You are on page 1of 28

PHÊ BÌNH VỀ DỊCH THUẬT CỦA TRẦN THIỆN ĐẠO

Trường hợp Điển hình: Bản dịch Camus-La Chute-Sa đọa


Chơn Hạnh-Trần Xuân Kiêm

B.-MÔ THỨC PHÊ BÌNH CỦA DG TRẦN THIỆN ĐẠO QUA BÀI VỀ BẢN DỊCH
“NGƯỜI DƯNG” CỦA DƯƠNG TƯỜNG VÀ “VĂN CHƯƠNG LÀ GÌ” CỦA
NGUYÊN NGỌC
DG TTĐ có “Hai bài nói về bản dịch “Người dưng” của Dương Tường” trên
website vnexpress.net 5-6-2004. Người viết chỉ có nguyên bản Pháp và 2 bản dịch Anh,
không có bản dịch Việt Người Dưng của Dương Tường, nên chỉ căn cứ vào chính phê
bình của DG TTĐ để dẫn chứng cung cách phê bình dịch thuật của ông. Giống như khi
“tấn công ồ ạt” bản dịch Những Ruồi của Phùng Thăng (xem bài Phản phê bình DG TTĐ
về bản dịch Những Ruồi của PT), ông tấn công từ tên dịch nhan đề và soi từng dòng, từng
đoạn ngay từ trang 1 rồi đưa ra cách dịch ... trật lất của mình.
Quan niệm dịch thuật và phê bình dịch thuật của người viết bài nầy chỉ gói gọn
trong một câu mà ai cũng biết: «Dịch thuật ngôn ngữ là quá trình chuyển đổi chữ viết từ
một ngôn ngữ nầy sang một ngôn ngữ khác, theo một cách phù hợp về mặt văn hóa và
ngữ nghĩa. sao cho độc giả được nhắm đến có thể lĩnh hội được.»
B1).-Nhan đề: Người xa lạ? Người dưng? Kẻ đứng bên lề? Người ngoại cuộc?
DG TTĐ mượn lời Trần Hinh. *«Qua đó, Trần Hinh nhắc tới bản dịch cuốn truyện
nguyên tác tiếng Pháp là L’Étranger do Dương Tường chuyển thành Người dưng. Ông
cho đây là « một bản dịch rất ‘‘lạ‘’ ». Ngay chính nhan đề L’Étranger chuyển thành
Người dưng xét ra quá ư «giản đơn. Rõ ràng từ Người dưng đến L’Étranger là một
khoảng cách rất xa.», nghĩa là dịch giả «đã gần như không chú ý đến hệ thống tư tưởng
của tác giả (...) ». Hay nói một cách huỵch toẹt hơn, dịch giả không thông hiểu nội dung
tác phẩm và thiếu thận trọng trong công trình dịch thuật.»
  *«Rồi ông [Trần Hinh] viện dẫn câu đầu thiên truyện để chứng minh nhận xét của
mình. Nguyên tác câu này như vầy: «Aujourd’hui, maman est morte. Ou peut-être hier,
je ne sais pas. », được Dương Tường chuyển thành: «Mẹ tôi tịch hôm nay. Hoặc có thể
là hôm qua cũng nên, tôi chả biết nữa».  Trần Hinh chỉ trích việc dịch giả dùng động
từ tịch, cho rằng từ này không thích hợp với lời nhơn vật thốt ra trong đầu khi đọc điện
tín báo tin mẹ mình từ trần. Ông [Trần Hinh] viết :
« Ai lại có thể tin được một người xưng hô với mẹ mình là maman, trước cái chết của mẹ
lại có thể nói năng buồn cười như thế được: mẹ tôi tịch... ».
‫«٭‬Tóm lại, duyệt xét bản dịch Người dưng, Trần Hinh nhận thấy dịch giả đã
• chuyển không sát nguyên tác nhan đề thiên truyện,
• không thông hiểu phong cách diễn đạt giản dị của tác giả,khiến cho bản dịch
«thật sự (...) xuyên tạc tư tưởng Camus» và ngay câu đầu đã « làm hỏng toàn bộ tác
phẩm.» [Hết trích TTĐ]
B2).-Dịch nhan đề L’Étranger: Người xa lạ? Người lạ (chứ không xa)? Người dưng?
Kẻ đứng bên lề? Kẻ ngoại cuộc? Ngoại nhân?
Nữ GS Kaplan, giảng dạy văn học Pháp tại ĐH nổi tiếng Yale (Mỹ), trong bài
«Người lạ, kỳ lạ hơn tiểu thuyết» (L’Étranger, strange than fiction) [2016, tr.5] đặt vần
đề: Một người xa lạ có thể là một người nước ngoài, một kẻ bên lề bị xa lánh hay một du
khách không quen thuộc. Vậy tại sao trong các ấn bản ở Mỹ tên truyện được dịch là The
Stranger-Người Lạ, còn trong các ấn bản ở Anh lại mang tên The Outsider-Kẻ bên lề?
[DG TTĐ cũng có nhắc đền tên The Outsider.] Mấy chục năm qua, đã có hai cách giải
thích về hai cách dịch nầy theo khía cạnh dân tộc học, nhưng Kaplan sau khi truy tìm và
trích dẫn các cứ liệu cụ thể từ phía hai nhà xuất bản Anh và Mỹ mua bản quyền và chia
nhau trả phí dịch thuật cho cùng một dịch giả đầu tiên, cùng ấn hành năm 1942, cho rằng
hai cách giải thích đó đều sai lầm. Ban đầu, Stuart Gilbert - bạn thân của văn hào James
Joyce, và đã dịch nhiều tiểu thuyết Pháp trong đó có La Condition humaine của văn hào
André Malraux, - dịch là The Stranger, nhưng khi sắp in, để tránh trùng tên với bản dịch
cũng mang tên The Stranger (dịch từ tác phẩm khác của một nhà văn nữ người Ba Lan
của nhà xb đối thủ), nhà xuất bản Anh đã đổi tên thành The Outsider, và gởi bản sắp chữ
cuối cùng cộng với thư thông báo cho nxb Mỹ. Phía Mỹ không kịp đổi tên vì không chờ
phía Anh, nhằm kịp đón tiếp Camus thăm Mỹ vào tháng 4, đã sắp chữ, chữa bản in thử,
với tựa đề The Stranger, tên trên gáy sách, trên dòng đầu trang, đã chạy chương trình
quảng cáo, quảng bá với tên The Stranger , nên vẫn giữ tên dịch The Stranger ban đầu.
Tuy vậy, xét về bản thân hai cách dịch, Kaplan ủng hộ quan điểm của Jonathan Masur
cho rằng chính xác hơn, nên dịch là “The Foreigner” hay “The Outsider”, vì Mersault là
người xa lạ với cộng đồng và nền văn hóa anh ta đang sinh sống. Vậy nên hiểu tên
truyện L’Étranger và dịch như thế nào?
B2.1).- Ba cách giải thích về L’Étranger
Theo khía cạnh nội dung chủ đề chủ yếu, các nhà phê bình văn học Pháp lại nêu
lên ba cách giải thích về nhan đề L’Étranger.
1)Nhân vật chính Meursault là một người dưng, vì bản tính dửng dưng của anh,
anh dửng dưng với những người khác, đối với anh tất cả bọn họ đều như nhau. Theo Ruth
de Oliveira trong loạt bài giảng về Văn học Pháp – Thế kỷ XX, Littérature française –
XXe siècle, bài về Camus (tr.26), Meursault là một người xa lạ vì anh ta không giống như
những ngươi khác: những kẻ chịu đựng số phận mà không bao giờ tự nêu lên những câu
hỏi (tham chiếu: thái độ anh ta đối với cái chết của người mẹ, vai trò các luật sư, suy nghĩ
về tôn giáo / công lý). Hiểu theo nghĩa nầy, ở VN Dương Tường đã dịch L’Étranger là
Người dưng.
2)Mersault là một nhân vật xa lạ đối với độc giả, một nhân vật rất rối rắm, khó
hiểu, vì đôi lúc khó mà theo dõi lô-gíc tư duy và hành động của anh. (Tham chiếu: thái độ
đối với tương lai nghề nghiệp, mối quan hệ với Marie, mối quan hệ với tòa án, suy nghĩ
vế tôn giáo / công lý). Đây là cơ sở của cách dịch Người xa lạ.
3)Ấn tượng cứ vương vất mãi suốt câu chuyện, đó là Mersault hình như xa lạ với
chính đời sống của mình. Không thể ban cho đời mình một ý nghĩa, một chiều hướng.
Meursault cảm nhận tính cách phi lý của hiện hữu của anh, nhưng không vì thế mà anh
suy nghĩ đến sự phi lý đó một cách có ý thức và một cách sáng suốt. Anh làm những điều
mà không thực sự biết rõ lý do vì sao lại hành động như thế. Anh gặp những khó khăn
khi nhận thức rõ những tình cảm của mình, và thậm chí có một khoảng cách đối với các
tình cảm đó. Theo nghĩa nầy, anh là một người lạ triệt để, vì tính chất lạ lùng đó bắt
nguồn từ chính bản thân anh. song không bao giờ anh gọi tên được, và do đó, vượt thoát
được. Đây là quan điểm của cách dịch Người lạ, không có từ “xa” (xa lạ) vì chính anh lạ
lẫm với bản thân mình. (Tham chiếu: bức thư, tội ác, các luận chứng…trong tác phẩm).
Cách hiểu nầy chính là cách hiểu của Sartre. Trong bài “Meursault: Kẻ bên lề hay Người
lạ?”, Sartre nhận định: «Rốt cuộc, Người lạ là bản thân tôi trong quan hệ với chính mình,
nghĩa là con người của giới tự nhiên (l’homme naturel) trong tương quan với tinh thần
(l’esprit).» Jean-Paul Sartre, “Camus’ The Outsider,” in Literary and Philosophical
Essays, trans. Annette Michelson (New York: Criterion Books, 1955), t.29.
B2.2).-Theo Camus, L’Étranger là “người lạ” với cuộc sống của chính mình
Tham chiếu danh sách 5 bản dịch tiếng Việt do DG TTĐ đưa ra năm 2004, ta thấy
1) có 4 bản dịch là Người xa lạ, Kẻ xa lạ. 2) Một bản của Dương Tường dịch là Người
Dưng. (Đó là lý do DG TTĐ không nêu ra khi DG TTĐ bài bác cách dịch của Dương
Tường, vì chiếm … thiểu số). 3) Không có dịch giả nào dịch là Người lạ. Thế nhưng,
nghĩa thứ ba nầy chính là ý nghĩa Camus nhắm đến, dựa vào các di cảo xuất bản sau khi
ông qua đời. Ruth de Oliveira cho biết: L’Étranger được viết trong vài tuần, trong một
khách sạn ở khu Montmartre, Paris, vào đầu năm 1940. Cuốn truyện được viết rất nhanh
vì đã được tác giả ấp ủ trong tâm trí ít nhất gần 2 năm. Trong các cuốn Carnets-Sổ tay
(nhất là Sổ tay các năm 1937/1938), Camus có ghi chú một ý tưởng khởi sinh: «lịch sử
một con người tự nhận thức “anh ta đã xa lạ mịt mù đối với cuộc sống của chính mình”»
«l'histoire d'un homme qui s'aperçoit "combien il a été étranger à sa vie".» Oliviera,
L’Étranger, U. Of Captown, Trường Ngôn ngữ và Văn chương, Khoa tiếng Pháp, trong
Bài giảng dẫn nhập vào môn Phân tích văn học. Và theo A. Kaplan, trong các ghi chú đó
người ta đã truy nhận ra dấu vết đầu tiên của câu mở đầu cuốn L’Étranger «Hôm nay, mẹ
tôi chết.»
B2.3).-(L’)Étranger theo Từ điển CNRTL nghĩa là gì?
Từ điển CNRTL ở mục từ Étranger (tính từ/hình dung từ), nêu ra nghĩa c:
c) (Kẻ) không thể tự xác định tương quan của mình với bản thân, với cuộc đời, với những
người chung quanh; kẻ mà đối với anh ta tất cả hình như không có mối tương quan nào
với chính anh ta.
Sau đó, CNRTL đưa ra trong ví dụ số 5 nhận xét của nữ triết gia Simone de
Beauvoir trong tác phẩm Pyrrhus and Cinéas (Gallimard, 1944) bàn về Tự do triệt để và
Tha nhân:
5. «... anh ta [Người xa lạ của Camus] tự cảm thấy mình xa lạ với toàn bộ thế giới đang
xa lạ hoàn toàn với anh. Như thế, thường khi trong nỗi khốn khổ con người khước từ
thêm lần nữa mọi mối ràng buộc của anh ta. Anh ta không muốn điều khốn khổ, anh ta
muốn tìm phương cách chạy trốn nó; anh ta tự soi rọi bản thân: anh nhìn thấy một thân
xác dửng dưng, một con tim đập nhịp đều đều…» (tr.14),
B2.4.-Trần Thiện Đạo hiểu nghĩa L’Étranger như thế nào?
DG TTĐ nêu ý kiến: «Chúng tôi nghĩ rằng Người dưng chẳng những không lột
được nguyên ý của nhan đề tiếng Pháp lồng trong bối cảnh tư duy triết học của Albert
Camus, mà còn có cơ khiến cho người đọc hiểu sai và biết lầm. Bởi vì nhơn vật
Meursault, trong tác phẩm, không thuộc loại người mà ta gọi là người dưng nước
lã không cùng máu mủ với ta, không có gốc gác với làng xóm của ta. Mà là kẻ ở ngoài
quĩ đạo, ở ngoài sự đời, ở ngoài lề, đứng bên rìa, cách biệt, xa lạ, ngoại cuộc hay nói theo
tiếng Anh/Mỹ là the outsider, tiếng Y-Pha-Nho là el extranjero hoặc tiếng Đức là der
Fremde, cho nên chúng tôi không thể cùng một ý kiến với Dương Tường khi ông quả
quyết rằng người dưng và người xa lạ đồng nghĩa với nhau.»
