You are on page 1of 5

THÀNH TỰU CỦA ABRAHAM MASLOW TRONG LĨNH VỰC ĐIỀU DƯỠNG

TOÀN DIỆN

Năm 2020 đánh dấu kỉ niệm 50 năm kể từ ngày mất của cố nhà Tâm lý học Abraham Maslow.
Được đánh giá là một trong những nhà Tâm lý học vĩ đại nhất Hoa Kỳ, Maslow vẫn có sức ảnh
hưởng lên rất nhiều lĩnh vực thiết thực như giáo dục, tham vấn Tâm lý, cho tới quản trị và
đương nhiên là cả lĩnh vực điều dưỡng. Tầm ảnh hưởng của ông lên nghiên cứu về động lực
con người chưa bao giờ mất đi - và thậm chí còn trở nên mạnh mẽ hơn trong thế kỉ 21, đặc biệt
là ở các nước châu Á đang phát triển. Mặc dù mô hình tháp nổi tiếng mô tả “cấp bậc nhu cầu
con người” của Maslow đã trở nên quen thuộc với các điều dưỡng với định hướng toàn diện,
những điểm khác trong nghiên cứu của Maslow vẫn xứng đáng nhận được sự chú ý ngày nay.
Sau khi tóm tắt lại sự nghiệp lớn lao của ông, tôi sẽ tập trung vào hai khía cạnh đặc biệt liên
quan đến điều dưỡng: cụ thể là tầm quan trọng của lòng biết ơn và lòng tự trắc ẩn đối với sự
hiệu quả trong nghề điều dưỡng.

Một nhà lý thuyết và người thầy lý tưởng

Sinh năm 1908 trong một gia đình di cư người Nga - Do Thái, Maslow lớn lên tại thành phố
New York, nơi ông sớm hình thành tình yêu với việc đọc sách - và khát khao khiến thế giới trở
nên tốt đẹp hơn. Sau khi loay hoay tại trường Đại học Cornell và Trường Cao đẳng Thành phố
New York, ông chuyển sang trường Đại học Wisconsin nơi ông cuối cùng cũng tìm thấy được
“tiếng gọi” của mình trong Tâm lý học và hoàn thành bằng Tiến sĩ. Nhiều thập kỷ sau, khi nhìn
lại, Maslow đã so sánh trải nghiệm phấn khởi này giống như trải nghiệm khi yêu.

Đến giữa những năm 1930, Maslow đã bị thu hút bởi các nghiên cứu của Alfred Adler - một bác
sĩ người Áo đã xây dựng lý thuyết tích cực về nuôi dưỡng sự phát triển lành mạnh của trẻ em,
đời sống gia đình hòa thuận và sự an lạc của người trưởng thành; những lý thuyết này đã giúp
ích rất nhiều trong các lĩnh vực y tế, tâm lý, công tác xã hội và các lĩnh vực liên quan khác. Sau
khi chuyển về lại thành phố New York, Maslow trở nên thân thiết với Adler, và đến giữa những
năm 1940, ông đã phát triển một hệ thống riêng biệt của mình về động lực con người.

Maslow đã khái niệm hóa nhu cầu con người theo một kim tự tháp với năm cấp bậc. Theo cấp
bậc từ thấp nhất tới cao nhất, chúng ta có yếu tố sinh lý, sự an toàn, sự thuộc về, lòng tự trọng
và sự tự hiện thực hóa (xin xem hình ảnh minh họa p.23). Khi một nhu cầu thấp hơn ít nhiều
được thỏa mãn, thì nhu cầu cao hơn tiếp theo sẽ chiếm sự chú ý của chúng ta, cho đến khi nó
cũng được thỏa mãn. Nhu cầu cao nhất chính là “trở thành tất cả những gì một người có khả
năng trở thành” trong tất cả các khía cạnh sở thích, tài năng và khả năng.

Maslow khẳng định rằng chúng ta không bao giờ vượt quá nhu cầu cao nhất này - và
rằng ngay cả khi cao tuổi, con người vẫn có khả năng bẩm sinh để phát triển và hoàn thiện tính
cách. Trong các bài viết sau này, Maslow cũng xác định nhu cầu của chúng ta về sự tôn trọng
(cả nhu cầu cảm thấy được tôn trọng và cảm thấy tôn trọng đối với người khác), ông đặt nó
giữa lòng tự trọng và sự tự hiện thực hóa. Chính xác là nhờ sự khai sáng này, ngành đào tạo
điều dưỡng đã tăng cường tầm quan trọng của chuẩn mực đạo đức trong việc điều trị cho tất
cả bệnh nhân, bất kể tuổi tác hoặc mức độ thương tật của họ.

