You are on page 1of 26

Những chuyện chưa kể về Tam Quốc

Diễn Nghĩa và Thủy Hử truyện: Mối


quan hệ giữa La Quán Trung và Thi Nại
Am

Trần Hoàng Vũ
06:15 - 18/11/2021   0 THANH NIÊN





Một trong những hạng mục quan trọng trong tiểu sử của La Quán
Trung chính là mối quan hệ thầy trò của ông và Thi Nại Am.
Ngày nay, chúng ta tin rằng Thi Nại Am chính là thầy của La Quán Trung. Cả hai đều là người
cuối Nguyên đầu Minh, nhưng có thực sự đúng như thế?

Những nhập nhằng về bản quyền tác giả


Nói đến La Quán Trung và Thi Nại Am thì còn có vấn đề tranh cãi về quyền tác giả của hai người
đối với một tiểu thuyết nổi tiếng khác là Thủy hử truyện. Ngày nay, chúng ta định danh Thủy hử
truyện là của Thi Nại Am. Nhưng người thời Minh là Lang Anh (1487 - 1566) trong Thất tu loại
cảo có nói: “Hai sách Tam quốc, Tống Giang là do người Hàng [Châu] là La Quán Trung biên
soạn”. Nhưng Lang Anh cũng từng thấy một bản trên có khắc chữ “Tiền Đường, Thi Nại Am”.
Chu Lượng Công (1612 - 1672) thời cuối Minh đầu Thanh trong sách Thư ảnh cũng nói: “Thủy
hử truyện tương truyền là người Việt đầu thời Hồng Vũ là La Quán Trung sáng tác, lại truyền
rằng do người Nguyên là Thi Nại Am sáng tác.
Bản in gộp Thủy hử truyện (trên) do Thi Nại Am ở Tiền Đường biên tập với Tam quốc (dưới) do
người Nguyên là La Quán Trung ở Đông Nguyên diễn nghĩa
TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ
Tây Hồ du lãm chí của Điền Thúc Hòa lại nói sách này do người thời Tống viết. Gần đây, Kim
Thánh Thán đem chỗ từ hồi thứ 70 trở về sau đoán định là do La Quán Trung tục biên, hết sức
mắng nhiếc La, lại ngụy tạo bài tựa của họ Thi để lên đầu sách. Sách ấy bèn thành của Thi”. Bản
Kim Thánh Thán mà Chu Lượng Công nhắc đến chính là bản lưu hành ở Việt Nam hiện nay.

Mặc dù bài tựa của Thi Nại Am trong bản Kim Thánh Thán là giả mạo, nhưng sự tranh giành
quyền tác giả giữa Thi Nại Am và La Quán Trung đã xuất hiện từ thời nhà Minh. Cuối cùng, các
nhà làm sách đã đi đến giải pháp nước đôi. Họ cho rằng Thủy hử truyện có một bộ phận do Thi
Nại Am sáng tác, một bộ phận là La Quán Trung tục biên. Điều này phù hợp với tình hình diện
mạo khác nhau của các bản Thủy hử truyện. Có bản gồm 100 hồi, có bản chỉ 70 hồi, lại có bản
lên đến 120 hồi, bởi liên quan đến La Quán Trung còn có Tam quốc diễn nghĩa. Nhưng Thủy hử
ở một trình độ cao hơn về mặt văn phong tiểu thuyết, vì thế khó có thể nói La Quán Trung là tác
giả đầu tay của Thủy hử.

Do đó, xuất hiện thuyết Thi là thầy, La là trò. Hồ Ứng Lân (1551 - 1602) trong Thiếu Thất sơn
phòng bút tùng đã nói đến vấn đề ấy. Ông cho biết: “Người thời Nguyên ở Vũ Lâm là Thi mỗ biên
soạn Thủy hử truyện, đặc biệt thịnh hành… Môn nhân của ông là La mỗ cũng học theo, làm Tam
quốc chí, nhưng rất nông cạn, thô thiển, thật tức cười”. Đến năm 1944, khi biên soạn Hưng Hóa
huyện tục chí, người ta lại đưa thêm vào đó một bài đề là Thi Nại Am mộ chí nói là của Vương
Đạo Sinh, trong đó xác nhận lý lịch của Thi Nại Am, thậm chí còn liệt kê Tam quốc diễn nghĩa
vào danh sách tác phẩm của Thi. Tác giả còn bảo rằng mình từng gặp La Quán Trung và nói
chuyện về Thi Nại Am, rằng Thi Nại Am mỗi khi viết xong thì đưa cho học trò (môn nhân) duyệt
lại. Trong số học trò đó thì đắc lực nhất là La Quán Trung.

La Quán Trung là thầy của Thi Nại Am


Nếu xét về mặt văn phong, rõ ràng Thủy hử truyện ở một trình độ cao hơn so với Tam quốc diễn
nghĩa. Văn tài của Thi Nại Am cao hơn La Quán Trung là điều có thể xác nhận. Nói họ có quan
hệ thầy trò không phải không có lý. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ tiến hóa về mặt hình thức của
tiểu thuyết chương hồi thì vấn đề lại khác hẳn. Xét về mặt kết cấu các hồi, thủ pháp tự sự, Tam
quốc diễn nghĩa đều ở dạng sơ khai hơn. Tiêu đề mỗi hồi trong Tam quốc diễn nghĩa cổ bản đều
là tiêu đề đơn, ví dụ: hồi 1 “Tế trời đất, đào viên kết nghĩa”; hồi 2 “Lưu Huyền Đức chém giặc lập
công”. Ở Thủy hử truyện, tiêu đề mỗi hồi đã là dạng tiêu đề 2 câu đối ngẫu. Chẳng hạn: hồi 1
“Trương Thiên sư cầu yên ôn dịch; Hồng Thái úy lỡ sổng yêu ma”. Ở Tam quốc diễn nghĩa cổ
bản chưa có thơ kết hồi nhưng Thủy hử truyện đã có. Phải đến thời nhà Thanh, cha con Mao
Luân, Mao Tôn Cương mới đem diện mạo Tam quốc diễn nghĩa ra tu chỉnh để giúp nó đáp ứng
các tiêu chí về mặt hình thức của tiểu thuyết chương hồi. Họ tiến hành đem 2 hồi gộp thành 1,
sửa tiêu đề thành 2 câu đối ngẫu. Chẳng hạn, hồi 1 và 2 gộp thành hồi 1 mới với tiêu đề: “Tế trời
đất, anh hùng kết nghĩa; Chém Khăn Vàng, hào kiệt lập công”; đồng thời thêm 2 câu thơ kết mỗi
hồi.

Lại nữa, trong cổ bản Tam quốc, sau mỗi sự kiện quan trọng có rất nhiều thơ bình, tán. Đây là
công cụ để người kể chuyện miệng giao lưu với khán giả trong quá trình kể chuyện. Ở Thủy hử,
số lượng thơ hạn chế hơn, bởi vì nó đã chuyển sang loại hình tiểu thuyết để đọc. Thủy hử tả sự
việc tỉ mỉ hơn và lan man lắt léo hơn.

Ngược lại, Tam quốc kể chuyện gọn ghẽ hơn. Tam quốc kể Lỗ Túc đi sang Kinh Châu thì sẽ đi
thẳng một mạch sang Kinh Châu. Ngược lại, Thủy hử tả một nhân vật xuống núi thì sẽ tả người
đó mặc áo gì, quần gì, chân đi giày gì, đội nón gì, tay phải cầm cái gì, tay trái cầm cái gì; sau đó
có người nhận xét một câu, nhân vật đáp lại một câu, ai đó dặn dò mấy câu.

Sau đó nhân vật xuống núi, giữa đường trời nắng khát nước lại ghé vào quán rượu. Đem thứ
văn phong tỉ mỉ đó ra kể sẽ khiến câu chuyện bị loãng và khán giả sẽ thấy chán. Tam quốc rất
gần với nghệ thuật kể chuyện miệng; Thủy hử thì đã thực sự là tiểu thuyết. Do đó, xét trên lịch
sử tiến hóa văn học thì La Quán Trung mới đích thị là thầy của Thi Nại Am.

