You are on page 1of 7

Phạm Thị Thúy Quỳnh

Phamkhiemtrai@gmail.com
(Tài liệu của lớp học Viết truyện ngắn khóa 1)

____________________________________________________________

BÀI 1

VÀI NÉT VỀ THỂ LOẠI TRUYỆN NGẮN

“​Mục đích của truyện ngắn là để soi tỏ một sự kiện, lớn hay nhỏ, ngay cả
nếu nó xảy đến dễ dàng, không phải là không gây ngạc nhiên, thậm chí duy
nhất. Và điểm này, khi câu chuyện mang một tình huống bất ngờ [...] sẽ trở nên
nghiêm trọng hơn trong trí tưởng tượng của độc giả nếu đề tài được vay mượn
trong đời sống hàng ngày[...]. Điều kỳ diệu thuộc về mọi thời đại. Nó không
phải là cái gì lạ lùng cả, nó thường bao quanh chúng ta. Sự tồn tại của chúng ta
là cả một sự kỳ diệu”.

L.Tieck - Schriften,1829

I. Truyện ngắn và một số vấn đề liên quan:

Theo giới thuyết hiện đại, truyện ngắn (Nouvelle) là những câu chuyện
được kể bằng văn xuôi với nội dung ngắn gọn, hàm súc. Truyện ngắn có những
nút, những nút này manh nha và phát triển cho đến độ thì được hóa giải. Tuy
nhiên, trong lịch sử, khái niệm về truyện ngắn không hề cố định mà biến đổi
liên tục theo thời gian và bối cảnh xuất hiện của nó.

Trước đây, truyện ngắn không có ranh giới rõ ràng so với sử thi, truyện
thơ, ngụ ngôn, tiểu thuyết. Điều này dẫn đến việc xuất hiện một số “truyện ngắn
nằm trong cái vỏ tiểu thuyết” như cuốn ​Tu viện thành parme ​dài hơn 500 trang;
cuốn ​Cuộc Quyết đấu và những truyện ngắn khác c​ ủa Tchekhov với 5 truyện
gần 500 trang,... Hoặc một số truyện siêu ngắn chỉ có một câu cho tới mấy trăm
chữ như truyện Lịch sự của Jacques Sternberg:

“Ông ta được giáo dục tốt tới mức, trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, ông đã
cho người vợ đi trước mình”(1)

Hay như truyện ngắn C ​ uộc đối thoại về một cuộc đối thoại ​của Jorge Luis
Borges chỉ dài 230 chữ sau đây:

“A: Ðắm chìm vào cuộc luận đàm về sự bất tử, chúng tôi đã để mặc cho
đêm xuống mà không thắp đèn, và chúng tôi đã không thể thấy mặt nhau. Với
một vẻ thoải mái, hay dịu dàng, nhưng có tính thuyết phục cao hơn cả sự đam
mê, giọng nói của Macedonio Fernández cất lên một lần nữa rằng linh hồn thì
bất tử. Ông đoan quyết với tôi rằng cái chết của thân xác thì hoàn toàn không
đáng kể, và giây phút mệnh chung phải được xem như là điều lặt vặt nhất xảy
đến cho một con người. Lúc ấy tôi đang chơi với con dao nhíp của Macedonio,
mở nó ra rồi xếp lại. Một chiếc thủ phong cầm gần đó lập đi lập lại mãi bản La
Cumparsita, cái giai điệu hời hợt đến ớn óc mà rất nhiều người yêu thích vì lầm
tưởng rằng nó là nhạc của thời xa xưa... Tôi đề nghị với Macedonio rằng chúng
tôi tự tử để cuộc luận đàm đạt kết quả mà khỏi phải tốn công biện luận dài
dòng.

Z: (giọng giễu cợt) Nhưng tôi ngờ rằng cuối cùng rồi các ông đã đổi ý.

A: (đăm chiêu với vẻ huyền bí) Rất thành thật mà nói, tôi không nhớ có
phải đêm đó chúng tôi đã tự tử hay chưa.”

Về bản chất, hai từ “truyện ngắn” chỉ là cái vỏ của ngôn ngữ, rất khó để có
thể định hình khái niệm cho thể loại văn học này một cách rõ ràng.

