You are on page 1of 5

NGUYÊN TẮC “TÁCH KHỎI ”

NỘI DUNG:

Tách phần gây “phiền phức” (tính chất “phiền phức”) hay ngược lại, tách phần duy nhất “cần
thiết” (tính chất “cần thiết”) ra khỏi đối tượng.

CÁC THÍ DỤ:

1) Trước đây, tiếng hát là một phần của ca sĩ. Muốn nghe hát, người ta phải mời ca sĩ đến, trong
khi đó cái thực sự “cần thiết” cho nhiều trường hợp chỉ là tiếng hát. Sau này, tiếng hát được tách
ra thành đĩa hát, băng ghi âm.

2) Cà phê hòa tan, mắm cô, mì ăn liền, hương phở, bột ngọt, đường.

3) Trong các bộ phận của cái bàn, mặt bàn đóng vai trò quan trọng. Do yêu cầu của công việc,
đời sống, cần có những mặt bàn khác nhau về trang trí. Khăn trải bàn, xét theo ý nghĩa này,
chính là kết quả của việc “tách khỏi”.

4) Áo gối, vỏ chăn bông… tách khỏi gối và chăn, nên khi bị bẩn không cần phải giặt nguyên cả
gối hay chăn.

5) Các thư viện lớn có nhiều sách, việc tìm sách trực tiếp gặp nhiều khó khăn. Người ta tách
những thông tin chính về quyển sách thành thư mục, thuận tiện cho bạn đọc.

6) Số lượng các bài báo khoa học, kỹ thuật ngày càng nhiều. Nhằm giúp các nhà chuyên môn
tiện theo dõi và quyết định chọn các bài báo cần thiết để đọc một cách chi tiết, người ta đưa ra
các loại tạp chí, chỉ đăng tóm tắt nội dung chính các bài báo và “địa chỉ” của chúng.

7) Các loại kìm khác nhau ở phần gọng kìm và đây mới là phần chức năng chính của kìm. Trên
cơ sở tách gọng ra khỏi tay cầm, người ta chế tạo ra loại kìm, chỉ trong vòng 2 - 3 phút thay gọng
là có được chiếc kìm loại khác. Trước kia, chỉ cần phần làm việc của gọng kìm bị mòn quá độ
hoặc hư, người ta phải bỏ nguyên cả cái kìm. Kìm loại mới bền hơn mà giá thành không cao, vì
việc tách khỏi mở ra khả năng làm gọng và tay cầm từ các loại thép khác nhau: Gọng làm bằng
thép tốt, chất lượng cao, còn tay cầm - gang chứa cacbon, rẻ tiền.