(còn tiếp)
Những chuyện chưa kể về Tam quốc
diễn nghĩa và Thủy hử truyện: Sự thực
về Tống Giang?

Trần Hoàng Vũ
06:39 - 21/11/2021   0 THANH NIÊN





Khi bàn về Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử truyện, cha con Mao Luân,
Mao Tôn Cương có so sánh rằng: “Đọc Tam quốc chí thích hơn đọc Thủy
hử. Thủy hử tuy văn tự chân thực, không hư ảo như Tây du, nhưng chuyện
bỗng không mà có, mặc ý vẽ vời, tự do thêm bớt, viết cho khéo không khó
mấy”.
Cha con nhà họ Mao cũng nói thêm rằng: “Tam quốc chí kể việc nhất định không có sửa đổi, ấy
mới khó viết cho hay. Vả lại các nhân tài trong Tam quốc nhiều mà đặc sắc hơn. Nhân vật nào
cũng được tả xuất sắc gấp trăm gấp ngàn các nhân vật như Ngô Dụng, Công Tôn Thắng
trong Thủy hử”. Nói cách khác, Tam quốc là từ lịch sử mà viết, có nhiều bó buộc, còn Thủy hử là
chuyện hư cấu, thích sao viết vậy. Có thật thế không?
Bản đồ hoạt động của quân Tống Giang
TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

Thời đại của Tống Giang


Từ góc độ nguồn gốc mà nói, Thủy hử truyện gần giống với Tây du ký. Tây du ký lấy cảm hứng
từ hành trình thỉnh kinh có thật của nhà sư Huyền Trang thời Đường Thái Tông. Còn Thủy hử
truyện cũng lấy cảm hứng từ những thủ lĩnh đạo tặc nổi tiếng thời Tống Huy Tông là Tống Giang,
Phương Lạp. Thời đại của Thủy hử truyện gắn với thời kỳ trị vì của Tống Huy Tông.

Trong Đại Tống Tuyên Hòa di sự - một tác phẩm tiền thân của Thủy hử truyện - sự việc của
nhóm Tống Giang trực tiếp khởi đầu từ vụ nhóm Tiều Cái cướp quà sinh nhật mà Lương Sư Bảo
sai vận chuyển lên Đông Kinh mừng thọ Sái Kinh. Đó là tháng 5 năm Tuyên Hòa thứ 2 (1120).
Tuy nhiên trước đó lại đã có chuyện nhóm 12 người Dương Chí, Lý Tiến Nghĩa, Lâm Xung,
Vương Hùng, Hoa Vinh, Sài Tiến, Trương Thanh, Từ Ninh, Lý Ứng, Mục Hoành, Quan Thắng,
Tôn Lập vận chuyển Hoa thạch cương.

Vì trời đổ tuyết nên Tôn Lập trễ hẹn, Dương Chí chờ mãi cạn tiền, phải đi bán đao, rồi lỡ tay giết
người và bị đày. Vì thế, nhóm người của Tôn Lập đón đường giải cứu Dương Chí, cùng nhau lên
núi Thái Hành làm lạc thảo. Việc áp tải Hoa thạch cương trước đó đã được Đại Tống Tuyên Hòa
di sự đặt vào năm Đại Quán thứ 4 (1110). Tất cả đều nằm gọn trong thời trị vì của Tống Huy
Tông. Trong Thủy hử truyện, biểu thời gian đại khái là bắt đầu từ năm Chính Hòa thứ nhất
(1111) - Cao Cầu làm Điện súy và Vương Tiến chạy trốn - kết thúc ở năm Tuyên Hòa thứ 6
(1124) - lúc Tống Giang, Lý Quỳ, Ngô Dụng, Hoa Vinh chết.

Độc sử phương dư kỷ yếu của Cố Tổ Vũ (1624 - 1680) là tài liệu đầu tiên nói đến thời điểm nổi
dậy của Tống Giang. Sách này chép: “Trong niên hiệu Chính Hòa (1111 - 1118) nhà Tống, Tống
Giang kết trại ở Lương Sơn bạc”. Nhà nghiên cứu Dư Gia Tích dẫn Tống sử, Dương Tiển
truyện có nói ông này từng đặt trại thu thuế thuyền đánh cá ở Lương Sơn bạc. Lúc đó Tống
Giang vẫn chưa chiếm Lương Sơn. Như vậy, thời điểm Tống Giang đến Lương Sơn dựng trại
phải là từ năm Chính Hòa thứ 4 (1114) trở về sau. Thập triều cương yếu của Lý Thực (1161 -
1238) chép: “Tuyên Hòa năm đầu (1119), tháng 12, xuống chiếu chiêu tập vỗ về giặc Sơn Đông
là Tống Giang”. Đó là niên điểm đầu tiên ghi nhận sự hiện diện của Tống Giang.

Chọc trời khuấy nước


Căn cứ của Tống Giang là vùng Lương Sơn bạc. Người thời Nguyên là Trần Thái từng kể về khu
vực này rằng: “Tôi lúc còn trẻ con, nghe những bậc già cả nói chuyện về Tống Giang, nhưng
chưa nghiên cứu được rõ ràng. Đến năm Quý Hợi niên hiệu Chí Trị (1323), mùa thu, ngày 16
tháng chín, đi thuyền qua Lương Sơn, trông ra xa thấy một đỉnh núi, vọt lên trùng điệp. Hỏi ra thì
chân sào nói đó là An Sơn vậy, ngày xưa là chỗ Tống Giang khởi sự, chẹn hồ thành ao rộng chín
mươi dặm, toàn là sen súng củ ấu, tương truyền là do vợ của Tống trồng. Tống là người dũng
cảm, ngông cuồng, thích hành hiệp. Bè đảng giống như Tống có ba mươi sáu người. Đến nay
dưới núi còn có đài Phân Tang (đài chia của), có đặt 36 chỗ ngồi bằng đá”.

Từ cuối năm Tuyên Hòa thứ nhất (1119), triều Tống đã muốn chiêu an Tống Giang. Nhưng Tống
Giang không đầu thuận triều đình. Đến năm Tuyên Hòa thứ 2 (1120), khi Phương Lạp nổi lên ở
phía nam thì Tống Giang bắt đầu bành trướng thế lực. Bạc trạch biên của Phương Chước (1066
- ?) chép: “Năm Tuyên Hòa thứ 2 (1120), tháng 10, người Kiệt thôn, huyện Thanh Khê thuộc Mục
Châu là Phương Lạp mượn tả đạo để mê hoặc dân chúng… Tháng 12, ngày mồng 4, hãm Mục
Châu. Ngày mồng 7, Thiệp thú là Tăng Hiếu Uẩn vì giặc Kinh Đông là bọn Tống Giang kéo ra
vùng Thanh, Tề, Đơn, Bộc nên có chỉ dời làm tri Thanh Châu”.

Thế lực của Tống Giang bấy giờ khá mạnh. Tống sử, Hầu Mông truyện chép: “Tống Giang cướp
Kinh Đông. Mông dâng thư nói: “Tống Giang dùng 36 người hoành hành Tề, Ngụy. Quan quân
có số vạn, mà không ai dám kháng cự. Tài của hắn ắt hơn người. Nay Thanh Khê giặc dậy, chi
bằng xá tội cho Giang, sai y đi đánh dẹp Phương Lạp để tự chuộc tội”. Đế nói: “Mông ở ngoài mà
không quên vua, đó là trung thần vậy”. Bèn sai làm Tri phủ Đông Bình. Chưa đến nhậm chức thì
đã chết”. Đó là lần thứ hai triều đình muốn chiêu an Tống Giang. Về sau Thủy hử truyện có nói
đến hai lượt chiêu an không thành. Điều này tương hợp với sử liệu về Tống Giang. Vậy còn có
điều gì mà tiểu thuyết phù hợp với lịch sử? (còn tiếp)

Những chuyện chưa kể về Tam quốc


diễn nghĩa và Thủy hử truyện: Mệnh đề
trung nghĩa của Tống Giang

Trần Hoàng Vũ
06:30 - 22/11/2021   1 THANH NIÊN




Thủy hử truyện còn có một tên khác là Trung nghĩa thủy hử truyện. Mặc dù
nhân vật chính là một toán lục lâm thảo khấu, nhưng tư tưởng chủ đề vẫn
là trung nghĩa.
Sở dĩ các nhân vật chính phải lên Lương Sơn là do “quan bức dân phản”. Chung quy bọn họ
cũng chỉ là tạm thời náu mình, ngóng đợi chiêu an để lập công báo quốc. Đây là tư tưởng đã
được trình bày rõ ngay từ tác phẩm Đại Tống Tuyên Hòa di sự. Mãi đến thời Thanh, nhà phê
bình Kim Thánh Thán mới bắt đầu đề xuất ý kiến trái ngược, nói Tống Giang giả nhân giả nghĩa.
Có thật thế không?