B2.5).-Nhận xét thế nào về cách hiểu của DG TTĐ?
Đọc xong phát ngôn của DG TTĐ, có mấy điều cần lưu ý:
1)-Bối cảnh tư duy triết học của Camus mà DG TTĐ nói đến, thì sau khi các Sổ
Tay di cảo của Camus được xuất bản, chúng ta đã nêu rõ trong đoạn trên, không cần thiết
phải suy diễn. Nghĩa là DG TTĐ không cần nhìn mình là “người cùng máu mủ” “có gốc
gác làng xóm” với nhân vật Meursault, đấy là chuyện vô bổ! Thêm vào đó, ở trên ta đã
thấy Từ điển CNRTL đã dẫn ra nhận xét của nữ triết gia Simone de Beauvoir về
L’Étranger nên thiết nghĩ khỏi phải mò mẩm ra “bối cảnh tư duy triết học của Camus”
như DG TTĐ viện dẫn.
2)-Để hỗ trợ cho luận cứ của mình, DG TTĐ nêu tên các bản dịch Anh/Mỹ, Y-
Pha-Nho (Tây Ban Nha) Đức. a)-Bản dịch Anh/Mỹ mà DG TTĐ ghi là The Outsider,
thực ra chỉ là bản dịch được in ở Anh, nxb Hamilton. Cũng bản dịch đó của cùng dịch giả
Gilbert, cùng năm 1946, khi in ở nxb Mỹ lại có tên The Stranger (xin xem lý do và ý
nghĩa hai cách dịch ở đầu Mục B2 ở trên). Vậy không có bản dịch Anh/Mỹ cùng tên là
The Outsider như DG TTĐ nói. b)-DG TTĐ viết tiếp: “tiếng Y-Pha-Nho là el extranjero”
c)- “hoặc tiếng Đức là der Fremde,” dẫn đến kết luận: «…cho nên chúng tôi không thể
cùng một ý kiến với Dương Tường khi ông quả quyết rằng người dưng và người xa
lạ đồng nghĩa với nhau.»
B2.6).-Các bản dịch nhan đề Y-Pha-Nho và Đức nói lên điều gì?
Đây là lần đầu thấy DG TTĐ viện dẫn các bản dịch tiếng Y-Pha-Nho (Tây Ban
Nha), và tiếng Đức, để minh chứng cho lập luận của ông, nên người viết cũng cố sức tìm
đến các bản dịch nầy cùng các từ điển Tây Ban Nha-Pháp, Đức-Pháp. Sau đó, đành kết
luận rằng DG TTĐ đã vấp phải lỗi trùng ý hay trùng ngôn (tautologie) trong luận lý học.
Lý do: tiếng Y-Pha-Nho (Tây Ban Nha), vốn cùng gốc La-tinh như tiếng Pháp, nên khi
tra từ điển Tây Ban Nha – Anh/Pháp, ta thấy độc giả Tây Ban Nha đọc tựa đề el
extranjero vẫn thấy có ba nghĩa như tiếng Pháp: kẻ xa lạ, kẻ lạ, ngoại nhân, [tàu của]
nước lạ (như văn bản ngoại giao của VN sử dụng rất thâm thúy để nói về một kẻ mà ai
cũng biết, lưu ý nước lạ ≠ nước xa lạ). Tiếp đến, tiếng Đức der Fremde cũng có ba nghĩa,
và người Đức đọc nhan đề der Fremde vẫn nghĩ trong đầu ba nghĩa: người xa lạ, người
lạ, người nước ngoài (ngoại nhân). Trừ nghĩa “ngoại nhân” tạm cho là không thích hợp,
ta vẫn phải quay lại vấn đề hiểu theo nghĩa nào để dịch ra Việt ngữ: người xa lạ, người lạ,
người dưng. Nói thế khác, DG TTĐ chỉ tịnh tiến vấn đề sang ngôn ngữ khác, chứ không
giải quyết được vấn đề nên dịch L’Étranger như thế nào.
Dương Tường dùng một từ thuần nôm là “dưng”, không có gốc Hán [theo tra cứu
chủ quan của người viết], để gợi nhắc tính cách dửng dưng (cũng là một từ thuần nôm)
nên đã nêu bật được nghĩa số 1 nêu trên. Nhưng đây cũng chỉ là một trong 3 nghĩa của
L’Étranger như ta đã nêu ở đầu mục nầy. Nghĩa ngoại nhân “the Foreigner” ta nói là tạm
gác, vì vẫn có tác giả đề cập đến khi phân tích tác phẩm theo khía cạnh lịch sử chính trị
(xem đoạn B2 mở đầu mục nầy). Thêm vào đó, xu hướng phân tích theo khía cạnh nầy
căn cứ vào gốc gác xuất thân của Camus tại Algérie: ông là người Pháp nhưng thuộc tầng
lớp nghèo khó, sống trong khu phố văn hóa Hồi giáo, viết báo bênh vực người Algérie
bản địa, nên theo một vài nhà phê bình, trong một nghĩa nào đó, Camus được xem là
“ngoại nhân” với nước Pháp.
B2.7).-Bốn góc nhìn về ý nghĩa của L’Étranger theo tác giả Đức
Nhân DG TTĐ nhắc đến bản dịch tiếng Đức, tiện đây cũng xin nhắc là Reiner
Popper trong sách tham khảo dành cho bậc Đại học Đức “Interpretation zu Albert Camus
Der Fremde” - Giảng luận về cuốn Người (Xa) Lạ của Albert Camus” (2003) đã có nêu
lên sơ đồ tổng hợp 4 góc nhìn về ý nghĩa cuốn truyện khi đọc tác phẩm nầy (tr.27. Ví dụ
là của người viết). 1)-Khía cạnh lịch sử-chính trị: ví dụ giải thích dân tộc học về cách
dịch The Stranger (Ngoại nhân) ở Mỹ và The Outsider (Kẻ đứng bên lề) ở Anh nêu ở đầu
mục. [xem bài Kaplan] 2)-Khía cạnh tự truyện: mà DG TTĐ đã chọn. 3)-Khía cạnh vũ trụ
quan-triết học quan: ví dụ, cách nhìn của hai triết gia Jean-Paul Sartre và Simone de
Beauvoir, và của các dịch giả VN. 4)-Khía cạnh khởi sinh tác phẩm, gắn liền hoàn cảnh
lịch sử cụ thể đan xen với giải thích văn bản. Ví dụ Alice Kaplan, nữ GS nổi tiếng về Văn
học Pháp tại Đại học thời danh Yale, nằm trong top 10 thế giới, đã thực hiện một cuộc
điều tra, thể hiện thành một cuốn tiểu sử tỉ mỉ về tác phẩm L’Étranger, xuất bản cùng
năm 2016 với hai ấn bản: tiếng Anh «Looking for the Stranger: Albert Camus and the
Life of a Litterary Classic» và tiếng Pháp «En Quête de l’Étranger» (Gallimard). Bà đã
sang tận Algérie, tra cứu báo chí trong thư khố, phỏng vấn dân chúng, cuối cùng tìm ra có
vụ đánh nhau với một người Ả Rập, khởi nguồn cho người Ả Rập hư cấu trong tác phẩm
Camus, tìm hiểu tận nơi về hoàn cảnh chào đời và điều kiện sinh sống, học tập, vui chơi
và các địa điểm Camus sinh sống và nhắc đến, kết hợp với phân tích văn bản. Đó cũng là
lý do có người hiểu L’Étranger là Ngoại nhân, như nói ở đoạn trên. « »
B2.8).-Vấn đề dịch tên tác phẩm L’Étranger không đơn giản như DG TTĐ tưởng
Tóm lại, vấn đề dịch tựa đề L’Étranger đã được tranh luận qua nhiều thập niên ở
nước ngoài bởi các nhà chuyên môn, nên không thể kết luận dễ dàng bằng vài câu khẳng
định vô bằng (affirmation gratuite) về lối dịch Người xa lạ? Kẻ xa lạ? Người lạ? Người
dưng? Ngoại nhân? Đối với Việt ngữ, tùy nhận định về một trong ba nội dung nói trên,
dịch giả có thể chọn một trong ba cách dịch. Hy vọng trong tương lai, sẽ có bản dịch
mang tên Người Lạ theo ý nghĩa thứ ba của Camus.
Phải nói ngay rằng, dù Camus nuôi ý định thể hiện nhân vật Meursault thành một
người tự xa lạ với chính bản thân, cách thể hiện của ông
vẫn mang lại ba cách giải thích khác nhau về tầng bậc,
chứ không phải về bản chất -- của khái niệm “xa lạ”. Và
cả ba cách dịch đều có quyền tồn tại cùng nhau. Đó cũng
là điều cơ bản mà lẽ ra dịch giả và nhà phê bình DG TTĐ cần lưu ý, khi cho rằng bản
thân ông “khi nào cũng dịch đúng nguyên ý và đúng văn phong của tác giả”; một khẳng
định và rao giảng e rằng quá ư xa vời thực tế, không thấy bất cứ sách lý luận nào về dịch
thuật nêu ra cả. Cùng một loại vấn đề vừa nói, ngay cả ý nghĩa tên của nhân vật
Meursault cũng rơi vào cuộc tranh luận kéo dài khi nxb Gallimard biên tập và ấn hành di
cảo Cahier I, La Mort heureuse – Tập vỡ I - Cái chết hạnh phúc (1971) với nhân vật
cùng có tên là Meursault.
B3).-Câu mở đầu L’Étranger: Hôm nay, mẹ tôi chết? Mẹ tôi tịch?
DG TTĐ viết: [Những chữ trong dấu móc đứng là của người viết thêm vào cho rõ ý]
«Điểm thứ bốn
Cho nên khi Trần Hinh mở miệng thốt lên lời chỉ trích chữ “tịch” trong câu «Mẹ tôi tịch
hôm nay », do Dương Tường dịch từ nguyên tác «Aujourd’hui maman est morte», thì liền
bị ông [DT] quật lại ngay. Bảo rằng chữ tịch là tiếng nhà Phật ông không biết sao mà
dám phê bình. [TH:] «Ơ hay, bà má nhơn vật Meursault có phải là ni cô đâu, có phải là  sư
cụ trụ trì ngôi chùa nào đâu mà lại tịch thế kia?» [DG TTĐ:] «Nhưng thôi, dầu gì
thì tịch cuối cùng cũng có nghĩa là mất, là chết, là tắt thở, là qua đời, là từ trần, là nằm
xuống, là hi sanh, là ngoẻo (nghĩa lóng của chữ tịch, chắc vì vậy mà Trần Hinh mới cho
là buồn cười), là... nhiều nữa, đúng như nguyên bản tiếng Pháp morte vậy, thì câu dịch
nói trên cũng chẳng sai mấy, cứ cho đó là dấu ấn của dịch giả.»
Riêng về từ maman trong nguyên tác, thì ngược lại với Trần Hinh, ông [DT] cho
rằng thốt ra trong miệng nhơn vật Meursault, «con người dửng dưng tuyệt đối này », nó
không còn là tiếng gọi mẹ thân thiết, mà «chỉ là cách nói theo thói quen, chứ không
mang biểu hiện âu yếm nào ở Meursault đối với mẹ trên ngần ấy trang sách. Meursault
hoàn toàn dửng dưng với mẹ, với cái chết của mẹ.» Đó là bốn.»
B3.1-DG TTĐ ngầm khẳng định “Tôn giáo nào, sử dụng ngôn ngữ ấy”, điều ông sẽ
làm ngược lại khi dịch La Chute
Trước khi bàn về cách dịch chữ trong câu mở đầu tác phẩm «Aujourd’hui maman
est morte», cũng xin cám ơn DG TTĐ đã vì bênh vực Trần Hinh mà ngầm khẳng định
một điều: “Khi dịch, người ở tôn giáo nào, phải dùng ngôn ngữ của tôn giáo ấy.” Khẳng
định nầy ngược hẵn lại thực tế khi DG TTĐ dịch Sa đọa, ở đó ông toàn cho “linh mục thọ
giới”, và người trong văn hóa Thiên chúa giáo châu Âu liên hồi “sám hối”, “tụng kinh gõ
mõ”, “từ bi bác ái”…(xem các mục giải minh sau đây của bài nầy).
B3.2-Dịch câu mở đầu thế nào cho đúng: «Aujourd’hui maman est morte» ?
Cách dịch các chữ ngay trong câu mở đầu nầy «Aujourd’hui maman est morte»
cũng làm tốn hao giấy mực của các nhà nghiên cứu văn học Pháp và Mỹ (tạm giới hạn ở
hai nước nầy, vì đến 2017 lần dịch phẩm đã được ấn hành bởi hàng trăm nhà xuất bản
trong hơn 68 thứ tiếng, và là tác phẩm văn chương Pháp bán chạy thứ ba toàn thế giới,
chỉ sau Le Petit Prince - Hoàng Tử Bé của Saint-Exupéry và 20 nghìn dặm dưới đáy biển
của Jules Vernes).
B4).-“Aujourd’hui” Hôm nay?
