You are on page 1of 13

Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng

Môn Ký Văn học – Ký báo chí

Kỳ thi: cuối kỳ I

Năm học: 2021-2022

Thời gian làm bài: 90 phút

Lớp: 18CVH

Tên: Âu Minh Tâm

Đề: Anh? chị hãy phân tích những yếu tố tác động đến sức hấp dẫn của tản văn và
chứng minh qua một số trường hợp chọn lọc.

Bài làm

Tản văn là một thể loại văn xuôi tự do được viết ngắn gọn với đề tài đa dạng.
Tản văn thu hút người đọc ở các yếu tố: tính da dạng của đề tài, nhan đề của tản
văn, nội dung tản văn, tính hàm súc và kỹ thuật viết của tác giả.

Một trong những tản văn hấp dẫn nhiều bạn đọc đó chính là Nếu biết trăm năm
là hữu hạn của Phạm Lữ Ân. Và một trong những tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc
trong tôi qua cuốn sách đó chính là một tản văn với nhan đề Những khoảng trống
không phải để lấp đầy. Điểm thu hút đầu tiên nằm ở cách đặt nhan đề. Nhan đề của
tản văn mang sức gợi, nó khiến bạn đọc cảm thấy tò mò: những khoảng trống đó là
gì? vì sao xuất hiện những khoảng trống nhưng nó không phải để lấp đầy? Và bạn
đọc buộc phải đọc tản văn để có câu trả lời cho những thắc mắc của mình.

Một điểm thường thấy trong tản văn của Phạm Lữ Ân đó là việc in đậm một
cụm từ, trạng từ… xuất hiện đầu tiên. Ở trong tác phẩm này đó là cụm “có hai từ
thường lặp đi lặp lại”. Dòng chữ này được im đậm với nghĩa nhấn mạnh, tạo cho
người đọc hứng thú và khiến người đọc phải tập trung vào những nội dung được đề
cập đến sau đó. Đồng thời nó còn phần nào gợi lên nội dung của toàn bài đó là sẽ
tập trung vào hai từ được đề cập đến phía sau.

Một điểm nữa vừa làm bật lên nội dung mà tác giả muốn nói, vừa thu hút được
độc giả dó là sử dụng tiếng Anh ngay ở câu đầu tiên của tác phẩm. “Có hai từ
thường lặp đi lặp lại trong entry của nhiều bạn trẻ, là “buồn” và “cô độc”” [1].
Entry trong tiếng Anh có nghĩa là lối vào, cửa vào, mục từ (trong từ điển). Dựa vào
điều đó bạn đọc có thể hiểu câu này theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là: có hai từ
thường lặp đi lặp lại trong từ điển của nhiều bạn trẻ, là “buồn” và “cô độc”. Còn
nghĩa thứ hai là: có hai từ thường lặp đi lặp lại trong thanh xuân của nhiều bạn trẻ,
là “buồn” và “cô độc”. Vì sao lối vào lại được hiểu là thanh xuân. Bởi thanh xuân
là giai đoạn mà các bạn bắt đầu có những va vấp trong cuộc đời, bắt đầu trưởng
thành hơn, nó như một lối vào mà các bạn buộc phải bước qua để trưởng thanh.
Nếu hiểu theo nghĩa thứ nhất thì câu trên có thể được hiểu là trong cuộc sống của
các bạn trẻ hiện nay có hai từ được các bạn thường xuyên nhắc đến và thường
xuyên sử dụng đó là buồn và cô độc. Còn nếu hiểu theo nghĩa thứ hai thì câu này
lại được hiểu theo một cách khác đó là trong thời thanh xuân của các bạn trẻ hai từ
mà các bạn thường gặp và thường phải đối mặt chinh là buồn và cô độc. Như vậy,
dù hiểu theo nghĩa nào cũng hoàn toàn hợp lý.

Ngoài ra, tác giả còn sử dụng thủ pháp điệp cấu trúc “Cô độc. Đó là…” nhằm
nhấn mạnh ý nghĩa của cô độc. Nhưng nếu đơn thuần muốn giải thích từ cô độc, tác
giả hoàn toàn có thể viết là “cô độc là…”. Vậy tại sao tác giả lại chọn phân tách từ
“cô độc” thành một câu đặc biệt rồi mới ghi phần giải thích phía sau? Phải chăng
bản thân “cô độc” nó đã mang sự đơn độc, lạc loài, sự phân tách ra khỏi thế giới
vốn có cho nên việc để nó đứng riêng sẽ khiến người đọc nhận rõ thêm sắc thái trơ
trọi của từ này, cũng phần nào cho thấy nét nghĩa của nó một cách rõ ràng nhất, ấn
tượng nhất? Hay điệp cấu trúc “có người…” trong đoạn sau: “Có người trốn chạy
sự cô độc bằng cách… ngủ vùi. Có người cố khỏa lấp nó bằng niềm vui ồn ào ở vũ
trường hay trong những trò games, có người gặm nhấm nó bằng nước mắt. Có
người thăng hoa vào nghệ thuật. Nhưng cũng có người bị nó bủa vây không lối
thoát để rồi tìm đến cái chết.” [1] Việc sử dụng điệp cấu trúc này nhằm nhấn mạnh
và khẳng định cho câu trước “cô độc là một tâm trạng đáng sợ” [1] và nó cũng thể
hiện những trạng thái khác biệt khi con người phải đối mặt với cô độc.

