You are on page 1of 45

BỘ Y TẾ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC HẢI PHÒNG


--------------------

TÀI LIỆU HỌC TẬP

Hải Phòng - 2019


BÀI 1 - ĐẠI CƯƠNG VỀ KÝ SINH TRÙNG Y HỌC

Mục tiêu học tập:


1. Mô tả 4 đặc điểm của ký sinh trùng (hình thể, cấu tạo, ký sinh, sinh sản).
2. Phân tích được 5 kiểu chu kỳ trong chẩn đoán, điều trị bệnh ký sinh trùng.
3. Giải thích tác động qua lại giữ ký sinh trùng và người.
4. Hiểu được cách phân loại ký sinh trùng.

Nội dung:
1. Ký sinh trùng và hiện tượng ký sinh
1.1. Hiện tượng ký sinh
Nghiên cứu lịch sử phát triển của thế giới sinh vật, chúng ta đều biệt các
sinh vật đều sống tự do. Trải qua thời gian lâu dài một số bị tiêu diệt, một số
phát triển, phân hóa, một số vẫn sống tự do nhưng một số trở thành sống gửi -
sống bám - sống ký sinh hoàn toàn hoặc ký sinh một phần nhờ vào sinh vật
khác.
Hiên tượng ký sinh là toàn bộ mối quan hệ xảy ra giữa KST và vật chủ,
trong đó KST chiếm các chất của vật chủ và gây tác hại cho vật chủ.
Đối với ký sinh trùng y học là những ký sinh trùng sống bám trên người
hoặc gây bệnh, truyền bệnh cho người.
1.2. Ký sinh trùng
Là những sinh vật sống nhờ vào các sinh vật khác đang sống, chiếm các
chất của sinh vật đó để sống và phát triển.
Ví dụ: - giun đũa sống trong ruột non của người/lợn, chiếm các chất và gây
nhiều tác hại cho người/lợn nên được gọi là ký sinh trùng.
- Ký sinh trùng sốt rét sống trong máu người, chiếm các chất của
máu và hồng cầu nên cũng là ký sinh trùng.
Khái niệm trên rất rộng, bao gồm cả các loại vi khuẩn và vi rút ký sinh. Do
sự phát triển của y học đã tách thành nhiều chuyên nghành như: vi sinh vật học,
vi rút học. Ký sinh trùng y học cũng chỉ nghiên cứu về các loại ký sinh trùng ký
sinh ở người nên cũng tách thành ký sinh trùng y học và ký sinh trùng thú y …
Ký sinh trùng có thể là động vật (giun, sán, chấy, giận, …) hoặc là thực vật
như nấm ký sinh.
Danh từ ký sinh trùng tương dương với ký sinh vật nhưng từ lâu đã quen
dùng ký sinh trùng.
Ký sinh trùng nhất thiết phải sống nhờ (ký sinh) vào một sinh vật khác
đang sống, sinh vật bị sống nhờ gọi là vật chủ, vì ký sinh trùng không tự sống
được, phải sống nhờ, sống bám…Vật chủ phải là sinh vật đang sống. Nếu có
sinh vật đang sống nhờ trên xác động vật thì đó là hoại sinh vật, không phải là
ký sinh trùng và xác động vật đó cũng không phải là vật chủ.
Trong quá trình sống nhờ, ký sinh trùng phải chiếm các chất để sống và
phát triển. Các chất mà ký sinh trùng chiếm có thể là thức ăn, máu, … Ký sinh
trùng chiếm thức ăn một cách từ từ, tiệm tiến, chứ không phá huỷ ngay tức khắc
đời sống của vật chủ. Nên dễ phân biệt với các sinh vật ăn thịt như các dã thú
hoặc động vật ăn thịt (hổ, báo, mèo …) không phải là ký sinh trùng.
Trên cơ sở định nghĩa trên cần lưu ý khi xác định một loại có phải là ký
sinh trùng y học hay không (như ruồi, muỗi đực …)
1.3. Vật chủ
Vật chủ là những sinh vật bị ký sinh. Ví dụ: Người là vật chủ của giun đũa
và ký sinh trùng sốt rét.
Ký sinh trùng có thể có một vật chủ (như giun đũa người - Ascaris
lumbricoides - chỉ ký sinh ở người, giun đũa lợn - A. suum - chỉ ký sinh ở lợn)
hoặc nhiều vật chủ.
Vật chủ chính là những sinh vật mang ký sinh trùng có thể trưởng thành
hoặc sinh sản hữu tính.
Vật chủ phụ: là những sinh vật mang ký sinh trùng ở thể ấu trùng hoặc sinh
sản vô tính.
Ví dụ: - Sán lá gan nhỏ có ba vật chủ: con trưởng thành ký sinh ở người
nên người là vật chủ chính, trên cơ thể ốc và cá chỉ có ấu trùng sán ký sinh nên
ốc và cá là vật chủ phụ.
- Ký sinh trùng sốt rét có hai vật chủ là người và muỗi. Trong cơ thể
người, ký sinh trùng sinh sản vô tính nên người là vật chủ phụ, trong cơ thể
muỗi ký sinh trùng sốt rét sinh sản hữu tính nên muỗi là vật chủ chính.
Về mặt bệnh tật có danh từ vật chủ trung gian: để chỉ những vật chủ (chính
hoặc phụ) là trung gian truyền bệnh từ người này sang người khác.
Ví dụ: Muỗi là vật chủ chính đồng thời là vật trung gian truyền bệnh sốt
rét. Ốc và cá vừa là vật chủ phụ vừa là vật trung gian truyền bệnh sán lá gan
nhỏ.
Cần phân biệt vật chủ trung gian truyền bệnh với sinh vật môi giới trung
gian truyền bệnh. Sinh vật môi giới trung gian truyền bệnh có thể là vật chủ
hoặc không là vật chủ (có nghĩa là ký sinh trùng có thể là ký sinh hoặc không ký
sinh trên sinh vật đó).
Ví dụ: Trong bệnh sốt rét, muỗi vừa là vật chủ trung gian truyền bệnh sốt
rét, đồng thời cũng là sinh vật môi giới trung gian truyền bệnh sốt rét. Nhưng
trong bệnh lỵ amíp, ruồi là sinh vật môi giới trung gian truyền bệnh (làm nhiệm
vụ vận chuyển bào nang amíp, bào nang amíp chỉ dính bám vào thân cánh ruồi
mà không sống ký sinh trên cơ thể ruồi nên ruồi không phải là vật chủ).
1.4. Phương thức ký sinh của ký sinh trùng
Có các phương thức ký sinh chủ yếu sau đây:
- Ký sinh trùng vĩnh viễn là ký sinh trùng sống trong cơ thể vật chủ suốt đời
hoặc trong một thời gian dài (như sán, giun…).
- Ký sinh trùng tạm thời sống bám vào vật chủ trong một thời gian ngắn (muỗi,
ve, bọ chét, ...).
- Ký sinh trùng đơn ký là ký sinh trùng có một vật chủ (như giun đũa ký sinh ở
người, …).
- Ký sinh trùng đa ký là ký sinh trùng có nhiều vật chủ (như sán lá ruột ký sinh
ở người, lợn, mèo, …).
- Ngoại ký sinh trùng là những ký sinh trùng sống bám trên mặt da (rận, rệp
ghẻ, …) hoặc trong các hốc tự nhiên (trùng roi âm đạo).
- Nội ký sinh trùng là ký sinh trùng sống sâu trong các nội tạng của cơ thể (giun,
sán, ký sinh trùng sốt rét, …)
- Bội ký sinh trùng là những sinh vật ký sinh trên một ký sinh trùng khác (như
muỗi là ký sinh trùng nhưng muỗi lại bị sinh vật khác sống ký sinh như nấm.
Về mặt bệnh tật cần phân biệt ký sinh trùng truyền bệnh và ký sinh trùng
gây bệnh.
- Ký sinh trùng truyền bệnh chỉ mang tính chất trung gian môi giới như muỗi
truyền bệnh sốt rét và giun chỉ, bọ chét truyền bệnh dịch hạch, …
- Ký sinh trùng gây bệnh là ký sinh trùng bằng tác hại của chúng gây ra các
triệu chứng bệnh (như giun đũa gây đau bụng, tắc ruột, …; ký sinh trùng gây
cơn sốt rét, …).
1.5. Chu kỳ của ký sinh trùng
Chu kỳ (hay vòng đời) là quá trình phát triển của ký sinh trùng từ giai đoạn
non như trứng hoặc ấu trùng đến khi trưởng thành hoặc có khả năng sinh sản
hữu tính.
Ví dụ: muỗi đẻ trứng, trứng nở thành bọ gậy, bọ gậy nở thành quăng,
quăng lột xác trở thành muỗi trưởng thành. Toàn bộ quá trình đó là chu kỳ của
muỗi.
Quan niệm về chu kỳ là đường tròn khép kín, không gián đoạn, không có
điểm đầu hoặc điểm kết thúc. Mô tả chu kỳ bắt đầu từ đâu cũng được. Nhưng do
thói quen của trật tự nên thường mô tả chu kỳ từ mầm sinh vật đầu tiên.
Chu kỳ của ký sinh trùng được thực hiện hoặc ở trên vật chủ hoặc ở môi
trường tự nhiên gọi là ngoại cảnh (ngoại giới).
- Có chu kỳ thực hiện hoàn toàn ngoài ngoại cảnh: chu kỳ ruồi, muỗi…
- Chu kỳ thực hiện cả trong vật chủ và ngoại cảnh: chu kỳ sán lá….
- Chu kỳ chỉ thực hiện trong vật chủ: chu kỷ KSTSR, chu kỳ giun chỉ…
Có 5 kiểu chu kỳ thường gặp của ký sinh trùng.
- Kiểu chu kỳ 1 là chu kỳ đặc biệt và đơn giản nhất. Ký sinh trùng chỉ ở vật chủ
và do tiếp xúc sẽ sang vật chủ mới.
Ví dụ: ký sinh trùng ghẻ lây lan do tiếp xúc từ người này sang người khác.
Trung roi âm đạo lây do quan hệ tình dục.
- Kiểu chu kỳ 2 là chu kỳ mà ký sinh trùng từ vật chủ nhất thiết phải ra ngoài
ngoại cảnh, rồi mới vào vật chủ mới.
Ví dụ: giun đường ruột (giun đũa, giun tóc, giun móc/mỏ, …).
- Kiểu chu kỳ 3 là chu kỳ mà ký sinh trùng ở vật chủ đào thải mầm bệnh ra
ngoại cảnh. Từ ngoại cảnh mầm bệnh phải qua 1 hoặc nhiều vật chủ trung gian
mới trở lại vật chủ mới.
Ví dụ: chu kỳ sán lá gan nhỏ, sán lá phổi, sán dây, …
- Kiểu chu kỳ 4 là chu kỳ mà ký sinh trùng ở vật chủ đào thải mầm bệnh ra
ngoại cảnh. Từ ngoại cảnh mầm bệnh phải qua 1 hoặc nhiều vật chủ trung gian.
Sau đó lại phải qua ngoại cảnh mới vào vật chủ mới.
Ví dụ: chu kỳ sán lá ruột, sán lá gan lớn.
- Kiểu chu kỳ 5 là chu kỳ mà ký sinh trùng từ vật chủ truyền mầm bệnh vào vật
chủ trung gian, sau đó vật chủ trung gian lại đưa mầm bệnh vào vật chủ mới.
Ví dụ: chu kỳ ký sinh trùng sốt rét, giun chỉ.
Qua 5 chu kỳ trên, chu kỳ 1 và 2 được coi là chu kỳ đơn giản. Các chu kỳ
còn lại được coi là chu kỳ phức tạp. Chu kỳ ký sinh trùng càng đơn giản bao
nhiêu thì quá trình phát triển càng dễ dàng bấy nhiêu. Với ký sinh trùng gây
bệnh không thể thiếu được yếu tố vật chủ. Nếu thiếu vật chủ ký sinh trùng sẽ
chết, không hoàn thành được chu kỳ.
2. Đặc điểm của KST
Ký sinh trùng là những sinh vật nên có những đặc điểm chung của sinh vật,
nhưng cũng có những đặc điểm riêng về hình thể, cấu tạo cơ quan sinh sản và
sinh tồn.
2.1. Đặc điểm về hinh thể
Tuỳ từng loại, ký sinh trùng có hình thể và kích thước riêng. Đơn bào có
hình thể là một tế bào nhưng không thuần nhất. Đa bào có hình thể đơn giản
hơn: giun hình ống, sán lá hình lá dẹt, ký sinh trùng sốt rét còn thay đổi hình thể
tuỳ thuộc vào các giai đoạn của chu kỳ.
Kích thước ký sinh trùng rất khác nhau: từ vài micromét (như ký sinh trùng
sốt rét chỉ khoảng 3 – 4 µm) đến hàng chục mét (như sán dây bò dài 10 - 12 m).
Trong một loại ký sinh trùng, kích thước cũng rất khác nhau trong quá trình
phát triển (giai đoạn ấu trùng, giai đoạn trưởng thành của giun, sán…)
2.2. Đặc điểm về cấu tạo cơ quan
Ký sinh trùng là những sinh vật sống nhờ, ký sinh trùng cần có cấu tạo cơ
quan thích nghi với điều kiện sống ký sinh. Qua nhiều thế hệ sống nhờ, ký sinh
trùng có những thay đổi hình dạng và cấu tạo cơ quan để thích nghi hoàn toàn
với đời sống ký sinh: một số bộ phận không cần thiết sẽ bị thoái hoá mất đi và
một số bộ phận khác lại phát triển.
Các bộ phận không cần thiết sẽ bị thoái hoá hoặc mất đi hoàn toàn như các
cơ quan vận động, cơ quan tiêu hoá, … Các giác quan cũng hết sức đơn giản.
Ví dụ: - Sán lá sống trong nguồn thức ăn chọn lọc nên chỉ có bộ máy tiêu
hoá không hoàn chỉnh, ống tiêu hoá chỉ là ống đơn giản không có hậu môn.
- Sán dây không có ống tiêu hoá do tiêu hóa bằng thẩm thấu.
- Giun, sán không có cơ quan vận động.
Các bộ phận phát triển là các bộ phận thực hiện chức năng tìm vật chủ,
bám chắc vào vật chủ, chiếm thứ ăn.
Ví dụ: - Muỗi có hướng tính với mùi mồ hôi của vật chủ.
- Giun móc có răng – móc.
- Sán lá có hai giác bám.
2.3. Đặc điểm về sinh sản
Ký sinh trùng có nhiều hình thức sinh sản phong phú.
- Sinh sản vô tính (vô giới): như ký sinh trùng sốt rét, amíp tự phân chia thành
hai hoặc nhiều ký sinh trùng mới.
- Sinh sản hữu tính (hữu giới): ví dụ các loại giun đường ruột (giun đũa, giun
tóc, giun móc/mỏ).
- Sinh sản lưỡng tính (lưỡng giới): ví dụ các loại sán lá, sán dây.
Do vậy ký sinh trùng sinh sản nhanh, nhiều và dễ dàng (giun đũa một ngày
có thể đẻ được 20 vạn trứng, giun kim 10 vạn trứng, ruồi muỗi cũng đẻ hàng
trăm trứng).
Với đặc điểm này rất khó khăn cho việc thanh toán bệnh ký sinh trùng.
2.4. Đặc điểm về sinh tồn (đặc điểm sống)
Để sinh tồn, ký sinh trùng cần có điều kiện thích hợp như: nhiệt độ, độ ẩm,
ánh sáng, không khí, đất đai, …
- Môi trường tối thuận: là những điều kiện tốt nhất cho ký sinh trùng phát triển
(ví dụ như giun đũa ở ngoại cảnh cần nhiệt độ 25 - 27 oC, độ ẩm trên 80%, ánh
sáng khuyếch tán, … Trứng giun móc cần nhiệt độ 25 - 30oC, độ ẩm cao, ...).
- Môi trường tối thiểu là môi trường duy trì sự sống của ký sinh trùng (ví dụ với
Plasmodium falciparum cần 16oC, nếu thấp hơn thì ký sinh trùng ngừng phát
triển).
3. Ảnh hưởng qua lại giữa ký sinh trùng và vật chủ
3.1. Hội chứng ký sinh trùng
Khi ký sinh trùng xâm nhập vào vật chủ, có thể gây ra các bệnh tóm tắt
thành những hội chứng sau đây:
- Hội chứng thiếu, suy giảm dinh dưỡng do ký sinh trùng.
- Hội chứng viêm do ký sinh trùng.
- Hội chứng nhiễm độc do ký sinh trùng.
- Hội chứng nào - thần kinh do ký sinh trùng.
- Hội chứng thiếu máu do ký sinh trùng.
- Hội chứng tăng bạch cầu ưa axít do ký sinh trùng.
3.2. Đặc điểm chung của bệnh ký sinh trùng
- Gây bệnh lâu dài
- Bệnh thường mang tính vùng, địa phương
- Bệnh KST thường gắn chặt với điều kiện kinh tế xẫ hội
- Bệnh có ảnh hưởng rõ rệt của văn hóa - tập quán- tín ngưỡng – giáo dục
- Bệnh có liên quan trực tiếp với y tế và sức khỏe cộng đồng
3.3. Diễn biến của hiện tượng ký sinh và bệnh ký sinh trùng
Phản ứng của cơ thể vật chủ đối với ký sinh trùng. Cơ thể vật chủ có phản
ứng lại ký sinh trùng với những mức độ khác nhau. Có hai hình thức: phản ứng
tại chỗ và phản ứng toàn thân.
- Phản ứng tại chỗ: biểu hiện bằng các phản ứng tế bào (viêm, tăng sản, loạn
sản, …).
- Phản ứng toàn thân: có thể gây thay đổi thân nhiệt (sốt cao), tăng cường các
chức năng (như chức năng sinh huyết để bù đắp lượng máu bị mất do giun móc)
tạo ra các phản xạ mới để chống lại ký sinh trùng (viêm, sốt).
Kết quả của ảnh hưởng qua lại:
- Do phản ứng của vật chủ, ký sinh trùng bị chết (ấu trùng sán lợn bị vôi hoá).
- Ký sinh trùng không chết nhưng không hoạt động và gây bệnh.
- Ký sinh trùng gây bệnh với các mức độ bệnh khác nhau.
- Vật chủ bị ký sinh không bị bệnh.
- Vật chủ bị ký sinh và bị nhiễm bệnh nhưng chưa biểu hiện bệnh.
- Vật chủ bị bệnh (nhẹ, nặng hoặc có thể tử vong).
4. Định loại và phân loại ký sinh trùng y học
4.1. Định loại ký sinh trùng
Dựa vào hình thể, sinh thái, tính chất truyền bệnh, cấu trúc tế bào như
nhiễm sắc thể.
4.2. Phân loại ký sinh trùng
Phân loại ký sinh trùng theo trật tự: Giới - ngành - lớp - bộ - họ - giống -
loài.
Ví dụ: amíp giới động vật, ngành đơn bào (Protozoa), lớp chân giả
(Rhizopoda), bộ chân giả hình chồi (Amoedea), họ Amoebidea - Giống
Entamoeba - Loài histolytica.
Phân loại KST y học

