You are on page 1of 7

“VỆ NÔNG” TRONG HƯƠNG ƯỚC THỪA THIÊN - HUẾ (*)

Trần Văn Quyến


Khoa Xã hội Nhân văn

Trên địa bàn Thừa Thiên Huế tuy không có nhiều những văn bản với
tên gọi “hương ước” 鄉約 hiểu như luật lệ của làng xã với nhiều điều mục về đủ
mọi vấn đề, mà ở đây hầu hết là loại “khoán ước” 券約, “khoán lệ” 券例,
“khoán định” 券定 hay “khoán giới” 券戒, “khoán cấm” 券禁 cũng tức là
những quy định chung của cộng đồng làng xã. Những thứ ấy được lập thành văn
bản sau một cuộc họp của hội đồng tộc biểu, và thông tri cho ai nấy đều biết[1].
Nội dung chính của các văn bản này đề cập đến nhiều vấn đề như phân chia
ruộng thờ (hương hỏa, tự điền), về văn hóa tinh thần, đảm bảo đời sống tâm linh
của cộng đồng; những quy định đảm bảo an ninh làng xã; những quy định về
thuần phong mỹ tục, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên..., trong đó có những
điều khoản quy định liên quan đến việc bảo vệ nghề nông, bảo vệ nguồn nước,
đồng ruộng.
Để xây dựng một nông thôn tiến bộ, rõ ràng trước hết phải tăng gia sản
xuất, góp phần nâng cao đời sống. Đời sống vật chất của nông dân ngày xưa đều
nhờ đến ruộng đất; cái ăn, cái mặc, cái ở, cái học tất cả đều dựa vào đó. Các cụ
xưa từng nói “quốc dĩ nông vi bản, dân dĩ thực vi tiên” 國以農為本民以食為先
(nước lấy nghề nông làm gốc, dân lấy cái ăn làm đầu). Tuyệt đại đa số làng xã
của Thừa Thiên Huế thời phong kiến là làm nông, nên vấn đề ruộng đất được đặt
lên hàng đầu. Trong Hương tục xã Lễ Khê huyện Hương Trà ngay phần mở đầu
đã động viên, khuyến khích dân làng chăm lo sản xuất: “Nước ta đặc biệt chiếm
một phần ở miền ôn đới. Dân ta tương truyền là con cháu của Thần Nông. Nước
là nước nông nghiệp, dân là dân nông nghiệp”[2]. Vì thế, làng nhắc nhở dân phải
chăm lo nghề nông, kêu gọi con em học tập và vận dụng những điều mới mẻ tiến
bộ, và có biện pháp trừng phạt những ai vô tình hay cố ý phá hoại đồng ruộng,
hoa màu: “Từ nay về sau, trong xã chẳng nghĩ khác ngoài việc chăm nghề nông
mà lo giúp đỡ cốt cho nông giới ngày sau phát đạt lên, theo kịp tân trào. Nếu ai
thả trâu bò, dắt súc vật dẫm đạp và ăn lúa má cùng các thứ hoa lợi, hoặc đổ
nước hay súc vật đến nỗi lúa má khô héo, sũng nước, hoặc theo ý riêng làm bậy
đến nỗi lúa má, cây cối bị thương tổn, thì dân tuần hay chủ ruộng bắt được thực
trạng trình với lí trưởng và hương dịch, lập hội đồng đến tại chỗ khám xem tổn

