You are on page 1of 4

NGUYÊN TẮC GÂY ỨNG SUẤT

(PHẢN TÁC ĐỘNG) SƠ BỘ


NỘI DUNG:

a) Gây ứng suất trước đối với đối tượng để chống lại ứng suất không cho phép hoặc không mong
muốn khi đối tượng làm việc.

b) Nếu theo điều kiện bài toán cần thực hiện tác động nào đó, cần thực hiện phản tác động trước.

GIẢI THÍCH:

“Ứng suất” trong kỹ thuật có nghĩa là “sự nén” hoặc “sự căng”. Sự nén là phản tác động của sự
căng và ngược lại, sự căng là phản tác động của sự nén. Điều này có nghĩa, gọi cái này là “tác
động” thì cái kia sẽ là “phản tác động” và ngược lại, tùy theo quy ước. Tuy nhiên, quan hệ giữa
sự nén và sự căng là mối quan hệ nhân quả. Ví dụ, bạn nén lò xo, bạn sẽ thấy có lực đẩy ra.
Ngược lại, bạn kéo căng lò xo, bạn thấy có lực kéo lại. Có thể xem sự nén là nguyên nhân của sự
căng và ngược lại, sự căng là nguyên nhân của sự nén. Đồng thời, sự căng là kết quả của sự nén
và sự nén là kết quả của sự căng. “Sơ bộ” được hiểu là tạo ra trước so với tiền thân. Ví dụ, trong
trường hợp tiền thân, tạo sự nén ở thời hiện tại sẽ có sự căng ở thời tương lai thì bây giờ cần tạo
ra sự nén ở thời quá khứ để có sự căng ở thời hiện tại.

CÁC THÍ DỤ:

1) Dán ép.

2) Đúc áp lực, đúc ly tâm.

3) Loại đồ chơi phải lên giây cót trước.

4) Súng phải lên quy-lát trước khi bắn. Nói chung, các loại lò xo cần phải nén hoặc kéo căng
trước để khi làm việc dùng ứng suất ngược lại.

5) Các xoong, nồi, sau một thời gian nấu ăn, đáy bị võng xuống dưới. Để tránh tình trạng này,
người ta sản xuất chúng có đáy hơi lồi lên trên để sau này, đáy võng xuống dưới và trở nên
phẳng là vừa.

6) Bơm trước nước lên các bể chứa nước, đặt trên tầng thượng, để dùng nước chảy xuống.

7) Muốn dùng ắc quy phải nạp điện trước.

8) Trước khi phẫu thuật phải gây tê, gây mê bệnh nhân.
9) Để bắt và chuyên chở các loại thú dữ, người ta gây mê chúng hoặc cho chúng uống thuốc ngủ.

10) Học và đào tạo trước khi làm việc.

11) Chúng ta biết rằng bút bi không dùng để viết ngược được (ở tư thế nằm ngửa). Dưới đây là
kết cấu một loại bút bi cho phép làm điều đó, rất thích hợp cho những bệnh nhân phải nằm liệt
trên giường bệnh, xem hình. Phía đuôi của bút (1) lắp thêm một cái nút bằng cao su (2). Giữa nút
cao su có một rãnh nhỏ (3) để không khí thông với ruột bút đựng mực. Tất cả những chi tiết nói
trên đặt trong một cái nắp. Khi vặn nắp vào bút, phần không khí trên nút cao su bị nén lại, có áp
suất lớn, áp suất này qua đường rãnh, nén lên mực, làm mực dễ dàng chảy ra khi viết ngược.

12) Công ty “Highmatic Engineering” của Anh sản xuất nhiều loại bình bằng kim loại, chịu áp
suất cao, đựng khí nén. Loại bình này được dùng trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật, quốc phòng. Nó
đóng vai trò như một loại ắc quy tích năng lượng. Áp suất trong bình lên tới 12.000 kG/cm².
Bình có kết cấu để sử dụng một cách thuận tiện. Ví dụ, có thể giải phóng lượng khí trong bình
ngay lập tức trong những trường hợp cấp bách, như phải đưa một chi tiết kỹ thuật nào đó trở về
chỗ cũ thật nhanh, bơm phao, xuồng cấp cứu, ruột xe… hoặc có thể giải phóng khí nén từ từ tùy
theo yêu cầu công việc. Trong hình là camera quan trắc nhiệt, làm việc nhờ năng lượng giải
phóng khí nén từ trong bình gắn bên cạnh.

Các bình ắc quy không khí nén này có thể sử dụng trong bất kỳ điều kiện nào, kể cả dưới nước,
và trong vũ trụ. Công ty sản xuất cam đoan rằng khí bảo quản tốt trong bình suốt 10 năm.

13) Bêtông chịu ứng suất nén tốt mà chịu ứng suất căng lại kém, dễ bị nứt. Người ta đúc loại
bêtông cốt thép, gây ứng suất trước: Cốt thép được kéo căng ra trước khi đổ bêtông vào. Loại
bêtông này chống nứt tốt hơn, tuổi thọ cao và chịu được lực kéo lớn.