5. Danh pháp dùng trong định loại ký sinh trùng


Để phục vụ định loại và phân loại, ký sinh trùng nhất thiết phải có tên khoa
học, giúp cho việc gọi tên ký sinh trùng được chính xác, thống nhất trong phạm
vi quốc tế. Thường dùng ngôn ngữ la tinh.
Ví dụ: Giun đũa ở nhiều nơi gọi là trùn ruột, hồi trùng, …: Ascaris
lumbricoides.
Tên khoa học của ký sinh trùng dùng phương pháp gọi kép hai chữ đại
diện cho giống và loài của ký sinh trùng, tên giống viết trước, tên loài viết sau.
Tên giống viết hoa chữ cái đầu, tên loài không viết hoa. Khi viết tắt chỉ được
viết tắt tên giống mà không đựoc viết tắt tên loài.
Ví dụ: A. minimus, A. dirus v.v…
BÀI 2 - ĐẠI CƯƠNG GIUN SÁN VÀ ĐƠN BÀO

Mục tiêu học tập:


1. Mô tả đặc điểm chung của giun sán và đơn bào ký sinh ở người.
2. Mô tả được cách phân loại giun sán và đơn bào ký sinh ở người.

Nội dung:
1. Đại cương giun ký sinh
1.1. Khái niệm
Giun là những động vật đa bào, bao bọc bên ngoài là lớp vỏ kytin, cấu tạo
cơ thể có những cơ quan riêng biệt. Giun bao gồm các loại giun ký sinh trên
động vật và thực vật, có nhiều loại giun sống tự do. Tuy nhiên đối tượng liên
quan chủ yếu tới y học bao gồm các loại giun ký sinh ở người và các động vật
khác có liên quan tới người có nghĩa là có thể lây truyền từ động vật sang
người.
Kích thước giun thay đổi tùy theo từng loài: từ vài mm như giun kim đến
vài chục cm như giun đũa.
Giun ký sinh theo phương thức bắt buộc, ký sinh vĩnh viễn trong cơ thể vật
chủ. Một số ít ký sinh theo phương thức tình cờ lạc chủ, chúng sống tạm thời ở
các mô của vật chủ, không phát triển tới giai đoạn trưởng thành.
Là lớp động vật rất phong phú về giống và loài.
Chia thành 2 lớp:
- Lớp giun tròn: liên quan nhiều đến y học (giun đũa, giun tóc, giun móc/mỏ,
giun kim, ...).
- Lớp giun đầu gai: liên quan nhiều đến thú y (Gnathostoma spp)
1.2. Tình hình bệnh giun ở Việt Nam
1.2.1. Đặc điểm bệnh giun
- Là bệnh phổ biến trên thế giới và Việt Nam.
- Tỷ lệ nhiễm tuỳ theo khu vực.
- Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm.
- Tình trạng nhiễm phối hợp.
- Tình trạng tái nhiễm nghiêm trọng và dễ dàng.
1.2.2. Nguyên nhân và điều kiện thuận lợi của bệnh giun
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để bệnh giun phát triển:
- Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm thuận lợi cho mầm bệnh giun tồn tại quanh năm (lò
ấp trứng).
- Vệ sinh môi trường còn nhiều tồn tại: phóng uế bừa bãi, dùng phân tươi bón
cây trồng, dùng phân nuôi cá… ® môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
- Vệ sinh cá nhân: có nhiều tập quán xấu trong sinh hoạt (ăn thức ăn sống),
không rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện bằng xà phòng…
- Chu kỳ đơn giản nên tỷ lệ nhiễm cao.
1.3. Cấu tạo
Cơ thể hình ống: thiết diện cắt ngang có hình tròn hoặc gần tròn, dài,
không chia đốt.
Cơ thể giun chia thành 3 phần: đầu, thân và đuôi
- Đầu giun: gồm cấu trúc miệng (có môi và giác bám).
- Thân giun: có lỗ sinh dục và lỗ bài tiết
- Đuôi giun: có hậu môn, ở con đực có gai giao hợp.
Cấu trúc giun từ ngoài vào trong gồm:
- Lớp vỏ kytin (cutin, cuticle, scleroprotein) bao bọc: đây là một loại
polychaccaride không tan trong nước, không tan trong môi trường kiềm và acid
loãng, các loài động vật có xương sống không thể nào tiêu hóa được kytin.
- Lớp biểu mô: chỉ có một lớp tế bào, có chỗ lồi ra ở 4 phía chia thân giun làm 4
phần (2 đường bên, đường lưng và đường bụng). Hai đường bên chứa đựng các
ống bài tiết, có các dây thần kinh.
- Lớp cơ: có 1 lớp cơ dọc.
- Cơ quan nội tạng.
+ Không có hệ hô hấp và tuần hoàn.
+ Hệ tiêu hóa: miệng, thực quản, ruột và hậu môn.
+ Hệ bài tiết: hai ống chạy dọc hai bên thân, có 1 ống nối ngang phía đầu,
đổ ra ngoài bằng lỗ bài tiết…
+ Hệ thần kinh: gồm 1 vòng nối các hạch TK quang thực quản: 6 sợi phía
trước và 6 sợi phía sau.
+ Hệ sinh dục đực: tinh hoàn, ống dẫn tinh, túi chứa tinh, ống phóng tinh
và gai giao hợp.
+ Hệ sinh dục cái: buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, âm đạo.
1.4. Một số đặc điểm chung
- Hầu hết giun tròn sinh sản đơn giới (có giun đực và giun cái).
- Đẻ trứng hoặc đẻ ra ấu trùng (giun chỉ bạch huyết).
- Vị trí ký sinh: đa số ký sinh ở ống tiêu hóa (ruột non, ruột già), hệ thống bạch
huyết, mô cơ. Một số bất thường di chuyển lạc chỗ tới các vị trí khác trong cơ
thể vật chủ.
- Đường xâm nhập: chủ yếu xâm nhập qua đường tiêu hóa, qua da (giun
móc/mỏ), qua côn trùng đốt (giun chỉ bạch huyết).
- Đường thải mầm bệnh giun sán ra khỏi cơ thể vật chủ chủ yếu theo đường thải
bã của ống tiêu hóa
- Dạng lây nhiễm: trứng có ấu trùng, ấu trùng (giun móc/mỏ, giun chỉ bạch
huyết).
- Chu kỳ: trực tiếp, gián tiếp, tự nhiễm (CK 1, 2, 5, tự nhiễm).
1.5. Phân loại
Theo vị trí ký sinh:
- Giun đường ruột:
+ Giun đũa (A. lumbricoides).
+ Giun tóc (T. trichiura).
+ Giun móc/mỏ (A. duodenale/N. americanus).
+ Giun kim (E. vermicularis)
+ Giun lươn (S. stercoralis)
- Giun ký sinh ở ruột và tổ chức: Giun xoắn (Trichinella spiralis)
- Giun ký sinh ở hệ thống bạch huyết: Giun chỉ bạch huyết (Brugia malayi,
Wuchereria bancrofti)
- Giun lạc chủ
2. Đại cương sán ký sinh
Dựa theo hình dạng, sán được chia thành 2 lớp:
- Lớp sán lá (Trematoda): cơ thể có hình lá, không chia đốt.
- Lớp sán dây (Cestoda): cơ thể dài như sợi dây, có chia đốt.
2.1. Đại cương sán lá ký sinh
2.1.1. Khái niệm
Sán lá ký sinh là những động vật đa bào, thân hình lá (trừ sán lá phổi có
hình hạt cà phê, sán máng có hình lòng máng), không có vỏ kytin bao bọc bên
ngoài cơ thể và không chia đốt.
Sán lá ký sinh vĩnh viễn trong cơ thể vật chủ, một số ký sinh theo phương
thức tình cờ lạc chủ, chúng sống tạm thời trong các mô của cơ thể vật chủ,
không phát triển tới giai đoạn trưởng thành.
2.1.2. Cấu tạo
Có hai hấp khẩu (mồm hút, miệng bám, giác bám, đĩa hút): kích thước có
thể bằng nhau hoặc khác nhau, vị trí ở gần nhau hoặc xa nhau tùy loài.
- Hấp khẩu ăn (hấp khẩu miệng): chức năng bám và ăn.
- Hấp khẩu bám (hấp khẩu bụng): chức năng bám.
Cấu trúc sán lá từ ngoài vào trong gồm:
- Lớp vỏ.
- Lớp hợp bào.
- Lớp cơ: gồm có cơ vòng, cơ dọc và cơ chéo.
- Lớp tế bào.
- Cơ quan nội tạng.
+ Không có cơ quan tuần hoàn, hô hấp
+ Cơ quan tiêu hóa: gồm miệng, hầu, thực quản, manh tràng, không có hậu
môn. Miệng là nơi thải những chất không được tiêu hóa.
+ Cơ quan thần kinh: gồm các hạch thần kinh, các nhánh thần kinh dọc
(lưng, bụng, bên) và vòng thần kinh.
+ Cơ quan sinh dục đực: tinh hoàn (hình khối, chia thùy, chia nhánh tùy
từng loài), ống dẫn tinh, gai giao hợp.
+ Cơ quan sinh dục cái: buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, tuyến dinh
dưỡng nuôi trứng.
+ Cơ quan bài tiết: tế bào tiền nguyên thận, ống nhỏ, ống dọc, bàng quang,
lỗ bài tiết.
2.1.3. Đặc điểm chung
- Sán lá sinh sản lưỡng giới (trong cơ thể sán lá có cả cơ quan sinh dục đực và
cơ quan sinh dục cái).
- Trứng: thường có nắp.
- Vị trí ký sinh: ở nhiều nơi trong cơ thể vật chủ (ruột, gan, phổi, mạch máu…).
- Đường xâm nhập: chủ yếu qua đường tiêu hóa.
- Dạng lây nhiễm: nang ấu trùng sán lá.
- Chu kỳ: phức tạp, có 1 - 2 vật chủ trung gian. Trong chu kỳ nhất thiết phải có
môi trường nước.
- Sán lá sống ký sinh trong môi trường yếm khí, lấy oxy từ glycogen khi chuyển
hóa
2.1.4. Phân loại
- Sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini).
- Sán lá gan lớn (Fasciola hepatica, Fasciola gigantica).
- Sán lá phổi (Paragonimus westermani)
- Sán lá ruột lớn (Fasciolopsis buski)
- Sán lá ruột nhỏ (Haplochis spp)
2.2. Đại cương sán dây
2.2.1. Khái niệm
Sán dây ký sinh là loài động vật đa bào, cơ thể dài và dẹt trông giống như
những dải băng, có vỏ kytin bao bọc bên ngoài và có chia đốt.
Sán dây ký sinh vĩnh viễn trong cơ thể vật chủ.
2.2.2. Cấu tạo
Cơ thể sán dây chia thành 3 phần:
- Đầu sán: là đốt đầu tiên, có hai họ
+ Họ Taenia: đầu tròn, có 4 hấp khẩu, có hoặc không có vòng móc, không
đẻ trứng.
+ Họ Bothriocephalus: đầu dài, có hai rãnh ở hai bên (rãnh ngoạm), có đẻ
trứng.
- Cổ sán: là đốt thứ hai, không có bộ phận rõ rệt nhưng có vai trò rất lớn đối với
sự phát triển của thân sán, các đốt mới được hình thành thay thế các đốt già
bằng cách nảy chồi từ đốt cổ.
Đầu và cổ là hai bộ phận quan trọng để sán sống dai dẳng và phát triển