Trước hết là từ “Aujourd’hui” - Hôm nay, mở đầu câu. Các nhà nghiên cứu văn
phong người Pháp cho rằng đây là nét điển hình của nhân vật Meursault: chỉ nghĩ đến
hiện tại, không nhớ về quá khứ, không nghĩ đến tương lai. Có tác giả còn phân tích để
khẳng định, nếu Camus đặt từ Hôm nay vào cuối câu thì không còn diễn đạt đúng tính
cách Meursault nữa.
B4.1).-“Hôm nay” đặt ở đầu câu như nguyên bản?
Gérard Berthomieu, chuyên gia về văn phong, GS ĐH Paris-Sorbonne gần đây
vào năm 2019 có bài phân tích sẽ giúp chúng ta hiểu sâu được câu mở đầu nầy.
«Aujourd’hui, maman est morte»: Làm thế nào mà câu mở đầu của cuốn
L’Étranger của Camus (1942), dẫn đưa độc giả vào cái vũ trụ phi lý và tuyệt vọng trong
đó người hùng của ta đang tiến hóa? 
Tiềm năng hóa cách diễn đạt nầy sẽ càng được nắm bắt rõ ràng hơn trong một
cuốn tiểu thuyết như L’Étranger, vốn thuộc bút pháp ở mức độ số không. Lúc bấy giờ
việc biểu tượng hóa được giao phó cho những cách sử dụng thô-phẳng (plats) nhất.
[Ghi chú của người viết: bút pháp ở mức độ số không, sử dụng từ thô-phẳng: Văn phong
ngắn gọn, từ dùng là danh từ không kèm theo tính từ để mô tả. Ví dụ: chiếc bàn, chứ
không viết chiếc bàn đẹp/xấu. sang trọng/tồi tàn, …].
Đó là cách biểu đạt của từ «Aujourd’hui – Hôm nay», mở đầu câu truyện. Nếu X
nói với Y «Hôm nay, Z chết», thì đứng bên ngoài bối cảnh đó người ta không thể biết
thông tin được truyền đạt là cái chết, ngày, hay cả hai. Nếu liên quan đến ngày, phải tách
riêng ngày ra (« C’est aujourd’hui que… - Chính vào ngày hôm nay »), hay đặt trạng
từ/trạng ngữ/trạng tố chỉ thời gian vào cuối câu. nơi quen thuộc của bổ từ (« Il est mort
aujourd’hui – Anh ta chết hôm nay »). Toàn bộ bài học của L’Étranger được cô đọng
trong sự kiện là từ «Aujourd’hui – Hôm nay» không thể được phát biểu vào cuối câu. Bởi
nếu thế, hôm nay không thể được nhận thức mà không đối nghịch với ngày mai, không có
viễn tượng về tương lai, không có dự kiến về giới hạn, không có cái chết.» Lưu ý là bản
dịch tiếng Đức năm 1961 cùa nxb Rowohl 1961 mà DG TTĐ có nhắc đến tên “der
Fremde” cũng đặt chữ “Hôm nay” ở đầu câu: Heute ist Mama gestorben.
B4.2).-Hay “hôm nay” đặt ở cuối câu?
Thế nhưng, 5 dịch giả Anh hay Mỹ đều dịch là “today”, nhưng đều đặt ở cuối câu.
Vậy, có phải là người dịch Anh-Mỹ thẩm định về Meursault kém hơn người Pháp? Thưa
rằng không phải, đó chỉ là do ngữ pháp mỗi nước. Bởi cũng có sách Giảng luận về
L’Étranger ở Mỹ nêu ra sơ đồ rất sâu sắc: chủ đề của cuốn nầy là Cái Chết. Truyện được
Camus cấu trúc thành 2 phần. Đứng ở giữa truyện nhìn vào, ta thấy quá khứ là cái chết
của bà mẹ, hiện tại là cái chết của người Ả Rập, tương lai là cái chết của chính Meursault.
Nhưng khi nhân vật thuật lại, tất cả đều là hiện tại lúc ta nghe câu chuyện, dù động từ
được dùng nhiều nhất là ở thì quá khứ passé composé, imparfait, plus-que-parfait.
B4.3).-Ồ! Hôm nay?
Chỉ một từ Aujourd’hui – Hôm nay, giống như chỉ một câu “Trăm năm trong cõi
người ta”, mà khai mở ra biết bao điều, vậy nên cần cẩn trọng lắm thay, khi dịch thuật,
khi bình giải và khi phê bình ! Có hôm nay, mới có quá khứ và có tương lai. Ta lại lan
man nhớ đến “hôm nay” trong hai bài thơ. Mở đầu cho bài “Xuân Alissa”, Bùi Giáng cảm
đề La porte étroite của André Gide, Hoàng Ngọc Tuấn (Úc) phổ nhạc và trình bày: «Em
nằm với lá trong cây / Bữa hôm nay mộng thấy ngày hôm qua / Môi cười ở cuối sân ga /
Phố nào cố quận xưa là tiễn nhau / Lệ vàng xanh mắt mai sau / Chùm bông tuyết mỏng
pha màu vĩnh ly.» Hay “kim nhật = hôm nay = ngày này” của nhà thơ Thôi Hộ trong bài
“Đề tích sở kiến xứ = Đề nơi khi xưa gặp người”: «Khứ niên kim nhật thử môn trung, /
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. / Nhân diện bất tri hà xứ khứ, / Đào hoa y cựu tiếu
xuân phong.» «Dịch nghĩa: Năm trước ngày này ngay cửa này, / Mặt người, hoa đào ánh
hồng lẫn nhau. Mặt người chẳng biết đã đi đâu, / Vẫn hoa đào năm ngoái đang cười giỡn
với gió xuân.»
Qua dây, ta mới hiểu vì sao ở các nước vẫn có các nhà nghiên cứu hay phê bình
trong suốt hai ba chục năm chỉ chuyên nghiên cứu hay dịch thuật một tác giả duy nhất.
“Nghề chơi cũng lắm công phu”, thì còn nghề nào mà không phải “tử công phu”?
B5).- Mẹ? Mệ? Má? Bu? Mẹ tôi? Mẹ mình? Má tôi? Bu tôi? …
DG TTĐ nhận định: «Thí dụ thứ nhứt:
Đây là mấy câu độc thoại nội tâm mở màn cho thiên truyện, Albert Camus đã dụng công
dùng từ maman hàm nghĩa má, mẹ, mợ, me, u... nói thầm trong bụng nhơn vật. Chớ
không phát thành tiếng để gởi tới một đối tượng nào chung quanh, nên nó tuyệt nhiên
không mang ý nghĩa "một từ gọi mẹ thân thiết" (Trần Hinh) hay một "cách nói theo thói
quen" (Dương Tường): té ra hai ông đã tranh cãi nhau trên một cái cớ hão huyền.
Thành ra khi Dương Tường chuyển chữ maman thành mẹ tôi thì ngay từ đầu đã trật
đường và sai hướng rồi. Chữ tôi kèm theo chữ mẹ ở đây tự dưng biến nó thành lời khai
mào cho một câu chuyện thuật lại cho người khác nghe, chớ không còn là suy nghĩ trong
đầu nhơn vật nữa. Xóa mất tánh cách độc thoại nội tâm cốt yếu.
Như vậy là bóp méo văn pháp của tác giả.»
B5.1).-Nhận định của Sartre về cách nhân vật Mersault gọi “maman”
Trong Situation I, 1947, Gallimard tr.101 Jean-Paul Sartre nói về nhân vật
Meursault: [anh ta] «bao giờ cũng nhắc đến mẹ mình bằng cái từ dịu dàng và trẻ con là
“maman” …» theo cùng cách một đứa trẻ gọi mẹ nó bằng cách dùng cái từ dịu dàng và
trìu mến là “maman”. Vậy từ “maman” được dịch ra tiếng Anh, cùng ngữ hệ với tiếng
Pháp, như thế nào? Chúng ta nên tin Sartre, hay tin vào Trần Hinh? Hay Trần Thiện Đạo?
B5.2).-So sánh “Maman” và “Mother” và so sánh giữa 2 rồi 5 bản dịch tiếng Anh
Deborah Ross, ĐH Simon Fraser (Mỹ) trong bài «“Maman” or “Mother”: A
Close Look at Word Choice in Translations of Albert Camus’ L’Étranger - “Maman” hay
“Mother”: Khảo sát kỹ cách chọn chữ trong các bản dịch cuốn L’Étranger của Albert
Camus» (2018), đã so sánh 2 bản dịch Anh ngữ của Stuart Gilbert (người Anh) và
Matthew Ward (người Mỹ) về cách dịch từ Maman.
Trước đó, vào năm 2016 Peter R. R. White, GS ĐH New South Wales, Úc trong
bài «Constructing the “Stranger” in Camus’ L’Étranger - Registerial and Attitudinal
Variability under Translation» - «Xây dựng “Người Lạ” trong tác phẩm L’Étranger của
Camus – Tính biến thiên về mức độ hình thức của mẫu câu và tính biến thiên về thái độ
dưới tác động dịch thuật» sử dụng phương pháp của Ngôn ngữ học chức năng hệ thống
SFL, đã so sánh 5 bản dịch ngôn ngữ đích (Anh/Mỹ) với nguyên bản (ngôn ngữ nguồn)
không phải để tìm tương quan với ngôn ngữ nguồn (Pháp văn), mà tìm tương quan giữa
5 bản dịch Anh ngữ, qua đó xem thử có khả năng có những dị biệt nào trong “trải nghiệm
thông đạt” của độc giả nói tiếng Anh qua các bản dịch hay không. (Tr.4): (a) từ bản sớm
nhất của Gilbreth (1946), nội dung dịch giống hệt nhau, nhưng mang hai tên The
Outsider (bản ở Anh) và The Stranger (bản ở Mỹ) như đã giải thích; (b) bản dịch thứ hai
xuất hiện 36 năm sau là một dạng bài tập của một nhóm sinh viên bậc Cử nhân do Joseph
Laredo chủ trì xb ở Anh năm 1982 mang tên The Outsider; (c) cùng năm 1982 là bản
dịch xb ở Mỹ của Kate Griffith mang tên The Stranger; (d) sau đó là bản dịch của
Matthew Ward mang tên The Stranger xb ở Mỹ (1988); (e) và bản dịch gần nhất là của
Sandra Smith, mang tên The Outsider, xb ở Anh năm 2013. Bài viết năm 2016 nên tác
giả White có sử dụng cách dịch máy của Google vào thời điểm đó để đối chiếu với tư
cách là trải nghiệm thông đạt của phần mềm máy trong dịch Pháp-Anh, là một trong 5
mãng ngôn ngữ mà Google đầu tư lớn. (Vì thế, ngay năm nay 2022, cũng xin đừng dùng
Google để dịch Anh-Việt, Pháp-Việt, X-Việt,…vì Việt ngữ không phải trọng tâm đầu tư
của Google, nên có nhiều sai lầm)
B5.3).-Kết quả so sánh
Gạt qua một bên các khía cạnh phân tích chuyên sâu về ngôn ngữ học chức năng
hệ thống SFL, ta hãy cùng tác giả so sánh 5 cách dịch «Aujourd’hui maman est morte».
Các bản dịch (a), (b), (c) đều dịch giống nhau “Mother died today”. Bản (d) dịch
“Maman died today”, dùng nguyên văn tiếng Pháp “maman”. Bản (e) dịch “My mother
died today.” (Giống Dương Tường: Mẹ tôi tịch hôm nay.) Bản dịch máy Google “Today
Mom died”. Nữ dịch giả Sandra Smith giải thích bà dịch Maman là My mother – Mẹ tôi
«vì tôi nghĩ về cách mà một người nào đó kể lại cho người khác nghe rằng mẹ anh ta đã
qua đời. Meursault đang kể trực tiếp với người đọc.» (White, tr.6). Ở đây, không phải là
độc thoại nội tâm kiểu cũ như DG TTĐ vội vội vàng vàng nghĩ và phê cả hai ông Trần
Hinh và Dương Tường (sẽ bàn ở mục sau B.8.-Độc thoại nội tâm). Còn bản (d) của
Matthew Ward xb tại Mỹ lại giữ nguyên tiếng Pháp không dịch: “Maman”. Ward giải
thích có hai từ để chọn trong Anh ngữ là Mom và Mother, nằm ở hai đầu ngữ nghĩa, còn
Maman của Pháp nằm lưng chửng ở giữa, vừa thân yêu gần gũi khi con còn bé (Mom),
vừa có khoảng cách khi con đã lớn (Mother), nên không dịch được sang Anh ngữ trong
văn cảnh nầy. Bản dịch Đức ngữ cũng dùng từ Mama như Pháp ngữ “Heute ist Mama
gestorben.” Trong điện tín, nhắc đến mẹ ông đã mất “Mère décédée.” bản Đức dịch như
Mother của các Anh ngữ: «Mutter verschieden.»
B5.4.-“Vô khả đắc” với từ xưng hô trong mỗi ngôn ngữ
Chuyển ngữ sang tiếng Việt thì sao? Vấn đề rắc rối gấp nhiều lần trường hợp vừa
đề cập ở trên, vì cũng như DG TTĐ đã kể ra vô số từ liên quan đến cái chết trong Việt
ngữ, các từ dùng để xưng hô mẹ (cha) cũng như sắc độ tình cảm trong các cách xưng hô
đó cũng nhiều vô số kể trong Việt ngữ, tùy thời điểm và vùng miền: ngoài các từ DG
TTĐ kể: má, mẹ, mợ, me, u … còn thêm mạ, mệ, bu, bủ, vú, bầm, đẻ, bà via, v.v. Đây là
vấn đề khó khăn, rắc rối, không thể giải quyết dễ dàng như thoạt nghĩ, như các giáo trình
của ngành Khoa học Dịch thuật (Traductologie, 1972) hoặc của ngành Dịch thuật đều có
đề cập. [DG TTĐ sẽ gặp tình trạng nan giải khi dịch “femme = thiếu phụ”, như phân tích
trong Phần 3 bài Phản-Phê bình Những Ruồi của Phùng Thăng].