Trong những năm 1950 và 1960, Maslow là người đứng đầu ngành Tâm lý tại trường Đại học
Brandeis và là một là lí thuyết với nhiều thành tựu. Các cuốn sách của ông, như cuốn “Động lực
và Tính cách” (Motivation and Personality), “Hướng tới Tâm lý của sự sống” (Towards a
Psychology of Being), “Quản trị Eupsychian” (Eupsychian Management), không những giúp
phân loại lĩnh vực Tâm lý học nhân văn (humanistic psychology) mà còn bổ trợ cho các lĩnh vực
quản trị mới và điều dưỡng toàn diện. Nổi bật trong những lĩnh vực đa dạng này là sự nhấn
mạnh của Maslow về sự phát triển tính cách, sự sáng tạo, những trải nghiệm đỉnh cao (là
những giây phút vui vẻ và có ý nghĩa trong cuộc sống), và phát huy tối đa tiềm năng của cá
nhân. “Tâm lý học nhân văn bao gồm sự chấp nhận con người như họ vốn là với cốt lõi bên
trong của họ…”, Maslow (1996) đã viết, “Chúng ta nỗ lực để tạo điều kiện cho con người trở
nên khỏe mạnh và có hiệu suất cao theo cách của riêng họ (p.28). Nhiều thập kỷ trước khi
nghiên cứu khoa học cung cấp bằng chứng chắc chắn, ông đã gợi ý rằng sức khỏe tối ưu có
liên quan đến yếu tố cảm xúc; rằng những cảm xúc tiêu cực như nỗi buồn và sự bực bội ảnh
hưởng đến cơ thể, mà những cảm xúc tích cực, như là những cảm xúc được tạo ra từ các trải
nghiệm đỉnh cao, có thể tăng cường sức sống cho cơ thể. Về khía cạnh này, Maslow đã chịu
ảnh hưởng bởi bác sĩ tâm thần Felix Deutsch người Áo, người đi tiên phong trong y học tâm
thần. Vào thời điểm Maslow đột ngột qua đời vì một cơn đau tim vào tháng 6 năm 1970, ông
đang ở đỉnh cao của tầm ảnh hưởng tri thức, với hàng trăm lời mời trở thành diễn giả hàng
năm trên khắp thế giới.

Chống lại sự kiệt sức: Lòng biết ơn và lòng tự trắc ẩn

Phần lớn hệ thống Tâm lý học trực quan của Maslow đã chờ đợi sự xác nhận thực nghiệm cho
đến khi sự ra đời của lĩnh vực Tâm lý học tích cực, được sáng lập vào năm 1998 bởi Tiến sĩ
Martin Seligman, Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ tại thời điểm đó. Mục tiêu của Tâm lý
học tích cực là nghiên cứu sức mạnh và đức tính của con người - và phát triển những hình
thức can thiệp để nâng cao cái mà Seligman gọi là "sự hưng thịnh" giữa các cá nhân, gia đình
và tổ chức (Compton & Hoffman, 2019). Trong vòng hai thập kỉ qua, các nhà nghiên cứu đã tập
trung vào các khía cạnh tính cách có liên quan đến sự khỏe mạnh về tinh thần và thể chất - và
hai điểm có liên quan cụ thể tới điều dưỡng là: lòng biết ơn và lòng tự trắc ẩn. Các nghiên cứu
ngày càng chỉ ra rằng cả hai khía cạnh này đều quan trọng trong việc giảm thiểu sự kiệt sức,
một vấn đề song hành với điều dưỡng ngày nay.

Maslow là một trong những nhà tâm lý học đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của lòng biết ơn.
Điều thúc đẩy ông chính là một lần lên cơn đau tim nghiêm trọng vào năm 1967 ở tuổi 59. Ban
đầu được điều trị ở khoa hồi sức tích cực sau đó chuyển sang khoa hồi phục, ông đã rất xúc
động bởi sự tử tế của những điều dưỡng và thực tập sinh điều dưỡng. Ông cũng bắt đầu tò mò
rằng: Điều gì đã khiến họ lựa chọn và trung thành với những nhiệm vụ đòi hỏi cao và mệt mỏi
như vậy? Trong những tuần tiếp theo, Maslow đã phỏng vấn hơn mười hai điều dưỡng về sự
hài lòng trong công việc cũng như động lực của họ, những điều rõ ràng không liên quan đến
tiền bạc. Khi ông ân cần hỏi một trong những điều dưỡng tử tế nhất, “Tại sao cô chọn nghề
điều dưỡng? Đâu là những khoảnh khắc cô thấy xứng đáng nhất?” Cô ấy đã khóc.

