You are on page 1of 3

Quy định về tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn: Còn nhiều điểm cần hoàn thiện

(TBKTSG) - Thông tư số 48/2018/TT-NHNN về tiền gửi tiết kiệm (Thông tư 48) và Thông tư số
49/2018/TT-NHNN về tiền gửi có kỳ hạn (Thông tư 49) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã
tạo ra một khung pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động nhận tiền gửi tại các tổ chức tín dụng. Tuy
nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý, nhìn từ thực tiễn, cần được bàn luận.

Quy định nhận biết khách hàng (KYC)


Quy định về nhận biết khách hàng (Know your customer - KYC) (1) được Ủy ban Basel nhận
định là vấn đề cốt lõi trong việc quản trị rủi ro của ngành ngân hàng và gắn liền với vấn đề về
phòng, chống rửa tiền. KYC được khuyến cáo xây dựng với bốn yếu tố cấu thành chính bao
gồm: (i) chính sách chấp thuận khách hàng, (ii) quy định về xác minh, nhận dạng khách hàng,
(iii) quy định về kiểm soát liên tục các giao dịch, tài khoản và (iv) quy định về quản lý rủi ro.
Theo đó, yếu tố về xác minh, nhận dạng khách hàng được NHNN đề cập tại hai thông tư nêu trên
một cách tương đối rõ nét, như quy định việc nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao
dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), trừ trường hợp nhận và
chi trả tiền bằng phương tiện điện tử; hay quy định việc gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn chỉ
được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán. Ngoài ra, hai thông tư này cũng đặt ra yêu cầu
chi tiết về các loại giấy tờ xác minh khách hàng mà TCTD cần phải tuân thủ.
Xét trên khía cạnh của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012
quy định tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong trường hợp
khách hàng mở tài khoản hoặc thiết lập giao dịch với tổ chức tài chính.
Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa
tiền có hướng dẫn rõ hơn như sau: “Tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết
khách hàng trong trường hợp khách hàng lần đầu mở tài khoản, bao gồm tài khoản thanh toán,
tài khoản tiết kiệm, tài khoản thẻ và các loại tài khoản khác”. Thậm chí, theo Nghị định 116, tổ
chức tài chính vẫn phải gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ và yêu
cầu khách hàng cung cấp thông tin cho dù giao dịch với khách hàng thông qua công nghệ mới.
Yêu cầu về địa điểm gửi/ nhận tiền gửi tiết kiệm có hợp lý?
Có thể yêu cầu trên của Thông tư 48 xuất phát từ tình trạng việc chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm
của khách hàng đang dần trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, tuy nhiên dường như yêu cầu
này có phần hơi miễn cưỡng. Theo Thông tư 48, về nguyên tắc, khách hàng bắt buộc phải đến
trực tiếp các “quầy giao dịch” của TCTD để giao dịch, trong khi pháp luật về phòng, chống rửa
tiền chỉ đặt ra quy định về việc phải gặp trực tiếp khách hàng thiết lập mối quan hệ với TCTD
mà không yêu cầu cụ thể về địa điểm giao dịch.
Ngoài ra, rà soát trong tài liệu hướng dẫn về KYC của Ủy ban Basel, tại số 23, mục 2, phần III
của Customer Due Diligence for Banks ban hành vào tháng 10-2001, chỉ khuyến cáo các ngân
hàng cần phải có quy định về các loại giấy tờ xác minh khách hàng và bên thực hiện giao dịch
thay cho khách hàng. Mục này cũng yêu cầu các ngân hàng đặc biệt chú ý đến các khách hàng là
người không cư trú và phải yêu cầu các khách hàng mới trình diện để gặp trực tiếp. Bên cạnh đó,
cũng trong hướng dẫn trên của Ủy ban Basel có riêng một mục “Non-face-to-face customers”(2)
quy định về trường hợp giao dịch không gặp trực tiếp khách hàng, thường thấy nhất là đối với
các giao dịch thông qua phương tiện điện tử, thế nhưng hướng dẫn này cũng không đề cập đến
