You are on page 1of 5

NGUYÊN TẮC VẠN NĂNG

NỘI DUNG:

Đối tượng thực hiện một số chức năng khác nhau, do đó không cần sự tham gia của đối tượng
khác.

GIẢI THÍCH:

Tên của nguyên tắc là “vạn năng”. Điều này không có nghĩa làm cho đối tượng có mười ngàn
(10.000) chức năng. Trên thực tế, nguyên tắc này đòi hỏi cải tiến đối tượng cho trước sao cho nó
có thêm chức năng. Ví dụ, lúc đầu có một chức năng thì nay thành có hai chức năng; có hai chức
năng thành có ba chức năng…

CÁC THÍ DỤ:

1) Xe lội nước vừa đi được trên bộ, vừa đi được dưới nước.

2) Thủy phi cơ.

3) Xẻng công binh dùng trong quân đội vừa có thể dùng như xẻng, vừa có thể dùng như cuốc.

4) Cánh cửa mở của một số máy bay đồng thời là thang lên, xuống cho hành khách.

5) Loại tủ mà mở cánh ra thì biến thành bàn học.

6) Loại ổ cắm cho phép sử dụng được với cả hai loại phích cắm dẹt và phích cắm tròn.

7) Ô che mưa, che nắng đồng thời có thể làm gậy chống.

8) Máy may, thêu, vắt sổ, đính cúc (khuy).

9) Đồng hồ đo điện vạn năng.

10) Bút thử điện, đồng thời là tuốc-nơ-vít.

11) Theo lời khuyên của các kỹ sư, ở một số vùng nông thôn Đức, người ta tiến hành thử nghiệm
một cách có hiệu quả các bộ phận thu nhiệt từ ánh nắng mặt trời để làm nóng nước. Các bộ thu
nhiệt này đồng thời thực hiện chức năng làm hàng rào các chuồng trại chăn nuôi (xem hình).
Trong các ống polyethylen màu đen, vào mùa hè, nước được hâm nóng đến 54oC, còn vào mùa
thu và mùa xuân đến 38oC, đủ cung cấp nước ấm không chỉ cho chuồng trại mà còn thêm một
ngôi nhà ở. Mùa đông, các ống này dùng làm ống sưởi.
12) Giai đoạn đầu ở công trường xây dựng mới, thường chưa có điện. Nhưng cũng chính lúc đó,
người ta rất cần sử dụng các máy khoan, bơm, máy mài và các dụng cụ dùng điện khác với điện
thế 220 V. Công ty “Fein” (Đức), là công ty sản xuất chiếc khoan điện đầu tiên trên thế giới vào
năm 1895, đã chế tạo bộ biến đổi bán dẫn và máy tăng thế. Chúng dễ dàng lắp thêm vào ôtô, máy
kéo hoặc thuyền. Chỉ việc mở máy động cơ và ôtô biến thành trạm phát điện có công suất 650
W, đủ dùng cho các dụng cụ điện cầm tay.

13) Kỹ sư Ba Lan Iu. Borzen ở thành phố Vroslav chế tạo phương tiện di chuyển đa năng: xe đi
trên tuyết và bay được. Xe có trọng lượng 92 kg, công suất động cơ 24 mã lực, cho phép đạt tốc
độ 140 km/giờ. Xe có thể cất cánh từ bất kỳ khoảng trống nào. Trong khi bay, nếu tắt động cơ thì
xe biến thành tàu lượn, độ dài sải cánh 10 mét. Trên mặt đất, chỉ trong vòng vài phút, cánh máy
bay được xếp gọn lại thành thùng xe, các thanh trượt tuyết được lắp thêm vào bánh và xe biến
thành xe trượt tuyết cánh quạt. Theo ý kiến của các chuyên gia, trong số đó có công trình sư O.
Antonov (tác giả loại máy bay AN), xe trượt tuyết-tàu lượn rất có triển vọng.

14) Những người vẽ kỹ thuật, nói chung, không thích vẽ các hình ôvan. Nếu vẽ đường tròn hoặc
cung tròn, chỉ cần dùng compa là đủ, còn vẽ hình ôvan phải dùng bộ thước cong. Một trong
những hình ôvan đơn giản là hình elip, vẽ nó cũng đã khá phức tạp. Các nhà sáng chế I.
Gurevich và A. Kiseliov đưa ra loại compa vạn năng, có thể vẽ được các hình elip và cả những
hình phức tạp hơn. Với compa mới này (xem hình), người ta vẽ hình elip nhanh hơn 6 lần so với
phương pháp cổ điển, đối với các hình khác cũng tiết kiệm nhiều thời gian.

Dạng của đường cong phụ thuộc vào loại bánh xe răng cưa hay khớp ma sát (1 và 2) nào được sử
dụng. Các đai ốc (3 và 4) dùng để xác định các thông số của đường cong (xem hình).

NHẬN XÉT:

1) Trong ý nghĩa nào đó, có thể coi nguyên tắc vạn năng là trường hợp riêng của 5. Nguyên tắc
kết hợp: kết hợp nhiều chức năng trên cùng một đối tượng.

