You are on page 1of 31

CHƯƠNG 1.

KHÁI QUÁT BỐI CẢNH VĂN HÓA KHMER NAM BỘ VÀ


HÌNH TƯỢNG CHẰN

1.1. Bối cảnh văn hóa Khmer Nam Bộ


1.1.1. Đặc điểm cư trú và hình thái xã hội
Dân tộc Khmer là những cư dân đầu tiên cư trú và khai thác trên vùng đất Nam
Bộ (đặc biệt là vùng Tây Nam Bộ). Theo cuộc điều tra dân số năm 1999, người
Khmer có 1.055.157 người, chiếm tỷ lệ 4% dân số Nam Bộ. Ở Tây Nam Bộ, nơi
người Khmer tập trung đông nhất với dân số là 876.040 người, chiếm tỷ lệ 6,25% dân
số trong vùng, chủ yếu tại các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc
Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Ngoài ra, vùng Đông Nam Bộ còn
có khoảng 16.000 cư dân Khmer sống rải rác xen kẽ cùng người Việt, Hoa, Chăm1...
Vùng Tây Nam Bộ (hay còn gọi là vùng đồng bằng sông Cửu Long) là đồng
bằng lớn và màu mỡ nhất nước ta. Đây là phần cuối cùng của lưu vực sông Mêkông
với diện tích 39.712 km2 (chiếm hơn 12% diện tích đất đai cả nước), dân số gồm 17
triệu người (tính đến năm 2003) chiếm 22% dân số cả nước, gồm 13 tỉnh, thành phố:
Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Kiên
Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng châu thổ phù sa được bồi đắp bởi dòng Cửu
Long (Cửu Long tên gọi chung cho các đoạn sông thuộc về sông Mêkông chảy trên
lãnh thổ của Việt Nam). Sông Mêkông là một trong những con sông lớn nhất trên thế
giới, xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải (Qinhai), băng qua Tây Tạng theo suốt
chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào,
Campuchia trước khi vào Việt Nam. Sông dài 4.200 km, lượng nước trung bình 500 tỉ
mét khối một năm. Ở phía trên Phnôm Pênh (Campuchia) sông có một nhánh hợp lưu
với Tonlé Sap. Bắt đầu từ Phnôm Pênh sông chia thành 2 nhánh: nhánh ở phía Bắc
vào sông Tiền Giang, nhánh ở phía Nam vào sông Hậu Giang (còn gọi là sông
Bassac). Hai dòng sông này chia thành nhiều nhánh rồi cuối cùng đổ ra biển bằng chín

1
Theo Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Minh Ngọc, Tôn giáo - tín ngưỡng của các cư dân vùng đồng bằng sông
Cửu Long, NXB Phương Đông, 2005, tr. 60.

1
cửa: cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Balai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa
Ba Thắc, cửa Định An và cửa Tranh Đề. Với chín cửa sông đổ ra biển mà sông
Mêkông được gọi là sông Cửu Long. Nhìn chung, khu vực đồng bằng sông Cửu Long
nằm trên địa hình tương đối bằng phẳng, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố rất
dày thuận lợi cho giao thông thủy. Khí hậu gió mùa điển hình, nóng ẩm quanh năm
(nhiệt độ trung bình 28oC). Đây là một vùng môi sinh đa dạng, bao gồm 9 tiểu vùng
sinh thái: vùng đất phù sa nước ngọt ven và giữa sông Tiền – sông Hậu; vùng đồng
bằng ven biển cao; vùng trũng trung tâm bán đảo Cà Mau; vùng rừng U Minh, vùng
đồng bằng ven biển ngập triều; vùng trũng Đồng Tháp Mười; vùng thềm phù sa cổ –
đất xám bạc màu; vùng trũng Hà Tiên; vùng Bảy Núi và vùng đồi thấp An Giang2.
Chế độ thuỷ văn của đồng bằng sông Cửu Long có 3 đặc điểm nổi bật :
 Nước ngọt và lũ lụt vào mùa mưa chuyển tải phù sa, ấu trùng.
 Nước mặn vào mùa khô ở vùng ven biển.
 Nước chua phèn vào mùa mưa ở vùng đất phèn.
Các nhóm đất chính gồm có:
 Đất phù sa sông: tập trung ở vùng trung tâm đồng bằng sông Cửu Long. Chúng có
độ phì nhiêu tự nhiên cao và không có các yếu tố hạn chế nghiêm trọng nào. Nhiều
loại cây trồng có thể canh tác được trên nền đất này.
 Đất phèn: loại đất này được đặc trưng bởi độ axit cao, nồng độ độc tố nhôm tiềm
tàng cao và thiếu lân. Nhóm đất này cũng bao gồm cả các loại đất phèn nhiễm mặn
nặng và trung bình. Các loại đất phèn tập trung tại Đồng Tháp Mười và tứ giác
Long Xuyên, còn các loại đất phèn mặn tập trung tại vùng trung tâm bán đảo Cà
Mau.
 Đất nhiễm mặn: loại đất này chịu ảnh hưởng của nước mặn trong mùa khô. Các
vùng đất này khó có thể được cung cấp nước ngọt.
 Các loại đất khác: gồm đất than bùn (vùng rừng U Minh), đất xám trên vùng phù
sa cổ (cực Bắc của đồng bằng sông Cửu Long) và đất đồi núi (phía Tây – Bắc
đồng bằng sông Cửu Long).

2
Theo Phan Thị Yến Tuyết, Nhà ở, trang phục, ăn uống của các cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, NXB
KHXH, 1993, tr. 10 – 11.

2
Căn cứ vào tình hình địa lý môi sinh không đồng nhất đã đề cập trên, nên hình
thái cư trú của người Khmer và các dân tộc khác trên vùng này cũng hết sức đa dạng.
Có thể quy thành các loại hình cư trú sau3:
 Cư trú trên đất giồng: đây là hình thái cư trú phổ biến nhất và cũng là hình thái cư
trú sớm nhất của người Khmer. Giồng có hai loại: giồng duyên hải và giồng ven
sông. Đất giồng là loại phù sa cổ, trên mặt là đất cát pha thịt, dưới sâu là đất sét, dễ
thoát nước, khô ráo và không bị nhiễm mặn. Nhờ có vị trí cao nổi lên giữa vùng
trũng cho nên những lớp cư dân Khmer đầu tiên đến vùng đồng bằng sông Cửu
Long chọn giồng làm nơi cư trú. Trong quá trình khẩn hoang, dân cư ngày một
đông và để đáp ứng nhu cầu trồng lúa nước, cư dân Khmer đã dần khai phá những
vùng đất trũng xung quanh giồng.
 Cư trú trên đất ruộng: cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, do áp lực của việc tăng
nhanh dân số Khmer và việc đất đai hoang hóa ngày càng ít, những vùng đất tốt
màu mỡ đã khai phá gần hết, người Khmer phải đi xa hơn khai phá những bưng
phèn vùng ngập mặn. Dân số tăng, đất giồng không còn đủ sức chứa nữa, mặt khác
để tiện lợi trong việc gần đất canh tác, người Khmer chuyển xuống đất ruộng. Tuy
cư trú trên đất ruộng, cư dân Khmer vẫn đắp thành những giồng nhân tạo để sinh
sống. Điều này phản ánh tập quán cư trú lâu đời và khả năng sáng tạo để thích ứng
với sự thay đổi của hoàn cảnh sống.
 Cư trú ven theo các kênh, rạch nhỏ: đây cũng là một kiểu cư trú khá phổ biến của
người Khmer giống như người Việt và người Hoa. Xây dựng nhà cửa ven theo các
con kênh tự nhiên là hình thức cư trú khá lâu đời so với loại hình cư trú trên đất
ruộng. Dọc theo hai bờ kênh, các ngôi nhà của người Khmer được xây dựng nối
tiếp nhau, quay mặt ra hướng kênh, rạch trông như nhà của người Việt. Tuy nhiên,
hình thức này mang tính phân tán hơn so với cư trú trên đất giồng.
 Cư trú theo trục lộ giao thông: khác với người Việt và người Hoa, theo truyền
thống, người Khmer không có thói quen cư trú dọc theo các trục lộ giao thông.
Hình thái này là hệ quả của việc mở rộng mạng lưới giao thông đường bộ ở đồng
bằng sông Cửu Long. Lúc đầu, do điều kiện địa lý nên những con đường đầu tiên

3
Theo TS. Nguyễn Khắc Cảnh, “Đôi nét về đặc điểm phân bố cư dân và hình thái cư trú của người Khmer ở
Sóc Trăng”, in trong Tài liệu Hội thảo khoa học Lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Sóc Trăng trước năm
1945, Tỉnh Ủy UBND Sóc Trăng, tháng 12-2000.

3
được thiết lập trên các giồng cát, hoặc nối các giồng đất với nhau, ven các kênh
đào. Vì vậy, những con đường bộ này thường đi ngang qua các phum, sóc của
người Khmer. Tuy cư trú dọc theo các trục lộ giao thông nhưng cư dân Khmer chủ
yếu vẫn làm ruộng, chỉ có một số ít chuyển sang buôn bán hoặc làm các dịch vụ
khác. Điều này lý giải thêm tập quán cư trú của người Khmer vẫn gắn với nông
nghiệp. Hình thức cư trú này thấy rõ nhất ở thị xã Sóc Trăng, Vĩnh Châu.
Trong cấu trúc nhà ở, cư dân Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thể
hiện sự thích ứng với môi trường sống. Phổ biến nhất trong vùng là những ngôi nhà
trệt nền đất được lợp bằng lá dừa nước – loại nguyên liệu tại chỗ, mọc um tùm ven
các sông rạch. Có thể thấy chính môi sinh đã hình thành nên dấu ấn văn hóa Khmer
vùng Nam Bộ khác biệt so với người Khmer ở Campuchia (phổ biến là nhà sàn kiểu
truyền thống).
Về xã hội, trước đây “phum”, “srok” (người Việt gọi là “sóc”) là những đơn vị
cư trú truyền thống của người Khmer. Mỗi phum có nhiều hộ gia đình có quan hệ
huyết thống và quan hệ hôn nhân cùng cư trú. Một phum như vậy được miêu tả “Lập
phum, người ta chọn nơi đất tốt, cao ráo, xác định khuôn viên, trồng tre xung quanh
để làm rào khép kín, quay mặt ra đường cái, có cổng ra vào, bên trong ngăn nắp, nhà
ở theo thứ tự, từng hộ có nơi làm chuồng trâu, bò, heo, nơi chất rơm khô. Phum rộng
còn có chút đất ở phía sau để mỗi hộ có thể trồng trọt chút ít rau, đậu, hành, ớt...”4.
Vài thế kỷ nay, một số phum còn có thể có một vài gia đình không có quan hệ huyết
thống hay có cả gia đình người Kinh, người Hoa cùng cư trú. Mỗi phum đều có tên
gọi riêng, thường gọi theo tên của người sáng lập ra phum. Việc quản lý phum do một
Mê phum đứng ra đảm nhiệm. Mê phum là người có uy tín và thuộc vai lớn trong
dòng họ, là người đại diện cho các thành viên trong phum chăm lo mọi công việc nội
bộ và giao tế bên ngoài.
Một số lượng phum nhất định (khoảng 30 phum) quần tụ xung quanh một ngôi
chùa tạo thành một điểm cư dân lớn hơn gọi là sóc. Thông thường, mỗi sóc có một
ngôi chùa nhưng cũng có khi 2, 3 sóc gần nhau có chung một ngôi chùa. Tên gọi của
sóc thường trùng với tên giồng, có khi gọi theo đặc điểm tự nhiên của vùng đó. Sóc là
đơn vị tự quản dựa trên quan hệ lãnh thổ láng giềng. Việc quản lý sóc giao cho Ban
4
Theo Thạch Voi, “Khái quát về người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long”, in trong Tìm hiểu vốn văn hóa
dân tộc Khmer Nam Bộ, NXB Tổng hợp Hậu Giang, 1988, tr. 22.