trong cơ thể vật chủ trong khi những đốt sán rụng dần và bị tống ra khỏi cơ thể
vật chủ.
- Thân sán: từ đốt thứ ba, chia thành đốt non, đốt trưởng thành và đốt già.
+ Đốt non: chiều ngang lớn hơn chiều dài đốt, cơ quan sinh dục đực xuất
hiện, chưa có cơ quan sinh dục cái.
+ Đốt trưởng thành: chiều ngang bằng chiều dài đốt, cơ quan sinh dục đực
phát triển hoàn chỉnh, cơ quan sinh dục cái xuất hiện.
+ Đốt già: chiều ngang nhỏ hơn chiều dài đốt, cơ quan sinh dục thoái hóa,
cơ quan sinh dục cái phát triển hoàn chỉnh là tử cung chứa đầy trứng.
Mỗi đốt sán có một cơ cấu riêng biệt, khi bị tách rời ra, đốt sán vẫn có thể
sống và di chuyển.
Cấu tạo đốt sán từ ngoài vào trong gồm:
- Lớp vỏ
- Lớp đáy
- Lớp cơ (vòng, dọc)
- Lớp tế bào lớn
- Cơ quan nội tạng
+ Không có cơ quan tiêu hóa: sán lấy thức ăn bằng cách thẩm thấu qua
thân.
+ Cơ quan sinh dục đực: tinh hoàn, ống dẫn tinh, ống dẫn tinh chung, lỗ
sinh dục.
+ Cơ quan sinh dục cái: buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, âm đạo, lỗ
sinh dục.
+ Cơ quan bài tiết: mạng điều hòa, tế bào bài tiết, ống dọc, ống ngang, túi
bài tiết, lỗ bài tiết. Lỗ bài tiết được tái tạo khi một đốt rời khỏi thân sán.
+ Cơ quan thần kinh: chung cho tất cả các đốt, gồm 6 dây dọc.
2.2.3. Đặc điểm chung
- Chu kỳ: thuộc chu kỳ phức tạp, có 1 VCTG (riêng SDL có cả chu kỳ đơn
giản).
- Vị trí ký sinh: sán dây trưởng thành ký sinh ở ruột non, ấu trùng sán dây ký
sinh ở nhiều cơ quan khác nhau (tổ chức dưới da, cơ, gan, phổi, não, mắt, ...)
- Bệnh do sán dây ở người dưới dạng sán trưởng thành hoặc ấu trùng, đặc biệt là
bệnh ấu trùng rất nguy hiểm vì chúng ký sinh ở nhiều nơi trong cơ thể vật chủ.
Điều đó có nghĩa là người vừa là vật chủ chính, vừa là vật chủ phụ của sán dây.
2.2.4. Phân loại
- Sán dây lợn (Taenia solium)
- Sán dây bò (Taenia saginata).
3. Đại cương đơn bào ký sinh
3.1. Khái niệm
Là động vật đơn bào hình thành sớm nhất được gọi là động vật nguyên
sinh hay nguyên sinh động vật.
Là những sinh vật có cấu trúc đơn giản, cơ thể có cấu tạo là một tế bào
nhưng có khả năng thực hiện mọi chức năng của một cơ thể sống, không có tế
bào biệt hóa.
Có tới hang ngàn loại đơn bào khác nhau nhưng đa số đơn bào có đời sống
tự do để tồn tai ở ngoài môi trường tự nhiên. Một số đơn bào thích nghi với đời
sống ký sinh trong các vật chủ là người và động vật.
Có thể vô hại hoặc gây bệnh từ nhẹ đến nguy hiểm tính mạng.
3.2. Đặc điểm về cấu tạo
- Hình thể thô sơ, kích thước nhỏ nhất trong các loại ký sinh trùng. Tuy nhiên
mỗi loại đơn bào cũng có hình thể và kích thước khác nhau. Có loại kích thước
rất nhỏ như ký sinh trùng sốt rét nhưng có loại có kích thước rất lớn như trùng
lông.
- Màng tế bào: có tính thấm chọn lọc để trao đổi chất với môi trường bên ngoài
+ Có các cơ quan vận động (chân giả, roi, lông)
+ Gồm 2 lớp lipid và 1 lớp protein
+ Bảo vệ các cấu trúc bên trong.
+ Có các nút để gắn với tế bào vật chủ.
- Nguyên sinh chất: được chia thành hai phần
+ Ngoại nguyên sinh chất: tương đối mỏng, có chức năng chuyển động,
tiêu hóa thức ăn, hô hấp, bảo vệ. Chuyển động của đơn bào được thực hiện nhờ
sự kéo dài của ngoại nguyên sinh chất để tạo thành những cơ quan vận động
như chân giả (giả túc), lông chuyển, roi và màng vây.
+ Nội nguyên sinh chất: tương đối dày, có chức năng dinh dưỡng và sinh
sản với không bào co bóp (điều chỉnh áp lực thẩm thấu, bài tiết làm cho tế bào
không bị vỡ) và không bào tiêu hóa (tiêu hóa và dự trữ thức ăn).
+ Ty thể: tạo năng lượng.
+ Lưới nội bào: tạo và vận chuyển protein
- Nhân: là một trong những đặc điểm dùng để chẩn đoán phân biệt giữa các loài
đơn bào, là vật liệu di truyền, 1 hoặc 2 nhân, trung thể ở giữa và hạt nhiễm sắc
ngoại vi ở xung quanh. Vai trò của nhân là đảm bảo sự sinh trưởng, sinh sản và
các yếu tố di truyền của đơn bào.
3.3. Đặc điểm về vận động
- Di động bằng lông, bằng chân giả hoặc bằng roi (là sự kéo dài của ngoại
nguyên sinh chất).
- Bào tử trùng không có cơ quan vận động, chúng phải ký sinh cố dịnh trong các
tế bào của cơ thể vật chủ.
3.4. Đặc điểm về dinh dưỡng
Có 3 cách:
- Thẩm thấu các chất dinh dưỡng qua màng.
- Xâm chiếm theo kiểu thực bào.
 Tiêu hóa các chất nhờ hệ thống men: men tiêu hồng cầu, men tiêu tế bào,
men phân giải protein.
- Hấp thu tự nhiên như kiểu thực vật: chỉ gặp ở một số rất ít đơn bào coa cấu
trúc thô sơ chưa có nhiều tính chất biệt hóa hơn thực vật và vẫn còn giữ chức
năng chuyển hóa chất diệp lục.
3.5. Đặc điểm tạo bào nang
- Nguyên sinh chất của đơn bào co lại thành thể bào nang.
- Thể bào nang có sức đề kháng cao trong cơ thể vật chủ và ở ngoại cảnh  duy
trì sự sống.
- Đây là thể lây truyền của đơn bào.
3.6. Đặc điểm về khả năng sinh sản
- Sinh sản vô giới: đây là hình thức đơn giản nhất, đơn bào tăng số lượng bằng
cách phân đôi cơ thể, nhân lên liên tục tạo thể phân liệt, phân đôi cắt ngang,
chuyển dạng bào nang.
- Sinh sản hữu giới: là sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái.
- Sinh sản tiếp hợp: có sự tiếp hợp giữa hai tế bào. Có tác giả cho rằng đây cũng
là hình thức sinh sản hữu giới.
3.7. Đặc điểm về ký sinh
Vị trí ký sinh: ruột, mô, máu.
- Có loại ký sinh thường xuyên.
- Có loại ký sinh bất thường.
- Có loại hoại sinh chuyển sang ký sinh.
3.8. Đặc điểm về hô hấp
Đơn bào không có cơ quan hô hấp.
- Lấy oxy, thải carbonic theo cách khuếch tán.
- Lấy oxy, thải carbonic nhờ hệ thống men từ các chất hữu cơ.
- Lấy oxy thông qua sự tiếp thu khí carbonic như kiểu thực vật ở một số đơn
bào thô sơ.
3.9. Đặc điểm chu kỳ
- Đơn bào đường tiêu hóa và niệu sinh dục: chu kỳ đơn giản, 1 vật chủ là người,
không có vật chủ trung gian.
- Đơn bào máu và nội tạng: chu kỳ phức tạp, cần có vật chủ trung gian là côn
trùng chân đốt.
3.10. Đặc điểm tạo miễn dịch
Đa số các đơn bào khi xâm nhập vào cơ thể vật chủ đều có khả năng tạo
choc ơ thể vật chủ một sự đáp ứng miễn dịch tự nhiên. Tuy nhiên đáp ứng miễn
dịch này không bền vững, không ổn định, không đủ mạnh để giúp cơ thể vật chủ
phòng tái nhiễm.
Mức độ sinh kháng thể của đơn bào đủ để cho phép thực hiện các phản ứng
huyết thanh chẩn đoán. Người ta đã ứng dụng tính chất này để sản xuất ra
những bộ sản phẩm cho chẩn đoán miễn dịch các bệnh đơn bào có hiệu quả.
3.11. Phân loại
Có khoảng 50.000 loài. Để phân loại đơn bào người ta dựa vào cơ quan
vận động và phương thức vận động của đơn bào.
- Dựa vào cách di động:
+ Lớp Rhizopoda (chân giả): có cử động bằng chân giả
+ Lớp Flagellata (trùng roi): có cử động bằng roi
+ Lớp Ciliata (trùng lông): có cử động bằng lông
+ Lớp Sporozoa (bào tử trùng): có bào tử
- Dựa vào vị trí ký sinh:
+ Đơn bào tiêu hóa - tiết niệu - sinh dục
+ Đơn bào đường máu và nội tạng.
3.11.1. Lớp chân giả
- Là nguyên sinh động vật chuyển động bằng chân giả do sự kéo dài và co bóp
của nguyên sinh chất. Do vậy hình dạng của chân giả luôn biến đổi. Khi đơn
bào di chuyển về hướng nào thì có xu hướng phóng chân giả về hướng đó.
- Ký sinh ở ruột, ngoài ra loại amip này có hướng tinhsdi chuyển tới một số cơ
quan nội tạng hoặc tổ chức của cơ thể vật chủ và gây ra các hình thái bệnh ở các
nơi đó như áp xe gan, áp xe phổi, áp xe não.
- Có 1 nhân hoặc hai nhân.
- Sinh sản vô giới, có bào nang.
- Hiện nay, con người có xu thế nghiên cứu sâu về các bệnh amip ngoài ruột
bằng các kỹ thuật cao, đặc biệt là các kỹ thuật miễn dịch.
3.11.2. Lớp trùng roi
Là những động vật nguyên sinh cử động bằng một hoặc nhiều roi xuất phát
từ những gốc roi ở thân.
- Roi có thể tự do đi ra ngoài hoặc dính vào cơ thể  tạo thành màng vây
chuyển: chức năng vận động và bắt mồi.
- Cơ thể trùng roi có 1 màng bao bọc nên không sinh ra giả túc như amip.
- Có một nhân hoặc nhiều nhân.
- Giữa NSC có phần dày lên → sống thân.
- Phương thức sinh sản
+ Sinh sản vô giới: nhân phân đôi trước, thể gốc và thể cạnh gốc phân đôi sau.
Roi không phân chia. Phân đôi theo chiều dọc. Đa số trùng roi sinh sản theo
phương thức này.
+ Sinh sản hữu giới: một số ít trùng roi.
- Có bào nang hoặc không có bào nang.
- Trong một thời gian dài trước đây, người ta vẫn quan niệm là không gặp các
bệnh trùng roi đường máu hay nói một cách khác là chưa phát hiện được bệnh
này ở Việt Nam. Trong vài năm gần đây, nhờ các kỹ thuật chẩn đoán tiến bộ đã
phát hiện được một số ca bệnh trùng roi đường máu.

