You are on page 1of 13

BÀI 1

CÁC ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA HỆ THỐNG NHAI


1. MỤC TIÊU
1. Trình bày được các thành phần của hệ thống nhai.
2. Định nghĩa được cơ quan răng, và vẽ hình để giải thich được cấu trúc của nó.
3. Vận dụng được công thức răng (nha thức), kể được tên từng răng, viết được
ký hiệu răng.
Từ khóa: bộ răng, giai đoạn mọc răng, hệ thống nhai.
2. NỘI DUNG
2.1. HỆ THỐNG NHAI
Hệ thống nhai là một tổng thể, một đơn vị chức năng.
Thành phần hệ thống nhai gồm: răng, nha chu, xương hàm, khớp thái dương hàm,
cơ hàm, hệ thống môi má lưỡi, tuyến nước bọt, hệ thống mạch máu và thần kinh nuôi
dưỡng và chi phối các cơ quan đó.
Hệ thống nhai không chỉ đảm nhiệm chức năng nhai mà còn thực hiện nhiều chức
năng khác như: bú, nuốt, nói; hệ thống nhai đóng vai trò quan trọng trong đời sống
(chức năng giao tiếp và biểu cảm), vì vậy có tầm quan trọng đặc biệt đối với chất
lượng cuộc sống, hoạt động xã hội, sức khỏe và hạnh phúc con người.
Mục tiêu của công việc thầy thuốc nha khoa là tạo ra và mang lại sự lành mạnh và
thoải mái cho hệ thống nhai của cộng đồng và mỗi cá nhân. Qua đó, góp phần mang
lại sức khỏe toàn diện của con người và cải thiện chất lượng cuộc sống.
2.2. CƠ QUAN RĂNG
2.2.1. Cơ quan răng
Cơ quan răng bao gồm răng và nha chu (quanh răng), là đơn vị hình thái và chức
năng của bộ răng.
Răng là bộ phận trực tiếp nhai nghiền thức ăn.
Nha chu là bộ phận giữ và nân đỡ răng, đồng thời là bộ phận nhận cảm, tiếp nhận
và dẫn truyền lực nhai.
Răng chính danh gồm: Men, ngà (mô cứng) và tủy (mô mềm)
Nha chu gồm: xê măng, dây chằng, xương ổ răng và nướu.
Do xê măng bám chặt vào ngà chân răng và có nhiều bệnh lý chung với các mô
cứng khác của răng (men, ngà), về mặt giải phẫu lâm sang, xê măng là thành phần
thường được mô tả cùng với răng.
Bộ răng là một thể thống nhất thuộc hệ thống nhai, tạo thành bởi sự sắp xếp có tổ
chức của các cơ quan răng.
Cấu trúc sinh học mô răng
Về mặt phôi thai học và mô học, răng nói riêng và cơ quan răng nói chung, có
nhiều nguổn gốc:
Men răng: có nguồn gốc ngoại bì, là một sản phẩm của tế bào, khoáng hóa cao độ
và cứng nhất cơ thể. Thành phần hữu cơ là các protein của khuôn men.
Ngà và xê măng: là những mô khoáng hóa đặc biệt có nguồn gốc trung bì, trong
đó thành phần khung sợi là collagen.
Tủy: có nguồn gốc trung mô của nhú răng.
Dây chằng răng- xương ổ răng thuộc mô liên kết, là sản phẩm của túi răng.
Nướu gồm biểu mô phủ và thành phần mô liên kết phụ thuộc.
2.2.2. Răng và bộ răng

Răng

Răng rất cần thiết để nhai thức ăn đúng cách và giúp con người nói được. Chăm
sóc tốt tất cả các răng và duy trì vệ sinh răng miệng tốt trong suốt cuộc đời của một
người có thể giúp giữ cho răng chắc khỏe.

