạ thái thú và giết hắn, cứu
hai người. Sử Tiến trở thành đầu lĩnh trên Lương Sơn.

Trong trận đánh phủ Đông Bình, Sử Tiến tình nguyện vào thành do thám, tuy nhiên
bị phát hiện và bị bắt. Khi quân Lương Sơn tấn công vào thành mới cứu được ông
ra.

Sử Tiến trở thành một trong 8 tướng kị binh tiên phong của Lương Sơn Bạc và một
trong 36 Thiên Cương Tinh. Khi quân Lương Sơn quy thuận triều đình, ông cũng
tham dự các trận đánh quân Liêu và các lực lượng nổi dậy khác, góp nhiều công lớn
cho triều đình nhà Tống. Trong trận đánh Phương Lạp, Sử Tiến chết khi trúng tên
của Bàng Vạn Xuân tại ải Dục Linh.

Thời Thiên

Thời Thiên còn gọi là Thì Thiên , quê ở Cao Đường Châu. Thì Thiên có tướng mạo
xấu, nhưng mạnh khỏe và nhanh nhẹn, nhanh trí và di chuyển rất nhanh. Sau này
ông đi Kế Châu và lấy nghề trộm cắp mưu sinh. Do có tài ăn trộm nên được mọi
người gọi là Cổ Thượng Tảo .
Trong một lần ăn trộm, bị bắt vào ngục, nhưng được Dương Hùng cứu vớt. Sau đó,
Dương Hùng và anh kết nghĩa là Thạch Tú giết vợ và tên dâm tăng Bùi Như Hải,
rồi quyết định lên Lương Sơn Bạc. Thời Thiên đào trộm mộ cổ ở đó liền dọa sẽ báo
cho quan phủ biết Dương Hùng giết người nếu không cho anh ta theo. Trên đường
đến Lương Sơn, họ nghỉ tại một tửu điếm ở núi Độc Long Cương dưới sự quản lí
của Chúc Gia Trang. Thì Thiên trộm con gà báo thức rồi bị họ Chúc bắt.Anh em
Dương-Thạch bèn nhờ Lý Ứng-Trang chủ Lí Gia Trang phía Đông Độc Long
Cương-cùng với Đỗ Hưng-một người khi trước chịu ơn Dương Hùng, đang làm
Tổng quản Lí Gia Trang-cứu giúp, nhưng thất bại. Lý Ứng bị thương, Dương Hùng
bèn đi gấp đến Lương Sơn nhờ Tống Giang và được làm đầu lĩnh. Cuối cùng, khi
Chúc Gia Trang và Hổ Gia Trang thất thủ, Thì Thiên được giải cứu.

Thì Thiên có vai trò quan trọng trong việc đưa Từ Giáo Sư lên Lương Sơn. Thì
Thiên đã đến Khai Phong ăn trộm Kiểm Đường Nghệ-bảo giáp gia truyền của Từ
gia-dẫn dụ Từ Ninh lên Lương Sơn. Từ Ninh đã giúp Lương Sơn đánh bại Liên
Hoàn Mã của Bành Dĩ và Hô Duyên Chước.

Sau trận Đông Bình, Thì Thiên trở thành lãnh đạo thứ 107 của Lương Sơn, chỉ
trước Đoàn Cảnh Trụ. Thì Thiên là một trong 72 Địa Sát, làm Bộ Quân Đầu lĩnh, lo
phi báo các việc cơ mật. Sau này cùng Tống Giang nhận chiếu chỉ Chiêu an, đánh
dẹp Liêu, Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp, là một trong số những người may
mắn sống sót trở về.

Chu Vũ

Thần Cơ quân sư Chu Vũ là một nhân vật trong tiểu thuyết văn học cổ điển Trung
Hoa Thủy Hử của tác giả Thi Nại Am (có giả thuyết cho rằng đây là bút danh của
La Quán Trung). Ông vốn cùng với Trần Đạt và Dương Xuân là giặc cỏ, sau kết bạn
với Cửu Văn Long Sử Tiến, rồi cả 4 người được Lỗ Trí Thâm giới thiệu vào Lương
Sơn Bạc.

Trong trận đánh Phương Lạp, do được giao trọng trách làm quân sư cho Ngọc Kỳ
Lân Lư Tuấn Nghĩa, đã bày mưu đặt mẹo giúp Lư Tuấn Nghĩa thắng trận. Sau đó
cùng Phan Thụy theo Công Tôn Thắng học đạo tu luyện.

Chu Đồng

Chu Đồng , có biệt hiệu Mỹ Nhiệm Công , là một trong 36 Thiên Cang Tinh của tiểu
thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am. Chu Đồng có khuôn mặt vóc dáng rất giống Quan
Vũ. Võ công cũng khá, làm chức Đô đầu.

Do giải cứu Lôi Hoành mà Chu Đồng bị đi đày, lại bị Ngô Dụng bày kế hãm hại giết
chú nhóc con quan mà cuối cung Chu Đồng phải khăn gói lên Lương Sơn làm giặc
cướp.

Lý Ứng

Lý Ứng có biệt hiệu là Phác Thiên Bằng, là một trong 36 Thiên Cang Tinh trong
tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am, Lý Ứng sử dụng vũ khí kiếm và phi đao, cưỡi
ngựa bắn cung môn nào cũng xuất sắc. Là một địa chủ giàu có, có tinh thần nghĩa
hiệp tương thân tương ái "giang hồ". Tiêu biểu cho khí khái anh hùng xả thân vì
chiến hữu. Là một trong 108 anh hùng Lương Sơn có võ nghệ giỏi nhất. Trong cuộc
đụng độ vũ trang giữa Lương Sơn bạc với Chúc gia trang, Lý Ứng đã không tham
gia và bị thương do trợ giúp Thạch Tú, Dương Hùng, Thời Thiên.
Lý Ứng đã bị Tống Giang lôi kéo lên Lương Sơn sống cuộc đời lạc thảo.