Một điểm nữa khiến cho tản văn này trở nên hấp dẫn hơn đó là việc tác giả sử
dụng dấu chấm lửng ở cuối câu “Nhưng, bạn biết không, những khoảng trống đó
không phải để lấp đầy…” [1] Việc đặt dấu chấm lửng ở đây như chừa cho người
đọc một khoảng trống để suy ngẫm, để điền tiếp vào đó những nghĩ suy của mình,
giúp người đọc thực hiện được vai trò “đồng tác giả”, tạo thêm nhiều khả năng cho
câu văn. Đồng thời, nó còn khiến câu văn không chỉ dừng ở nét nghĩa trên mặt chữ
mà còn bổ sung thêm nét nghĩa: những khoảng trống đó không phải để lấp đầy bởi
dù có làm thế nào cũng không thể lấp đầy được như dấu chấm lửng ở cuối câu vậy,
đằng sau nó là vô hạn khả năng, cũng như đằng sau những cố gắng lấp đầy khoảng
trống cô độc là vô hạn những nỗi niềm cô độc khác vẫn đang chờ chực, đang ẩn
trong mỗi người.

Và ấn tượng hơn cả là việc tác giả đã đưa một bài thơ haiku vào để làm dẫn
chứng, để hình tượng hóa khoảng trống mà tác giả muốn nói đến. “Tôi sẽ đọc cho
bạn nghe bài thơ haiku này:

“Những lỗ trống trong củ sen

Khi ta ăn

Ăn luôn cả nó”

(Thơ của một thi sĩ Nhật)

Bạn thấy chăng? Những lỗ trống là một phần của củ sen, cũng như sự cô độc là
một phần của đời sống. Vì vậy, hãy nhìn thẳng vào nó. Đừng ngại nói: “Tôi đang
buồn. Tôi cảm thấy cô độc” nếu bạn muốn được chia sẻ. Nhưng cũng đừng ngại
nói: “Hãy để tôi một mình lúc này” nếu bạn thực sự muốn như vậy. Đừng ngại vì
đó là điều bình thường.” [1] Khi dẫn bài thơ này, tác giả như muốn truyền tải đến
cho bạn đọc thông điệp: đừng trốn tránh khoảng trống, chúng ta có thể chấp nhận
những lỗ trống trong củ sen vậy tại sao không thể chấp nhận những khoảng trống
trong ta và thản nhiên đối diện với chúng?

Ngay từ đầu tác giả đã đề cập nhiều đến từ “cô độc”. Vậy còn từ “buồn”? Tác
giả chọn từ “buồn” làm nơi kết thúc cho tản văn: “Người ta gọi tuổi mới lớn là
“tuổi biết buồn” ” [1]. Thật đặc biệt khi cụm từ “tuổi biết buồn” được Phạm Lữ Ân
đặt trong dấu ngoặc kép. Lí do gì khiến chúng được đăt trong dấu ngoặc kép? Phải
chăng là để nhấn mạnh một điều gì đó?

Để giải thích cho điều này, Phạm Lữ Ân lại một lần nữa sử dụng thủ pháp điệp
cấu trúc “ “Biết buồn” tức là chạm ngõ cuộc đời rồi đó. Biết buồn tức là bắt đầu
nhận ra sự hiện hữu của những khoảng trống trong tâm hồn. Biết buồn là khi nhận
ra rằng có những lúc mình cảm thấy cô độc.” [1] Không phải chỉ có độ tuổi mới lớn
mới biết buồn mà là ở độ tuổi mới lớn ta thường bắt đầu cảm nhận nỗi buồn một
cách sâu sắc hơn, dần nhận biết được những khoảng trống trong tâm hồn mình.
Và để kết thúc tác phẩm, tác giả đã lựa chọn hình ảnh căn phòng để đúc kết lại
những điều mình từng nói. “Khi đó, hãy dành cho sự cô độc một khoảng riêng, hãy
đóng khung sự cô đơn trong giới hạn của nó, như một căn phòng trống trong ngôi
nhà tâm hồn. Mỗi lần vào căn phòng ấy, dù tự nguyện hay bị xô đẩy, thì bạn vẫn có
thể điềm tĩnh khám phá bản thân trong sự tĩnh lặng. Để rồi sau đó, bạn bình thản
bước ra, khép cảnh cửa lại và trở về với cuộc sống bề bộn thường ngày, vốn lắm
nỗi buồn nhưng cũng không bao giờ thiếu niềm vui…” Như vậy, hình ảnh “căn
phòng” ở đây mang tình biểu tượng, mang tính gợi hình, giúp định hình một thứ
vốn vô hình, vô định.

Qua đó, ta thấy được bản thân nội dung đã mang một nét hấp dẫn riêng và nó
càng thu hút bạn đọc hơn thông qua ngoài bút của tác giả. Sức hấp dẫn của nội
dung nằm ở việc Phạm Lữ Ân đã đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm con người,
cố gắng biến những thứ vô hình thành những thứ hữu hình để độc giả có thể hiểu
và cảm nhận một cách sâu sắc hơn. Thế giới ngày nay con người thường xuyên
phải đối diện với nỗi buồn và sự cô độc và tác giả đã chạm vào đúng vấn đề nóng
hổi đang được nhiều bạn trẻ quan tâm.

Cũng trong cuốn sách này, một tản văn ấn tượng khác chính là Những gạch nối
từ quá khứ. Ấn tượng đầu tiên nằm ở nhan đề của tản văn. Đây là một nhan đề
mang sức gợi, kích thích sự hứng thú của bạn đọc với hang loạt câu hỏi: Những
gạch nối từ quá khứ là gì? Nội dung nó như thế nào? Hình ảnh gạch nối từ quá khứ
đại diện cho cái gì, điều gì?... Để giải đáp những câu hỏi đó bạn đọc phải tìm đọc
tản văn này.

