You are on page 1of 11

Năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Đoàn Thị Mai

Người hướng dẫn : TS. Nguyễn Thị Thư

PHẦN MỞ ĐẦU
1.Tính cần thiết của đề tài
Nông nghiệp Việt Nam có vai trò rất lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước.
Đây là khu vực thu hút trên 70% lực lượng lao động xã hội và đóng góp khoảng 22% GDP của
đất nước. Sau hơn 15 năm thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp (từ khi có
nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ngày 5 tháng 4 năm 1988), sản xuất nông nghiệp và chế biến
nông sản của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Sản xuất nông nghiệp từ chỗ
không đáp ứng được nhu cầu trong nước, buộc Nhà nước phải nhập khẩu lương thực và một số
nông sản thiết yếu đến chỗ vươn lên dành vị trí cao trong xuất khẩu gạo, cà phê, cao su và các
mặt hàng nông sản khác trên thị trường quốc tế.
Sự tăng nhanh về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản cũng như mở rộng thị
trường xuất khẩu ra nhiều khu vực trên thế giới chứng tỏ Việt Nam ngày càng tham gia rộng và
sâu hơn vào thị trường quốc tế. Là thành viên chính thức của ASEAN từ 28/7/1995, Việt Nam đã
tham gia các chương trình hợp tác về kinh tế với các nước trong khối, trong đó có việc tham gia
khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), cam kết thực hiện đầy đủ việc cắt giảm thuế quan theo
chương trình CEPT/AFTA. Đây vừa là cơ hội to lớn cho Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu hàng
hoá nhưng đồng thời cũng là những thách thức không nhỏ đối với nước ta trong vấn đề đối mặt
với cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản tương tự như
Việt Nam và những đòi hỏi khắt khe của thị trường cả về giá cả, chất lượng, mẫu mã và tiêu
chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong 10 nước ASEAN có tới 5 nước (Thái Lan, Philippin,
Inđônêxia, Malaixia và Việt Nam) có điều kiện tự nhiên gần giống nhau, sản xuất nông nghiệp
vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, có những mặt hàng nông sản xuất khẩu gần giống
nhau và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng xuất khẩu trên thế giới như 45% lượng gạo xuất
khẩu, 80% cao su tự nhiên xuất khẩu, chiếm thị phần lớn trong xuất khẩu cà phê. Do vậy, đối với
những mặt hàng được coi là xuất khẩu chủ lực của mình, Việt Nam không những khó có thể xuất
khẩu sang các nước này mà còn phải cạnh trạnh tranh gay gắt với chính một số nước ASEAN
trong xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, thuỷ sản v.v...Vấn đề càng trở nên gay gắt một khi
Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức Thương mại quốc tế (có nhiều khả năng
vào cuối năm 2005).
Hiện nay khi hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra nhanh chóng và là xu hướng không
thể đảo ngược, để đẩy nhanh được quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững của
đất nước, chúng ta không còn con đường nào khác ngoài việc phải nâng cao sức cạnh tranh của
nền kinh tế nói chung, của các mặt hàng nông sản nói riêng. Tuy nhiên, làm thế nào để nâng cao
được năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản xuất khẩu trong bối cảnh thị trường nông sản thế
giới có nhiều biến động, các nguồn lực sản xuất trong nước có hạn như đất đai bình quân đầu
người thấp, kỹ thuật sản xuất, chế biến lạc hậu, mức độ cơ giới hoá sản xuất thấp, công nghệ sinh
học chưa phát triển, một số yếu tố đầu vào cho sản xuất lại lệ thuộc vào thị trường thế giới (phân
bón, xăng dầu, thuốc trừ sâu và một số sản phẩm để sản xuất thức ăn gia súc và thuốc phòng
bệnh gia súc v.v...) đang trở thành vấn đề có tính cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy
mà đề tài nghiên cứu "Năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu Việt Nam: Thực trạng và
giải pháp" là rất cần thiết và có tính thời sự.