Ban đầu, Maslow nhận thấy rằng câu trả lời của họ thường khá là nông cạn, như là “bởi vì tôi
thích làm việc với con người”, tuy nhiên khi ông đào sâu về những trải nghiệm đỉnh cao của họ,
câu trả lời của họ trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là những người hỗ trợ khoa phẫu thuật. Ví dụ,
một điều dưỡng trả lời, “Khi ai đó trở nên khỏe mạnh và họ bước tới nói tôi “Cảm ơn!”. Nhiều
người khác nói rằng, “Đó là khi tôi sinh đứa con đầu lòng.” Đa số nói rằng việc đón nhận sự biết
ơn từ các bệnh nhân khiến cho công việc của họ trở nên xứng đáng hơn; khi không nhận được
sự biết ơn, họ cảm thấy bị lợi dụng và trục lợi. Nghiên cứu thí điểm này đã thúc đẩy quan điểm
của Maslow rằng lòng biết ơn là một xúc tác quan trọng trong mối quan hệ giữa con người - và
rằng khả năng cảm nhận và thể hiện lòng biết ơn là mấu chốt trong việc sống lành mạnh.
(Hoffman, 1999, p. 286). Ông cũng tin rằng những người theo học ngành điều dưỡng mạnh
hơn những bạn đồng trang lứa ở các đặc điểm tính cách đáng có như lòng vị tha, lòng trắc ẩn
và sự ổn định về cảm xúc.

Tuy Maslow không sống đủ lâu để thực hiện thêm nghiên cứu về lòng biết ơn, đã có rất nhiều
nghiên cứu sau đó đưa ra được kiến thức vững chắc. Chúng ta có thể chắc chắn rằng những
người có lòng biết ơn thường là những người hạnh phúc hơn. Họ cũng có nhiều sự lạc quan và
sự hài lòng với cuộc sống hơn, và tìm thấy niềm vui trong các mối quan hệ gần gũi nhiều hơn.
Bên cạnh đó, họ cũng có nhiều lợi thế về sức khỏe cũng như huyết áp ổn định, nồng độ cortisol
thấp và có hệ miễn dịch tốt hơn những người ít nuôi dưỡng lòng biết ơn.

Nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng biết ơn đối với sự an lạc của điều
dưỡng. Trong nghiên cứu được thực hiện bởi Tiến sĩ Alicia Starkey thuộc trường Đại học bang
Portland, gần 150 điều dưỡng đăng kí tham gia tại Oregon đã hoàn thành khảo sát hằng tuần
trong vòng 12 tuần, mô tả các sự kiện tích cực và tiêu cực, sức khỏe và các trải nghiệm liên
quan tới công việc. Một phát hiện chủ chốt chính là việc mà họ được cảm ơn thường xuyên tại
nơi làm việc (bởi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, bác sĩ hay điều đưỡng khác) có sự liên kết
tích cực với sự hài lòng của điều dưỡng với sự quan tâm chăm sóc mà họ đã mang lại trong
tuần đó - từ đó, dự đoán sẽ gia tăng chất lượng giấc ngủ, giảm thiểu cơn nhức đầu và tăng nỗ
lực ăn uống lành mạnh (Starkey et al., 2019). Trong nghiên cứu với hơn 300 điều dưỡng tại
bệnh viện ở phía Tây Bắc nước Ý, Tiến sĩ Daniela Converso thuộc trường Đại học Turin và các
đồng nghiệp của cô đã nhận thấy sự liên kết giữa sự chủ động hỗ trợ từ phía bệnh nhân, sự
thể hiện lòng biết ơn với sự giảm thiểu mức độ kiệt sức của các điều dưỡng - đặc biệt là những
người làm trong khoa cấp cứu (Converso et al., 2015). Dựa trên những nghiên cứu rộng hơn từ
Tâm lý học tích cực, những nhà tư vấn trong lĩnh vực điều dưỡng đã gợi ý các hình thức để
tăng cường lòng biết ơn giữa các điều dưỡng.

Lòng tự trắc ẩn là một đặc tính quan trọng khác đối với sự an lạc của điều dưỡng, và nó có liên
quan tới quan điểm của Maslow rằng những người hiện thực hóa bản thân “chấp nhận bản
thân họ và thiên hướng của họ mà không buồn phiền hay phàn nàn, hay thậm chí là không nghĩ
tới nó nhiều” (Compton & Hoffman, 2019, p. 290). Tiến sĩ Kristin Neff tại trường Đại học Texas
ở Austin đã phổ biến thuật ngữ này - khái niệm hóa nó thành ba khía cạnh:
• đối xử với chính mình một cách tử tế
• nhận biết điểm chung của bản thân và nhân loại về sự không hoàn hảo và khổ đau
• duy trì nhận thức chánh niệm về cảm xúc tích cực và tiêu cực trong mỗi người
Nghiên cứu của Neff và đồng nghiệp đã cho thấy một sự liên kết chặt chẽ giữa lòng tự trắc ẩn
và mức độ hài lòng với cuộc sống, sự lạc quan, sự đồng thuận, trí tuệ, giảm thiểu lo âu và trầm
cảm - đặc biệt là vai trò trong việc “nâng đỡ” khi những tình huống căng thẳng xuất hiện
(Homan & Sirois, 2017).