4
quản trị sóc, Ban quản trị sóc bầu ra Mê sóc. Mê sóc là người đàn ông lớn tuổi, hiểu
biết rộng về phong tục tập quán và có uy tín trong sóc. Mê sóc và Ban quản trị sóc
thay mặt cho các thành viên trong sóc điều hành những công việc nội bộ và thực hiện
công việc đối ngoại, duy trì mối liên hệ thường xuyên giữa nhà chùa và dân trong sóc.
Ngày nay, tên gọi phum sóc cũng như hệ thống quản lý và điều hành phum sóc
mang tính chất cổ truyền không còn duy trì nữa. Tình hình biệt lập, tự quản như thế
chỉ kéo dài cho đến khi triều đình phong kiến nhà Nguyễn thiết lập hệ thống hành
chính chính quyền. Ban quản trị sóc, Mê sóc, Mê phum đã thay thế bằng các nhân
viên trong bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, trong tâm thức mỗi
người dân Khmer, phum sóc vẫn tồn tại. Nơi ấy họ được sinh ra, lớn lên, trưởng thành
rồi trở về với tổ tiên. Vì thế để tìm hiểu cội nguồn văn hóa một dân tộc, điều cốt yếu là
phải lưu tâm đến khung văn hóa chứ không thể áp đặt một kiểu mẫu văn hóa khác lên
nó.

1.1.2. Lược sử quá trình hình thành cộng đồng người Khmer ở Nam
Bộ
Việc nghiên cứu về vấn đề dân cư và dân tộc vùng Nam Bộ đã được chú trọng
từ khá sớm. Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các học giả phương Tây như
G. Coedes, P. Pelliot, L. Malleret dựa trên thư tịch cổ Trung Hoa đã giới thiệu sơ lược
về lịch sử hình thành vùng đất Nam Bộ và cư dân trên mảnh đất ấy. Lịch sử vùng đất
Nam Bộ gắn liền với lịch sử nhà nước Phù Nam cổ đại.
Vùng đất trù phú Nam Bộ của Việt Nam ngày nay từ khu vực Ðồng Nai đến Hà
Tiên xưa thuộc vương quốc Phù Nam. Theo sử Trung Hoa, Phù Nam (Founan) là tên
phiên âm tiếng Hán của từ Phnom có nghĩa là núi. Vương quốc Phù Nam là vương
quốc đầu tiên hình thành tại Ðông Nam Châu Á, tồn tại từ đầu thế kỷ thứ I đến thế kỷ
thứ VI sau Công nguyên. Qua nguồn tài liệu khảo cổ học và sử học, chúng ta có thể
khẳng định rằng xã hội văn minh đã hiện hữu tại vùng đất này rất lâu trước khi vương
quốc được thành lập. Cư dân Phù Nam cổ còn là chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo –
kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa văn hóa Đồng Nai bản địa và văn hóa Ấn
Độ cổ. Nối tiếp sau vương quốc Phù Nam là Chân Lạp (Chenla). Ban đầu, Chân Lạp
là nước chư hầu của Phù Nam. Vào thế kỷ thứ VI sau Công nguyên, Chân Lạp thoát

5
khỏi sự phụ thuộc của Phù Nam, tấn công Phù Nam và cuối cùng thống trị được
vương quốc này. Năm 707, nhà nước Chân Lạp phân thành hai quốc gia là Lục Chân
Lạp (gồm vùng đất đai thuộc Phù Nam cũ) và Thủy Chân Lạp (là vùng đất mới vừa
chiếm đóng được)5. Cũng trong thời gian này, nạn ngập lụt triền miên và phù sa vùng
đồng bằng sông Cửu Long đã làm hoang phế rồi vùi lấp nền văn hóa rực rỡ Óc Eo.
Nhiều thế kỷ kế tiếp, vùng đất Nam Bộ rơi vào tình trạng bỏ hoang (theo những mô tả
trong Chân Lạp phong thổ ký của Châu Đạt Quan).
Đến thế kỷ thứ X, biển rút dần, những giồng đất lớn nổi lên ở vùng Sóc Trăng,
Trà Cú, Đồng Tháp Mười, Giồng Riềng... biến vùng này thành vùng đất đai màu mỡ.
Từ thế kỷ XII, những người nông dân Khmer nghèo chống lại sự bóc lột hà khắc, nạn
lao dịch của vua chúa và giai cấp phong kiến triều đại Angkor đã di cư đến vùng đất
trên ngày một đông. Tại đây, họ chiếm cứ những giồng cát lớn, tổ chức thành những
cụm cư trú tập trung theo mối quan hệ dòng họ và gia đình. Tập quán cư trú này tác
động sâu sắc tới khía cạnh tâm lý xã hội của người Khmer cho đến ngày nay dù không
gian cư trú đã hoàn toàn biến đổi.
Đến thế kỷ XV trở đi, khi đế chế Angkor sụp đổ, người dân Khmer lại rơi vào
cảnh đói nghèo và bị đàn áp nặng nề bởi phong kiến ngoại tộc Thái Lan. Trước những
biến cố lịch sử ấy, người Khmer tìm cách di cư tới vùng đồng bằng sông Cửu Long6.
Cũng như việc tìm hiểu về sự hình thành cộng đồng người Khmer ở đồng bằng
sông Cửu Long, nghiên cứu về nhân chủng cư dân nơi đây vẫn còn chứa đựng nhiều
uẩn khúc của lịch sử. Theo GS. Lương Ninh đúc kết lại từ kết quả ngành khảo cổ và
tài liệu thư tịch thì có thể nói rằng không có một tộc Khmer riêng ngay từ đầu. Một bộ
lạc Môn cổ ở hạ lưu Sê Mun thuộc nhóm Môn Trung du đã phát triển và lập nước.
Tiếng Môn và Khmer thuộc cùng một ngữ hệ mà cả hai vốn phát sinh từ một nguồn và
về mặt nhân chủng thì giữa người Khmer với người Penong (dân miền núi bản địa,
hậu duệ của người Môn cổ) hầu như không có sự khác nhau. Họ là cư dân cổ bản địa,
sống ở vùng trung tâm Đông Dương, bắt nguồn từ những dạng Vêdôit cổ tiến triển
dần thành Nam Á. Quá trình “Nam Á hóa” ở người Khmer cổ diễn ra nhanh hơn

5
Theo Mạc Đường, “Vấn đề dân cư và dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời cổ đại”, Tạp chí Dân tộc
học số 4 -1981, tr. 6 – 9.
6
Theo Nguyễn Khắc Cảnh, “Sự hình thành người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long” in trong Văn hóa
Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á, NXB ĐH Quốc gia Tp. HCM, 2000, tr. 218 – 219.

6
những người Penong còn lại7. Nếu so về tộc người, thì cư dân Phù Nam thuộc nhóm
Nam Đảo còn người Khmer thuộc nhóm Nam Á. Về hình thái nhân chủng, người
Khmer Nam Bộ được mô tả thuộc loại tầm vóc cao (nam: 162,4 cm – nữ: 152,3 cm),
da ngăm đen, tóc uốn,... So với người Khmer Campuchia thì người Khmer Nam Bộ ít
nhiều cao hơn, nhưng kích thước hộp sọ có khuynh hướng giảm, nhất là về ngang sọ,
kết quả là dạng đầu dài hơn, phần mặt cũng giảm kích thước, nhất là bề rộng mặt,
cánh mũi hẹp hơn khiến chỉ số mũi thấp hơn, tóc ít uốn hơn, tần suất khe mắt xếch
nhiều hơn nhưng nếp mí góc thì không phát triển bằng... Sự phân ly trên là do quan hệ
huyết thống giữa họ với cư dân láng giềng – đã từng tồn tại một giai đoạn lịch sử khi
cư dân Phù Nam (với loại hình Anhđônêdiên đầu dài) tham gia vào quá trình cấu tạo
thể chất người Khmer Nam Bộ (làm cho họ có dạng sọ bớt tròn hơn). Sau này, sự tiếp
xúc với người Việt, người Chăm đã thúc đẩy thêm tiến trình phân ly này8.
Những phác họa trên cung cấp cho chúng ta những điểm mấu chốt khi tìm hiểu
về cội nguồn lịch sử văn hóa Khmer Nam Bộ, vẫn còn những thách thức tiếp tục chờ
giải đáp của nhiều ngành khoa học lịch sử.
Tóm lại, về đại thể, khoảng cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, ở đồng bằng sông
Cửu Long hình thành 3 vùng dân cư tập trung của người Khmer như sau9:
 Vùng Trà Vinh: là một trong những vùng cư trú cổ xưa nhất của người
Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long (đặc biệt ở huyện Trà Cú). Nơi đây còn
bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa truyền thống thể hiện qua các chùa Âng (gần
Ao Bà Om, TX. Trà Vinh), chùa Samrong Ek (TX. Trà Vinh)...
 Vùng ven biển Sóc Trăng – Bạc Liêu: là vùng cư trú ven biển của người
Khmer, nổi bật lên yếu tố hòa hợp văn hóa – nhân chủng của ba dân tộc
Việt, Hoa, Khmer.
 Vùng ven biên giới Châu Đốc, Tri Tôn, Hà Tiên: là vùng mang tính chất
trung gian giữa người Khmer đồng bằng sông Cửu Long và người Khmer
Campuchia.

7
Theo GS. Lương Ninh, Vương quốc Phù Nam – Lịch sử và văn hóa, Viện Văn hóa và NXB Văn hóa Thông tin,
2005, tr. 179.
8
Xem thêm Nguyễn Đình Khoa, “Loại hình nhân chủng và nguồn gốc lịch sử người Khmer Nam Bộ”, Tạp chí
Dân tộc học, số 4-1981.
9
Theo Đinh Văn Liên, “Về dân số và phân bố dân cư Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long”, Tài liệu đánh máy
lưu trữ tại Thư viện tỉnh Trà Vinh gồm 15 trang.