1
thất nhiều ít, bắt bồi thường và phạt một mâm trầu rượu thay bằng 4 hào; nếu
tội nặng trình lên quan trị”[3].
Những công trình thủy lợi của làng như đê điều, cầu cống, mương phai
là những công trình quan trọng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, nó ảnh
hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, tác dụng của nó không chỉ trên lĩnh vực
kinh tế mà còn tiến sang lĩnh vực xã hội. Nhà cửa ruộng vườn của cả làng bị
ngập lụt thì nhà cửa ruộng vườn của mỗi người không thể không bị ngập lụt. Cả
làng mất mùa thì mỗi nhà không thể không mất mùa, và ngược lại[4], do vậy làng
xã quy định rất cẩn thận, chi tiết các mục, các khoản liên quan tới bảo vệ nghề
nông. “Với nghề nông, người ta hiểu rằng khi giành được quyền chủ động trị
thủy cho cây lúa thì điều đó sẽ đưa đến bao nhiêu đổi mới trong cuộc sống”[5].
Là người dân Việt chẳng mấy ai xa lạ với câu tổng kết kinh nghiệm làm nông
của cha ông ta “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nhận thức rõ điều này
nên trong Điều lệ xã An Gia huyện Quảng Điền (năm Tự Đức thứ 35) nghiêm
cấm (ở điều thứ 43) là: phàm những đường nhánh nước chảy trong xã, hễ người
nào tự tiện đắp lại bắt cá, người phát hiện trước sẽ được thưởng tiền một quan,
người bị bắt phải chịu phạt vạ một heo và một bàn trầu cau rượu[6]. Hay ở điều
khoản thứ 37 trong Khoán lệ xã Phong Lai huyện Quảng Điền quy định trong
điều khoản thứ 37: Trước đình làng có đắp một dãy đê quai để bảo hộ nhà cửa,
đường sá và phòng ngừa nước lụt. Từ trước đến nay nó đã thành bờ, nếu ai đi tắt
lên đó làm sụt lở thì bị phạt tiền 3 quan và thu thêm 1 quan nữa để thưởng cho
người phát giác. Nếu kẻ nào đó cắt cỏ chặt cây mà bị bắt được thì phạt tiền 15
quan. Nếu để cho trâu bò dẫm đạp thì phạt tiền 10 quan và thu thêm 3 quan để
thưởng cho người bắt được[7]. Ở khoản thứ 39 của khoán lệ xã này buộc người
có trâu bò dẫm đạp lên lúa lúc đang đòng, chưa thu hoạch nộp phạt tiền 5 quan,
thưởng cho người phát hiện 1 quan ngoài ra chủ trâu còn phải bồi hoàn những gì
do trâu mình làm hư hại. Những đứa chăn trâu bò thì bị đánh đau 30 roi[8]. Điều
lệ xã Đông Xuyên huyện Quảng Điền cũng chỉ rõ: “xứ miếu Đồng trong xã
nguyên trước có đắp một đoạn bờ đập ở bên trái và bên phải bờ đê và có trồng
hàng tre, một là để ngăn cát bồi vào ruộng công điền, hai là để che chắn thổ
phần khỏi phải nước xói. Nơi ấy rất là xung yếu nên không được thả trâu bò
dẫm đạp và chặt phá hàng tre”(Điều khoản 12)[9]. Liên quan đến vấn đề này
khoản 5 Tờ cấm điều của xã Thủ Lễ (huyện Quảng Điền) nghiêm cấm: Các xứ
đê cảng từ trước đến nay nhân dân đào bới khá nhiều, đến nỗi nước lũ xói vỡ,
thiệt hại ruộng đất. Từ nay về sau thì cấm ngặt. Không kể viên chức, binh lính,

