You are on page 1of 10

TS.

PHẠM THỊ TUYẾT


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

Trung Quốc với đường lối đấu tranh


thống nhất đất nước của Việt Nam (1954-1975)

TÓM TẮT
Do là nước có vị trí địa lí liền kề với Việt Nam và do cùng chung ý thức hệ nên
trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954-1975) của Việt Nam, Trung Quốc là
một trong những nước ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam đầu tiên và nhiều nhất cả về vật chất và
tinh thần. Tuy nhiên, cùng với quá trình ủng hộ Việt Nam, Trung Quốc đã ít nhiều muốn
thực hiện chính sách chi phối Việt Nam. Đằng sau sự ủng hộ to lớn ấy, Trung Quốc có
những toan tính riêng nhằm phục vụ cho lợi ích quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh quan hệ
quốc tế thời kì này có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam đã kiên quyết thực hiện đường
lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Do đó, trong nhiều vấn đề, quan điểm của hai phía không
hoàn toàn trùng khớp nhau, trong đó có vấn đề về đường lối đấu tranh vũ trang và đấu tranh
ngoại giao để đi đến thống nhất đất nước của Việt Nam. Về vấn đề này, quan điểm của
Trung quốc cũng không hoàn toàn đồng nhất trong từng giai đoạn. Điều này xuất phát từ
những lí do nào? Và sự thay đổi trong quan điểm của Trung Quốc được thể hiện như thế
nào qua thái độ và cách ứng xử của Trung Quốc đối với Việt Nam. Đó là những nội dung
sẽ được đề cập trong bài viết này.
Tổng số trang: 9

1
TRUNG QUỐC VỚI ĐƯỜNG LỐI ĐẤU TRANH
THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC CỦA VIỆT NAM (1954-1975)
TS. Phạm Thị Tuyết*

Do là nước có vị trí địa lí liền kề với Việt Nam và do cùng chung ý thức hệ nên
trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954-1975) của Việt Nam, Trung Quốc là
một trong những nước ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam đầu tiên và nhiều nhất cả về vật chất và
tinh thần. Tuy nhiên, cùng với quá trình ủng hộ Việt Nam, Trung Quốc đã ít nhiều muốn
thực hiện chính sách chi phối Việt Nam. Đằng sau sự ủng hộ to lớn ấy, Trung Quốc có
những toan tính riêng nhằm phục vụ cho lợi ích quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh quan hệ
quốc tế thời kì này có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam đã kiên quyết thực hiện đường
lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Do đó, trong nhiều vấn đề, quan điểm của hai phía không
hoàn toàn trùng khớp nhau, trong đó có vấn đề về đường lối đấu tranh vũ trang và đấu tranh
ngoại giao để đi đến thống nhất đất nước của Việt Nam. Về vấn đề này, quan điểm của
Trung quốc cũng không hoàn toàn đồng nhất trong từng giai đoạn. Điều này xuất phát từ
những lí do nào? Và sự thay đổi trong quan điểm của Trung Quốc được thể hiện như thế
nào qua thái độ và cách ứng xử của Trung Quốc đối với Việt Nam. Đó là những nội dung
sẽ được đề cập trong bài viết này.
1. Về đường lối đấu tranh vũ trang
Sau Hiệp định Geneva (1954), đế quốc Mĩ nhảy vào miền Nam Việt Nam, dựng lên
chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và ra sức giúp đỡ chính quyền ấy thực hiện âm mưu
phá hoại Hiệp định. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã đề ra cho cách mạng miền
Nam nhiệm vụ chuyển cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp sang đấu tranh chính trị chống
Mĩ – Diệm, đòi hòa bình, gìn giữ và xây dựng lực lượng cách mạng, với mục tiêu chiến
lược là giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả
nước, tiến tới thống nhất đất nước.
Sau hai năm kiên trì đấu tranh chính trị đòi Mĩ – Diệm nghiêm chỉnh thi hành Hiệp
định Geneva, tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, nhân dân và lực lượng cách
mạng miền Nam đã chịu nhiều tổn thất do các chính sách phản động của chính quyền Ngô
Đình Diệm. Tình hình đó đòi hỏi Đảng phải có quyết sách chiến lược đối với phong trào
cách mạng miền Nam. Trong cuộc họp từ ngày 8 đến ngày 9/6/1956, Bộ Chính trị Trung

