You are on page 1of 4

NGUYÊN TẮC KẾT HỢP

NỘI DUNG:

a) Kết hợp các đối tượng đồng nhất hoặc các đối tượng dùng cho các hoạt động kế cận.

b) Kết hợp về mặt thời gian các hoạt động đồng nhất hoặc kế cận.

CÁC THÍ DỤ:

1) Nhiều chìa khóa kết hợp lại thành chùm chìa khóa, tránh thất lạc.

2) Súng hai nòng, nhiều nòng.

3) Máy may nhiều kim.

4) Bút kẻ khuông nhạc gồm năm đầu ngòi, kẻ một lần được năm dòng song song.

5) Các két bia, container.

6) Bút bi nhiều ruột với các màu mực khác nhau.

7) Bấm móng tay có phần giũa móng tay.

8) Hộp phấn phụ nữ có gương soi.

9) Bàn ủi gắn với bộ phận phun nước.

10) Loại búa có một đầu dùng để đóng đinh, đầu kia dùng nhổ đinh.

11) Bóng đèn có hai tim: pha và cốt.

12) Những vật trong ảnh, quả thật, trông giống như các tấm thảm dành cho những người tập
yoga. Nhưng, trên thực tế, đây là những chiếc đinh có chung một cái mũ đinh.

Kết hợp nhiều đinh lại làm một như vậy để làm gì? Tại nhà máy “VFZ” ở Zwickau (Đức), người
ta sản xuất ra chúng bằng phương pháp dập từ các tấm thép tráng kẽm. Các “thảm” đinh với kích
thước khác nhau, có 20, 40, 60, thậm chí, 100 cái đinh. Chúng được dùng để đóng các vì kèo, nói
chung, những chỗ ghép nối các kết cấu gỗ nhẹ: “thảm” đinh tạo mối liên kết chặt hơn nhiều so
với các đinh đơn.

13) Những cuộc hạ cánh ngoài kế hoạch của các nhà du hành vũ trụ cho thấy, họ cần có phương
tiện để bắn pháo hiệu và tự bảo vệ chống lại thú dữ. Các chuyên gia về kỹ thuật hàng không và
vũ trụ đề nghị các nhà sản xuất vũ khí vùng Tula (Liên Xô) thiết kế và chế tạo loại súng có độ tin
cậy cao, sử dụng thuận tiện, bắn được đạn súng săn, đạn thường, pháo hiệu. Kết quả, công trình
sư N.V. Upirov cùng các đồng nghiệp đã làm ra loại súng ngắn ba nòng, đáp ứng được các yêu
cầu nói trên. Kết cấu của súng cho phép bắn từ các nòng ra theo thứ tự bất kỳ, thêm nữa, có thể
bắn ba phát đạn dùng có một tay. Cấu tạo của súng loại trừ khả năng súng cướp cò do bị va đập
hay làm rớt súng. Súng có thể dùng kèm theo báng phụ.

14) Chỉ một người bước ra sân khấu, vừa hát, vừa tự đệm đàn ghita, mà người nghe, nghe thấy cả
dàn nhạc đệm theo: Từ tiếng trống đến bộ hòa âm điện tử. Tóm lại, một người thay thế cho cả
ban nhạc. Bí mật nằm ở chỗ, chiếc ghita điện tổng hợp (sản xuất tại Nhật) được gắn cả máy ghi
âm, micrô, máy khuếch đại, loa. Máy ghi âm dùng để phát phần nhạc đệm, còn nghệ sĩ tự đánh
lấy giai điệu chính (xem hình).

15) Các chuyên gia Mỹ và Ý hợp tác xây dựng loại kính thiên văn quang học kép trên núi
Greham, bang Arizona (Mỹ) ở độ cao 3.300 mét. Kính thiên văn này gồm hai kính thiên văn
thường, có đường kính gương của mỗi cái là 8 mét và đặt cách nhau 22 mét. Bằng cách kết hợp
như vậy, người ta thu được độ phân giải tương đương với kính đơn, có đường kính gương 22
mét.

Trong tương lai, các chuyên gia dự định xây dựng thêm hai kính thiên văn quang học mạnh hơn,
mỗi cái trong số đó có bốn gương, đường kính 8 mét, kết hợp thành một hệ thống nhất.

NHẬN XÉT:

1) “Kế cận”, ở đây, không nên chỉ hiểu là gần nhau về mặt thời gian, vị trí hay chức năng, mà
nên hiểu rộng hơn: Các đối tượng có thể có quan hệ với nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau… Do
vậy, có thể có cả những kết hợp các đối tượng “ngược nhau” (ví dụ, bút chì kết hợp với tẩy).