Đái Tông

Đới Tung, còn gọi là Đái Tôn hay Đái Tông, biệt hiệu Thần Hành Thái Bảo - là một
nhân vật trong truyện Thủy Hử. Trong truyện, ông có phép thần hành, đeo một
chiếc giáp mã vào chân có thể đi 200 dặm một ngày, đeo 2 chiếc giáp mã có thể đi
400 dặm , 1 ngày đeo 4 chiếc giáp mã có thể đi 800 dặm. Trước khi gặp Tống Giang,
Đới Tung làm coi ngục ở Giang Châu, cùng với Lý Quỳ bảo vệ Tống Giang an toàn
về Lương Sơn Bạc. Ông đã giúp cho nghĩa quân Lương Sơn Bạc thám thính tình
hình quân giặc, đặc biệt là trong trận đánh với Chúc Gia Trang, Tăng Đầu thị, quân
Phương Lạp.

Nguyễn Tiểu Thất

Nguyễn Tiểu Thất biệt hiệu là Hoạt Diêm La - một nhân vật trong truyện Thủy Hử.
Là một trong 36 sao Thiên Sát, Nguyễn Tiểu Thất thuộc sao Thiên Bại Tinh. Ông là
người nóng tính, nhưng rất cương trực, đã cùng với một số đầu lĩnh thủy quân
Lương Sơn lập công to khi Cao Cầu tiến quân vào đánh Lương Sơn Bạc. Trong
ngày vui chiến thắng quân Phương Lạp, Tiểu Thất đã cưỡi ngựa và mặc hoàng bào
của vua Phương Lạp vui đùa cùng binh sĩ. Khi nhập kinh phong thưởng, Cao Cầu
đã tấu lên vua Tống Huy Tông chuyện này. Vì thế Tiểu Thất bị tước hết mọi quan
chức, phế thành dân thường, nhận tiền bạc và về quê.

Từ Ninh

Từ Ninh là một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử của Thi
Nại Am. Từ Ninh là một trong 36 Thiên Cang Tinh, biệt hiệu là Kim Sang Thủ, sao
Thiên Hữu Tinh.

Khi Lương Sơn Bạc đánh nhau với Hô Duyên Chước, vì Hô Duyên Chước dùng
ngựa sắt nên Lương Sơn Bạc không phá được, lúc này có một đầu lĩnh là Thang
Long đã giới thiệu Từ Ninh cho Lương Sơn Bạc. Ngô Dụng đã bày kế ăn cắp chiếc
áo giáp quý của Từ Ninh để dụ ý lên Lương Sơn Bạc. Trong trận đánh Phương Lạp,
vì muốn cứu Mộc Tĩnh Canh - Hác Tư Văn, nên Từ Ninh đã bị trúng tên độc, nửa
tháng sau thì qua đời.

Trương Thuận

Trương Thuận , là một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc và trong 36 Thiên Cang
Tinh, biệt hiệu là Lãng Lý Bạch Điều , Thiên Tổn Tinh. Cùng anh là Trương Hoành
gia nhập Lương Sơn Bạc. Trương Thuận giỏi chiến đấu dưới nước, là một trong 6
đầu lĩnh thủy quân của Lương Sơn Bạc. Trong trận đánh Phương Lạp, Trương
Thuận đã liều mình nhảy qua cửa ải giặc và hy sinh.

Trương Thanh

Trương Thanh là một trong 36 Thiên Cang Tinh nằm trong 108 anh hùng Lương
Sơn Bạc, sao Thiên Tiệp Tinh, biệt hiệu là Một Vũ Tiễn , có biệt tài ném đá rất cao
cường.

Đánh một lúc 14 viên tướng của Tống Giang (Từ Ninh, Yến Thuận, Hàn Thao,
Bành Kỷ, Hồ Diên Chước, Lôi Hoành, Chu Đồng, Dương Chí, Quan Thắng, Hắc Tử
Văn, Đổng Bình, Sách Siêu, Tuyên Tần, Lưu Đường). Lại có thêm hai viên phó
tướng là Cung Vương và Đình Đắc Tôn. Cả ba người bị Ngô Dụng bày mưu bắt và
đầu hàng Lương Sơn Bạc.

Trong trận đánh Điền Hổ, Trương Thanh đã giả dạng một người khác và đột nhập
vào quân Điền Hổ, rồi lấy Quỳnh Anh và hai người làm nội ứng. Thành công mĩ
mãn.

Khi đi đánh Phương Lạp, Trương Thanh và Đổng Bình cùng nhau ra trận đánh báo
thù cho Tiểu Bá Vương-Chu Thông. Đổng Bình đánh một lúc ba tướng, Trương
Thanh thấy thế xông vào thì bị một viên tướng đánh chặn lại, Trương Thanh phóng
ngọn giáo vào viên tướng ấy thì lại trúng vào thân cây, Trương Thanh đang định
rút ra thì bị viên tướng đó đâm chết.

Công Tôn Thắng


Công Tôn Thắng , bí danh là "Nhập Vân Long", là một nhân vật trong tiểu thuyết
Thủy Hử - một tác phẩm văn học cổ điển thuộc một trong Tứ Đại Danh Tác của tác
giả Thi Nại Am, Trung Quốc. Công Tôn Thắng là một trong 36 Thiên Cang Tinh,
108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Công Tôn Thắng là đạo sỹ của Toàn Chân Đạo.