*
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

2
ương Đảng đã ra nghị quyết về “Tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam”, quyết định
một số vấn đề mới về chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng miền Nam, trong đó chủ trương
sử dụng hình thức đấu tranh vũ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định bên cạnh hình
thức đấu tranh chính trị. Nghị quyết cũng chỉ ra nhiệm vụ “củng cố các lực lượng vũ trang
hiện có và xây dựng căn cứ làm chỗ dựa, đồng thời xây dựng cơ sở quần chúng vững mạnh,
làm điều kiện căn bản để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang”; “tổ chức tự vệ trong
quần chúng, nhằm bảo vệ các cuộc đấu tranh và giải thoát cán bộ khi cần thiết” [4; tr.267-
268]. Tiếp đó, vào tháng 8/1956, với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị đang công tác ở miền
Nam, khi soạn thảo tài liệu “Đường lối cách mạng miền Nam” để làm phương hướng chỉ
đạo phong trào cách mạng miền Nam, Lê Duẩn đã khẳng định: “Nhân dân ta ở miền Nam
chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mĩ – Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là
con đường cách mạng. Ngoài con đường đó không có con đường nào khác” [4; tr.268].
Cũng trên tinh thần đó, Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ (8/1956) đã chỉ rõ nhiệm vụ của cách
mạng miền Nam là “phải dùng bạo lực tổng khởi nghĩa giành chính quyền”, trong đó nhiệm
vụ trước mắt là: “tích cực xây dựng lực lượng vũ trang tuyên truyền, lập các đội vũ trang
bí mật, xây dựng căn cứ miền núi, tranh thủ vận động, cải tạo, tập hợp các lực lượng giáo
phái bị Mĩ – Diệm đánh tan rã từng mảng vào hàng ngũ nhân dân và lợi dụng danh nghĩa
giáo phái li khai để diệt ác ôn” [4; tr.268].
Như vậy, ngay từ năm 1956, nhận thấy rõ âm mưu của Mĩ – Diệm và khả năng thi
hành Hiệp định Geneva không còn, Bộ Chính trị đã kịp thời chuyển hướng đường lối cách
mạng miền Nam và chỉ đạo việc tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách
mạng để tiến tới kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giải phóng miền Nam,
thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó đã không đồng tình với chủ trương
đấu tranh vũ trang để thống nhất đất nước của Việt Nam. Ngay từ tháng 7/1955, Tổng bí
thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã cảnh báo với Việt Nam rằng: “Dùng
lực lượng vũ trang để thống nhất nước nhà sẽ có hai khả năng: một là thắng và một khả
năng nữa là mất cả miền Bắc” [2; tr.17]. Còn Thủ tướng Chu Ân Lai trong chuyến thăm
Việt Nam tháng 11/1956 đã bày tỏ quan điểm “ủng hộ công cuộc kiến thiết kinh tế của
nhân dân Việt Nam và cuộc đấu tranh giành thống nhất Việt Nam bằng phương pháp hòa
bình” [ 5; tr.179]. Điều này có nghĩa là Trung Quốc chỉ muốn Việt Nam tập trung vào công
cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc để biến miền Bắc thành tấm gương thu hút,
gây ảnh hưởng đối với miền Nam, để miền Nam tự nguyện đi theo con đường xã hội chủ