Điều đặc biệt thứ hai chính là việc tác giả dùng một bài quảng cáo của người
phụ nữ Ba Lan làm dẫn nhập cho nội dung mà tác giả muốn truyền đạt. “Có lần, tôi
đọc được trên Internet một tin ngộ nghĩnh. Một phụ nữ người Ba Lan tên là Agat
Czemierys đã đăng quảng cáo với nội dung: “Chúng tôi muốn nhận nuôi một ông
hay bà, người sẽ sống, tận hưởng các kỳ nghỉ mùa hè và đi mua sắm cùng chúng
tôi suốt đời. Không ràng buộc về tiền bạc, chỉ có tình thương”. Kết quả Agat đã
nhận được hàng ngàn thư trả lời từ các cụ già trên khắp Ba Lan, mong được làm
ông bà cho các con của cô.” [1] Như vậy, thông qua đoạn dẫn nhập này ta có thể
nhận thấy được nhân vật mà tác giả muốn nói đến chính là ông bà.

Từ đó, tác giả đã dẫn chúng ta đến với câu chuyện của chính bản thân tác giả.
“Câu chuyện đó làm tôi nhớ bà ngoại của mình quá đỗi. Tôi nhớ những ngày ngồi
gọt cau với bà, lấy vỏ cau kết thành những chiếc thuyền thúng nhỏ xinh xinh. Bên
thềm nhà, tôi gối đầu lên đùi bà, mắt lim dim ngủ trong làn gió mát thổi từ vườn và
giọng bà khe khẽ kể chuyện thời con gái. Những khuôn phép đạo đức, những cách
thức ứng xử hàng ngày được bà chỉ dạy qua những buổi trưa êm đềm với giọng thì
thầm theo cách mưa dầm thấm lâu như vậy.” [1]. Việc kể thực những cảm nhận của
bản thân về ông bà đã khiến cho người đọc dễ đồng cảm với những gì được viết
hơn, khiến cho tản văn trở nên có sức nặng hơn. Sức nặng đó không nằm ở ngôn từ,
không nằm ở kỹ thuật viết mà nằm ở tình cảm, ở những ký ức thân thuộc về người
bà trong trí nhớ của tác giả.

Một điểm nhấn nữa là việc Phạm Lữ Ân đã dẫn một nhận định của nhà văn
Louisa May Alcott về người bà: “Mỗi ngôi nhà cần có một người bà trong đó” [1].
Như vậy, để tăng thêm tính thuyết phục cho thông điệp của mình, Phạm Lữ Ân đã
đưa ra một ý kiến của một nhà văn để minh xác cho chuyện này, để chứng tỏ rằng
không chỉ bản thân tác giả suy nghĩ như vậy mà ngay cả nhà văn nổi tiếng người
Mỹ cùng đồng quan điểm với Phạm Lữ Ân.

Sau khi dẫn nhận định trên, tác giả liền sử dụng hàng loạt câu hỏi “Tại sao…?”
để hấp dẫn người đọc. Đồng thời, kích thích suy nghĩ của bạn đọc. “Tại sao vậy?
Tại sao mỗi khi nhớ về thời ấu thơ, ký ức về ông bà luôn là ký ức êm đềm nhất?
Tại sao khi đến tuổi dậy thì, con cái thường cãi lời cha mẹ nhưng lại sẵn sàng nghe
lời ông bà? Tại sao cũng xuất phát từ yêu thương nhưng cha mẹ thường trách mắng
còn ông bà lại có thể bao dung? Tại sao có những chuyện ta không thể kể với cha
mẹ nhưng sẵn sàng tâm sự với ông nội hay bà ngoại?” Và sau hàng loạt câu hỏi
“Tại sao…?” là đến câu hỏi “Có khi nào bạn tự hỏi điều đó?”. Hỏi như vậy bởi rất
ít khi con người ta tự hỏi về những điều thân thuộc. Chúng ta gặp những điều tương
tự như thế hằng ngày nhưng lại chưa từng thắc mắc bởi ta cho nó là lẽ thường, lẽ dĩ
nhiên. Để rồi đôi lúc ta lại quên đi rằng những điều tưởng chừng như bình thường
ấy lại mang một ý nghĩa sâu sắc, tác động sâu sắc đến cuộc đời ta.

Để rồi khi trả lời cho những câu hỏi đó thì những câu đặc biệt lại xuất hiện.
“Ông bà có sự thông thái và lòng kiên nhẫn của người đã trải nghiệm. Sự nhẫn nại
và dịu dàng của người đã đi qua quãng đường dài. Luôn có một đoạn đường mà cha
mẹ chúng ta chưa đi qua. Và ông bà ở đó, để yêu thương, nuông chiều và đôi khi
làm hư hỏng chúng ta, với một tình yêu vô điều kiện.” Có dụng ý gì chăng khi tác
giả chọn dấu ngắt câu là dấu chấm mà không phải dấu phẩy. Tác giả hoàn toàn có
thể ghi như sau: Ông bà có sự thông thái và lòng kiên nhẫn của người đã trải
nghiệm, sự nhẫn nại và dịu dàng của người đã đi qua quãng đường dài. Luôn có
một đoạn đường mà cha mẹ chúng ta chưa đi qua, và ông bà ở đó, để yêu thương,
nuông chiều và đôi khi làm hư hỏng chúng ta, với một tình yêu vô điều kiện. Phải
chăng việc dùng dấu chấm (.) để tạo câu đặc biệt nhằm nhấn mạnh, tạo sức hút cho
câu; đồng thời, nó còn tạo thêm nét nghĩa cho câu. Đó là, thường khi ta đã trải
nghiệm một điều gì đó trong cuộc sống thì ta đều sẽ nghĩ rằng những cảm xúc,
những tính cách mà ta hình thành hay có được nhờ trải nghiệm đó sẽ chỉ dừng lại
tại thời điểm được gọi là “đã trải nghiệm” (sự thông thái và lòng kiên nhẫn); chính
vì vậy, mà ở đây có dấu chấm để ngắt câu, như để kết thúc một cuộc hành trình, kết
thúc những cảm xúc và những tính cách sản sinh ra lúc ta trải nghiệm; nhưng
không, cảm xúc đó vẫn được tiếp nối và sản sinh thêm sau khi đã trải nghiệm xong
(ở đây là sự nhẫn nại và dịu dàng).