Lúc quân Lương Sơn chuẩn bị đi đánh Phương Lạp, Công Tôn Thắng đã bỏ đại
quân phiêu bạt giang hồ, sau này truyền đạo cho Phàn Thụy, Chu Vũ, cả ba cùng
vân du, tu tiên.

Tần Minh

Tần Minh là một nhân vật trong truyện Thủy hử của Thi Nại Am, có biệt hiệu là
Tích Lịch Hỏa do tính cách nóng như lửa. Tần Minh cũng thuộc vào một trong 36
Thiên Cang Tinh là Thiên Mãnh Tinh. Tần Minh có tài sử dụng cây Lang nha côn
rất thiện nghệ, sức khỏe muôn người khó địch nổi, trước làm Thống chế ở phủ Thái
Châu, sau biết tin Hoa Vinh theo Tống Giang lên Lương Sơn thì hết sức tức giận, và
được tri phủ Thái Châu cho đi bắt Hoa Vinh, nhưng lại thất bại và chịu theo Tống
Giang lên Lương Sơn tụ nghĩa. Tần Minh lập rất nhiều công to ở Lương Sơn như
trong trận đánh Chúc Gia Trang, Tần Minh đánh Chúc Bưu bị thương. Trong trận
đánh thành Tăng Đầu đã giết chết một trong năm anh em họ Tăng là Tăng Sách,
tuy nhiên, ông cũng bị thọ thương khi giao đấu với Sử Văn Long- chiến tướng giỏi
nhất của quân Tăng Đầu Thị.

Sau khi Tống Giang quy thuận triều đình đi đánh Phương Lạp, trong một trận
đánh qua núi Ô Long (còn gọi là Ô Long Lĩnh ), Tần Minh nằm trong toán quân
của Lư Tuấn Nghĩa theo đường hẻm núi đánh tắt vào thành quân Phương Lạp ,
trong khi đại quân do Tống Giang chỉ huy tiến công theo đường chính và đánh
chính diện. Mục đích của quân Lương Sơn là tận dụng thời gian khi quân triều đình
chưa kịp tới tranh công để hạ dứt điểm một trong những thành trì cuối cùng của
quân Phương Lạp. Tuy vậy, họ không ngờ đã bị đối phương mai phục ở đường hẻm,
quân của Lư Tuấn Nghĩa thua to. Trong trận này, Tần Minh bị giết chết.

Đổng Bình

Đổng Bình, ngoại hiệu là Song Thương Tướng, ngồi ghế thứ 15 trong 108 anh hùng,
thuộc sao Thiên Lập Tinh, là người Đảng Quận phủ Hà Đông, làm chức Binh mã Đô
giám dưới trướng Thái thú Phủ Đông Bình là Trình Vạn Lý, khiến hai cây thương
rất giỏi, sức khoẻ muôn người không địch nổi. Sau quân Tống Giang đánh Phủ
Đông Bình, thấy Đổng Bình khỏe quá muốn dùng mẹo bắt sống ,Đổng Bình trúng kế
chạy về Thọ Xuân, bị bắt sống, rồi hàng Tống Giang.
Sau này qua Giang Nam đánh Phương Lạp, Lư Tuấn Nghĩa kéo đến ải Độc Tùng,
sai Âu Bằng, Đặng Phi, Lý Trung, Chu Thông leo lên núi dò đường, gặp tướng giặc
là Lệ Thiên Nhuận, vì muốn báo thù cho anh là Lệ Thiên Hựu bị Lữ Phương đâm
chết, nên thả quân tấn công 4 tướng, Chu Thông bị chém chết, các tướng khác cũng
mang thương tích cố đánh rút chạy về trại. Đổng Bình tức giận muốn đánh báo thù
cho Chu Thông liền thúc ngựa đến trước cửa ải lớn tiếng quát mắng tướng giặc.
Quân giặc từ trong cửa ải bắn hoả pháo xuống, đạn lửa rơi sát người làm cho Đổng
Bình bỏng cháy cánh tay trái, phải quay về doanh trại. Vì thế Đổng Bình phải buộc
thuốc bó nẹp gỗ ở tay không cầm thương được. Dù vậy, ngay ngày hôm sau Đổng
Bình lại định lên núi đánh báo thù, Lư Tuấn Nghĩa phải khuyên can mãi mới chịu
nghe. Hôm sau nữa, thấy vết thương đã đỡ đau, Đổng Bình không báo cho Lư Tuấn
Nghĩa biết, bàn riêng với Trương Thanh rồi hai người đi bộ lên trước cửa ải thách
đánh. Lệ Thiên Nhuận và Trương Thao liền mở cửa ải ra giao chiến. Đổng Bình
muốn bắt sống Lệ Thiên Nhuận liền nâng thương xông đến chặn đánh. Lệ Thiên
Nhuận cũng dùng thương dài xông đến đánh Đổng Bình. Hai người giao chiến hơn
mười hiệp. Đổng Bình sốt ruột muốn báo thù, không ngờ tay trái còn đau không
cầm thương được đành phải lui xuống núi. Lệ Thiên Nhuận đuổi theo xuống quá
cửa ải, Trương Thanh dồn sức đâm tới, nhưng Lệ Thiên Nhuận kịp né người ra sau
cây thông tránh được. Ngọn giáo trong tay Trương Thanh cắm phập vào gốc thông.
Trương Thanh dùng hết sức nhưng không nhổ giáo ra được, bị Lệ Thiên Nhuận
phóng thương đâm trúng ngực ngã gục tại chỗ. Đổng Bình thấy Trương Thanh bị
giết vội múa song thương đến đánh, không ngờ lúc ấy Trương Thao từ phía sau lia
ngang một đao chém Đổng Bình đứt đôi làm hai đoạn.