Răng sữa
Lúc mới sinh, trẻ không có răng trong miệng. Tuy vậy phim tia X cho thấy có
những phần cản tia X của mầm răng ở các giai đoạn phát triển khác nhau.
Trong thời kỳ nhũ nhi, thức ăn của trẻ lỏng hoặc sệt, do đó bộ răng không giữ vai
trò quan trọng trong ăn nhai. Bộ răng sữa là bộ răng tạm thời, bắt đầu mọc lúc 6 tháng
tuổi, mọc đầy đủ lúc 24- 36 tháng.
Răng vĩnh viễn
Khi trẻ được khoảng 6 tuổi, các răng vĩnh viễn đầu tiên bắt đầu mọc, đó là răng số
6, sau đó các răng khác của bộ răng vĩnh viễn sẽ lần lượt mọc lên để thay thế các răng
sữa. Bộ răng vĩnh viễn mọc đầy đủ ở tuổi 18-25.
Giai đoạn từ 6-7 tuổi đến 11- 12 tuổi, trong miệng trẻ có hai loạt răng cùng tồn tại,
được gọi là bộ răng (hàm răng) hỗn hợp.
Công thức răng (nha thức)
Công thức răng (nha thức) là một dãy chữ và số, dùng để biểu diễn số lượng răng
của từng nhóm răng ở một bên hàm (gồm nửa hàm trên và nửa hàm dưới). Công thức
răng thường được dùng phổ biến và có giá trị trong phân loại học động vật.
Công thức bộ răng sữa của người:
Cửa 2/2 Nanh 1/1 Cối sửa 2/2 = 10
Nghĩa là có 10 răng sữa ở mỗi nửa hàm, bộ răng sữa đầy đủ có 20 răng.
Công thức bộ răng vĩnh viễn của người:
Cửa 2/2 Nanh 1/1 Cối nhỏ 2/2 Cối lớn 3/3 = 16
Nghĩa là có 16 răng vĩnh viễn ở mỗi nửa hàm, bộ răng vĩnh viễn đầy đủ có 32
răng.
Các răng cửa và răng nanh gọi chung là răng trước, các răng cối sữa hoặc các răng
cối lớn và cối nhỏ gọi chung là răng sau.
Bộ răng
Bộ răng sữa có 20 cái, sắp xếp trên hai cung hàm trên và cung hàm dưới, mỗi cung
hàm có 10 răng chia thành các nhóm răng cửa sữa (cửa giữa và cửa bên), răng nanh sữa,
răng cối sữa.

Bộ răng vĩnh viễn có 32 cái, sắp xếp trên hai cung hàm trên và cung hàm dưới,
mỗi cung hàm có 16 răng chia thành các nhóm răng cửa (cửa giữa và cửa bên), răng
nanh sữa, răng cối nhỏ và răng cối lớn.

Trên mỗi cung răng chia hai nhóm nhóm răng trước và nhóm răng sau

Nhóm răng trước bao gồm: răng cửa (cửa giữa và cửa bên), răng nanh.

Nhóm răng sau bao gồm: răng cối đối với bộ răng sữa và răng cối nhỏ và răng
cối lớn đối với bộ răng vĩnh viễn.
Hình 1.1. Bộ răng sữa

(Wheeler’s Dental Anatomy, Physiology, and Occlusion, 2015)

1.

Hình 1.2. Bộ răng vĩnh viễn

(Wheeler’s Dental Anatomy, Physiology, and Occlusion, 2015)


Hình 1.3. Bộ răng sữa phát triển 6 tuổi

(Wheeler’s Dental Anatomy, Physiology, and Occlusion, 2015)


Hình 1.4. Bộ răng vĩnh viễn phát triển 35 tuổi

(Wheeler’s Dental Anatomy, Physiology, and Occlusion, 2015)

Mô tả răng
Hình 1.5. Cấu trúc răng A. Răng trước B. Răng sau
(Wheeler’s Dental Anatomy, Physiology, and Occlusion, 2015
- Răng có ba thành phần: Thân răng, cổ răng và chân răng
+ Thân răng mọc nhô ra trong khoang miệng, là phần nìn thấy được của răng.
+ Chân răng nằm trong xương ổ răng và phủ bên ngoài niêm mạc, là phần không
nhìn thấy được.
+ Cổ răng là phần giữa thân răng và chân răng, nơi bám vào của nướu (lợi) răng.
- Thân răng có năm mặt
+ Mặt nhai răng sau (rìa cắn răng trước).
+ Mặt gần nằm gần đường giữa.
+ Mặt xa nằm xa đường giữa.
+ Mặt ngoài (mặt tiền đình) răng sau còn gọi mặt má, vùng răng trước gọi mặt
môi.
+ Mặt trong răng hàm trên mặt khẩu cái, hàm dưới gọi mặt lưỡi.
Hình 1.6. Mô tả các mặt răng
(Wheeler’s Dental Anatomy, Physiology, and Occlusion, 2015)