Và trong gia đình sẽ không thiếu được những mâu thuẫn, nhưng điều đặc biệt là
tác giả đã dùng giọng văn rất nhẹ, rất lạc quan để nói về vấn đề này. “Đôi khi, có
những mâu thuẫn xảy ra giữa cách giáo dục nghiêm khắc của ba mẹ và sự chiều
chuộng của ông bà. Nhưng khi lớn lên, bạn nhìn lại thời ấu thơ và sẽ hiểu rằng:
nhân cách của mình đã được hình thành nhờ cả hai điều đó, nhờ sự cân bằng của cả
hai. Quả thật, ai có được cha mẹ nghiêm khắc và ông bà nuông chiều, quả là hạnh
phúc lớn lao.”

Một điều khác cũng khiến tản văn trở nên ấn tượng trong mắt người đọc đó là
việc Phạm Lữ Ân đã dẫn một sự kiện có thật tại Nhật để nói về điều mà ông bà cần.
“Do cuộc sống bận rộn, không có thời gian chăm sóc thế hệ già nên người Nhật đã
chế tạo robot Snuggling Ifbot có khả năng nói chuyện như một đứa cháu lên 5 tuổi
để bầu bạn với người già. Nhưng chỉ sau một tháng, sản phẩm này đã trở nên ế
hàng. Bởi ông bà của chúng ta không cần một người máy giúp họ “kích thích não
hoạt động và tránh được bệnh hay quên”. Robot không biết lắng nghe, không biết
hỏi chuyện ngày xưa, cũng không biết vòi vĩnh và đón nhận tình yêu từ ông bà.
Trong khi, đó mới chính là cái mà ông bà cần ở những đứa cháu” [1]. Việc dẫn sự
kiện có thật tại Nhật như vậy khiến cho độ tin cậy của tản văn trong lòng người đọc
cũng cao hơn, và không khiến tản văn bị nhàm chán. Việc tiếp nhận được một
thông tin mới cũng sẽ tăng thêm sự hứng khởi cho người đọc.

Và hình ảnh so sánh giữa ông bà với dấu gạch nối từ quá khứ “Ông bà chính là
những chứng nhân đầy yêu thương, là một dấu gạch nối giữa chúng ta với quá khứ”
[1], cũng là một trong những điểm sáng của tác phẩm. Như ta đã biết, dấu gạch nối
dùng để nối các tiếng trong từ hay trong tên riêng nước ngoài khi được phiên âm
qua tiếng Việt. Và ông bà giống với dấu gạch nối từ quá khứ ở chỗ ông bà là cầu
nối giữa ba mẹ và con cái, là người dạy cho những đứa cháu của mình về việc bảo
tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc ta. Từ đó có thể thấy Phạm
Lữ Ân đã sử dụng ngôn từ một cách rất tài tình nêu rõ được tầm quan trọng của ông
bà đối với những đứa cháu của mình.

Không chỉ dừng lại ở đó, Phạm Lữ Ân còn tiếp tục so sánh ông bà với rễ cây.
“Thế hệ ông bà cũng như cái rễ cây vậy. Bạn không nhìn thấy rễ cây, nhưng bạn
biết rằng rễ luôn hiện hữu ở đó, là nguồn gốc của nhựa sống, là nơi khởi đầu của
những chiếc lá non.” [1]. Đó là một sự so sánh đầy tinh tế và đẹp đẽ, từng câu chữ
đều thể hiện lòng biết ơn và tự hào của tác giả về ông bà. Ông bà là những người đã
nâng đỡ và nuôi dưỡng tâm hồn cho biết bao thế hệ, cho dù có ngày ông bà không
còn ở bên cạnh ta, thì họ vẫn luôn chúc phúc, luôn là điểm tựa tinh thần cho con
cháu mãi về sau. Có lẽ chính vì thế mà tác giả đã kêu gọi mọi người phải biết yêu
thương và kính trọng ông bà. “Vì vậy, hãy kinh trọng ông bà. Dù gặp ông bà ở đâu,
trong gia đình hay viện dưỡng lão, hay thậm chí khi nhìn thấy ông bà trên đường,
dù là ông bà của bất cứ ai, cũng đừng hờ hững đi qua mà không cúi đầu chào. Với
lòng biết ơn.” [1].

Như vậy, thông qua hai tản văn trên của Phạm Lữ Ân trong cuốn Nếu biết trăm
năm là hữu hạn ta đã thấy được tính đa dạng của đề tài nơi tản văn này: đề tài con
người và đề tài gia đình. Dù đa dạng về mặt đề tài nhưng tất cả đều được kết nối
với nhau thật nhuần nhuyễn như diễn tiến của cuộc đời, những vấn đề ta phải đối
diện trong cuộc đời.

Bên cạnh Phạm Lữ Ân, Nguyễn Ngọc Tư cũng là một trong những tác giả gây
ấn tượng mạnh với những tác phẩm tản văn hấp dẫn. Một trong số đó có thể kể đến
là tác phẩm Hành lý hư vô.