Đầu hàng triều đình


Mặc dù nổi lên tại Lương Sơn bạc sớm hơn Phương Lạp, nhưng Tống Giang chỉ bành trướng
hoạt động khi Phương Lạp nổi dậy vào năm Tuyên Hòa thứ 2 (1120). Điều thú vị là Tống Giang
ngày càng có xu hướng chuyển mũi hoạt động về phía nam. Tống sử, Huy Tông kỷ chép: “Tuyên
Hòa năm thứ 3 (1121), tháng 2, ngày Giáp Tuất, giáng chiếu chiêu an Phương Lạp… Tháng đó,
Phương Lạp hãm Xứ Châu. Giặc Hoài Nam là bọn Tống Giang phạm Hoài Dương quân. Sai
tướng đánh dẹp. Lại xâm phạm Kinh Đông, Giang Bắc, vào địa giới hai châu Sở, Hải. Sai tri châu
Trương Thúc Dạ chiêu hàng chúng”.

Giang Nam lúc này đang là địa bàn hoạt động mạnh của Phương Lạp. Tống Giang từ bắc kéo
quân về nam. Điều này khiến người ta không khỏi có cảm giác ông ta muốn hô ứng với Phương
Lạp. Có điều Tống Giang tính không bằng Tống triều tính. Tống Giang hoành hành Tề, Ngụy thì
không ai dám chống, nhưng càng đi về nam thì sự đánh trả của quan binh triều đình càng mạnh.
Tại Nghi Châu, Tri châu Tưởng Viên “một mình sửa soạn kế sách đánh giữ, đem binh phạm vào
mũi nhọn của giặc. Giặc không thể làm bừa, mới bảo là chỉ mượn đường. Công giả vờ đồng ý,
rình xét được hết thực tình của chúng, rồi đốc quân ác chiến, đại phá chúng. Dư đảng bỏ chạy
về Quy, Mông, cuối cùng dâng biểu xin hàng”. Lúc qua Thuật Dương, Huyện úy Vương Sư Tâm
cũng “dẫn binh chặn đánh ở trong cõi, giặc thua chạy”.

Tống Giang dẫn quân đến Hải Châu thì hoàn toàn bị Trương Thúc Dạ bẻ gãy. Tống sử, Trương
Thúc Dạ truyện chép: “Tống Giang nổi lên ở Hà Sóc, đi cướp mười quận, quan quân không ai
dám tranh phong, đánh tiếng là sắp kéo đến. Thúc Dạ sai gian tế dò xét hướng đi của chúng.
Giặc vọt thẳng ra bờ biển, cướp mười mấy chiếc thuyền lớn, chở muối cướp được. Thế là

[Thúc Dạ] mộ tử sĩ, được 1.000 người, đặt phục ở Nghi Thành, rồi xuất khinh binh ra biển đánh
nhử; lại cho lính khỏe nấp ở bên bờ biển. Đợi khi quân gặp nhau, liền đốt lửa thiêu cháy thuyền
của chúng. Giặc nghe tin ấy, không còn lòng chiến đấu. Phục binh thừa cơ trỗi dậy, bắt kẻ làm
phó của giặc. Giang bèn hàng”.
Bản dập văn bia Chiết Khả Tồn mộ chí minh
TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

Sự diệt vong của Phương Lạp


Gần như không lâu sau khi bị đánh bại ở Hải Châu, Tống Giang đã xuất hiện trong đoàn quân
của triều đình đi thảo phạt Phương Lạp. Bắc minh hội biên có chép việc nhà Tống “sai Đồng
Quán làm Giang Chiết phủ sứ, dẫn theo bọn Lưu Diên Khánh, Lưu Quang Thế, Tân Xí Tông,
Tống Giang hơn hai mươi vạn người đi thảo phạt”.

Trong chiến dịch bao vây Phương Lạp ở động Bang Nguyên, Tống Giang cùng với Triệu Minh,
Triệu Hứa đảm nhiệm mặt phía sau động. Trận này Phương Lạp đại bại. Việc đó diễn ra vào
tháng 4. Đến tháng 6, Tống Giang còn theo Tân Hưng Tông đánh giặc ở động Thượng Uyển.
Việc Tống Giang có tham gia chiến dịch thảo phạt Phương Lạp là có thể xác nhận. Nhưng công
lao đánh dẹp Phương Lạp không phải hoàn toàn của Tống Giang. Tống Giang chỉ góp một phần
công lao vào đó.

Thực ra người có công lớn trong việc bắt giữ Phương Lạp chính là danh tướng Hàn Thế Trung.
Thời đó Hàn Thế Trung còn là Thiên tướng dưới trướng Vương Uyên. Chính Hàn Thế Trung đã
bẻ gãy quân Phương Lạp ở Hàng Châu, buộc Lạp chạy về sào huyệt Mục Châu. Tống sử, Hàn
Thế Trung truyện chép: “Giặc ẩn sâu, dựa vách núi làm nhà, chia ra ba động. Các tướng nối
nhau kéo đến, nhưng không ai biết lối vào. Thế Trung ngầm đi trong khe núi, hỏi người phụ nữ
nhà quê, biết được đường nhỏ, liền cầm mác đi ngay, vượt hiểm mấy dặm, phá sào huyệt
chúng, giết ngay mấy chục người, bắt Lạp dẫn ra. Tân Hưng Tông dẫn quân chẹn cửa động,
cướp những người bị bắt để biến thành công lao của mình. Vì thế, việc ban thưởng không có
Hàn Thế Trung”. Hàn Thế Trung bị Tân Hưng Tông cướp công. Tân Hưng Tông lại bị Tống
Giang và đám người Lương Sơn bạc cướp công. Thật là chuyện trái khoáy.

Câu chuyện về nhóm người Tống Giang cũng kết thúc ở chỗ diệt Phương Lạp. Tống Giang hoàn
toàn biến mất trong sử sách. Năm Tuyên Hòa thứ 4 (1122), Đồng Quán đánh Liêu. Sử tịch không
nhắc đến Tống Giang nữa mà nhắc đến một tướng khác đi theo Đồng Quán là Dương Chí
(nguyên bản của nhân vật Thanh Diện Thú Dương Chí).
Nhà nghiên cứu Dư Gia Tích đoán rằng lúc đó Tống Giang đã chết. Nếu Tống Giang còn sống,
chắc hẳn có hoạt động được ghi chép lại. Đến năm 1939, ở Thiểm Tây phát hiện bia mộ của
danh tướng Chiết Khả Tồn (1096 - 1126). Trong đó có nói, Chiết Khả Tồn tham gia đánh dẹp
Phương Lạp, sau khi thắng trận “ban sư, đi qua quốc môn, phụng ngự bút phê sai đi đánh bắt
thảo khấu Tống Giang, không quá một tháng, lại bắt được”. Tống Giang hàng rồi lại phản. Đó là
điều hết sức kỳ lạ. Nhưng bia mộ Chiết Khả Tồn là tư liệu gốc. Thông tin ghi chép trong đó có thể
tin tưởng được. Tống Giang theo triều đình chỉ vài tháng, còn phần lớn sự nghiệp là phản kháng
triều đình. Vậy thế nào là trung nghĩa?