7
Hơn nữa, cho đến thế kỷ XVII thì người Khmer vẫn là thành phần cư dân duy
nhất tồn tại ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ sống khu biệt, độc lập và không có quan
hệ hành chính với bất kỳ một quốc gia nào10.
Nhìn chung, người Khmer Nam Bộ và người Khmer Campuchia vốn cùng
nguồn gốc, tiếng nói, tôn giáo, gần gũi nhau về đặc trưng văn hóa tộc người. Tuy
nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, người Khmer Nam Bộ sống tách biệt với đồng tộc ở
Campuchia nên hình thành những đặc điểm riêng về cư trú, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đặc biệt, khi triều đình nhà Nguyễn thiết lập bộ máy cai trị ở đây vào năm 1698 11 thì
cư dân Khmer Nam Bộ đã chính thức trở thành một bộ phận trong cộng đồng các dân
tộc Việt Nam. Trong ý thức dân tộc thì giữa người Khmer ở Campuchia và người
Khmer Nam Bộ có sự phân biệt. Người Khmer sinh sống tại Campuchia thường dùng
cụm từ "Khmer Krom" hay "Kampuchia Krom" để chỉ những người Khmer đang sinh
sống ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông (tức vùng đồng bằng sông Cửu Long) nhằm
khắc sâu sự khác biệt về tộc người12.
Trước đây, người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long không có họ tên một
cách rõ ràng, thường dùng tên của người cha làm họ cho người con và cứ thế duy trì
việc đặt tên này qua nhiều thế hệ, ví dụ: Cha tên là “Bopha – Méas”, sau này con tên
là “Méas – Barey” và cháu được đặt tên “Barey – Chantrea”. Kể từ khi triều đình nhà
Nguyễn thiết lập sự kiểm soát vùng đất này, nhằm tiện cho việc thống kê, vua Gia
Long đã đặt cho người Khmer có 5 nhánh họ: Kim, Kiên, Thạch, Sơn, Danh. Những
họ trên đã được người Khmer gìn giữ đến ngày nay và sau này người Khmer Nam Bộ
còn có thêm họ Châu (có nguồn gốc từ họ Chau bên Campuchia)13.

10
Xem thêm Mạc Đường, “Quá trình phát triển dân cư và dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ XV -
XIX”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3-1982.
11
Năm 1698 chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) sai Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh
lược mấy tỉnh miền Nam. Lễ Thành Hầu chia cắt giới phận, canh cải địa điền, kiểm kê nhân khẩu, lập sổ đinh
điền cho có nề nếp.
12
Xin nói thêm:
Người Khmer tại Campuchia được chia thành 3 nhóm lớn:
1. Nhóm Khmer Kandal (Khmer giữa): là nhóm chính chiếm đa số khoảng 85% dân số Khmer ở
Campuchia.
2. Nhóm Khmer Leu (Khmer thượng): chỉ dân tộc thiểu số vùng cao.
3. Nhóm Khmer Krom (Khmer hạ): là dân tộc Khmer sinh sống tại các tỉnh Nam Bộ Việt Nam.
“Krom” là một giới từ chỉ vị trí chứ không bao hàm ý nghĩa nào khác. Tuy nhiên, một số người Khmer ở
Campuchia dùng từ “Krom” với ý nghĩa khinh miệt, tạo khoảng cách khác biệt với người Khmer Nam Bộ.
Những tổ chức chính trị phản động còn lợi dụng từ ngữ này gây chia rẽ đoàn kết dân tộc.
13
Xem thêm Lê Hương, Người Việt gốc Miên, Trí Đăng xuất bản, 1969.

8
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thì trong sổ bộ triều đình,
người Khmer gồm những họ sau: Hoa, Đôn, Thạch, Cần, Tầm, Hòa, Sơn, Giáp, Nam,
Tham, Sa, Ngãi, Trà, Trác, Côn, Lộc, Thuận, Nhượng, Mậu, Dương14.
Như vậy, bức tranh văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam ngày thêm đa
dạng khi chính thức tiếp nhận một mảng màu văn hóa mới do cư dân Khmer Nam Bộ
tô vẽ. Tìm hiểu cái hay, cái đẹp của từng mảng màu để cho nó hòa hợp, thống nhất với
bố cục chung là nhiệm vụ của tất cả chúng ta, của tất cả các ngành khoa học.

Bản đồ Tình hình phân bố dân cư và dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long và Nam Đông Dương
Nguồn: Mạc Đường, “Vấn đề dân cư và dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời cổ đại”,
Tạp chí Dân tộc học số 4 -1981, tr. 9

14
Xem thêm Nguyễn Đình Đầu, Tổng kết nghiên cứu địa bạ: Nam Kỳ Lục Tỉnh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh,
1994.

9
1.1.3. Sự giao lưu văn hóa
Vùng đồng bằng sông Cửu Long với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng là cửa ngõ
thông thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giữa phần lục địa và hải đảo
nên ngay từ sớm đã trở thành nơi gặp gỡ của những nền văn hóa cổ rực rỡ, và là nơi
sinh tụ, thiên di của nhiều tộc người trong lịch sử. Trên mảnh đất ấy, các dân tộc
Khmer, Việt, Hoa, Chăm đã cùng cư trú bên nhau, khai khẩn đất đai, xây dựng làng
xóm cộng đồng và phát triển vốn văn hóa của mình.
Chúng ta đã biết, mãi đến thế kỷ XVII thì người Khmer vẫn là thành phần cư
dân duy nhất khai thác và sinh sống trên đồng bằng sông Cửu Long này. Từ thế kỷ
XVII trở đi, những lớp cư dân người Việt từ vùng Quảng Ngãi – Trung Bộ đã di cư
đến đây. Họ là những người nghèo bị đàn áp, bóc lột bởi chế độ phong kiến, chịu
những hy sinh, mất mát phục vụ cho cuộc tranh chấp Đàng Trong – Đàng Ngoài. Sự
kiện giúp họ ở lại đất Nam Bộ là vào năm 1620, vua Chân Lạp là Chey Chetta II xin
cưới công chúa Ngọc Vạn, con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635). Cuộc
hôn nhân này đã giúp cư dân hai nước qua lại dễ dàng hơn. Cùng với người Khmer,
người Việt đã biến vùng đất sình lầy hoang vu thành những mảnh đất màu mỡ, những
đồng lúa tốt tươi. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) cử Nguyễn Hữu
Cảnh vào Nam kinh lược. Ông đã thành lập phủ huyện, chia cắt xã thôn phường ấp,
quy định việc khai khẩn đất hoang, lập sổ bộ đinh điền, ban bố việc đóng thuế đinh,
thuế điền... Như vậy, thời kỳ lưu dân tự phát và tự quản đến đây xem như chấm dứt.
Với các chính sách của triều Nguyễn, cuộc Nam tiến của người Việt đến năm 1757
mới hoàn tất15.
Người Hoa đến vùng đất Nam Bộ qua hai đợt lớn. Đợt một là vào năm 1644,
khi triều đình Mãn Thanh trị vì đất nước Trung Hoa. Một số sĩ phu, di thần nhà Minh
không chịu “cắt tóc cột đuôi sam” đã lui về ở ẩn hoặc trốn chạy sang nước khác.
Trong số này có Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình
vượt biển tới Nam Bộ xin chúa Nguyễn Phúc Tần cho cư trú. Nhóm người Hoa trên
đã cùng sinh sống bên cạnh người Việt ở Mỹ Tho và Đồng Nai. Tuy nhiên, do không

15
Năm 1757, vua Chân Lạp là Nặc Ông Nguyên băng hà, dòng họ vua Chân Lạp tranh nhau làm vua. Mạc
Thiên Tứ giúp cho Nặc Ông Tôn làm vua nên được tặng Tầm Phong Lâm (Meat Chruk) tức Châu Ðốc và Sa
Ðéc. Nội chiến vẫn không dứt, các vua Chân Lạp lại sang triều Nguyễn dâng đất cầu cứu. Thế là Nặc Ông
Thuận (Thommo Réchea) hiến Sóc Trăng, Bạc Liêu. Nặc Ông Tôn (Ang Tong) hiến hết đất từ núi Thất Sơn, Sa
Ðéc, Kiên Giang và Long Xuyên về sau đều thuộc chủ quyền chúa Nguyễn.

10
quen với việc làm nông nên đa số lập chợ để buôn bán. Đợt hai vào khoảng năm 1681,
những cư dân miền Nam Trung Hoa vùng Quảng Đông, Phúc Kiến tránh sự đàn áp
của triều đình, đã xin theo Mạc Cửu (một thương gia người Quảng Đông thường
xuyên buôn bán tới lui khắp vùng Java, Đại Việt, Chămpa, Chân Lạp) trốn chạy đến
Nam Bộ. Năm 1715, Mạc Cửu quy phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn chấp thuận và
phong cho Mạc Cửu cai quản một vùng đất rộng lớn từ Hà Tiên đến Cà Mau, riêng
Kampot và Kompong Som sau này được vua Thiệu Trị trả lại cho Chân Lạp (1847)16.
Với những chính sách mềm dẻo mà các vua chúa triều Nguyễn áp dụng đã tạo điều
kiện cho người Hoa định cư tại châu thổ Cửu Long và hội nhập vào cộng đồng các
dân tộc Việt Nam.
Người Chăm ở đồng bằng sông Cửu Long là bộ phận người Chăm theo Hồi
giáo. Do những biến động lịch sử họ đã di cư đến Thái Lan, Campuchia vào thế kỷ
XVII – XVIII và sau đó khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX phần lớn bộ phận
trên lại quay lại và định cư ở vùng Châu Đốc rồi lan dần ra các vùng khác của Nam
Bộ.
Quá trình cộng cư trong hơn 3 thế kỷ qua của các dân tộc Việt, Khmer, Hoa,
Chăm trên vùng châu thổ này tất yếu tạo nên sự giao lưu tiếp biến văn hóa, rồi dần
hình thành một diện mạo văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long mang tính đa dạng
phong phú gắn với đặc trưng văn hóa từng dân tộc.
Sự giao lưu tiếp biến văn hóa ấy chính là sự vận động thường xuyên của xã
hội, gắn bó với tiến hóa xã hội và cũng gắn bó với sự phát triển của văn hóa, là sự vận
động thường xuyên của văn hóa. Nó vừa là kết quả của sự trao đổi văn hóa, vừa là
chính bản thân của sự trao đổi ấy, do đó giao lưu tiếp biến văn hóa có một tầm quan
trọng trong lịch sử nhân loại vì chính quá trình này là động lực thúc đẩy sự phát triển,
đổi mới của lịch sử. Như vậy, giao lưu tiếp biến văn hóa là quy luật của xã hội, là quy
luật tất yếu của văn hóa tộc người.
Trong giao lưu tiếp biến văn hóa có sự tác động biện chứng giữa các yếu tố nội
sinh và ngoại sinh của quá trình phát triển. Yếu tố nội sinh chính là yếu tố văn hóa
được hình thành từ nền văn hóa bản địa, có một quá trình lâu dài, liên tục bổ sung và
phát triển, có đặc trưng riêng và đóng vai trò quyết định trong tiến trình phát triển của
16
Xem thêm Trần Văn Bổn, Phong tục và nghi lễ vòng đời người Khmer Nam Bộ, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội,
2002.