Dương Chí

Dương Chí, ngoại hiệu là Thanh Diện Thú, sao Thiên Âm Tinh, ngồi ghế thứ 17
trong Lương Sơn Bạc, cháu Ngũ hầu Dương Lệnh Công nổi tiếng, là dòng dõi ba đời
cửa Dương gia tướng, lưu lạc ở Quan Tây. Khi còn ít tuổi có thi võ cử, rồi làm đến
chức Điện Tư Chế sứ quân, sau được giao nhiệm vụ tải đá hoa về nộp kinh sư.
Chẳng may đi đến giữa sông Hoàng Hà, bị cơn phong ba đánh đắm thuyền, mất cả
đá hoa cho nên phải trốn đi nơi khác, mà không dám về kinh nữa. Sau khi đánh
nhau với Lâm Xung ở Lương Sơn Bạc, được triều đình ân xá, nhưng bị Cao Cầu
đuổi ra, Dương Chí mới đi bán bảo đao, giết Ngưu Nhị rồi lên đầu thú, bị đày đi Đại
danh phủ, được Lưu thủ Lương Trung thư - con rể Thái sư Sái Kinh yêu mến, đưa
về hầu hạ dưới trướng, rồi Lương trung thư mở sảnh diễn võ cho Dương Chí có cơ
hội trổ tài. Dương Chí đánh nhau kịch liệt với Cấp Tiên Phong-Sách Siêu, rồi 2
người kết làm bạn, Dương Chí nhờ có võ công cao cường, được thăng lên võ quan,
làm chức Đề hạt. Sau đi vận chuyển châu báu chúc thọ Sái Kinh, uống phải thuốc
mê của Bạch Thắng, bị Tiều Cái, Ngô Dụng, Lưu Đường...cướp hết số châu báu.
Dương Chí định tự tử thì gặp Thao Đao Quỷ-Tào Chính rủ đi cướp lấy chùa Bảo
Châu trên núi Nhị Long Sơn, lại gặp Hoa Hòa Thượng-Lỗ Trí Thâm, cùng cướp
chùa Bảo Châu, lấy đó làm nơi an thân. Sau này chiêu nạp được thêm Võ Tòng,
Trương Thanh, Tôn Nhị Nương, Thi Ân, tất cả cùng lên Lương Sơn Bạc. Sau này
đánh Phương Lạp, Dương Chí bị bệnh mà mất.

Từ Ninh

Từ Ninh là một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử của Thi
Nại Am. Từ Ninh là một trong 36 Thiên Cang Tinh, biệt hiệu là Kim Sang Thủ, sao
Thiên Hữu Tinh.

Khi Lương Sơn Bạc đánh nhau với Hô Duyên Chước, vì Hô Duyên Chước dùng
ngựa sắt nên Lương Sơn Bạc không phá được, lúc này có một đầu lĩnh là Thang
Long đã giới thiệu Từ Ninh cho Lương Sơn Bạc. Ngô Dụng đã bày kế ăn cắp chiếc
áo giáp quý của Từ Ninh để dụ ý lên Lương Sơn Bạc. Trong trận đánh Phương Lạp,
vì muốn cứu Mộc Tĩnh Canh - Hác Tư Văn, nên Từ Ninh đã bị trúng tên độc, nửa
tháng sau thì qua đời.

Sách Siêu

Sách Siêu (Tác Siêu) , là một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy
Hử của Thi Nại Am. Sách Siêu là một trong 36 Thiên Cang Tinh, biệt hiệu là Cấp
Tiên Phong, sao Thiên Không Tinh. Vốn là bạn thân của Thanh Diện Thú - Dương
Chí.

Trong lần đánh Phương Lạp, Sách Siêu đánh nhau với dũng tướng Thạch Bảo.
Thạch Bảo không đánh đổ được Sách Siêu vờ bỏ chạy, Sách Siêu không biết là mẹo
bèn đuổi theo bị Thạch Bảo đánh lén một chùy vào đầu chết tươi.

Lưu Đường

Lưu Đường, ngoại hiệu là Xích Phát Quỷ, mang sao Thiên Dị Tinh, ngồi ghế thứ 20
trong số các hảo hán Lương Sơn Bạc. Ông tóc đỏ, râu đỏ, hình dung kỳ vĩ, là người
có sức mạnh. Khi qua thôn Đông Khê tìm Tiều Cái để thông báo về chuyến hàng áp
tải châu báu chúc thọ Thái sư Sái Kinh do Thanh Diện Thú-Dương Chí đảm nhiệm,
uống rượu say nằm ngủ tại Linh Quan Điện, bị Sáp Sí Hổ-Lôi Hoành bắt vì tưởng là
cướp, Tiều Cái muốn giải thoát, nên giả vờ gọi Lưu Đường là cháu, Lôi Hoành thấy
là cháu của Tiều Cái thì thả ra. Sau khi cướp số châu báu chúc thọ Sái Kinh, Lưu
Đương cùng Tiều Cái, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng, 3 anh em họ Nguyễn rủ nhau
lên Lương Sơn Bạc, đồng mưu với Lâm Xung giết chết Vương Luân, lập Tiều Cái
làm chủ sơn trại. Sau này khi đi đánh Phương Lạp, Lư Tuấn Nghĩa dẫn bọn Lâm
Xung đem quân đánh vào cửa Hầu Triều, người ngựa đến gần thành thì thấy cửa
không đóng, cầu treo không rút. Thành Hàng Châu do Tiên vương xây dựng, cửa
thành đều xây theo kiểu ba lớp : lớp cửa ngoài có cánh cửa treo, lớp cửa giữa có hai
cánh lớn bằng sắt, trong cùng lại một lớp cửa rào nữa. Lưu Đường muốn lập công
đầu, vội vác đao thúc ngựa xông thẳng vào thành. Lưu Đường vừa lọt vào lớp cửa
ngoài, quân giữ thành thấy Lưu Đường phi ngựa vào, liền chặt đứt dây treo cánh
cửa ngoài, cánh cửa ngoài sập xuống, hai bên có quân giặc mai phục sẵn. Lưu
Đường cả người lẫn ngựa đều rơi chết dưới cửa hào.