Từ điển Robert (1980) đưa ra:

“Thể loại mà ta có thể định nghĩa như một truyện kể [récit] thường ngắn,
có kết cấu kịch (thống nhất hành động), nhân vật không nhiều, tâm lí nhân vật
chỉ được chú ý trong chừng mực chúng tác động tới sự kiện là trung tâm của
chuyện kể.”(2)

Truyện ngắn bắt đầu xác lập được vị thế của mình với hình thức hiện tại
bắt đầu vào khoảng thế kỷ XIX ở phương Tây, sớm hơn khoảng một thế kỷ so
với phương Đông. Và ở Việt Nam, thể loại này bắt đầu phát triển vào khoảng
những năm 20 của thế kỷ XX, đặc biệt phát triển mạnh vào giai đoạn 1930 -
1945. Mà không thể phủ nhận rằng truyện ngắn có thể đi nhanh được là nhờ vào
báo chí, chúng thường được đưa tới bạn đọc nhờ báo chí trước khi được in
thành tuyển tập vì tính chất ngắn gọn và mới mẻ của mình.

Tóm lại, truyện ngắn giới hạn nhất định về số lượng nhân vật, không gian,
các tình tiết đan cài. So với “siêu vũ trụ” tiểu thuyết, truyện ngắn là một tiểu vũ
trụ có kết cấu khép kín mà ở đó tác giả chính là người thâu tóm tất cả. Tuy
nhiên, đa số những tác giả viết truyện ngắn hiện đại đều đã không còn viết
những truyện ngắn mang tính khép kín nữa, đa phần đều đi theo hướng biến tác
phẩm của mình thành một vũ trụ mở tương tự như thế giới tiểu thuyết, để có thể
giải phóng trí tưởng tượng của mình và độc giả.

Truyện ngắn có các ưu điểm:

- Ngắn gọn, hàm súc: Độc giả không bị phân tâm khi đọc truyện ngắn nên
dễ dàng bao quát được cả câu chuyện.
- Mới mẻ: mỗi câu chuyện khác nhau lại có độ mới mẻ nhất định vì với
dung lượng của truyện ngắn, các tác giả buộc phải tìm cách nén chặt nhất
có thể ý tưởng cũng như tình tiết mà mình sáng tạo.
- Phát triển được năng lực sáng tạo, trí tưởng tượng của người viết một
cách tối đa.
- Nuôi sống tác giả dễ dàng hơn so với tiểu thuyết.

Truyện ngắn có các nhược điểm:

- Không được coi trọng như tiểu thuyết.


- Tác giả dễ giẫm phải cái bóng của chính mình.
- Vì giới thuyết mông lung nên người đọc và người viết dễ nhầm truyện
ngắn thành truyện ký, tản văn,...

II. Đặc điểm của truyện ngắn

1. Tính ngắn gọn:


Đúng như tên gọi của mình, yêu cầu đầu tiên của truyện ngắn là phải ngắn.
Truyện ngắn hiện đại đi vào một điểm ấy là ngắn gọn về mặt hình thức, có
thể nằm trong khuôn khổ từ 100 đến 5000 chữ. Ở một số trường hợp đặc biệt,
truyện ngắn có thể dài tới 8000 chữ. Chính vì tính chất này mà các nhân vật
thường nhất quán về tâm lí, các tình tiết được nén chặt, diễn biến truyện nhanh.
2. Tính linh hoạt:

Câu chuyện của truyện ngắn là hạt nhân còn những yếu tố xung quanh nó
như nội dung, nhân vật, ngôn ngữ luôn được biến đổi linh hoạt tùy thuộc vào ý
đồ của tác giả.

3. Tính sáng tạo:


Vì yêu cầu dung lượng và yêu cầu của độc giả, các tác giả truyện ngắn phải
vận dụng trí sáng tạo nhiều nhất có thể để khiến câu chuyện của mình trở nên
mới mẻ.
4. Tính khép kín hoặc mở rộng:

Với lối sáng tác truyền thống, truyện ngắn thường kết thúc với lối đóng. Ở
dấu chấm cuối cùng, tác giả đã kết thúc hoàn toàn thế giới trong truyện, gói gọn
nó lại.
Còn đối với những sáng tác hiện đại mà có thể thấy được sự chuyển mình
bắt đầu từ năm 1930 - 1945 ở ta, truyện ngắn thường có kết thúc mở để khiến
cho trường liên tưởng của độc giả tiếp nối với tác phẩm, như vậy thế giới mà tác
giả tạo dựng lên sẽ tiếp tục biến đổi theo hướng sáng tạo của độc giả.

III. Làm sao để viết?

Ai ai trong chúng ta cũng đều có vô vàn ý tưởng, nhưng làm thế nào để có
thể chuyển những tưởng đó thành những văn bản? Ở đây tôi xin được nêu ra
một vài phương pháp “bắt” ý trong quá trình tự nghiệm và học hỏi qua các bạn
văn khác.