Mô Nha chu
Mô nha chu giúp răng được giữ chặt trong xương ổ. Những thay đổi trong mô
nha chu sẽ ảnh hưởng đến răng và cả bộ máy nhai.
Bên cạnh đó yếu tố toàn thân đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục bệnh
cũng như tác động trở lại của bệnh nha chu đối với bệnh toàn thân.
Các thành phần mô nha chu
+ Nướu bao phủ bên ngoài răng và bám vào cổ răng (nướu viền, nướu dính).
+ Dây chằng nha chu là cấu trúc liên kết giữa chân răng (xê măng) với xương ổ
răng.
+ Xương ổ răng là phần xương hàm bao quanh chân răng.
+ Xê măng là phần bao phủ mặt ngoài chân răng.
Bệnh nha chu là tình trạng bệnh lý ở mô nha chu bao gồm viêm nướu và viêm nha
chu phá hủy, là tình trạng nhiễm khiaarn ban đầu từ nướu lan xuống cấu trúc của mô
nha chu bên dưới làm nướu mất bám dính vào răng xương ổ bị phá hủy và túi nha chu
được thành lập.
Hình 1.7. Mô nướu trên lâm sàng
(Wheeler’s Dental Anatomy, Physiology, and Occlusion, 2015)

Hình 1.8. Mô nha chu


(Wheeler’s Dental Anatomy, Physiology, and Occlusion, 2015)

Phân loại khớp cắn theo Angle

Khái niệm khớp cắn là khái niệm chung dùng để mô tả một vị trí hay một trạng
thái tĩnh có tiếp xúc răng giữa hai hàm, trong đó các răng có sự tiếp xúc với nhau nhiều
nhất, hai hàm ở vị trí đóng khít nhất và hàm dưới đạt được sự ổn định cơ học cao nhất.
Nó là kết quả của sự tiếp xúc giữa bề mặt nhai của các răng hàm trên và hàm dưới.
Cơ sở của phân loại khớp cắn theo Angle là dựa trên đánh giá quan hệ trước sau
của răng cối lớn thứ nhất hàm trên và dưới, theo quan điểm vị trí của răng cối lớn thứ
nhất hàm trên là không đổi (do răng này được mọc sớm nhất, răng vĩnh viễn to nhất của
cung hàm trên có vị trí tương đối cố định so với nền sọ, khi mọc không bị cản trở bởi
chân răng sữa và còn được hướng dẫn mọc đúng vị trí nhờ hệ răng sữa).
Theo Angle khớp cắn bình thường là khớp cắn có múi ngoài gần răng cối lớn thứ
nhất hàm trên khớp với rãnh ngoài gần răng của răng cối lớn thứ nhất hàm dưới, các
răng trên một cung hàm được sắp xếp theo một đường cắn khớp đều.

Hình 1.9. Phân loại khớp cắn theo Angle


(Wheeler’s Dental Anatomy, Physiology, and Occlusion, 2015)

Angle căn cứ vào tương quan khớp cắn của răng cối lớn thứ nhất hàm trên và răng
cối lớn thứ nhất hàm dưới ở tư thế cắn khớp để xếp ra thành ba hạng sai khớp cắn.
Sai khớp cắn hạng I (Angle I)
Quan hệ trước - sau của răngcối lớn thứ nhất hàm trên và dưới trung tính. Núm
gần ngoài răng cối lớn thứ nhất hàm trên tương ứng với rãnh giữa ngoài của răng cối
lớn thứ nhất hàm dưới.
Những lệch lạc xảy ra ở phía trước các răng này gặp trong khớp cắn bình thường
hoặc hô cả hai hàm, răng mọc sai chỗ, xoay trục.
Sai khớp cắn hạng II (Angle II)
Quan hệ trước - sau của răng cối lớn thứ nhất hàm trên và dưới lệch xa. Núm gần
ngoài răng cối lớn thứ nhất hàm trên ở trước rãnh giữa ngoài răng cối lớn thứ nhất hàm
dưới.
Angle II có hai tiểu loại:
Tiểu loại 1: Răng cửa trên nhô trước, độ cắn chìa tăng, môi dưới thường chạm vào
mặt trong của các răng cửa trên.
Tiểu loại 2: Răng cửa giữa trên ngả vào phía trong nhiều, trong khi các răng cửa
bên hàm trên nghiêng ra phía ngoài khỏi răng cửa giữa.
Trong cả 2 tiểu loại có thể lệch xa răng cối lớn một hoặc hai bên.
Gặp trong hô hàm hai hàm.
Sai khớp cắn hạng III (Angle III)
Quan hệ trước sau răng cối lớn thứ nhất hàm trên và dưới lệch gần. Núm gần ngoài
răng cối lớn thứ nhất hàm trên ở phía sau rãnh giữa ngoài răng cối lớn thứ nhất hàm.
Gặp trong hô thật hàm dưới, hô do trượt hàm dưới, dạng giả hô hàm dưới.
2.3. TÊN RĂNG
Bắt đầu từ đường giữa của hai cung răng đi về hai phía
Răng vĩnh viễn (ký hiệu bằng chữ số Ả rập từ 1 đến 8).
Nhóm răng cửa: Răng cửa giữa (răng 1), răng cửa bên (răng 2).
Nhóm răng nanh: Răng nanh (răng 3).
Nhóm răng cối nhỏ: răng cối nhỏ thứ nhất (cối nhỏ 1, răng 4), răng cối nhỏ thứ
hai (cối nhỏ 2, răng 5).
Nhóm răng cối lớn: răng cối lớn thứ nhất (cối lớn 1, răng 6), răng cối lớn thứ hai
(cối lớn 2, răng 7), răng cối lớn thứ ba (cối lớn 3, răng 8).
Răng sữa (ký hiệu bằng chữ cái từ A đến E, hay chữ số La Mã từ I đến V)
Nhóm răng cửa sữa: Răng cửa giữa sữa (răng A, răng I), răng cửa bên sữa (răng
B, răng II)
Nhóm răng nanh sữa: Răng nanh sữa (răng B, răng II)
Nhóm răng cối sữa: Răng cối sữa thứ nhất (cối sữa 1, răng D, răng IV), răng cối
sữa thứ hai (cối sữa 2, răng E, răng V)
Có hai cách gọi tên răng