Mục Hoằng

Mục Hoằng là một nhân vật trong tiểu thuyết Thủy Hử. Ông là vị anh hùng đứng
thứ 24 trong tổng số 108 anh hùng ở Lương Sơn Bạc, theo nguyên tác của Thi Nại
Am và La Quán Trung thì ông là do sao Thiên Cứu, một trong số 36 sao Thiên
Cương giáng thế. Ông là anh trai của Tiểu Già Lan (che giấu chút ít) Mục Xuân
(cũng là một trong số 108 anh hùng Lương Sơn,Địa Trấn Tinh),ông mamg hiệu Một
Già Lan (không che giấu). Hai anh em ông có một gia trang lớn ở Trấn Yết
Dương,Mục Gia Trang là một trong Tam Bá ở Trấn Yết Dương. Một lần Bệnh Đại
Trùng Tiết Vĩnh (sau này là Bộ quân phó tướng của trại Thuỷ Hử, giữ mệnh sao
Địa U)tới Trấn Yết Dương để mãi võ kiếm tiền do không vào ra mắt anh em họ Mục
nên Mục Xuân cấm tất cả người dân không ai được cho tiền, người dân sợ uy thế
anh em họ Mục nên chỉ đứng xem diễn võ mà không ai cho Tiết Vĩnh một đồng nào.
Vừa thay lúc đó Tống Giang bị đi đày sang Giang Châu qua đó dừng lại xem Tiết
Vĩnh diễn võ, có mang tiền trong túi liền cho Tiết Vĩnh 5 lạng bạc.Mục Xuân thấy
vậy liền gây sự toan đánh Tống Giang, bị Tiết Vĩnh đánh cho thua phải bỏ chạy về.
Mục Hoằng biết truyện tức giận liền hạ lệnh cho tất cả nhà nhà trong trấn không ai
được cho Tống Giang ở trọ qua đêm rồi cho người lùng bắt Tiết Vĩnh. Tống giang đi
tìm chỗ nghỉ nhờ không may lại lọt vào Mục gia trang, gặp đúng lúc Mục Hoằng
đang tức giận liền cùng hai vị công sai bỏ đi. Bị anh em họ Mục truy đuổi, 3 người
lại suýt mất mạng trong tay Thuyền Hoả Nhi Trương Hoành (thuỷ quân đầu lĩnh
của Lương Sơn sau này, Thiên Bình Tinh), may sao có bọn Lí Tuấn đến kịp cứu
được. Gặp được Cập thời vũ Tống Công Minh, anh em họ Mục và Trương Hoành
vui mừng vô cùng. Sau này khi 17 vị hảo hán Lương Sơn cướp pháp trường Giang
Châu cứu Tông Giang và Đới Tung, anh em Mục Hoằng cùng với anh em họ
Trương, anh em học Đồng,Lí Tuấn, Lí Lập, Tiết Vĩnh đến ứng cứu.Khi lên Lương
Sơn ông tham gia nhiều trận đánh nổi tiếng như Tam đả Chúc gia trang,Đại chiến
Hô Diên Chước,Đại phá phủ Đại Danh.Lúc tụ họp đử 108 anh hùng, ông được giữ
chức vị Mã quân bát hổ tiên phong sứ.Sau khi quân Lương Sơn quy thuận Triều
đình, được sai đi đánh dẹp bọn giặc Liêu, Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp ông
cũng lập được nhiều công lao. Tại Hàng Châu, ông cùng các tướng Trương
Hoành,Chu Quý, Khổng Minh, Dương Lâm, Bạch Thắng bị ốm nặng,Tống Giang
sai Chu Phú và Mục Xuân ở lại chăm sóc. Sau cùng, tất cả đều ốm chết chỉ có
Dương Lâm và Mục Xuân còn sống trở về.

Lôi Hoành
Lôi Hoành là một nhân vật trong Thủy Hử của Thi Nại Am. Ông được sao Thiên
Thoái chiếu mệnh, ông mang biệt hiệu là Sáp sí hổ (hổ chắp cánh) là một trong số
những tướng giỏi ở Lương Sơn Bạc, chức vị đầu lĩnh bộ quân. Khi trước ông là đô
đầu bộ quân ở huyện Vận Thành, rất thân cận với Chu Đồng (sau này là một trong
8 hổ tướng mã quân tiên phong). Ông khi trước vốn là thợ rèn, thân vóc khoẻ mạnh,
râu tía xoè ra như cái quạt, thường hay nhảy qua được những nơi hào rộng. Một lần
khi đi tuần tra ông bắt được Xích phát quỷ Lưu Đường (Quỷ lông đỏ, sao Thiên Dị,
sau này là Bộ quân đầu lĩnh của Lương Sơn Bạc)đang ngủ trong miếu vì nghi ngờ là
kẻ cướp. Thác Tháp Thiên Vương Tiều Cái là người mà ông rất mực kính nể đã giả
làm câu của Lưu Đường để cứu Lưu Đường. Lưu Đường vì tức giận đã cùng ông
đánh nhau một trận bất phân thắng bại, may sao có Tiều Cái và Ngô Dụng (Trí đa
tinh,Sao Thiên cơ, quân sư của Lương Sơn Bạc sau này)đến kịp. Khi bọn Tiều Cái,
Ngô Dụng, Công Tôn Thắng, 3 anh em họ Nguyễn, Lưu Đường, Bạch Thắng lập
mưu đánh cướp quà sinh nhật của Lương Trung Thư, bị quan phủ truy nã, ông đã
cùng Chu Đồng Giúp bọn họ chạy trốn. Tống Giang vì bảo vệ bọn Tiều Cái mà giết
ả Diêm Bà Tích, bị quan phủ truy bắt cũng được ông và Chu Đồng cứu giúp. Về sau
ông bị quan huyện tư thông với con hát Bạch Tú Anh hãm hại, vì bảo vệ mẹ ông đã
vác gông đánh chết ả ta, bi bắt giải đi. Chu Đồng đã đánh tháo cho ông thoát trốn
lên Lương Son. Sau này bộ đôi Chu Đồng và Lôi Hoành lập được nhiều công lao to
lớn. Sau này, khi quân Lương Sơn chinh phạt Phương Lạp, ông bị tướng giặc là Từ
Hành Phương giết chết.