11
một nền văn hóa. Còn yếu tố ngoại sinh là những yếu tố văn hóa của một nền văn hóa
khác từ bên ngoài đã được lựa chọn một cách có ý thức hoặc không có ý thức trong
quá trình giao lưu tiếp biến với các yếu tố của văn hóa nội sinh. Và kết quả của quá
trình này có thể diễn ra như sau:
Thứ nhất, nếu nền văn hóa nội sinh không đủ mạnh trong quá trình tương tác sẽ
bị yếu tố văn hóa ngoại sinh lấn át, chi phối và có thể làm triệt tiêu.
Thứ hai, nếu yếu tố nội sinh đủ mạnh (có đủ nội lực) thì nó sẽ tiếp nhận những
yếu tố ngoại sinh thích hợp một cách có ý thức để làm giàu thêm nền văn hóa nội
sinh.
Kết quả thứ ba đem lại kết quả mỹ mãn nhất khi mà sự gặp gỡ giữa yếu tố nội
sinh và ngoại sinh thích hợp nhau, từ đó sẽ dẫn đến hiện tượng cộng sinh văn hóa
nghĩa là các nền văn hóa bổ sung cho nhau để làm giàu thêm, phong phú thêm nền
văn hóa của riêng mình.
Đối với cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, có thể quan sát sự giao lưu
văn hóa trên những phương diện sau:
Về phương diện kinh tế, người Khmer và người Việt đều có những hình thái
kinh tế nông nghiệp lúa nước, cùng có chung một địa bàn địa lý tự nhiên, cùng nhau
chia sẻ những kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác. Người Khmer, từ rất sớm đã nắm
chắc việc trị thủy và sử dụng các phương thức thủy lợi cổ trong thiên nhiên như đào
ao hứng nước trời, xẻ rạch xổ phèn... Người Việt với truyền thống trồng lúa nước lâu
đời ở đồng bằng sông Hồng đã phá rừng ngăn biển, đào kênh, nhân rộng những giống
lúa tốt ra khắp vùng Nam Bộ... Cư dân Chăm với truyền thống đi biển và đánh bắt cá
ven biển Trung Bộ đã thích nghi với thủy lượng các con sông Tiền, sông Hậu. Người
Hoa có kinh nghiệm làm vườn, làm rẫy và lưu thông phân phối nông sản, thường cư
trú thành từng tụ điểm cho thuận tiện việc trao đổi, buôn bán... Tất cả đã bổ sung cho
nhau nhằm khai thác triệt để và tốt nhất tiềm năng thiên nhiên. Nhờ có hệ thống các
kênh rạch tự nhiên, nhân tạo chằng chịt trong vùng, tạo thành một mạng lưới giao
thông đường thủy rất tiện dụng cho các loại thuyền bè, ghe xuồng đặc trưng vùng
sông nước Nam Bộ.
Về văn hóa vật chất, chúng ta càng nhận thấy sự giao lưu văn hóa rõ nét hơn.
Chẳng hạn chiếc khăn Krama của người Khmer đã được người Việt "bản địa hóa"

12
thành chiếc khăn rằn đặc trưng cho dân cư Việt Nam sinh sống tại đồng bằng Nam Bộ.
Những nông cụ thông dụng như chiếc nóp, chiếc phảng (dụng cụ phát cỏ), chiếc cà
ràng (một loại bếp lò), cà om (bình đựng nước) của người Khmer được người Việt sử
dụng phổ biến. Một số món ăn của người Khmer cũng được người Việt cải tiến, điều
chỉnh cho phù hợp như canh chua (somlo mochu), bún nước lèo, bún mắm... Những
món như cà ri dê, cà ri gà là từ người Chăm Hồi giáo... Những món nấu bằng lẩu, mì
xào, hũ tiếu xào, cơm chiên Dương Châu là sự tiếp thu từ người Hoa...
Trong cách ăn mặc, cách nay khoảng nửa thế kỷ, y phục thường ngày của
người Khmer đồng bằng sông Cửu Long là áo dài "tampong" (còn gọi là áo "srây" hay
áo "quện") mặc với "sampot" dài tới gót chân, giắt mối bên hông. Áo tampong (có nơi
gọi là áo tầm vông) là một loại áo dài đen may bít, không xẻ và không cài nút ở thân,
ở cổ áo có khoét một lỗ tròn đủ để choàng qua đầu khi mặc sau đó cài một nút ngay cổ
áo. Trong quá trình cộng cư, người Khmer đã ảnh hưởng và thích nghi cách ăn mặc
của người Việt. Do đó áo tampong chỉ còn thấy ở người phụ nữ Khmer lớn tuổi trong
các dịp lễ hội truyền thống nhưng không đi đôi với chiếc sampot mà thay bằng quần
dài đen như phụ nữ Việt.
Đặc biệt, bộ quần áo có tên gọi “bà ba” là dạng y phục phổ biến, đặc trưng cho
cư dân vùng Nam Bộ. Có người cho rằng, bộ “bà ba” vốn phỏng theo kiểu y phục của
người “Baba” – một nhóm người Hoa sống trên đảo Pinang thuộc Malaysia ngày nay.
Bộ “bà ba” thì cả nam lẫn nữ đều mặc được, nó thường đi đôi với chiếc khăn rằn, đã
trở thành trang phục gắn bó mật thiết với cuộc sống cư dân Nam Bộ kể cả người Việt,
Khmer hay Chăm.
Về đồ uống thì có điều khá lý thú là người Khmer rất thích đồ uống có vị ngọt
đậm. Họ thường uống nước thốt nốt, nước mía… ngày nay người Khmer đã tiếp thu
các loại nước giải khát như nước ngọt sá xị, si rô và được dùng rộng rãi nhất là trà đá
đường.
Về kiến trúc nhà ở, trước đây cư dân Khmer cư trú trên những ngôi nhà sàn
(nhà cao cẳng), phía dưới sàn là nơi để thóc gạo, các công cụ... trải qua quá trình tiếp
xúc lâu dài, trao đổi văn hóa với người Việt nên hiện nay, hầu hết nhà ở của người
Khmer đều là nhà đất lợp bằng lá dừa nước. Ngôi nhà sàn hiện chỉ còn lưu lại nét tàn
dư trong khuôn viên các ngôi chùa.

13
Yếu tố quan trọng có thể dẫn đến nguy cơ "diệt tộc" văn hóa là khi ngôn ngữ
bản địa của một dân tộc bị mất đi. Tuy nhiên, với chính sách bảo tồn và phát huy
những nét văn hóa dân tộc, nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo lưu ngôn ngữ cho
con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ đều
có trường dạy song ngữ Việt – Khmer. Hơn thế nữa, đại đa số cư dân vùng đồng bằng
sông Cửu Long nơi sống quần cư của các đồng bào Việt, Khmer, Hoa đều có thể sử
dụng nhiều ngôn ngữ trong sinh hoạt thường ngày.
Về văn hóa tín ngưỡng, người Khmer đã tiếp thu một số phong tục tập quán
của người Việt và Hoa, ví dụ như trước đây, việc thờ cúng ông bà của người Khmer
chủ yếu diễn ra tập trung ở các chùa mà thôi, nhưng ngày nay, người Khmer cũng lập
bàn thờ tại nhà. Chúng ta còn có thể thấy tượng Quan Công, Quan Âm Bồ Tát trên
bàn thờ của người Khmer. Ở nhiều nơi, còn thấy bên ngoài trước nền nhà cũng có bàn
Thiên hoặc trong nhà còn có bàn thờ cho ông Thần Tài.
Đối với tập tục tang ma, người Khmer hầu hết theo Phật giáo Nam tông nên
chủ yếu là hỏa táng, sau đó gởi tro cốt vào các tháp trong chùa còn người Việt và
người Hoa thường mai táng, tuy vậy chúng ta vẫn thấy có sự ảnh hưởng nhau như
tang ma của người Việt cũng có nơi hỏa táng hoặc người Khmer cũng có thể mai táng
khi có người chết tùy từng vùng... Trước đây, người Khmer không làm cúng giỗ người
quá cố nhưng hiện nay, tại một số địa phương, người Khmer mặc dù đã gửi tro cốt
người mất trong chùa nhưng vẫn cúng hàng năm (gọi là giỗ quay lại – sen khuôp), đây
cũng là yếu tố tiếp thu từ người Việt.
Trong những dịp lễ hội thì ở các dân tộc đều vui chung, đặc biệt là hai cái tết
lớn: Tết Nguyên đán và Chol Chonam Thmay. Họ cùng nhau đi viếng chùa, thăm mộ
tổ tiên, tham dự hội hè và thăm hỏi chúc tụng nhau.
Những dịp hội lễ như vậy, điệu múa Lâm Thôn đã trở thành một nét sinh hoạt
tinh thần không thể thiếu không chỉ của người Khmer mà của cả người Việt. Múa Lâm
Thôn có nghĩa là "múa vòng". Giữa cuộc vui, tiếng nhạc nổi lên rộn rã, thế là tất cả
mọi người có mặt đều lần lượt bước ra vòng múa. Người con trai chủ động mời bạn
gái nào đó múa cùng với mình. Trong múa đôi, động tác múa chính của nữ là hai bàn
tay lượn đuổi nhau và guộn tròn trước ngực kín đáo, còn động tác múa của nam thì

14
khỏe hơn để bao lấy nữ và bước đuổi theo. Những dịp này, người Việt tham gia và
múa cũng chẳng kém gì người Khmer.
Bên cạnh đó, kịch hát Dù kê là nét văn hóa độc đáo của người Khmer Nam Bộ.
Ra đời sau cải lương không bao lâu, Dù kê tiếp thu và ảnh hưởng từ cải lương người
Việt đến Hồ Quảng người Hoa rồi đến cả nghệ thuật dân gian Khmer nên rất được cư
dân Khmer ưa chuộng (còn gọi là Lakhol Bassac). Ngoài những tuồng tích xuất phát
từ anh hùng ca của Ấn Độ Ramayana, Dù kê còn tiếp nhận nội dung từ một vài tích
dân gian Việt Nam như: Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh Lý Thông, Tấm Cám... có
cả những “tuồng Tiều” như Tiết Đinh San, Phàn Lê Huê, Đắc Kỷ Trụ Vương, Tam
Tạng thỉnh kinh... Có thể nói, Dù kê đã là một phần không thể thiếu trong đời sống và
nó phản ánh tâm hồn người dân Khmer.
Trong quan hệ xã hội, thể hiện qua tục ngữ thì giữa người Khmer và người Việt
có nhiều điểm tương đồng. Ví dụ người Việt có câu "một con sâu làm rầu nồi canh"
thì người Khmer có câu "cá một giỏ, một con ươn thì ươn hết" hay như câu khuyên
người ta nên đề phòng những lời nói ngọt ngào đầu môi của người Việt là "Miệng
nam mô, bụng bồ dao găm" thì người Khmer nói là "Bụng ông Têvotót, miệng ông
Têvoda"… Hơn thế nữa, những cuộc hôn nhân giữa người Khmer – Việt, Khmer –
Hoa ngày càng thắt chặt hơn nữa sợi dây giao lưu văn hóa của từng tộc người trên
vùng đất Nam Bộ này.
Tóm lại, chúng ta thấy sự giao lưu ở đây diễn ra một cách hoàn toàn tự nguyện,
sâu sắc và toàn diện và tích cực. Mỗi dân tộc đều duy trì và lưu giữ những đặc trưng
riêng và tiếp thu có chọn lọc nhằm làm giàu thêm chất văn hóa của dân tộc mình. Hầu
hết các yếu tố nội sinh đều giữ vai trò chủ thể, định hướng mối quan hệ với các yếu tố
ngoại sinh.
Như vậy, trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, sự đón nhận và chọn lọc
các yếu tố ngoại sinh là luôn luôn cần thiết bởi nếu một nền văn hóa khép kín, ít giao
lưu sẽ trở nên trì trệ và kém phát triển, thậm chí dẫn đến thoái hóa. Dân tộc Khmer
Nam Bộ đang từng ngày sát cánh cùng các dân tộc Việt, Hoa, Chăm tiếp thu, chọn lọc
và bảo tồn bản sắc văn hóa riêng bên cạnh việc xây dựng phát triển cộng đồng phù
hợp với xu thế của thời đại.

