You are on page 1of 25

NHỮNG PHÁT BIỂU HAY VỀ VĂN CHƯƠNG

(Hoàng Đăng Khoa tập hợp)

+ “Mỗi công dân có một dạng vân tay. Mỗi nhà thơ thứ thiệt cũng có
một dạng vân chữ. Trộn không lẫn.” (Nhà thơ Lê Đạt)
+ “Văn học cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác đều là sản phẩm
tinh thần của một cá nhân nghệ sĩ. Mà cá nhân người nghệ sĩ đó lại thuộc về
một cộng đồng, một dân tộc nhất định. Mỗi tác phẩm văn học ít nhiều đều
mang dấu ấn riêng về văn hóa, phong tục tập quán hay tâm lí, tính cách đặc
trưng của dân tộc mình. Vậy tính dân tộc có thể được xem như là một thuộc
tính xã hội của văn học, là một “thuộc tính tất yếu của việc sáng tạo.” (Nhà
phê bình Belinsky)
+ “Một nhà văn thực sự bao giờ cũng tìm đến nguồn suối sống động là
kinh nghiệm đời của mình. Mà kinh nghiệm sống thực bao giờ cũng là độc
đáo riêng tư, do đó bao giờ cũng cần biểu hiện bằng những hình thức diễn tả
đặc biệt riêng tư, như thể trước đó chưa bao giờ có và chưa bao giờ thấy.”
(Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung)
+ “Nhà văn chính là Thượng đế trong tác phẩm của anh ta, nơi lí
tưởng nhất để anh ta có thể sở hữu tự do tư tưởng và mặc sức dấn thân.”
(Nhà văn Đặng Thiều Quang)
+ “Danh thiếp của một nhà văn chính là một tác phẩm tiêu biểu nhất
của anh ta.” (Nhà văn Hồ Anh Thái)
+ “Nhà văn nếu tự tin đi tận cùng cái tôi đầy tràn của mình thì sẽ tự
khắc trừu xuất được vân chữ, mùi chữ độc sáng.” (Nhà phê bình Hoàng
Đăng Khoa)
+ “Thơ là sự khám phá và giãi bày bản thể một cách tự nguyện. Lí
luận, phê bình diễn giải cái thế giới nghệ thuật của nhà thơ, còn nhà thơ thì
khám phá và giãi bày cái thế giới bên trong của chính mình. Tôi cần đến thơ
như một diễn ngôn có khả năng thể hiện được một cách phong phú hơn, đa
diện hơn cái tôi luôn bất an trước thế giới.” (Nhà thơ Trương Đăng Dung)
+ “Sinh lực để nuôi dưỡng vốn liếng ở nhà văn chính là trữ lượng cảm
xúc. Bởi tiểu thuyết nói cho cùng vẫn là câu chuyện của vui buồn. Nó không
phải là một tác phẩm triết học và càng không phải là một cuốn về đạo đức
học. Có lẽ nó được hình thành từ một nỗi đau sâu kín nào đó.” (Nhà văn
Nguyễn Việt Hà)
+ “Mỗi cuộc đời mang thầm bao nhiêu chuyện
Chạm nổi chạm chìm trong thịt trong xương.”
(Nhà thơ Huy Cận)
+ “Có những tác giả mà tác phẩm của họ ngoài họ ra không thể có ai
khác viết được. Đó không phải là chuyện đề tài hay thể loại, mà là cách họ
viết - cái tôi của họ áp đặt vào tác phẩm là độc nhất vô nhị.” (Nhà văn Toni
Morrison)
+ “Ngày nay, viết văn ăn nhau ở cách kể. Tôi không quan tâm đến lý
thuyết. Tôi không quan tâm đến từ ngữ. Điều quan trọng là anh kể có hay
không.” (Nhà văn Haruki Murakami)
+ “Có những bài thơ đạt đến một điểm, khi ấy nó mạnh hơn cả chính
ta. Chúng xuất phát từ một điểm sâu thẳm nào đó trong ta để tìm thấy một vị
trí trên trang giấy. Ta không bao giờ tìm lại được điểm xuất phát sâu thẳm ấy
lần nữa, đó là một kiểu giọng nói hay quyền năng. Tôi cảm thấy nên thay đổi
một chút ở bài thơ ấy, nhưng thật sự nó đã mạnh hơn chính tôi, và tôi không
thể làm gì được.” (Nhà thơ Ted Hughes)
+ “Viết một bài thơ là một sự trải nghiệm vô cùng tráng lệ.” (Nhà thơ
Sylvia Plath)
+ “Nhà văn viết những gì họ có thể viết. Hành động viết chỉ là hiệu
quả một khi chúng cho người viết diễn đạt được nội tâm. Nhà văn là người
chịu rất nhiều loại áp lực - những áp lực về nghề như số chữ số dòng trong
một thể thơ hay mẹo luật của một bi kịch cổ điển. Đó là một phần của cấu
trúc tác phẩm, trong đó nhà văn được tự do thể hiện cá tính của mình.
Nhưng ngoài ra, còn có những áp lực xã hội, tôn giáo, đạo đức, triết học,
cũng như nghĩa vụ chính trị. Những điều này có thể không áp đặt trực tiếp
lên tác phẩm, nhưng chắc chắn chúng đã được lọc qua nội tâm của người
viết. Và chỉ khi nào chúng trở thành một phần sâu thẳm nhân cách của nhà
văn thì chúng mới có thể tìm thấy chỗ đứng trong tác phẩm mà không bóp
nghẹt tác phẩm.” (Nhà văn Italo Calvino)
+ “Viết một cuốn sách là một cuộc sáng tạo toàn diện, tôi thèm viết
những điều liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày, đến các hoạt động
của tôi, suy nghĩ của tôi. Khi ấy cuốn sách tôi muốn viết không phải là cuốn
tôi đang viết. Khi đang viết gì đó mang tính tự thuật, gắn chặt với chi tiết cụ
thể mỗi ngày, thì mơ ước của tôi lại đi theo hướng ngược lại. Cuốn sách trở
thành một sáng tạo không liên quan rõ rệt gì đến bản thân tôi, và có lẽ chính
nhờ thế mà nó trở nên chân thật hơn.” (Nhà văn Italo Calvino)
+ “Đã viết văn thì phải viết cho hay và viết cho đúng cái bản chất bên
trong của con người và tính cách của mình, cái tạng riêng của mình… Một
người viết văn phải ngự trị ở một cõi riêng trong cái nghề rộng lớn này.