B6).- “mort = died” là chết? tịch? ngõm? thăng? đi bán muối? về chầu ông Địa? …
Dương Tường dịch là “tịch”. Trần Hinh phản bác: mẹ của Meursault có phải là ni
cô đâu mà dùng từ nhà Phật là “tịch”? DG TTĐ tạm chấp nhận, để chuyển qua nhận xét
tiếp theo.
B7).- Ça ne veut rien dire, “sớn sa sớn sác”, “chả có ý nghĩa gì” ? …
DG TTĐ viết: «Thí dụ thứ ba:
Qua bức điện báo tin mẹ từ trần, nhơn vật Meursault không rõ là bà tắt thở vào
đúng ngày nào: hôm qua hay hôm nay. Đọc mấy chữ cụt ngủn ghi trong điện tín, hắn
nghĩ thầm trong bụng: "Cela ne veut rien dire", được Dương Tường chuyển thành "Điều
đó vô nghĩa".
Đây là cách dịch từng chữ mà không lấy ý câu văn làm trọng.»
B7.1).-Nhận định của DG TTĐ sai lầm ngay từ đầu
Nhận định thứ nhất của DG TTĐ để làm cơ sở “lấy ý câu văn” cho việc phê phán
cách dịch cụm từ “Ca ne veut rien dire” của Dương Tường – là nhận định sai lầm ngay từ
đầu: “Qua bức điện báo tin mẹ từ trần, nhơn vật Meursault không rõ là bà tắt thở vào
đúng ngày nào: hôm qua hay hôm nay.” Lý do là mọi bức điện tín đều có ghi (hay đóng
dấu) ngày giờ gởi và ngày giờ nhận, và quy định hành chánh nghiêm nhặt (điểm son của
nền hành chanh Pháp) là phải báo cho thân nhân ngay, nên Mersault không thể mơ hồ gì
về điều nầy, mà do một nhân tố khác ta sẽ đề cập ở đoạn dưới. [Vì các độc giả trẻ đọc bài
nầy có thể chưa hề có dịp sử dụng qua điện tín, nên xin trình bày thêm vài chi tiết. Dù
ngày nay có thể nhắn tin, trò chuyện qua video xuyên biên giới miễn phí (qua Viber,
Zalo, Messenger….) và tiền gởi điện tín (télégramme/post telegram) khá cao, 5€ ở vùng
Bretagne hay trên $18 ở một số vùng tại Mỹ, điện tín vẫn còn được sử dụng để chúc
mừng sinh nhật, lễ cưới, dịp sinh con, dịp thăng chức, phân ưu… để giữ vẽ trang trọng.
Có thể vào Google dưới 2 mục từ Pháp hay Anh nói trên, vào Image để xem hình ảnh các
bức điện tín.]. Do đó, lời phê phán của DG TTĐ «Đây là cách dịch từng chữ mà không
lấy ý câu văn làm trọng.» bị hỏng chân bởi nhận định thiếu thực tế nầy.
B7.2).-Cách hiểu nội dung điện tín gởi cho Meursault của DG TTĐ
DG TTĐ phán tiếp: «Vậy mấy chữ ghi trong điện tín đó có nghĩa là gì? Trong
những trường hợp tương tợ, trước những tình thế mập mờ, không rõ nét, thiếu mạch lạc,
chỉ có thể đoán chừng... (đúng là trường hợp của nhơn vật Meursault), thì hầu hết người
Pháp đều phản ứng ngay liền qua một câu đầu lưỡi: "Cela (hay ça) ne veut rien dire".
Cụm từ cửa miệng này có nghĩa là: không rõ ràng, không rõ rệt, không rành rẽ, không
rành rọt, không rành mạch... chút nào, hoặc chẳng ra sao cả, sớn sơ sớn sác, chớ không
phải là (điều đó) vô nghĩa. Nhứt là ở đây, vô nghĩa xem chừng không ăn nhập bao nhiêu
với mấy chữ ghi trong điện tín.»
B7.3).-DG TTĐ đã biết cẩn trọng khi khẳng định “hầu hết người Pháp” chứ không
khẳng định “người Pháp” như mọi khi
Vẫn như mọi lần khẳng định vô bằng khác, nhưng lần nầy cẩn trọng hơn, DG TTĐ
khẳng định «…thì hầu hết người Pháp đều phản ứng ngay liền qua một câu đầu lưỡi:
"Cela (hay ça) ne veut rien dire".». ông dùng từ “hầu hết người Pháp” chứ không như
mọi khi dùng từ “người Pháp” nghĩa là mọi người Pháp. Sự cẩn trọng đó có lý, vì cách
hiểu và dịch cụm từ “Cela (hay ça) ne veut rien dire” ông đưa ra là đúng với hầu hết
ngươi Pháp. Vậy số người Pháp còn lại, họ hiểu cụm từ nầy ra sao? Nên nhớ đây là cụm
từ khó hiểu, khó dùng khi học tiếng Pháp, bằng chứng là đến tận hôm nay trên các diễn
đàn, các trang học tập tiếng Pháp, vẫn còn có người thắc mắc về ý nghĩa cụm từ nầy. Còn
thêm một lý do nữa, căn cứ vào việc đếm tần số xuất hiện hằng năm của các từ và cụm
từ, dựa vào chọn mẫu ngẫu nhiên một số tác phẩm tiêu biểu trong năm, cho thấy khoảng
hơn 20 năm trở lại đây, người Pháp ngày càng ít sử dụng cụm từ nầy. Vậy đây là cụm từ
tương đối cổ, kể từ khi Camus sử dụng nó vào năm 1942, do đó trước hết ta tra trong hai
từ điển lớn của Pháp: Littré và Larousse.
B7.4).-Từ điển Littré và Grand Larousse cho biết “vouloir dire” = chả có nghĩa gì; vô
nghĩa
▪ Từ điển Littré ghi lại tiếng Pháp cho đến cuối thế kỳ 19, đã nêu ra 32 nghĩa của
“dire”, trong đó nghĩa 12 dành cho “vouloir dire” tùy trưởng hợp:
1.Khi nói về người: Vouloir dire có nghĩa là “làm cho hiểu, nói bóng gió”. Nghĩa là tránh
nói rõ (nhất là khi nói về điểm không tốt).
2.Vouloir dire trong câu Que veut-il dire? được dùng theo nghĩa “tại sao”.
3.Khi nói về sự vật: Vouloir dire có nghĩa là “làm rõ, tỏ rõ”. Je ne sais ce que cela veut
dire.
4.Vouloir dire = Signifier = có nghĩa là. Ví dụ: Que veut dire ce mot, cette phrase? Cela
est mal construit et ne veut rien dire. Từ nầy, câu nầy nghĩa là gì? Nó được xếp sai vị trí
và chả có nghĩa gì.
▪ Đại từ điển Grand Larousse cho 2 nghĩa ở mục từ “vouloir dire”.
1.(Thông dụng) Ça dit bien ce que ça veut dire, = đó là điều hiển nhiên, nó diễn tả hoàn
hảo điều cần diễn tả.
2.Vouloir dire quelque chose, = trong câu chuyện, anh ta có ý định truyền đạt, diễn tả
điều nầy; có nghĩa là, diễn tả, mang ý nghĩa. Ví dụ: Je n'ai pas compris ce qu'il a voulu
dire, = Tôi không hiểu ý anh ta.
B7.5).-10 năm sau bài viết của DG TTĐ, “Ça ne veut rien dire” có thay đổi ý nghĩa gì
chăng?
Ở trên đã ghi nhận: Mấy chục năm sau khi xuất hiện ở truyện L’Étranger (1942),
nhóm từ nầy dần dần ít được sử dụng, vậy ta thử tìm xem việc sử dụng “ ça ne veut rien
dire” 10 năm sau bài viết của DG TTĐ (2004) có thay đổi ý nghĩa gì chăng. Trên tờ tuần
san L’Express nổi tiếng trên báo giấy và trên mạng của Pháp năm 2014, Camille viết một
bài rất độc đáo và lý thú, giật tít «La "théorie du genre", une expression qui ne veut rien
dire» «“Lý thuyết về giới”, một thuật ngữ chả có ý nghĩa gì», xuất bàn ngày 29/05/2013
lúc 09:25, cập nhật ngày 30/01/2014 lúc 11:30. Ông muốn nói đến việc du nhập phong
trào nữ quyền (feminism) từ Mỹ vào Pháp và việc các nhà nghiên cứu Pháp dịch sai thuật
ngữ “Gender Studies” – “Nghiên cứu về Giới” thành “Théorie du Genre” “Lý thuyết về
Giới”. Ông ví nó với một #macthapur được Tập đoàn Ngân hàng BNP Paribas tự bịa đặt
và tung ra trên mạng, để nghiên cứu xem tác động của mạng với ngôn ngữ ra sao. Từ nầy
vốn chẳng có ý nghĩa gì, nhưng về sau được lưu truyền tràn lan trên mạng trong đủ mọi
lĩnh vực, mà không ai định nghĩa được ý nghĩa của nó, sau đó lại có cả một cuốn sách
khảo sát về từ #macthapur nầy. Ông ví “Lý thuyết về Giới” cũng tương tự như thế:
(Song) trong thực tế, không có “Lý thuyết về Giới”, lý thuyết có thể tóm tắt bằng một
mệnh đề có thể chứng minh được (chẳng hạn lý thuyết tương đối). Vậy Camille dùng
cụm từ “qui ne veut rien dire” với nghĩa là “chẳng có ý nghĩa gì”, “vô nghĩa”.
B7.6).-Đối chiếu cách dịch “Cela ne veut rien dire” trong 5 bản dịch tiếng Anh và 1
bản dịch máy của Google
Sau cùng, thử đối chiếu cách dịch “Cela ne veut rien dire” trong 5 bản dịch Anh
ngữ và 1 bản Google dịch, xem các dịch giả người Anh/Mỹ hiểu cụm từ nầy ra sao: Bản
(a) 1946: Which leaves the matter doubtful. Bản (b) 1982: That doesn’t mean anything.
Bản (c) 1982: It doesn’t say anything. Bản (d) 1988: That doesn’t mean anything. Bản (e)
2013: That doesn’t mean anything. Bản (f) Google dịch: It does not mean anything.
Ta thấy chỉ có bản (a) 1946 -- ngự trị suốt 36 năm, nhưng về sau nhiều nhà phê
bình cho rằng hay diễn giải, thêm bớt cho dễ hiểu, -- dịch là “Which leaves the matter
doubtful.” Đây là cách hiểu mà theo DG TTĐ là của “hầu hết người Pháp”: «Cụm từ cửa
miệng này có nghĩa là: không rõ ràng, không rõ rệt, không rành rẽ, không rành rọt,
không rành mạch... chút nào, hoặc chẳng ra sao cả, sớn sơ sớn sác,..» Thế nhưng nghĩa
“chuyện không rõ ràng, không rõ rệt, không rành rẽ, không rành rọt, không rành mạch…
chút nào” ở đây e rằng không hợp, vì lý do ta đã nêu ở đoạn trên: ai cũng biết trên mỗi
bức điện tín đều có ghi ngày giờ gởi và ngày giờ phát, cho nên Meursault không mập mờ
gì về chuyện hôm nay, ngày mai gì cả. Bằng cớ là sau đó anh đi gặp xếp để xin nghỉ phép
đi đưa đám tang bà mẹ.
B7.7).-Vậy, tại sao Meursault lại có ý nghĩ “Cela ne veut rien dire”?
Có hai giả thuyết về ý nghĩ nầy, dựa trên mục phân tích cách dịch nhan đề
L’Étranger ở mục trên kia. Thứ nhất, Meursault là người dững dưng với mọi chuyện, nên
chỉ đọc nội dung bức điện, không quan tâm đến ngày giờ gởi - nhận. Thứ hai, Meursault
là người lạ (theo nghĩa thứ ba do chính Camus nêu lên ở B2.2) và cảm nhận cuộc hiện
sinh – trong đó có cả cái chết – là phi lý. Ta nhớ rằng Camus từ khước được gọi là triết
gia hiện sinh, cùng với Sartre, nhưng chấp nhận danh xưng “triết gia về phi lý”. Trên đây,
ta cũng có nhắc đến nhà nghiên cứu nêu lên 3 cái chết bủa vây Meursault: mở đầu (cái
chết của mẹ Meursault), ở đoạn giữa (cái chết của người Ả Rập do Meursault giết), và kết
thúc (cái chết của Meursault). Cả bản thân cái tên Meursault cũng được một nhà phê bình
suy diễn do chữ saut (cái nhảy) ghép với chữ mort (cái chết) thành “một bước nhảy đến
cái chết”. Tên Meursault nầy còn được Camus dùng cho nhân vật trong tiểu thuyết đầu
tay “Cái chết sung sướng – Cái chết hoan lạc” có nhắc đến ở trên đây. Cái chết đã là phi
lý, thì 4 dịch giả Anh-Mỹ, dịch giả tiếng Đức còn lại và Google dịch “Cela ne veut rien
dire” là “Điều đó chả có nghĩa lý gì cả” “Điểu đó chẳng nói lên gì cả”, đã diễn đạt đúng
bản chất con người phi lý của Meursault. Bản dịch tiếng Đức mà DG TTĐ nhắc đến tựa
đề “Der Fremde” cũng dịch “Das besagt nichts.” “Điều đó chả nghĩa lý gì cả”. Câu dịch
của Dương Tường mà DG TTĐ chê trách, hóa ra lại diễn tả đúng ý của Camus trong
trường hợp nầy. Còn câu kết luận của DG TTĐ: «Nhứt là ở đây, “vô nghĩa” xem chừng
không ăn nhập bao nhiêu với mấy chữ ghi trong điện tín.», chỉ căn cứ vào mấy câu ghi
trong điện tín, chứ không căn cứ vào ngày giờ có ghi trong điện tín, và nhất là bản tính
nhân vật Meursault, trái lại đã không nắm được ý của tác giả, do đó DG TTĐ chỉ đưa ra
một nghĩa của câu nầy và nói là hầu hết người Pháp đều nghĩ vậy, nhưng ông không dám
dịch lại câu “Cela ne veut rien dire” theo nghĩa ông hiểu, chắc vì thấy cũng…kỳ kỳ, cục
cục.