8) Loại sơn do các nhà hóa học thuộc công ty Nhật “Chugoku Marine Paints” chế tạo, biến công
việc sơn trong nước trở nên dễ dàng như trong không khí. Sơn loại mới gồm hai thành phần, khi
sử dụng trộn lẫn lại với nhau. Thành phần thứ nhất là một loại men màu trên cơ sở nhựa epoxy,
thành phần thứ hai là loại chất làm dẻo, phản ứng độc đáo khi gặp nước. Hỗn hợp được đưa đến
chi tiết cần sơn, các phân tử của chất làm dẻo đẩy các phân tử nước ra khỏi bề mặt chi tiết và
chiếm chỗ của chúng, từng phân tử nước dần dần bị đẩy khỏi lớp sơn cho đến hết. Sơn dính tốt
đối với nhiều loại vật liệu, không làm đầu độc và ô nhiễm nước. Thời gian khô hoàn toàn từ 4
đến 8 tiếng, tùy theo nhiệt độ.
9) Viện sĩ quá cố P.L. Kapitsa, người được giải Nobel về vật lý, lúc còn sống rất thích ý tưởng
truyền năng lượng đi xa bằng dòng bức xạ điện từ tần số cao. Ngày nay, ý tưởng đó đã có khả
năng biến thành hiện thực. Hãng “Lockheed Georgia” đang thực hiện đề án do NASA đặt hàng,
nhằm chế tạo loại máy bay không người lái, được tiếp năng lượng từ ăngten đặt trên mặt đất.
Theo tính toán, máy bay như vậy có thể ở trên không liên tục suốt 2 - 3 tháng do được “nuôi”
bằng chùm tia cao tần 2 MHz phát từ ăngten magnetron. Tần số nói trên được chọn, đủ nhỏ để
không làm ion hóa không khí và đủ lớn để dòng năng lượng truyền không bị phân tán, do vậy,
tiết kiệm được năng lượng. Ăngten thu, đặt dưới cánh máy bay, biến sóng điện từ thành dòng
điện một chiều, công suất khoảng 30 KW. Động cơ 25 - 40 mã lực làm quay cánh quạt và cung
cấp điện cho các máy móc thí nghiệm trên máy bay. Máy bay không người lái loại này sẽ sử
dụng để theo dõi liên tục thành phần hóa học của khí quyển, đặc biệt là nồng độ. Máy bay thực
hiện các vòng bay hình số 8 xung quanh ăngten ở độ cao 20 km, cho phép không chỉ theo dõi
thành phần khí quyển mà còn chụp những bức ảnh có độ phân giải cao hơn nhiều về tình hình
nông nghiệp và giao thông vận tải.

NHẬN XÉT:

1) Thông thường, bất kỳ đối tượng nào đều có nhiều phần, tính chất, khía cạnh, chức năng...
Trong khi đó, có nhiều lúc, người ta chỉ thực sự cần một trong những số đó. Nguyên tắc “tách
khỏi” chỉ ra, không nên dùng cả đối tượng vì sẽ tốn thêm nhiều thứ khác, ví dụ, chi phí hoặc vận
chuyển không thuận tiện. Người giải bài toán phải nghĩ cách tách đúng cái cần thiết ra để sử
dụng riêng.

Tương tự như vậy đối với phần gây phiền phức, tách phần gây phiền phức ra khỏi đối tượng để
khắc phục nhược điểm có trong đối tượng và chỉ sử dụng phần được giữ lại, lúc này không còn
có nhược điểm đó nữa.

2) Do tách khỏi đối tượng phần không cần thiết, thậm chí, gây phiền phức mà phần giữ lại để sử
dụng có thêm những tính chất, những khả năng mới (nhiều khi, ngược với cái cũ). Do đó, cần tận
dụng chúng. Những tính chất, những khả năng mới có thể là gọn hơn, linh động hơn, dễ thay thế,
tăng tính điều khiển…

3) Phần không cần thiết hoặc phần gây phiền phức sau khi tách khỏi có thể dùng trong những
điều kiện khác, nơi khác, đem lại ích lợi chứ không nên hiểu đơn giản là bỏ, vứt chúng đi.

4) Khi nói “tách khỏi” mới chỉ ra định hướng suy nghĩ, định hướng việc làm. Để trả lời câu hỏi
“Làm thế nào để tách khỏi?” cần tham khảo các ý tưởng, cách làm ở những lĩnh vực chủ đạo
chuyên về công việc đó như luyện kim, lọc, trích ly, chọn giống, giải phẫu, tuyển lựa…

5) Nguyên tắc “tách khỏi” hay dùng với các nguyên tắc: 1. Phân nhỏ, 3. Phẩm chất cục bộ, 5. Kết
hợp, 6. Vạn năng, 15. Linh động…

DIỄN GIẢI:
1) Các từ xuất phát cần tra từ điển, liên tưởng, tưởng tượng để tìm các từ, ngữ đồng nghĩa, gần
nghĩa về mọi loại nghĩa là: “đối tượng”, “tách”, “tách khỏi”, “tính chất”, “phiền phức”, “cần
thiết”.