3.11.3. Lớp trùng lông


- Là những nguyên sinh động vật cử động bằng những lông mọc xung quanh cơ
thể. Trong tự nhiên có nhiều loại trùng lông sống trong môi trường nước, đặc
biệt là những chỗ nước bẩn. Tất cả trùng lông đều có mồm là chỗ lõm vào của
cơ thể
- Sinh sản vô giới bằng cách phân chia cơ thể theo trục ngang và sinh sản theo
hình thức tiếp hợp.
- Gây bênh ở người chỉ có Balantidium coli và là loài đơn bào lớn nhất ký sinh
ở người.
3.11.4. Lớp bào tử trùng
- Là những nguyên sinh động vật không có cơ quan vận động, đặc biệt khác với
các loại đơn bào của 3 lớp trên.
- Gây bênh ở người: Cryptosporidium, Plasmodium, Toxoplasma gondii.
- Phương thức sinh sản: vô giới và hữu giới.
BÀI 3 - ĐẠI CƯƠNG TIẾT TÚC VÀ NẤM KÝ SINH

Mục tiêu học tập:


1. Mô tả đặc điểm của tiết túc y học (hình thể, sinh thái, phương thức
truyền bệnh, tác hại).
2. Mô tả đặc điểm của vi nấm y học (hình thể, phương thức sinh sản, tác
hại, điều trị).
3. Phân tích vai trò gây bệnh của tiết túc và vi nấm y học.