Lưu ý thêm với DG TTĐ, là nếu đọc kỹ tác phẩm như ông tự nhận, thì ở sau đó
hơn 100 trang, Meursault nghĩ thầm: «Sans doute, j’aimais bien Maman, mais cela ne
voulait rien dire. Tous les êtres sains avaient plus ou moins souhaité la mort de ceux
qu’ils aimaient». (p.102) «Cố nhiên, mình yêu Mẹ, song điều đó chẳng có nghĩa gì. Tất
cả các con người lành mạnh ít nhiều đều mong ước cái chết của những người họ yêu
thương».
B7.8).-Khía cạnh triết học của nhân vật Meursault
Để kết luận mục nầy, ta hãy nghe thêm Cvetanka Conkinska (2001) trong bài «Le
“Je” polyphonique du monologue intérieur dans L’Étranger de Camus» - «Tiếng ”Tôi”
nhiều giọng của độc thoại nội tâm trong L’Étranger của Camus» đã nhắc đến Meursault
dưới khía cạnh triết học nầy: «Vâng, không thể nào quên được vì cái tính chất phức tạp
của Meursault mà chúng ta có thể hình dung ra ở đây qua sự kiện Meursault mang một
căn bệnh khác với các triệu chứng biểu thị ra bên ngoài; […] vì nhân vật Meursault
mang tính bản năng (hầu như thú vật) vào đầu câu chuyện sau đó đã tiến hóa thành một
con người suy tư. Suy tư đủ để Meursault không ban cho sự phi lý một lý do, và chết
trong sự phi lý. Bởi vì Meursault chết vì sự phi lý, song anh ta không chết trong sự phi
lý.» (Đoạn 11 của bài).
B8).- Độc thoại nội tâm (monologue intérieur)
Ta lập lại nhận định của DG TTĐ: «Thí dụ thứ nhứt:
Đây là mấy câu độc thoại nội tâm mở màn cho thiên truyện, Albert Camus đã dụng công
dùng từ maman hàm nghĩa má, mẹ, mợ, me, u... nói thầm trong bụng nhơn vật. Chớ
không phát thành tiếng để gởi tới một đối tượng nào chung quanh, nên nó tuyệt nhiên
không mang ý nghĩa" một từ gọi mẹ thân thiết" (Trần Hinh) hay một "cách nói theo thói
quen" (Dương Tường): té ra hai ông đã tranh cãi nhau trên một cái cớ hão huyền.
Thành ra khi Dương Tường chuyển chữ “maman” thành “mẹ tôi” thì ngay từ đầu đã trật
đường và sai hướng rồi. Chữ “tôi” kèm theo chữ “mẹ” ở đây tự dưng biến nó thành lời
khai mào cho một câu chuyện “thuật lại” cho người khác nghe, chớ không còn là suy
nghĩ trong đầu nhơn vật nữa. Xóa mất tánh cách độc thoại nội tâm cốt yếu. Như vậy là
bóp méo văn pháp của tác giả.»
B8.1).-“Stream of consciousness - courant de conscience» ” là Độc thoại nội tâm
(monologue intérieur)?
▪ Nhận định ban đầu là DG TTĐ khi mở màn bài phê bình đã “khiêm tốn” tự nhận
rằng ông không phải Giáo sư giảng dạy văn học Pháp như Trần Hinh, cũng không là
chuyên gia theo dõi Camus như Dương Tường, nhưng có điều DG TTĐ không nhận ra là
ông đã lạc hậu với nghiên cứu về độc thoại nội tâm trong tiểu thuyết. Dẫu Thụy Khuê và
các fan của ông có nhắc rằng ông có in tác phẩm «một cuốn khảo luận văn học viết bằng
tiếng Anh: «The stream of consciousness in Virginia Woolf's novels» (Ðộc Thoại Nội
Tâm Trong Tiểu Thuyết Của Virginia Woolf)». Không thấy nhà xb, năm xb, và dù đã
nhờ bạn bè tại Pháp và Mỹ tra cứu, chỉ thấy nhiều sách giông giống tên nầy, nhưng không
có tên thật hay bút danh của DG TTĐ, hoặc tên kèm họ Pháp của ông. [Kể cả các sách
viết bằng tiếng Pháp về “Kỹ thuật bảo hiểm” của ông do Thụy Khuê nói đến, cũng không
tìm thấy].
▪Không phải người viết có ý hồ nghi điều gì, mà chỉ muốn xem DG TTĐ hay
Thụy Khuê ai đã dịch tên tác phẩm ra tiếng Việt như thế? Khi trò chuyện, nếu có tác
phẩm ấy, hẵn là DG TTĐ đã tiện thể dịch tên nó ra tiếng Việt cho Thụy Khê nghe. Nếu
không thấy tác phẩm ấy, hẵn là Thụy Khê về nhà tự dịch. Dù ai dịch tựa đề cuốn sách,
thì cũng đều dịch sai, do hiểu sai khái niệm độc thoại nội tâm. Dịch đúng nghĩa, thì tên
tác phẩm đó phải là «Dòng ý thức trong tác phẩm Virginia Woolf». Độc thoại nội tâm là
một kỹ thuật ứng dụng khái niệm triết học “dòng ý thức” «stream of consciousness -
courant de conscience» của William James, cha đẻ khoa tâm lý học ở Mỹ, 1842-1910 –
vào lĩnh vực văn chương. Dòng ý thức không đồng nhất với “độc thoại nội tâm” «mình tự
nói thầm trong bụng» (theo DG TTĐ) hay «mình tự nói thầm trong trí» (theo đại đa số
người khác), vì là quá trình tâm lý, diễn ra trong tâm trí. Dòng ý thức được thể hiện bằng
độc thoại nội tâm cộng thêm nhiều yếu tố khác như các liên tưởng tự do, các ý tưởng lập
đi lập lại thành một vòng lặp, các quan sát cảm thụ bằng các giác quan, và được viết bằng
cách chấm câu và cú pháp kỳ dị, hoặc không thành câu cú. Tóm lại, theo “Từ điển Oxford
về các Thuật ngữ Văn học” thì dòng ý thức là khái niệm tâm lý học, còn độc thoại nội tâm
là kỹ thuật văn chương thể hiện dòng ý thức đó, cùng với các yếu tố khác như đã trình
bày ở trên.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, nghiên cứu về thủ
pháp hay kỹ thuật độc thoại nội tâm từ lúc xuất hiện cuốn L’Étranger (1942), đến La
Chute (1956), cho đến khi DG TTĐ viết bài phê bình Dương Tường (2004), chưa kể sau
đó nữa, đã có nhiều phân tích mới mẻ và sâu sắc so với cách hiểu của DG TTĐ. Thử lấy
vài ví dụ.
B8.2).-«Những suy tư mang tính kể truyện» của Độc thoại nội tâm
Năm 1992, Rosemarie Jones trong bài mang số 11 «Telling Stories: Narrative
Reflexions in L’Étranger - Nghệ thuật Kể truyện: Những suy tư mang tính kể truyện
trong cuốn L’Étranger», đóng góp vào tập sách kỹ niệm 50 năm xuất bản cuốn
L’Étranger: «Camus’ L’Étranger: Fiffy Years on» do Adele King chủ biên (1992), đã
viết ngay trang đầu bài: «Khái niệm câu chuyện sẽ được vận hành trong cuốn tiểu thuyết
nầy, ngay từ câu mở đầu, đã được hiểu theo hai nghĩa: quy về một câu chuyện được kể về
một nhân vật, và quy về một câu chuyện được kể bởi chính nhân vật ấy. Chúng ta sẽ thấy
rằng mỗi một trong hai ý nghĩa ấy được triển khai theo cách riêng biệt của mình, nhưng
đồng lúc, trong cả hai/một sơ đồ mang đặc trưng riêng biệt của Camus. ta chỉ thấu hiểu
đầy đủ chỉ khi nào ta kết hợp cả hai để tạo nên “toàn bộ sự thật” hay toàn bộ câu truyện.»
B8.3).-«Tiếng “tôi” nhiều giọng» của Độc thoại nội tâm
▪ Năm 2001, Cvetanka Conkinska trong bài «Le  “je” polyphonique du
monologue intérieur dans L’Étranger de Camus - Tiếng «tôi» nhiều giọng của độc thoại
nội tâm trong cuốn L’Étranger của Camus» nhận định: «Meursault thuật lại những gì anh
đã làm và mô tả những gì anh nhận thấy, song anh ta không nói lên anh ta có suy nghĩ đôi
điều gì về chúng hay không. Tuy nhiên, anh che giấu một người kể truyện bên trong
mình, một người kể truyện hiển lộ và hiện thời, khác biệt với người kể truyện ban đầu mà
người ta thường quen nói rằng đấy là một người kể truyện vô hình. Vào đôi lúc,
Meursault nhân đôi thành người kể truyện vừa hiển lộ, vừa vô hình.» Tác giả tóm tắt các
phân tích chi tiết của mình thành sơ đồ, trong đó nhân vật Meursault đóng vai NF –
narrateur fictif hay (N-narré) - ngưởi kể chuyện hư cấu hay (Người kể chuyện-được kể
đến), nằm bên dưới NA – narrateur abstrait hay (N-narrant) - ngưởi kể chuyện trừu
tượng hay (Người kể chuyện-đang kể chuyện)
Các giọng kể truyện trong tác phẩm L’Étranger:

Chú thích: Monde extra-littéraire = thế giới bên ngoài văn chương
Mobde intra-littéraire = thế giới bên trong văn chương
AC — auteur concret = tác giả cụ thể, ở đây là Camus, nằm ngoài thế giới văn chương
của cuốn truyện.
AA — auteur abstrait = tác giả trừu tượng
NA — narrateur abstrait (N-narrant) = ngưởi kể chuyện trừu tượng (Người kể chuyện-
đang kể chuyện)
NF — narrateur fictif (N-narré) = ngưởi kể chuyện hư cấu (Người kể chuyện-được kể
đến)
R — récit = câu chuyện kể
LM — lecteur modèle (narrataire abstrait) = độc giả hình mẫu (người được nghe kể
chuyện trừu tượng)
LR — lecteur réel (narrataire concret) = độc giả thực sự (người được nghe kể chuyện cụ
thể)
P — personnage = nhân vật
PN — personnage-narrateur = nhân vật-người kể chuyện
Đây là đóng góp mới của Camus vào kỹ thuật độc thoại nội tâm “lai” hay “pha
trộn” (hybrid), và kỹ thuật nầy được ông vận dụng lão luyện trong tác phẩm La Chute –
Sa Ngã về sau, được Justyna Gambert gọi là “Loại hình mới của thuật kể truyện: độc
thoại thành lời (le monologue prononcé)” trong bài “Le monologue prononcé à la croisée
des chemins: La Chute d'Albert Camus et son héritage polonais.” Revue de littérature
comparée 2007/4 (n° 324), pages 405 à 425.
B8.4).-Do thiếu kiến thức, DG TTĐ lại thêm lần nữa khẳng định vô bằng với hai ông
Trần Hinh và Dương Tường
▪ Tóm lại, việc DG TTĐ gạt cả hai ông Trần Hinh và Dương Tường ra trong đoạn
mở đầu, cho là cả «hai ông đã tranh cãi nhau trên một cái cớ hão huyền» vì “đây là mấy
câu độc thoại nội tâm”, nhân vật chỉ «nói thầm trong bụng. Chớ không phát ra thành tiếng
để gởi tới một đối tượng chung quanh,…» cũng là một lời khẳng định vô bằng. Căn cứ
trên các nghiên cứu của khoa Thủ pháp kể truyện (Narratologie) được Tzvetan Todorov
khởi xướng năm 1969 và sau đó được đưa vào giảng dạy ở bậc Đại học Pháp, và một
phần cơ bản ở Trung học cấp 3, với một số phân tích áp dụng vào tác phẩm L’Étranger ở
trên, ta thấy: độc thoại nội tâm đã được Camus biến thành “độc thoại thành lời (le
monologue prononcé)” trong tác phẩm nầy, và đến La Chute–Sa ngã mà DG TTĐ dịch là
Sa đọa, Camus cống hiến một kỹ thuật “đối thoại-độc thoại”, bằng cách tạo ra một nhân
vật hư cấu để cùng đối thoại – hư cấu trong hư cấu! Thêm nữa, nếu là độc thoại nội tâm,
nhân vật tự nghĩ trong đầu (chứ không phải nói thầm trong bụng như DG TTĐ viết), thì
từ “je” trong tất cả bản dịch Việt ngữ bắt buộc phải dịch là “mình”, không thể dịch là
“tôi”. May thay, không phải như DG TTĐ phán. Chính vì không phải là dòng độc thoại
nội tâm kiểu cũ, nên nữ dịch giả và GS Đại học về văn chương Pháp mới dịch “maman”
là “my mother”, và Dương Tường cũng dịch là “mẹ tôi” như đã phân tích ở mục “Maman
B5.3”.