Và một trong những tản văn ấn tượng trong cuốn tản văn đó là tác phẩm Mưa
mai là mưa khác. Ngay từ nhan đề tác phẩm đã có một sức hút rất riêng đối với bạn
đọc. Nó khiến bạn đọc phải tò mò và thắc mắc về nội dung của tác phẩm. Liệu đây
là một tác phẩm nói về mưa? Hay một vấn đề nào khác? Chỉ khi đọc tác phẩm bạn
đọc mới biết được “mưa mai là mưa khác” ở đây chỉ cách mà con người đối mặt
với màn mưa lớn, với giông bão, với thiên nhiên.

Một điểm đặc biệt nữa thu hút bạn đọc chính là việc Nguyễn Ngọc Tư sử dụng
câu đặc biệt ngay từ đoạn đầu tiên. “Mưa đã ngày thứ sáu. Nước tiếp nước đổ
xuống đảo. Lì lợm, dẳng dai” [2, tr.5]. Câu đặc biệt xuất hiện để nhấn mạnh sự dai
dẳng, không ngớt của màn mưa. Sự dai dẳng đó ngăn trở những con người trên đảo.
Phải chăng cụm từ “lì lợm, dẳng dai” không dơn giản chỉ nói đến mưa mà còn nói
đến nỗi muộn phiền của những người trên đảo trong sáu ngày qua. Những nối
muộn phiền, sự lo âu cứ đeo bám họ một cách lì lợm, chưa từng buông tha họ ngày
nào. Chính tâm trạng đó đã mang theo ánh nhìn buồn bã, chán chường, mệt mỏi,
thậm chí là cay nghiệt đối với cơn mưa vô tội.

Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng những từ địa phương, khẩu ngữ trong tản văn
nhằm tăng thêm sự gần gũi đối với bạn đọc. “Người ra mặt thù nghịch ông trời,
người bất lực phân bua với bạn hàng cái điện thoại nóng ran, người tuyệt vọng ứ hự
ngó những núi mây mọng nước…” [2, tr.5]. “Ứ hự” vốn là một khẩu ngữ, thường
xuất hiện trong lời ăn tiếng nói thường ngày. Từ này diễn tả âm thanh tắc nơi cô
họng, muốn biếu đạt ý không hài lòng một cách tế nhị. Nhưng từ “ứ hự” khi đặt
vào ngữ cảnh của câu thì không chỉ đơn giản thể hiện điều đó mà còn cho ta thấy sự
bất lực của con người, ngoài việc thể hiện sự không thích ở trong lòng bằng cách
“tuyệt vọng ứ hự” ra thì cũng không thể làm gì khác được. Hay từ địa phương xuất
hiện trong các câu sau: “Thật sự không làm gì, đến nghĩ cũng lơ mơ không đâu vô
đâu”; “Nhưng giờ giông mưa vây trùng điệp bên ngoài nhà trọ, sách mang theo đã
đọc hết, hết biết làm chi”; “Chị vợ kể trong lúc kêu lô tô, nhà chị ở miệt Thứ, hai
vợ chồng đều làm thợ hồ, một bữa nhỏ con nói nó coi truyền hình cũng thấy biển
hoài, trong bài học cũng nhiều biển, nhưng chưa lần nào được thấy biển thiệt” [2,
tr.5]. “Vô” ở đây có nghĩa là vào, “làm chi” có nghĩa là làm gì,”coi” có nghĩa là
xem và “thiệt” có nghĩa là thật. Đây vốn là những từ địa phương Trung Bộ.

Không chỉ dừng lại ở đó, sự xuất hiện của khẩu ngữ ở những câu văn, những
đoạn văn tiếp theo càng khiến cho tản văn trở nên bình dị, thân thương với người
đọc. “Nhìn quanh chỉ có một gia đình bốn người cháy nắng là tỉnh khô, chừng như
vô nhiễm với lo âu”. “Tỉnh khô” có nghĩa là tỉnh như không, không hề lo lắng gì về
chuyện đang xảy ra xung quanh mình. Dùng từ “tỉnh khô” ở đây hợp lí hơn cả, hợp
về ngữ nghĩa lẫn ngữ cảnh trong câu. Những người dân được đề cập đến đều là
những người lao động nghèo nên việc sử dụng khẩu ngữ để diễn tả sự bình tĩnh của
họ thích hợp hơn và khiến cho nhân vật trở nên chân thật hơn.

Hay sự xuất hiện của phương ngữ Nam Bộ trong câu: “Bạn ngồi kế bên bàn ăn
của họ, ngó hoài thằng nhỏ với hai cái răng cửa bự chảng, mi mắt rợp hệt mắt trâu,
lúc nào cũng như đang cười” [2, tr.5]. Từ “bự chảng” trong phương ngữ Nam dùng
để diễn tả sự to lớn quá thể, phình ra, bẹt ra. Dùng từ này diễn tả cái rang của cậu
nhóc khiến cho hình tượng cậu bé hiện lên mang nét tinh nghịch, lanh lợi. Rõ ràng,
Nguyễn Ngọc Tư không hề đặc tả về tính cách mà cô chú trọng đến ngoại hình.
Nhưng chỉ qua vài nét phác họa về ngoại hình của cu cậu thông qua từ địa phương
“bự chảng” thì tính cách của cậu bé cũng phần nào hiện ra mang theo sự tinh quái.

