You are on page 1of 8

Lãi chậm trả theo quyết định phần trách

nhiệm dân sự của Tòa án trong các vụ án


hình sự
25/12/2022 23:39

(LSVN) - Bài viết nghiên cứu về ý nghĩa của lãi suất, trách nhiệm do chậm trả tiền phải
chịu lãi (lãi chậm trả) và mức lãi áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong các
vụ án hình sự khi xét xử có quyết định tuyên buộc trả khoản tiền bị chiếm đoạt, thất thoát.
Bài viết cũng làm sáng tỏ những vấn đề còn hạn chế khi áp dụng quy định về lãi chậm trả
vào thực tiễn xét xử án hình sự và hướng khắc phục.

Ảnh minh họa.


Trách nhiệm trả lãi theo các quyết định của Tòa án trong vụ án hình sự
Pháp luật về lãi, lãi suất đã phân định khá rõ nét nghĩa vụ trả nợ trong quan hệ hợp đồng vay tài
sản (bao gồm cả các hợp đồng tín dụng ngân hàng) với các nghĩa vụ thanh toán, chậm trả tiền
trong các giao dịch, các quyết định tư pháp. Nếu như nghĩa vụ trả nợ thường gắn với các đối
tượng giao dịch vay là tiền, vàng, ngoại tệ (kể cả cho vay trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, các
quy định và thực tiễn áp dụng nghiệp vụ vay vẫn đề cập nghĩa vụ trả nợ của khách hàng đối với
“dư nợ gốc”), thì nghĩa vụ trả tiền, thanh toán thường đi kèm theo đó là các giao dịch mua bán,
trao đổi tài sản, thực hiện dịch vụ, bồi thường, bồi hoàn tài sản, theo các quyết định của cơ quan
có thẩm quyền.

Trong hoạt động tố tụng hình sự, tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý hợp pháp của các tổ
chức, cá nhân nếu bị chiếm đoạt, thất thoát gây ra thiệt hại, về nguyên tắc, tổ chức, cá nhân bị
thiệt hại đó phải được bồi thường, bồi hoàn kịp thời, đầy đủ. Trường hợp người có nghĩa vụ chậm
thực hiện thì phải gánh chịu khoản lãi chậm trả được tính trên số tiền phải trả tương ứng với thời
gian chậm bồi thường, bồi hoàn đó.

Các quy định theo pháp luật Việt Nam hiện hành cho phép Tòa án: (i) Giải quyết vấn đề dân sự
trong vụ án hình sự(1), đồng nghĩa rằng, các tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát khi xử lý cũng phải
được xem xét dưới các góc độ của quan hệ dân sự. Đó là nghĩa vụ bồi thường, bồi hoàn cho chủ
sở hữu, người quản lý tài sản hợp pháp; (ii) Xác định lãi, lãi suất được ghi trong bản án, quyết
định của Tòa án đối với khoản tiền, giá trị của vật mà bên có nghĩa vụ phải thanh toán, hoàn trả
cho bên có quyền nếu chậm thực hiện thi hành án(2). Song khác với việc giải quyết một vấn đề
dân sự đơn thuần, giải quyết trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự bên cạnh các nguyên tắc
pháp lý cơ bản của giao dịch dân sự, đó còn là hoạt động thu thập, gìn giữ chứng cứ và xử lý
chứng cứ trong tố tụng hình sự. Mặc dù các nghiên cứu hiện nay có hướng nghiêng về các hoạt
động tố tụng dân sự khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nhưng quan điểm này cần
được xem xét một cách thấu đáo. Theo tác giả, ngay cả khi các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
được đưa ra xét xử lại (do phải bị hủy) thì trình tự tố tụng cũng phải dựa trên các quy định của
pháp luật tố tụng hình sự, khi đó mới giải quyết trọn vẹn các vấn đề phát sinh của vụ án hình sự
đó.

Theo các quy định nói trên thì quyết định lãi chậm trả được ghi trong bản án, quyết định của Tòa
án còn để bảo đảm cho các nghĩa vụ thi hành án. Trường hợp Tòa án không ghi nhận lãi suất
(thời điểm phát sinh, mức lãi áp dụng) hoặc tự đẩy cho các bên trách nhiệm thỏa thuận lãi suất
nếu chậm thi hành án là trái pháp luật, đi ngược lại nguyên tắc tính lãi chậm trả trong vụ án hình
sự được luật định. Tình trạng này vẫn thường xảy ra cả trong các vụ án dân sự, hình sự hoặc kinh
doanh, thương mại, kể cả trong các vụ án hình sự(3) nhưng vẫn chưa được các cấp Tòa án xem
xét giải quyết.