Chính ở cõi riêng đó mà người trong nghề trọng anh, người đọc cần đến
anh.” (Nhà văn Nguyễn Tuân)
+ “Nhà văn như cái khăn mặt, cuộc sống là chậu nước. Chúng ta phải
nhúng mình vào đó, ướt đẫm, rồi vắt lên trang giấy.” (Nhà văn Nguyễn Đình
Tú)
+ “Hoạt động sáng tác làm phức tạp hóa bức tranh thế giới bằng cách
tạo ra những giá trị mới.” (M.L. Gasparov)
+ “Để có thể tiêu thụ được sản phẩm của mình, nhà văn không thể chỉ
quan tâm đến việc phơi bày những tâm tư, cảm nhận, tư tưởng của mình về
thế giới, về nhân sinh mà còn phải đặc biệt quan tâm đến nhu cầu của độc
giả cùng thời, từ đó điều chỉnh việc chọn đề tài, cách viết và thậm chí cả tốc
độ viết.” (Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Hiểu)
+ "Thơ có quyền lạ hóa nhưng thiên chức của thơ không được xa lạ hóa
con người." (Huỳnh Văn Thống)
+ “Chữ của nhà thơ không chỉ đơn thuần là chữ loằng ngoằng khi viết
hay rủng rẻng khi đọc, mà chữ phải lung linh nước mắt và xa vắng nụ cười
của con người.” (Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn)
- “Điều tôi có là nỗi sợ lặp lại chính mình trong văn chương. Đó là lý
do bao giờ tôi cũng phải có những thách thức mới để đối đầu. Tôi phải tìm
ra gì đó để làm, một thứ gì đó mới mẻ, một thứ gì đó ngoài khả năng của
mình.” (Nhà văn Italo Calvino)
- "Nghệ thuật dân tộc là nghệ thuật mang mùi hương đất đai, trong
tiếng mẹ đẻ mỗi từ dường như có hai lần ý nghĩa nghệ thuật…" (Nhà văn
Tolstoy)
- “Bạn ơi, bạn không nhất thiết phải viết về những con người phi
thường, những người có thành tựu phi thường hay về những thành tựu vĩ
đại.” (Nhà văn Chekhov)
- “Nhiều nhà văn đã quá lạm dụng yếu tố tự truyện khi sáng tác. Hoàn
hảo nhất là có chút ít tự truyện kèm rất nhiều tưởng tượng.” (Nhà văn
Raymond Carver)
- “Nghệ thuật chỉ hiện diện đó, để ta có được khoái cảm khi sáng tạo,
đem đến cho ta một cảm xúc mãnh liệt khi được đọc một kiệt tác, cho ta tận
hưởng vẻ đẹp tỏa ra từ đó. Một thứ gì đó bắn ra những chùm tia sáng rực rỡ
chói lòa, bền bỉ dài lâu, nhưng rốt cuộc cũng sẽ lụi tàn.” (Nhà văn Raymond
Carver)
- “Một người viết tiểu thuyết có thể làm bất cứ gì anh ta muốn, miễn
sao khiến độc giả tin là được.” (Nhà văn García Márquez)
- “Tôi thấy thú vị khi những lời ngợi khen hoành tráng nhất đều dành
cho sự tưởng tượng của tôi, trong khi sự thật là không có một câu nào tôi
viết mà không có cơ sở hiện thực.” (Nhà văn García Márquez)
- “Viết cũng khổ ngang với việc đóng một cái bàn. Cả hai việc ta đều
xử lý hiện thực, một thứ nguyên liệu khó nhằn chẳng kém gì gỗ. Cả hai nghề
đều đầy những kỹ xảo và mẹo. Về cơ bản không có mấy ảo thuật, mà chủ
yếu là lao động nhọc nhằn.” (Nhà văn García Márquez)
- “Một trong những khó khăn khi viết của tôi, đấy là viết ra một thứ
ngôn ngữ có thể lẳng lặng vận động trên trang giấy trước một người đọc
không bị tác động bởi gì khác. Để đạt được điều đó, ta phải lao động cật lực
với các ý ẩn giữa những từ. Những điều không nói ra. Những nhịp điệu, vần
hay gì đó. Chính những gì không được viết ra mới cho những gì được viết ra
một sức mạnh.” (Nhà văn Toni Morrison)
- “Trong tiểu thuyết, tôi cảm thấy thông minh nhất, tự do nhất, hấp
dẫn nhất khi các nhân vật hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng. Điều
đó khiến ta bị kích thích. Nếu chuyện dựa trên một nhân vật nào đó, nói cho
vui, đấy là một sự vi phạm bản quyền. Mỗi người có bản quyền cuộc đời
mình. Không phải để dùng cho tiểu thuyết.” (Nhà văn Toni Morrison)
- “Tôi không muốn trở thành một nhà văn - tự nhiên mà nghề nó đến
thôi. Anh biết đấy, đó là món quà của thượng đế. Do vậy, tôi nghĩ mình cần
phải khiêm nhường.” (Nhà văn Haruki Murakami)
- “Sức mạnh tiểu thuyết là ở chỗ nó có thể đưa anh đi bất kỳ đâu.”
(Nhà văn Haruki Murakami)
- “Tôi cho rằng công việc của mình là quan sát con người và thế giới,
chứ không đánh giá chúng. Tôi luôn mong đặt mình ở vị trí tách biệt với
việc đưa ra kết luận. Tôi thích mọi thứ trong thế giới này được mở rộng, để
đón nhận mọi khả năng có thể xảy ra.” (Nhà văn Haruki Murakami)
- “Tưởng tượng. Nếu không tưởng tượng, anh viết sách làm gì?” (Nhà
văn Haruki Murakami)
- “Tận cùng của mỗi câu chuyện bịa đặt là mẩu sự thật mà người viết
tiểu thuyết muốn kể.” (Nhà văn Italo Calvino)
- “Trong Chiến tranh và hòa bình, Tolstoy miêu tả chiến trường chi
tiết đến nỗi người đọc ngỡ đó là thật. Nhưng tôi thì khác. Tôi không làm mọi
thứ như thể là thật. Chúng ta sống trong một thế giới giả; chúng ta xem các
bản tin giả. Chúng ta tham gia các cuộc chiến giả. Chính quyền là giả.
Nhưng chúng ta tìm thấy hiện thực trong thế giới giả ấy. Truyện cũng thế,
chúng ta đi qua những bối cảnh giả, nhưng bản thân chúng ta, khi chúng ta
đi qua các cảnh ấy, là thật. Tình huống là thật, đó là một sự cam kết, một
mối quan hệ có thật. Tôi muốn viết như thế.” (Nhà văn Haruki Murakami)
- “Tôi rất thích chi tiết. Tolstoy muốn viết các mô tả toàn thể, còn tôi
thì thích tập trung vào chi tiết nhỏ. Khi mô tả chi tiết rất nhỏ, ta phải tập
trung gần hơn gần hơn nữa, và kết quả hoàn toàn ngược với Tolstoy - sự vật
trở nên siêu thực. Đó là điều tôi muốn làm.” (Nhà văn Haruki Murakami)
- “Hãy nhảy nhảy đi/ Nhảy như gấu ấy/ Hãy hót như chim/ Huyên
thuyên như khỉ/ Để tìm ra cách nói riêng mình.” (Eliot)
- “Nhìn lại những gì đã viết tôi thấy những bài thơ hay nhất là những
bài chỉ mất đúng thời gian đặt bút viết ra.” (Nhà thơ Ted Hughes)
- “Chẳng phải Goethe đã gọi tác phẩm của ông là một cuộc tự thú
sao? Cũng thế, nếu xem lại các tác phẩm của Shakespeare trên tinh thần
phóng khoáng nhất, ta cũng sẽ thấy tác phẩm của ông là một sự tự vấn, một
sự tự buộc tội, hoàn toàn là một sự tự thú - rất trần trụi. Có lẽ mọi nhà văn,
những ai từng sống đời thi sĩ, đều thế cả. Và thơ ca nào cũng thế, một khi
vẫn còn liên hệ và làm rung động chúng ta, sẽ tiết lộ những điều người viết
tận sâu thẳm không muốn nói ra, dẫu rất khát khao được hiểu. Có lẽ chính vì
nhu cầu che giấu ấy mà sinh ra thơ. Nhà thơ nghĩ mình đang viết để mua
vui, nhưng thật ra anh ta đang bày tỏ cái khát khao được chia sẻ. Điều bí ẩn
thật sự chính ở nhu cầu lạ lùng ấy. Tại sao anh ta không giấu chúng đi và im
miệng lại? Tại sao anh ta lại viết ra? Tại sao nhân loại cần tự thú? Có lẽ, nếu
không có những tự thú bí mật ấy, anh sẽ không có thơ - không có cả truyện.
Và cũng sẽ không có nhà văn.” (Nhà thơ Ted Hughes)
- “Tôi không tin sự ngẫu nhiên có thể đóng một vai trò nào đó trong
văn chương của tôi.” (Nhà văn Italo Calvino)
- “Điều quyết định một cuốn sách chính là viết, thứ thật sự xuất hiện
trên trang giấy.” (Nhà văn Italo Calvino)
- “Điều quan trọng của người đọc là tận hưởng cuốn sách, và không
quan tâm đến những gì tôi gia công trong đó.” (Nhà văn Italo Calvino)
- “Nhà văn nào không được chống lưng bởi một truyền thống văn học
địa phương thường cảm thấy mình như một kẻ ngoài lề.” (Nhà văn Italo
Calvino)
- “Nếu phải kể hết mọi chuyện cần kể trong hình thức truyện ngắn thì
tôi sẽ phải viết một mớ truyện, điều mà tôi không làm được.” (Nhà văn Italo
Calvino)
- “Văn chương thậm chí còn ban cho tình yêu, dục vọng và cả hành
động tính giao cái phẩm cách của sự sáng tạo nghệ thuật. Không có văn
chương, ngôn ngữ nhục cảm sẽ không hiện hữu. Tình yêu và lạc thú sẽ
nghèo nàn hơn, chúng sẽ thiếu hẳn sự tao nhã và tinh tế, chúng sẽ không thể
đạt tới độ mãnh liệt mà sự phóng tưởng trong văn chương mang lại. Không
phải là cường điệu khi nói rằng một cặp tình nhân đã từng đọc Garcilaso,
Petrarch, Gongora hay Baudelaire sẽ đánh giá lạc thú và nghiệm sinh lạc thú
cao hơn những người mù chữ đã bị những tập phim tình cảm xã hội trên
truyền hình biến thành những kẻ ngớ ngẩn. Trong một thế giới mù chữ, tình
yêu và dục vọng sẽ không khác gì những thứ làm thoả mãn thú tính, chúng
cũng không vượt qua khỏi sự thoả mãn thô lậu của những bản năng sơ khai.”