(còn tiếp)

Những chuyện chưa kể về Tam quốc


diễn nghĩa và Thủy hử truyện: 108 anh
hùng Lương Sơn bạc từ đâu ra?

Trần Hoàng Vũ
06:45 - 23/11/2021   0 THANH NIÊN





Hành trạng của Tống Giang đại khái đều được ghi chép trong sử sách.
Nhưng Tống sử, Hầu Mông truyện chỉ nói “Tống Giang dùng 36 người
hoành hành Tề, Ngụy”, mà Thủy hử truyện lại diễn thành 108 nhân vật. Rốt
cuộc ở đâu ra?

Từ trong lịch sử
Ngoài Tống Giang, sử tịch còn chép một người nữa thuộc Lương Sơn bạc. Đó là Sử Bân. Kiến
Viêm dĩ lai hệ niên yếu lục chép: “Kiến Viêm năm đầu (1127), mùa thu, tháng 7, giặc Sử Bân
chiếm cứ Hưng Châu, tiếm hiệu xưng đế. Sử Bân vốn là bè đảng của Tống Giang. Đến đây thì
làm loạn. Thủ thần là Hướng Tử Sủng trông gió chạy trốn. Bân bèn từ Vũ Hưng mưu kéo vào
Thục. Thành Đô phủ Lợi Châu lộ Binh mã kiềm hạt Lư Pháp Nguyên cùng bản lộ Đề điểm hình
ngục Thiều Bá Uẩn cùng bàn bạc, sai quân chiếm Kiếm Môn chống cự. Bân bèn bỏ đi”.
Tống sử gọi Sử Bân là “phản tướng”. Nhân lúc người Kim tiến đánh, mới làm phản ở Quan
Trung, mưu vào Thục. Đến tháng 11 năm sau (1128), Sử Bân bị Kinh Nguyên binh mã đô giám
Ngô Giới tập kích chém chết. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Sử Bân này có liên hệ với nhân vật
Cửu Văn Long Sử Tiến trong Thủy hử truyện.
Tranh khắc gỗ (thời Edo, Nhật Bản) về các nhân vật Lương Sơn bạc
TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ
Dương Chí, Lý Tuấn, Trương Thuận, Trương Hoành, Quan Thắng, Lý Quỳ, Đổng Bình, Giải Bảo
- trong lịch sử thời Tống quả thực có những cái tên này. Nhưng không hề có tư liệu nào nói họ là
bè đảng của Tống Giang. Như Dương Chí từng theo Đồng Quán đánh Liêu (1122), theo Chủng
Sư Trung đánh Kim (1126). Quan Thắng là “kiêu tướng Tế Nam”, bị hại trong loạn Tĩnh Khang.
Lý Quỳ làm lính trơn ở Mật Châu, Đổng Bình làm giặc ở phủ An Đức năm 1127. Trương Hoành
là “nghĩa sĩ Thái Nguyên”. Lúc người Kim đánh xuống phía nam, dẫn dân chúng giữ núi Thái
Hành. Năm 1135, Trương Hoành đánh bại người Kim ở Hiến Châu. Nhưng danh tiếng của nhóm
Tống Giang quả thực đã lẫy lừng trong dân chúng.

Cung Khai (1221 - 1305) thời cuối Tống đầu Nguyên cho biết: “Việc của Tống Giang thấy nhắc
trong chuyện trên đường phố, không đáng để nhặt chép. Tuy có người như Lý Tung truyền tả,
nhưng sĩ đại phu cũng không thấy bài xích. Tôi lúc nhỏ cảm khái cách làm người của họ, muốn
vẽ tranh và làm thơ tán lưu lại, nhưng cho rằng chưa thấy tín thư chép việc thực, nên không dám
khinh thường mà làm”. Đến sau thấy Đông đô sự lược chép truyện Thị lang Hầu Mông, có chép
một thiên trình bày kế sách chế ngự giặc, rằng: “Tống Giang dùng 36 người hoành hành Hà
Sóc, Kinh Đông, quan quân số vạn, không ai dám kháng cự. Tài của hắn ắt hơn người. Chi bằng
xá lỗi chiêu hàng, sai đánh dẹp Phương Lạp, lấy đó tự chuộc tội. Có khi sẽ bình được loạn Đông
Nam. Tôi từ đó mới biết bọn Giang thực sự vang tiếng ở đương thời”.

Vì sao “lạm phát” các nhân vật ?


Cung Khai cũng là người đầu tiên để lại một danh sách đầy đủ tên gọi và ngoại hiệu của các
nhân vật Lương Sơn bạc. Tổng cộng có 36 người, gồm: 1- Hô Bảo Nghĩa Tống Giang; 2- Trí Đa
Tinh Ngô Học Cứu; 3- Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa; 4- Đại Đao Quan Thắng; 5- Hoạt Diêm La
Nguyễn Tiểu Thất; 6- Xích Bát Thối Lưu Đường; 7- Một Vũ Tiễn Trương Thanh; 8- Lãng Tử Yến
Thanh; 9- Bệnh Úy Trì Tôn Lập; 10- Lãng Lý Bạch Khiêu Trương Thuận; 11- Thuyền Hỏa Nhi
Trương Hoành; 12- Đoản Mệnh Nhị Lang Nguyễn Tiểu Nhị; 13- Hoa Hòa Thượng Lỗ Trí Thâm;
14- Hành Giả Võ Tòng; 15- Thiết Tiên Hô Diên Xước; 16- Hỗn Giang Long Lý Tuấn; 17- Cửu Văn
Long Sử Tiến; 18- Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh; 19- Phích Lịch Hỏa Tần Minh; 20- Hắc Toàn Phong
Lý Quỳ; 21- Tiểu Toàn Phong Sài Tiến; 22- Sáp Sí Hổ Lôi Hoành; 23- Thần Hành Thái Bảo Đái
Tông; 24- Tiên Phong Sách Siêu; 25- Lập Địa Thái Tuế Nguyễn Tiểu Ngũ; 26- Thanh Diện Thú
Dương Chí; 27- Trại Quan Sách Dương Hùng; 28- Nhất Trực Tràng Đổng Bình; 29- Lưỡng Đầu
Xà Giải Trân; 30- Mỹ Nhiêm Công Chu Đồng; 31- Một Già Lan Mục Hoành; 32- Bính Mệnh Tam
Lang Thạch Tú; 33- Song Vĩ Hạt Giải Bảo; 34- Thiết Thiên Vương Tiều Cái; 35- Kim Thương Thủ
Từ Ninh; 36- Phác Thiên Điêu Lý Ứng.

Điểm lấn cấn duy nhất của danh sách này chính là sự xuất hiện của Tống Giang trong danh
sách. Thực ra nếu ta hiểu đúng lời của Hầu Mông nói “Tống Giang dùng 36 người” thì thực ra
Lương Sơn bạc có đến 37 đầu lĩnh (gồm cả Tống Giang). Vì thế Đại Tống Tuyên Hòa di sự
xem Tống Giang là đầu lĩnh. Trong thiên thư của Cửu Thiên Huyền Nữ ban xuống cho Tống
Giang có tên 36 người và ngoại hiệu, nhưng không có tên Tống Giang.

Vấn đề nằm ở chỗ danh sách trong thiên thư không có Giải Trân, Giải Bảo mà có Nhập Vân
Long Công Tôn Thắng, Báo Tử Đầu Lâm Xung và Mô Trứ Vân Đỗ Thiên. Rồi sau này lại xuất
hiện một nhân vật không có tên trong thiên thư là Nhất Trượng Thanh Trương Hoành. Điều này
cho thấy về đại thể các nhân vật Lương Sơn bạc có lẽ đã được sáng tác trong dân gian ở một
khu vực nào đó, rồi trong quá trình lưu truyền lại xuất hiện các nhân vật mới chen vào.

