You are on page 1of 4

NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN SƠ BỘ

NỘI DUNG:

a) Thực hiện trước sự thay đổi, tác động cần có, hoàn toàn hoặc từng phần, đối với đối tượng.

b) Cần sắp xếp các đối tượng trước, sao cho chúng có thể hoạt động từ vị trí thuận lợi nhất và
không mất thời gian dịch chuyển.

CÁC THÍ DỤ:

1) Các loại giấy tờ đã in sẵn trước những phần chung cho tất cả mọi người để tiết kiệm thời gian:
cá nhân cụ thể chỉ cần điền vào các chỗ trống các thông tin riêng của mình. Đặc biệt, trong các
giấy thăm dò ý kiến, các câu trả lời cũng được in sẵn, người được hỏi ý kiến chỉ việc đánh dấu là
xong.

2) Tem, nhãn bôi keo trước, khi dùng chỉ việc dán.

3) Tem, biên lai đã tạo lỗ trước, khi cần xé ra dễ dàng, nhanh chóng.

4) Loại bao bì (bao thuốc lá chẳng hạn) được dán sẵn băng giấy bóng, giúp bóc ra nhanh chóng.

5) Trong các hộp sữa bột có để thìa múc bột, đồng thời, làm chức năng định mức.

6) Cưa đặt cùng với các ống tiêm trong hộp. Cao hơn nữa, người ta đã tạo vết cưa trước trên ống
tiêm, khi cần chỉ việc bẻ ống.

7) Thực phẩm làm sẵn, mua về là có thể nấu ngay được.

8) Chuẩn bị, sắp đặt các dụng cụ cần thiết trước cuộc giải phẫu…

9) Các chi tiết, kết cấu được chế tạo trước để làm nhà tiền chế, lắp ghép, bêtông đúc sẵn…

10) Các bác sĩ Phần Lan không chỉ kê đơn thuốc cho bệnh nhân mà còn cấp thuốc, đựng trong
hộp nhựa có nhiều ngăn. Mỗi ngăn đựng số lượng và loại thuốc dùng cho một lần uống. Trên
mỗi ngăn có đề rõ ngày, giờ uống liều thuốc đó. Hộp được các kỹ sư thuộc công ty “Farmos” chế
tạo. Nhờ loại hộp này, bệnh nhân nhớ uống thuốc đúng giờ, đúng liều. Ngoài ra, về mặt tâm lý,
bệnh nhân thấy mình được chăm sóc, tôn trọng và tin tưởng hơn vào quá trình điều trị. Điều này
cũng giúp bệnh nhân mau lành bệnh (xem hình).

11) Các kỹ sư tập đoàn “Hitachi” (Nhật) đưa ra phương pháp hàn ở nhiệt độ phòng, không cần
dùng đến hồ quang, mỏ đốt. Để làm điều đó cần máy phay và ép. Phương pháp này được dùng để
liên kết các mặt phẳng, ví dụ, các tấm nhôm với các tấm thép. Trên bề mặt của tấm nhôm người
ta tạo trước các chỗ lồi, hình giọt nước. Tương ứng ngược lại, người ta tạo các chỗ lõm trên bề
mặt tấm thép, xem hình. Sau đó, hai tấm được đưa lên máy ép. Những chỗ lồi áp khít vào những
chỗ lõm và bị biến dạng trong đó, tạo mối liên kết chặt, độ tin cậy cao.

12) Máy đóng cọc tự hành, do công ty “Kobe” (Nhật) chế tạo, trên một cần nhấc có cả búa và
khoan. Máy không đóng cọc ngay mà trước tiên khoan lỗ để định hướng cọc. Sau khi đặt cọc vào
lỗ, búa mới làm việc. Phương pháp này ưu việt ở chỗ: 1) Tạo lỗ trước làm công việc tiến hành
nhanh hơn; 2) Tiếng ồn giảm hẳn.

Tính chung, trong một giờ, máy có thể đóng được cọc sâu tới 10 mét, phần của cọc bị búa đập ít
bị hư hại. Độ sâu của cọc, máy có thể đóng được là 30 mét. Phương pháp này thích hợp với công
việc tại những nơi dân cư đông đúc, nơi không cho phép có những tiếng ồn lớn và cả những vùng
đất băng giá quanh năm.

13) Các phân xưởng sản xuất phụ của hai hợp tác xã nông nghiệp Tiệp Khắc “Libun” và
“Sedmigorki” đã biến ý tưởng của hai kỹ sư Stock và Kadles thành hiện thực: sản xuất sẵn các
tấm thảm cỏ. Tấm thảm là bao hai lớp, dệt từ những phế liệu của ngành dệt. Giữa hai lớp vải,
người ta đặt các hạt cỏ. Thảm được cuộn lại, chuyên chở tới nơi cần trồng. Tại đó, người ta trải
thảm phủ lên rồi rắc thêm một lớp đất. Thảm được cố định bằng những cái cọc nhỏ và tưới nước.
Các mầm cỏ nhanh chóng xuất hiện sau đó. Lớp vải, trong khoảng gần hai năm, có tác dụng giữ
đất, bảo vệ rễ cỏ và sau đó bị phân hủy trộn vào đất. Các tấm thảm cỏ làm sẵn có thể dùng rộng
rãi mọi nơi.