3
nghĩa. Thực tế là những nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn duy trì lâu dài hiện trạng hai miền
Nam – Bắc Việt Nam, công nhân sự cùng tồn tại của hai nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa và Việt Nam Cộng hòa. Chính Thủ tướng Chu Ân Lai đã từng đưa ra gợi ý với phía
Việt Nam Cộng hòa từ ngày 22/7/1954, cho phép Chính phủ này đặt một công sứ quán tại
Bắc Kinh, nhưng không được Ngô Đình Diệm chấp nhận. Còn với Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, từ năm 1956, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã bày tỏ quan điểm: “Vấn đề là phải giữ
biên giới hiện có. Phải giữ vĩ tuyến 17…”; “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không
thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ… nếu 10 năm chưa
được thì phải 100 năm” [2; tr.17]. Và để thực hiện được chủ ý này, Trung Quốc đã thuyết
phục Việt Nam thực hiện phương châm “trường kỳ mai phục, tích trữ lương thực, liên hệ
quần chúng, chờ đợi thời cơ” [2; tr.17].
Nhưng diễn biến tình hình ở miền Nam trong những năm 1954-1959 một mặt ngày
càng lộ rõ tính chất phản động của chính quyền Ngô Đình Diệm và âm mưu thâm độc của
Mĩ, mặt khác cho thấy những kết quả rõ rệt của việc xây dựng lực lượng vũ trang và hoạt
động đấu tranh vũ trang. Trước tình hình đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15, Đảng đã
ban hành Nghị quyết về đường lối cách mạng của cả nước và của miền Nam, trong đó chỉ
rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành
chính quyền về tay nhân dân”; “lấy sức mạnh của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực
lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính
quyền cách mạng của nhân dân” [4; tr.274]. Nghị quyết cũng dự đoán khả năng cuộc khởi
nghĩa đó có thể chuyển thành một cuộc đấu tranh vũ trang.
Nghị quyết lịch sử này không chỉ định hướng cho nhân dân miền Nam về con đường
đấu tranh cách mạng, xác định rõ hình thức đấu tranh của cách mạng miền Nam, tạo tiền
đề quan trọng cho phong trào “Đồng khởi” những năm 1959-1960, mà còn thể hiện sự nhất
trí cao trong Đảng về chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang ở miền
Nam để thống nhất đất nước.
Từ sau “Đồng khởi”, cách mạng miền Nam đã phát triển thành một cuộc chiến tranh
cách mạng. Trong bối cảnh đó, khi không thể ngăn cản Việt Nam chủ trương đấu tranh vũ
trang ở miền Nam, Trung Quốc một mặt đã tăng khối lượng hàng viện trợ quân sự cho Việt
Nam vào năm 1961, mặt khác vẫn tiếp tục thuyết phục Việt Nam thực hiện đường lối kháng
chiến “trường kỳ”, áp dụng chính sách “tổ mối”, không nên đánh những đòn mạnh, chỉ nên
“đánh du kích, đánh nhỏ từng đơn vị trung đội, đại đội”. Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đã
từng nói với Quân ủy Trung ương Quân đội nhân dân Việt Nam rằng: “Phải đấu tranh lâu