Khi biên soạn tiểu thuyết Thủy hử truyện, Thi Nại Am đứng trước vấn đề bỏ ai, chọn ai trong số
những cách liệt kê khác biệt ấy. Thay vì bỏ, chọn, Thi Nại Am đã quyết định thu nhận tất cả,
đồng thời mở rộng danh sách, ngoài 36 thiên cang còn tạo ra thêm cho đủ 72 địa sát. Chính sự
“lạm phát” về nhân vật ấy khiến cho việc xây dựng hình tượng nhân vật bị loãng. Chỉ có những
nhân vật “gốc” được dân gian truyền đời từ lâu mới in dấu ấn trong lòng độc giả.
Những chuyện chưa kể về Tam quốc
diễn nghĩa và Thủy hử truyện: Khi La
Quán Trung bị... đãng trí

Trần Hoàng Vũ
06:30 - 24/11/2021   1 THANH NIÊN





Tam quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết được viết trên cơ sở tư liệu lịch sử về
thời Tam quốc.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng Tam quốc chí của Trần Thọ và Tư trị thông giám của
Tư Mã Quang là những tư liệu quan trọng mà La Quán Trung tham khảo để viết sách. Điều thú vị
khi so sánh các văn bản lịch sử với lời văn tiểu thuyết lại cho thấy một hình ảnh La Quán Trung
đời thường đến mức có lúc… đãng trí.
Tôn Sách bắn chết Trần Sinh (bản in Tam quốc diễn nghĩa ở Nhật Bản thời Edo)
TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

La Quán Trung đọc nhầm sử liệu


Tam quốc diễn nghĩa có hơn 1.000 nhân vật lớn nhỏ. Trong số này có một vài nhân vật là do La
Quán Trung sai sót trong việc đọc tư liệu lịch sử. Nhân vật Ô Hoàn Xúc trong hồi thứ 65 “Tào
Tháo dẫn binh lấy Hồ Quan” là tiêu biểu nhất. Sau khi anh em Viên Hi, Viên Thượng thất bại, Ô
Hoàn Xúc là Thứ sử U Châu, đã tiến hành ăn thề với thuộc hạ để đi hàng Tào Tháo.

Trong Tam quốc chí phần Vũ đế kỷ có câu văn tương ứng: “Hi, Thượng bị tướng của mình là
Tiêu Xúc, Trương Nam tiến đánh, chạy tới Liêu Tây, Ô Hoàn. Xúc tự xưng là U Châu Thứ sử,
bức ép Thái thú, Trưởng lệnh các quận bỏ Viên theo Tào”. Sách vở Trung Quốc cổ đại thường
không sử dụng dấu câu. Do đó, có khi cùng một câu văn mà người đọc ngắt câu khác nhau.
Chẳng qua La Quán Trung không chấm câu sau chữ Ô Hoàn mà chấm ở sau chữ Liêu Tây, vì
thế mới tưởng 3 chữ Ô Hoàn Xúc là “tên người Phiên” như trong cổ bản Gia Tĩnh có chú thích.
Thực ra, người xưng Thứ sử U Châu chính là Tiêu Xúc - cũng là một nhân vật được đưa vào
Tam quốc diễn nghĩa.

Ở hồi 30 cổ bản, bên phía Viên Thuật có một nhân vật là Trưởng sử Dương Đại Tướng, sau ông
ta là Đô đốc Trương Huân. Trong tư liệu lịch sử không có nhân vật nào là Trưởng sử Dương Đại
Tướng cả. Chỉ có Tam quốc chí phần truyện Tôn Sách có câu: “Sau, Thuật chết. Bọn Trưởng sử
Dương Hoằng, Đại tướng Trương Huân đem bộ chúng toan đến chỗ Sách”. Rất có thể vì bản
sách Tam quốc chí của La Quán Trung thiếu mất chữ Hoằng, cộng thêm chấm câu sai, nên làm
xuất hiện “Trưởng sử Dương Đại Tướng”.

Lại có trường hợp tư liệu lịch sử không chép đó là người nhưng lại bị La Quán Trung biến thành
người. Hồi 239 cổ bản có một nhân vật là Qua Định ở trong doanh trại Trương Liêu làm nội ứng
cho Tôn Quyền. Tam quốc chí, Trương Liêu truyện kể chuyện đó có chữ “hữu khoảnh định, tức
đắc thủ mưu giả” (trong chốc lát là yên định, liền bắt được kẻ chủ mưu). Gần như chắc rằng La
Quán Trung đã hiểu câu đó thành “hữu Qua Định, tức đắc thủ mưu giả” (có người tên là Qua
Định, tức là kẻ chủ mưu).

Ảo diệu nhất là nhân vật Kiêu tướng Ngũ Bá dưới trướng Bàng Đức ở hồi 147, 148 cổ bản.
Trong Tam quốc chí, Bàng Đức truyện có tả “Đức cùng một tướng dưới cờ, hai người Ngũ bá”
chiến đấu ở trên bờ đê. Ngũ bá ở đây là chức quan, được La Quán Trung biến thành tên người.
Có người cho rằng hai người Ngũ bá đó có nhiệm vụ khiêng quan tài cho Bàng Đức. Nhân vật
này về sau bị các nhà in nhầm tiếp thành “ngũ bá nhân” (500 người) và sửa thành 500 tên lính.
Bản Mao Tôn Cương lưu hành hiện nay không còn nhân vật này hiện diện.

Nhân vật bị giết tới… hai lần


Tam quốc diễn nghĩa thực sự là một tác phẩm hết sức đồ sộ. Có người cho rằng La Quán Trung
đã hoàn thành một nửa tác phẩm này vào thời nhà Nguyên, rồi sang đầu thời Minh mới viết xong
phần còn lại. Khối lượng công việc đồ sộ như vậy dẫn tới một tình trạng là chính tác giả cũng
không nhớ nổi mình đã viết gì. Ở hồi 14, “Tôn Kiên vượt sông đánh Lưu Biểu” có hai tướng Kinh
Châu là Trương Hổ và Trần Sinh giao chiến với phe Tôn Kiên. Trần Sinh bị Tôn Sách bắn chết,
Trương Hổ bị Hàn Đương chém bay một góc sọ. Nhưng đến hồi 67, “Lưu Huyền Đức dự tiệc ở
Tương Dương”, hai người này lại hồi sinh và làm phản ở Giang Hạ. Kết quả, hai người lại bị
Trương Phi, Triệu Vân giết chết, còn cướp cả ngựa Đích Lư. Cha con Mao Luân đã phát hiện ra
chi tiết này, nên ở lần xuất hiện thứ hai, họ đã sửa tên nhân vật lại thành Trương Vũ, Trần Tôn.
Tương tự, Công tào Trần Kiểu giữ Nam quận bị Triệu Vân bắt giết trong hồi 102 cổ bản lại hồi
sinh ở hồi 156 và còn làm đến Binh bộ Thượng thư.

Nhưng đáng chú ý nhất là nhân vật Tiên phong Phùng Tập theo Lưu Bị đánh Ngô. Phùng Tập bị
giết tận hai lần ở hồi 167 và 168 cổ bản. Hồi 167, Phùng Tập bị Từ Thịnh bao vây, dùng loạn tên
bắn chết. Nhưng sang hồi 168, ông ta hồi sinh, chạy đi báo cho một tướng khác là Trương Nam
biết tin quân Thục đã thua. Đến đây, Phùng Tập cùng Trương Nam bị quân Ngô vây đánh.
Phùng Tập chết thêm lần nữa. Ở bản Mao Tôn Cương, chi tiết này được sửa thành Từ Thịnh bỏ
qua Phùng Tập nhằm đuổi theo Lưu Bị. Điều đáng nói là hai hồi truyện này lại sát nhau. Sự
nhầm lẫn này rõ ràng thể hiện một khoảng thời gian La Quán Trung ngưng sáng tác sau khi viết
xong hồi 167. Một thời gian khá lâu sau đó ông mới bắt tay viết hồi 168.