Nội dung:
1. Đại cương tiết túc y học
1.1. Khái niệm
- Là những động vật đa bào không có xương sống, chân và cơ thể phân đốt đối
xứng 2 bên, ngoài được bao bọc bởi vỏ cứng kytin.
- Số lượng loài tiết túc trong tự nhiên rất lớn, chúng sống trong đất, nước hoặc
tự do bay nhảy.
- Môn tiết túc y học chỉ nghiên cứu về đặc điểm hình thể, sinh lý, sinh thái, vai
trò y học và cách phòng chống những loài có liên quan đến con người: muỗi, ve,
mò, bọ chét, chấy, rận, ghẻ, …
1.2. Hình thể
1.2.1. Cấu tạo bên ngoài
- Bao phủ cơ thể tiết túc là lớp vỏ kytin, lớp vỏ này không liên tục mà gián đoạn
theo từng phần cơ thể. Ví dụ: bọ chét, ghẻ, chấy, muỗi… Lớp vỏ kytin có tính
chất đàn hồi do đó tiết túc có thể lớn lên trong vỏ cứng. Tuy nhiên, do mức độ
đàn hồi hạn chế nên khi phát triển đến mức độ trưởng thành nào đó sẽ xảy ra
hiện tượng lột xác. Lớp vỏ cứng này có chức năng giống như da bao bọc, che
chở các cơ quan bên trong, hạn chế sự mất nước, ngoài ra còn có chức năng
giống như một bộ xương để các cơ bám vào đó tạo hình dạng của tiết túc. Lớp
vỏ cứng kytin bao bọc không thuần nhất, chỗ dày, chỗ mỏng, phần ngực thường
dày hơn được gọi là mai, giáp, khiên.
- Đa số tiết túc trưởng thành cơ thể có 3 phần: đầu, ngực, bụng (trừ lớp nhện).
+ Đầu: gồm đầy đủ các bộ phận như mắt, pan (xúc biện) có chức năng tìm
vật chủ, tìm vị trí hút máu và giữ thăng bằng, angten (râu) có chức năng định
hướng và bộ phận miệng. Đối với lớp nhện, đầu chỉ mang những bộ phận giúp
cho việc bám và lấy thức ăn nên gọi là đầu giả.
+ Ngực: thường có 3 đốt mang các bộ phận vận động như chân, cánh (nếu
có).
+ Bụng: chứa các cơ quan nội tạng, gồm cơ quan bài tiết, tiêu hóa, sinh
dục, … Bụng gồm nhiều đốt và một số đốt cuối trở thành bộ phận sinh dục
ngoài.
Ngoài ra, trên thân tiết túc còn có lông và vẩy. Vảy có thể sắp xếp thành
từng đám tạo nên đám màu hặc băng màu.
- Có con đực, cái riêng biệt.
1.2.2. Cấu tạo bên trong
Hoàn thiện hơn ngành giun sán.
- Hệ tiêu hóa: miệng là vòi để châm hút hoặc để gặm nhấm. Tiếp theo là họng,
thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn, có hai tuyến nước bọt để tiêu hóa dễ dàng.
- Hệ tuần hoàn: là hệ mạch hở. Máu không có nhiệm vụ vận chuyển oxy mà chỉ
mang chất dinh dưỡng.
- Hệ thần kinh: gồm những sợi thần kinh và hạch thần kinh.
- Hệ hô hấp: tiết túc thở bằng mang hoặc bằng khí quản tùy loại sống trên cạn
hay dưới nước.
- Hệ cơ: thuộc loại cơ vân, bám trực tiếp vào mặt trong lớp vỏ kytin để vận
động nhảy, bay, bơi, …
- Hệ bài tiết: có ống bài tiết ra ngoài.
- Hệ sinh dục: phát triển tương đối hoàn chỉnh
+ Cơ quan sinh dục đực: tinh hoàn, túi tinh, tuyến phụ, ống phóng tinh và
cơ quan giao hợp.
+ Cơ quan sinh dục cái: hai buồng trứng nối với ống dẫn trứng đến âm đạo.
Con cái thường chứa túi tinh, sau khi giao hợp với con đực, tinh trùng được
chứa trong túi này để thụ tinh được nhiều lần.
1.3. Chu kỳ
- Chu kỳ: là những sinh vật ký sinh tạm thời nên chu kỳ có giai đoạn tự do và
giai đoạn ký sinh. Chu kỳ của tiết túc có 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, thanh
trùng, con trưởng thành.
- Chu kỳ của tiết túc có thể thực hiện trên vật chủ và ở ngoại cảnh, nó phụ thuộc
vào các yếu tố như nhiệt độ, môi trường sống, thức ăn, …
1.4. Đặc điểm
- Bệnh do tiết túc: có 2 loại
+ Tiết túc truyền bệnh là chủ yếu: muỗi, bọ chét.
+ Tiết túc gây bệnh: rệp, ghẻ.
- Là ký sinh trùng đa thực: ký sinh trên nhiều vật chủ, chiếm thức ăn và truyền
bệnh từ động vật sang người và ngược lại.
- Thường gây các dịch bệnh nguy hiểm nên sử dụng làm vũ khí chiến tranh sinh
học.
1.5. Phân loại
Căn cứ vào cách thở, tiết túc được chia thành hai ngành phụ:
- Ngành phụ thở bằng mang: ít liên quan đến y học từ tôm, cua và ốc là vật chủ
trung gian của một số bệnh giun sán.
- Ngành phụ thở bằng khí quản: có liên quan nhiều đến y học. Có lớp nhện và
lớp côn trùng rất quan trọng đối với vai trò gây bệnh và truyền bệnh cho người.
+ Lớp nhện: con trưởng thành có 8 chân
+ Lớp côn trùng: chiếm 805 tổng số động vật không có xương sống. Con
trươgr thành có 6 chân. Phương thức ăn rất khác nhau: nghiền thức ăn, liếm
thức ăn, hút thức ăn (liên quan nhiều đến y học). Dựa vào quá trình phát triển,
côn tùng hút thức ăn được chia thành hai nhóm
 Nhóm có chu kỳ phát triển biến thái không hoàn toàn: các giai đoạn
ấu trùng có hình thái tương tự con trưởng thành, chỉ khác về kích thước, độ dài
cánh (nếu có cánh) và cơ quan sinh dục.
 Nhóm có chu kỳ phát triển biến thái hoàn toàn: các giai đoạn ấu trùng
và con trưởng thành rất khác nhau về ngoại hình và trải qua giai đoạn chuyển
tiếp là nhộng.