Một điều khác trong kỹ thuật viết của Nguyễn Ngọc Tư khiến bạn đọc bị thu
hút, đó chính là việc sử dụng biện pháp nhân hóa khi tả về thiên nhiên. “Vài
khoảnh khắc nắng lên như cười cợt vào đám người ngây thơ nghĩ hôm nay sẽ có
tàu rời bến, rồi hy vọng yếu ớt ấy tắt phụt đi theo màu trời tối sầm. Theo cơn áp
thấp nữa theo đuổi cơn bão cấp bảy vừa tan”. Thủ pháp nhân hóa được tác giả sử
dụng nhuần nhuyễn và đầy tinh tế khi thiên nhiên như hóa thành thực thể, đang
chơi đùa với những cảm xúc của con người. Điều này càng tô đậm thêm sự nhỏ bé
của con người trước thiên nhiên. Mưa liên tiếp đã nhiều ngày khiến cho tàu thuyền
không thể rời bến được nhưng có vài khoảnh khắc mây đen lại nhường chỗ cho ánh
nắng dịu nhẹ. Ánh nắng như thắp lên hy vọng của con người về việc rời đảo nhưng
nắng mới lên được một chút thì mây đen lại ùa về. Chính điều này khiến tác giả có
cảm tưởng như ánh nắng đang cười cợt vào sự ngây thơ con người khi vọng tưởng
có thể nắm bắt được, đoán được sự biến hóa của thời tiết. Đến với câu sau “Theo
cơn áp thấp nữa theo đuổi cơn bão cấp bảy vừa tan” đã diễn tả sự nối tiếp nhau của
giông bão trên hòn đảo ấy. Từ “theo đuổi” khiến cho cơn áp thấp như hóa hình, như
một thực thể có suy nghĩ, có tình cảm. Việc dùng từ “theo đuổi” một phần cũng
khiến cho câu văn nhẹ đi khi nói đến những thiên tai. Đồng thời, phải chăng
Nguyễn Ngọc Tư còn muốn ám chỉ đến việc thiên tai cứ nối tiếp nhau là do sự sắp
đặt của tạo hóa, bởi “theo đuổi” còn thể hiện ý rằng cơn áp thấp mới đến này có
chủ ý, chủ động đi cùng một tuyến đường với cơn bão vừa tan?

Và sự hoang vắng trên đảo càng thể hiện rõ hơn qua câu “Bao nhiêu tàu bỏ đi
núp bão, để lại cái bến trống không.” [2, tr.5]. Vẫn là biện pháp nhân hóa, những
con tàu như có sức sống, có suy nghĩ khi biết cơn bão đến chúng đã vội bỏ đi, chỉ
để lại một bến vắng quạnh hiu. Cùng với đó, sự lớn mạnh của thiên nhiên cũng lần
nữa được thể hiện rõ “Nhưng giờ giông mưa vây trùng điệp bên ngoài nhà trọ, sách
mang theo đã đọc hết, hết biết làm chi” [2, tr.5]. Giông mưa giờ đây trong con mắt
người chính là kẻ thù của họ, khi chúng bao vây họ, vây khốn họ trong căn nhà trọ.
Thiên nhiên như có một sức mạnh tuyệt đối và giông mưa như lực lượng vô hình,
cứ dày lên mãi hết lớp này đến lớp khác, bao quanh căn nhà trọ khiến họ không thể
ra ngoài chỉ có thể cam chịu ngồi đợi trong đó.

Lực lượng của thiên nhiên lớn mạnh là vậy, nhưng không phải hoàn toàn không
thể cản phá. “Và chẳng giông bão nào ngăn cản được nhà họ ra ngoài bến chơi giỡn
với những con sóng cao ngang đầu người, quất cái ngọn ngầu bọt vào thềm đá” [2,
tr.5]. Việc sử dụng thủ pháp nhân hóa con sóng khiến nó trở nên to lớn và đầy sức
mạnh. Nhưng dù chúng có mạnh mẽ đến đâu cũng không ngăn được bước chân con
người. Chỉ cần con người không sợ hãi, không khuất phục trước thiên nhiên thì dù
thiên nhiên có khủng khiếp đến đâu, con người vẫn sẽ tìm thấy được an vui trong
đó.

Với ký thuật viết đầy tài hoa của Nguyễn Ngọc Tư, những nội dung trong tác
phẩm càng khiến người ta phải suy ngẫm. Rõ ràng từ đầu đến cuối tản văn thiên
nhiên vẫn luôn rộng lớn, mang một sức mạnh vô hình đầy to lớn nhưng vì sao vẫn
có người vượt qua được, bình thản trước sóng gió; nhưng có người lại e dè, chùn
bước không vượt qua được sức mạnh của thiên nhiên? Có khác chăng ở họ chính là
tâm thái khi đối mặt với giông bão. Phải chăng gia đình nghèo đó có thể bình thản
như vậy bởi họ đã phải đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cho
nên thiên nhiên không thể làm họ chùn bước được; còn những người còn lại ở trên
đảo họ lại không như vậy nên khi thiên nhiên chỉ mới phô diễn ra một phần sức
mạnh họ đã lo lắng, bực bội, chán chường, bất lực? Và phải chăng giông bão của
thiên nhiên đang ẩn dụ cho sóng gió của cuộc đời? Cuộc đời của mỗi người vốn
đầy những sóng gió, đi qua hết những sóng gió đó con người mới trưởng thành mới
bình thản trước những biến động của cuộc đời. Cho nên tác phẩm mới kết thúc
bằng câu “Ngày mai có thể trời mưa chưa tạnh, nhưng ấy là mưa khác rồi” [2, tr.5].
Câu văn trên đã thâu tóm được toàn bộ nội dung của tản và cũng bổ sung một điều:
Việc hôm nay chúng ta chùn bước hay lo sợ trước những sóng gió của cuộc đời
không hẳn là xấu, cũng không hẳn là không thể làm gì để thay đổi được. Ngày mai
có thể vẫn sóng gió như vậy, nhưng khi tâm thế ta khác đi, cách nhìn nhận về sóng
gió cũng khác đi và ta sẽ hưởng thụ được cuộc sống, trưởng thành ngay trên giông
bão một cách toàn vẹn.