Chẳng hạn, Bản án số 02/2021/HS-ST ngày 12/01/2021 của Tòa án nhân dân huyện H.L, tỉnh
N.B xét xử về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đã tuyên phần lãi suất chậm trả trong
giai đoạn thi hành án đối với bản án hình sự như sau: “Trường hợp bản án, quyết định được thi
hành theo quy định tại Điều 2, Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người
phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi
hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9, Luật Thi hành án dân
sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30, Luật Thi hành án dân sự”. Nội
dung của quyết định trên không xác định mức lãi suất bên có nghĩa vụ phải trả nếu chậm thực
hiện. Đồng nghĩa rằng, cơ quan thi hành án có trách nhiệm xác định dựa trên các quy định của
pháp luật nên chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trong khi xác định mức lãi suất vốn dĩ còn phụ
thuộc vào các giao dịch có thỏa thuận lãi suất có phát sinh tội phạm. Quyết định còn tự ý trao cho
các bên trách nhiệm tự thỏa thuận lãi suất, thay vì ấn định căn cứ pháp lý để tính lãi và mức lãi cụ
thể theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân Tối cao (Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP).

Có thể nhận thấy các quy định về lãi, lãi suất theo pháp luật Việt Nam hiện nay đã có nhiều thay
đổi đáng kể về cơ chế hình thành và phương pháp tính lãi so với trước. Cùng với chủ trương tự
do hóa lãi suất của Đảng và Nhà nước, các chủ thể giao dịch được tự do thỏa thuận lãi suất và
mức lãi trong các giao dịch(4), và điều này cũng chi phối trong các quy định về lãi chậm trả theo
bản án, quyết định của Tòa án kể cả trong các vụ án dân sự, kinh doanh, thương mại và hình sự
theo hướng lãi suất thể hiện tính liên tục nếu các bên có thỏa thuận hoặc theo thời điểm và mức
lãi hợp lý do pháp luật quy định nếu các bên không có thỏa thuận lãi suất.

Điển hình, Bản án số 02/2015/HSPT ngày 07/01/2015 của Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân Tối
cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử vụ Huỳnh Thị Huyền N, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân
hàng C - Chi nhánh TP. Hồ Chí Ming đã tuyên: “Ngoài khoản tiền gốc phải bồi thường như án đã
tuyên, các bị cáo còn phải chịu khoản lãi suất nợ quá hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam, kể từ ngày khởi tố vụ án cho đến khi thi hành án xong”. Bản án thể hiện rõ nét quyền
được yêu cầu tính lãi liên tục xuất phát từ nghĩa vụ hoàn trả nợ gốc và lãi quá hạn của các tổ
chức, cá nhân khi vay vốn theo đúng các quy định của pháp luật tín dụng.

Tóm lại, các nghĩa vụ trả tiền, vật theo các quyết định của bản án hình sự về nguyên tắc cũng
phải tính lãi nếu bên có nghĩa vụ chậm trả. Lãi và mức lãi trong trường hợp này chính là khoản
bồi thường thiệt hại. Điều này cũng góp phần nâng cao trách nhiệm dân sự đối với bên có nghĩa
vụ, bảo đảm cho các quyền lợi này được thực thi nghiêm túc, tránh tình trạng chây ỳ, chậm trả
tiền, vô hiệu hóa hiệu lực các quyết định của Tòa án.

Thời điểm phát sinh lãi chậm trả


Thời điểm phát sinh lãi chậm trả chính là mốc thời gian bắt đầu tính lãi. Như tác giả đã trình bày,
lãi suất phát sinh từ khoản nợ gốc nếu đó là khoản vay. Trong quan hệ tố tụng hình sự đó chính là
lãi suất phát sinh từ khoản tiền phải hoàn trả theo các quyết định của Tòa án.