2
hương lão hay nhân dân, ai cố ý đào lấy đất xây dựng riêng, bắt được, phạt bạc 5
hào, trầu rượu 1 mâm và thưởng cho người bắt được theo lệ[10].
Ở giai đoạn xuống giống, và khi lúa mới cấy là lúc quan trọng quyết
định tới việc kịp mùa vụ do vậy bảo vệ những nơi có gieo mạ của làng là cần
thiết để đảm bảo cho đồng ruộng được cấy đúng mùa vụ. Trong Điều lệ xã An
Gia huyện Quảng Điền quy định rõ vấn đề này ở điều khoản thứ 19: Theo lệ
định thì từ khi trong xã đã gieo mạ ở các nơi, ai có gà vịt nên nhốt giữ không thả
vào nơi có gieo mạ. Ai thả vịt gà ra thì số ấy bị bắt lây. Làng còn có quy định
hàng năm, sau khi gieo cấy xong, trâu bò nên thả đến nơi hoang nhàn để chăn
đón, không được cho trâu bò ăn trên đường bờ ruộng, nếu ai bắt được kẻ phạm
phải điều ấy thì người có trâu bò bị phạt một quan tiền, trước hết là thưởng cho
người bắt (điều khoản 20)[11].
Những người nuôi vịt, đánh cá thì tùy theo thời kỳ phát triển của cây
lúa, tùy vào khu vực mới được đánh bắt chăn thả. Nếu mà vi phạm thì bị làng
trừng trị nặng nề. Điều lệ xã An Gia huyện Quảng Điền khoản thứ 15 chỉ rõ
những người nuôi cá “theo lệ định thì các nơi ao tù thả nước nuôi cá ở trong xã
đều đã cho mượn lấy tiền. Ai được mướn nơi nào thì được nuôi cá nơi ấy. Nếu ai
lén tự mở bờ đắp thả nước nuôi cá, người nào bắt được thì được thưởng tiền một
quan. Người lén xói bờ còn chịu phạt một quan tiền”[12]. Lại nghiêm cấm ở điều
43 Điều lệ xã An Gia: “Phàm những đường nhánh nước chảy trong xã, hễ người
nào tự tiện đắp lại bắt cá, người phát hiện trước sẽ được thưởng tiền một quan,
người bị bắt phải chịu phạt vạ một heo và một bàn trầu cau rượu”[13]. Ở khoản
15 của Hương ước Giáp Chánh huyện Hương Thủy cấm “các đường ngang dọc
trên ruộng, vào lúc lúa đã thành hàng sắp chín, nhất thiết không được đánh cá.
Làm trái phạt tiền 10 quan, người bắt được thưởng tiền 5 quan”. Khi lúa đã
thành hàng và sắp chín, không được thả vịt bơi rong qua lại. Nếu làm trái, phạt
tiền chủ nuôi 10 quan và một mâm trầu rượu (khoản 13)[14].
Các con sông, kênh, mương, hói sau mỗi mùa vụ canh tác hoặc sau
mỗi trận lụt thường bị lắng đọng bồi lấp. Để khai thông dòng chảy, thuận tiện
cho việc đưa nước vào đồng ruộng, hàng năm các làng thường xuyên cho nạo
vét, khơi thông. Thường trước khi gieo một tháng thì tiến hành nạo vét định kỳ
và bất kỳ hộ gia đình nào cũng phải tham gia, nếu nhà nào có một mẫu ruộng
thì phải có ít nhất là 2 người, 3 sào đến 5 sào ruộng thì phải có 1 người tham
gia làm đường đê, vét kênh mương ở khu vực đồng ruộng lân cận ruộng nhà