4
dài, không thể giải quyết nhanh được... không thể đưa lực lượng cách mạng bộc lộ quá
sớm, quá nhiều trên tiền tuyến cách mạng vào lúc thời cơ chưa chín muồi” [5; tr.182]. Cho
đến tận cuối năm 1963, Trung Quốc vẫn bảo lưu quan điểm này. Đại tướng – Tổng Tham
mưu trưởng Quân đội nhân dân Trung Quốc La Thụy Khanh phát biểu trong cuộc hội đàm
với Việt Nam ngày 15/9/1963 rằng: “Hiện nay, về quân sự, chúng ta đánh những trận nhỏ,
một mặt phát triển lực lượng của chúng ta; mặt khác, cần che giấu lực lượng… cần có tiếng
mà không có miếng” [5; tr.183].
Trung Quốc cũng không muốn Việt Nam đẩy manh xây dựng quốc phòng, không
muốn miền Bắc đưa lực lượng vào giúp miền Nam. Họ đưa ra lời khuyên: “Cần phải giảm
bớt biên chế, giảm bớt bộ đội đi, nếu không thì có nhiều vấn đề không giải quyết được” [5;
tr.179] và “Miền Bắc có thể ủng hộ về chính trị cho miền Nam, giúp miền Nam đề ra các
chính sách nhưng chủ yếu là bồi dưỡng tinh thần tự lực cánh sinh cho anh em miền Nam...
Khi ăn chắc, miền Bắc có thể giúp quân sự miền Nam, nghĩa là khi hoàn toàn chắc chắn
không xảy ra chuyện gì, có thể cung cấp một số vũ trang mà không cho ai biết. Nhưng nói
chung là không giúp” [2; tr.18].
Lí do Trung Quốc đưa ra để bảo vệ quan điểm này là vì họ e ngại nếu Việt Nam
đẩy mạnh đấu tranh vũ trang ở miền Nam thì chiến tranh sẽ lan rộng ra miền Bắc và Mĩ sẽ
nhảy vào can thiệp ở miền Nam. Điều đó sẽ làm thay đổi cục diện thế quân bình mà Trung
Quốc đang muốn duy trì ở khu vực châu Á. Thực chất là Trung Quốc không muốn có một
nước Việt Nam độc lập, thống nhất và hùng mạnh, vì điều đó sẽ gây khó khăn cho Trung
Quốc trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu, nắm trọn các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên,
Việt Nam đã kiên quyết đi theo đường lối độc lập, tự chủ của mình, tiếp tục đẩy mạnh việc
xây dựng quốc phòng, tăng cường lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang ở miền Nam.
Từ năm 1964, Trung Quốc đã thay đổi quan điểm, chuyển sang ủng hộ Việt Nam
đẩy mạnh đấu tranh vũ trang chống Mĩ. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố. Trước hết là
những thay đổi theo hướng ngày càng xấu đi trong quan hệ Xô – Trung đã khiến Trung
Quốc tìm cách lôi kéo Việt Nam về phía mình để chống lại Liên Xô. Mặt khác, việc Mĩ
dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964) khiến Trung Quốc lo ngại chiến tranh lan rộng
ra miền Bắc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Trung quốc ở khu vực phía Nam. Cũng
trong năm này, Trung Quốc đã tăng số lượng viện trợ quân sự cho Việt Nam lên cao nhất
kể từ đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ.
Cùng với sự ủng hộ Việt Nam về đường lối đấu tranh vũ trang, cũng từ năm 1964
đến năm 1968, Trung Quốc tiếp tục tăng viện trợ quân sự cho Việt Nam. Từ năm 1968 đến

5
năm 1972, do những bất đồng với Việt Nam về đường lối đấu tranh ngoại giao và mong
muốn thực hiện chính sách chi phối Việt Nam trong cuộc đàm phán với Mĩ, Trung Quốc
đã dùng vấn đề viện trợ để gây sức ép với Việt Nam.
Sau Hiệp định Paris, trước thực trạng ở miền Nam Việt Nam, quân đội Sài Gòn thực
hiện các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” nhằm xóa bổ thế “da báo”, âm mưu phá hoại Hiệp
định Paris, Việt Nam đã thực hiện chủ trương đẩy mạnh đấu tranh chống địch “bình định
– lấn chiếm” tạo thế và lực tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong tình hình đó,
Trung Quốc đã có quan điểm ngược lại, muốn kéo dài cuộc đấu tranh ở miền Nam và tìm
cách kiềm chế cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Theo quan điểm của Mao Trạch
Đông: “Ở miền Nam cần ngừng (chiến đấu) nửa năm, một năm, một năm rưỡi, hai năm
càng tốt”. Cách mạng miền nam nên chia làm hai bước. Gộp lại làm một người Mĩ không
chịu đâu. Vấn đề là trong tay chính quyền Nguyễn Văn Thiệu còn có mấy chục vạn quân”
[2; tr.26]. Còn Thủ tướng Chu Ân Lai thì lại đưa ra lời khuyên: “Trong một thời gian chưa
có thể nói dứt khoát là 5 năm hay 10 năm, Việt Nam và Đông Dương nghỉ ngơi được thì
càng tốt; tranh thủ thời gian đó mà nhân dân miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia thực
hiện hòa bình, trung lập một thời gian” [2; tr.26]. Cùng với đó, Trung Quốc vẫn ngấm ngầm
liên hệ với Mĩ và tích cực giúp Mĩ trong việc ngăn cản cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam
Việt Nam.
Tuy nhiên, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 của quân và dân miền Nam
đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước kéo dài 21 năm của
nhân dân Việt Nam, đồng thời làm thất bại hoàn toàn âm mưu của các thế lực đế quốc và
phản động trên thế giới muốn lợi dụng việc giải quyết vấn đề Việt Nam để thực hiện những
toan tính phục vụ cho lợi ích riêng của mình.
2. Về đường lối đấu tranh ngoại giao
Ngay từ năm 1965, chính quyền Johnson đã bắt đầu nói đến chủ trương thương
lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam. Tuy
nhiên, đó chỉ là giọng lưỡi lừa bịp nhằm che đậy cho những hành động chiến tranh mà
chính quyền ấy đang tăng cường ở cả hai miền Nam – Bắc Việt Nam. Đến năm 1968, do
thất bại liên tiếp trong các chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ”, đặc
biệt là cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1968 của lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân
miền Nam đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mĩ, buộc Mĩ phải tìm lối thoát ra
khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự bằng cách chấp nhận đến bàn Hội nghị Paris để thương
lượng với Việt Nam.