2. Tình hình nghiên cứu của đề tài


Liên quan đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
và năng lực cạnh tranh của sản phẩm đặc biệt là hàng nông sản ở Việt nam đã có những công
trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước như:
1. TS. Đinh Văn Ân, (2003), "Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", NXB Giao thông vận tải, Hà
Nội.
2. TS. Bùi Quốc Bảo, (11/2001), "Giá cả với vấn đề hội nhập của Việt Nam trong xu thế toàn cầu
hoá kinh tế", Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Ban vật giá Chính phủ.
3. IFPRI (1996), “Giám sát thị trường gạo và nghiên cứu các lựa chọn chính sách”.
4. TS. Nguyễn Đình Long,`(2000), "Phân tích sơ bộ Khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp
Việt Nam trong bối cảnh ASEAN và AFTA", Bộ NN và PTNN.
5. N. Minot, “Khả năng cạnh tranh của ngành chế biến lương thực của Việt Nam’, IFPRI, 4/1998.
6. TS. Chu Tiến Quang, (2002), "Cơ sở khoa học của điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong
quá trình hội nhập khu vực mậu dịch tự do ASEAN- AFTA", Đề tài nghiên cứu khoa học cấp
Bộ, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.
7. Nguyễn Ngọc Quế, (2000), “Khả năng cạnh tranh của gạo Việt nam”, Bộ NN và PTNN.
8. Lê Viết Thái, (2000), "Cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng chính sách cạnh tranh ở
Việt Nam", NXB Lao động, Hà Nội.
9. Hội thảo quốc tế về Hội nhập kinh tế toàn cầu và tác động của nó tới ngành nông nghiệp Việt
Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức vào tháng 3/2001.
Một số công trình khoa học nêu trên đã đưa ra các tiêu thức chuẩn mực để đánh giá năng
lực cạnh tranh của một quốc gia, còn vấn đề năng lực cạnh tranh của hàng hoá nông sản Việt
Nam, mỗi công trình đánh giá ở một góc độ khác nhau như chi phí sản xuất, chế biến, cơ sở hạ
tầng, marketing xuất khẩu v.v... và vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Có một số ý kiến tại
cuộc Hội thảo quốc tế về "Hội nhập kinh tế toàn cầu và tác động của nó tới ngành nông nghiệp
Việt Nam" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức vào tháng 3 năm 2001, cho rằng
điều kiện sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt của Việt Nam thuận lợi, giá nhân công rẻ,
chi phí sản xuất thấp do vậy những nông sản xuất khẩu của nước ta hoàn toàn có khả năng cạnh
tranh trên thị trường thế giới; một số ý kiến khác (của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung
ương, Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn
quốc gia) lại cho rằng điều kiện tự nhiên thuận lợi, giá nhân công rẻ chỉ là những lợi thế tạm
thời, trong khi đó cơ sở hạ tầng của Việt Nam kém phát triển, chi phí dịch vụ cao, một số vật tư
quan trọng cho sản xuất nông nghiệp lại phụ thuộc vào thị trường thế giới, kinh nghiệm buôn bán
trên thị trường quốc tế kém làm cho nông sản hàng hoá của Việt Nam khó có khả năng cạnh
tranh một cách bền vững. Tác giả luận văn hoàn toàn ủng hộ quan điểm thứ hai này và cho rằng
phải nhìn nhận năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam xuất phát từ khâu sản xuất, chế
biến, kinh doanh và xuất khẩu, đặt năng lực cạnh tranh của từng mặt hàng nông sản trong mối
tương quan với năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế, của các mặt hàng khác trên quan điểm
tiếp cận nguồn lực sản xuất nông nghiệp là có hạn để từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao năng
lực canh tranh cho hàng nông sản Việt Nam một cách thích hợp.