(Nhà văn Mario Vargas Liosa - giải Nobel văn học 2010)
- “Văn chương là cách tốt nhất để kể sự thật; nó là một quá trình tạo ra
những lời nói dối lớn lao, đẹp đẽ, chặt chẽ, nói lên nhiều sự thật hơn bất cứ
mớ dữ kiện thực tế nào.” (Nhà văn Julian Patrick Barnes)
- “Tiểu thuyết, về cơ bản là một hình thức hiện thực chủ nghĩa ngay cả
khi nó được diễn dịch theo phương thức kỳ ảo nhất.” (Nhà văn Julian Patrick
Barnes)
- “Nghệ sĩ là những người đã lặn xuống tận đáy sâu linh hồn nhân
loại, ở chỗ mà những rung động là rung động chung của tất cả mọi người;
bởi vậy một kiệt phẩm không có quốc tịch, không bị giới hạn bởi không gian
và thời gian.” (Vũ Đình Lưu)
- “Tác phẩm ra đời từ sự phối ngẫu giữa tác giả và bạn đọc, bởi vậy
văn học là một xã hội trong một xã hội: một cộng đồng các tác phẩm tạo ra
công chúng bạn đọc đồng thời công chúng bạn đọc ấy sáng tạo lại những tác
phẩm này.” (Nhà nghiên cứu Octavio Paz)
- “Truyền thống thi ca không hề bị phá vỡ cũng sẽ chẳng thể bị phá
vỡ. Nếu truyền thống thi ca bị phá vỡ thì lời nói sẽ khô khốc ngay trên làn
môi chúng ta và những buổi diễn thuyết của chúng ta sẽ trở lại là những
tiếng chí chóe của bầy khỉ. Sự tiếp nối của ngôn ngữ con người là sự tiếp nối
của văn minh. Vì lẽ đó, trong những thời đại như thời đại chúng ta, tên gọi
khác của thơ ca là sự bền lòng. Và sự bền lòng là lời hứa hẹn của sự sống
lại.” (Nhà nghiên cứu Octavio Paz)
- “Thơ là hiểu biết, cứu độ, động lực, buông xả. Một động tác có thể
thay đổi thế giới, hoạt động của thơ mang tính cách mạng, bản chất là một
vận động tâm linh, nó là một phương tiện giải phóng nội tâm. Thơ hiển thị
thế giới này; nó sáng tạo một thế giới khác.” (Nhà nghiên cứu Octavio Paz)
- “Khi không can dự cũng được xem là một thái độ, thì văn nghệ phải
xuống thuyền và nhà văn phải dấn thân.” (Nhà văn A.Camus)
- “Người xưa có nói về cách thâm nhập tác phẩm: Nếu đọc bằng mắt
thì chỉ thấy được hình dáng bề ngoài, nếu đọc bằng tâm thì mới thấy được da
thịt, nếu đọc bằng hồn thì sẽ thấy được cốt tủy. Ðó chính là sự cắt nghĩa thế
giới theo ý đồ xã hội của nhà văn, mà anh ta làm ra vẻ như vô tư.” (Nhà văn
Nguyên Ngọc)
- “Tạo hóa không cấm đoán ai muốn đi sâu vào những bí mật của nó
vì tạo hóa chứa đầy những “khuyến cáo” và “mật ước” chỉ dành riêng cho
những ai biết nhìn chúng ngoài đôi mắt bằng “đất sét”... Nghệ thuật không
phải chỉ nhìn thấy lúc bây giờ, nhưng chính là vượt ra khỏi thời gian mình
mà thấy trước, cảm trước những ý kiến chưa được thực hành. Nghệ thuật
chính danh có hiệu năng tiên đoán.” (Sain Pol Roux)
- “Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu
Chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị
Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng
Ở đó, sự huyền bí nở hoa dâng cho bất cứ người nào muốn hái
Ở đó có những ngọn lửa mới
Những màu sắc chưa thấy bao giờ
Ngàn ảo ảnh huyền hoặc khôn lường mà ta phải biến ra cảnh thực.”
(Nhà thơ Apollinaire)
- “Nhà thơ có thể ước định những điều chưa ai từng biết nhưng sắp
rạng tỏ ở thời y, trong tâm hồn nhân loại.” (Nhà thơ Arthur Rimbaud)
- “Nhà thơ là một kẻ rất già nua và rất mới mẻ, rất phức tạp và rất giản
dị, ở quãng biên thùy đã từng qua lại, giữa mộng và thực, sáng và tối, ẩn và
hiện, trong cơn đảo lộn bất thần ở nội tâm, nhà thơ tìm kiếm và nhận định
một thứ âm điệu, tiếng mật ước để hiểu ngầm mà giao ứng và đi tới mãnh
liệt.” (Aime Césaire)
- “Sự tối nghĩa ở thơ, mà người ta thường chê trách, không do bản
chất của thơ vì thơ vốn soi sáng, nhưng do bóng đen mờ mịt như đêm mà thi
ca phải thăm dò; bóng đen ở ngay tâm hồn và ở sự bí mật trong đó con
người bị chìm đắm. Lời thơ bao giờ cũng tránh tối tăm, và lời lẽ đó cũng đòi
hỏi nhiều (sự cố gắng minh xác) như khoa học.” (Saint John Perse)
- “Những người có tài, nghĩa là đi ra ngoài cái sáo cũ và lề lối xưa,
thường hay đi trước sự tiến bộ. Tác phẩm của họ chỉ làm cho những thế hệ
kế tiếp sau xem mà thôi. Chứ ở thời kỳ này, người hiểu thơ cho chín chắn
vẫn là một thiểu số.” (Nhà thơ Hàn Mặc Tử)
- “Không ai có thể trở thành nhà văn, nhà thơ mà không cầm bút trong
cái ý nghĩ viết cho ai đó đọc, không tính toán đến hiệu quả từng từ mình
chọn, từng hình ảnh mình dựng, từng dấu chấm, dấu phảy mình dùng, thậm
chí đến cái chỗ mình phải chấm cái dấu chấm hết. Tất cả những thủ pháp
nghệ thuật ấy đều được thực hiện trong một ám ảnh: người đọc.” (Nhà
nghiên cứu Nguyễn Hưng Quốc)
- “Lâu nay chỉ thấy có một trời trên đầu
Ngoài tuổi bốn mươi mới hiểu hơn trời là vô tận
Chỉ cần ngồi máy bay vượt lên mấy trăm mét
Ta đã có một trời ở trên đầu và trời ở dưới chân.”
(Nhà thơ Võ Thanh An)
- “Có lẽ mai sau ta sẽ tự cười mình
Đa cảm thế sống làm sao nổi
Đau cái đau của người cùng giới
Buồn nỗi buồn của những người đàn bà đang yêu.”
(Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát)
- “Năm tháng vèo qua, vừa lỡ chuyến tàu
Sống một nửa, một nửa dành nghe ngóng
Nửa lẳng lặng buồn, còn nửa để… xôn xao.”
(Nhà thơ Quang Khải)
- “Người ta gọi than bằng đủ các tên gọi mĩ miều
Vậy mà than vẫn cứ đen đúa, sù sì, khốn khổ
Làm sao có thể hạch toán được sự mất ngủ
Ca ba, nỗi lo con ốm, ngày mai nhà hết gạo?
Trong hơi ấm lửa than có nỗi lạnh sâu xa
Của mỗi cuộc đời…
Yêu thật, cần chi ba mươi sáu chước!
Tôi sổ toẹt những câu thơ nhạt hoét
Một thứ than không cháy được bao giờ
Đến máy móc cũng đang đòi lột xác
Sao nhà thơ không dám cởi trần?”