1.6. Vai trò


- Tiết túc gây bệnh trực tiếp. Ví dụ: ghẻ, rận, rệp, giòi ruồi sống ở các vết
thương.
-Tiết túc là vật chủ của các mầm bệnh: gồm 2 loại
+ Tiết túc là vật chủ trung gian: tôm, cua nước ngọt.
+ Tiết túc là vector truyền bệnh: muỗi, bọ chét, ...
- Tiết túc vận chuyển mầm bệnh: Truyền thụ động những tác nhân khác nhau và
rải rác phân tán mầm bệnh. Ví dụ: ruồi, gián.
1.7. Phương thức truyền bệnh
Có 6 phương thức truyền bệnh
- Truyền qua nước bọt: ký sinh trùng sốt rét, Trypanosoma, Rickettsia...
- Truyền qua dịch coxa: truyền bệnh sốt hồi quy.
- Truyền bệnh bằng cách phóng thích mầm bệnh trên da: truyền giun chỉ do
muỗi.
- Truyền qua chất bài tiết: Pediculus truyền bệnh sốt hồi quy, chấy rận…
- Truyền do ứ mửa ra mầm bệnh: bọ chét, muỗi cát truyền bệnh Leishmania...
- Truyền bệnh do tiết túc bị dập nát: nhiễm Rickettsia do chấy truyền.
1.8. Điều kiện sống và sự thích nghi
- Môi trường: Tiết túc có thể sống ở môi trường đất, nước hoặc không khí. Yếu
tố môi trường nhiều khi quyết định sự phân bos của tiết túc, chủ yếu là môi
trường nhỏ, là khoảng sống cần thiết của tiết túc. Tiết túc không có khả năng
làm thay đổi môi trường mà tìm đến các môi trường thích hợp
+ Đất: độ xốp, chất hữu cơ, …
+ Nước: pH, chất hữu cơ, chất hòa tan, muối hòa tan… có tính chất quyết
định sinh thái của tiết túc.
+ Không khí: độ thông gió cũng ảnh hưởng đến hoạt động sinh thái của tiết
túc.
- Khí hậu: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, mưa, gió, … Toàn bộ các yếu tố này tác
động đến sinh thái của tiết túc vì tiết túc có yêu cầu khí hậu riêng cho từng loài.
Những yếu tố khí hậu có thể tạo thuận lợi giúp cho tiết túc thực hiện chu kỳ,
phát triển, hoạt động với mức độ cao. Điều kiện tối thiểu chỉ giúp cho tiết túc
sinh tồn, nhưng khó phát triển và hoạt động. Trong những tháng rét lạnh, nhiều
loài có khả năng vượt đông để duy trì cuộc sống, nhưng không vận động hoặc
không phát triển đáng kể.
- Quần thể sinh vật: trong quan hệ quần sinh, tiết túc tránh những yếu tố không
thuận lợi và tìm đến những yếu tố thuận lợi. Không những tiết túc phải sống dựa
vào các sinh vật quần sinh mà còn phải sống dựa vào các chất thải của sinh vật
quần sinh.
- Sự đối phó của tiết túc: Tiết túc có thể thích nghi để đối phó với những yếu tố
chống lại chúng.
+ Tiết túc có thể khuếch tán tìm môi trường khác để sống thuận lợi hơn.
+ Nếu thiếu vật chủ thích hợp, tiết túc có thể tạm thời ký sinh ở những vật
chủ không thích hợp.
+ Tiết túc có thể chuyển hóa các hóa chất xua diệt chúng tạo nên sự quen
hoặc tạo sức đề kháng với hóa chất.
Sự đối phó của tiết túc với các yếu tố chống lại chúng đã tạo nên biến động
sinh thái của tiết túc. Vì vậy phải có biện pháp phòng chống tận gốc: cải tạo môi
trường và ngoại cảnh, nhân giống các sinh vật có khả năng diệt tiết túc.
1.8. Liên quan giữa sinh thái với dịch tễ học
- Đặc điểm về loại tiết túc: Bệnh do tiết túc truyền chỉ có thể phát sinh nếu có
mặt của tiết túc truyền bệnh. Những bệnh do tiết túc truyền nếu có phát sinh mà
không có mặt của tiết túc truyền bệnh sẽ chỉ được coi như là một bệnh truyền
nhiễm từ nơi khác đến. Những vùng sốt rét lưu hành là những vùng có nhiều
muỗi có khả năng truyền sốt rét. Những vùng đã thanh toán được bệnh sốt rét là
những vùng khống chế tốt muỗi truyền bệnh sốt rét bằng các biện pháp diệt
muỗi trong nhiều năm liên tục cùng với điều trị diệt ký sinh trùng sốt rét.
- Đặc điểm về mật độ: Sự có mặt của tiết túc truyền bệnh không quyết định khả
năng gây dịch nếu mật độ không đảm bảo mức cần thiết. Ví dụ: thường xuyên
có bọ chét ở chuột nhưng không dễ phát sinh dịch hạch. Mật độ tiết túc càng cao
thì khả năng, nguy cơ nhiễm bệnh càng nhiều. Mật độ tiết túc thay đổi theo mùa
vì sinh thái, hoạt động của tiết túc phụ thuộc vào khí hậu.
- Đặc điểm khuếch tán: Tính chất phân bố của vùng dịch bệnh phụ thuộc vào
yếu tố khuếch tán của tiết túc. Nếu tiết túc khuếch tán rộng thì bệnh lan rộng.
Tiết túc có thể khuếch tán chủ động (tự vận động hay di chuyển) hoặc khuếch
tán thụ động dựa vào các yếu tố tự nhiên (gió, lũ, nước chảy) hoặc các phương
tiện giao thông. Đối với các tiết túc sống lâu trên cơ thể vật chủ như chấy, rận,
ghẻ, ... thì điều kiện khuếch tán của tiết túc khó quyết định tính chất phân bố
của bệnh và dịch nếu như không khống chế được sự giao lưu của con người.
- Đặc điểm ăn: bao gồm thức ăn, phương thức ăn, sinh thái sau khi ăn, ... đều có
liên quan rõ rệt đến dịch tễ học các bệnh do tiết túc truyền.
+ Tiết túc hút máu: nếu chỉ hút máu người thì bệnh chỉ có thể lan truyền
giữa người, nếu hút máu người và động vật thì bệnh có thể lan truyền từ người
sang động vật và ngược lại.
+ Phương thức ăn: khả năng truyền bệnh của tiết túc cũng thay đổi theo
phương thức ăn. Ruồi cọ sát chân cánh khi ăn nên dễ gieo rắc mầm bệnh.
+ Muỗi thường đậu sau khi hút máu: dùng các chất diệt chúng phun lên
tường nhà
+ Thời gian tiêu hóa máu nhanh thường nguy hiểm vì luôn phải tìm mồi
mới.
- Đặc điểm tuổi thọ: Tuổi thọ khác nhau tùy loài và có lien quan mật thiết đến
dịch tễ học các bệnh do tiết túc truyền. Những tiết túc có tuổi thọ dài thường
nguy hiểm vì sẽ tạo được nhiều thế hệ và sẽ đủ thời gian để ký sinh trùng hoàn
thành chu kỳ trong tiết túc.
2. Đại cương nấm ký sinh
2.1. Khái niệm
- Là một loại thực vật hạ đẳng, có nhân và thành tế bào thực sự, không có chất
diệp lục để tổng hợp chất hữu cơ, chúng sống nhờ trên các chất huỷ hoại của
sinh vật khác (hoại sinh thực vật) hoặc sống ký sinh trên những sinh vật khác,
chiếm chất dinh dưỡng của những sinh vật đó nhờ hệ men phong phú, sinh sản
bằng bào tử.
- Cấu tạo: đơn bào hoặc đa bào
- Các loại nấm:
+ Ngoại hoại sinh: sinh vật đã chết.
+ Nội hoại sinh: chất cặn bã (phân, nước tiểu).
+ Thượng ngoại sinh: chất cặn bã trên da (mồ hôi, chất béo).
+ Nấm ký sinh: lấy chất dinh dưỡng và gây tác hại.
2.2. Đặc điểm chung
- Nấm phát triển không cần ánh sáng mặt trời: do không cần ánh sáng mặt trời
để quang hợp nên nấm có thể sống ở mọi nơi, mọi chỗ, xâm nhập vào tất cả các
cơ quan.
- Điều kiện để nấm phát triển: nhiệt độ và ẩm độ thích hợp là hai điều kiện quan
trọng và không thể thiếu được. Nếu tách rời từng điều kiện ra, nấm không thể
phát triển được. Ứng dụng đặc điểm này, trong nuôi cấy nấm phả có đủ điều
kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, muốn phòng bệnh nấm có hiệu quả phải tách
rời hoặc triệt tiêu hai điều kiện trên.
- Nấm phát triển trong mọi môi trường: Ngay cả môi trường rất nghèo thậm chí
không có chất dinh dưỡng nấm vẫn phát triển được. Vì vậy, vấn đề phòng chống
nấm khó khăn và trong kỹ thuật nuôi cấy, phân lập để định loại, chẩn đoán cần
phân biệt nấm gây bệnh với nấm tạp.
- Sinh sản nhanh, nhiều, dễ dàng. Chỉ cần một bào tử nấm là nấm đã có thể phát
triển thành một quần thể nấm. Vì vậy, điều trị và phòng chống phải triệt để để
loại trừ các bào tử nấm còn sót lại.
2.3. Vai trò của nấm
- Tác hại:
+ Gây rất nhiều bệnh cho người và động vật: gây bệnh nấm nội tạng ®
nguy hiểm và khó điều trị (bệnh cơ hội/suy giảm miễn dịch).
+ Gây nhiều tác hại về kinh tế: giảm năng suất cây trông, hư hỏng lương
thực, thực phẩm, dược phẩm và nhiều vật dụng khác (vải, dụng cụ quang học,
đồ da, …).
- Mang lại nhiều lợi ích:
+ Tiêu hủy 1 lượng rác khổng lồ.
+ Nông nghiệp: phân vi lượng, kháng sinh, dược phẩm cho thú y, …
+ Thực phẩm: thức ăn, rượu nho, …
+ Y học: kháng sinh (Penicilin, Streptomycin, Chloramphenicol)
2.4. Phân loại
- Whittaker (1969), chia SV thành 5 giới
- Giới nấm gồm 8 ngành, 3.700 giống khoảng 100.000 loài khác nhau
- Trong y học, được xếp vào 5 lớp:
+ Actinomycetes: không có bộ phận sinh sản
+ Nấm trứng (Phycomycetes)
+ Nấm nang (Ascomycetes)
+ Nấm đảm (Basidiomycetes)
+ Nấm bất toàn (Adelomycetes/Fungi Imperfecti)
- Theo cấu tạo bộ phận sinh dưỡng, nấm được chia thành 2 loại:
+ Nấm men.
+ Nấm sợi.
- Theo vị trí ký sinh, nấm chia thành 3 loại:
+ Nấm ngoại biện: da, lông, tóc, móng.
+ Nấm ở các hốc tự nhiện: miệng, tai, mũi, âm đạo.
+ Nấm nội tạng:
2.5. Hình thể
2.5.1. Bộ phận sinh dưỡng
Bộ phận sinh dưỡng của nấm có thể là sợi nấm hoặc tế bào nấm.
- Nấm men: Tế bào nấm hình tròn, hình bầu dục, kích thước 4 - 6 mm, tế bào
nấm ken đặc với nhau tạo thành vè nấm. Trên môi trường nuôi cấy gọi là khuẩn
lạc. Khuẩn lạc thường phẳng, tròn, có thể có màu sắc, có thể bong hoặc đục mờ,
trông giống khuẩn lạc của vi khuẩn.
- Nấm sợi: Sợi tơ nhỏ, hình ống. Sợi nấm chia nhánh, chằng chịt với nhau tạo
thành tảng nấm/vè nấm. Trên môi trường nuôi cấy được gọi là khuẩn lạc. Khuẩn
lạc thường có dạng mượt như nhung, long, …Sợi nấm có loại đường kính nhỏ,
có vách ngăn; có loại đường kính lớn hơn, không có vách ngăn. Vách ngăn có
thể ngăn cách hoàn toàn hoặc có các lỗ nhỏ để nguyên sinh chất có thể lưu
thong, đôi khi lỗ đủ lớn để nhân đi qua. Có loại sợ nấm có màu, có loại không
có màu.
+ Actinomycetes: Sợi nấm mảnh, ngang < 1mm, đặc bắt màu đều.
+ Ascomycetes, Basidiomycetes: Sợi nấm dày, ngang 2 - 5mm, hình ống, có
vách ngăn, trong mỗi vách ngăn có nhân và TBC
+ Phycomycetes: Sợi nấm dày, hình ống, không có vách ngăn
2.5.2. Bộ phận sinh sản
Các loài nấm đều có bộ phận sinh sản trừ trường hợp ngoại lệ với nấm
Actinomycetes. Nấm Actinomycetes không có bộ phận sinh sản, sợi nấm đứt ra
thành những đoạn nhỏ, khi rơi vào chỗ mới, gặp điều kiện thuận lợi phát triển
thành vè nấm.
Đối với các lớp nấm khác có những bộ phận sinh sản hữu giới hoặc vô giới
tùy theo phương thức sinh sản.
2.6. Phương thức sinh sản của nấm
Trừ lớp Actinomycetes không có bộ phận sinh sản và khuếch tán theo một
cách đặc biệt, các lớp nấm khác đều có phương thức sinh sản và khuếch tán hữu
giới hoặc vô giới.
2.6.1. Phương thức sinh sản hữu giới
- Nấm men: Sự phối hợp hai tế bào hạt men tạo thành túi và các bào tử túi.
- Nấm sợi:
+ Phương thức sinh sản và khuếch tán hữu giới bằng trứng: Từ hai sợi nấm
gần nhau thuộc cùng một vè hoặc hai vè nấm khác nhau nẩy ra hai chồi, hai
chồi ấy to dần, gặp nhau, nguyên sinh chất hoà hợp, hai nhân giao kết với nhau
thành một cái trứng. Lớp nấm trứng hoặc lớp Phycomycetes sinh sản theo
phương thức này.
+ Phương thức sinh sản và khuếch tán hữu giới bằng nang: Sau khi phát
triển một thời gian, trong một số sợi nấm, nhân của mỗi ngăn nấm chia thành
hai và ghép với nhân của ngăn nấm lân cận. Sau khi có trao đổi nhân, vè nấm
chuyển thành vè nấm hữu giới. Trong mỗi ngăn, nhân chia hai rồi chia 4, chia
tám thành nang bào tử. Nấm chuyển thành một nang chứa 4 - 8 nang bào tử, khi
nang vỡ giải phóng các bào tử phát triển thành nấm mới. Các loài nấm có khả
năng sinh sản bằng nang thuộc lớp nấm nang hoặc lớp Ascomycetes
+ Phương thức sinh sản và khuếch tán hữu giới bằng đảm: Sauk hi phát
triển một thời gian, một số sợi nấm chuyển thành hữu giới, trong mỗi ngăn ở
đầu sợi nấm, nhân chia hai rồi chia bốn. Đồng thời nấm mọc bốn ụ, mỗi nhân
vào một ụ để thành 4 đảm bào tử. Những nấm sinh sản theo phương thức này
thuộc lớp nấm đảm hoặc lớp Basidiomycetes.
2.6.2. Các phương thức sinh sản vô giới
Ngoài các phương thức sinh sản và khuếch tán hữu giới nói trên, nấm còn
có khả năng sinh sản và khuếch tán vô giới nghĩa là sự phân chia không có phối
hợp nhân.
- Nấm men (bào tử chồi): từ tế bào nấm mẹ, tế bào nấm con được hình thành
bằng cách nảy chồi, sau đó nhân chia đôi vào tế bào nấm mẹ và tế bào nấm con.
Các tế bào nấm con lớn dần lên đến khi đạt kích thước gần bằng tế bào nấm mẹ
thì tách khỏi tế bào nấm mẹ.
+ Phần lớn nấm chỉ sinh một chồi, một số ít nấm sinh nhiều chồi
(Paracoccidioides).
+ Một vài loại Candida có thẻ tạo sợi giả khi các tế bào con không tách
khỏi tế bào mẹ, vẫn tiếp tục nảy chồi và kéo dài. Phân biệt sợi nấm giả với sợi
nấm thật: sợi giả thường thắt hẹp ở chỗ có vách ngăn, các tế bào tận cùng
thường ngắn hơn hoặc bằng ngay sát tế bào tận cùng. Cá biệt có loại nấm men
sinh sản bằng cách phân đôi, tạo vách ngăn ở giữa (dạng men của Penicillium
marneffei).
- Nấm sợi:
+ Bào tử đốt: Sợi nấm có nhiều ngăn gần nhau, khi sợi đứt ngang các ngăn
thành các đốt. Mỗi đốt gọi là một bào tử đốt.
+ Bào tử chồi: Phía bên sợi nấm mọc lên 1 chồi gọi là bào tử chồi. Chồi to
dần, rụng ra khỏi thân nấm và có khả năng mọc thành nấm mới khi rơi vào môi
trường thích hợp.
+ Bào tử áo: Sauk hi phát triển một thời gian, nguyên sinh chất của sợi
nấm tập trung vào 1 điểm trở nên đặc, chiết quang, bao quanh là một vỏ dày gọi
là bào tử áo.
+ Bào tử thoi: Trong ngăn nấm, nhân chia hai, chia bốn hoặc chia tám.
Phòng nấm chuyển thành hình thoi và chia ra nhiều ngăn, mỗi ngăn có một
nhân. Khi thoi lớn vỡ rơi vào môi trường thích hợp, mỗi ngăn nhỏ có thể mọc
thành một sợi nấm mới
+ Bào tử phấn: Quanh sợi mọc các hạt rất nhỏ, trắng gọi là phấn. Khi sợi
nấm khô, phấn bay theo gió và sẽ mọc nấm mới.
+ Bào tử đính: Những hạt hình thể khác nhau mọc ở những bộ phận đặc
biệt của nấm.
 Bào tử đính lớn.
 Bào tử đính nhỏ.
 Bào tử đính hình chai: từ phía bên sợi nấm nảy ra một bộ phận hình
chai, ở miệng chai sinh ra những hạt tròn.
 Bào tử đính hình chổi: các hạt đính xếp thành chuỗi hình chổi.
 Bào tử đính hình hoa cúc: các hạt đính với nhau giống hình hoa cúc,
thùy theo cấu trúc có thể là cấu trúc đơn hoặc cấu trúc kép.
Có nhiều loài nấm không có khả năng sinh sản hữu giới mà chỉ có khả
năng sinh sản vô giới. Người ta xếp chúng vào lớp nấm bất toàn hay lớp
Adelomycetes.