3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài


- Mục đích:
Đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh, phân tích những nhân tố thuận lợi và những
nhân tố cản trở năng lực cạnh tranh để có căn cứ đề xuất những giải pháp nâng cao năng lực cạnh
tranh cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
- Nhiệm vụ nghiên cứu:
+ Nghiên cứu một số vấn đề lý luận về lợi thế so sánh và năng lực cạnh tranh của nông sản
hàng hoá trong nền kinh tế thị trường.
+ Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu Việt
Nam, phát hiện những yếu tố có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh của các hàng hoá đó
trong thời gian tới để phát huy.
+ Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản xuất
khẩu Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu là năng lực cạnh tranh và những nhân tố ảnh hưởng tới năng lực
cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.
- Phạm vi nghiên cứu: nghiên cứu một số mặt hàng nông sản xuất khẩu tiêu biểu của Việt
Nam (gạo, cà phê, cao su, chè, điều) trong phạm vi cả nước từ năm 1990 lại đây; các giải pháp
đề xuất cho đến năm 2010.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện luận văn, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử,
- Phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp và thống kê.
Đặc biệt luận văn có tham khảo và kế thừa những công trình khoa học có liên quan, các
báo cáo tổng kết của các bộ liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài
chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,...
6. Những đóng góp của luận văn
Luận văn được thực hiện với mong muốn có những đóng góp chủ yếu sau:
- Trên cơ sở tham khảo có chọn lọc các tài liệu có liên quan, tác giả muốn đóng góp vào
việc hệ thống hóa và hoàn thiện các luận cứ khoa học về năng lực cạnh tranh của nông sản xuất
khẩu Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập về kinh tế.
- Từ những số liệu thực tế, luận văn sẽ đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng năng lực cạnh
tranh của một số hàng nông sản, rút ra những kết luận về thành công, hạn chế và nguyên nhân đã
ảnh hưởng tích cực và tiêu cực tới năng lực cạnh tranh của những nông sản hàng hóa này.
- Đề xuất một số quan điểm và giải pháp cơ bản, có tính khả thi nhằm không ngừng nâng
cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, mục lục và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của
luận văn được chia làm 3 chương:
Chương 1: Lý luận về cạnh tranh và kinh nghiệm của quốc tế
Chương 2: Thực trạng năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu Việt Nam
Chương 3: Những giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu
Việt Nam.
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ KINH NGHIỆM
QUỐC TẾ
1.1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CẠNH TRANH VÀ NĂNG LỰC CẠNH
TRANH
1.1.1 Cạnh tranh
Cạnh tranh là là một thuật ngữ với nghĩa chủ yếu là phản ánh sự đấu tranh, ganh đua, thi
đua giữa các đối tượng cùng loại, đồng giá trị nhằm đạt được những ưu thế, những lợi ích theo
mục tiêu xác định.
Trong kinh tế, khái niệm cạnh tranh có thể được hiểu là sự ganh đua giữa các nhà doanh
nghiệp trong việc giành một nhân tố sản xuất hoặc khách hàng nhằm nâng cao vị thế của mình
trên thị trường {24, tr.11]
Cạnh tranh sẽ đem lại lợi ích cho người này và sự thiệt hại cho người khác, song xét dưới
góc độ lợi ích toàn xã hội, cạnh tranh luôn có tác động tích cực (chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn,
dịch vụ tốt hơn...).
Trong quan hệ kinh tế cạnh tranh là sự đấu tranh giữa những chủ thể trong việc thực hiện
sản phẩm, dịch vụ nhằm chiếm lĩnh thị trường ở mức cao nhất, giành điều kiện tiêu thụ có lợi
nhất và tối đa hoá lợi nhuận.
Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn này, khái niệm cạnh tranh được hình dung như
một cuộc ganh đua giữa hai hay nhiều cá nhân hoặc tổ chức để giành thị phần trên thị trường (kể
cả thị trường bán lẫn thị trường mua).