Dương Hùng

Dương Hùng có biệt hiệu là Bệnh Quan Sách , sao Thiên Lao Tinh, là một người gác
lao trong tiểu thuyết Thủy hử.

Một hôm, Dương Hùng bị một bọn giặc cướp đánh đòi tiền chơi cờ bạc, lúc này có
người bạn là Thạch Tú đến cứu. Dương Hùng bèn cho Thạch Tú đến ở nhà mình.
Vợ của Dương Hùng là nàng Phan Xảo Vân, là một dâm phụ, bị Thạch Tú phát
hiện và báo cho Dương Hùng, nhưng Dương Hùng không tin đã đưổi Thạch Tú đi,
về sau Thạch Tú tìm đủ nhân chứng và báo lại một lần nữa, Dương Hùng giết Xảo
Vân và cùng Thạch Tú bàn lên xin gia nhập Lương Sơn Bạc, lúc này lại có một
thuộc hạ cũ là Thời Thiên xin đi theo. Chẳng may giữa đường Thời Thiên bị bắt bởi
Chúc gia trang, Dương Hùng bèn cầu cứu Phát Thiên Bằng-Lý Ứng, Lý Ứng đánh
không nổi bèn lên cầu Lương Sơn Bạc. Thời Thiên được cứu và cả ba người gia
nhập Lương Sơn Bạc.

Về sau trong trận đánh Liêu, Dương Hùng đã giết một viên đại tướng của giặc và
lập công cho quân đội Lương Sơn Bạc.

Thạch Tú
Thạch Tú, ngoại hiệu là Phanh Mệnh Tam Lang, sao Thiên Tuệ Tinh, thứ 33 trong
108 anh hùng, quê ở phủ Kim Lăng, từ thuở nhỏ theo đòi võ nghệ, tính thích trừ
những việc bất bình, sau theo chú đi buôn ngựa, bất đồ giữa đường chú mất tiêu hết
tiền nong, đành phải lưu lại ở đất Kế Châu mà hái củi kiếm ăn cho qua ngày tháng.
Một hôm gánh củi đi qua thấy Dương Hùng bị đánh liền xông vào giải vây, rồi gặp
Đái Tông, Dương Lâm rủ lên Lương Sơn Bạc. Dương Hùng và Thạch Tú kết nghĩa
làm huynh đệ, Thạch Tú tạm trọ ở nhà Dương Hùng, mở quán bán thịt. Vợ Dương
Hùng là Phan Xảo Vân thông đồng với hòa thượng Bùi Như Hải, Thạch Tú và Thì
Thiên biết được, báo lại với Dương Hùng. Dương Hùng không tin, đuổi Thạch Tú ra
khỏi nhà, Thạch Tú giết Bùi Như Hải đêm đó rồi bắt Phan Xảo Vân giải lên núi
Thúy Bình Sơn, đưa Dương Hùng lên tra hỏi. Dương Hùng biết sự thật, chém chết
Xảo Vân, cùng Thạch Tú, Thì Thiên lên Lương Sơn Bạc, đi ngang qua Chúc gia
trang, Thì Thiên bị bắt, Dương Hùng cùng Thạch Tú lên Lương Sơn đầu quân, hai
người đi thám thính ở Chúc gia trang thì Dương Hùng bị bắt, Thạch Tú được chỉ
đường nên quay về trại được, nhờ Thạch Tú mà quân Tống Giang đến đánh được
Chúc gia trang, Thạch Tú đánh nhau với Tôn Lập rồi bị bắt sống, nửa đêm Tôn
Lập thả Thì Thiên cùng tất cả hảo hán bị nhốt ra, phá Chúc gia trang. Sau này khi
đi đánh Phương Lạp, đến gần ải Dục Linh, Lư Tuấn Nghĩa sai Sử Tiến, Thạch Tú,
Trần Đạt, Dương Xuân, Lý Trung, Tiết Vĩnh dẫn 3000 quân đi trước dò đường, gặp
tướng Giang Nam là Bàng Vạn Xuân. Bàng Vạn Xuân bắn Sử Tiến ngã ngựa, rồi
hai bên sườn núi bắn tên như mưa, 6 tướng cùng 3000 quân cả người lẫn ngựa đều
bị bắn chết.