B9.-Trại dưỡng lão, “Phúc thống phục nhân sâm …”
B9.1).-DG TTĐ nhầm lẫn “Viện dưỡng lão” với “Nhà tế bần” và cho “bà má nhân vật
Meursault vô ở” nhà tế bần!
DG TTĐ tiếp tục cuộc càn quét Dương Tường, cùng một thủ thuật như khi “bắn
đại liên” vào bản dịch Những Ruồi của Phùng thăng năm 1967. Ông viết:
«Thí dụ thứ hai
«Nghe tới chữ asile, người Pháp nghĩ ngay đến chỗ ở do Nhà nước hoặc các tổ
chức từ thiện lập ra, dành để giúp đỡ hạng người cầu bơ cầu bất chẳng nơi nương tựa,
như trẻ mồ côi không mẹ không cha, như kẻ túi rách áo đơm hay tật nguyền, như người
già yếu không còn thân quyến hoặc bị con cháu ruồng rẫy.
«Bà má nhơn vật Meursault vô ở nhà tế bần cách thành phố Alger 80 cây số nằm
trong trường hợp này, cũng hệt như lão gác cổng - lão lang thang không nhà không cửa,
tình cờ tạt vô nhà tế bần rồi được giữ chơn gác cổng. Vì vậy mà con trai bà sau này
không ngừng bị tòa án quở trách đã chẳng trông nom gì đến mẹ, đã bỏ bê bà, đã đang tâm
để bà về già phải nương thân trong một nhà tế bần.
«Vậy mà Dương Tường lại chuyển từ asile thành trại dưỡng lão. Ai cũng biết các
nhà dưỡng lão, ở Pháp, chỉ lần lần được tạo dựng từ sau Thế chiến thứ hai và, muốn được
vô đó dưỡng già, thì hầu bao của đương sự hay của gia đình cũng phải có bề dầy. Chớ
không thể thuộc thành phần khốn đốn, nghèo rớt mùng tơi như bà má của nhơn vật
Meursault.»
Như ta sẽ lần lượt chứng minh “Asile” trong truyện là «asile des vieillards =
nhà/viện dưỡng lão», được DG TTĐ lái sang là «nhà tế bần = asiles des pauvres» để tấn
công Dương Tường. Từ việc đọc cẩu thả cuốn truyện L’Étranger, trong đó 21 lần Camus
dùng từ “asile”. và thiếu kiến thức về các định chế bảo hiểm xã hội (dù DG TTĐ làm
trong ngành bảo hiểm), DG TTĐ đã chứng tỏ hai điều: 1) sự cẩu thả khi đọc văn bản; 2)
sự thiếu công tâm khi phê bình. Cả hai đều trái nghịch với những diều DG TTĐ lớn tiếng
khuyên bảo và rao giảng.
B9.2).-Hóa ra các dịch giả Việt, Anh, Mỹ, Đức, Ả Rập, Israel, Y-Pha-Nho.. đều hiểu,
chỉ một mình DG TTĐ không hiểu!
Ở đây DG TTĐ cả quyết tất cả người Pháp đứng về phía ông: «Nghe tới chữ asile,
người Pháp nghĩ ngay đến…», chứ không cẩn trọng như ở Mục B.7.- “cela ne veut rien
dire” nêu trên kia, là “hầu hết người Pháp”.. Ta lại phải vội vội vàng vàng truy tìm
chứng cứ khách quan mà các đệ tử hay trích dẫn lời sư phụ thường trưng ra: «ông là
người làm việc nghiêm túc, khách quan khi phê phán việc dịch thuật …»
Kiến thức lịch sử “sớn sác” (chữ của DG TTĐ), cộng với cách nhìn khinh miệt
người nghèo thể hiện trong dụng ngữ đã làm DG TTĐ giải thích sai về Viện dưỡng lão. Ở
đây, sau từ nói tắt “asile”, ngay đoạn sau Camus đã dùng nhóm từ chính xác vào thời ông
viết L’Étranger năm 1942 là «L'asile de vieillards». DG TTĐ cố tình quên (hay không
đọc?) hai từ “de vieillards” “dành cho người già” nầy của Camus để giải thích rằng người
Pháp nghe từ asile là nghĩ ngay tới “nhà tế bần”. Thủ pháp dùng trong tranh biện nầy gọi
là “cưỡng từ đoạt lý”, nhưng khổ nỗi “từ” ở đây lại in trong sách, ai cũng có thể đọc.
(Đến nay, L’Étranger với hơn vô số ngôn ngữ dịch và hàng trăm nhà xuất bản, đã bán
được 10 triệu bản trên thế giới). Ta có thể mô phỏng câu chuyện trong Nam Hoa Kinh để
hỏi lại DG TTĐ: «Ông không là người Pháp chính quốc, sao ông khẳng định là biết họ
nghĩ ngay tới điều ông nghĩ?»
B9.3-DG TTĐ không đọc L’Étranger khi viết phê bình về cách dịch “asile = viện
dưỡng lão”?
Nguyên bản Pháp L’Étranger đoạn mở đầu: «J’ai reçu un télégramme de
l’asile:...» Bản dịch Dương Tường: «Tôi nhận được một bức điện tín từ trại dưỡng lão:»
Nguyên bản Pháp L’Étranger tiếp đoạn mở đầu: «L'asile de vieillards est à
Marengo, à quatre-vingts kilomètres d'Alger.» Dương Tường dịch: «Trại dưỡng lão ở
Marengo, cách Alger tám mươi cây số.».
Stuart Gilbert, The Stranger, 1946 dịch: «The Home for Aged Persons is at
Marengo, some fifty miles from Algiers. = Viện dưỡng lão ở Marengo, cách Algiers
khoảng năm mươi dặm.»
Sandra Smith, The Outsider, 2013 dịch: «The old people’s home is in Marengo,
eighty kilometres from Algiers. = Nhà dưỡng lão ở Marengo, cách Algiers tám mươi cây
số.»
DG TTĐ sớn sác bập ngay vào từ asile mà Camus dùng trong câu ở đoạn đầu, mà
quên đọc đoạn tiếp theo cách đấy hai dòng Camus viết rõ là asile de vieillards, «L'asile
de vieillards est à Marengo, à quatre-vingts kilomètres d'Alger.» “asile de vieillards”
không thể dịch là nhà tế bần [asile des pauvres, cơ sở cứu giúp (tế) người nghèo (bần)]
được, mà phải dịch là nhà/trại/viện dưỡng lão. Camus còn dùng một từ quen thuộc nữa
trong truyện L’Étranger là “hospice” để chỉ loại cơ sở nầy. Bản dịch Anh của Gilbert
dịch là Home for Aged Persons; bản dịch Sandra Smith ngay đoạn đầu đã dịch “the old
people’s home” tránh cho những độc giả vội vội vàng vàng khỏi phạm sai lầm. Trong các
bài bình giải Anh-Mỹ về tác phẩm, các tác giả dùng các từ “retirement home”, “the
retirement facility” (nhà/cơ sở/viện dưỡng già/dưỡng hưu/lão dưỡng/hưu dưỡng). Quá
hăm hỡ tấn công Dương Tường, DG TTĐ quên không đọc dòng tiếp của Camus, (trong
khi đã khẳng định là mình đọc rất kỹ tác phẩm!) khiến người đọc nhớ đến chuyện tiếu
lâm về ông thầy thuốc chữa bệnh đau bụng làm chết người, bị đưa ra cửa quan. Quan hỏi
ông vì sao? Ông trả lời đã theo đúng sách thuốc dạy, “phúc thống phục nhân sâm” – “đau
bụng cho uống nhân sâm” và trình lên quan cuốn sách làm bằng chứng. Quan đọc và giở
tiếp sang trang sau thì có chữ “tắc tử” – “chết chắc”. Đau bụng cho uống nhân sâm là
chết chắc ! Đọc thấy chữ “asile” mà không đọc tiếp theo “asile de vieillards” là chết chắc!
B9.4).-DG TTĐ làm ngành bảo hiểm, sao không biết tí gì về loại hình bảo hiểm xã hội
nầy?
▪ Theo DG TTĐ, Dương Tường dịch L'asile de vieillards là “Trại dưỡng lão”, là
sai, phải dịch là “Nhà tế bần”. Ta đã minh chứng rằng DG TTĐ sai hoàn toàn. Nhưng
nguyên nhân sai lầm nầy do đâu? Hẵn là do cách ông hiểu về “Nhà dưỡng lão” như đoạn
ta trích dẫn lại lần nữa sau đây:
«Vậy mà Dương Tường lại chuyển từ asile thành trại dưỡng lão. Ai cũng biết các
nhà dưỡng lão, ở Pháp, chỉ lần lần được tạo dựng từ sau Thế chiến thứ hai và, muốn được
vô đó dưỡng già, thì hầu bao của đương sự hay của gia đình cũng phải có bề dầy. Chớ
không thể thuộc thành phần khốn đốn, nghèo rớt mùng tơi như bà má của nhơn vật
Meursault.»
Ta lại đành hỏi tiếp: vì sao ông lại hiểu về “nhà dưỡng lão” sai lầm như thê? Nhất
định là vì kiến thức lôm côm về Bảo hiểm xã hội, một chứng chỉ (certificat) mà khi học
ngành Bảo hiểm, ông không chọn học, hoặc có học nhưng sau vài chục năm, chữ nghĩa
đã trả lại cho Thầy/Cô. Thật ra, nếu là người “vô cùng cẩn trọng” thì trước khi viết về vấn
đề liên quan đến bảo hiểm xã hội như vấn đề nầy, nếu ở Paris, ông chỉ việc đến Thư viện
Quốc gia, tìm lại các Giáo trình về An sinh xã hội (Sécurité sociale) thời kỳ Camus viết
L’Étranger, hoặc đơn giản hơn, nếu lúc đó ông đang ở VN, tìm trong Từ điển Larousse
phổ thông, chưa cần đến Đại từ điển Larousse. Từ điển Larousse cho biết; “Asile” gốc
La-tinh là asylum, xuất sinh từ gốc Hy Lạp asulon = nơi chốn bất khả xâm phạm. Ngoài
nghĩa (1) là nơi trú ẩn tránh nguy hiểm, v.v., có nghĩa (2) là: Cơ sở dành cho người bản
địa, người khuyết tật, hay người già.
Trong Bách khoa Toàn thư Pháp-Encyclopédie Française có 7 nghĩa. Trên Từ
điển CNRTL của CNRS-Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (Pháp) cũng nêu
nhiều nghĩa như trên, cùng niên đại và tác giả. Riêng về nghĩa ta quan tâm, từ điển ccung
cấp các cách viết/nói của người Pháp, hoàn toàn không phải như DG TTĐ khẳng quyết.
Ví dụ: “asile” dùng để chỉ asile de vieillards (nhà/viện dưỡng lão, mà chính Camus đã
dùng), và còn để chỉ hospice de vieillards (nhà dưỡng lão), hospice (gọi tắt nhà dưỡng
lão), maison de vieux (nhà người già , cách nói bình dân).
B9.5).-“Asile” là từ có nhiều nghĩa, theo dòng lịch sử Pháp
Đọc tiếp Từ điển CNRTL, ta thấy Asile thoạt kỳ thủy có nghĩa là nơi tỵ nạn (les
lieux d'asile) “được xem như bất khả xâm phạm, dành làm nơi trú thân cho các nô lệ, các
con nợ, các tội phạm đang bị truy nả”. Nghĩa nầy có từ thời cổ đại đến thời Trung cổ. Từ
thời Trung cồ đến thời vua Louis XII, mọi thành phố trên nước Pháp đều có các nơi tỵ
nạn. Trước đó, vua Louis XI đã tuyên bố biến Paris thành nơi tỵ nạn vào năm 1467.
Từ điển CNRTL liệt kê các tên chuyên biệt xuất phát từ chữ asile:
(1)-đọc thấy trong Từ điển Littré-Robin in năm 1865: «Asile d'aliénés hay nói gọn
là asile, asile des aliénés: dưỡng trí viện, nhà thương điên; hospitaliser à l'asile d'aliénés;
des échappés d'asile: nơi nhốt giữ những người trốn khỏi nhà thương điên; asiles de
convalescents: nhà dưỡng bệnh» [Lưu ý lý thú: Nhà thương điên Chợ Quán tại miền Nam
trước khi trở thành nhà thương điên, là cơ sở an dưỡng cho các quân nhân Pháp bị thương
nằm dưỡng bệnh];
(2)-đọc thấy trong bài báo năm 1953 đăng trên Tạp chí chuyên về chính sách hỗ
trợ của Nhà nước Pháp: «asiles d'indigents (nhà tế bần – dành cho dân bản xứ); asiles de
nuit (dạ lữ viện), dành đón tiếp tạm thời qua đêm những người vô gia cư, không phân
biệt tuổi tác, quốc tịch, hay tôn giáo.» và từ asile de vieillards: nhà dưỡng lão, viện
dưõng lão.