Hoạt động xét xử của Tòa án được thực hiện theo 02 cấp (sơ thẩm, phúc thẩm), ngoài ra còn có
thủ tục xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm, tái
thẩm. Quy định theo Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP (điểm a khoản 1 Điều 13) đề cập đến
mốc tính lãi ở giai đoạn xét xử sơ thẩm(5). Tại thời điểm này, bản án, quyết định của Tòa án có
thể có hiệu lực hoặc chưa có hiệu lực. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, hội đồng xét xử giải
quyết vụ án lấy thời điểm bắt đầu tính lãi là thời điểm xét xử sơ thẩm phù hợp. Đây là điểm mới
trong các quy định của pháp luật về lãi suất, giúp cho các bên xác định phạm vi trách nhiệm,
không lạm dụng kéo dài tranh chấp, nguy cơ phải chịu lãi suất vượt quá khả năng tài chính của
người có nghĩa vụ.
Các quy định theo Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP tiếp tục đề cập đến 02 thời điểm bắt đầu
tính lãi là: “kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong” (tạm gọi
là trường hợp thứ nhất) và “kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các
trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có
đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người
được thi hành án)” (tạm gọi là trường hợp thứ hai)(6).

Việc áp dụng hai trường hợp này có những khác biệt cơ bản như sau: ở trường hợp thứ nhất, khi
đó bản án, quyết định có thể có hoặc chưa có hiệu lực pháp luật. Trong khi đó ở trường hợp thứ
hai được áp dụng kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ
quan thi hành án có quyền chủ động ban hành quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu
cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi
hành án).

Điều này cũng đặt ra các căn cứ phát sinh lãi và mức lãi khác nhau cần được phân tích như sau:

Trường hợp thứ nhất: Áp dụng đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà
các bên có thỏa thuận về việc trả lãi.

Điều khoản áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận lãi suất, phù hợp tính liên tục của lãi
suất được các nghiên cứu đề cập xuất phát từ bản chất của quan hệ cho vay, đó là “nghĩa vụ hoàn
trả của người đi vay (tài sản, tiền) cho người cho vay”(7). Qua đó cũng cho thấy, các quy định về
tính liên tục của lãi suất tiếp tục được nhà làm luật duy trì củng cố, kể cả khi vụ việc đã được giải
quyết ở giai đoạn thi hành án. Nó không chỉ góp phần bảo đảm cho các nghĩa vụ hợp đồng nói
chung được nghiêm túc, mà còn khuyến khích các bên phát triển các giao dịch (đặc biệt trong
lĩnh vực tín dụng ngân hàng) theo định hướng lành mạnh, an toàn, có hiệu quả.

Trường hợp thứ hai: Áp dụng đối với trường hợp khoản tiền phải thu nộp vào ngân sách Nhà
nước mà pháp luật có quy định nghĩa vụ trả lãi; hoặc khoản tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp
đồng; hoặc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà
các bên không thỏa thuận về việc trả lãi.

Đối với những trường hợp này thì quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật
(đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc
kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả
cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu
khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468
của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Quy định trả lãi kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi
hành án của người được thi hành án áp dụng trong các trường hợp chuyên biệt, bảo vệ quyền lợi
của bên yếu thế cũng như tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên. Việc bỏ tính lãi giai đoạn xét
xử phúc thẩm sẽ mang đến những quyền lợi tố tụng nhất định cho bên có nghĩa vụ, cũng như
tránh được áp lực phải trả lãi trong giai đoạn này (nếu có). Quy định lúc bấy giờ không phân định
rõ từng quan hệ có phát sinh nghĩa vụ trả lãi và thời điểm tính lãi khi vụ việc đã chuyển sang giai
đoạn thi hành án(8). Đây là lý do Nghị quyết quy trách nhiệm Tòa án phải quyết định rõ trong
bản án hoặc quyết định.

Với việc phân định các nghĩa vụ trả lãi đối với hợp đồng không có thỏa thuận lãi suất cho thấy
tính liên tục lãi suất bị giới hạn để bảo đảm cân bằng quyền lợi của các chủ thể khác.