1. Đọc, đọc, đọc và đọc nhiều hơn nữa:

Người viết cần đọc sách văn học, nhưng những loại sách về khoa học,
huyền học, triết học, thậm chí tự điển cũng cần thiết không kém. Đọc sách là
bước đầu tiên và là phương pháp đầu tiên mà chúng ta cần thực hiện. Khi không
viết được, ngoài việc tiếp xúc với thế giới để thu lại kinh nghiệm thì đọc là một
cách kích thích trí sáng tạo.
2. Bắt lấy một ý tưởng:

Hãy thử bắt đầu câu chuyện của mình bằng một hình ảnh, một ý niệm, một
tình huống xảy ra trong cuộc sống, rồi từ đó xây dựng nên nhân vật và tình
huống truyện.

3. Vận dụng trí tưởng tượng:

Thế giới văn chương là thế giới của sự sáng tạo, của trí tưởng tượng. Kinh
nghiệm của một người không đủ để có thể dùng vào viết lách đến hết đời, kinh
nghiệm rồi cũng sẽ cạn kiệt nhưng trí tưởng tượng thì lại vô biên. Sự sáng tạo
của mỗi người đều không giống nhau, song có thể phát triển thông qua rèn
luyện bằng các biện pháp khác như vẽ hoặc chăm chỉ đọc sách.

4. Sống:

Các câu chuyện dù có dùng biện pháp nghệ thuật, thể loại hay ngôn ngữ
nào thì vẫn xoay quanh những vấn đề cốt lõi của con người. Thế nên để có thể
viết hay thì ngoài cần trí tưởng tượng mạnh mẽ, người viết càng có nhiều kinh
nghiệm càng có thể vươn cao hơn.
Tôi không phê phán những tác giả chỉ viết dựa theo vốn sống của mình, đó
là một lựa chọn, nhưng tôi vẫn thích những tác phẩm hài hòa được cả hai thứ:
Sự sáng tạo và kinh nghiệm.

5. Hãy bắt đầu viết và viết hằng ngày:

Đây là cách tốt nhất để bắt đầu một câu chuyện, chúng ta có thể lúng túng,
hoang mang ngay khi đặt bút viết lần đầu tiên nhưng cho dù vậy, mọi việc đều
có thể giải quyết khi và chỉ khi ta bắt tay vào viết thực sự.
Không thể phủ nhận rằng trong 10 tác phẩm đầu tay, chỉ có 2 đến 3 tác
phẩm dùng được. Chỉ có những văn tài thực sự mới có khả năng làm sống dậy
văn đàn (tích cực) chỉ sau một tác phẩm. Và chúng ta cũng chẳng thể biết được
rằng đằng sau tác phẩm lớn đó là biết bao tác phẩm nằm trong thùng rác vĩnh
viễn không được ra mắt bạn đọc.

6. Viết một cách nghiêm túc:

Viết là một quá trình lao động cực nhọc, đôi khi nó khiến ta mệt mỏi.
Nhưng chỉ cần thực sự nghiêm túc với công việc mà mình đang làm thì tác
phẩm ra đời sẽ đáp ứng được yêu cầu của người viết trước tiên, sau đó là độc
giả.
Vương Trí Nhàn đã viết một câu về Nguyễn Tuân thế này: ​“Nhìn lại cả
đời văn Nguyễn Tuân, chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy sự công bằng, rằng ai
đối xử với nghề nghiệp ra sao, sẽ được nghề nghiệp đối xử lại như vậy”
Và tôi cũng tin rằng, chúng ta nghiêm túc với việc viết lách bao nhiêu thì
nó cũng sẽ mang lại cho tác giả đãi ngộ tương tự.

7. Chú ý những lỗi nhỏ như lỗi chính tả, lỗi sử dụng từ:

Các biên tập viên và độc giả đều không muốn một văn bản mà mình đọc
vướng phải những “sạn” chính tả, “sạn” ngôn ngữ, tuy chúng chỉ là các chi tiết
nhỏ song lại yêu cầu tác giả phải cẩn trọng. Bắt đầu từ những cái nhỏ rồi chúng
ta mới có thể đi đến những thứ lớn lao hơn.

Điều cuối cùng:

Tự điển. Hãy luôn có một cuốn tự điển cho riêng mình, thậm chí là một
cuốn sổ tay nhỏ ghi chép những từ ngữ thú vị, bởi nó sẽ vô cùng hữu ích cho
việc sáng tác.

Chú thích:

(1) và (2): Trích từ “Đọc truyện ngắn” của Daniel Grojnowski

You might also like