(Nhà thơ Ngô Mai Phong)
- “Những niềm tin của quan niệm văn học cổ điển không phải là
không có căn cứ, song chỗ không ổn của nó là đã quy luật hoá, phổ biến hoá,
bản chất hoá, tức là hiểu chúng một cách siêu hình.” (Nhà nghiên cứu Trần
Đình Sử)
- “Thơ có chức năng nâng cao kích thước của con người và mở rộng
diện tích của cuộc đời để con người không còn là những thân xác trần trụi
trên cuộc đời hiện thế này." (Nhà nghiên cứu Nguyễn Hưng Quốc).
- “Bài thơ dài nhất trên đời, theo tôi, là bài thơ đọng lại lâu nhất trong
tâm tưởng.” (Hoàng Ngọc Thư)
- “Về phương diện tiếp nhận văn học, phê bình là hoạt động tạo nghĩa
làm nên tính đa trị và số phận lịch sử của tác phẩm văn chương. Từ giác độ
lý thuyết thông tin, phê bình là hoạt động giao tiếp thẩm mỹ mà bản chất của
nó là sự va xiết của các ý kiến, sự đối thoại của các quan điểm nghệ thuật
giữa nhà phê bình chuyên nghiệp với nhà văn và công chúng bạn đọc, giữa
dân tộc này với dân tộc khác, thời đại này với thời đại khác về sáng tác văn
chương. Chính cuộc đối thoại này làm nên đời sống văn học, biến các tác
phẩm lớn thành những sự kiện nghệ thuật vang dội. Muốn đối thoại, cần có
dân chủ. Thiếu dân chủ, không thể có đời sống văn học đích thực và mọi sự
kiện nghệ thuật sẽ bị bóp méo, hoặc bị dập tắt ngay từ nguồn cội của nó.”
(Nhà nghiên cứu Lã Nguyên)
- “Hiện thực đời sống đã được nhận diện qua tất cả các khuôn mặt mà
các nhà văn đã vẽ nên.” (Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn)
- “Hãy viết với nụ cười, dù điều ta biết là kinh khủng hay bi thảm.”
(H. Miler)
- “Viết lách hay sáng tác là vượt khỏi thế giới sự vật. Nhu cầu nghệ
thuật và văn học của con người chính là một thứ giải thoát khỏi thế giới sự
vật thường áp bức con người.” (Nhà văn Cao Hành Kiện, Trung Quốc)
- “Tôi cho rằng văn học nghệ thuật không có chút gì cải đổi được thế
giới này. Con người hay khoác lác về tác dụng của văn nghệ, cường điệu
tính chất quan trọng của nó, đều là lừa dối người ta mà thôi.” (Nhà văn Cao
Hành Kiện, Trung Quốc)
- “Tả tác hay cảm tác đối với tôi chỉ làm cho cuộc sống tăng thêm
phần tiếp thụ và cảm xúc.” (Nhà văn Cao Hành Kiện, Trung Quốc)
- “Nếu như cái tự ngã không bị ràng buộc thêm thì lời nói được bành
trướng.” (Nhà văn Cao Hành Kiện, Trung Quốc)
- “Tự do duy nhất là tự do nội tâm.” (Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo)
- "Cũng chẳng dễ gì khi tự họa chính mình..." (Danh hoạ Van Gogh)
- “Nếu nhà văn sáng tạo bằng vật liệu đời sống, thì nhà phê bình sáng
tạo bằng vật liệu tác phẩm của nhà văn.” (Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý)
- “Mục đích tối thượng của sự đối thoại giữa nhà văn và những độc
giả cao cấp là đạt tới một sự hiểu nhau trong thinh lặng.” (Nhà văn Nguyễn
Việt Hà)
- “Bản sắc, căn tính dân tộc trong tác phẩm nghệ thuật nói chung,
trong đó có thơ, luôn làm cho đời sống tinh thần nhân loại giàu có, phong
nhiêu thêm. Ở quan điểm cá nhân, tôi thấy nhiều tác phẩm có bản sắc dân
tộc trung tính, tức có thể ghép nó với bất kì quốc gia, dân tộc nào. Dạng tác
phẩm này đã xuất hiện nhiều đến mức bão hòa, tựa như một đám đông vây
lấy kẻ sáng tạo làm anh ta ngạt thở vì không còn nhìn thấy đường đi nữa.
Trong bối cảnh ấy mọi người vẫn chờ đợi một đóa sen mang bản sắc dân tộc
hiện ra. Tôi cũng đã tự mình đi tìm lí do thành công của một số văn tài
khổng lồ trong thế kỉ vừa qua, và đã tự trả lời, phải chăng tính dân tộc luôn
là nền tảng, hồn cốt trong các tác phẩm của họ. Chúng ta đã chứng kiến
dòng máu Nga chảy trong những bài thơ của J. Brodsky, trong trang văn của
A. Solzhenitsyn, hay chứng kiến hơi thở, hình bóng dân tộc Trung Hoa trong
tiểu thuyết Linh sơn của Cao Hành Kiện, mặc dù những nhà văn này phải
mang vác thân phận lưu vong. Một dẫn chứng khác, đó là nhà thơ Adonis
người Syria, dù ảnh hưởng văn hóa phương Tây từ nhỏ, nhưng tác phẩm của
ông luôn kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa hiện đại với thế giới tâm linh
huyền bí của Ả Rập cổ điển. Hoặc nhà thơ Ba Lan Czeslaw Milosz, đoạt giải
Nobel văn học năm 1980, từng phải xin tị nạn chính trị ở Pháp, nhưng trong
thơ ông luôn tràn ngập vẻ đẹp tâm hồn con người và cảnh sắc thiên nhiên Ba
Lan. Tác phẩm của các nhà văn lớn ấy cho thấy, bản sắc dân tộc là cốt tủy
của sự sáng tạo, nó tiếp biến từ văn hóa gốc bản địa nơi họ đã lớn lên và
trưởng thành, trở thành những giá trị quý báu, vun đắp, không chỉ cho những
nơi đã nuôi dưỡng họ mà còn cho cả thế giới.” (Nhà thơ Mai Văn Phấn)
- “Thơ cũng giống như âm nhạc và hội họa, đường đến với người
thưởng thức nó trước hết qua lối vào trái tim, sau đó mới được phân định
bằng lí trí, bằng thị giác, thính giác. Bạn đọc thích một bài thơ cụ thể trước
hết vì cảm thấy nó hay. Bài thơ ấy dẫn dắt bạn đọc vào một không gian kì lạ,
một cõi hồn của kẻ sáng tạo. Có những câu thơ, bài thơ quyến rũ đến mức bí
ẩn nên không thể diễn tả hết bằng lời, bởi nhà thơ đã cảm thấy chúng trọn
vẹn và linh diệu khi viết.” (Nhà thơ Mai Văn Phấn)
- “Thi hứng nằm trong mục đích sống, thái độ sống của người viết. Có
như vậy, nhà thơ mới làm chủ được nội lực của mình, tức chủ động gọi thi
hứng đến. Trong trường hợp này, nhà thơ cũng giống như một thiền sư điều
khiển được mọi trạng thái trong cơ thể mình. Việc gọi thi hứng và giữ được
cảm xúc với một nhà thơ là quá trình tích lũy và tu luyện lâu dài, cũng giống
như một thiền sư thực hành chánh niệm, một phép thực tập giúp ông ta dừng
lại từng phút giây đang hiện hữu.” (Nhà thơ Mai Văn Phấn)
- “Vẻ đẹp và quyền năng của thơ là bất biến. Thơ ca luôn mang vẻ đẹp
nguyên khởi, nhằm phục sinh, tái tạo thế giới, mãi đối lập với cái ác, xấu xa,