3
mình. Trong điều khoản thứ 53 Điều lệ xã An Gia huyện Quảng Điền quy định
rõ trách nhiệm đối với nghĩa vụ này như sau: “các vị viên nhân trong xã, ai là
người canh tác ruộng vụ thu thì phải chịu trách nhiệm đào mương ở phần ruộng
mình. Từ tháng 3 đến tháng 4, đều phải khai quật phần mương của ruộng mình
theo chiều rộng của mương là 5 thước, chiều sâu là 3 thước. Nếu vị nào không
có sức cày cấy mà phải cho người khác mượn ruộng công ấy thì giao phần
mương ấy cho người mướn phải khai quật. Đến hạn, lý dịch đến kiểm soát mà
phần mương ấy vẫn còn bỏ dở không đào thì cho đó là điều trái với hạn định.
Bản xã thu lại ruộng ấy cho người khác mượn để họ khai quật đoạn mương ấy.
Chủ mướn chớ có ăn năn”[15] .Trong điều thứ 21 Điều lệ xã An Gia lại tiếp tục
quy định chi tiết hơn: “Theo lệ định, các nơi có cầu cống đường sá, đê điều
trong xã, trong khoảng tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bảy, lý dịch
trong làng nên sức dân dự phòng tu bổ trước”[16]. Khi ruộng đã được làm xong,
các kênh mương đã được nạo vét, đê đập được gia công kiên cố, lúc này ruộng
cần phải được giữ nước để xuống giống, do vậy việc bảo vệ nguồn nước là
quan trọng. Trước khi gieo các làng cắm một cây nêu ở đầu làng, cột 3 cái roi
trên đó, theo đó người dân hiểu được là không được đưa trâu bò ra phá, phải đi
cắt cỏ về trữ sẵn trong nhà cho trâu bò ăn. Ngày hôm sau mõ làng đi thông báo
tới từng hộ bằng bài rao:
Cấm trâu leo kè
Cấm nghé leo dường
Cấm đập cấm đường
Bao nhiêu cấm hết
Việc bảo vệ nông nghiệp có liên quan trực tiếp tới đời sống của làng
xã do vậy trong hầu hết các hương ước đều quy định xử phạt rất nghiêm khắc
đối với các hành động phá hoại các công trình trị thủy thủy lợi và thưởng hậu
cho những người bắt được. Chẳng hạn Khoán ước xã Phong Lai huyện Quảng
Điền nghiêm cấm việc đi lại làm sụt lở đoạn đê quai trước đình làng để bảo hộ
nhà cửa đường xá và phòng lụt. Nếu ai vi phạm thì bị phạt tiền 3 quan và thu
thêm 1 quan nữa để thưởng cho người phát hiện (Điều khoản thứ 37)[17]. Khoản
14 Hương ước Giáp Chánh xã Thanh Thuỷ huyện Hương Thuỷ quy định nếu để
trâu bò tụ họp thành bầy ở bờ sông và bờ đê thì “phạt chủ chăn tiền 5 quan và 1
năm trầu rượu; người chăn đánh 10 roi để răn, ai bắt được thưởng tiền 3
quan”[18]. Hay trong Điều lệ xã Đông Xuyên huyện Quảng Điền cũng quy định