Cạnh tranh là một xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Hiện tượng cạnh tranh xuất
hiện đồng thời với sự ra đời và phát triển của nền sản xuất hàng hoá. Cạnh tranh là động lực thúc
đẩy sản xuất phát triển. Trong nền sản xuất hàng hoá, qui luật giá trị là qui luật kinh tế cơ bản và
cạnh tranh lấy qui luật giá trị làm tiền đề. Tác động của qui luật giá trị trong việc kích thích sự
phát triển của lực lượng sản xuất, đào thải cái lạc hậu dựa trên cơ sở công bằng - đó là sự trao đổi
ngang giá. Trong điều kiện đó, muốn có nhiều lợi nhuận các chủ thể kinh tế phải đua nhau đổi
mới khâu tổ chức quản lý (sản xuất, lưu thông phân phối), đua nhau cải tiến kỹ thuật, áp dụng
những thành tựu khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, giảm hao
phí lao động cá biệt nhằm thu lợi nhuận cao hơn các chủ thể kinh tế khác.
Có thể nói, để thắng được trong cạnh tranh, chiếm lĩnh được thị phần buộc các quốc gia,
các doanh nghiệp, các ngành sản xuất sản phẩm phải nâng cao được năng lực cạnh tranh của
mình
1.1.2 Năng lực cạnh tranh
Trong môi trường cạnh tranh, từng chủ thể kinh tế thể hiện vị thế của mình so với các chủ
thể khác. Vị thế đó, dựa trên những ưu thế nhất định về các điều kiện sản xuất và tiêu thụ hàng
hoá. Sức cạnh tranh, khả năng cạnh tranh, năng lực cạnh tranh đều phản ánh vị thế cạnh tranh
của các chủ thể kinh tế. Vị thế đó là những điều kiện để các chủ thể kinh tế tham gia vào hoạt
động cạnh tranh. Một chủ thể có sức cạnh tranh cao là chủ thể có lợi thế, biết tạo ra những lợi thế
để thu được lợi nhuận cao hơn so với các chủ thể khác. Chủ thể đó cũng được coi là có khả năng
cạnh tranh hay năng lực cạnh tranh cao. Vì vậy, có thể hiểu sức cạnh tranh, năng lực cạnh tranh,
khả năng cạnh tranh là những khái niệm đồng nghĩa. Để xác định năng lực cạnh tranh hoặc khả
năng cạnh tranh hay sức cạnh tranh của một ngành kinh tế, của một đơn vị kinh doanh hoặc của
một sản phẩm người ta thường chọn ra một số tiêu thức như: thị phần, tỷ lệ lợi nhuận trong một
đơn vị sản phẩm. Những tiêu thức này chỉ đánh giá trạng thái “tĩnh” vị trí của ngành (doanh
nghiệp hoặc sản phẩm) trong một thời điểm, trong khi đó cạnh tranh là một quá trình mang tính
“động”, vì vậy khi phân tích cạnh tranh, người ta thường bổ sung vào một số yếu tố “động” khác
như mức độ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, vòng đời của sản phẩm v.v...
Trên cơ sở phân tích này, các nhà kinh doanh có thể đưa ra những chiến lược kinh doanh phù
hợp với thị trường để duy trì và phát huy vị thế của mình trên thị trường hoặc đưa ra những biện
pháp phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.
Năng lực cạnh tranh được phân biệt ở ba cấp độ, bao gồm năng lực cạnh tranh quốc gia;
năng lực cạnh tranh doanh nghiệp; năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.
- Năng lực cạnh tranh quốc gia là một khái niệm phức hợp, được định nghĩa là năng lực
của một nền kinh tế đạt được tăng trưởng bền vững, thu hút được đầu tư, bảo đảm ổn định kinh
tế, xã hội, nâng cao đời sống của người dân, chủ yếu nhờ khả năng nâng cấp công nghệ hoặc
bằng cách tự sáng tạo hoặc tiếp thu nhanh chóng và tích cực công nghệ từ nước khác. [2,tr. 13-
14]
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho rằng, tính cạnh tranh của một quốc gia là “năng lực
của nền kinh tế nhằm đạt và duy trì được mức tăng trưởng cao" trên cơ sở các chính sách, thể
chế vững bền tương đối và các đặc trưng kinh tế khác. Theo WEF, khuôn khổ nội dung xác định
tính cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế bao gồm tám nhóm nhân tố: độ mở cửa; chính phủ; tài
chính; kết cầu hạ tầng; công nghệ; quản trị; lao động; và thể chế. [2,tr.13-14]
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngọc Anh (2002), "Chất lượng hàng nông sản xuất khẩu- vấn đề đáng quan tâm", Tạp chí
Thông tin Tài chính (số 27), tr10.