Bảng phân loại nấm

Hình thể Phương thức sinh sản Giống nấm

Nấm sợi đặc Actinomycetes


- Sinh sản hữu giới
+ Bằng trứng, không ngăn ---------------------> Phycomycetes
Nấm sợi
+ Bằng nang -------------------------------------> Ascomycetes
hình ống
+ Bằng đảm --------------------------------------> Basidiomycetes
- Không có bộ phận sinh sản hữu giới --------> Adelomycetes

2.7. Nuôi cấy nấm


2.7.1. Môi trường nuôi cấy
- Các vi nấm dễ nuôi cấy, không đòi hỏi môi trường khó khăn như vi khuẩn, để
mọc được vi nấm cần:
+ Hydrat cacbon.
+ Đạm hữu cơ hoặc vô cơ ( nitrat, ammonium…).
+ Muối khoáng: P, K, Mn, Ca, S…
+ Nước.
- Môi trường Sabouraud là môi trường cơ bản trong vi nấm học chỉ cần ( pepton
1% và glucose 2%). Tuy nhiên không có môi trường nào là lý tưởng với mọi
loại nấm, việc lựa chọn môi trường thích hợp phụ thuộc vào bệnh phẩm và loại
nấm nghi ngờ có trong bệnh phẩm. Môi trường có kháng sinh dùng khi bệnh
phẩm có thể tạp nhiễm các vi khuẩn. Môi trường có actidion (cycloheximid,
chất kháng quá trình tổng hợp protein ở tế bào nhân thực), ức chế được các loại
nấm hoại sinh tuy nhiên cũng ức chế một số nấm gây bệnh. Do đó cần nuôi cấy
trong môi trường có kháng sinh và môi trường không có bất cứ loại kháng sinh
nào.
- Một số nấm khó nuôi cấy, cần môi trường đặc biệt: nấm lang ben (môi trường
Sabouraud có phủ dầu olive, môi trường CHROMagar TMMalassezia, môi trường
Dixon, môi trường Leeming - Notman), nấm Cryptococus neoformans (môi
trường L - dopa), với nấm lưỡng dạng nên cho them 5% - 10% máu cừu.
2.7.2. Nhiệt độ nuôi cấy
Tốt nhất là nuôi cấy ở nhiệt độ 30oC, gần với nhiệt độ phát triển tối ưu của
nhiều loại nấm. Có thể nuôi cấy ở nhiệt độ phòng, nhìn chung sự thay đổi nhiệt
độ ban ngày - ban đêm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của nấm, mặt khác
các nấm gây bệnh thương mọc chậm. Ở nhiệt độ 37oC vi khuẩn thường mọc rất
nhanh và một số loại nấm không mọc được ở nhiệt độ này nên chỉ ứng dụng khi
phát hiện dạng men của nấm lưỡng dạng.

2.7.3. Tốc độ mọc nấm


- Nấm thường mọc chậm hơn vi khuẩn, nhanh nhất là nấm hạt men khoảng 24 -
48 giờ. Do đó khi muốn phân lập nấm từ bệnh phẩm phải cho thêm kháng sinh
vào môi trường để ức chế vi khuẩn.
- Các nấm hoại sinh thường mọc nhanh hơn nấm sinh bệnh. Do đó khi lấy bệnh
phẩm cần phương pháp vô khuẩn và cho thêm Actidione là một loại kháng sinh
kháng nấm hoại sinh.
- Một số nấm gây bệnh có hiện tượng lưỡng hình:
+ Khi cấy trên môi trường giàu chất dinh dưỡng, ủ ở 37 0c, hoặc khi ở cơ thể vật
chủ, nấm có dạng hạt men.
+ Khi cấy trên môi trường nghèo chất dinh dưỡng, ủ ở nhiệt độ phòng thí
nghiệm, hoặc ở ngoại cảnh, nấm có dạng sợi.
2.7.4. Thời gian nuôi cấy
Nấm thường mọc chậm do đó cần theo dõi trong 4 - 6 tuần trước khi kết
luận âm tính.
2.8. Tính chất gây bệnh của nấm
- Bệnh do nấm gây ra có diễn biến cấp tính hoặc mạn tính.
- Tổn thương biểu hiện dưới nhiều hình thái:
+ Ở da: tổn thương có hình vòng tròn, có vẩy đỏ, hình hạt nước nhỏ li ti, có
trường hợp bị nhiễm trùng gây mủ...
+ Ở cơ quan nội tạng: gây biến dạng cơ quan.
+ Ở hốc tự nhiên: tạo thành các màng giả gây ngứa.
+ Ở tóc: nốt sần, tóc có thể rụng.
- Nấm gây bệnh ký sinh trên cơ thể có thể gây độc như Aspergillus flavus
- Bệnh do nấm gây ra có tổn thương tại chỗ hoặc toàn thân
+ Tại chỗ: làm tăng sinh tế bào da dày và biến dạng.
+ Toàn thân: thay đổi huyết thanhgiúp cơ thể sinh ra kháng thể và miễn
dịch.
BÀI 4 - ĐẠI CƯƠNG BỆNH HỌC KÝ SINH TRÙNG

Mục tiêu học tập:


1. Phân tích đặc điểm dịch tễ học bệnh ký sinh trùng
2. Phân tích tác hại của ký sinh trùng
3. Kể tên các phương pháp chẩn đoán bệnh ký sinh trùng
4. Phân tích cơ chế tác động của thuốc điều trị ký sinh trùng.