gian tà... Xin đừng nghi ngờ về mục đích cao cả này trong trào lưu hậu hiện
đại cũng như một số khuynh hướng nghệ thuật tiền phong khác đang thịnh
hành. Thực ra, hoài nghi, giễu nhại, giải thiêng chỉ là thủ pháp để nghệ sĩ
kiếm tìm một đời sống khác, thế giới khác công bằng, nhân đạo hơn, cũng
như khám phá những giá trị mới/khác mà thôi. Nhà thơ cũng có thể gieo sự
hoài nghi, giải thiêng trong lòng bạn đọc, giống như gieo một hạt giống lạ,
tự nó sẽ nảy mầm ra hoa trái mới. Và, chính vẻ đẹp và quyền năng của mình,
thơ ca luôn là nơi thanh lọc tâm hồn con người, kết nối những con người xa
lạ với nhau. Vẻ đẹp và quyền năng của nghệ thuật, trong đó có thơ ca, có thể
san lấp địa ngục trong tâm hồn con người ở bất kì thời đại nào.” (Nhà thơ
Mai Văn Phấn)
- “Nhà văn cần thiết phải có mặt trên đời để làm công việc cảnh tỉnh
nhân loại và báo trước những tai họa.” (Nhà văn Nguyễn Minh Châu)
- “Có thể đánh giá tình trạng một xã hội thông qua văn học, cũng như
đánh giá sức vóc của một con người khỏe hay yếu qua dáng đi của họ.” (Nhà
văn V. Korolenko)
- “Không thể đòi hỏi nhà văn là nhà tư tưởng nhưng thiếu nó thì nhà
văn đó không thể lớn.” (Giáo sư Lê Huy Bắc)
- “Thời hậu hiện đại, con người thôi cực đoan, không tự cho mình là
rốn vũ trụ, mình là đỉnh cao ngời sáng. Họ khá sòng phẳng với khả năng và
hạn chế của mình, nên dễ chấp nhận những tiếng nói trái chiều.” (Giáo sư Lê
Huy Bắc)
- “Tính đại chúng là kẻ thù của văn học.” (Nhà nghiên cứu Nguyễn
Hưng Quốc)
- “Thi sĩ không phải là người cảm thấy thi hứng, mà là kẻ gây ra thi
hứng nơi người khác.” (Valéry)
- “Cái mới là đòi hỏi thường trực của kiếp nhân sinh, càng là đòi hỏi
lớn của thơ ca nghệ thuật." (Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên)
- "Nghệ thuật là luôn luôn ngạc nhiên, luôn luôn nhìn thấy cái mới,
tạo ra cái mới về nội dung và hình thức." (Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn
Hạnh)
- “Sự thực, nhiều khi người ta đã hiểu khái niệm ý thức công dân theo
sự ràng buộc của quan niệm chính trị và quan niệm nghệ thuật cũ kĩ và
không chịu, không dám nhìn ra một thực tế là hiện nay nội dung biểu lộ và
cách biểu lộ ý thức công dân rất khác trước.” (Nhà nghiên cứu Phan Huy
Dũng)
- “Sự cần thiết của văn chương đối với đời sống của con người là điều
đã được khẳng định từ xưa, có lẽ không cần phải xét lại. Những câu hỏi kiểu
“thơ văn cần thiết cho ai?” sự thực chắc không biểu lộ thái độ nghi ngờ về lẽ
tồn tại (mang tính tuyệt đối) của văn chương, mà thể hiện sự dằn vặt về nỗi
văn chương chưa làm được điều đáng phải làm. Dằn vặt để thêm nỗ lực sáng
tạo với định hướng phục vụ con người (không hiểu theo nghĩa thực dụng)
chứ không phải để vứt bỏ văn chương. Cũng trên vấn đề này, cần có cái nhìn
lí tính hơn, không nên ngoắc vào văn chương quá nhiều sứ mệnh. Văn
chương rất cần, nhưng nó không phải là tất cả cuộc đời. Điều rất quý mà văn
chương có thể làm được là giúp con người có tâm thế sống an nhiên, tự chủ,
thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”, sau khi nó đã phơi trải dưới mắt ta
toàn bộ cái mà ta thường vẫn gọi là sự phức tạp của con người, của cuộc
đời.” (Nhà nghiên cứu Phan Huy Dũng)
- “Nên nhớ rằng, dù có đổi mới, sáng tạo đến đâu, truyền thống dân
tộc vẫn là cái lõi, cái bệ đỡ thăng hoa tâm hồn của thi sĩ.” (Nhà thơ Hoàng
Vũ Thuật)
- “Tôi quan niệm, nhà thơ trước hết phải là nhà tư tưởng. Tuy nhiên,
không nên sở đắc chân lí. Mọi tư tưởng đều là tư tưởng đang kiến tạo, và
đều được đặt vào trường đối thoại. Tư tưởng là yếu tính của thơ, nhưng tư
tưởng cần được “gài cắm” thông qua biểu tượng, thi ảnh, chứ không phải
được “nói bộ” một cách dễ dãi, thô thiển.” (Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật)
- “Ngôn ngữ đời sống luôn tương ứng với nhân cách và tâm hồn.
Ngôn ngữ là biểu đạt của nhân cách và tâm hồn. Thời hiện tại không còn là
thời hào hùng, đồng ca. Bây giờ không còn là thời của tiếng nói chung, một
kẻ xướng muôn tiếng hoạ. Bây giờ là thời của ưu tư, hoài nghi, tư duy độc
lập, thời của ngôn ngữ sỗ sàng. Văn chương cũng do đó mà có nhiều tiếng
nói rất khác lạ.” (Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử)
- “Để thích ứng với thời đại có nhiều tiếng nói khác biệt như hiện tại,
đòi hỏi không phải một lí thuyết văn chương thống nhất, mà phải chấp nhận
có rất nhiều lí thuyết, nhiều quan niệm về văn học. Các thứ lí thuyết văn
chương quy phạm thống nhất truớc đây nay đã mờ nhạt. Chỉ một vấn đề đặc
trưng văn học cũng đã thay đổi. Phạm vi văn chương rộng rãi hơn, các đòi
hỏi khắt khe về văn chương ít sức ràng buộc hơn. Phê bình văn học phải
khoan dung hơn, đối thoại hơn.” (Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử)
- “Văn chương đích thực sẽ không cực đoan nên vừa áp đặt vừa không
áp đặt, dạy dỗ bằng cách không dạy dỗ, văn chương sắc sắc không không
như người thầy tạo hóa:
Hợp chân sẽ chẳng thấy giày
Thầy giỏi là chẳng thấy thầy dạy chi
Thuyết pháp là chẳng thuyết gì
Vạn pháp là chẳng có chi để bàn
Văn chương như lời của Phật hoàng Trần Nhân Tông dạy người ta
sống theo tự nhiên và tự tìm mình:
Ở đời theo đạo phải tùy duyên
Đói ăn khát uống mệt ngủ liền
Trong nhà có đạo thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền
Độc giả đọc văn chương cũng cần phải:
Lắng nghe khi chẳng hiểu chi
Hiểu rồi chẳng thấy có gì để nghe
Lắng nghe thầy dạy khi mê
Hiểu rồi lại thấy chẳng nghe được gì.”
(Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh)
- “Tôi chỉ mới là một người viết bình thường. Tuy nhiên, khi làm công
việc gì, dù là thử sức đi nữa, tôi vẫn muốn hướng đến tính chuyên nghiệp.