15
1.1.4. Loại hình văn hóa
Cùng mang những đặc điểm chung của hầu hết cư dân Đông Nam Á, khu vực
được mệnh danh là chiếc nôi của nền văn minh lúa nước, đời sống của cư dân Khmer
Nam Bộ chủ yếu dựa trên việc canh tác cây lúa. Kết quả khai quật tầng văn hóa cổ
còn cho thấy nghề trồng lúa nước đã tồn tại cùng với nền văn hóa Óc Eo. Cây lúa gắn
chặt với đời sống cư dân Khmer ngay từ buổi đầu khai hoang, dựng nhà trên vùng đất
này. Truyền thuyết dân gian Khmer kể rằng xưa kia lúa mọc quanh năm không phải
cấy trồng, và lúa cũng không có vỏ. Nhưng do lòng mong ước ngày càng nhiều của
con người, nên lúa cũng biến đổi. Từ khi con người biết che đậy thân thể của mình thì
lúa cũng bắt đầu có vỏ và khi con người ham muốn có nhiều lúa thì lúa không còn
mọc hoang nữa. Còn có truyện Cây lúa được kể như sau: Xưa kia con người không
phải gặt lúa đem vào bồ, lúa tự bay vào, nhưng một hôm khi đang bay lúa bị một
người phụ nữ đánh bằng đòn gánh. Lúa vỡ ra và chui vào một khe núi nơi con người
không thể vào được. Chỉ có một con cá thác lác (slát) vì lòng thương người bị chết
đói, đã chen vào hốc núi tìm Nữ thần Lúa cầu xin cứu giúp loài người đang bị nạn đói
đe dọa. Thần Lúa chấp nhận nhưng điều kiện đưa ra là từ đó lúa sẽ không còn mọc
hoang và tự bay vào bồ nữa mà con người phải gieo gặt mới có cái ăn17.
Ngoài việc trồng lúa, cư dân Khmer còn có truyền thống trồng rẫy (chămka –

cMkar) từ lâu đời. Trên những giồng đất cao thích hợp làm rẫy ấy người Khmer
trồng các loại hoa màu như bầu, bí, mướp, đậu...
Do có mặt đầu tiên tại vùng châu thổ Cửu Long này, cư dân Khmer đã thật nỗ
lực vượt qua những thử thách khắc nghiệt, đẩy lùi thiên nhiên đầy bất trắc, đối phó
với thú dữ và bệnh tật... Với quan niệm sống hòa hợp với tự nhiên nên ngoài tín
ngưỡng thờ lúa còn có nhiều tín ngưỡng khác như tục thờ đá; thờ tôtem gồm những
linh vật như rắn, rồng, chim thần; thờ những vị thần bảo hộ phum sóc như Arak,
Neakta... Có thể thấy đây là hệ quả xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước của những
cư dân gốc nông nghiệp điển hình. Cũng như thế, do điều kiện sống và sinh hoạt quy
định, cư dân Khmer luôn đề cao tính cộng đồng, tập thể (sống quần tụ theo phum, sóc)
bởi lẽ chỉ có đoàn kết và tập trung, họ mới vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

17
Xem thêm Nguyễn Xuân Nghĩa, “Lễ hội nông nghiệp cổ truyền ở người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu
Long”, Văn hóa Dân gian số 4 – 1987, tr. 63 – 69.

16
Nghiên cứu nền văn hóa Khmer, chúng ta nhận diện ngay sự ảnh hưởng khá rõ
của lớp văn hóa Ấn Độ. Vương quốc Phù Nam trong lịch sử là quốc gia kiểm soát con
đường giao thương trên biển lẫn trên bộ giữa Ấn Độ và Trung Quốc xuyên ngang khu
vực Đông Nam Á. Mà trung tâm của vương quốc này lại tương ứng với vùng đồng
bằng Nam Bộ Việt Nam và vùng Đông Nam Campuchia. Do nhu cầu thông thương để
trao đổi hương liệu, gia vị... các thương nhân Ấn Độ đã tìm đến vùng Đông Nam Á.
Hành trình ấy về sau còn có sự xuất hiện của những tu sĩ Bà la môn để rồi nền văn hóa
Ấn Độ đã bén rễ và hòa quyện cùng với tín ngưỡng bản địa. Sự du nhập tín ngưỡng
Bà la môn vào xã hội Khmer đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu từ thế kỷ XIII trở về
trước, khi mà nền văn hóa bản địa còn chưa định hình và phát triển, do thế nó đã góp
phần hình thành những tập tục theo giáo lý Prem (người Khmer còn gọi là đạo Rôm
mênh). Những tập kinh điển Bà la môn chủ yếu viết bằng chữ Sankrit và được truyền
dạy chủ yếu cho tầng lớp quý tộc, quan lại. Ở Ấn Độ, Bà la môn giáo là hình thức tín
ngưỡng đa thần nhưng khi du nhập xuống đây, người Khmer đã thế tục hóa tín
ngưỡng này chỉ còn thờ những vị thần tiêu biểu như:
 Thần Prum (Brahma): là vị thần có bốn mặt tượng trưng cho sự sáng tạo thế
gian.
 Thần Shiva: tượng trưng cho sự hủy diệt (người Khmer gọi là Eyso).
 Thần Vishnu: là thần cứu giúp thế gian, bảo tồn vạn vật (người Khmer gọi
là Neareay).
Ngày nay, tôn giáo này không còn tồn tại trên thực tế nữa, chỉ hiện diện những
tàn dư có thể thấy được trong khuôn viên các ngôi chùa như bệ thờ linga, yoni. Cùng
tồn tại song song với Bà la môn giáo còn có Phật giáo, ở cả hai hệ phái Bắc tông và
Nam tông. Đến thế kỷ XIII, do những biến động lịch sử xã hội, chiến tranh loạn lạc
liên tiếp, đời sống nhân dân cơ cực, đạo Bà la môn với những giáo lý khắt khe, phân
biệt đẳng cấp đã trở nên không còn phù hợp nữa, cư dân Khmer biết đến triết lý hiền
hòa, nhân văn của đạo Phật và đã tiếp nhận vào trong đời sống của mình. Tuy vậy,
Phật giáo Bắc tông với tư tưởng phóng khoáng, đầy trí tuệ dường như không được
những cư dân nông nghiệp chân chất, mộc mạc, thụ động thích ứng nên nhường chỗ
cho Phật giáo Nam tông từ Sri Lanka truyền xuống với giáo lý thực hành phù hợp
hơn.Sự thắng thế của Phật giáo được phản ánh qua câu chuyện dân gian kể về cuộc

17
đấu trí giữa Maha Prum, vị thần bốn mặt (đại diện cho Bà la môn giáo) và chàng trai
trẻ Thommabal (biểu tượng của Phật giáo)18. Bà la môn giáo nay chỉ còn lại những vết
tích thể hiện qua những tục lệ cổ xưa còn Phật giáo đã trở thành một phần không thể
tách rời trong cuộc sống người Khmer.

Con đường di chuyển của Phật giáo Bắc tông và Nam tông
Nguồn: www.rk-world.org/outlook/history.html

18
Câu chuyện kể rằng thuở Ngọc đế Indra tạo nên trời đất, có vị quốc vương sinh được một hoàng tử rất thông
minh đặt tên là Thommabal. Lúc mới lên năm, hoàng tử đã học đâu thuộc đấy và lên bảy thì đã thông cả bộ sách
bói toán, thiên văn, luật lệ của thần linh. Hoàng tử thường thuyết pháp cho dân chúng dạy về lòng từ bi nên rất
được kính trọng. Tiếng lành đồn xa đến tai vị thần Kabul MahaPrum làm ngài ganh tức và tìm cách hại
Thommabal. Vị thần bốn mặt này đến gặp Thommabal ra 3 câu đố hẹn trong 7 ngày phải trả lời, nếu hoàng tử
đáp đúng thì thần sẽ tự cắt đầu mình trước mặt hoàng tử còn không, hoàng tử phải làm ngược lại. Vị thần hỏi:
Câu thứ nhất: Buổi sáng cái duyên con người ở đâu?
Câu thứ hai: Buổi trưa cái duyên con người ở đâu?
Câu thứ ba: Buổi tối cái duyên con người ở đâu?
Hoàng tử suy nghĩ đến ngày thứ 6 vẫn chưa giải được. Chàng đi vào rừng và tình cờ nghe đôi chim linh điểu trò
chuyện dưới cây thốt nốt. Con chim trống đã giải câu đố cho con chim mái nghe. Nó nói: Buổi sáng cái duyên
của con người ở mặt nên người ta rửa mặt sạch sẽ sau khi thức giấc; Buổi trưa cái duyên của con người ở ngực
nên người tắm mát; Buổi tối cái duyên ở chân nên người ta mới rửa chân trước khi ngủ. Hoàng tử Thommabal
mừng rỡ và đến ngày hẹn chàng đã đáp đúng hoàn toàn 3 câu đố của thần Maha Prum. Thần thua cuộc nên giữ
đúng lời hứa, cắt đầu của mình giao cho bảy cô con gái cất giấu trên đỉnh núi Kailah trong dãy Hy Mã Lạp Sơn.
Từ đó về sau, khi đến ngày thần Maha Prum tự sát, bảy cô con gái xuống trần bưng mâm đầu lâu của cha đến
núi Tudi, rồi đi vòng quanh chân núi 3 lần theo hướng mặt trời mọc. Mỗi năm 1 cô bưng mâm 1 lần, nên tùy
theo tính chất của cô tiên nữ nào mà người ta đoán biết năm đó tốt hay xấu.
Truyền thuyết này cũng là cách giải thích lễ vào năm mới của cư dân Khmer với tục lệ rước quyển Đại
lịch Maha Sang Kran đi vòng quanh chính điện 3 vòng.