Hổ Tam Nương

Hổ Tam Nương , đôi khi phiên âm thành Hồ Tam Nương, là một nữ tướng, biệt hiệu
là Nhất Trượng Thanh , Địa Tuệ Tinh. Khi Tống Giang đánh Chúc gia trang, Hổ
gia trang sai Hổ Tam Nương đi cứu, Hổ Tam Nương đã đánh nhiều dũng tướng của
Lương Sơn Bạc, sau đó bị Báo tử Đầu Lâm Xung bắt sống.
Do Tống Giang đã hứa với Vương Anh là sẽ tìm một phu nhân cho y, nên đã gả Hỗ
Tam Nương cho Vương Anh.

Trong trận đáng Phương Lạp, Vương Anh và Hỗ Tam Nương đều bị Trịnh Bưu giết
chết.

Đinh Đắc Tôn

Đinh Đắc Tôn là một nhân vật trong tiểu thuyết Thủy hử, một trong 72 địa sát tinh
Đinh Đắc Tôn cùng với Cung Vượng là phó tướng của Trương Thanh. Mặt và cổ
ông có nhiều vết sẹo qua đánh trận nên có ngoại hiệu là Trúng tiễn hổ (Hổ trúng
tên). Võ nghệ của Đinh Đắc Tôn ngang với Cung Vượng.

Khi quân Lương Sơn do Lư Tuấn Nghĩa dẫn đầu tấn công phủ Đông Xương, bị
Trương Thanh ném đá đánh bại. Sau đó Tống Giang dẫn quân tiếp viện cũng không
thắng nối Trưong Thanh. Trương Thanh đánh bại khoảng hơn mười đầu lĩnh
Lương Sơn. Do đó quân Lương Sơn bắt các phó tướng của Trương Thanh trước.
Đinh Đắc Tôn khi giao chiến với Lã Phương và Quách Thịnh đã bị Yến Thanh bắn
một mũi tên trúng ngựa, hất Đinh ngã xuống đất. Đinh bị bắt sống. Cuối cùng,
Trương Thanh cũng bị quân Lương Sơn lập mưu bắt được, đồng ý cùng Cung
Vượng và Đinh Đắc Tôn gia nhập Lương Sơn Bạc.

Đinh Đắc Tôn trở thành một trong những đầu lĩnh bộ quân ở Lương Sơn Bạc. Sau
khi nhận chiếu chiêu an của triều đình, Đinh cùng anh em Lương Sơn Bạc tham gia
vào các chiến dịch bình Liêu và dẹp quân nổi dậy ở miền Nam. Trong chiến dịch
đánh Phương Lạp, Đinh Đắc Tôn theo Lư Tuấn Nghĩa tấn công Ông Châu, nhưng
thua trận và phải rút lui. Quân sư Chu Vũ bày kế mai phục bên ngoài trại, chờ
quân Phương Lạp đến cướp trại vào ban đêm sẽ phản kích lại. Quả nhiên quân
Phương Lạp trúng mai phục, các hảo hán Lương Sơn thắng to. Tuy nhiên trong khi
mai phục, Đinh Đắc Tôn bị rắn độc cắn và chết vì trúng độc.

Bạch Thắng

Bạch Thắng, biệt hiệu là Bạch Nhật Thử (chuột ban ngày), là một trong những
người đầu tiên của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, bộ tiểu thuyết Thủy hử của Thi
Nại Am, Trung Quốc. Bạch Thắng khởi điểm là đi ăn cướp vàng bạc cùng Tiều Cái,
Ngô Dụng, 3 anh em họ Nguyễn, Công Tôn Thắng, Lưu Đường. Bạch Thắng có tài
"đánh bạc" bị quan quân triều đình đánh cho hộc máu mồm máu mũi... nhân vật
này không có gì đặc biệt

Tôn Tân

Ông là một trong 108 vị anh hùng Lương Sơn, thuộc 72 địa sát tinh thuộc sao (địa số
tinh) ngoại hiệu Tiểu Uý Trì. Tôn Tân và vợ là Cố Đại Tẩu đều võ nghệ cao cường.
Cả hai người đều muốn lên Lươg Sơn nhập bọn.Tôn Tân quen với Nhạc hòa một
lần,có hai chú cháu sơn tặc biết tin Tôn Tân muốn lên Lương Sơn nên muốn nhập
bọn đi cùng.mọi người đều chuẩn bị đi thì bị Tôn Lập anh của Tôn Tân ngăn cản vì
thấy hai chú cháu sơn tặc đến nhà của Tôn Tân nên quan quân triều đình đi theo
đến nơi thì thấy Tôn Lập cũng ở đó nên định bắt Tôn Lập sau đó Tôn Lập thấy vậy
liền cùng Tôn Tân Lên Lương Sơn luôn. Sau đó Tôn Lập, Tôn Tân cùng giết hết
bọn lính rồi lên Lương Sơn

Thạch Dũng

Thạch Dũng là một nhân vật trong tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am (có thuyết
cho rằng đây là bút danh khác của La Quán Trung). Ông là 1 trong 108 vị anh hùng
Lương Sơn. Ông thuộc hàng 72 Địa Sát Tinh. Tống Giang vào 1 quán rược gặp
Thạch Dũng nghe Thạch Dũng kể chuyện liền mời lên Luơng Sơn nhập bọn. Sau
này qua Giang Nam đánh Phương Lạp Lư Tuấn Nghĩa đánh thành Hấp Châu quân
Phương Lạp bỏ chạy Thạch Dũng và Lý Vân đụng độ với đại tướng Vương Dần, cả
hai đánh không lại đểu bị Vương Dần đâm chết.