Những chuyện chưa kể về Tam quốc


diễn nghĩa Và Thủy hử truyện: La Quán
Trung là ai?

Trần Hoàng Vũ
06:30 - 17/11/2021   1 THANH NIÊN





Nói đến tác giả bộ tiểu thuyết chương hồi Tam quốc diễn nghĩa , chúng ta
dễ dàng gọi ra cái tên La Quán Trung.
Dù có thể không biết chi tiết về hành trạng cuộc đời, nhưng chí ít nhiều người cũng đã biết về
mối quan hệ thầy trò giữa Thi Nại Am (tác giả bộ Thủy hử truyện) và La Quán Trung.

La Quán Trung người thời Nam Tống, Nguyên


hay Minh ?
Thực ra thông tin về hành trạng cuộc đời của La Quán Trung phức tạp hơn nhiều. Thậm chí sau
khi đọc hết những thông tin đó, chúng ta buộc phải thốt lên câu hỏi: Rốt cuộc có bao nhiêu La
Quán Trung?
Bộ tiểu thuyết chương hồi Tam quốc diễn nghĩa (Nhà xuất bản Văn học, 1999)
H.M
Điền Nhữ Thành (1503 - 1557) chính là người đưa ra đề xuất La Quán Trung là người thời Nam
Tống. Trong sách Ủy hạng tùng đàm, ông viết: “La Quán Trung Bản (La Quán Trung tên thật là
Bản) ở Tiền Đường, người thời Nam Tống, biên soạn tiểu thuyết mấy chục loại, mà Thủy hử
truyện kể chuyện bọn Tống Giang gian trộm lừa gạt, quỷ quyệt, rất là kỹ lưỡng, nhưng biến trá
trăm bề, làm hại tâm thuật của con người. Con cháu của y ba đời đều câm. Đạo trời vay trả, báo
ứng như thế”.

Tuy nhiên, thông tin của Điền Nhữ Thành không được các nhà nghiên cứu chấp nhận. Họ
thường chú ý đến một ghi chép khác về La Quán Trung trong sách Lục quỷ bộ tục biên. Sách
này có người bảo là của Giả Trọng Minh (1343 - 1422) thời cuối Nguyên đầu Minh biên soạn;
nhưng cũng có người cho rằng không phải do họ Giả viết mà là một tác giả khuyết danh. Sách
này cho biết: “La Quán Trung là người Thái Nguyên, hiệu là Hồ Hải tản nhân, ít giao thiệp với
người. Nhạc phủ, ẩn ngữ của y rất là trong sáng mới mẻ. Y cùng với tôi làm bạn vong niên (bạn
bè có tuổi tác hết sức chênh lệch), gặp thời lắm việc, mỗi kẻ một phương. Đến năm Giáp Thìn
niên hiệu Chí Chính (1364) lại gặp nhau, bặt tin nhau đến sáu chục năm, cuối cùng chẳng biết
kết cục của y thế nào”. Sở dĩ ghi chép của Lục quỷ bộ tục biên được tin cậy là vì có vẻ nó xuất
phát từ một người có quen biết với La Quán Trung. Hơn nữa, nó cũng khớp với một vài nguồn
thông tin khác về La Quán Trung.

Vương Kì (1530 - 1615) trong sách Bại sử vị biên có nói: “Tông Tú La Quán Trung, Quốc Sơ Cát
Khả Cửu đều có chí đồ vương, lúc gặp chân chúa (tức Chu Nguyên Chương nổi lên) thì Cát gửi
sự thần kỳ vào nghề thuốc, La chuyển sự thần kỳ vào bại sử”. Cố Linh (1609 - 1682) trong Tháp
Ảnh viên tập có nói La Quán Trung từng là “khách ở bá phủ của Trương Sĩ Thành” - một lãnh tụ
khởi nghĩa thời cuối Nguyên. Đem tất cả những thông tin đó hòa trộn vào nhau thì thuyết La
Quán Trung là người cuối Nguyên đầu Minh là hợp lý nhất. Chỉ riêng thông tin La Quán Trung
người thời Nam Tống là không thể chấp nhận. Vì thế ngày nay khi viết tiểu sử La Quán Trung thì
“cuối Nguyên đầu Minh” là chính thuyết. Năm sinh năm mất của La Quán Trung đại khái là vào
khoảng năm 1330 đến năm 1400.
Tượng La Quán Trung ở Quảng Đông
TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Những dấu hiệu từ trong… tiểu thuyết


La Quán Trung là người thuộc thời đại nào? Câu hỏi này có thể được trả lời bằng những dấu
hiệu được rút ra từ chính văn bản tiểu thuyết. Cụ thể là bản in cổ nhất của Tam quốc diễn
nghĩa (có tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa) được in năm 1522. Nếu đọc sách từ đầu đến
cuối ta sẽ thấy phần lớn các thông tin trong chính văn của bản tiểu thuyết này đều dừng lại ở
cuối thời Tống, các bài thơ bình phẩm nhân vật trong tiểu thuyết cũng chỉ dẫn đến thơ của thời
Tống là hết, không hề có thơ bình của thi nhân thời Nguyên. Một số địa danh cổ trong truyện có
cước chú địa danh “hiện nay” theo tình hình của thời Tống. Ví dụ, quyển 11, hồi 103 “Gia Cát
Lượng lược định bốn quận” khi nhắc đến quận Vũ Lăng thì có chú thích “nay thuộc Đỉnh Châu”.
Đỉnh Châu là địa danh thời Tống. Có lẽ vì thế mà người ta ngờ rằng La Quán Trung là người thời
Nam Tống. Tuy nhiên, khảo sát kỹ lưỡng sẽ thấy tác phẩm này có niên đại muộn hơn một chút.

Hai nhà nghiên cứu Chương Bồi Hằng, Mã Mỹ Tín tiến hành khảo sát cổ bản Gia Tĩnh 1522 đã
nhận thấy nhiều địa danh trong sách được chú thích tình hình “hiện nay” theo tình trạng của thời
Nguyên. Chẳng hạn, quyển 2, hồi 20 “Tào Tháo cất quân báo thù cha” địa danh Lang Da được
chú là “nay thuộc Nghi Châu, Ích Đô lộ”. Nghi Châu thuộc lộ Ích Đô là tình hình thời Nguyên.

Sang thời Minh, Ích Đô lộ đổi thành phủ Thanh Châu, còn Nghi Châu thì đổi thuộc Duyện Châu.
Quyển 11, hồi 103 địa danh quận Quế Dương có chú “nay thuộc Sâm Châu, vẫn còn địa danh lộ
Quế Dương”. Đặc biệt trong cùng quyển này, hồi 103 chú quận Trường Sa “nay thuộc Đàm
Châu”; hồi 106 chú Công An “nay là huyện trị thuộc quản hạt của Giang Lăng”. Hai lời chú này là
tình hình trước năm 1329 thời Nguyên Văn Tông.

Vì sau năm đó nhà Nguyên đã cho đổi Kiến Khang thành Tập Khánh, Giang Lăng thành Trung
Hưng. Lại nữa, địa danh hành chính “lộ” đến thời Minh đã bị bãi bỏ. Cổ bản Tam quốc diễn
nghĩa vẫn dùng nó để xác định tình hình “hiện nay” cho thấy ít nhất phần truyện đó đã được định
bản từ thời nhà Nguyên. Sách được định bản thời nhà Nguyên thì tác giả của nó là người thời
Nguyên. Đó là kết luận hết sức hợp lý. Tiểu sử La Quán Trung còn liên quan đến tiểu sử của một
văn hào khác. Người đó chính là Thi Nại Am. (còn tiếp)

Những chuyện chưa kể về Tam Quốc


Diễn Nghĩa và Thủy Hử truyện: La
Quán Trung không phải là tác giả duy
nhất?