18
Lý tưởng sống của người Khmer hầu như bị chi phối bởi Phật giáo Nam tông,
cho nên trong cuộc sống thường ngày, không chỉ giới sư sãi mà cả dân chúng đều rèn
luyện theo đạo pháp: thọ giới, bố thí và tụng niệm. Đây cũng là một nét đặc trưng của
người Khmer Nam Bộ ngoài những đặc điểm chung của những cư dân thuộc loại hình
văn hóa gốc nông nghiệp. Tương tự như người Việt, người Khmer có cơ cấu xã hội
gắn chặt với kiểu gia đình mở rộng, nhiều gia đình quần cư tập hợp thành phum, thành
sóc. Họ đều mang tư duy nông nghiệp, trọng tĩnh, thiên về âm tính biểu hiện qua lối
ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội: tính cách ôn hòa, tôn trọng tổ tiên, những
vị thủ lĩnh, những người già, sự gắn bó, cố kết với gia đình, làng xóm chặt chẽ.
Điểm đặc biệt nổi bật đối với cư dân Khmer Nam Bộ chính là tư tưởng Phật
giáo đã chi phối toàn bộ thế giới quan, nhân sinh quan, phong tục tập quán và cả cách
ứng xử sinh hoạt của họ. Cả cuộc đời người Khmer từ lúc sinh ra đến khi trưởng
thành, rồi về già và lúc chết đi, mọi nỗi vui buồn đều gắn với ngôi chùa. Người
Khmer có câu “Konlênhnamean Khmer, konlênhnưngmiênwat” (có nghĩa là “Nơi nào
có người Khmer sống, nơi đó có chùa chiền”). Theo Phật giáo Nam tông nguyên thủy
nên người Khmer chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca, làm theo con đường Ngài chỉ dẫn,
sống tích phước đức để khi chết đi được siêu thoát về cõi Niết bàn. Họ quan niệm
rằng “Đi chùa làm phước cũng như làm ruộng, làm nhiều được quả phước nhiều, làm
ít được ít, không làm thì không được hưởng”. Với suy nghĩ ấy, ngôi chùa đã trở thành
chỗ dựa tinh thần, là nguồn an ủi trong đời sống cư dân Khmer. Dù nghèo khó, vất vả,
ở nhà tranh, vách lá nhưng ngôi chùa trong sóc của người Khmer phải thật khang
trang, đầy đủ, thể hiện được tinh hoa và bản sắc của cộng đồng. Chùa Khmer còn
đóng vai trò là một trung tâm văn hóa xã hội. Ngoài những sinh hoạt tôn giáo, chùa
còn là nơi diễn ra những lễ hội lớn nhỏ, các sinh hoạt văn hóa thể dục thể thao. Ngôi
chùa còn là trường học để tu rèn đạo đức, tinh thần, dạy nghề, dạy chữ và cả những
môn nghệ thuật. Người Khmer quan niệm “Người không được tu hành trong chùa là
người có nhiều tội lỗi trong đời sống”, thế cho nên người con trai khi đến tuổi sẽ được
gửi gắm vào chùa tu học. Tu ở đây là để báo đáp công ơn cha mẹ, là để học hành chứ
không phải là cách giải thoát khỏi cuộc đời. Các vị sư sãi Khmer rất được dân chúng
kính trọng và rất có uy tín trong xã hội, thậm chí khi có những khó khăn, vướng mắc,
người Khmer thường tìm đến nhờ các vị sư trong chùa trước khi có sự can thiệp của

19
chính quyền. Những lễ nghi quan trọng trong cuộc đời như đám cưới, đám ma, đám
phước... cư dân đều mời sư sãi về nhà tụng kinh cầu phước, cầu an, chúc phúc.
Như vậy, ngôi chùa trong đời sống sinh hoạt người Khmer Nam Bộ có thể nói
là sản phẩm của tôn giáo và ý thức hệ của cư dân nông nghiệp lúa nước. Ngôi chùa
chi phối mọi hành động ứng xử, hướng họ đến cái thiện, cái đẹp. Chùa Khmer còn là
tổng hòa các sắc thái riêng của người Khmer, bao gồm: những lễ tục, lễ hội và nghệ
thuật tạo hình... Đó là trung tâm văn hóa xã hội của cư dân Khmer Nam Bộ. Giải mã
những điều tồn tại quanh ngôi chùa, những điều ẩn chứa qua lớp hiện vật cổ kính
trang nghiêm ấy sẽ giúp chúng ta hiểu thêm bản sắc và đặc trưng văn hóa của dân tộc
này.

20
1.2. Quá trình hình thành và phát triển hình tượng Chằn
1.2.1. Về khái niệm hình tượng, biểu tượng văn hóa
Trong phạm vi luận văn, chúng tôi nghiên cứu hình tượng Chằn như một biểu
tượng văn hóa của dân tộc Khmer.
1.2.1.1. Hình tượng: là một đối tượng được sản sinh ra bằng hư cấu hay sự
tưởng tượng sáng tạo của nghệ sĩ theo những quan điểm thẩm mĩ nhất định giúp cho
người ta hình dung được các sự vật, các sự kiện, những con người, như khả năng vốn
có của chúng. Ở mỗi loại hình nghệ thuật, hình tượng được bộc lộ dưới nhiều dạng
khác nhau muôn hình muôn vẻ tuỳ theo lý tưởng thẩm mĩ nói chung và quan điểm
thẩm mĩ cụ thể của từng tác giả. Song dù khác nhau thế nào, hình tượng vẫn có một
cái chung: hình tượng là kết quả của một phương thức tái tạo một đối tượng nào đó
(con người, hoàn cảnh xã hội, cảnh vật, v.v...) dưới một dạng tương đồng hoặc gần gũi
và phù hợp với khả năng tồn tại khách quan của chúng.
1.2.1.2. Biểu tượng: là hình ảnh về vật trong đầu óc, ý thức, tư duy con người.
Hình thức cao nhất của sự phản ánh trực quan cảm tính xuất hiện trên cơ sở tri giác.
Khác với tri giác, biểu tượng không còn phản ánh rời rạc các thuộc tính của sự vật: sự
vật được phản ánh dưới hình thức biểu tượng có tính chỉnh thể. Những biểu tượng của
con người, khác với ở động vật, thường được bọc bằng một lớp vỏ ngôn ngữ và chứa
nhiều yếu tố của sự phản ánh khái quát. Biểu tượng là khâu trung gian giữa giai đoạn
nhận thức cảm tính và giai đoạn nhận thức lí tính. Từ điển Tiếng Việt viết: Biểu tượng
là “hình ảnh tượng trưng. Chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình”. Theo Từ điển
Bách khoa Văn hóa học, khái niệm biểu tượng được hiểu là “Một loại kí hiệu đặc biệt,
thể hiện nội dung thực tế của một điều nào đó. Biểu tượng văn hóa khác với kí hiệu
thông thường ở chỗ chứa đựng tâm lý với tồn tại mà nó biểu trưng”.
Có thể nói rằng biểu tượng mang bản chất ký hiệu, nhưng nó khác với ký hiệu
thông thường. Đối với ký hiệu thông thường chúng ta có thể dùng một từ thích hợp
hơn để gọi là tín hiệu. Một tín hiệu là một kích thích mà tác động của nó đến cơ thể
gợi ra hình ảnh ký ức của một kích thích khác. Theo Từ điển Biểu tượng văn hóa thế
giới thì biểu hiệu, vật hiệu, phúng dụ, ngụ ngôn luân lý đều không biểu nghĩa. Ngay cả
các biểu tượng đại số học, toán học, khoa học và một số những công thức giáo lý...
cũng chỉ là những ký hiệu. Vậy, được gọi là biểu tượng khi một sự vật hiện tượng nào

21
đó tích đọng trong nó những ý nghĩa sâu sắc, nó được cộng đồng giai cấp, dân tộc
thừa nhận, nó luôn hướng về một nghĩa cố định nào đó, nhưng đồng thời lại tiềm ẩn
khả năng mở ra những ý nghĩa khác trong sự cảm nhận của con người. Có thể nói,
biểu tượng là những hình ảnh sự vật cảm tính chứa đầy ý nghĩa và nó càng trở nên
sinh động hơn trong đời sống văn hóa, trong cảm nhận của con người. Chẳng hạn,
ngọn lửa, trong các truyền thuyết, là biểu tượng của sự tẩy uế, sự tỏa sáng của tình yêu
theo nghĩa tinh thần. Ngọn lửa là hình ảnh của tinh thần và sự siêu việt, linh hồn của
lửa. Theo nghĩa xấu và đen tối, ngọn lửa làm cho đồi bại, gây chia rẽ, bất hòa; đó là
hơi thở cháy bỏng của sự nổi loạn, sự thèm muốn... Trong tâm thức nhân loại, ngọn
lửa luôn sống động trong những ý nghĩa đó.
Nguồn gốc của biểu tượng gắn liền với khả năng nhận thức của con người
trong lịch sử. Thời nguyên thủy, đời sống tinh thần của con người bị chi phối bởi
những tín ngưỡng thần bí, các cử chỉ, hình vẽ hiện diện cho ma thuật đều được xem
như biểu tượng. Sau này, biểu tượng được tôn giáo, nghệ thuật và những hình thức văn
hóa khác kế thừa. Một biểu tượng văn hóa có xu hướng bổ sung ý nghĩa trong tiến
trình lịch sử của nó, nhưng sau một thời gian, ý nghĩa đó trở nên cố định và đôi khi
khó hiểu đối với con người thời sau.

1.2.2. Mô tả hình tượng Chằn và những hình tượng tiếp biến từ Ấn


Độ
Trong luận văn này, chúng tôi nghiên cứu sâu vào hình tượng “Chằn” trong văn
hóa Khmer. Ở đây, “Chằn” đã trở thành một biểu tượng bởi nó cũng bao hàm nhiều ý
nghĩa. Theo nghĩa tốt, Chằn hiện diện nhằm bảo vệ những thành quả tốt đẹp của dân
tộc Khmer; đánh đuổi những thế lực thù địch, xấu xa. Theo nghĩa xấu, thì Chằn lại là
chính những thế lực xấu, gây hại và phá hủy những gì tốt đẹp mà con người gây dựng.
Chằn, có thể nói chính là biểu tượng của sự thử thách, sự giằng xé giữa cái thiện và
cái ác, sự đấu tranh trong nội tâm mỗi cá thể nhằm vươn đến chân – thiện – mỹ.

Hình tượng Chằn (tiếng Khmer gọi là Yeak – XkS) được thể hiện dưới dạng
một người cao to, khổng lồ với khuôn mặt rất dữ tợn: mắt lồi lên, trợn to, mày xếch,
miệng rộng, mũi to, hai răng nanh dài và nhọn. Toàn thân Yeak mặc giáp trụ, đầu đội
mão nhọn, tay cầm gậy, hai chân hơi khuỳnh ra. Tượng Chằn là một mô típ khá độc

22
đáo trong nghệ thuật tạo hình Khmer. Chằn thường thấy được đặt đứng trước các cổng
chùa hay xung quanh hàng rào nơi chánh điện nhằm mục đích bảo vệ ngôi chùa.

Mô típ Chằn
trong văn hóa Khmer Nam Bộ
Người vẽ: Vũ Công Khánh

23
Về nguồn gốc của nhân vật này trong nền văn hóa Khmer đến nay gần như
không còn ghi chép nào cả do những biến cố lịch sử như: chiến tranh, loạn lạc phân
ly... Tuy nhiên, chúng ta đã biết rằng văn hóa Khmer chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn
hóa Ấn Độ. Kết hợp giữa chứng cứ khảo cổ học, công trình điêu khắc, các bức phù
điêu tại đền Angkor cùng với những văn bản còn sót lại như truyền thuyết, thần
thoại... có thể thừa nhận đây là tàn dư của sức lan tỏa mạnh mẽ văn hóa Ấn Độ mà
chủ đạo là Bà la môn giáo. Nhân vật truyền thuyết này không thuộc một giống loài
nào cả, không phải là thần, không phải là thú và cũng không là quỷ. Yeak thường được
thể hiện cho thế lực xấu xa, ma quỷ. Theo quan niệm truyền thống bác học, chằn là
thuộc hạ của Kubera – chúa tể nhiếp chính phương Bắc. Phái nữ của chằn gọi là
Yaksei, Yakkei hay Yak khêna khêney, là loại chằn cái hung dữ mà từ đồng nghĩa
trong tiếng Việt thường dùng là “bà chằn”, “bà chằn lửa”. Sự hiện hữu của chằn được
chấp nhận trong Aphi Thăm hoặc Aphi Dharma (âm Hán Việt: A - tỳ - đàm dịch là
Luận Đại Pháp), một trong ba bộ kinh thuộc Tam Tạng kinh điển, tiếng Khmer gọi là
Tray pây đok19.