Theo tôi, đã là nhà văn xuôi thì tất yếu phải hư cấu và tưởng tượng. Vấn đề
là anh phải hư cấu, tưởng tượng như thế nào để người đọc không thấy câu
chuyện anh kể bị giả tạo, sống sượng. Bản thân tôi thích đọc truyện của
những người viết biết hư cấu hơn là “tự ăn mình”, hoặc kể chuyện thật thà,
kiểu có gì kể nấy, thấy gì chép nấy. Sức tưởng tượng như một lực hấp dẫn,
có thể hút người ta đi từ chỗ này đến chỗ kia, để người ta được phiêu lưu
cùng/trong chữ, cả về phía người viết lẫn người đọc. Tuy nhiên, tôi vẫn tin
rằng, dù nhà văn có “chuyên nghiệp” đến đâu, trí tưởng tượng của anh ta có
phong phú đến mức nào, thì sản phẩm tưởng tượng của anh ta cũng phải ít
nhiều dựa trên những gì anh ta trải nghiệm, có thể là trải nghiệm trực tiếp từ
thực tế, có thể là trải nghiệm gián tiếp qua sách báo. Hư cấu khác với bịa
đặt. Ai đó đã nói rất đúng, rằng tưởng tượng càng được thấm nhuần logic
của cuộc sống bao nhiêu thì càng không có giới hạn bấy nhiêu.” (Nhà văn
Hoàng Công Danh)
- “Văn chương có thể ích với người này, có thể chẳng ích với người
kia. Nhưng chắc chắn là ở một ý nghĩa, chừng mực nào đó, văn chương có
ích cho cuộc đời này, nếu không, từ bao giờ đến bây giờ nó đã chẳng tồn
tại.” (Nhà văn Hoàng Công Danh)
- “Phê bình đối với tôi không phải là khen chê, mà chỉ là trình bày một
cách đọc. Nói cách khác, phê bình là sự triển diễn đời sống của sinh thể văn
học khởi đi từ nơi mà nhà văn dừng lại, cung cấp cho nó đời sống khác trong
không gian khác, trong cuộc chạy tiếp sức không cùng nhằm khám phá
chiều sâu ẩn mật của hiện hữu con người.” (Nhà phê bình Đoàn Ánh Dương)
- “Tôi đứng về phe nước mắt.” (Nhà thơ Dương Tường)
- “Tôi quan niệm, nhà văn là người phải biết kích hoạt, tiếp thêm cảm
hứng sống cho người đọc bằng cách biến cái nghiêm trọng thành nực cười,
cái to tát thành bé tí, tạo sinh những ý nghĩa mới cho hiện sinh, cho ngôn
từ… Rõ ràng, ngôn từ văn chương của chúng ta đã trở nên sáo mòn, đã trơn
tuột và giảm thiểu ý nghĩa, lệch pha với hiện thực cuộc sống đang ngày một
“thậm phồn”. Ngôn từ của cuộc sống hiện đại có những vẻ đẹp riêng, thú vị,
ngay cả khi nó tục. Tháp ngà không chứa ngôn từ tục, nhưng hầm địa đạo
văn chương của tôi dung nạp tất, vì thế có thể nói nó bao dung, nó nhân văn,
nó… đời.” (Nhà văn Đặng Thiều Quang)
- “Tôi chỉ thích viết những câu chuyện đơn giản mà bất kì ai cũng có
thể gặp, hoặc đã từng xảy ra trong đời sống nhỏ bé của họ. Thực ra mà nói
thì ngay cả sự bé nhỏ cũng luôn tồn tại sự phức tạp của chính nó. Tôi thích
viết về những mảnh đời "không lớn lắm". Với tôi, tính "chi tiết" bao giờ
cũng đẹp hơn tính "toàn bộ". Tôi không thích sự "khái quát". Tôi thích sự
"vụn vặt". Khi nhớ về một ai đó, tôi thường nhớ những thứ "bé tí", những
thứ mà vì một cơ duyên nào đó giữa tôi và họ kết dính vào nhau, kiểu như
một "mối nối" hơn là một cái gì đó có tính "toàn bộ". Với văn chương cũng
vậy, tôi nghĩ, nó không thể đi xa khỏi những thói quen thuộc về tâm tính của
mỗi con người. Nó còn thể hiện tính "tham vọng" của người đó. Tham vọng
của tôi, nếu có, là của một người muốn được nhìn thấy những điều rất nhỏ.”
(Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần)
- “Đọc, với tôi, là ngang dọc trong văn bản và xuyên văn bản. Nguyên
tắc đầu tiên của tôi là tinh thần tự do. Tức là phải quên hết những định kiến,
đặt toàn bộ sinh lực và tinh lực của mình vào khảo sát từng con chữ, lắng
nghe từng cử động và âm thanh của ngôn từ. Là tự do phiêu lưu trong tác
phẩm, chui vào những ngõ ngách của nó. Và mục đích cuối cùng vẫn là mở
ra những cánh cửa bất ngờ, vượt ra khỏi chữ. Một tác phẩm đẹp khi nó
hướng tới những cái ngoài nó.” (Nhà phê bình Đoàn Cầm Thi)
- “Chữ không chỉ dùng để tải ý, nó không chỉ có nghĩa, mà còn có âm
thanh, nhạc điệu. Mỗi con chữ có một cuộc sống riêng, một bí mật riêng,
một phiêu lưu riêng.” (Nhà phê bình Đoàn Cầm Thi)
- “Văn chương mang lại cho chúng ta những cảm xúc mĩ học, giúp
chúng ta cảm nhận bí ẩn của tình yêu và nghệ thuật, hướng chúng ta đến
những cái đẹp phi vật chất. Văn chương cần cho những ai muốn cuộc sống
ĐẸP hơn.” (Nhà phê bình Đoàn Cầm Thi)
- “Tiểu thuyết là một cuộc thăm dò cuộc sống con người trong cái thế
giới đã trở thành cạm bẫy.” (Nhà văn Milan Kundera)
- “Lịch sử bao giờ cũng là gia tài của trí thức, người mẹ của chân lí.
Những người băn khoăn về thời cuộc bao giờ cũng muốn trở về lật lại trang
sử cũ để tìm câu trả lời cho các vấn đề hiện tại và tương lai.” (Giáo sư Trần
Đình Sử)
- “Có một mối quan hệ qua lại khó phân tách rạch ròi giữa thời gian
và vạn vật. Ví dụ, thật lúng túng khi phải xác quyết rằng thời gian làm quả
chín hay quá trình quả chín hình thành nên khung thời gian. Nhưng với nhà
văn thì có chút khác biệt. Thời điểm nào cũng là thời điểm của nhà văn. Vì
thế không nên thụ động chờ đợi. Mỗi người viết trẻ thấy đến lúc vươn vai
đứng dậy, hãy vươn vai đứng dậy, thấy đến lúc cần phải bay, hãy bay. Như
Thánh Gióng của chúng ta đã từng bay. Bay một cách ngoạn mục nhất, xuất
sắc nhất.” (Nhà văn Nguyễn Bình Phương)
- “Vén mây thấy núi, sau núi lại có mây. Cứ vén từng lớp màn cuộc
sống lên, bạn đọc sẽ thấy vô vàn những điều bí ẩn trong đó. Nhà văn đang
giúp bạn đọc nhìn sâu vào đời sống này bằng cách riêng của mình.” (Nhà
văn Nguyễn Đình Tú)
- “Với một nhà văn chuyên nghiệp thì mọi đề tài chỉ là cái cớ để họ
cầm bút lên trải lòng mình về cuộc đời này mà thôi. Khi sáng tác, tôi luôn
tâm niệm rằng, tôi đang viết về những thân phận người... Tôi luôn đối diện
với sự sợ hãi. Và tôi tự hỏi con người ta sợ nhất điều gì. Không phải đói,
khát, thất học, bệnh tật hay những tổn thương thực thể, mà là những “hố
đen” trong tâm hồn họ. Hố đen ấy chính là nỗi bất hạnh bên trong mỗi cá
thể, là cái sự “khổ” như đạo Phật đã chỉ ra, là nỗi sợ hãi bản năng muôn thuở
của loài người. Và cả cuộc đời con người ta cứ loay hoay đi làm cái việc là
“vá” những hố đen trong lòng mình lại, tức là tìm lấy sự thanh thản, là mong
“hết khổ”, là chống lại muôn ngàn sự sợ hãi có tên và không tên, là đạt tới
cảnh giới của thiền. Nhưng chả ai thoát được nỗi sợ hãi mang tên Con Người
cả. Vì thế, các tiểu thuyết của tôi luôn trào dâng nỗi sợ hãi vốn được biểu
hiện bằng những hành động vượt thoát chính mình. Chính trong quá trình
vượt thoát ấy, con người ta sa vào trạng thái cô đơn và mềm yếu. Văn học
chính là sự gọi tên những mềm yếu ấy của con người.” (Nhà văn Nguyễn
Đình Tú)
- “Điều kì diệu tuyệt đỉnh của nghệ thuật, đặc biệt thi ca, là ở nơi đó ta
có thể tự do sắp đặt một thế giới riêng như mình khao khát. Thế giới ấy dẫu
ảo huyền hay u ám tới đâu cũng phải thấm đẫm tính nhân văn cao cả, hướng
nhân loại tới sự cao đẹp.” (Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Thị Thuỳ Linh)
- “Nếu ví văn xuôi là một cái cây xanh tốt thì thơ sẽ là một giọt sương.