Nội dung:
1. Đặc điểm dịch tễ học bệnh ký sinh trùng
1.1. Nguồn bệnh
Mầm bệnh (ký sinh trùng, trứng, ấu trùng…) có thể có trong vật chủ, sinh
vật truyền bệnh, các ổ bệnh hoang dại, xác súc vật, phân, chất thải, đất, nước,
rau cỏ, thực phẩm…
1.2. Đường thải mầm bệnh
Ký sinh trùng ra ngoại cảnh, môi trường hoặc vào vật chủ khác bằng nhiều
cách:
- Qua phân như nhiều loại giun sán (giun đũa, giun tóc, giun móc/mỏ…)
- Qua chất thải như đờm (sán lá phổi)
- Qua da như nấm gây bệnh hắc lào hoặc ấu trùng ruồi Dracunculus
medinensis
- Qua máu, từ máu qua sinh vật trung gian như ký sinh trùng sốt rét hoặc
giun chỉ bạch huyết
- Qua dịch tiết từ vết lở loét như ấu trùng giun chỉ Onchocerca volvulus
- Qua xác vật chủ như sán Echinococcus granulosus
- Qua nước tiểu như trứng sán máng Schistosoma haematobium
1.3. Đường xâm nhập
Ký sinh trùng ra bằng nhiều đường và cũng có thể vào cơ thể vật chủ bằng
nhiều đường khác nhau:
- Đường tiêu hóa qua miệng: hầu hết các loại giun sán, đơn bào đường tiêu
hóa đều vào cơ thể qua miệng như: giun đũa, giun tóc, sán lá gan, amip
- Đường tiêu hóa qua hậu môn: ấu trùng giun kim
- Đường da rồi vào máu: ký sinh trùng sốt rét, ấu trùng giun chỉ, trùng roi
đường máu và nội tạng (Trypanosoma sp, Leishmania sp), giun móc, nấm, ghẻ.
- Đường da rồi ký sinh ở da hoặc tổ chức dưới da: nấm da, ghẻ
- Đường hô hấp: nấm phổi, trứng giun
- Đường nhau thai: bệnh Toxoplasma gondii bẩm sinh hoặc ký sinh trùng sốt
rét
- Đường sinh dục: trùng roi Trichomonas vaginalis
1.4. Khối cảm thụ
Khối cảm thụ là một trong các mắt xích có tính quyết định trong dịch tễ
học bệnh ký sinh trùng
- Tuổi: cơ hội nhiễm hầu hết mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, có sự khác biệt về
cường độ nhiễm và tỷ lệ nhiễm ở một số bệnh ký sinh trùng là do các yếu tố
không phải là tuổi như tập quán vệ sinh.
- Giới: không có sự khác nhau, trừ một vài bệnh như: trùng roi âm đạo
Trichomonas vaginalis thì nữ nhiễm nhiều hơn nam
- Nghề nghiệp: do đặc điểm ký sinh trùng liên quan mật thiết với sinh địa
cảnh, tập quán… nên trong bệnh ký sinh trùng thì tính chất nghề nghiệp rất rõ
rệt ở một số bệnh:
+ Bệnh sốt rét: tỷ lệ nhiễm cao ở nhóm người làm rừng, khai thác mỏ ở
vùng rừng núi
+ Giun móc/mỏ: ở nông dân trồng hoa, rau màu
+ Bệnh sán máng vịt: ở nông dân vùng trồng lúa nước
- Nhân chủng: có một số bệnh ký sinh trùng có tính chất nhân chủng khá rõ
+ Màu da: người da vàng dễ nhiễm sốt rét, tiếp đến người da trắng. Người
da đen ít nhạy cảm với sốt rét nhất
- Cơ địa: ảnh hưởng đến tình trạng nhiễm ký sinh trùng
- Khả năng miễn dịch: của đa số vật chủ chống lại sự nhiễm của ký sinh
trùng không mạnh.
+ Trẻ em nhiễm giun đũa nhiều hơn người lớn
+ Người bị nhiễm HIV/AIDS dễ bị nhiễm trùng cơ hội Toxoplasma
gondii, nấm Aspergillus sp.
1.5. Các yếu tố khác
1.5.1. Yếu tố môi trường tự nhiên
- Bao gồm: đất, nước, không khí, thổ nhưỡng, khu hệ động vật, khu hệ
thực vật, … ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của ký sinh trùng và bệnh
ký sinh trùng.
- Khung cảnh địa lý và thổ nhưỡng phong phú, khu hệ động – thực vật phát
triển thì khu hệ ký sinh trùng phát triển.
- Môi trường do con người tạo ra: bản làng, đô thị, đường giao thông, công
trình thủy lợi, … có ảnh hưởng rất lớn tới mật độ và phân bố của ký sinh trùng.
1.5.2. Thời tiết khí hậu
- Có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ký sinh trùng, đặc biệt giai
đoạn sống và phát triển ở ngoại cảnh
+ Khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều thì khu hệ ký sinh
trùng phong phú, bệnh ký sinh trùng phổ biến và ngược lại
1.5.3. Các yếu tố xã hội
- Có thể nói có rất nhiều bệnh ký sinh trùng là bệnh xã hội
- Kinh tế, văn hóa, giáo dục, phong tục tập quán, hệ thống chính trị, tôn
giáo, hệ thống y tế, … có tính quyết định đến ký sinh trùng và bệnh ký sinh
trùng
1.6. Phân tích đặc điểm dịch tễ học bệnh ký sinh trùng (ca lâm sàng)
2. Tác hại của ký sinh trùng
2.1. Đặc điểm của bệnh ký sinh trùng
Bệnh ký sinh trùng có 5 đặc điểm sau:
- Bệnh ký sinh trùng có tính phổ biến theo vùng/địa phương.
- Bệnh ký sinh trùng mang tính chất có thời hạn rõ rệt.
- Bệnh diễn biến lâu dài hàng tháng, năm
- Bệnh biểu hiện âm thầm, lặng lẽ.
- Bệnh mang tính xã hội.
2.2. Các yếu tố ảnh hưởng tới hiện tượng ký sinh và bệnh ký sinh trùng
- Loại ký sinh trùng: to nhỏ, vị trí ký sinh, phương thức ký sinh, sinh chất
chúng chiếm, chất tiết và chất thải của chúng trong quá trình ký sinh, tuổi thọ.
- Số lượng ký sinh trùng ký sinh: có ảnh hưởng tới sinh chất của vật chủ và
gây biến chứng (nhất là ký sinh trùng lớn, số lượng ký sinh nhiều)
- Tính di chuyển của ký sinh trùng: có thể gây các biến chứng hoặc lan tỏa
bệnh
- Phản ứng của vật chủ chống lại hiện tượng ký sinh: tác hại của sự ký sinh
nhiều ít một phần phụ thuộc vào phản ứng của vật chủ.
2.3. Tác hại của ký sinh trùng và bệnh ký sinh trùng
2.3.1. Tác hại tại chỗ
- Gây đau, viêm loét: giun tóc, giun móc/mỏ
- Gây kích thích: do chấn thương, do độc tố… làm cho ký sinh trùng có
những kích thích khác nhau (sẩn ngứa, ngứa hậu môn ban đêm, dị ứng, ngứa:
muỗi, giun đốt)
- Gây tắc cơ học: do ký sinh trùng có kích thước lớn; nhiều ký sinh trùng
hoặc có yếu tố bất thường làm ký sinh trùng cuộn tròn với nhau thành búi gây
tắc… (giun đũa, sán lá gan nhỏ, giun chỉ bạch huyết, …)
- Gây chèn ép, kích thích tại chỗ và lan tỏa: ấu trùng sán dây lợn, …
- Phản ứng viêm, thay đổi tế bào mô tại nơi ký sinh trùng ký sinh: tăng
sinh, phì đại, biến đổi tế bào, …
2.3.2. Tác hại toàn thân
- Chiếm thức ăn: lượng thức ăn bị tiêu hao phụ thuộc loại ký sinh trùng, số
lượng ký sinh trùng và khả năng phục hồi của cơ thể vật chủ.
- Gây độc: do ký sinh trùng tiết độc tố (giun đũa tiết Ascaron; ký sinh
trùng sốt rét, giun móc…)
- Gây chấn thương: tại chỗ bám ký sinh. Mức độ phụ thuộc số lượng ký
sinh trùng; loại ký sinh trùng và viêm nhiễm kết hợp chấn thương.
- Vận chuyển mầm bệnh vào cơ thể: (ấu trùng giun móc xuyên da; a míp di
chuyển mang theo vi khuẩn từ ruột lên gan, phổi…)
3. Chẩn đoán bệnh ký sinh trùng
3.1. Chẩn đoán lâm sàng, xét nghiệm, dịch tễ
- Chẩn đoán lâm sàng: phần lớn biểu hiện lâm sàng bệnh ký sinh trùng là
âm thầm, lặng lẽ, kéo dài, ít đặc hiệu nhưng cũng có loài gây bệnh cấp tính như
sốt rét, giun xoắn, sán lá gan lớn. các triệu chứng lâm sàng thường giúp việc
định hướng bệnh
- Chẩn đoán xét nghiệm: để xác định chắc chắn có nhiễm ký sinh trùng
không và nhiễm loại nào trong tuyệt đại đa số trường hợp là phải dùng xét
nghiệm giúp khẳng định bệnh
- Chẩn đoán dịch tễ học, vùng: do đặc điểm ký sinh trùng và bệnh ký sinh
trùng liên quan mật thiết tới môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, các yếu
tố địa lý, kinh tế - xã hội, phong tục tập quán, hành vi, …nên việc phân tích các
đặc điểm trên là rất cần thiết cho việc chẩn đoán
3.2. Chẩn đoán cá thể, hàng loạt
Có 2 cách chẩn đoán:
- Chẩn đoán cá thể: nhằm chữa và phòng cho người mắc bệnh.
- Chẩn đoán hàng loạt/cộng đồng: nhằm đánh giá toàn bộ tình hình bệnh
của một địa phương làm cơ sở cho việc phòng chống, điều trị trên quy mô lớn
3.3. Chẩn đoán trực tiếp, gián tiếp
Có 2 kỹ thuật áp dụng trong chẩn đoán:.
- Chẩn đoán trực tiếp: tìm ký sinh trùng (con trưởng thành, trứng, ấu trùng,
bào nang, …).
+ Đãi phân tìm con trưởng thành như con giun, con sán, đốt sán. Ép mô tìm
ấu trùng sán dây, ấu trùng giun xoắn, …Làm tiêu mô/cơ tìm ấu trùng giun xoắn,
nang sán. Làm tiêu chất sừng để tìm nấm, …
+ Xét nghiệm vi thể: với nhiều loại bệnh phẩm khác nhau, nhiều kỹ thuật
khác nhau, có thể xét nghiệm trực tiếp hoặc làm tập trung ký sinh trùng để tìm
dễ hơn, có thể xét nghiệm định tính hoặc cả định lượng, xét nghiệm tìm ký sinh
trùng sống hoặc chết, xét nghiệm tự nhiên hoặc nhuộm sống hoặc nhuộm chết
với mục đích tìm sự có mặt của trứng, ấu trùng, bào nang của ký sinh trùng
trong bệnh phẩm.
+ Nuôi cấy bệnh phẩm: cấy phân để tìm ấu trùng giun móc/mỏ, amip. Cấy
da, lông, tóc, dịch các hốc tự nhiên hoặc dịch tổ chức vào môi trường thích hợp
để tìm nấm ký sinh.
- Chẩn đoán gián tiếp: để xác định sự có mặt của ký sinh trùng hoặc hiện
tượng ký sinh. Trong rất nhiều trường hợp khó hoặc không thể tìm trực tiếp ký
sinh trùng nên phải áp dụng các phương pháp chẩn đoán gián tiếp. Hơn nữa các
phương pháp gián tiếp không những chỉ áp dụng cho chẩn đoán mà còn rất quan
trọng cho nghiên cứu.
+ Thử nghiệm lẩy da nội bì
+ Các phản ứng huyết thanh học
+ Phản ứng cố định bổ thể
+ Các phương pháp miễn dịch men
+ Các kỹ thuật sinh học phân tử
+ Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh
4. Điều trị bệnh ký sinh trùng
4.1. Nguyên tắc điều trị bệnh ký sinh trùng
Cần phối hợp các phương pháp:
- Điều trị đặc hiệu: giải quyết căn nguyên của bệnh.
- Điều trị toàn diện và phối hợp: nâng cao thể trạng và chữa các bệnh kết
hợp.
- Điều trị hàng loạt: khi bệnh có quy mô lớn, cần điều trị hàng loạt mới có
thể khống chế được bệnh, tránh lây lan và tái nhiễm.
4.2. Chọn thuốc điều trị bệnh ký sinh trùng
- Có hiệu lực và hiệu quả cao trong điều trị ký sinh trùng.
- Tác dụng chữa nhiều loại ký sinh trùng đồng thời.
- Ít độc, ít tác dụng không mong muốn, có thể dùng một số lần trong năm.
- Có thể dùng cho trẻ nhỏ và đối tượng đặc biệt khác.
- Đơn giản, dễ dàng và tiện sử dụng.
- Giá thành thuốc chấp nhận được.
- Dễ kiếm, dễ mua, dễ bảo quản.

You might also like