4
xứ Miếu Đồng trong xã nguyên trước có đắp một đoạn bờ đập ở bên trái và bên
phải bờ đê và có trồng hàng tre, một là để ngăn cát bồi vào ruộng công điền, hai
là để che chắn thổ phần khỏi phải nước xói. Nơi ấy rất là xung yếu nên không
được thả trâu bò dẫm đạp và chặt phá hàng tre. Nếu có người nào đó phạm phải
thì lý trưởng sai người mời các viên chức trong làng họp lại ở đình, cứ theo sự
sai phạm của người ấy mà thu phạt một con lợn trị giá 5 quan và một bàn trầu
cau rượu; ngoài ra còn thu thêm tiền hai quan để thưởng cho người phát hiện và
bắt được quả tang. Nếu người có hành vi cưỡng ngạnh không chịu nộp phạt thì
bản xã đem việc ấy trình lên quan trên để cho phép trừng trị (Điều khoản thứ
12)[19]. Ở Khoán từ Lai Xá huyện Quảng Điền quy định nếu ai gặt lúa và cắt lúa
xanh, để trâu bò vào ruộng lúa thì bất câu nam, phụ, lão, ấu, nếu ai phạm phải
thì trước phải chịu 3 quan tiền để thưởng cho người bắt trộm, còn theo lệ làng
thì người trộm phải chịu phạt tiền 30 quan. Nếu không kham nổi số tiền phải
chịu phạt thì phải chịu khổ sai, cắt cỏ, quét đường mãn đời. Nếu người ấy bắt
được kẻ trộm khác thay thế thì mới được phóng thích[20]. Khoản thứ 39 trong
Khoán lệ xã Phong Lai huyện Quảng Điền ngày 11 tháng 2 năm Thành Thái thứ
13 chỉ rõ: Lúa tóc, hoa màu ngoài đồng là những vật đang thời kỳ xanh tốt. Hãy
đợi đến khi lúa chín thu hoạch xong, mới được thả trâu bò ra đồng. Nếu trong
lúc đồng lúa chưa thu hoạch mà thả trâu bò dẫm đạp khi bắt được sẽ bị phạt tiền
5 quan, lại thu tiền thưởng cho người phát giác một quan. Người có trâu bò phải
bồi thường những gì mà trâu bò mình đã làm hư hại. Những đứa chăn trâu bò
phải bị đánh đau 30 roi.[21]
Trong bộ máy hành chính làng xã, cao nhất là lý trưởng hay chánh lý,
dưới có ngũ hương, trong đó hương mục, tri hương chịu trách nhiệm trong việc
quản lý đê đập, đường sá, cầu cống, huy động nhân công để tiến hành xây dựng
các công trình trị thủy, thủy lợi, đôn đốc, đốc thúc công việc. Ngoài ra hương
kiểm có nhiệm vụ tuần phòng canh giữ trật tự trị an trong làng xóm, báo động
khi có nguy cơ sạt lở đê điều, phòng chống lụt bão… Trách nhiệm đó được quy
định rạch ròi như trong điều khoản thứ 37 của Khoán ước xã Phong Lai ghi:
Hàng năm vào hạ tuần tháng 7 tri hương đến khám xét từng nơi, nếu nơi nào cây
cỏ xanh tốt thì xuất tiền 5 quan để thưởng cho người có công. Nếu nơi nào có
dấu vết sai sót thì thủ khoán phải chịu trách phạt 3 quan, đánh roi đau và phải
chịu bồi đắp như cũ[22]. Trong Khoán lệ xã Thế Lại thượng chỉ rõ trách nhiệm và
nghĩa vụ của hương chính đối với nghề nông là: “phàm hương chính là các việc
về đê điều sông ngòi, bờ cõi, đường sá. Như xã ta đã cử đặt chức tri hương mục

5
đích trông coi các việc ấy. Những lúc hạn hán, nước mặn lan tràn thì lo sai hái
dân phu giữ chắc hay đắp sửa đê điều, nạo vét dòng sông, dẫn nước ngọt rửa
hết nước mặn để bảo vệ nghề nông. Những lúc có mưa lũ xói vỡ bờ ranh, đường
sá, lập tức sai phái đắp lại nguyên vẹn. Việc liên quan tới hương chính, nếu
không trông nom kiểm soát thì phải trách phạt nặng”[23].
Trong làng thường được chia thành nhiều khu vực nhỏ. Ở mỗi khu
vực như vậy làng đều cắt cử người thường xuyên canh phòng kiểm duyệt bảo vệ
nghề nông. Như ở Tờ cấm của xã Thủ Lễ (Quảng Điền) đề ngày 19 tháng 3 năm
Khải Định thứ 10 quy định rạch ròi mỗi khu vực như tại cửa Trì (giáp Khuông
Phò, Phú Cương, Kinh Dục...); tại Lang Bàu (giáp Khuông Phò, Trung Lộ, Nàng
Dụng)... giao cho một hương mục coi sóc đường sá, đê đập, bến sông, cây
cối[24]. Trong các làng xã xứ Huế còn xây dựng điếm canh, cử tuần đinh canh
phòng cẩn thận việc bảo vệ trật tự trị an và những công trình công cộng trong đó
có hệ thống thủy nông. Đội ngũ quản lý hành trình này góp phần cho làng xã
vận hành đúng quỹ đạo, bảo vệ trật tự xã hội và lợi ích chung của cộng đồng.
Những kinh nghiệm được đúc kết từ bao đời nay của người dân làng
xã Thừa Thiên Huế về công tác giữ gìn và bảo vệ nghề nông là kho tri thức dân
gian quý báu. Ngày nay khoa học kỹ thuật đã được áp dụng rộng rãi trong sản
xuất nông nhiệp nhưng chúng ta cũng không thể xem nhẹ những giá trị và kinh
nghiệm truyền thống của các thế hệ người đi trước[25]. Thiết nghĩ, trong việc
biên soạn hương ước, quy ước hiện nay ở các xã thôn Thừa Thiên Huế nói riêng
và cả nước nói chung cần kế thừa những yếu tố tích cực của các bản hương ước
xưa trong việc bảo vệ nghề nông. Để có thể quản lý và phát triển có hiệu quả
nghề nông cần có sự kết hợp giữa nhà nước và nhân dân cùng với ý thức và
trách nhiệm của từng thành viên trong cộng đồng làng xã cùng chung tay xây
dựng một nông thôn phát triển và phát triển bền vững.