(3)-CNRTL còn cho biết vào thế kỷ XIX, «còn có từ “salle d’asile” hay gọi tắt là
“asile” dùng chỉ cơ sở giáo dục để tiếp nhận trẻ nam nữ vào ban ngày, vì bố mẹ đi làm
hàng ngày cách xa nhà, không thể trông nom chúng.» Ai có đọc qua lịch sử cách mạng
công nghiệp lần thứ nhất đều nhận ra ngay đây là tiền thân của các nhà giữ trẻ tư nhân
hiện nay.
Vào năm 1859, Bouillet cho biết: «Tên asile hiện nay [1859] được dùng để chỉ
những cơ sở từ thiện đặc biệt dùng làm nơi an dưỡng cho các bệnh nhân, các cụ già».
Trong khoảng thời gian 1838 đến 1947, người Pháp biến asile thành “bệnh viện
tâm thần” hay dưỡng trí viện (l'hôpital psychiatrique), với cột mốc đáng nhớ là vào năm
1885 các “asile-hospice” trước đây được cải biến để đón tiếp hai loại đối tượng là các ông
bà “lão”, và các trẻ em trai “đần độn”. Bạn nào quan tâm đến việc vì sao nhốt giữ các
người điên, từ bao giờ, và ở đâu - có thể tìm đọc trên mạng luận án TS quốc gia của tác
giả lừng danh Michel Foucault «Histoire de la Folie - Lịch sử bệnh điên».
Người viết băn khoăn một điều: Ở [Mục B9.3], khi đọc từ “asile”, dù sau đó
Camus đã xác định “asile de vieillards”, cớ sao DG TTĐ vẫn tấn công Dương Tường
dịch “asile” thành “nhà dưỡng lão” là dịch sai? Trong Sa đọa [xem Mục C74] ông dịch
đúng “asile d’aliénés” là “nhà thương điên”, nhưng thuật ngữ nầy không phù hợp với thời
kỳ Camus viết La Chute, nên dịch là “dưỡng trí viện”. Vậy không phải DG TTĐ xa lạ với
từ “asile” và cũng có thể không phải ông quên đọc các dòng tiếp theo của L’Étranger nên
phạm sai lầm, mà vì ông cố ý “cưỡng từ đoạt lý” để tấn công Dương Tường, giống y hệt
khi ông tấn công bản dịch Những Ruồi của Phùng Thăng năm 1967. Tất cả vì ông tin
rằng mình bao giờ cũng đúng!
Và đây chính là mãng kiến thức mà nhà phê bình DG TTĐ hấp thu nửa đực nửa
cái, nên phát biểu sai lầm khi phê phán Dưong Tường: «Sau đại chiến thứ II, Pháp mới
dần dần biến asile des vieillards (viện dưỡng lão) thành maison de retraite (nhà hưu
dưỡng) hiện nay, với 2 hình thái sở hữu: công lập và tư lập. Tiền chi trả cho cơ sở công
lập được trích từ Quỷ Bảo hiểm xã hội theo một mức ấn định sẵn cho các loại nghề
nghiệp được quy định. Tiền chi trả cho cơ sở tư nhân, với nhiều cơ sở có dịch vụ như
khách sạn 5 sao, được lấy từ phần trên, cộng tiền do gia đình/đương sự chi trả. Cơ sở tôn
giáo về nguyên tắc là miễn phí.» Qua trích đoạn trên, ta thấy rằng: không phải chỉ có duy
nhất một loại nhà dưỡng lão đắt tiền như DG TTĐ đã viết, và đã dùng nó để phê phán
Dương Tường là thiếu kiến thức. [Xem lại trích đoạn từ DG TTĐ ở Mục B9.4].
B9.6).-Viện dưỡng lão ở miển Nam VN thời thuộc Pháp, khi dịch sang tiếng Việt
Quá trình phát triển Viện dưỡng lão cũng được lập lại. Tại đây, năm 1874 giám
mục Lefèbvre xuất phát từ “Sở nhà thương” [giống Sở Y tế ngày nay], lập ra Viện dưỡng
lão Thị Nghè, dành cho các bệnh nhân nghèo, phát thuốc men, phục vụ ăn uống miễn phí,
tiền thân của Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè hiện nay. Vào tháng 11-1949, Thủ tướng Trần
Văn Hữu đã khánh thành Dạ lữ viện (asile de nuit – nêu tên ở đoạn B9.6 trên đây) tại đường
Trần Hưng Đạo. Vào năm 1963 ở miền Nam VN, riêng Giáo hội Công giáo đã sở hữu 48
bệnh viện, 35 viện dưỡng lão, tám trại phong và 159 phòng phát thuốc. Sau thởi điểm đó,
do tình hình chiến tranh tàn khốc, ở miền Nam cũng đã thành lập các nhà tế bần (asiles
des pauvres), nhưng về sau bị biến tướng trở thành nơi giam giữ các thành phần côn đồ,
vì nhà giam thiếu chỗ.
B9.7).-Almshouse ở Mỹ, thời còn là thuộc địa Anh, và sau khi độc lập, dùng trong các
bản dịch Anh-Mỹ
the almshouse được dùng như một nơi chung cho người bị bệnh tâm thần, mắc
chứng động kinh, bị chậm trí, người mù, người câm điếc, người tàn tật, người mắc bệnh
lao và người già nghèo khó, cũng như những người lang thang, phạm tội vặt, các cô gái
giang hồ, các bà mẹ không chồng [nay được tôn xưng là các bà mẹ đơn thân] , các trẻ em
bị bỏ rơi và không người chăm sóc. Chính vì thế almshouse được dịch ra Pháp văn theo
nhiều cách: l’asile de vieillards, hospice de vieillards, hospice (nhà/viện dưỡng lão),
maison de charité (nhà bác ái, nhà tình thương).
B9.8).-Viện dưỡng lão ở Algérie thuộc Pháp, bối cảnh trong tiểu thuyết của Camus
Algérie cũng có các asiles des pauvres (nhà tế bần) dành cho những người lang
thang, không nhà cửa, không thuộc giới già cả; và các asiles de vieillards (nhà/viện/trung
tâm dưỡng lão) dành cho người nghèo cao tuổi. DG TTĐ không phân biệt được hai loại
định chế nầy, mà về sau được đưa vào loại hình trợ giúp xã hội (assistance sociale) lấy từ
phí bảo hiểm xã hội. Sau nầy tại Pháp loại hình nhà/căn hộ/biệt thự dưỡng già/hưu dưỡng
lại có thêm sự tham gia tổ chức điều hành kinh doanh của các nhà đầu tư tư nhân hay tổ
chức, trong đó có các công ty bảo hiểm – ngành mà DG TTĐ làm việc – nên ông chỉ nghĩ
tới viện dưỡng lão đắt tiền mà quên bối cảnh của tiều thuyết Camus là ở Algérie đầu thập
niên 1940, cao nhất là trước đó. Munos trong bài “From the Stranger to the Outsider…”
(2017) cho biết “Dù L’Étranger được xuất bản năm 1942 ở Paris thời bị Đức chiếm đóng,
phần chủ yếu của tác phẩm đã được Camus viết ra và sưu tầm tài liệu ở Algérie từ 1937-
1940.” Đọc truyện, ta thấy Camus có nhắc đến chi tiết cô bạn gái khai trước Tòa sau khi
mẹ Meursault qua đời, hai người đi bơi, làm tình, đi xem Fernandel. Danh hài Pháp
Fernandel được lứa tuổi đầu thập niên 1940 trở về trước ở Sài-gòn chúng tôi đặt biệt danh
là “tài tử mặt ngựa”, đã nổi tiếng từ thập niên 1930 với hàng chục phim (45 phim).
B9.9).-Hậu quả: vì hiểu sai “asile” là nhà tế bần, DG TTĐ “sớn sác” suy diễn lan
man: Meursault “không ngừng bị tòa án quỡ trách”...
DG TTĐ viết: «Vì vậy mà con trai bà sau này không ngừng bị tòa án quở trách đã
chẳng trông nom gì đến mẹ, đã bỏ bê bà, đã đang tâm để bà về già phải nương thân trong
một nhà tế bần.»
DG TTĐ còn quên một điều quan trọng nữa: lý do Meursault gởi mẹ vào nhà
dưỡng lão. Đó là «những người già cả không thể ở nhà cùng con cái, nhất là khi khu nhà
ở dành cho người lao động không cho phép họ đưa cha mẹ già vào sống chung, và các
bậc cha mẹ nầy lại không thể sống một mình.» Vì thế có cái tên lòng thòng sau nầy để chỉ
viện/nhà dưỡng lão trong tiếng Pháp «les établissements d'hébergement pour personnes
âgées dépendantes» (viết tắt là Ehpad) = các cơ sở lưu trú dành cho những người cao tuổi
sống phụ thuộc. [sau 1975, chính quyền VN dịch dépendants là những người ăn theo, nay
đã thôi dùng].
Đọc lại đoạn trên, ta thấy DG TTĐ đã không phân biệt được viện/nhà dưỡng lão
asiles de vieillards với nhà tế bần asiles des pauvres, thêm vào đó ông lại “sớn sác” suy
diễn lan man khi phê bình Dương Tường. Trong truyện, Tòa chỉ hỏi tại sao gởi mẹ vào
viện dưỡng lão, và Meursault trả lời là không đủ tiền để thuê người chăm giữ và săn sóc
mẹ tại nhà. Luật sư cũng nhắc tới lý do vì sao Meursault gởi mẹ vào viện dưỡng lão do
Nhà nước trợ cấp. Vậy thôi, chẳng có chuyện Meursault «không ngừng bị tòa án quở
trách» gì cả . «Ông ta [quan tòa] hỏi tôi tại sao lại gởi mẹ vào viện dưỡng lão. Tôi trả lời
rằng chỉ vì tôi không đủ tiền để thuê người chăm giữ và săn sóc bà.» Trước đó, khi
Meursault xin nghỉ việc vài hôm để đi đưa đám tang, ông chủ của Meursault cũng đã nói:
«Tôi đã đọc hồ sơ về mẹ anh. Anh không thể trợ cấp giúp bà. Bà cần một nơi chăm giữ.
Đồng lương của anh lại khiêm tốn.»
Qua vô số sai lầm khó đỡ nói trên, chỉ vì nôn nóng “đả thương” người được xem
là đối thủ, nên DG TTĐ không đủ bình tỉnh và khách quan phân tích sự việc, suy diễn lan
man không dựa cơ sở trên văn bản, để cuối cùng «chết vì những lổ chân trâu». Chúng ta
thấy thuơng nhiều hơn là trách ông.
B10).-DG TTĐ dẫn bạn đến “điểm mù về luật pháp” để phê phán bản dịch của
Nguyên Ngọc …
Bài viết nầy dự định khép lại ở đây để chuyển sang phân tích cụ thể các sai lầm về
dịch thuật trong bản dịch Sa đọa của DG TTĐ, thì người viết nhận được bài liên quan đến
việc thông qua một fan, DG TTĐ phê phán bản dịch tác phẩm Sartre: “Văn chương là
gì” của nhà văn Nguyên Ngọc. Vậy nên sau những điểm mù về ngôn ngữ, về kiến thức
lịch sử, xã hội, tôn giáo, nay xin phân tích thêm điểm mù về luật pháp và chính trị thông
qua phát biểu của hai nhân vật tham gia công kích.
B10.1-Chế độ kiểm duyệt và tự kiểm duyệt
Chế độ nào, ngay cả Mỹ, cũng có một số cấm kỵ về quyền tự do ngôn luận, dù
Hiến pháp nước nào cũng tuyên bố quyền nầy. Ở Mỹ, có hai vấn đề nổi cộm nhất không
được đụng đến : 1)-Bênh vực Hitler và Đức quốc xã. 2)-Góp ý, phê phán Do Thái, sẽ bị
xếp vào người theo chủ nghĩa bài Do Thái. Thụy Khuê khi viết về «Nhân văn giai phẩm»
còn ý thức đến vấn đề nầy, nhưng khi viết «Phê bình văn học thế kỷ XX», bà lại đánh giá
thấp phạm vi ảnh hưởng của hai bản dịch của Nguyên Ngọc. Cũng từ cách nhìn nghiêm
quyết «Dịch phải tôn trọng văn phong tác giả và bảo đảm độ chính xác», Trần Thiện Đạo
là người đã có ý kiến về bản dịch Văn học là gì? của Jean-Paul Sartre do nhà văn Nguyên
Ngọc dịch. Cũng theo lời fan trẻ Nguyễn Hữu Hồng Minh bài “Trần Thiện Đạo một
người Sài-gòn đã mất” trên trang web 1thegioi.vn: «Theo anh, Nguyên Ngọc đã bỏ một
chương và nhiều đoạn tối trọng của văn bản này. Và điều đó là phản khoa học, phản tri
thức. Từ Pháp về, trong một lần gặp gỡ, tôi [NHHM] có gặp nhà văn Nguyên Ngọc để
trao đổi với ông những điều gửi từ Trần Thiện Đạo. Nhà văn Nguyên Ngọc đồng ý là đã
bỏ đi một số đoạn trong cuốn sách và nói đại ý rằng «Tình hình mình (chỉ thực tại) như
thế thì chỉ có thể dịch như thế! Phải chờ một môi trường cởi mở hơn mới giới thiệu
nguyên bản cuốn sách của Jean-Paul Sartre được.» Đó cũng là cách làm văn hóa của ông
Nguyên Ngọc. Nhưng tôi [NHHM] cảm thấy xa lạ với cách tiếp cận tri thức như thế. Đặc
biệt khi đi quá xa văn bản. » Và DG TTĐ cao giọng rao giảng : «Đó là sự phản bội. Dịch
thuật thấy khó là vậy!»