2. Đinh Văn Ân (2003), " Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", NXB Giao thông vận tải, Hà
Nội.
3. Ban Vật giá Chính Phủ (1998), "Nông nghiệp Việt Nam trên đường hiện Đại hóa", Hà Nội.
4. Báo Sài Gòn giải phóng (17/9/2004), "Nghịch lý hạt tiêu", Tr.2.
5. D. Begg, Stanley Fischer, Rudiger Dornbusch , Kinh tế học, NXB Giáo dục, 2004.
6. Bộ NN&PTNT (10/2000), "Phân tích sơ bộ Khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt
Nam trong bối cảnh ASEAN và AFTA.
7. Bộ NN&PTNT (3/2001), Tài liệu hội thảo quốc tế về Hội nhập kinh tế toàn cầu và tác động
của nó tới ngành nông nghiệp Việt nam.
8. Nguyễn Sinh Cúc, (1/2005), "Tổng quan nông nghiệp năm 2004 và dự báo 2005", Tạp chí
Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tr.8.
9. Lê Anh Cường, (2003), "Tạo dựng và quản trị thương hiệu", NXB Lao động xã hội.
10. Mai Ngọc Cường, (1996), lịch sử các học thuyết kinh tế, Nxb Thống kê, Hà Nội. tr.358
11. Đảng cộng sản Việt Nam (2001), "Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX", NXB
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
12. Vũ Xuân Đào (9/1996), Đề án Việt Nam Hà Lan "Các giải pháp kiểm soát độc quyền và
chống cạnh tranh không lành mạnh trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế ở Việt Nam".
13. F. Ellis (1995) "Chính sách nông nghiệp trong các nước đang phát triển", Đại học tổng hợp
East Anhlia, NXB Nông nghiệp.
14. IFPRI (1996), “Giám sát thị trường gạo và nghiên cứu các lựa chọn chính sách”.
15. T.S Bạch Quốc Khang (2003), "Đẩy mạnh công nghệ bảo quản góp phần nâng cao giá trị
giảm hư hao hàng nông sản", Tạp chí Thị trường giá cả, số 9, tr. 3
16. Trần Văn Lệnh (2003) "Xây dựng thương hiệu với hàng nông sản tươi sống", Tạp chí Thương
mại số 47, tr.8-12.
17. T.S Nguyễn Đình Long (8/1999) "Nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hàng nông sản xuất
khẩu nước ta", Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 31, tr.46- 47.
18. N. Minot (4/1998), “Khả năng cạnh tranh của ngành chế biến lương thực của Việt nam",
IFPRI.
19. Nghị quyết 10/ NQTW ngày 5 tháng 4 năm 1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế
nông nghiệp.
20. Nghị quyết 06/ NQTW ngày 10 tháng 11 năm 1998 của Bộ Chính trị về một số vấn đề phát
triển nông nghiệp và nông thôn.
21. Nông nghiệp Việt Nam (20/9/2004), "Xôn xao chuyện nông dân tỉnh lúa chán ruộng", Tr. 1.
22. Nguyễn Ngọc Quế (2000), “Khả năng cạnh tranh của gạo Việt nam”, Bộ NN và PT NN.

23. A. Smith (1994), Của cải của các dân tộc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 652-653

24. Lê Viết Thái (2000), " Cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng chính sách cạnh tranh
ở Việt Nam", NXB Lao động, Hà Nội.