Theo hệ thống ký hiệu phổ quát Hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ (ADA: American
Dental Association).

Đánh số răng từ 01 đền 32. Răng số 1 tương ứng răng hàm trên sau cùng bên phải
(răng khôn hàm trên bên phải), Răng số 16 tương ứng răng hàm trên sau cùng bên trái
(răng khôn hàm trên bên trái), Răng số 17 tương ứng răng hàm dưới sau cùng bên phải
(răng khôn hàm dưới bên trái), Răng số 32 tương ứng răng hàm dưới sau cùng bên phải
(răng khôn hàm dưới bên phải).

Sơ đồ 1.1. Hệ thống ký hiệu Zsigmondy/Palmer răng vĩnh viễn (ADA)

(Wheeler’s Dental Anatomy, Physiology, and Occlusion, 2015)


Hệ thống ký hiệu phổ thông cho răng sữa sử dụng chữ hoa cho mỗi răng: răng
hàm trên, bắt đầu bằng răng cối sữa thứ hai bên phải, chữ A đến J, và đối với răng hàm
dưới, chữ K qua T, bắt đầu bằng răng cối sữa thứ hai bên trái.

Sơ đồ 1.2. Hệ thống ký hiệu Zsigmondy/Palmer răng sữa (ADA)

(Wheeler’s Dental Anatomy, Physiology, and Occlusion, 2015)

Theo hệ thống hai số theo liên đoàn nha khoa thế giới (FDI: Federal Dental
International)

Bắt đầu từ đường giữa của hai cung răng đi về hai phía, răng được gọi tên tuần tự
như sau:
Răng vĩnh viễn (ký hiệu bằng chữ số Ả rập từ 1 đến 8).

Sơ đồ 1.3. Hệ thống ký hiệu hai số răng vĩnh viễn (FDA)

(Wheeler’s Dental Anatomy, Physiology, and Occlusion, 2015)

Nhóm răng cửa: Răng cửa giữa (răng 1), răng cửa bên (răng 2).
Nhóm răng nanh: Răng nanh (răng 3).
Nhóm răng cối nhỏ: răng cối nhỏ thứ nhất (cối nhỏ 1 hay răng 4), răng cối nhỏ thứ
hai (cối nhỏ 2, răng 5).
Nhóm răng cối lớn: răng cối lớn thứ nhất (cối lớn 1, răng 6), răng cối lớn thứ hai
(cối lớn 2, răng 7), răng cối lớn thứ ba (cối lớn 3, răng 8).
Răng sữa (ký hiệu bằng chữ cái từ A đến E, hay chữ số La Mã từ I đến V).
Sơ đồ 1.4. Hệ thống ký hiệu hai số răng sữa (FDA)

(Wheeler’s Dental Anatomy, Physiology, and Occlusion, 2015)

Nhóm răng cửa sữa: Răng cửa giữa sữa (răng A, răng I), răng cửa bên sữa (răng
B, răng II).
Nhóm răng nanh sữa: Răng nanh sữa (răng B, răng II).
Nhóm răng cối sữa: Răng cối sữa thứ nhất (cối sữa 1, răng D, răng IV), răng cối
sữa thứ hai (cối sữa 2, răng E, răng V).

You might also like