6
Về phía Việt Nam, trước những chuyển biến có lợi của tình hình cách mạng ở hai
miền Nam – Bắc, Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (1/1967) đã quyết định mở mặt trận
ngoại giao, phối hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam,
thực hiện sách lược “đánh – đàm”. Hội nghị xác định: “đấu tranh quân sự và đấu tranh
chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở
cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao” [3; tr.170]. Mục đích, nhiệm vụ của cuộc tấn công
ngoại giao là “nhằm tố cáo mạnh mẽ hơn nữa tội ác của đế quốc Mĩ, vạch trần những thủ
đoạn hòa bình giả hiệu của chúng; đề cao lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa và Tuyên bố năm điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, tranh thủ sự
đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước anh em, bạn bè yêu chuộng hòa bình, công lí
trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mĩ” [8; tr.217].
Nếu như sách lược “đánh – đàm” của Việt Nam được Liên Xô khuyến khích thì
Trung Quốc lại có phản ứng không thuận. Trong cuộc hội đàm giữa hai đoàn đại biểu cấp
cao hai nước tại Bắc Kinh (17/2/1967), Thủ tướng Chu Ân Lai đã phê phán sách lược “đánh
– đàm” của Việt Nam và cho rằng sách lược này có thể gây ra bốn hậu quả là: gây hiểu lầm
về việc tách rời việc giải quyết vấn đề miền Bắc và miền Nam; làm cho nhân dân có ảo
tưởng hòa bình; gây hiểu lầm miền Bắc bán rẻ miền Nam; khiến Liên Xô gây áp lực đàm
phán đối với Việt Nam [5; 330].
Sau khi Tổng thống Mĩ Johnson ra tuyên bố ngày 31/3/1968 về việc đơn phương
chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, sẵn sàng cử đại diện đàm
phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rút dần quân Mĩ ra khỏi miền Nam Việt
Nam, ngày 3/4/1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố sẵn sàng cử đại
diện của mình tiếp xúc với đại diện Mĩ nhằm xác định với phía Mĩ việc Mĩ chấm dứt không
điều kiện việc ném bom và hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện [8; tr.223].
Chủ trương này phù hợp với quan điểm và mong muốn của Liên Xô về một giải
pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh Việt Nam trong bối cảnh Liên Xô đang muốn thực hiện
hòa hoãn với Mĩ nên được Liên Xô ủng hộ. Trái với Liên Xô, Trung Quốc phản đối giải
pháp hòa bình, phản đối Việt Nam đàm phán với Mĩ, cho rằng đàm phán với Mĩ là sai lầm,
là nguy hiểm và Tuyên bố ngày 3/4/1968 của Việt Nam là vội vã, thể hiện sự nhân nhượng
một phần và đã giải cứu khó khăn cho Mĩ. Đồng thời, để thể hiện sự phản đối của mình,
Trung Quốc đã giảm các khoản viện trợ cho Việt Nam. Sở dĩ Trung Quốc có sự phản đối