Tôi nghĩ về giọt sương bé nhỏ ấy, nó có thể chứa đựng được cả bầu trời,
vầng trăng, ánh sáng, hàng cây… Kì diệu thay! Tính cô đọng và gợi mở của
thi ca quyến rũ tôi. Tôi nghe thấy tiếng thì thầm của nó từ trong tiềm thức,
nó gọi dẫn tôi đi qua những cánh cửa của tâm hồn, xao động những điều im
lặng sâu kín nhất. Tôi cảm ơn thi ca đã cho tôi khát khao tìm đến cái đẹp,
mở thêm những cánh cửa để tôi đến được những thế giới khác lạ, linh
thiêng. Thi ca cũng giúp tôi tìm gặp, giao cảm với những cố nhân, những
con người thực sự vẫn sống khi đã vĩnh viễn khuất mặt.” (Nhà thơ, dịch giả
Nguyễn Thị Thuỳ Linh)
- “Quốc tịch của nhà văn, chính là văn học.” (Nhà văn Cao Hành
Kiện, Trung Quốc)
- “Người ta đang nói nhiều đến những cái chết của văn học. Thực ra là
sẽ chết, chỉ chết những ai khăng khăng tư duy về văn học theo lối cũ, và nhất
là những ai khăng khăng đánh giá văn học hôm nay chỉ bằng các tiêu chuẩn
của ngày hôm qua mà thôi.” (Nhà nghiên cứu Phùng Gia Thế)
- “Nhà văn tài năng chưa hẳn là nhà văn lớn.” (Nhà nghiên cứu Phùng
Gia Thế)
- “Không nên quá khắt khe với sai lầm của con người, con người đang
ở trong tiến trình của nó, nó còn vật lộn dai dẳng với bản thân nó, hãy giúp
nó.” (Nhà văn Ma Văn Kháng)
- “Tâm con người giống như sự nhảy dù. Nó chỉ trở nên tốt đẹp nhất
khi nó ở trạng thái mở bung ra.” (Lời Phật)
- “Điều kiện để làm một nhà văn là anh ta phải trở thành một kẻ nổi
loạn, không đơn thuần và đôi khi hoàn toàn không phải chỉ chống lại những
quan điểm đã được thừa nhận mà còn cả những cách thực hành công việc
của nhà văn đã được thừa nhận.” (Irving Howe)
- “Tác phẩm nghệ thuật đã dùng phương thức của mình để mở ra sự
hiện tồn của người tồn tại. Sự mở ra, sự biểu thị này chính là chân lí của
người hiện tồn, được thực hiện trong tác phẩm.” (Martin Heidegger)
- “Tất cả nghệ thuật đều thể hiện ảnh hưởng của thời đại lịch sử mà nó
thuộc về.” (Henri Matisse)
- “Tái hiện sự thực, thực tại đời sống một cách chân thực và mạnh mẽ
là hạnh phúc cao quý của nhà văn ngay cả khi sự thật ấy không phù hợp với
thiện cảm riêng của anh ta.” (Turgenev)
- “Văn học là tiếng kêu khắc khoải của con người trước một thực tế
đời sống không bao giờ họ cảm thấy bằng lòng và sự thật là không bao giờ
hiểu hết.” (Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn)
- “Ở một phương diện nào đó, hoài nghi và vỡ mộng không phải
không có ý nghĩa tích cực trong cuộc sống đối với mỗi con người. Văn học
nói về cái mất mát để giữ gìn, nói về nước mắt để hạnh phúc, nói về khiếm
khuyết để hoàn thiện. Ấn tượng để rồi dẫn đến những rung cảm thẩm mĩ gì ở
người đọc, đó mới là điều đặt ra đối với nhà văn.” (Nhà văn Nguyễn Đình
Tú)
- "Tầm văn hóa càng sâu rộng, tác phẩm của nhà văn càng đạt được
tới gần hơn nỗi niềm và tiếng lòng của nhân dân thời đại mình." (Nhà văn
Bảo Ninh)
- “Làm thơ cũng giống với nấu rượu. Thơ và rượu đều có mùi.” (Viên
Mai)
- “Nhà văn dựa vào gương mặt vốn có của mình phơi bày cái thế giới
này cho mọi người xem, để cứu vãn cái thế giới này.” (Jean Paul Sartre)
- "Mờ đục chính là bản chất của ngôn ngữ nghệ thuật. Thơ không chỉ
có một khuôn mặt, nhất là mặt dẹt ở những áp phích quảng cáo tuyên truyền,
mà thường là "hai mặt", hay bốn mặt như nàng Bayon, thậm chí vô số mặt."
(Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy)
- “Thơ cổ lai đặt ở tứ lạ, lời hay, hình ảnh đẹp, âm điệu ru hồn. Tôi giản
dị đồng nhất thơ vào chữ.” (Nhà thơ Trần Dần)
- “Làm thơ tức là làm tiếng Việt.” (Nhà thơ Trần Dần)
- “Chữ bầu lên nhà thơ.” (Nhà thơ Lê Đạt)
- "Tôi trộm nghĩ rằng hành động yêu nước nghiêm túc nhất của một
công dân với tư cách một người làm thơ là cúc cung tận tụy bảo vệ và mở
mang bờ cõi chữ của dân tộc mình." (Nhà thơ Lê Đạt)
- "Trong một bài thơ cổ điển, nghĩa thường đến đúng hẹn. Trong một
bài thơ hiện đại, nghĩa thường đến trễ giờ." (Nhà thơ Lê Đạt)
- "Văn chương rất cần các thể nghiệm để tấn công vào các biên giới.
Đó là con đường sáng tạo mà thời nào cũng đặt ra." (Nhà thơ Lê Đạt)
- "Một trong những nguyên lý đáng nể nhất của tư duy hiện đại là đã
vượt qua thời nguyên lý loại trừ bước sang kỷ nguyên của nguyên lý bổ sung.
Nguyên lý bổ sung cung cấp cho vận hành tư duy hiện đại một vế thứ ba
(ngoài hai vế đúng/sai): cái khác. Cách hành xử của nó là đối thoại. Phong
thái của nó là cởi mở, dung nhận, thực sự cầu thị, bình đẳng và đoàn kết."
(Nhà thơ Lê Đạt)
- "Về bản chất, làm thơ chính là một cách sử dụng điển tích đời sống cá
nhân của một hay một lớp độc giả. Mỗi bài thơ là một ký hiệu ít nhiều phức
tạp, cho phép dẫn chiếu đến một trạng thái tình cảm có sẵn trong ký ức người
đọc. Nói cách khác, thông qua bài thơ, tác giả dẫn chiếu đến một điển tích đời
sống tiềm ẩn ở những độc giả tiềm ẩn của mình." (Nhà nghiên cứu Ngô Tự
Lập)
- "Tiền đề của một văn hóa đọc mang tính cách tân là sẵn sàng đối diện
với những thách thức đến từ những cái khác, cái lạ, cái nằm ngoài tầm kì
vọng quen thuộc và cái mà mình, thoạt đầu có thể không hiểu gì cả." (Nhà
nghiên cứu Nguyễn Hưng Quốc)

- "Thơ ca là ánh sáng đẩy lùi bóng tối, là nước mát làm xanh tươi mặt
đất, là vị thuốc chữa lành những vết thương tâm hồn, đánh thức thiên lương
con người để họ sống nhân hậu thân thiện hơn, không rơi vào vũng lầy tha
hóa…” (Nhà thơ Mai Văn Phấn)

- “Quan niệm trong sáng cũng như quan niệm về dân tộc, không phải
là một cái gì tuyệt đối cố định. Có sự trong sáng của mặt giếng không tiếp
xúc với bên ngoài: Lòng em như nước giếng/ Thề không gợn sóng lan. Có sự
trong sáng của dòng suối, con sông phải thâu nhận bao nhiêu chất tạp khác
trên đường xuôi chảy. Có sự trong sáng quay lại sau, lấy cha ông làm mẫu
mực tuyệt đối, nhưng cũng có sự trong sáng nhìn ra trước, mở đường cho
con cháu mai sau. Có sự trong sáng dân tộc hẹp hòi, chỉ biết mình say mê
ngắm nghía lấy dân tộc mình, nhưng cũng có sự trong sáng đặt dân tộc mình
là một bộ phận của nhân loại. Có trong sáng động và trong sáng tĩnh, trong
sáng giàu và trong sáng nghèo.” (Nhà thơ Chế Lan Viên)

- “Người đọc tìm đến nhà thơ là để đòi hỏi một cách sống. Không phải
chỉ đòi hỏi lý tưởng như với một nhà triết học, mà đòi hỏi cả cách xúc cảm,