2) So sánh các từ, ngữ tìm ra trong điểm 1 với các từ, ngữ, tìm ra trong nguyên tắc phân nhỏ
(xem mục nhỏ 11.3.1) , bạn đọc sẽ thấy nội dung của nguyên tắc “tách khỏi” và nguyên tắc phân
nhỏ có những phần giao nhau, chứ không phải hoàn toàn độc lập đối với nhau. Nói cách khác,
giữa hai nguyên tắc này có mối liên kết.

3) Tuy giao nhau, nguyên tắc “tách khỏi” khác nguyên tắc phân nhỏ một cách cơ bản. Cụ thể,
nguyên tắc “tách khỏi” chỉ ra tiêu chuẩn phân nhỏ thành hai phần độc lập: phần giữ lại để sử
dụng là phần cần thiết và phần không giữ lại (tách khỏi) là phần không cần thiết hoặc/và gây
phiền phức. Phần không giữ lại không có nghĩa là bỏ đi, mà có nghĩa không được sử dụng để
phục vụ chức năng cho trước của hệ thống tiền thân nữa. Phần không giữ lại có thể dùng vào
việc khác, chức năng khác. Trong khi đó, đối với nguyên tắc phân nhỏ, sau khi phân nhỏ, các
phần của hệ thống đều được giữ lại để sử dụng, làm tốt hơn chức năng cho trước của hệ thống.

TƯ DUY HỆ THỐNG:

1) Sử dụng nguyên tắc “tách khỏi”, người ta cùng một lúc thay đổi cả các yếu tố và các mối liên
kết. Thay đổi ở đây được hiểu là các yếu tố và các mối liên kết tạo nên hệ dưới không cần thiết
hoặc/và gây phiền phức được bỏ ra ngoài hệ tiền thân (xem Hình 158).

Hình 158: Nội dung nguyên tắc “tách khỏi” nhìn theo quan điểm hệ thống
2) Trường hợp đặc biệt của nguyên tắc “tách khỏi” là tất cả các yếu tố, mối liên kết của hệ tiền
thân được bỏ ra ngoài mà tính hệ thống (chức năng) của hệ tiền thân vẫn được thực hiện tốt đẹp.
Hệ cải tiến như vậy (không có hệ mà chức năng của hệ vẫn có) được gọi là hệ lý tưởng. Người
viết sẽ còn quay trở lại hệ lý tưởng trong quyển bảy “Các quy luật phát triển hệ thống”

TƯ DUY BIỆN CHỨNG:

1) Hệ dưới giữ lại (hệ cải tiến) so với hệ tiền thân là sự thay đổi đồng thời cả về lượng lẫn về
chất (xem Hình 158). Do vậy, người giải cần chú ý trong ngữ cảnh giải bài toán cho trước để tận
dụng: Thay đổi về lượng dẫn đến chất mới và thay đổi về chất dẫn đến lượng mới, là những ưu
điểm mà hệ tiền thân không có.

2) Tương tự như vậy, trong hệ dưới tách khỏi cũng đồng thời có sự thay đổi về lượng và chất.
Cần xem xét khả năng sử dụng hệ dưới tách khỏi để có được thêm ích lợi, chứ không phải vứt bỏ
nó đi.

CÁCH XEM XÉT:

a) Người sử dụng thực sự cần tính hệ thống nào (chức năng gì) của hệ thống cho trước (tiền thân)
? (Nói cách khác, hệ cho trước sinh ra để làm gì?).

b) Những yếu tố, mối liên kết nào không phục vụ cho chức năng cần thiết, thậm chí còn gây
phiền phức? Hãy tìm cách tách chúng ra khỏi hệ thống cho trước?

KHUYNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN:

Hệ thống cho trước có thể phát triển theo hướng tách ra khỏi hệ thống các yếu tố và các mối liên
kết (hệ dưới tách khỏi) không thực sự phục vụ tính hệ thống. Nói cách khác, hệ thống cho trước
chỉ giữ lại các yếu tố, các mối liên kết (hệ dưới giữ lại) thực sự phục vụ cho chức năng của nó.

You might also like