Từ nguyên “Yeak” hay “Yak” – XkS qua mô tả và tính chất của nó, có thể
bắt nguồn từ những nhân vật yêu quỷ trong nền văn hóa Ấn Độ. Chúng ta có thể tìm
thấy một số nhân vật khá gần, có thể là khởi nguyên của “Yeak”.
 Rakshasa: là một dạng quỷ hay đại diện cho những tinh thần không ngay thẳng,
trong sạch theo thần thoại Ấn Độ. Những Rakshasa còn được gọi là những kẻ ăn
thịt người ("Nri-chakshas," "Kravyads"). Những Rakshasa nữ thì được gọi là
Rakshasi, còn Rakshasa nữ nhưng trong hình dạng người thì gọi là Manushya –
Rakshasi. Theo sử thi Ramayana, những rakshasa được tạo ra từ bàn chân của thần
Brahma; còn những nguồn tài liệu khác thì lại cho rằng chúng bắt nguồn từ
Pulastya, hoặc từ Khasa, hoặc từ Nirriti hay Nirrita. Những huyền thoại đó nói
rằng rất nhiều rakshasa là những con người rất xấu trong những hiện thân trước
kia. Những rakshasa này chuyên quấy rối các buổi lễ cúng tế, làm mất tính chất
thiêng liêng của thần linh, gây lo lắng cho các nhà sư, ám ảnh con người... Móng
tay của chúng có nọc độc, và chúng ăn thịt người và những thức ăn thiu thối.

19
Theo Huỳnh Ngọc Trảng, “Chằn trong sân khấu Khmer đồng bằng sông Cửu Long”, in trong Về sân khấu
truyền thống Khmer Nam Bộ, Sở VHTT tỉnh Sóc Trăng và Phân viện VHNT Việt Nam tại Tp. HCM xuất bản,
1998, tr. 117 – 128.

24
Chúng là những kẻ có phép thuật và ma lực, biến hóa khôn lường. Trong thế giới
của sử thi Mahabharata, những rakshasa thường thấy là những kẻ có quyền phép,
hay bắt gặp chúng trong những trận chiến giữa các thế lực ma quỷ. Chúng có thể
biến hóa thành dạng này hay dạng khác, khiến cho người khác tin chúng và không
thể xua đuổi chúng. Là những kẻ ăn thịt người, rakshasa rất thích khi có những
trận tàn sát ở chiến trường nơi chúng có thể ăn xác chết. Hầu hết các rakshasa đều
không được nhắc tên, những sử thi có đề cập đến vài rakshasa nổi bật. Hầu hết
chúng đều là những kẻ độc ác, chỉ có một số ít là người tốt. Sử thi Ramayana có
mô tả những Rakshasa này20.
Ravana, một Rakshasa với 10 đầu, là vua của các Rakshasa và là kẻ tử thù của
Rama – người anh hùng trong Ramayana. Trong Mahabharata (cuốn III: Parva
Varna, mục 271 ff.), nhà hiền triết Markandeya đã mô tả việc làm thế nào mà
Ravana bắt cóc được vợ hoàng tử Rama là nàng Sita và bay vút về thành Lanka;
rồi việc hoàng tử Rama được vua khỉ Sugriva giúp đỡ trấn áp thành Lanka và
Ravana để cứu thoát nàng Sita. Ravana có đến 20 cánh tay, biểu hiện cho lòng ham
muốn vĩnh cửu. Ravana được sinh ra bởi một hiền triết Bà la môn là Vishrava, mẹ
là công chúa Kaisaki. Ravana là con lớn và anh ta có 2 người em là Vibhishana và
Kumbhakarna. Càng lớn, Ravana càng trở nên hiếu chiến và đầy sức mạnh, anh ta
đòi thành Lanka. Thành
Lanka là một thành phố
bình yên được chư thiên
kiến trúc sư
Vishwakarma xây dựng
cho Kubera – là người
giữ của cải cho chúa
trời. Kubera cũng là con
trai của Vishrava và
cũng được chia sẻ Ravana 10 đầu – phù điêu trên đá vữa
(Hiện vật tại bảo tàng ở Delhi, Ấn Độ)
20
Trong tiếng Ấn Độ, Raksha có nghĩa là “sự bảo vệ”. Từ này được bắt nguồn từ ngôn ngữ Sanskrit.
Raksha là tinh thần cơ bản, nó gắn với lễ hội Rakshabandhan được tổ chức ở Ấn Độ. Trong lễ hội này, một chị
gái sẽ buộc một chuỗi hạt, gọi là Rakhi, xung quanh cổ tay của anh trai cô ấy, để yêu cầu anh ta bảo vệ cô. Anh
trai sẽ phúc đáp bằng việc tặng cô gái một món quà và hứa hẹn sẽ che chở cho cô.

25
những quyền lợi như những đứa con của Kaikesi.
Ravana đã đòi Kubera trao thành Lanka bằng vũ lực.
Vishrava đã khuyên Kubera nên chiều lòng Ravana
vì lúc bấy giờ anh ta đã trở thành một kẻ bất khả
chiến bại. Trở thành vua nước Lanka, Ravana lại
được biết đến như một ông vua cai trị đất nước có
hiệu quả và rộng lượng. Lanka trở nên hưng thịnh
dưới triều Ravana – một đất nước không có đói
nghèo, thiếu thốn.
Vibhishana, em trai của Ravana, và là một Rakshasa
Mô tả Ravana – vua của
tốt bụng. Vibhishana đẹp, hiếu thảo và chuyên cần Rakshasa ở thành Lanka
với 10 đầu và 20 cánh tay
tuân theo những tín ngưỡng của anh ta. Khi Brahma
ban cho anh ta một ân huệ, anh ấy chỉ xin không bị đi chệch hướng khỏi lòng ngay
thẳng, sự công bằng và luôn được soi sáng bởi những hiểu biết của thần linh (cuốn
III, Varna Parva: Section 273). Vibhishana đã liên kết với Rama chống lại Ravana,
và giúp đỡ quân lính của Rama băng qua đại dương để đến được thành Lanka. Khi
những Rakshasa vô hình xâm nhập vào doanh trại của Rama thì Vibhishana đã
biến chúng trở lại nguyên dạng, giúp cho quân khỉ của Rama tiêu diệt chúng. Sau
khi Rama chiến thắng được Ravana, Vibhishana trung thành đã trở thành vua nước
Lanka.
Kumbhakarna, cũng là một người em của Ravana, anh ta là một kẻ đáng sợ và là
chủ của những ảo tưởng. Anh ta ngủ suốt trong khi xảy ra trận chiến thành Lanka
(do nhận được món quà là giấc ngủ dài từ thần Brahma), nhưng khi Ravana đánh
thức, Kumbhakarna đã tỉnh giấc và tham chiến. Kumbhakarna đã bị hoàng tử
Rama và em trai Lakshmana hạ gục bằng mũi tên thần (Mahabharata, cuốn III,
Varna Parva, phần 285).
 Kubera: vào thời kỳ Vedic, theo thần thoại Ấn Độ thì Kubera là hiện thân của quỷ
dữ. Kubera được xem là chủ nhân của những con quỷ sống trong bóng tối. Ngày
nay, con người lùn xấu xí này được biết đến như vị thần linh và là một trong tám
người bảo vệ thế giới. Kubera còn được coi là vua của các Yaksha. Trong những vị
thần Hindu, Kubera được biết đến một cách đại chúng như là vị thần chỉ cho

26
những hộ pháp bảo vệ tài sản của chúa trời. Thần thường cưỡi trên chiếc xe phép
thuật Pushpak và rải vàng bạc châu báu cùng những vật quý xuống những vùng đất
nơi thần đi ngang qua nhằm cứu giúp những người nghèo.
Có hai phiên bản trình bày về sự chuyển hóa của Kubera thành một vị thần. Phiên
bản đầu tiên cho rằng Kubera đã phải trải qua những khó khăn, khổ hạnh trong
hàng nghìn năm và đã được ban thưởng. Một phiên bản khác lãng mạn hơn thì mô
tả rằng, một ngày khi Kubera đến cướp đền của thần Shiva – người là vua của
những kẻ cướp. Trong khi cướp thì không hiểu bằng cách nào mà cái dây buộc của
Kubera bị thổi bay mất. Điều này khiến cho Kubera rất khó khăn trong việc buộc
nó lại nhưng anh ta vẫn khăng khăng cố làm, đến lần thứ 10 thì thành công. Sự
việc này khiến cho thần Shiva mến phục Kubera (dù đây là nỗ lực để cướp ngôi
đền của thần). Cuối cùng, thần Shiva đã thừa nhận Kubera như những vị thần
Hindu.
Kubera được mô tả là một người lùn với thân hình xấu xí và dị dạng. Anh ta có
nước da trắng với 3 cái chân và chỉ có 8 cái răng. Kubera mang hình dạng như thế
là một điều huyền bí, đó cũng tính chất của các vị thần Hindu. Bởi hình dáng dị
dạng nên Kubera đi lại rất khó khăn. Thần Brahma lấy làm thương xót và sai
Vishwakarma, vị thần kiến trúc sư của các thần và là thần dưới quyền của Brahma
làm một chiếc xe cho người tàn tật. Vishwakarma đã suy nghĩ và hình thành chiếc
xe Pushpak, một dạng xe ngựa nhẹ như không khí có thể di chuyển dễ dàng nhanh
chóng và còn lớn đến mức có thể chứa cả một thành phố. Kubera đã rong ruổi trên
chiếc xe huyền diệu đó đi khắp nơi rải của cải cứu giúp những người nghèo khổ.
Kubera có ba anh em nổi tiếng, là Ravana, Kumbhakarna và Vibhishana. Ba nhân
vật này được đề cập khá nhiều trong bộ sử thi Ramayana, được người dân Ấn Độ
biết đến nhiều hơn cả Kubera.
 Yaksha (hay Yakkha): giống đực thì gọi là Yaksha, giống cái thì được gọi là
Yakshi hay Yakshini. Theo thần thoại Ấn Độ, đây là một lớp những tinh thần thuộc
về thiên nhiên, thường là nhân từ. Đây là những người trông coi những kho báu ẩn
giấu trên trái đất và trong những gốc cây. Nhánh chính của Yaksha là Kubera,
người cai quản vương quốc Hymalayan mà trong thần thoại Ấn còn gọi là Alaka.