CHÚ THÍCH
*
Hương ước Thừa Thiên Huế là Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên, bản chữ Hán, bản dịch của Nguyễn Đình
Thảng, Lê Nguyễn Lưu năm 2004, Lưu tại Phân viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật miền Trung, Huế, tập hợp
14 bản từ năm 1797 đến 1942.
[1]
Lê Nguyễn Lưu , Văn hóa Huế xưa, tập II: Đời sống văn hóa làng xã, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006, tr 135.
[2] [3]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Hương tục xã Lễ Khê ngày 15 tháng 11 năm Khải Định thứ
9, Mục II.3. Khoản 3: Giữ nghề nông, trang 9/15.
[4]
Vũ Huy Phúc, Lê Đình Sỹ, “Công cuộc trị thủy - thủy lợi yêu cầu quan hệ tập thể làng xã”, Nông thôn Việt
nam trong lịch sử, tập I, Nxb Khoa học xã hội, 1977, Hà Nội, tr 184.
[5]
Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1985, tr 158.

6
[6]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Điều lệ xã An Gia ngày 6 tháng 8 năm Tự Đức thứ 35, tr
10/10.
[7] [8]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Khoán ước xã Phong Lai ngày 11 tháng 2 năm Thành Thái
thứ 13, tr 14-15/17.
[9]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Điều lệ xã Đông Xuyên ngày rằm tháng hai năm Thiệu Trị thứ
7, tr 5-6/7.
[10]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Tờ cấm xã Thủ Lễ ngày19 tháng 3 năm Khải Định thứ 10, tr
3/6.
[11]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Điều lệ xã An Gia ngày 6 tháng 8 năm Tự Đức thứ 35, tr
4/10.
[12] [13]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Điều lệ xã An Gia, tr 3/10 & 8/10.
[14]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Hương ước xã Giáp Chánh ngày 20 tháng 7 năm Bảo Đại thứ
17, tr 2/3.
[15] [16]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Điều lệ xã An Gia, tr 10/10 & 4/10.
[17]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Khoán ước xã Phong Lai, tr 14/17.
[18]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Hương ước xã Giáp Chánh, tr 2/3.
[19]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Điều lệ xã Đông Xuyên, tr 5-6/7.
[20]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Khoán từ xã Lai Xá ngày rằm tháng bảy năm Dần niên hiệu
Khải Định, tr 1-2/2.
[21] [22]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Khoán ước xã Phong Lai, tr 15/17 & 14/17
[23]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Khoán lệ xã Thế Lại Thượng ngày mồng 1 tháng 11 năm Bảo
Đại thứ 4, tr 5/7.
[24]
Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, Sđd..., Tờ cấm xã Thủ Lễ , tr 3-4/6.
[25]
Võ Quang Trọng, “Ứng xử với nước qua hương ước Quảng Ngãi”, Tc Nguồn sáng dân gian, số 3 - 2006, tr
26.

You might also like