You are on page 1of 1

VỀ NHẠC CỤ TRONG XẨM

Bộ nhạc cụ đơn giản và cơ bản nhất để hát Xẩm bao gồm đàn Nhị và
Sênh.
Đàn Nhị là nhạc cụ đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong nghệ
thuật hát Xẩm, được coi là linh hồn của một bài Xẩm. Đây là nhạc cụ thuộc bộ
dây có cung vĩ, do đàn có 2 dây nên gọi là đàn nhị ( 二). Đàn xuất hiện ở Việt
Nam khoảng thế kỷ X. Ngoài người Kinh, nhiều người dân tộc thiểu số Việt
Nam cũng sử dụng rộng rãi nhạc cụ này (Tày, Nùng, Mường, Dao…). Đàn Nhị
có âm vực rộng hơn 2 quãng tám, âm thanh trong sáng, rõ ràng, mềm mại gần
với giọng hát cao. Muốn thay đổi âm sắc hoặc giảm độ vang người ta dùng đầu
gối trái bịt một phần miệng loa của bát nhị (khi ngồi trên ghế kéo đàn) hay dùng
ngón chân cái chạm vào da của bát nhị (khi ngồi trên phản kéo đàn, trên ghế hay
các vị trí ngồi khác). Nhờ những cách này âm thanh sẽ xa vẳng, mơ hồ, tối tăm
và lạnh lẽo diễn tả tâm trạng thầm kín, buồn phiền,… Kỹ thuật đàn khá phong
phú, bao gồm từ ngón vuốt, ngón nhấn, ngón láy, ngón chuyền đến cung vĩ liền,
cung vĩ ngắt, cung vĩ rời và cung vĩ rung,… Có tài liệu ghi lại rằng, trước đây
người ta đã dùng đàn Bầu để đệm cho hát Xẩm nhưng sau này đã dần thay thế
thành đàn Nhị bởi đàn có tiếng to hơn, phù hợp với chỗ đông người, đàn nhỏ
gọn, tiện cho việc di chuyển… Trong hát Xẩm, đàn Nhị được sử dụng hết sức
linh hoạt, mang nhiều tính ngẫu hứng. Tiếng đàn và giọng hát đan xen hòa quện
với nhau, lúc trầm lúc bổng.
Sênh dùng đệm nhịp cho hát Xẩm có thể là Sênh Sứa (gồm hai thanh tre
hoặc gỗ) hoặc Sênh Tiền (có gắn thêm những đồng tiền kim loại để tạo âm thanh
xúc xắc). Sênh Tiền là một cặp phách hai lá bằng gỗ cứng. Lá phách thứ nhất
gọi là “lá phách kép“, lá phách thứ hai gọi là “lá phách đơn“. Lá phách kép gồm
hai thanh gỗ một dài (25 cm), một ngắn (11 cm) được gắn úp vào nhau bằng một
miếng da hay một bản lề. Phía đầu thanh dài có gắn các cọc tiền chinh. Lá phách
đơn dài 25 cm có các đường rǎng cưa ở cạnh và ở mặt lá phách. Khi đánh phách,
tay trái cầm lá phách kép, tay phải cầm lá phách đơn vừa đập, vừa rung, vừa
quẹt tạo ra các tiết tấu nghe rất rộn ràng. Sênh Tiền chủ yếu dùng đệm nhịp điệu
ở các dàn nhạc tế, lễ, dàn đại nhạc cung đình và nhạc múa cổ truyền. Sênh Sứa
là loại phách gồm hai miếng tre giống như hình chiếc lá, chiều dài khoảng
14cm, chiều ngang đoạn giữa khoảng 5cm, bề cật tre là lưng, bề ruột tre là mặt.
Cặp Kè tiếng trong, dòn, vui tươi, có những tiếng rung rất độc đáo. Khi biểu
diễn Sênh Sứa, người chơi cầm đôi Cặp Kè trong lòng bàn tay, hai mặt lưng ấp
vào nhau, cặp kè thường sử dụng hai đôi, cầm ở hai tay, với bàn tay điêu luyện,
lúc mở lúc nắm vào, lúc rung các ngón tay, lúc tay này nắm tay kia mở, lưng cặp
kè gõ vào nhau, tạo nên tiết tấu và hiệu quả âm thanh hấp dẫn. Sênh Sứa thường
được sử dụng trong Ban nhạc Xẩm, đi cùng với Mõ tre nghe rất bình dị, hài hòa.
Ngoài đàn Nhị và Sênh, các nhóm hát Xẩm đông người còn sử dụng thêm
đàn đáy, trống cơm, sáo và thanh la trong trình diễn.

Nguồn tham khảo: Giới thiệu về hát Xẩm – Trường Ca Kịch Viện

You might also like