Trần Hoàng Vũ
06:30 - 20/11/2021   1 THANH NIÊN






Từ cuộc tranh luận quyền tác giả giữa Thi Nại Am và La Quán Trung , ta có
thể phán đoán rằng: Rất có thể vào lúc Thủy hử mới ra mắt, Thi Nại Am
vẫn còn là một cái tên chưa có giá trị trong văn đàn. Các nhà in lậu muốn
sách bán chạy thì phải mượn tên một tác giả ăn khách để thay vào, và đó
là La Quán Trung.
Đây cũng có thể là lý do khiến hiện nay chúng ta không thể tìm thấy một văn phong thống nhất
trong những tiểu thuyết được tuyên bố là tác phẩm của La Quán Trung. Tuy nhiên, ngay chính
trong Tam quốc diễn nghĩa cũng có những phần truyện không phải do La Quán Trung viết.

Ngụy Diên (trái) và cha con Tư Mã Ý bị kẹt trong hang Thượng Phương - bản in năm 1591
TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

“Bật mí” về bí mật tác giả Tam quốc diễn nghĩa


Khi nói đến tư tưởng chủ đề của Tam quốc diễn nghĩa, ta hay dẫn câu: “Đại thế thiên hạ hợp lâu
lại phân, phân lâu lại hợp”, và xem đó là phát biểu của La Quán Trung. Thực ra không phải như
vậy. Lời mào đầu này là do cha con Mao Luân và Mao Tôn Cương thời Thanh thêm vào. Mao
Luân (? - ?) và Mao Tôn Cương (1632 - 1709) là người Giang Tô, nhà nghèo, không ra làm
quan. Vào khoảng trung niên trở về sau, do không còn nhìn rõ nữa nên Mao Luân lấy việc bình
điểm các tác phẩm văn học làm thú vui. Mao Luân đọc miệng cho con là Mao Tôn Cương chép
lại và hiệu đính.
Cha con Mao Luân đem bản in Tam quốc diễn nghĩa do Lý Trác Ngô thời Minh bình điểm ra để
chỉnh sửa, rồi quảng cáo rằng đó là cổ bản. Nguyên sách có 240 hồi. Cha con họ Mao đem 2 hồi
nhập 1, thay đổi tiêu đề, thêm thơ kết hồi, cắt xén, chỉnh sửa, tăng bổ nội dung truyện, bỏ bớt
các thơ vịnh, tán hoặc thay bằng thơ khác. Những công tác này khiến diện mạo Tam quốc diễn
nghĩa gần với tiểu thuyết hơn (giống như Thủy hử truyện). Cha con họ Mao còn thêm vào lời bàn
của mình, bao gồm lời bàn chung cho toàn hồi truyện và lời bình ở từng chi tiết truyện.

Những chi tiết vụn vặt bị cha con họ Mao chỉnh sửa rất nhiều. Thậm chí có chỗ còn tự sửa, rồi tự
khen hay. Ví như hồi 158 cổ bản, Phổ Tịnh gõ vào chỗ ngồi hỏi: “Nhan Lương đâu rồi?”; thì ở hồi
77 bản Mao Tôn Cương sửa thành “Vân Trường ở đâu”, rồi khen “câu đó bao hàm ý nghĩa như
một bộ diệu kinh Kim Cương Bồ Tát”! Trường đoạn bị viết lại nổi tiếng nhất là đoạn “Khổng Minh
hỏa thiêu trại Mộc Sách” (hồi 205 cổ bản, tức hồi 103 Mao bản).

Trong cổ bản, Khổng Minh có ý đốt luôn cả Ngụy Diên trong hang Thượng Phương. Kế hoạch
thất bại, Khổng Minh chuyển sang đổ lỗi cho Mã Đại, rồi sai Mã Đại đến xin lỗi Ngụy Diên và nói
đó là âm mưu của Dương Nghi. Vì thế Ngụy Diên chuyển sang hận Dương Nghi và xin Khổng
Minh để Mã Đại làm bộ tướng của mình. Đó là phần chuẩn bị của Gia Cát Lượng để sau này “Vũ
hầu di kế chém Ngụy Diên”. Cha con họ Mao đã cắt bỏ hết những chi tiết này, và viết lại ở chỗ
Khổng Minh lâm chung, mới gọi Mã Đại đến trao mật kế.

Hồi thứ 57 bản hiện hành cũng đã được viết lại. Ta không hiểu lý do tại sao cha con họ Mao bỏ
đi đoạn Hán Hiến đế mời Mã Đằng lên gác, rồi mật lệnh cho Mã Đằng giết Tào Tháo. Ở bản hiện
hành do họ Mao viết lại, cha con Mã Đằng đã tự tiện hành động. Hồi 120 của bản hiện hành
cũng là do cha con Mao Luân viết lại. Trong cổ bản, ở hồi 239, La Quán Trung đã điểm rất nhanh
lịch sử nước Ngô từ sau khi Ngô chủ Tôn Hưu chết đến khi Dương Hỗ dâng sớ xin đánh Ngô.
Ngược lại, cha con họ Mao đã thêm vào chuyện mối giao tình giữa Dương Hỗ với Lục Kháng và
nhiều chuyện khác. Những chi tiết này nhằm giải thích lý do nước Ngô kéo dài được sự tồn tại
của mình sau khi Thục bị diệt, đồng thời hé lộ nguyên nhân nước Ngô diệt vong. Riêng sự tăng
bổ này có thể xem là hợp lý.

Những nhân vật nào được thêm vào ?


Nhân vật Lục Kháng không hề có trong cổ bản. Đây chỉ là nhân vật được cha con họ Mao đưa
thêm vào. Một nhân vật khác được hai cha con này “mời” vào Tam quốc diễn nghĩa là Hạ Hầu
Kiệt. Hạ Hầu Kiệt là người ở cầu Trường Bản nghe tiếng hét của Trương Phi rồi vỡ mật, ngã
ngựa. Thực ra trong cổ bản, người ngã ngựa là Hạ Hầu Bá (về sau hàng Thục, theo Khương
Duy đánh Ngụy). Sở dĩ có sự thay đổi này là vì muốn tâng bốc thêm sức mạnh tiếng hét của
Trương Phi, nên mới chọn Hạ Hầu Kiệt để ông này vỡ mật chết. Trong cổ bản, Hạ Hầu Bá chỉ
ngã ngựa chứ không chết, về sau còn xuất hiện lại.

Một nhân vật khác được thêm vào sau này chính là Quan Sách - con trai thứ của Quan Vũ. Quan
Sách xuất hiện khi Khổng Minh đi đánh Mạnh Hoạch và có một số đóng góp trong chiến dịch ấy.
Tuy nhiên, trong cổ bản Tam quốc diễn nghĩa không hề có nhân vật Quan Sách. Nhưng Quan
Sách lại là một nhân vật nổi tiếng trong văn hóa dân gian Trung Quốc. Nguyên là ở huyện Vĩnh
Bình của Nam Trung xưa có một địa danh gọi là Quan Sách trại do tướng Thục Hán là Quan
Sách xây đắp. Triệu Nhất Thanh thời Thanh giải thích rằng ở người Di phía tây nam gọi “gia” là
“sách”. Quan Sách trại tức Quan gia trại, là tiếng tôn xưng, chứ không phải thực có người tên
Quan Sách. Triệu Nhất Thanh ngờ rằng Quan Sách ở đây là nói đến Quan Hưng - con trai Quan
Vũ.

Do Quan Sách là một nhân vật nổi tiếng trong dân gian nên các nhà in thời sau thường đưa thêm
vào Tam quốc diễn nghĩa. Từ thời Minh đã có nhà in ghép một phần truyện đầu hồi 105 vào hồi
104. Sau đó, họ nhét thêm chuyện Quan Sách tới nhận cha vào đầu hồi 105 và đổi tên hồi này từ
“Hoàng Trung, Ngụy Diên hiến Trường Sa” thành “Quan Sách nhận cha ở Kinh Châu” - đó là một
phương thức xử lý hoàn toàn khác họ Mao.