Lối phê phán nầy chứng tỏ DG TTĐ hết sức mù mờ và chủ quan, trái với lời các
đệ tử của ông tường thuật. DG TTĐ và nhất là Nguyễn Hữu Hồng Minh, lứa trẻ sinh sau
1975, kém DG TTĐ và Nguyên Ngọc bốn năm chục tuổi đời, đã từng học Khoa Ngữ
văn-Báo chí tại VN, cả hai đều không hề biết gì đến luật pháp và chế độ “cấp phép” ở
Việt Nam. Người viết gọi đây là «điểm mù luật pháp», phỏng theo một cụm từ thời danh
trước đó «điểm mù tôn giáo», nhưng theo một ý nghĩa ngược lại.
Để biết rõ các sự kiện thú vị về việc kiểm duyệt từ thời xa xưa đến nay, ở các nước
Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Liên xô, Đông Âu, kể cả việc “đốt sách” ở Anh, thiết tưởng chỉ cần
đọc tiểu mục 66 “Censorship - Kiểm duyệt” (tr.901-914) thuộc chương VII trong bộ
“Encyclopedia of Literature and Criticism – Bách khoa toàn thư về Văn học và Phê bình”
nxb Routledge, 1991 - khi DG TTĐ còn tại thế, và trước khi Hội Nhà văn in bản dịch
“Sartre: Văn học là gì” của Nguyên Ngọc (1999). Xa xôi hơn, vào năm 1967 khi TTĐ
phê bình bản dịch “Sartre: Những Ruồi” của Phùng Thăng, ông hẵn phải biết rằng Sartre
đã đứng đầu Hội Nhà văn Kháng chiến, và khi nước Pháp được giải phóng năm 1944,
Hội đã cấm hành nghề đối với tất cả các nhà văn nào đã viết bài, truyện, kịch mà không
kèm hàm ý bóng gió xa gần đã kích Đức quốc xã, nghĩa là tìm cách thoát khỏi lưới kiểm
duyệt của quân chiếm đóng Đức và của ngụy quyền Pháp thời đó.
B10.2-Kiểm duyệt và tự kiểm duyệt trước 1975 ở miền Nam
Trước 1975, các tác phẩm thiên Cộng không có cơ hội thoát lưới kiểm duyệt, chỉ
còn các trường hợp tự cắt bỏ liên quan đến sex:
*Ví dụ 1: Bản dịch tài hoa Câu chuyện dòng sông của Phùng Khánh và Phùng
Thăng có “tự ý kiển duyệt” bỏ một đoạn ngắn một đôi dòng về giây phút lạc thú bên nhau
giữa Tất Đạt và Kiều Lan, dù nguyên văn diễn đạt rất tao nhã và hoa mỹ như trong truyện
Kiều. Lý do là hai dịch giả sắp xuất gia, sợ bị các sư bà khiển trách theo giới luật Phật
giáo. (Cuối cùng cô Phùng Khánh xuất gia trước, vài năm sau mới đến cô Phùng Thăng).
Gần đây, TS Thái Thị Kim Lan khi từ Đức về VN, có xin phép hiệu đính lại bản dịch
trong ấn bản mới.
*Ví dụ 2: bản dịch xuất thần Bố Già của Ngọc Thứ Lang cũng cắt bớt vài dòng, do
tự kiểm duyệt. Đó là khi cô sinh viên xinh đẹp Lucy cứ mỗi lần quen bạn trai và gần gũi
nhau, là sau đó bạn trai ấy biến mất tăm. Đôi lần như thế tạo ra mặc cảm đáng sợ cho
Lucy, cô từ chối mọi kết thân với bạn trai suốt thời Đại học. Sau đó, khi anh bác sĩ làm
việc cho bệnh viện gia đình Bố già tỏ tình, cô từ chối. Gạn hỏi vì sao, cô thẳng thắn cho
biết nguyên nhân. Đoạn lược bỏ rất ngắn và dịch trớ qua là đoạn anh bác sĩ xin phép hẹn
khám tại phòng mạch. (Xin đọc nguyên bản Anh ngữ PDF có trên mạng tr.262, và bản
dịch do Nxb Trẻ in lại năm 1989, tr.383). Xin nói thêm, đến giữa thập niên 1990, đoạn
văn y học nầy nếu được xin phép xuất bản thì chỉ là «chuyện nhỏ như con thỏ», không ai
bận tâm kiểm duyệt nữa, vì dịch vụ về lĩnh vực nầy được quảng cáo ồ ạt một thời trong
trào lưu đổ xô đi tân trang để lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc.
*Ví dụ 3: Hết bị cấm vì sex đến bị cấm vì chính trị. Năm 1972 Hoàng Hải Thủy bỏ
ra ròng rã hai tháng trời dịch cuốn «Trăm năm hiu quạnh» của Marquez. Nhà xb chắc ăn
cho xếp chữ gần 800 trang in như sách đưa đi kiểm duyệt. Kết quả bị cắt khoảng 80 trang
vì cảnh sex. 10 tháng sau, khi có giấy để in thì Sở Phối Hợp Nghệ Thuật có lệnh mới:
“Sách đã kiểm duyệt quá sáu tháng chưa in, phải kiểm duyệt lại”. Lần thứ hai “Trăm
năm” đến Bộ Thông Tin chịu kiểm duyệt, rồi được báo: “Trăm năm bị cấm, không cho
xuất bản.” Lý do: “Hoàng Đức Nhã không cho xuất bản vì tác giả thân bọn cộng sản,
chống chiến tranh Việt Nam, chống Mỹ, là bạn thân của Fidel Castro.”
B10.3- Sau 1975, có nhiều trường hợp không cấp phép vì lý do chính trị và khiêu dâm
Sau 1975, Marquez được trao giải Nobel văn chương năm 1983 nhờ tác phẩm nầy.
Tại VN, bản dịch «Trăm năm cô đơn» ra đời, bạn nào tò mò xem thử có bị cắt bỏ gì
không ?
* Hàng rào kiểm duyệt quan trọng nhất là chính trị. Theo chung một hình mẫu
của Liên Xô, một số trào lưu, tác giả và tác phẩm bị cấm. Ví dụ trào lưu tâm phân học,
Nietzsche, …TQ và VN có thêm Kim Dung và tiểu thuyết kiếm hiệp, các tác phẩm, nhạc
phẩm, v.v. . Sau đổi mới của LX rồi LX và Đông Âu chuyển chế độ, các trào lưu và các
tác giả nói trên được gỡ bỏ. Nhưng các tác phẩm phê phán chế độ thì vẫn bị cấm tại TQ,
VN – một điều đương nhiên, như chế độ trước 1975 cấm các tác phẩm thiên Cộng, hay
Mỹ phản ứng với các tác phẩm ca tụng Hitler, hoặc bài Do Thái.
B10.4- Sau 1975, trường hợp Sartre
Về Sartre, giống như nhiều trí thức cùng thời, Sartre ủng hộ chính nghĩa của cuộc
cách mạng mác-xít tại Liên Xô, nhưng không ủng hộ các đảng Cộng sản do Liên Xô chi
phối, do các đảng nầy không thỏa mãn yêu cầu về tự do. Sau 1975, dù Sartre vẫn ủng hộ
Liên Xô trong lý tưởng cách mạng vô sản, đối trọng với Mỹ, nhưng là nhà nhân bản chủ
nghĩa ông cũng ký tên vào nhiều lời kêu gọi khác nhau nhằm kêu gọi trả tự do cho những
người bất đồng chính kiến tại Liên Xô, và năm 1977 trong cuộc gặp Tổng bí thư Liên Xô
Brejnev và Tổng thống Pháp Giscard d’Estaing tại Paris, Sartre tổ chức cùng lúc một
cuộc gặp gỡ với các nhà bất đồng chính kiến Liên Xô.
Liên quan đến VN, năm 1979 một sự kiện gây chấn động công chúng: Sartre lúc
đó sức khỏe đã rất suy sụp, đi cùng đối thủ hàng đầu về tư tưởng của mình là Raymond
Aron và triết gia trẻ André Glucksmann, đến dinh Tổng thống Pháp để yêu cầu Tồng
thống d’Estaing tiếp nhận những người tỵ nạn Đông Dương, những «thuyền nhân» bị
đắm thuyền và chết vì hải tặc hàng ngàn người khi nỗ lực rời bỏ VN. Vào cuối đời, gác
bỏ lại những quan điểm chính trị khác biệt nhau, Sartre khẳng định tính cấp bách của việc
cứu sống những sinh mạng ở bất cứ nơi nào mạng sống đó bị đe dọa. Ông dùng trở lại
thuật ngữ «quyền con người» mà trước đây ông phê phán là mang tính «tư sản». Như
vậy, ta hiểu quan điểm của chính quyền VN sau 1975 đối với Sartre, và cũng hiểu những
“phê phán” của TTĐ và fan trẻ NH Hồng Minh đối với Nguyên Ngọc là ngớ ngớ ngẫn
ngẫn như “Mán xa rừng”.
B10.5- Sau 1975, việc cấp phép dần dần được nới lõng
Sau 1975, việc cấp phép ở VN dần dần được nới lõng. Ban đầu, ngay tên tác giả
ngoài bìa sách cũng phải phiên âm theo tiếng Việt. [Việc phiên âm nầy còn được dùng
trong giảng dạy ở bậc Trung học mãi cho đến nay, 2021.] Nhưng dù nới lõng đến đâu,
cũng vẫn tồn tại hai lĩnh vực không thay đổi: chính trị và sex. Cuốn của Sartre mà
Nguyên Ngọc phải cắt bớt, hay đôi chỗ phải dịch trại đi, ông đã cố giải thích mà Nguyễn
Hữu Hồng Minh dù theo học khoa Ngữ văn-Báo chí vẫn trẻ trâu không hiểu, còn Trần
Thiện Đạo ở Pháp lại càng “ai cũng hiểu chỉ hai người không hiểu”. Sau 1975, do các
hoạt động tham gia chiến dịch quyên góp tàu để vớt thuyền nhân VN, Sartre bị xếp vào
dạng personna non-grata (người không được hoan nghênh, nói lịch sự theo ngôn ngữ
ngoại giao). Tôi nhớ đến một trí thức có vợ Pháp, cũng từ Pháp về miền Bắc năm 1955,
sau Trần Đức Thảo khoảng mười năm, và trở thành bạn của nhà triết học VN tại Hà Nội.
Anh là Võ Nhân Trí, tác giả cuốn Kinh tế Việt Nam viết bằng tiếng Pháp - đã thuật lại
câu chuyện: Vào đầu thập niên 1980 Trần Đức Thảo được thông báo Sartre sẽ sang thăm.
Thế là Trần Đức Thảo vốn đang sống âm thầm tự đi chợ nấu cơm sau vụ Nhân văn giai
phẩm, được chuyển từ căn hộ nhếch nhác qua một căn hộ rộng rãi, với bộ bàn ghế tiếp
khách sang trọng. Khi chuyến viếng thăm của Sartre bị hủy, người ta vội vã khiêng bàn
ghế đi và mời triết gia cùng học với Sartre ở ENS phố Ulm “trở về mái nhà xưa”. Lớn
tiếng phê bình Nguyên Ngọc, một người cũng được xếp vào dạng personna non-grata, dù
đã tham gia hoạt động cách mạng trên nửa thế kỷ, chứng tỏ rõ ràng Trần Thiện Đạo và
Nguyễn Hữu Hồng Minh kém hiểu biết về môi trường chinh trị và luật pháp một cách
không thể tin được. Lẽ ra hai người chỉ cần liếc mắt như Thụy Khuê (chứ không cần phải
đọc qua) cuốn sách của Sartre là sẽ biết ngay vì sao dịch giả phải cắt bỏ bớt, dịch trại đi,
trước khi lớn giọng phê phán «dịch như thế là phản bội».
Ngay từ đầu lời phi lộ trước khi vào chương I, Sartre đã nêu các quan điềm khác
nhau đối với văn học: Một thanh niên ngu ngốc viết cho tôi: “Nếu ông muốn dấn thân,
thì còn chờ đợi gì mà không ghi tên gia nhập Đảng Cộng sản?” Một nhà văn nổi tiếng
thường xuyên dấn thân và từ bỏ dấn thân còn thường xuyên hơn nữa, nhưng đã quên đi
những chuyện đó, bảo tôi: “Những nghệ sĩ tệ hại nhất là những người dấn thân cao độ
nhất: anh hãy xem các họa sĩ Liên Xô.” Toàn là hàng cấm kỵ ở Việt Nam! Thụy Khuê
[đăng trên mạng, 1984-2016] và sau này in trong “Phê bình Văn học Thế kỷ XX” (2018),
có dịch nguyên cả trang có chứa đoạn nầy trong Chương 13: “Phê bình Văn học Pháp:
Jean-Paul Sartre”.(tr.404-405).
*Ví dụ 2: Hàng rào kiểm duyệt thứ hai là sex. Không nói đến tranh khỏa thân, ảnh
khỏa thân mới được cho phép triển lãm vài ba năm gần đây. Trong lịnh vực dịch thuật,
hãy cùng đọc lại chia sẻ của TS Nguyễn Thị Thái tại Hội thảo Dịch thuật về cuốn Một
nửa đàn ông là đàn bà thì đủ rõ. «Sách của Mạc Ngôn với tên nguyên bản là “Vú to
mông nẩy”. Khi  dịch giả Trần Đình Huyến dịch nguyên tên như thế, không NXB nào in.
Sau một thời gian suy nghĩ, ông quyết định dịch thành “Báu vật của đời” và được xuất
bản ngay.»

You might also like