7
này là do quan hệ Xô – Trung thời gian này đang căng thẳng, vì thế Trung Quốc muốn đối
lập quan điểm với Liên Xô. Trung Quốc lo ngại nếu Việt Nam đàm phán với Mĩ lúc này
sẽ có lợi cho Liên Xô trong việc cải thiện mối quan hệ với Mĩ trong vai trò làm trung gian,
còn Trung Quốc sẽ bị gạt ra ngoài cuộc chơi. Mặt khác, Trung Quốc cũng mong muốn
chiến tranh Việt Nam kéo dài sẽ làm suy yếu cả Liên Xô và Mĩ, tăng cơ hội đối đầu quân
sự trực tiếp giữa hai đối thủ của Trung Quốc.
Năm 1969, mâu thuẫn Xô – Trung lên tới đỉnh điểm dẫn tới các cuộc xung đột vũ
trang ở vùng biên giới giữa hai nước. Trong khi thực hiện chính sách đối đầu căng thẳng
với Liên Xô, Trung Quốc đi tìm khả năng bắt tay với Mĩ. Điều này cũng phù hợp với mong
muốn hòa hoãn với cả Trung Quốc và Liên Xô của chính quyền Nixon. Tháng 6/1970,
Trung Quốc và Mĩ thỏa thuận là đại sứ Trung Quốc Hoàng Chấn và cố vấn Kissinger sẽ
tiến hành những cuộc đàm phán bí mật mỗi lần Kissinger đến Paris đàm phán với phía Việt
Nam. Do vậy, cũng từ năm 1970, quan điểm của Trung Quốc về vấn đề đàm phán giữa
Việt Nam với Mĩ đã dần dần có sự thay đổi. Trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh ngày
11/5/1970, Mao Trạch Động đã nói với Tổng bí thư Lê Duẩn: “Các đồng chí có thể đàm
phán với Mĩ” [6; tr.161]. Đến ngày 23/9/1970, khi tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Mao
Trạch Đông đã phát biểu thể hiện một bước tiến mới trong sự thay đổi quan điểm của Trung
Quốc về vấn đề này như sau: “Chúng tối đã thấy là các đồng chí có thể tiến hành đấu tranh
ngoại giao và làm rất tốt. Cuộc đàm phán đã diễn ra hai năm, lúc đầu chúng tôi lo lắng. Lo
các đồng chí bị mắc kẹt. Bây giờ thì không còn lo lắng nữa” [6; tr.174].
Bước sang các năm 1971-1972, quan hệ Mĩ – Trung ấm dần lên. Đặc biệt sau chuyến
thăm của Nixon đến Bắc Kinh (21/2/1972), hai bên ra Thông cáo Thượng Hải, trong đó có
đoạn như sau: “Mĩ khẳng định mục tiêu cuối cùng là rút hết các lực lượng và cơ sở quân
sự ra khỏi Đài Loan. Trong khi chờ đợi, tùy theo tình hình căng thẳng trong khu vực này
giảm đi, Mĩ sẽ dần dần giảm lực lượng và cơ sở quân sự của Mĩ ở Đài Loan” [2; tr.21].
Như vậy là Trung Quốc và Mĩ đã gắn việc giải quyết vấn đề Đài Loan với vấn đề Việt Nam
và Đông Dương. Theo Thông cáo này thì một trong những điều kiện đòi hỏi hai bên cần
thực hiện ngay là: “nếu Bắc Kinh muốn thúc đẩy việc rút lực lượng và các cơ sở quân sự
Mĩ ra khỏi Đài Loan thì họ cần ép Hà Nội đi vào một giải pháp thỏa hiệp với Mĩ” [2; tr.21].
Sau khi đạt được các thỏa thuận với Mĩ, Trung quốc một mặt tăng thêm viện trợ cho
Việt Nam vào những năm 1971-1972 lên mức cao nhất kể từ đầu cuộc kháng chiến chống
Mĩ để lôi kéo Việt Nam đi vào con đường thỏa hiệp với Mĩ, mặt khác luôn tìm cách để thúc