(còn tiếp)
Những chuyện chưa kể về Tam Quốc
Diễn Nghĩa và Thủy Hử truyện: Mối
quan hệ giữa La Quán Trung và Thi Nại
Am

Trần Hoàng Vũ
06:15 - 18/11/2021   0 THANH NIÊN





Một trong những hạng mục quan trọng trong tiểu sử của La Quán
Trung chính là mối quan hệ thầy trò của ông và Thi Nại Am.
Ngày nay, chúng ta tin rằng Thi Nại Am chính là thầy của La Quán Trung. Cả hai đều là người
cuối Nguyên đầu Minh, nhưng có thực sự đúng như thế?

Những nhập nhằng về bản quyền tác giả


Nói đến La Quán Trung và Thi Nại Am thì còn có vấn đề tranh cãi về quyền tác giả của hai người
đối với một tiểu thuyết nổi tiếng khác là Thủy hử truyện. Ngày nay, chúng ta định danh Thủy hử
truyện là của Thi Nại Am. Nhưng người thời Minh là Lang Anh (1487 - 1566) trong Thất tu loại
cảo có nói: “Hai sách Tam quốc, Tống Giang là do người Hàng [Châu] là La Quán Trung biên
soạn”. Nhưng Lang Anh cũng từng thấy một bản trên có khắc chữ “Tiền Đường, Thi Nại Am”.
Chu Lượng Công (1612 - 1672) thời cuối Minh đầu Thanh trong sách Thư ảnh cũng nói: “Thủy
hử truyện tương truyền là người Việt đầu thời Hồng Vũ là La Quán Trung sáng tác, lại truyền
rằng do người Nguyên là Thi Nại Am sáng tác.
Bản in gộp Thủy hử truyện (trên) do Thi Nại Am ở Tiền Đường biên tập với Tam quốc (dưới) do
người Nguyên là La Quán Trung ở Đông Nguyên diễn nghĩa
TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ
Tây Hồ du lãm chí của Điền Thúc Hòa lại nói sách này do người thời Tống viết. Gần đây, Kim
Thánh Thán đem chỗ từ hồi thứ 70 trở về sau đoán định là do La Quán Trung tục biên, hết sức
mắng nhiếc La, lại ngụy tạo bài tựa của họ Thi để lên đầu sách. Sách ấy bèn thành của Thi”. Bản
Kim Thánh Thán mà Chu Lượng Công nhắc đến chính là bản lưu hành ở Việt Nam hiện nay.

Mặc dù bài tựa của Thi Nại Am trong bản Kim Thánh Thán là giả mạo, nhưng sự tranh giành
quyền tác giả giữa Thi Nại Am và La Quán Trung đã xuất hiện từ thời nhà Minh. Cuối cùng, các
nhà làm sách đã đi đến giải pháp nước đôi. Họ cho rằng Thủy hử truyện có một bộ phận do Thi
Nại Am sáng tác, một bộ phận là La Quán Trung tục biên. Điều này phù hợp với tình hình diện
mạo khác nhau của các bản Thủy hử truyện. Có bản gồm 100 hồi, có bản chỉ 70 hồi, lại có bản
lên đến 120 hồi, bởi liên quan đến La Quán Trung còn có Tam quốc diễn nghĩa. Nhưng Thủy hử
ở một trình độ cao hơn về mặt văn phong tiểu thuyết, vì thế khó có thể nói La Quán Trung là tác
giả đầu tay của Thủy hử.

Do đó, xuất hiện thuyết Thi là thầy, La là trò. Hồ Ứng Lân (1551 - 1602) trong Thiếu Thất sơn
phòng bút tùng đã nói đến vấn đề ấy. Ông cho biết: “Người thời Nguyên ở Vũ Lâm là Thi mỗ biên
soạn Thủy hử truyện, đặc biệt thịnh hành… Môn nhân của ông là La mỗ cũng học theo, làm Tam
quốc chí, nhưng rất nông cạn, thô thiển, thật tức cười”. Đến năm 1944, khi biên soạn Hưng Hóa
huyện tục chí, người ta lại đưa thêm vào đó một bài đề là Thi Nại Am mộ chí nói là của Vương
Đạo Sinh, trong đó xác nhận lý lịch của Thi Nại Am, thậm chí còn liệt kê Tam quốc diễn nghĩa
vào danh sách tác phẩm của Thi. Tác giả còn bảo rằng mình từng gặp La Quán Trung và nói
chuyện về Thi Nại Am, rằng Thi Nại Am mỗi khi viết xong thì đưa cho học trò (môn nhân) duyệt
lại. Trong số học trò đó thì đắc lực nhất là La Quán Trung.

La Quán Trung là thầy của Thi Nại Am


Nếu xét về mặt văn phong, rõ ràng Thủy hử truyện ở một trình độ cao hơn so với Tam quốc diễn
nghĩa. Văn tài của Thi Nại Am cao hơn La Quán Trung là điều có thể xác nhận. Nói họ có quan
hệ thầy trò không phải không có lý. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ tiến hóa về mặt hình thức của
tiểu thuyết chương hồi thì vấn đề lại khác hẳn. Xét về mặt kết cấu các hồi, thủ pháp tự sự, Tam
quốc diễn nghĩa đều ở dạng sơ khai hơn. Tiêu đề mỗi hồi trong Tam quốc diễn nghĩa cổ bản đều
là tiêu đề đơn, ví dụ: hồi 1 “Tế trời đất, đào viên kết nghĩa”; hồi 2 “Lưu Huyền Đức chém giặc lập
công”. Ở Thủy hử truyện, tiêu đề mỗi hồi đã là dạng tiêu đề 2 câu đối ngẫu. Chẳng hạn: hồi 1
“Trương Thiên sư cầu yên ôn dịch; Hồng Thái úy lỡ sổng yêu ma”. Ở Tam quốc diễn nghĩa cổ
bản chưa có thơ kết hồi nhưng Thủy hử truyện đã có. Phải đến thời nhà Thanh, cha con Mao
Luân, Mao Tôn Cương mới đem diện mạo Tam quốc diễn nghĩa ra tu chỉnh để giúp nó đáp ứng
các tiêu chí về mặt hình thức của tiểu thuyết chương hồi. Họ tiến hành đem 2 hồi gộp thành 1,
sửa tiêu đề thành 2 câu đối ngẫu. Chẳng hạn, hồi 1 và 2 gộp thành hồi 1 mới với tiêu đề: “Tế trời
đất, anh hùng kết nghĩa; Chém Khăn Vàng, hào kiệt lập công”; đồng thời thêm 2 câu thơ kết mỗi
hồi.

Lại nữa, trong cổ bản Tam quốc, sau mỗi sự kiện quan trọng có rất nhiều thơ bình, tán. Đây là
công cụ để người kể chuyện miệng giao lưu với khán giả trong quá trình kể chuyện. Ở Thủy hử,
số lượng thơ hạn chế hơn, bởi vì nó đã chuyển sang loại hình tiểu thuyết để đọc. Thủy hử tả sự
việc tỉ mỉ hơn và lan man lắt léo hơn.

Ngược lại, Tam quốc kể chuyện gọn ghẽ hơn. Tam quốc kể Lỗ Túc đi sang Kinh Châu thì sẽ đi
thẳng một mạch sang Kinh Châu. Ngược lại, Thủy hử tả một nhân vật xuống núi thì sẽ tả người
đó mặc áo gì, quần gì, chân đi giày gì, đội nón gì, tay phải cầm cái gì, tay trái cầm cái gì; sau đó
có người nhận xét một câu, nhân vật đáp lại một câu, ai đó dặn dò mấy câu.

Sau đó nhân vật xuống núi, giữa đường trời nắng khát nước lại ghé vào quán rượu. Đem thứ
văn phong tỉ mỉ đó ra kể sẽ khiến câu chuyện bị loãng và khán giả sẽ thấy chán. Tam quốc rất
gần với nghệ thuật kể chuyện miệng; Thủy hử thì đã thực sự là tiểu thuyết. Do đó, xét trên lịch
sử tiến hóa văn học thì La Quán Trung mới đích thị là thầy của Thi Nại Am.

(còn tiếp)

You might also like