địa điểm giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng.
Hoạt động nhận tiền gửi là hoạt động có điều kiện và thường xuyên của các TCTD, vì vậy,
trong từng trường hợp cụ thể, nếu có căn cứ cho rằng một chủ thể, với tư cách nhân danh
TCTD, thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục
nhận/chi trả tiền gửi mà gây thiệt hại về tài sản cho người khác thì cần được xem là hành vi
vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng theo điều 206 Bộ luật Hình sự.
Theo người viết, việc gặp trực tiếp để xác thực khách hàng không nhất thiết phải yêu cầu đến
điểm giao dịch của TCTD, mà có thể thực hiện một cách linh hoạt bằng nhiều cách tùy theo đặc
thù của từng khách hàng và từng TCTD khác nhau, như mô hình “điểm giao dịch lưu động” gần
đây đang được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam áp dụng, hoặc cũng có
thể tham khảo các gợi ý về giảm thiểu rủi ro đối với các khách hàng “Non-face-to-face
customers” của Ủy ban Basel như xác minh, nhận dạng khách hàng thông qua một bên thứ ba uy
tín trên thị trường(3).
Riêng đối với tiền gửi có kỳ hạn, Thông tư 49 không đề cập trực tiếp về yêu cầu nhận biết khách
hàng mà chỉ yêu cầu việc gửi, nhận chi trả tiền phải thông qua tài khoản thanh toán. Như vậy, có
thể hiểu rằng các TCTD cần phải thực hiện việc nhận biết khách hàng thông qua quy định về mở
và sử dụng tài khoản thanh toán(4) và quy định về phòng chống rửa tiền như đã phân tích trên
đây. Về điểm này, dường như giữa Thông tư 48 và Thông tư 49 đang có sự không đồng bộ với
nhau, bởi thực chất, hai loại hình tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn gần như chỉ khác nhau
về chủ thể được phép gửi tiền và luôn tiềm ẩn các rủi ro tương tự nhau.
Vẫn thiếu sự đồng nhất trong thủ tục ủy quyền gửi và nhận tiền gửi
Đối với giao dịch gửi tiền tiết kiệm, điều 12 của Thông tư 48 quy định phải do người gửi tiền
hoặc người đại diện theo pháp luật trực tiếp thực hiện, ngoại trừ trường hợp gửi tiền vào thẻ tiết
kiệm đã cấp thông qua chuyển khoản từ tài khoản thanh toán được quy định theo hướng mở, tức
là người gửi tiền có thể thực hiện ủy quyền theo quy định về sử dụng tài khoản thanh toán và
hướng dẫn cụ thể của TCTD.
Tuy nhiên, đối với giao dịch nhận chi trả tiền gửi tiết kiệm, điểm b khoản 4 điều 18 của Thông tư
48 có quy định khá khó hiểu khi cho phép chi trả tiền gửi tiết kiệm thông qua ủy quyền của
người gửi tiền theo hướng dẫn của TCTD, trong khi rủi ro liên quan đến mất tiền trong thẻ tiết
kiệm một phần không nhỏ đang xuất phát từ giao dịch rút/nhận chi trả tiền gửi tiết kiệm.
Riêng với tiền gửi có kỳ hạn, khoản 3 điều 5 của Thông tư 49 cho phép người gửi tiền được thực
hiện việc gửi, nhận chi trả tiền gửi thông qua người đại diện hợp pháp (bao gồm người đại diện
theo ủy quyền), điều này phù hợp với pháp luật về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại Thông
tư số 23/2014/TT-NHNN (Sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2019) khi Thông tư 49 quy định việc
nhận, chi trả tiền gửi phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của người gửi tiền.
Tuy nhiên, như đã phân tích trên đây, bản chất hai loại hình tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết
kiệm gần như chỉ khác nhau về chủ thể được phép gửi tiền và luôn tiềm ẩn các rủi ro tương tự
nhau, do đó phải chăng vấn đề ủy quyền như phân tích trên đây cần được xem xét, nghiên cứu
điều chỉnh phù hợp hơn.
Thực tiễn xử lý hình sự đối với vi phạm trong hoạt động nhận tiền gửi
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (BLHS) có riêng một quy định mới về
tội danh trong các hoạt động ngân hàng tại điều 206. Theo đó, các nhà làm luật đã định nghĩa tội