8
ép Việt Nam nhân nhượng Mĩ trên bàn đàm phán Paris, chấp nhận những điều kiện thương
lượng thấp. Ngày 18/7/1971, sau chuyến viếng thăm bí mật của Kissinger đến Bắc Kinh,
Trung Quốc thông báo cho Việt Nam phương án bốn điểm của Mĩ: rút quân và thả tù binh
Mĩ trong 12 tháng kể từ ngày 1 tháng 8 năm 1971, ngừng bắn toàn Đông Dương và giải
pháp theo kiểu Geneva năm 1954 [2; tr.21]. Tháng 11/1971, Trung Quốc lại thúc ép: “Việt
Nam nên tranh thủ giải quyết trước vấn đề rút quân Mĩ và quan tâm giải quyết vấn đề tù
binh Mĩ, việc đánh đổ ngụy quyền Sài Gòn là lâu dài” [2; tr.22]. Trong khi Nixon lật lọng
phá hoại thỏa thuận giữa các bên về việc sẽ kí tắt Hiệp định Paris vào tháng 10/1972, thì
Trung Quốc lại thúc ép Việt Nam nên nhân nhượng về hai vấn đề rút quân miền Bắc và
miền Bắc Việt Nam không nhận viện trợ quân sự để có thể kí được hiệp định [2; tr.22].
Tuy nhiên, Việt Nam đã kiên quyết thực hiện đường lối độc lập, tự chủ trong cuộc
đấu tranh ngoại giao với Mĩ, đồng thời đánh bại hoàn toàn âm mưu của Mĩ trong cuộc tập
kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972,
buộc Mĩ phải chấp nhận kí kết Hiệp định Paris về Việt Nam vào ngày 27/1/1973. Do không
thể can thiệp được vào đường lối đấu tranh ngoại giao của Việt Nam để phục vụ cho mục
đích chính trị của mình, cùng với việc cắt viện trợ cho Việt Nam, Trung Quốc lại tiếp tục
tìm kiếm các cách thức khác để tác động vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của Việt
Nam ở giai đoạn cuối cùng (1973-1975).
Như vậy, có thể thấy rằng, cùng với quá trình ủng hộ Việt Nam chống Mĩ, cứu nước
(1954-1975), Trung Quốc luôn tìm cách chi phối Việt Nam, nắm lấy Việt Nam và điều
khiển Việt Nam đi theo quỹ đạo mà Trung Quốc muốn. Chính điều này đã ảnh hưởng rất
lớn đến quan điểm của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam suốt giai đoạn
1954-1975. Đối với đường lối đấu tranh vũ trang, nếu như trước năm 1964, Trung Quốc
không muốn Việt Nam xây dựng lực lượng và đấu tranh vũ trang thì từ năm 1964 đến năm
1975, quan điểm này lại có sự thay đổi, từ chỗ ủng hộ Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh vũ
trang đến chỗ tìm cách ngăn cản, kiềm chế Việt Nam đấu tranh vũ trang giải phóng miền
Nam. Đối với đường lối đấu tranh ngoại giao, Trung Quốc lúc đầu phản đối Việt Nam đàm
phán với Mĩ nhưng sau đó đã chuyển sang ủng hộ và tìm cách nắm vai trò trung gian trong
cuộc đàm phán giữa Mĩ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tất cả những sự thay đổi trong
quan điểm của Trung Quốc về hai vấn đề này đều nằm trong sự tính toán của Trung Quốc.
Cùng với đó là những thay đổi trong thái độ và cách ứng xử của Trung Quốc ít nhiều đã có

9
sự tác động đến sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của Việt Nam giai đoạn 1954-
1975.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Pierre Aselin, 2005, Nền hòa bình mong manh – Washinhton, Hà Nội và tiến
trình Hiệp định Paris, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Bộ Ngoại giao, 1979, Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm
qua, NXB Sự thật, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2003, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 28, NXB Chính
trị quốc gia, Hà Nội.
4. Trần Bá Đệ (chủ biên) - Lê Cung – Nguyễn Xuân Minh – Phạm Thị Tuyết, 2013,
Giáo trình lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
5. Nguyễn Thị Mai Hoa, 2013, Các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ Việt Nam kháng
chiến chống Mĩ, cứu nước (1954-1975), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Hồ sơ quan hệ Việt – Trung trong giai đoạn chống Mĩ, cứu nước (từ tháng 3/1954
đến tháng 8/1973), Tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc
gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
7. Lý Kiện, 2008, Trung – Xô – Mĩ, cuộc đối đầu lịch sử, NXB Thanh niên, Hà
Nội.
8. Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, 2005, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

10

You might also like