cách thương, cách nhớ, cách giận, cách ghét như với một người yêu. Không
lấy làm lạ là người ta rất tò mò với đời sống riêng của các nhà thi sĩ. Không
lấy làm lạ là trong thơ, yếu tố đầu tiên người ta đòi hỏi là sự chân thành:
“Quả là anh có sống như lời anh viết đó không? Quả là tôi có thể theo lối
anh sống để sống hay không? Trong đời sống của anh, anh đã gặp những gì,
anh đã giải quyết ra sao, anh nói cho tôi biết mà theo với!...” (Nhà thơ Chế
Lan Viên)

- “Người đọc khi lần giở những trang sách chẳng khác nào đang giở
từng trang lý lịch tư tưởng của người viết. Và khi xếp những cuốn sách lại
người ta có thể hiểu kỹ lưỡng như từng ăn ở với chúng ta, nhìn thấu vào tận
trí não và lương tâm chúng ta. Lúc đó là người đọc có thể đánh giá chúng ta,
liệt từng người trong chúng ta vào hạng người như thế nào trong xã hội, và
cũng căn cứ vào đó người đọc định đoạt một thái độ đối với tên một nhà
văn.” (Nhà văn Nguyễn Minh Châu)

- “Bao giờ cũng thế, bao giờ người đọc cũng khao khát muốn tìm thấy
trên trang sách nhà văn một sự rung động sâu sắc, một sự quan tâm thực sự
đối với cuộc đời của họ, một niềm tin yêu, một tiếng nói chung.” Và “xét
cho cùng cái phần chủ yếu của một người viết văn vẫn là tiếng nói của anh
trước những vấn đề mà đông đảo mọi người đang quan tâm tới.” (Nhà văn
Nguyễn Minh Châu)

MỘT VÀI PHÁT BIỂU CỦA NHÀ PHÊ BÌNH HOÀNG ĐĂNG
KHOA:
- “Có người bảo, tâm hồn con người xưa nay thì cũng chỉ bấy nhiêu
cung điệu, nên con đường cách tân thơ khả hữu nhất là cách tân kĩ thuật, thủ
pháp. Nhiều nhà nghiên cứu - phê bình dùng công cụ lí thuyết mới để làm
việc với văn bản thơ, và hứng khởi trừu xuất những kĩ thuật, thủ pháp mà
nhà thơ sử dụng. Còn tôi đọc thơ thì cứ thiên về tri cảm bản đồ tâm hồn của
nhà thơ, vì quan niệm thơ là tự sự của tâm hồn. Và tôi nghĩ, thơ hay thì nó
vừa phức tạp vừa đơn giản hơn nhiều so với hình dung của những nhà lí
thuyết và những người ứng dụng lí thuyết.”
- “Ngôi nhà văn chương luôn cởi mở dung hợp những gì gần mình,
ngoài mình, miễn là giàu phẩm tính văn chương nghệ thuật. Môn văn trong
nhà trường dạy học cả văn bản văn bia, sử kí, kí sự, phóng sự…, và đặc biệt
là văn nghị luận với phong phú đa dạng các thể của nó. Có nghĩa là, đường
biên văn chương, từ khởi thủy, đã luôn đặt ở chế độ mở. Ngày nay, mở đến
như giải Nobel văn học 2016 xướng tên… nhạc sĩ Bob Dylan, vì ông đã
"tạo ra những biểu đạt thi ca mới bên trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của
Mĩ", thì đã là rất… mở rồi, nhưng mở đến mức chấp nhận cả những gì phi
ngôn từ để định danh “thơ hình ảnh”, “thơ ngoài lời”… thì cái sự mở của
văn chương sẽ còn đi xa hơn nữa.”
- “Cơ thể thực tiễn văn học Việt Nam không ngừng trương nở, không
còn tương thích với tấm áo lí luận văn học đang được dạy trong nhà trường,
từ phổ thông đến đại học.”
- “Có người cho rằng, nông thôn và chiến tranh là hai mảng đề tài chủ
đạo, làm nên thành tựu chính của văn học Việt Nam hiện đại. Tôi lại thấy
rằng, những tác phẩm đáng kể nhất về đề tài chiến tranh hầu như đều lấy
nông thôn làm không gian nghệ thuật. Có nghĩa là, viết về nông thôn là thế
mạnh, là sở trường, là một thôi thúc tự thân, tự nhiên của nhà văn Việt Nam,
vì họ đa phần sinh ra từ làng, ra đi từ làng.”
- “Văn chương giúp người ta nhìn sâu hơn vào đời, sống sâu hơn với
đời.”
- “Ngày hôm nay, viết về chiến tranh, kể, khơi lại, dựng dậy những
“chuyện xưa”, suy cho cùng là viết về hòa bình, là viết về số phận con người
với tất cả chiều kích hiện sinh của nó. Đề tài chiến tranh trong văn học Việt
Nam chưa thể xong xuôi, hoàn tất, nó vẫn là mảnh đất phong nhiêu, dung
chứa nhiều nguồn “chưa ai khơi”, nhiều câu chuyện chưa ai kể và nhiều kĩ
thuật tự sự chưa ai thể nghiệm.”
- “Như một hệ quả tất yếu của quá trình toàn cầu hóa, đường hướng
diễn giải các hiện tượng văn học hiện nay đang có sự dịch chuyển từ nội
quan (xem tác phẩm là một chỉnh thể thẩm mĩ mang tính tự trị) sang ngoại
quan (đặt nhà văn và tác phẩm vào không gian xã hội và văn hóa mà nhà văn
thuộc về, tác phẩm sinh thành).”
- “Chúng ta đang thuộc về thời đại đa văn hóa, do vậy, nếu ai đó quá
tự tin với tri kiến cá nhân, tham vọng độc chiếm, sở hữu chân lí thì sẽ thành
lố bịch.”
- “Văn chương ngày nay đang bừng bừng tinh thần giao chiến, giữa
nó và hệ thống đạo đức, luân lí xã hội. Một khi các nhà phê bình dõng dạc
hào sảng gọi tên “mĩ cảm của bạo lực”, “mĩ cảm của cái ác”, “mĩ cảm của
tính dục” (kể cả đồng tính, loạn luân)… trong tác phẩm, thì những phẩm tính
chân, thiện, mĩ (đặc biệt là thiện) của văn chương bị chất vấn, đòi được minh
định lại.”
- “Diễn ngôn văn chương luôn là diễn ngôn “đa bội” nhất, có khả
năng tích lồng trong mình nhiều diễn ngôn nhất, dung chứa trong mình
nhiều tiếng nói ngầm nhất. Cá nhân tôi không tin có chuyện văn chương vô
can với chính trị. Tác phẩm có vẻ vô can nhất cũng không thể viết nên từ
chân không, mà phải từ một lập trường-chỗ đứng chính trị nhất định, và việc
tỏ ra vô can với chính trị đã là cách bày tỏ thái độ chính trị rồi. Tuy nhiên,
tác phẩm văn chương, bằng quyền lực của riêng mình, sẽ cười nhạo những ai
dở hơi đi quy kết, chụp mũ chính trị nó…”
- “Tiểu thuyết lịch sử muốn chinh phục được những người đọc “hiện
đại” thì nó phải nỗ lực truy vấn, đối thoại, phản biện với/lại lịch sử, vén mở,
khai thông những lớp “sương mù” của diễn ngôn lịch sử để kiến dệt nên một
diễn ngôn mới/khác về lịch sử…”
- “Tác phẩm văn học, tự bản chất của nó, là một cuộc giao tiếp với
người đọc bằng thứ ngôn ngữ ẩn dụ-lấp lửng-bóng gió-giảm tránh-vẽ mây
nẩy trăng.”
- “Tác phẩm văn chương luôn lắng nghe, chấp nhận mọi cách đọc, tôn
trọng quyền dân chủ của cộng đồng diễn giải, nhờ thế nó luôn quyến rũ, bởi
luôn ở chế độ mở, dang dở, không hoàn kết.”
- “Không có văn bản tác phẩm nào là bất khả giải, chỉ có sự đọc của
chủ thể đọc đôi khi chưa tiến hóa kịp so với sự viết của chủ thể viết mà
thôi.”
- “Văn chương là thứ bất trị nhất, luôn không hài lòng với mọi định
nghĩa. Bản chất của văn chương là truy vấn, là khơi vẫy đối thoại.”

(Còn nữa)

You might also like