2) Nguyên tắc vạn năng mới đề cập chức năng, chưa đề cập cấu trúc của đối tượng vạn năng, cụ
thể, chưa trả lời câu hỏi: “Để trở thành đối tượng vạn năng, đối tượng đó phải có cấu trúc như thế
nào?”. Điều này có nghĩa, câu trả lời trong những trường hợp cụ thể phải tìm trong các nguyên
tắc khác, các kiến thức…

3) Nguyên tắc vạn năng, trước tiên và hay được dùng trong các lĩnh vực, tại đó có những sự hạn
chế việc phát triển theo “chiều rộng” như khó có thể tăng thêm về trọng lượng, thể tích, diện
tích… Các lĩnh vực đó là quân sự, hàng không, vũ trụ, thám hiểm, du lịch, các trang thiết bị dùng
tại những nơi chật chội…

4) Nguyên tắc vạn năng còn được dùng với mục đích tăng mức độ tận dụng các nguồn dự trữ có
trong đối tượng, do vậy, tiết kiệm được vật liệu, không gian, thời gian, năng lượng.

5) Nguyên tắc vạn năng thường hay dùng với nguyên tắc 5. Kết hợp, 15. Linh động, 20. Nguyên
tắc liên tục tác động có ích, 25. Tự phục vụ...
6) Nguyên tắc vạn năng đóng vai trò quan trọng trong thiết kế, chế tạo, dự báo…, vì nó phản ánh
khuynh hướng phát triển: Tăng số chức năng mà đối tượng có thể thực hiện được theo thời gian.

7) Trên thực tế, bất kỳ đối tượng nào cũng có nhiều khía cạnh, tính chất. Trong ý nghĩa này, mỗi
đối tượng, ngay cả khi chưa cải tiến, vẫn có thể được dùng như đối tượng vạn năng trong những
trường hợp nhất định. Ví dụ, ghế có cả chức năng của cái thang (làm tăng độ cao); lúc khác, ghế
có thể có chức năng làm vũ khí tấn công hoặc mộc đỡ...

DIỄN GIẢI:

Các từ xuất phát cần tra từ điển, liên tưởng, tưởng tượng để tìm các từ, ngữ đồng nghĩa, gần
nghĩa về mọi loại nghĩa là: “đối tượng”, “chức năng”, “tính chất”.

TƯ DUY HỆ THỐNG:

1) Nói chung, chức năng là sự thể hiện của tính hệ thống. Để tìm chức năng của hệ thống cần trả
lời câu hỏi: “Hệ sinh ra (được thiết kế, chế tạo) để làm gì?” hoặc “Hệ thống hoạt động (làm việc)
nhằm đạt mục đích gì?”.

2) Để các hệ thống tiền thân chuyển từ có một sang hệ cải tiến có hai chức năng trở lên, thường
cần thay đổi cả các yếu tố và các mối liên kết của các hệ thống tiền thân. Nội dung của nguyên
tắc vạn năng không chỉ ra các cách thay đổi cụ thể các yếu tố và các mối liên kết. Điều này có
nghĩa, những nguyên tắc khác, các kiến thức... sẽ giúp xác định cách thay đổi cụ thể đối với hệ
thống cho trước. Ví dụ, Hình 162 minh họa nguyên tắc vạn năng, trong đó bạn có thể thấy một số
nguyên tắc khác như kết hợp, tách khỏi, phân nhỏ và tổ hợp của chúng được dùng để thay đổi
các yếu tố và các mối liên kết của các hệ thống tiền thân. Để cho đơn giản trong trình bày, người
viết chọn mỗi hệ tiền thân chỉ có ba yếu tố.
Hình 162: Nguyên tắc vạn năng nhìn theo quan điểm hệ thống

3) Nguyên tắc vạn năng thường giúp làm tăng tính liên tục các tác động có ích, tính linh động, độ
tin cậy của các hệ thống tiền thân.

TƯ DUY BIỆN CHỨNG:

1) Nguyên tắc vạn năng tạo sự thống nhất mới các chức năng khác nhau của các hệ tiền thân
trong một hệ thống cải tiến.

2) Cần chú ý xem xét cả sự thay đổi về lượng và thay đổi về chất trong ngữ cảnh giải bài toán
cho trước.

CÁCH XEM XÉT:

Hệ cho trước có chức năng gì? Căn cứ vào các điều kiện cụ thể, có khả năng cho hệ có thêm
chức năng nữa không? Chức năng thêm vào là chức năng gì? Hệ nào đang thực hiện chức năng
đó? Nếu có khả năng, hãy tìm cách thực hiện nhờ sự thay đổi các yếu tố, các mối liên kết của hệ
cho trước, có tính đến các đặc thù của hệ cho thêm chức năng (xem Hình 162).

KHUYNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN:


Hệ thống cho trước có thể phát triển theo hướng có thêm chức năng của (các) hệ khác, do vậy,
trong hoạt động của mình, nó không cần sự tham gia của (các) hệ khác.

You might also like