14) Gang là loại vật liệu ròn, dễ gãy. Trong khi đó, có những thí nghiệm khoa học đòi hỏi phải
uốn cong gang mới thu nhận được kết quả cần thiết. Nhiều lần người ta đã thực hiện uốn thử,
nhưng không thành công. Sau khi xem xét kỹ, người ta nhận thấy, gang gãy là do có những vết
nứt nhỏ ở phía đối diện với chỗ uốn, tức là nơi phải chịu lực căng. Từ đây, người ta tìm ra cách
khắc phục: Trước khi uốn, tại những chỗ sẽ căng, người ta tạo lực nén trước để bù trừ với lực
căng lúc uốn. Bằng cách như vậy gang trở nên uốn tốt.

NHẬN XÉT:

1) Từ “ứng suất” cần phải hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ đơn thuần là sự nén, sự kéo căng cơ
học… mà là bất kỳ loại ảnh hưởng, tác động nào.

2) Thông thường, sau tác động sẽ có phản tác động hoặc sau phản tác động sẽ có tác động (tùy
theo sự quy ước, xem GIẢI THÍCH). Cần chú ý làm sao cho phản tác động (tác động) mang lại
ích lợi nhất.

3) Tinh thần chung của nguyên tắc này là chú ý quan hệ nhân quả, muốn gặt thì phải gieo trồng,
chăm bón, đầu tư từ trước đó.
4) Nguyên tắc gây ứng suất sơ bộ cùng với 10. Nguyên tắc thực hiện sơ bộ, 11. Nguyên tắc dự
phòng (sẽ trình bày tiếp theo đây), phản ánh sự thống nhất giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Ba
nguyên tắc nói trên đòi hỏi phải có sự nhìn trước, dự báo, tưởng tượng, nghĩ trước, thậm chí,
chuẩn bị giải pháp trước. Chúng giúp khắc phục thói quen xấu “nước đến chân mới nhảy”, “chờ
sung rụng”.

5) Chúng đòi hỏi xem xét khả năng tận dụng các nguồn dự trữ về thời gian, do đó, sẽ tiết kiệm
được thời gian trên thực tế, không làm nảy sinh các vấn đề không đáng nảy sinh.

6) Việc sử dụng ba nguyên tắc nói trên có thể làm đối tượng có được những tính chất mới mà
trước đây đối tượng chưa có và tạo sự thống nhất mới của các mặt đối lập.

DIỄN GIẢI:

Các từ xuất phát dùng tra từ điển, liên tưởng, tưởng tượng để tìm các từ, ngữ đồng nghĩa, gần
nghĩa về mọi loại nghĩa là: “đối tượng”, “ứng suất”, “tác động”, “phản tác động”, “sơ bộ”,
“nguyên nhân”, “kết quả”.

TƯ DUY HỆ THỐNG:

Hình 165: Nội dung nguyên tắc gây ứng suất sơ bộ nhìn theo quan điểm hệ thống
1) Trong không gian hệ thống có chiều thời gian (xem điểm 11 và Hình 133, mục nhỏ 10.2.1.
Một số khái niệm cơ bản và ý tưởng chung về hệ thống của quyển ba). Nguyên tắc gây ứng suất
sơ bộ (xem Hình 165) cùng với hai nguyên tắc tiếp theo 10. Nguyên tắc thực hiện sơ bộ, 11.
Nguyên tắc dự phòng đòi hỏi người sử dụng phải xem xét hoạt động của hệ thống theo thời gian
để cải tiến hệ tiền thân bằng cách “làm trước” những gì cần thiết. “Làm trước” có nghĩa, nếu hệ
tiền thân làm ở thời hiện tại thì hệ cải tiến làm ở thời quá khứ; nếu hệ tiền thân làm ở thời tương
lai thì hệ cải tiến làm ở thời hiện tại hoặc/và quá khứ (vì thời gian còn có nghĩa tương đối). Điều
này giúp khắc phục các nhược điểm có ở hệ thống tiền thân.

2) Nguyên tắc gây ứng suất sơ bộ có thể thay đổi cả các yếu tố và các mối liên kết của hệ thống.
Hình 142 cùng văn bản đi kèm trong mục nhỏ 10.3.2. Một số điểm cần lưu ý về hệ thống của
quyển ba rất có ích lợi trong việc chủ động tác động lên nguyên nhân để có được các kết quả cần
thiết đúng lúc.

TƯ DUY BIỆN CHỨNG:

“Làm trước” (thay đổi thời gian của tác động) giúp tạo sự thống nhất cần có của các mặt đối lập.
Cần chú ý sự thay đổi lượng-chất trong ngữ cảnh giải bài toán cho trước, đặc biệt liên quan đến
sự thay đổi thời gian.

CÁCH XEM XÉT:

Hệ cho trước cần thu được kết quả (phản tác động) gì? Hiện nay nó có những nhược điểm gì liên
quan đến việc thu kết quả (phản tác động) cần có? Nhìn theo quan điểm thời gian, so với tiền
thân có thể thực hiện trước tác động (nguyên nhân) để khắc phục các nhược điểm đó không? Nếu
có, hãy tìm cách thực hiện.

KHUYNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN:

Nếu hệ thống cho trước có các nhược điểm liên quan đến quan hệ tác động-phản tác động (nhân-
quả), thì nó có thể phát triển theo hướng tạo tác động (nguyên nhân) trước (so với tiền thân), để
phản tác động (kết quả) có được đúng lúc cần thiết. Do vậy, các nhược điểm được khắc phục.

You might also like