Chẳng hạn, Bản án số 44/2018/HS-PT ngày 08/10/2018 xét xử về tội “cố ý làm trái quy định của
Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” do có kháng cáo của các bị cáo đối với
Bản án hình sự sơ thẩm số 56/2018/HSST ngày 01/8/2018 của Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh
N.T có tuyên về phần lãi suất như sau: Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi thi
hành xong tất cả các khoản tiền trên, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi
của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất theo quy định tại Điều 357 và Điều 468, Bộ
luật Dân sự năm 2015. Bản án thuộc trường hợp thi hành án chủ động theo Luật Thi hành án dân
sự năm 2008 được sửa đổi bổ sung năm 2014(9). Do đó, quyết định có tuyên lãi suất phát sinh
“Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi thi hành xong” là đúng với các quy định đã
được viện dẫn trên.

Mức lãi chậm trả tiền được áp dụng


Khi giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh,
thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải
thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định
(Phần quyết định)(10):

- Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc
trả lãi về nguyên tắc, pháp luật tôn trọng thỏa thuận trả lãi nhưng phải phù hợp với quy định của
pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại
khoản 2, Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo quy định này thì mức lãi suất áp dụng ghi
trong quyết định bản án hình sự bắt buộc phải xác định các giao dịch thuộc kinh doanh, thương
mại để tính lãi suất cho đúng:

(i) Lãi suất áp dụng cho các giao dịch thương mại thực hiện theo quy định tại Điều 306, Luật
Thương mại năm 2005: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm
thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu
cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời
điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp
luật có quy định khác”.

(ii) Lãi suất áp dụng cho các quan hệ tín dụng ngân hàng thực hiện theo khoản 1, Điều 13, Thông
tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, theo đó, tổ chức tín dụng và
khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức
độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi
suất cho vay tối đa tại khoản 2, Điều này.

Mức lãi áp dụng theo khoản 2, Điều 13, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP như sau: “Mức lãi
suất hai bên thỏa thuận hướng dẫn tại khoản 1 Điều này là mức lãi suất nợ quá hạn các bên thỏa
thuận trong hợp đồng hoặc tại Tòa án. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về mức lãi suất
nợ quá hạn thì mức lãi suất nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất trong hạn”. Quy định này đề cập
đến mức lãi suất nợ quá hạn như biện pháp chế tài do chậm trả. Đồng nghĩa rằng, Tòa án phải có
trách nhiệm xác định lãi suất thỏa thuận và mức lãi ghi rõ trong các quyết định để thi hành thay vì
ghi chung chung thiếu rõ ràng, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án khi thực thi.

Bình luận qua các bản án


(1) Bản án số 02/2019/ KDTM-ST ngày 25/01/2019 về “tranh chấp hợp đồng tín dụng” của Tòa
án nhân dân thành phố HD, tỉnh HD tuyên như sau: “2. Về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ: Buộc
ông Bài văn T - Chủ doanh nghiệp tư nhân TT phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng
thương mại cổ phần VNTN theo Hợp đồng tín dụng số 270716-2956350-01-SME và Khế ước
nhận nợ lần 01 số 270716-2956350-01-SME cùng giao kết ngày 27/7/2016 với số tiền gốc còn lại
là 112.470.000 đồng; tiền lãi suất trong hạn, quá hạn phát sinh trên dư nợ gốc phải tính đến ngày
xét xử là 14.552.126 đồng, tổng cộng là 179.413.022 đồng. Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử
sơ thẩm, ông Bù Văn T - Chủ doanh nghiệp tư nhân TT còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi trong
hạn, quá hạn, tiền phạt của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa
thuận trong hợp đồng tín dụng”...

(2) Bản án số 28/2018/KDTM-PT ngày 27/12/2018 về “tranh chấp hợp đồng xây dựng” của Tòa
án nhân dân tỉnh ĐN giữa Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Thương mại A với Công ty
TNHH Công nghiệp D, Tòa đã tuyên xử như sau: “…Kể từ ngày có đơn thi hành án của người
được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án
còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản
2, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án”.