Ngoài Mưa mai là mưa khác, một tản văn khác cũng để lại ấn tượng sâu sắc
trong lòng bạn đọc, đó chinh là tản văn Thừa ra con người. Và điều đầu tiên bạn
đọc chú ý đến cũng là nhan đề. Nhan đề này thu hút bạn đọc ở điểm gây tò mó,
kích thích bạn đọc phải suy đoán những nội dung trong đó với một câu hỏi lớn: Tại
sao lại thừa ra con người? Sau khi đọc xong tản văn, bạn đọc mới biết được hóa ra
nhân đề thừa ra con người là ám chỉ đến việc robot dần thay thế con người trong
nhiều việc, cứ như vậy con người sẽ bị “thừa ra” ngay trong xã hội của mình.

Điểm ấn tượng thứ hai đó là việc tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa trong tác
phẩm này. “Bên nhà chồng bạn có xưởng làm bánh pía, nhiều công nhân người
Khmer, mà họ một năm thì ăn mấy cái Tết dài, lò nướng cứ nguội lạnh nằm không”
[2, tr.11]. Để diễn tả việc những công nhân người Khmer thường vì nghỉ Tết mà
không làm việc khiến xưởng dừng sản xuất một thời gian dài, lò nướng không hoạt
động liên tục tác giả đã dùng cụm từ “nguội lạnh nằm không”. “Nằm” vốn là một
hoạt động của con người nay lại được đưa vào để diễn tả hoạt động của lò nướng
nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu văn. Hay trong một câu khác “Tội mấy
chủ đất, lúa chín gục đầu rồi mà thợ gặt cứ tỉnh bơ ngồi đưa cay” [2, tr.11]. Thủ
pháp nhân hóa được sử dụng trong câu này là cụm “lúa chín gục đầu”. “Gục đầu”
vốn là một hành động của con người, nay được dùng cho cây lúa để chỉ cây lúa lúc
này đã trĩu hạt, từng hạt lúa nặng trĩu khiến đầu ngọn lúa hạ xuống thấp như đang
gục đầu. Chữ “gục đầu” được đặt vào đây cũng có thể để chỉ tâm trạng của chủ đất
khi nhìn cây lúa, tâm trạng nôn nóng, ủ rũ muốn thợ nhanh gặt lúa về nhưng không
được.

Bên cạnh đó, từ địa phương Trung Bộ cũng xuất hiện trong tản văn của Nguyễn
Ngọc Tư. “Thằng Đen, sún răng, sình đóng thành vảy trên da, nói sau này tao
không cần học nhiều chi cho nhức đầu, làm thợ gặt như má tao biết chữ sơ sơ là
được” [2, tr.11]. Sình có nghĩa là bùn, chi ở đây có nghĩa là làm gì. Việc sử dụng từ
địa phương trong tản văn cũng làm tăng thêm tính chân thực và gần gũi khi tác giả
phác họa nên khung cảnh làng quê sông nước Việt.

Một điểm đặc biệt khác đó là sự xuất hiện của tiếng lóng trong câu: “Tội mấy
chủ đất, lúa chín gục đầu rồi mà thợ gặt cứ tỉnh bơ ngồi đưa cay” [2, tr.11]. Đưa
cay là từ chỉ việc nhắm thức ăn trong lúc đang uống rượu. Đây là tiếng lóng rất
quen thuộc trong dân nhậu ở làng quê. Có lẽ bởi tác giả vốn sinh ra và lớn lên ở
làng quê Nam Bộ cho nên cô rất am hiểu về tiếng lóng nơi đồng quê.

Và càng đặc biệt hơn khi hàng loạt khẩu ngữ xuất hiện trong tác phẩm. “Tội
mấy chủ đất, lúa chín gục đầu rồi mà thợ gặt cứ tỉnh bơ ngồi đưa cay” [2, tr.11].
Tỉnh bơ ở đây là tỏ ra bình tĩnh như không có gì mặc cho thời gian gấp rút, hay đã
đến lúc làm việc. Sự xuất hiện của khẩu ngữ này đã thể hiện rõ sự đối lập giữa tâm
trạng nôn nóng của chủ đất và sự ung dung, bình thản của người thợ gặt. Hay như
câu “Chỉ một chị còn trụ được lâu, vì nhà ngay trong hẻm phía sau, không phải nhớ
đom đóm chòm quao, nhưng mỗi tội yêu dữ quá” [2, tr.11]. Khẩu ngữ “yêu dữ quá”
ở đây đã thể hiện rõ việc người giúp việc trong nhà nhân vật “bạn” đặt tình cảm lên
trên tất thảy. Chính việc đó, lắm lúc khiến chị không thể hoàn thành công việc thật
tốt được. Cho nên dù có người giúp việc nhưng lắm khi gia đình nhân vật “bạn”
vẫn phải đi ăn cơm tiệm. Khẩu ngữ “quậy hết cỡ” xuất hiện trong câu “Chỉ con nít
ngồi buồn, đám bạn quậy hết cỡ chẳng theo người lớn xuôi ghe xuống, mất vui” [2,
tr.11]. Khẩu ngữ này cũng đã diễn tả được độ tinh nghịch của đám con nít ở Phú
Thạnh. Đồng thời, cũng càng làm nỗi rỏ sự buồn tẻ của đám con nít trong xóm khi
đám bạn của chúng cũng sẽ không đến chơi với chúng nữa vì giờ đây máy móc đã
dần thay con người. “Máy cũng chẳng uể oải khi trời nóng nực, chẳng lo quýnh lên
khi nghe tin bão ở quê nhà, không buồn rượi khi nghe con chó Phèn dưới quê đổ
bịnh”. Và khi nói về sự tối ưu của máy móc so với con người thì có sự xuất hiện
của khẩu ngữ “đổ bịnh”. Đổ bịnh có nghĩa là đổ bệnh. Máy móc không có cảm xúc
nên cho dù là có tin bão ở quê nhà, hay con chó Phèn dưới quê bị ốm thì nó cũng
vẫn làm việc hết năng suất như bình thường mà không có chuyện bị tình cảm chi
phối.