Lý Vân

Lý Vân, ngoại hiệu là Thanh Nhãn Hổ, đứng thứ 97 trong 108 anh hùng, thuộc sao
Địa Sát Tinh. Trước làm chức Đô đầu ở huyện Nghi Thủy, lúc Lý Quỳ giết 4 hổ trả
thù cho mẹ, chính Lý Vân đã bắt được Lý Quỳ, khi áp giải về chỗ Tri huyện, bị
trúng kế của Chu Quý, Chu Phú, sổng mất Lý Quỳ, suýt bị Lý Quỳ giết, nhưng nhờ
có Chu Phú-học trò của Lý Vân và là em trai Chu Quý-khuyên giải, thế là Lý Vân
gia nhập Lương Sơn Bạc.

Sau này qua Giang Nam đánh Phương Lạp, Lư Tuấn Nghĩa đánh thành Hấp Châu,
quân Phương Lạp bỏ chạy, Lý Vân, Thạch Dũng đụng độ Đại tướng Vương Dần, cả
hai đánh không lại, đều bị Vương Dần đâm chết.

Trâu Nhuận

Trâu Nhuận có ngoại hình kì dị: đằng sau gáy mọc ra một cái bướu lớn, khi tức giận
điều gì thì húc bướu vào người khác, từng húc đổ cả một cây tùng. Vì thế ông có
ngoại hiệu là Độc giác long ( Rồng một sừng).

Trâu Nhuận có người chú là Trâu Uyên, quê quán Lai Châu, cũng không hơn tuổi
là bao nhiêu. Hai chú cháu tập hợp trăm quân dưới quyền làm cướp ở núi Đăng
Vân, tạo tiếng vang khắp các vùng.

Trâu Uyên, Trâu Nhuận có họ hàng với nhà họ Tôn, họ Nhạc và họ Giải trong vùng
Đăng Châu. Họ Tôn có anh cả Tôn Lập, Tôn Tân với vợ là Cố Đại Tẩu. Họ Nhạc có
quan sai coi ngục Nhạc Hòa và chị gái là Nhạc Đại Nương, vợ Tôn Lập. Họ Giải có
Giải Trân và Giải Bảo là hai thợ săn nổi tiếng ở Đăng Châu, em họ của Cố Đại Tẩu.
Ngoài ra, Trâu Uyên, Trâu Nhuận cũng có quen với Lâm Xung, Đặng Phi và Thạch
Dũng ở Lương Sơn Bạc.
Giải Trân, Giải Bảo trong lần đi săn hổ bị cha con Mao thái công liên kết với Vương
khổng mục và Bao tiết cấp hãm hại để cướp công. Nhạc Hòa khi đó làm quan coi
ngục biết chuyện liền báo cho Tôn Tân, Cố Đại Tẩu ở hàng cơm phía đông thành.
Hai vợ chồng họ Tôn gọi Trâu Uyên, Trâu Nhuận với hơn hai chục tên tâm phúc, rủ
thêm Tôn Lập cùng đi cướp ngục rồi dùng mối quen biết cũ lên Lương Sơn. Cuộc
cướp ngục xảy ra vào ban đêm. Tôn Lập, Tôn Tân, Cố Đại Tẩu, Giải Trân, Giải
Bảo, Nhạc Hoà trong ngoài tiếp ứng phá ngục, giết chết tiết cấp Bao Cát. Trâu
Uyên, Trâu Nhuận đánh vào phủ đường, chém đầu khổng mục Vương Chính. Rồi
tám người tấn công giết chết cả nhà Mao thái công. Mọi việc diễn ra suôn sẻ và
không gặp bất cứ sự kháng cự nào. Xong việc, họ thu lấy kim ngân tài vật, xe cộ, lừa
ngựa ở trang viện họ Mao, nhà riêng và ở Đăng Vân đem đi hướng về phía Lương
Sơn Bạc.
Sau khi đi dẹp Phương Lạp, Trâu Nhuận là một trong số những hảo hán sống sót
trở về, được phong tước Vũ dịch lang, bổ nhậm làm Đô thống lĩnh ở Đăng Châu.
Trâu Nhuận xin được không làm quan, về sống ở núi Đăng Vân.

Thang Long

Thang Long là một nhân vật trong Thủy Hử. Nhân vật này là một trong số 108 anh
hùng Lương Sơn Bạc, có ngoại hiệu (Kim Tiền Báo Tử). Theo kể lại trong Thủy Hử,
Thang Long do Địa Cô Tinh, một trong 72 vì Địa Sát Tinh chuyển thế. Thang Long
sử dụng vũ khí là song chùy rất lợi hại.

Chu Thông

Chu Thông, Tiểu Bá Vương là một nhân vật trong Thủy Hử của Thi Nại Am (có
thuyết cho rằng đây là bút danh khác của La Quán Trung). Ông là 1 trong 72 Địa
Sát Tinh thuộc sao (Địa Không Tinh).
Chu Thông là 1 trong 108 vị anh hùng Lương Sơn, ngoại hiệu Tiểu Bá Vương. Ông
là chủ của 1 sơn trại, nhưng sau đó đã tôn Lý Trung làm chủ trại.

Một lần Chu Thông mê sắc đẹp của một cô thôn nữ, định cướp về nhưng bị Lỗ Trí
Thâm ngăn cản. Chu Thông bị Lỗ Trí Thâm đánh một trận tơi bời. Chu Thông tức
giận liền gọi Lý Trung đến, nhưng Lý Trung lại là bạn cũ của Lỗ Trí Thâm nên việc
cưới xin bị hủy bỏ.
Sau này Chu Thông cùng Lý Trung lên Lương Sơn.
Trong trận đánh Phương Lạp, Lư Tuấn Nghĩa sai Âu Bằng, Đặng Phi, Lý Trung,
Chu Thông đi thám thính ở ải Độc Tùng, giữa đường bị Lệ Thiên Thuận chặn đánh.
Chu Thông bị chém chết.

You might also like