Đúng như chúng ta nghĩ, lòng tự trắc ẩn là một đức tính quan trọng mà điều dưỡng cần nuôi
dưỡng. Một nghiên cứu của Tiến sĩ Mary Heffernan chỉ ra rằng lòng tự trắc ẩn có sự liên kết với
thông minh cảm xúc, thông qua 350 điều dưỡng và quản lý điều dưỡng ở các bệnh viện địa
phương của thành phố New York (Heffernan et al., 2010). Một nghiên cứu khác của Tiến sĩ
Emine Senyuva tại trường Đại học Istanbul đã khảo sát hơn 500 học sinh điều dưỡng tại Thổ
Nhĩ Kỳ và phát hiện sự liên kết rất khả quan giữa lòng sự trắc ẩn và thông minh cảm xúc. Từ
góc nhìn của các nhà nghiên cứu, khả năng để đối xử tử tế với bản thân và khả năng phản hồi
hiệu quả với cảm xúc của người khác có sự giao thoa - và vì vậy, lĩnh vực đào tạo điều dưỡng
“nhắm vào sự phát triển của cả lòng tự trắc ẩn và thông minh cảm xúc có thể gia tăng cả hai
yếu tố này một cách tích cực” (Senyuva et al., 2014, p. 592).

Trong nghiên cứu của Pilar Gracia-Gracia và Tiến sĩ Barbara OlivanBlazquez (2017) thuộc
trường Đại học Zaragoza ở Tây Ban Nha, gần 70 điều dưỡng tại khoa hồi sức tích cực của bốn
bệnh viện địa phương đã hoàn thành khảo sát đánh giá lòng tự trắc ẩn và mức độ kiệt sức của
họ. Kết quả cho thấy mức độ kiệt sức của họ tỉ lệ nghịch với lòng tự trắc ẩn, đặc biệt là đối với
thước đo sự tử tế với bản thân và sự tự đánh giá bản thân (nhằm đo lường khả năng đối xử tử
tế và chăm sóc bản thân, và hạn chế sự khắc nghiệt hoặc lên án bản thân). Theo đó, các nhà
nghiên cứu đã gợi ý các chương trình được tạo ra nhằm giúp điều dưỡng nâng cao lòng tự trắc
ẩn như một phương pháp quan trọng để chống lại sự kiệt sức (Gracia-Gracia & Olivan-
Blazquez, 2017).

Khái niệm của Maslow về sự hiện thực hóa bản thân và tháp nhu cầu đã đóng góp rất nhiều tới
lĩnh vực điều dưỡng toàn diện. Không có gì để nghi ngờ, chúng ta sẽ thấy các chủ đề về lòng
biết ơn và lòng tự trắc ẩn trở thành chủ đề quan trọng trong lĩnh vực đào tạo điều dưỡng, đào
tạo nói chung và phát triển chuyên môn. Đại dịch COVID-19 đã mang lại nhiều thử thách lớn
cho các điều dưỡng, những người ở tuyến đầu chống dịch để cứu sống sinh mạng con người.
Vì vậy, việc nâng cao tính kiên cường của họ là điều quan trọng. Bằng cách nuôi dưỡng thái độ
biết ơn và lòng tự trắc ẩn trong thời điểm khó khăn này, chúng ta có thể nâng cao sự an lạc và
hiệu suất công việc của điều dưỡng.

Tiến sĩ Edward Hoffman, là giáo sư Tâm lý học tại trường Đại học Yeshiva và là tác giả của rất
nhiều bài báo và cuốn sách liên quan tới lĩnh vực Tâm lý học tích cực và Tâm lý học nhân văn
trong đó có các cuốn tiểu sử về Alfred Adler và Abraham Maslow, và gần đây là hai cuốn sách
về Tâm lý học tích cực kết hợp cùng Tiến sĩ W.C.Compton. Tiến sĩ Hoffman có phòng khám tư
tại thành phố New York. nơi ông sống cùng gia đình. Ông đã giảng dạy khắp Hoa Kỳ và ở nước
ngoài về các chủ đề liên quan tới sức khỏe tinh thần và vượt qua sự kiệt sức. Sở thích của ông
là bơi lội, thổi sáo và du lịch.

You might also like