danh này theo hướng liệt kê các hành vi vi phạm, như các vi phạm liên quan đến hoạt động cấp
tín dụng, cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng... Tuy nhiên,
nội dung điều luật này lại không đề cập đến hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động nhận tiền
gửi của TCTD.
Trên thực tế, các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động nhận tiền gửi tại TCTD thường được
tòa án xét xử theo các tội danh khác như: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm
chiếm đoạt tài sản... Người viết hiểu rằng các nhà làm luật đã không liệt kê hành vi vi phạm hoạt
động nhận tiền gửi trong điều 206 của BLHS vì xét có thể gây khó khăn cho các cơ quan nhà
nước có thẩm quyền về vấn đề định tội danh của người vi phạm trong quá trình khởi tố, truy tố
và xét xử. Bởi các yếu tố định tội danh của hành vi vi phạm hoạt động nhận tiền gửi này (nếu
được đưa vào nhóm các hành vi vi phạm của điều 206 BLHS) có thể gây chồng chéo với các yếu
tố định tội danh trong các tội có liên quan như đã nêu.
Tuy nhiên, đa phần các vụ án xét xử hành vi chiếm đoạt tiền gửi đang nhận định bị hại là TCTD
nhận tiền gửi có phần chưa thật sự thuyết phục, bởi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tại khoản
1 điều 62 có định nghĩa: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản
hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.
Xét về nghiệp vụ ngân hàng, tiền gửi của khách hàng được quản lý theo hình thức số dư trên tài
khoản đứng tên khách hàng gửi tiền và không có sự chuyển dịch quyền sở hữu trong trường hợp
này. Hơn nữa, nếu cho rằng quyền sở hữu tiền gửi đã được chuyển cho TCTD thì không thể phát
sinh quyền sử dụng tiền gửi làm tài sản bảo đảm của khách hàng, vì trên nguyên tắc bên bảo đảm
phải là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản bảo đảm(5). Bên cạnh đó, Thông tư 48 và Thông tư 49
cũng có quy định về chuyển giao quyền sở hữu đối với khoản tiền gửi của khách hàng gửi tiền.
Do đó, có vẻ sẽ hợp lý hơn nếu xác định tư cách bị hại (chủ sở hữu hợp pháp của tài sản bị thiệt
hại) trong trường hợp này phải là khách hàng gửi tiền. Nếu như vậy, chúng ta cần có một khung
pháp lý chuyên biệt điều chỉnh cho hành vi vi phạm này nhằm bảo vệ được quyền và lợi ích hợp
pháp của người gửi tiền, cũng như xác định rõ trách nhiệm của TCTD trong vụ việc vi phạm.
Cũng có quan điểm cho rằng thực chất đã có sự chuyển quyền sở hữu đối với khoản tiền gửi từ
người gửi tiền sang cho TCTD thông qua hợp đồng tiền gửi, điều này thể hiện rõ ở việc sau khi
nhận tiền gửi, TCTD có toàn quyền định đoạt, theo điều 192 của Bộ luật Dân sự năm 2015, đối
với số tiền gửi dưới hình thức dùng khoản tiền gửi để thực hiện các hoạt động ngân hàng khác;
khi đến hạn hoặc chưa đến hạn, người gửi tiền vẫn có quyền yêu cầu TCTD hoàn trả lại khoản
tiền gửi cộng với một khoản tiền lãi theo thỏa thuận, do đó, điều này thể hiện người gửi tiền chỉ
có quyền đòi nợ(6) đối với TCTD mà không có quyền sở hữu đối với khoản tiền gửi. Tuy nhiên,
theo chúng tôi, quan điểm về quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng tiền gửi hiện chưa được pháp
luật Việt Nam công nhận một cách chính thức cũng như việc chuyển quyền sở hữu đối với khoản
tiền gửi vẫn là vấn đề còn tranh cãi.
Về bản chất, hoạt động nhận tiền gửi là hoạt động có điều kiện và thường xuyên của các TCTD,
vì vậy, trong từng trường hợp cụ thể, nếu có căn cứ cho rằng một chủ thể, với tư cách nhân danh
TCTD, thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục
nhận/chi trả tiền gửi mà gây thiệt hại về tài sản cho người khác thì cần được xem là hành vi vi
phạm quy định về hoạt động ngân hàng theo điều 206 BLHS.

You might also like