NHẬN XÉT:

1) Từ “thay đổi”, “tác động” cần phải hiểu theo nghĩa rộng.

2) Nguyên tắc thực hiện sơ bộ giống “Nguyên tắc gây ứng suất sơ bộ” ở chỗ cả hai nguyên tắc
đều đòi hỏi phải tạo ra các sự thay đổi, tác động cần thiết trước so với tiền thân (xem GIẢI
THÍCH của 9. Nguyên tắc gây ứng suất sơ bộ).

3) Tuy nhiên, hai nguyên tắc nói trên có điểm khác nhau cơ bản. Nếu như “Nguyên tắc gây ứng
suất sơ bộ” tập trung vào quan hệ nhân quả: đi tìm nguyên nhân, tác động lên nguyên nhân để có
được kết quả mong muốn, thì “Nguyên tắc thực hiện sơ bộ” nhấn mạnh sự chuẩn bị, thực hiện
trước những gì đã biết cách làm.

4) Có những việc, dù thế nào, cũng cần phải thực hiện. Thủ thuật này đòi hỏi phải tính đến khả
năng thực hiện trước đi một phần hoặc toàn bộ và sẽ được lợi hơn nhiều so với thực hiện ở thì
hiện tại (hiểu theo nghĩa tương đối).

5) Tinh thần chung của thủ thuật này là trước khi làm bất cứ việc gì, cần có sự chuẩn bị trước đó
một cách toàn diện, chu đáo và thực hiện trước những gì có thể thực hiện được - “chuẩn bị tốt là
một nửa của thành công”. Do vậy, ở thời hiện tại chỉ cần thực hiện nốt phần việc còn lại.

6) Xem thêm phần NHẬN XÉT của 9. Nguyên tắc gây ứng suất sơ bộ.
DIỄN GIẢI:

Các từ xuất phát dùng tra từ điển, liên tưởng, tưởng tượng để tìm các từ, ngữ đồng nghĩa, gần
nghĩa về mọi loại nghĩa là: “đối tượng”, “thực hiện”, “thay đổi”, “tác động”, “sắp xếp”, “hoạt
động”, “vị trí thuận lợi”, “không mất thời gian”.

TƯ DUY HỆ THỐNG:

1) Nguyên tắc thực hiện sơ bộ thường dùng cho những công việc đã biết cách thực hiện (kể cả
trong tưởng tượng). Có thể xem bất kỳ công việc nào là hệ thống các phần công việc được thực
hiện tuần tự theo thời gian. Do hoàn cảnh thay đổi hoặc do những yêu cầu mới khách quan cũng
như chủ quan, cách thực hiện công việc đã biết có thể bộc lộ các nhược điểm. Nguyên tắc thực
hiện sơ bộ giúp đề ra cách giải quyết (xem Hình 166).

Hình 166: Nội dung nguyên tắc thực hiện sơ bộ nhìn theo quan điểm hệ thống”

2) Sử dụng nguyên tắc thực hiện sơ bộ, người ta có thể làm thay đổi cả các yếu tố và các mối liên
kết của hệ thống.

3) Nguyên tắc thực hiện sơ bộ và nguyên tắc gây ứng suất sơ bộ giao nhau đến mức, có những
thí dụ cụ thể, tùy theo cách chọn tiền thân, bạn có thể thấy trong đó cả hai nguyên tắc cùng có
mặt.

TƯ DUY BIỆN CHỨNG:


Xem phần TƯ DUY BIỆN CHỨNG của mục nhỏ 11.3.9. Nguyên tắc gây ứng suất sơ bộ”

“Làm trước” (thay đổi thời gian của tác động) giúp tạo sự thống nhất cần có của các mặt đối lập.
Cần chú ý sự thay đổi lượng-chất trong ngữ cảnh giải bài toán cho trước, đặc biệt liên quan đến
sự thay đổi thời gian.

CÁCH XEM XÉT:

Hệ thống (công việc đã biết cách làm) cho trước có những nhược điểm gì? Nó bao gồm những
phần việc gì được thực hiện tuần tự theo thời gian? Việc thực hiện trước một (số) hoặc tất cả các
phần việc có giúp khắc phục các nhược điểm nêu trên không? Nếu có, hãy tìm cách thực hiện.

KHUYNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN:

Nếu hệ thống (công việc đã biết cách làm) cho trước có các nhược điểm liên quan đến thực hiện
các phần việc tuần tự theo thời gian, thì nó có thể phát triển theo hướng thực hiện trước (so với
tiền thân) một (số) hoặc tất cả các phần việc. Do vậy, các nhược điểm được khắc phục.

You might also like