25. Nguyễn Tiến Thỏa (1996), "Lúa gạo Việt Nam, nguyên nhân của Kỳ tích". NXB Nông
nghiệp, Hà Nội.
26. Tổng cục thống kê (2001), Niên giám thống kê 2000, NXB Thống kê, Hà Nội.
27. Tổng cục thống kê (2003), Niên giám thống kê 2002, NXB Thống kê, Hà Nội.
28. Tổng cục thống kê (2004), Niên giám thống kê 2003, NXB Thống kê, Hà Nội.
29. Tổng cục thống kê (2005), Niên giám thống kê 2004, NXB Thống kê, Hà Nội.
30. Nguyễn Xuân Trình (2002), "Cảnh báo về sức cạnh tranh của chè Việt Nam", Tạp chí
Thương mại số 32, tr.18-19.
31. Nguyễn Xuân Trình (2003), "Cao su tiếp tục tăng giá", Tạp chí Thương mại số 8, tr.23
32. Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, WB. (2003), "Việt Nam sẵn sàng gia nhập
WTO", Hội thảo khoa học quốc tế tại Hà Nội.
33. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, "Đánh giá môi
trường kinh doanh ở Việt Nam", số 36 (29/9/2005).
34. Phạm Hồng Tú- Phan Ngọc bảo (1999), "Triển vọng hàng nông sản thế giới và khả năng xuất
khẩu của Việt Nam đến 2010", Viện Nghiên cứu Thương Mại Hà Nội.
35. UNDP(12/1999), "Hướng tới tương lai" - Báo cáo đánh giá chung về tình hình Việt Nam.
36. Uỷ ban hợp tác kinh tế quốc tế, Đề án quốc gia về "Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng
hoá và dịch vụ Việt Nam".
37. Nguyễn Trung Vân (1999), "Giá thành bình quân sản xuất gạo xuất khẩu của một số nước",
Tạp chí Kinh tế nông nghiệp số1,tr 34.
38. Viện kinh tế học (4/2001), "Tổng quan về chính sách tự do hoá thương mại của Việt Nam
trong những năm 90: Những thay đổi và tác động".
39. Viện nghiên cứu kinh tế và phát triển - Trường đại học KTQD (1999), "Chuyển dịch cơ cấu
kinh tế trong điều kiện hội nhập với khu vực và thế giới", NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
40. Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (11/2001), "Giá cả với vấn đề hội nhập của Việt
Nam trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế", Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ.
41. Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính, Các báo cáo giá cả hàng hoá và
dịch vụ hàng năm từ 1997-2004.
42. Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (11/2000) “Phương pháp đánh giá khả năng cạnh
tranh về giá cả của một số ngành hàng chủ yếu của Việt Nam và kiến nghị các giải pháp điều
hành thị trường - giá cả để nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong xu thế hội
nhập”, Đề tài NCKH cấp Bộ.
43. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (2002) "Kinh tế Việt Nam 2001", NXB Chính
trị quốc gia, Hà Nội.
44. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (2003) "Kinh tế Việt Nam 2002", NXB Chính
trị quốc gia, Hà Nội.
45. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW, (9/2003), "Hội nhập kinh tế ASEAN- áp lực cạnh tranh
trên thị trường và đối sách của Việt Nam".
46. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (2004) "Kinh tế Việt Nam 2003", NXB Chính
trị quốc gia, Hà Nội.
47. Vụ Nông nghiệp Thuỷ sản, Tổng cục Thông kê (2000), Số liệu thống kê nông- lâm nghiệp-
thuỷ sản Việt Nam 1975-2000, NXB thống kê, Hà Nội.
48. Phạm Thế Vỹ (2002), "Nâng cao hàm lượng "chất xám" trong nông sản xuất khẩu", Tạp chí
Thương mại số 19, tr.10-11.
49. Website http://www.agoviet.gov.vn/
50. Website http://www.vneconomy.com.vn/
51. World Bank (10/2004), "Đa dạng hoá nông nghiệp ở Việt Nam: cơ hội và thách thức", Hà
Nội.

You might also like