27
Thần thoại Hindu, đạo Jain và đạo Phật mô tả về Yaksha như những người lưỡng
tính cách. Một mặt, Yaksha là những người vô hại sống ở rừng núi, nhưng nhìn
chung các phiên bản thường mô tả Yaksha là một loại quỷ ăn thịt người, một dạng
yêu tinh, ma quỷ chuyên lảng vảng trong rừng hoang rình rập con người. Chúng
tương tự như Rakshasa.
Yaksha còn được kể rằng đó là những vị thần trông coi thành phố, làng mạc, ao hồ
và các giếng nước. Họ được thờ phụng như những vị thần rắn (naga), thần mẹ...
mà nguồn gốc có lẽ xuất phát từ những người Dravidian. Sự thờ phụng các Yaksha
tồn tại suốt thời kỳ Vedic kéo dài đến thời kỳ
Kusana.
Trong thần thoại Phật giáo, Yaksha là người hầu cận
của Vaisarvana, một vị thần cai quản hướng Bắc, bảo
vệ cho lẽ công bằng.
Trong nghệ thuật, Yaksha nam được tạo hình là
những người có khi dữ tợn, có khi béo tròn, đen và
lùn; Yaksha nữ (hay Yakshini) thì lại là người đàn bà
đẹp với khuôn mặt tròn, ngực to và mông nở.
 Yakshini: là một bản sao giống như những yaksha
giống đực nhưng yakshini là giống cái. Cả yaksha và
yakshini đều phục vụ cho Kubera. Những yakshini
được mô tả là những người đàn bà rất đẹp, gợi cảm Phù điêu Yakshini chạm
trên một cột rào ở stupa tại
với hông to, eo thật nhỏ và cặp ngực nở tròn đầy đặn. Mathura, thế kỷ II, bằng đá
Theo những ghi chép trong Uddamareshvara Tantra sa thạch đỏ, cao 51cm.

và Tantraraja Tantra, có 36 yakshini được kể đến với những câu thần chú dành cho
họ. Những yaksha và yakshini này sẽ ban cho con người đạt được những ý nguyện
nếu đến cầu xin họ. Việc tạo hình những yakshi này thường trong dạng khỏa thân,
khuôn mặt mỉm cười và tay đang với nắm một nhánh cây tượng trưng cho sự phì
nhiêu, sinh sôi nảy nở.
Ở phía Nam Ấn Độ, những Yakshi lại không tượng trưng cho lòng nhân từ mà ở
đấy, họ được biết đến với tư cách là những người chuyên rình rập, bắt cóc, dụ dỗ
đàn ông bằng sắc đẹp rồi sau đấy hút máu.

28
Những yakshi này du nhập vào Việt Nam được gọi là La sát. Toàn danh hiệu của
vị nữ thần này là Phổ Thiên Chi Hạ La sát Thánh Nương, còn được gọi là "Bà
Thánh Anh La Sát". Nguyên gốc từ loài Rakshasa của đạo Bà la môn, được hội
nhập vào tín ngưỡng của người Khmer, rồi được dân gian hoá, thờ phượng trong
nhiều đền miếu. Theo Phật giáo thì quỷ La Sát Ha Ly Đế (Hariti) hay bắt con nít
đem về cho con mình ăn thịt; sau đó được đức Phật cảm thương, nên đã dùng phép
thần thông bắt đứa con của quỷ ấy tên là Tân Già La (Pingala) nhốt dưới một chiếc
bát. Quỷ La Sát thương con, cho nên đã đến cầu khẩn xin đức Phật tha tội. Đức
Phật khuyên mẹ con chúng quy y Phật Pháp, cải tà quy chánh, nhưng con quỷ này
lại ngần ngại, vì lũ con quá đông, nếu bỏ thịt người thì tất cả những đứa con của
mình đều đói khát. Đức Phật hứa giúp chúng, cho nên, ngày nay mỗi trưa, trước
khi lên trai đường thọ thực, chư tăng có tục cúng mẹ con quỷ La Sát và các loài ma
quỷ khác. Chúng ta lại bắt gặp ở đây hình ảnh đối lập: tính thiện và ác cùng tồn tại
trong quỷ La sát.
 Asura: cũng là dạng biểu thị cho lực lượng ma quỷ. Thuộc tính tốt xấu của Asura
được quan niệm khác nhau tùy theo các tôn giác khác nhau. Asura đối lập với các
Deva (những người tốt, thiên thần...). Theo các tập ghi chép của Hindu giáo thì
asura có tính chất chung là kiêu căng, tự phụ, ngạo mạn, dữ tợn, xấu xí và ngu dốt.
Trong kinh điển Phật giáo, Asura (âm Hán Việt là Atula) là một trong “Bát bộ
chúng” tức 8 loại chúng sanh21, dịch nghĩa là “phi thiên”. Đây là loại chúng sanh
có thần lực, có cung điện song hình thể không được đoan chính như các chư tiên
cõi trời. Tùy theo căn nghiệp, chằn này có ba loại: Atula – Thiên đạo, Atula – Quỷ
đạo và Atula – Súc đạo mà trong quan niệm Phật giáo cho rằng chằn có cả loại tốt
lẫn loại xấu như các loài chúng sanh khác. Quan niệm nước đôi này đôi khi còn
xuất hiện trong truyện cổ Khmer.
Tuy vậy, nhìn chung, quan niệm về chằn khá phổ biến trong nếp nghĩ của
người dân Khmer là dạng quỷ ác và xấu xa. Có lẽ bắt nguồn từ Reamker – một dị bản
của sử thi Ramayana Ấn Độ. Trường ca Ramayana ra đời vào khoảng thế kỷ VI đến
thế kỷ III trước công nguyên và được xây dựng trên cơ sở cuộc chiến tranh xâm lược

21
Bát bộ chúng: 1. Thiên (trời); 2. Long (rồng); 3. Dạ xoa (chằn Yaksa); 4. Càn thát bà (nhạc công ở trời Đế
Thích); 5. Atula (phi thiên); 6. Ca lâu la (loài kim si điểu); 7. Khấn na la (vũ công và ca công ở trời Đế Thích);
8. Ma hầu la đà (Đại mãng xà chằn).

29
của người Aryan vào Sri Lanca. Tác giả của bộ sử thi đầy chất văn chương, cung đình
này được biết đến là đạo sỹ Valmiki. Ramayana trở thành sử thi vĩ đại thứ hai của Ấn
Độ (sau sử thi anh hùng ca Mahabharata). Tuy ra đời muộn hơn Mahabharata nhưng
Ramayana có ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống văn hoá Ấn Độ (tôn giáo, nghi
lễ, văn học nghệ thuật, ngôn ngữ…) và lan rộng tới cả vùng Đông Nam Á. Ramayana
trở thành nền tảng đạo đức lý tưởng tại những nơi nó lan tỏa đến. Trong cuộc chiến
của người da trắng Aryan xâm lược Ấn Độ, có một tộc người thổ dân bản địa có tên là
Yaksa đã chống lại cuộc xâm lăng ấy – dưới con mắt kỳ thị của người Aryan thì các
thổ dân bản địa đó là ma quỷ và họ coi người cầm đầu bọn chằn Yaksa là Ravana (tức
chằn Krong Reap trong truyện Reamker). Với người Khmer, quan niệm về các loại
chằn này được tổng hợp từ cả quan niệm truyền thống Vệ Đà, Bà la môn giáo, và cả
quan niệm chính thống của Phật giáo. Sự ảnh hưởng này khiến hình tượng Chằn trở
nên đa dạng phong phú trên các lĩnh vực văn hóa xã hội của người Khmer.

Tiểu kết
Là những cư dân đầu tiên khai phá và định cư tại vùng Nam Bộ, đến nay người
Khmer đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt
Nam. Với dân số hơn một triệu người, dân tộc Khmer tập trung chủ yếu ở các tỉnh
thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng châu thổ rộng và màu mỡ nhưng tình
hình địa lý môi sinh lại không đồng nhất, dẫn đến hình thái cư trú của các dân tộc trên
vùng đất hết sức phong phú. Có thể chia loại hình cư trú của người Khmer thành các
vùng: cư trú trên đất giồng, cư trú trên đất ruộng, cư trú ven các kênh rạch nhỏ, cư trú
theo trục lộ giao thông.
Việc nghiên cứu về nhân chủng cư dân đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn
chứa đựng nhiều uẩn khúc của lịch sử. Có thể tóm lại rằng người Khmer Nam Bộ xưa
vốn là cư dân của vương quốc Phù Nam, tiếp nối sau đó là vương quốc Chân Lạp, sau
này có sự tiếp xúc mạnh mẽ với người Việt và người Hoa trên mảnh đất này. Sau
những biến động của lịch sử, ngày nay, cư dân Khmer đã chính thức trở thành thành
viên trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Cùng với người Khmer, người Việt, Hoa và Chăm đã biến vùng đất sình lầy
hoang vu ở châu thổ Cửu Long thành những mảnh đất màu mỡ, những đồng lúa tốt

30
tươi, những xóm làng trù phú. Quá trình cộng cư của các dân tộc Việt, Khmer, Hoa,
Chăm trên vùng châu thổ này tất yếu tạo nên sự giao lưu tiếp biến văn hóa, rồi dần
hình thành một diện mạo văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long mang tính đa dạng
phong phú gắn với đặc trưng văn hóa từng dân tộc. Sự giao lưu ở đây diễn ra một cách
hoàn toàn tự nguyện, sâu sắc và toàn diện và tích cực. Mỗi dân tộc đều duy trì và lưu
giữ những đặc trưng riêng và tiếp thu có chọn lọc nhằm làm giàu thêm chất văn hóa
của dân tộc mình.
Thuộc loại hình văn hóa gốc nông nghiệp, người Khmer có cơ cấu xã hội gắn
chặt với kiểu gia đình mở rộng, sống quần cư trong phum, sóc. Họ đều mang tư duy
nông nghiệp, trọng tĩnh, thiên về âm tính biểu hiện qua lối ứng xử dung hòa với môi
trường tự nhiên, với truyền thống tôn trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Điểm đặc biệt nổi
bật đối với cư dân Khmer Nam Bộ chính là tư tưởng Phật giáo đã chi phối toàn bộ thế
giới quan, nhân sinh quan, phong tục tập quán và cả cách ứng xử sinh hoạt của họ.
Điều này thể hiện qua vai trò trung tâm của ngôi chùa trong phum, sóc. Ngoài những
sinh hoạt tôn giáo, chùa còn là nơi diễn ra những lễ hội lớn nhỏ, các hoạt động giải trí
cho dân chúng. Nơi ấy còn là trường học để tu rèn đạo đức, tinh thần, dạy nghề, dạy
chữ và cả những môn nghệ thuật. Ngôi chùa chính là nguồn động viên, an ủi, là chỗ
dựa trong đời sống tinh thần của cư dân Khmer Nam Bộ.
Đối tượng chính của luận văn là mô típ “Chằn”. Về hình dạng, Chằn được thể
hiện dưới dạng một người cao to, mặc giáp trụ và có khuôn mặt dữ tợn: mắt lồi, mày
xếch, mũi to, miệng rộng, có hai răng nanh dài và nhọn. Chằn là mô típ xuất xứ từ Ấn
Độ, tiếp biến qua nhiều giai đoạn thăng trầm mà trở thành một biểu tượng độc đáo
trong nền văn hóa cư dân Khmer.
Để hiểu được một nền văn hóa cần phải hòa mình với những con người trong
nền văn hóa đó, thấu hiểu hết những suy nghĩ của họ, học cách nghe họ nói về bản
thân và tuân thủ những quy luật riêng của văn hóa. Với suy nghĩ như thế, trước tiên
chúng tôi giới thiệu sơ lược những mô típ được xem là nguồn gốc của “Chằn” trong
văn hóa Ấn Độ, từ đó liên hệ với nền văn hóa Khmer để làm sáng tỏ những khía cạnh
văn hóa ẩn chứa dưới dạng một hình tượng.

31

You might also like