Bên cạnh kỹ thuật viết thì nội dung của tản văn cũng làm nên sức hút lớn đối
với bạn đọc. Tản văn đề cập đến vấn đề máy móc dần thay thế con người khiến cho
nhiều người bị thất nghiệp. Lí giải lí do cho chuyện đó tác giả đã đưa ra nhiều dẫn
chứng cho việc con người dễ bị tình cảm, cảm xúc chi phối khiến cho công việc
của họ bị lùi lại hay không hoàn thành tốt. “Mỗi lần chị thất tinh thì chị sẽ nấu
những món “không dành cho người”, như miêu tả của con gái bạn. Thịt vịt lởm
chởm lông con, ba rọi kho không bỏ nước màu dừa, cá chỉ chiên một mặt. Canh
mặn không nói gì, cả cơm cũng mặn, như chị đã chan nước mắt vô trong đó” [2,
tr.11]. Hay một dẫn chứng khác cho việc cảm xúc chi phối con người. “Tía nó thì
xỉn từ sáng sớm rồi, dù người ta kêu công gặt cũng nhiều, nhưng ông chép miệng
“lỡ hứng uống nửa chai”. Tội mấy chủ đất, lúa chín gục đầu rồi mà thợ gặt cứ tỉnh
bơ ngồi đưa cay” [2, tr.11]. Chính vì vậy mà máy móc mới dần thay thế con người.
“Nên khi máy gặt đập liên hợp đầu tiên về đông Phú Thạnh, người ta hớn hở vỗ tay,
không quá ngậm ngùi thương mấy anh thợ gặt xỉn say năm ngoai”. Và một lí do
nữa chính là máy móc thì không đau ốm thất thường như con người, càng không có
chuyện bị cảm xúc chi phối. “Máy móc thì không sổ mũi đau đầu, không ở cữ một
quảng sau sinh nở, không tủi thân chảy nước mắt khi bị quản lí rầy bởi mấy đuồng
may cong. Máy cũng chẳng uể oải khi trời nóng nực, chẳng lo quýnh lên khi nghe
tin bão ở quê nhà, không buồn rượi khi nghe con chó Phèn dưới quê đổ bịnh” [2,
tr.11]. Và để rồi dần có nhiều người thất nghiệp hơn. “Bạn có cái máy giặt hư,
muốn sửa thì phải hỏi tìm anh thợ, hoặc thuê xe chở tới tiệm, nghi thôi đã thấy ngại,
mua luôn cái mới cho rồi. Và anh thợ sửa máy bị bạn bỏ rơi. Cũng vậy, mấy anh
thợ chụp ảnh dạo mất tích từ điện thoại thông minh lên ngôi” [2, tr.11]. Để rồi đến
cuối cùng một câu hỏi đọng lại, một băn khoăn của con người giữa đời sống hiện
đại, đó là dù máy móc làm việc tốt hơn nhưng liệu có khi nào con người chúng ta
vẫn sẽ nhớ về những người làm thuê, người đồng nghiệp của mình nhiều hơn dù họ
có bị chi phối bởi tình cảm đi nữa. Tản văn đã để lại trong lòng người đọc những
băn khoăn khi biết được máy móc dần thay thế con người. Máy móc hơn con người
về những mặt như không bị tinh cảm chi phối, không dễ đau ốm, chỉ cần câu lệnh
thì kết quả sẽ đung, năng lực sản xuất của máy móc cao hơn con người; nhưng con
người lại hơn máy móc ở chỗ họ có tình cảm nên trong nhiều vấn đề họ sẽ xử lý
một cách vẹn cả đôi đường (cân bằng được giữa tình và lý) nhiều hơn. Cho nên đến
khi kết thúc tác phẩm, câu hỏi được đặt ra cho chính bạn đọc chính là: máy móc có
thể thay thế con người khiến con người bị thừa ra nhưng liệu nó có thể thay thế mãi
mãi hay không?

Thông qua hai tác phẩm tản văn trên của Nguyễn Ngọc Tư ta cũng thấy được
tính đa dạng về đề tài của cuốn tản văn Hành lý hư vô. Mưa mai là mưa khác đề
cập đến vấn đề cách chúng ta nhìn về cuộc sống, còn Thừa ra con người đề cập đến
vấn đề máy móc đang dần thay thế nhân loại. Hai đề tài này đều là hai vấn đề lớn
và được nhiều người quan tâm nên việc xuất hiện hai đề tài trong cùng một tác
phẩm cũng khiến tác phẩm hấp dẫn hơn trong mắt bạn đọc.

Như vậy, thông qua hai tác giả Phạm Lữ Ân và Nguyễn Ngọc Tư, ta đã thấy
được những nét hấp dẫn riêng của thể loại tản văn. Dù mỗi cây bút có một cách viết
khác nhau, một giọng văn khác nhau nhưng nhìn chung cả hai nhà văn đều đã sử
dụng ngôn từ một cách tài tình vừa truyền tải được nội dung vừa làm tăng thêm giá
trị cho tản văn của mình.

Tài liệu tham khảo

[1]. Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, nguồn:
https://thuvienpdf.com/neu-biet-tram-nam-la-huu-han, ngày truy cập: 24/12/2021.

[2]. Nguyễn Ngọc Tư (2019), Hành lý hư vô, Nxb Trẻ.

[3]. Tản văn là gì? Kỹ năng viết tản văn cần có, nguồn:
https://dafulbrightteachers.org/tan-van-la-gi-ki-nang-viet/, ngày truy cập:
29/12/2021.

You might also like