Hai tình huống pháp lý tranh chấp kinh doanh, thương mại trên cho thấy Tòa án xác định rõ
khoản tiền nào được phép tính lãi và khoản nào không được tính lãi, thay vì tất cả các khoản tiền
theo quyết định của Tòa án đều được tính lãi suất cho đến khi bên phải thi hành án thi hành xong
là phù hợp, nhưng việc áp dụng mức lãi không được thống nhất. Mặc dù cả hai tình huống theo
vụ án, các bên có thỏa thuận lãi suất. Ở tình huống (1), việc áp dụng lãi suất quá hạn theo hợp
đồng tín dụng là phù hợp. Thêm vào đó, Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP cũng nêu rõ
nguyên tắc áp dụng các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, không áp dụng quy định về giới
hạn lãi suất theo như quy định của Bộ luật Dân sự. Ở tình huống (2), hai doanh nghiệp có thỏa
thuận lãi chậm trả là 12%/năm, nhưng Tòa án cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều không dựa
theo thỏa thuận, từ đó ấn định lãi suất trong giai đoạn thi hành án cho phù hợp. Bên cạnh đó,
quyết định của Tòa án không ghi nhận tính liên tục của lãi suất, chỉ chấp nhận tính lãi từ khi có
đơn yêu cầu thi hành án đối với khoản lãi chậm trả phát sinh trong giai đoạn này cũng chưa đúng.

- Đối với trường hợp khoản tiền phải thu nộp vào ngân sách Nhà nước mà pháp luật có quy định
nghĩa vụ trả lãi; hoặc khoản tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; hoặc trường hợp chậm thực
hiện nghĩa vụ về tài sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả
lãi thì quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ
quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu
thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành
án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền
còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm
2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo đó, nếu không xác định rõ lãi suất và có
tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn cho phép tại thời
điểm trả nợ (tương đương 10%/năm).

Dù vậy, bản án, quyết định của các cấp tòa hiện nay vẫn còn bất nhất, có bản án còn không phân
định rõ những trường hợp áp dụng lãi suất khi các bên có thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận
nhưng không được phát hiện xử lý kịp thời.

Quy định việc trả lãi kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu
thi hành án của người được thi hành án (áp dụng trong một số trường hợp) là phù hợp với hoạt
động tố tụng, được áp dụng trong các trường hợp chuyên biệt, bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế
cũng như tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên.

Kết luận
Việc tính lãi đối với tài sản phải hoàn trả, bồi thường, kể cả các khoản tịch thu sung quỹ Nhà
nước được tuyên theo quyết định của Tòa án trong vụ án hình sự cho thấy đây là nghĩa vụ bắt
buộc, để bảo đảm quyết định của Tòa án được thực thi kịp thời, nghiêm túc, khuyến khích các đối
tượng thi hành án nhanh chóng, không để xảy ra thiệt hại phát sinh do chậm trả tiền, tài sản. Với
các tình huống thực tế viện dẫn trên, có thể thấy các cấp Tòa án đã quán triệt thực hiện, ghi nhận
đầy đủ nội dung này, song vẫn còn không ít bản án xác định không đúng thời điểm và mức lãi áp
dụng.

(1) Theo Điều 30, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

(2) Điều 13, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/1/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân
dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

(3) Xem thêm: Bản án số 1234/2012/KDTM-ST ngày 22/8/2012 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

(4) Xem thêm: Lương Khải Ân, 2020, Bàn về quy định trần lãi suất 20%/năm trong quan hệ hợp đồng
vay tài sản, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, số 03
(133)/2020, tr.27-36.

(5) Điều 6, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP định nghĩa: “Thời điểm xét xử sơ thẩm” hướng dẫn tại
Nghị quyết này là ngày Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc ngày Tòa
án tuyên án khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử sơ thẩm lại”.

(6) Xem: Khoản 1, Điều 13, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP.

(7) Nguyễn Văn Vân, 2000, Mấy suy nghĩ về bản chất pháp lý của hợp đồng tín dụng ngân hàng, Khoa
học pháp lý số 03/2000, tr.30.

(8) Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân
dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn việc xét xử và thi hành án tài sản, tại mục III.1 quy
định việc bảo vệ quyền lợi cho bên được thi hành án như sau: “..., tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên
phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá
hạn...”.

(9) Khoản 2, Điều 36, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định:
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công
chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau: a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài
sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự; c) Tịch thu sung quỹ
Nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước; d) Thu hồi quyền sử
dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ Nhà nước; đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời; e) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.

(10) Xem thêm: Điều 13 về quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án theo Nghị quyết
số 01/2019/NQ-HĐTP.

TS LƯƠNG KHẢI ÂN

You might also like