2) “Kết hợp” cần hiểu theo nghĩa rộng là thiết lập mối liên kết, không đơn thuần cộng thêm (kiểu
số học) hay gắn thêm (kiểu cơ học), mà còn được hiểu kết hợp những ý tưởng, tính chất, chức
năng… từ những lĩnh vực hoặc những đối tượng khác với lĩnh vực hoặc đối tượng cho trước để
có được những sản phẩm sáng tạo. Các mối liên kết trên thực tế rất đa dạng, bạn cần chú ý sử
dụng sự đa dạng này.

3) Đối tượng mới, tạo nên do sự kết hợp, thường có những tính chất, khả năng, ích lợi mà từng
đối tượng riêng rẽ trước đây chưa có.

4) Trong thực tế, các hiện tượng, quá trình, sự việc… thường hay đan xen nhau nên khả năng kết
hợp (thiết lập mối liên kết để tạo thêm các ích lợi) luôn luôn có. Do vậy, bạn đọc cần chú ý khai
thác nguồn dự trữ này. Ví dụ, bạn làm công việc nào đó, bạn nên xem xét thêm có thể kết hợp
các công việc khác với công việc đó không? Nếu được, “một phát súng sẽ bắn được hai con thỏ”.

5) Nguyên tắc kết hợp thường liên quan với 1. Nguyên tắc phân nhỏ, 3. Nguyên tắc phẩm chất
cục bộ… Điều này phản ánh một cách nhìn biện chứng: Hai cách nhìn đối lập nhau có thể cho
cùng một kết quả. Thí dụ 5, một mặt cho thấy kết hợp các chai bia lại với nhau, mặt khác cũng
cho thấy không gian của cái két bị phân nhỏ ra thành các ô, mỗi ô cho một chai bia. Chưa kể,
nguyên tắc kết hợp và phân nhỏ, phẩm chất cục bộ còn phản ánh khuynh hướng phát triển biện
chứng: Sự liên kết, hợp tác hóa thường đi kèm với sự phân công lao động và chuyên môn hóa
sâu hơn...
DIỄN GIẢI:

1) Các từ xuất phát dùng tra từ điển, liên tưởng, tưởng tượng để tìm ra các từ, ngữ đồng nghĩa,
gần nghĩa về mọi loại nghĩa là: “đối tượng”, “tác động”, “kết hợp”, “hoạt động”, “kế cận”, “hoạt
động kế cận”.

2) “Kết hợp” theo kiểu gì, như thế nào, đến mức nào phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

TƯ DUY HỆ THỐNG:

Hình 161: Nội dung nguyên tắc kết hợp nhìn theo quan điểm hệ thống
1) Các hệ thống tiền thân là các hệ thống đồng nhất hoặc kế cận. Nguyên tắc kết hợp chỉ ra cần
lập mối liên kết giữa chúng để có được hệ cải tiến. Hình 161 minh họa nội dung đó của nguyên
tắc kết hợp. Để đơn giản trong trình bày, người viết chỉ lấy hai hệ tiền thân.

2) Hệ cải tiến là hệ trên của các hệ tiền thân và có những tính chất mới không thể quy về thành
những tính chất của các hệ và các mối liên kết đứng riêng rẽ (xem mục nhỏ 10.2.1. Một số khái
niệm cơ bản và ý tưởng chung về hệ thống của quyển ba).

3) Nguyên tắc kết hợp, chủ yếu, thay đổi (tạo thêm) các mối liên kết.

4) Có thể xem nguyên tắc kết hợp là nguyên tắc ngược với nguyên tắc phân nhỏ (xem mục nhỏ
11.3.1. Nguyên tắc phân nhỏ của quyển sách này).

TƯ DUY BIỆN CHỨNG:

Tính hệ thống của hệ cải tiến (hệ trên) chính là sự thay đổi về chất. Cần chú ý xem sự thay đổi về
chất đó có thể dẫn đến những sự thay đổi về lượng nào trong ngữ cảnh giải bài toán cho trước.
Ngoài ra, ở đây có thể còn có sự tăng số lượng các hệ.

CÁCH XEM XÉT:

a) Có các hệ đồng nhất nào? Các hoạt động (tác động) đồng nhất nào? Có khả năng kết hợp
chúng lại với nhau không? Nếu có, hãy kết hợp chúng lại bằng cách lựa chọn và tạo ra các mối
liên kết thích hợp?

b) Có các hệ kế cận nào? Các hoạt động (tác động) kế cận nào? Có khả năng kết hợp chúng lại
với nhau không? Nếu có, hãy kết hợp chúng lại bằng cách lựa chọn hoặc tạo ra các mối liên kết
thích hợp?

KHUYNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN:

Hệ thống cho trước có thể phát triển theo hướng liên kết (các) hệ đồng nhất với nó hoặc / và
(các) hệ kế cận với nó về cấu trúc, cũng như về tác động.”

You might also like