You are on page 1of 4

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (4.

0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
BÀN TAY YÊU THƯƠNG
Trong một tiết dạy vẽ, có giáo viên bảo các em học sinh lớp một vẽ về điều gì làm cho em thích nhất
trong đời.
Cô giáo thầm nghĩ "Rồi các em cũng lại vẽ những gói quà, những ly kem hoặc những món đồ chơi,
quyển truyện tranh". Thế nhưng cô đã hoàn toàn ngạc nhiên trước một bức tranh lạ của một em học
sinh Douglas: bức tranh vẽ một bàn tay.
Nhưng đây là bàn tay của ai? Cả lớp bị lôi cuốn bởi một hình ảnh đầy biểu tượng này. Một em phán
đoán:
- "Đó là bàn tay của bác nông dân".
Một em khác cự lại:
- "Bàn tay thon thả thế này phải là bàn tay của một bác sĩ phẫu thuật....".
Cô giáo đợi cả lớp bớt xôn xao dần rồi mới hỏi tác giả. Douglas cười ngượng nghịu:
- "Thưa cô, đó là bàn tay của cô ạ!".
Cô giáo ngẩn ngơ. Cô nhớ lại những phút ra chơi thường dùng bàn tay để dắt Douglas ra sân, bởi em
là một cô bé khuyết tật, khuôn mặt không đuợc xinh xắn như những đứa trẻ khác, gia cảnh từ lâu lâm
vào tình cảnh ngặt nghèo. Cô chợt hiểu ra rằng tuy cô vẫn làm điều tương tự với các em khác, nhưng
hóa ra đối với Douglas bàn tay cô lại mang ý nghĩa sâu xa, một biểu tượng của tình yêu thương.
(Mai Hương, Vĩnh Thắng – Quà tặng cuộc sống)
Câu 1: (0.5 điểm) Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản
Câu 2: (1 điểm) Chỉ ra thành phần biệt lập trong câu: “Thưa cô, đó là bàn tay của cô ạ!”
Câu 3: (1.5 điểm) Trong câu chuyện trên, cô giáo yêu cầu học sinh vẽ theo chủ đề nào? Douglas vẽ
bàn tay của ai? Điều đó có ý nghĩa gì?
Câu 4: (1.0 điểm) Thông điệp rút ra từ văn bản trên là gì?
PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN (6.0 điểm)
Cảm nhận khổ thơ đầu và khổ thơ cuối bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Giông tố mưa sa đứng thẳng hàng

Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa hương tỏa đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”
Bài làm:
PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (4.0 điểm)
Câu 1: - Phương thức biểu đạt chính: Tự sự
Câu 2: - Thành phần biệt lập: Thưa cô (thành phần gọi đáp).
Câu 3:
- Cô giáo yêu cầu học sinh vẽ điều gì làm em yêu thích nhất trên đời.
- Douglas vẽ bàn tay cô giáo.
- Điều đó chứng tỏ tình cảm yêu thương của cô giáo đã tạo nên những ấn tượng sâu sắc trong lòng
Douglas. Hình ảnh bàn tay cô giáo chính là biểu tượng của tình yêu thương.
Câu 4: - Thông điệp: Tình yêu thương, sự đồng cảm, giúp đỡ trong cuộc sống bắt nguồn từ những điều
rất đỗi bình thường nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Tình yêu thương khi xuất phát từ tấm lòng chân
thành, không toan tính sẽ giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, mang lại nghị lực sống, giúp họ vươn
lên, vượt qua những bất hạnh trong cuộc đời.
PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN (6.0 điểm)
a. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nội dung khái quát của bài thơ.
- Dẫn dắt và khái quát 2 khổ thơ.
b. Thân bài: - Lần lượt cảm nhận nội dung và nghệ thuật của từng khổ thơ:
+ Khổ 1: Cảm xúc trước không gian, cảnh vật bên ngoài lăng. ( Xưng hô “ con - Bác ”, nói giảm nói
tránh “thăm”, cụm từ “ở miền Nam”, hình ảnh vừa tả thực vừa biểu trưng "hàng tre" => Khổ thơ đầu là
niềm xúc động sâu sắc, niềm thành kính của Viễn Phương khi đến thăm và đứng trước lăng Bác).
+ Khổ 4: Mong ước thiết tha của tác giả khi sắp rời lăng Bác (điệp ngữ “muốn làm” => Uớc nguyện
chân thành, cao cả ).
- Đánh giá : kết cấu đầu cuối tương ứng đặc sắc, làm dòng cảm xúc thêm trọn vẹn.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề.
- Cảm nhận, liên hệ cá nhân.
Bài mẫu:
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử thân yêu nhất của dân tộc Việt Nam thế kỉ XX. Người để
lại hình ảnh một người cha già hiền từ, một tên gọi “Bác” thân thiết, Người là hiện thân cho những gì
cao đẹp, mạnh mẽ của dân tộc. Lăng Bác trở thành nơi lưu giữ bóng dáng Bác lúc sinh thời, nơi chiêm
ngưỡng thành kính của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Biết bao nhà thơ đã làm thơ về Người, về
lăng Người. “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là một bài thơ ngắn đầy xúc động thể hiện tấm lòng
của đồng bào miền Nam đối với Bác. Đặc biệt ở khổ thơ đầu và khổ thơ cuối của bài thơ là nỗi niềm
xúc động của nhà thơ Viễn Phương khi vừa đặt chân đến lăng Bác, cũng như lúc chuẩn bị rời lăng trở
về Nam.
Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu của tác giả:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”
Giọng điệu của câu thơ thể hiện niềm tự hào của tác giả. Có lẽ ông là người con ưu tú của miền Nam,
được đại diện cho nhân dân miền Nam ra thăm lăng Bác nhân dịp lễ khánh thành Lăng. Đây là một sự
kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại. Có thể nói lúc sinh thời, Bác Hồ luôn nghĩ đến miền Nam, miền Nam
luôn trong trái tim Bác và nhân dân miền Nam cũng vậy, luôn yêu thương và mong nhớ Bác. Chính vì
thế mà nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
“Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”.
Lời của câu thơ cũng thật giản dị qua cách xưng hô “Con – Bác”. Tình cảm trong bài thơ đúng là tình
cảm của người con ở xa mà nỗi nhớ thương luôn ấp ủ trong lòng chỉ chờ ngày được gặp lại bóng dáng
người Cha thân yêu. Niềm xúc động của nhà thơ còn được thể hiện ngay ở phép nói giảm, nói tránh
“thăm” thay cho “viếng”. Cách nỗi như vậy nhằm đi sự đau đớn, xót xa trước sự ra đi về cõi vĩnh hằng
của Bác.
Từ xa, nhà thơ nhìn thấy hàng tre quanh lăng với biết bao nỗi niềm xúc động:
“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”
Nhà thơ hẳn phải đến rất sớm để xếp hàng vào lăng viếng Bác, khi sương sớm còn chưa tan, theo con
đường quanh quanh dẫn tới lăng nổi lên hành tre bát ngát. Khuôn viên quanh lăng là một không gian
rộng lớn, từng lũy tre nối dài thành hàng bát ngát. Đây là hình ảnh vô cùng quen thuộc, gần gũi ở bất
cứ làng quê nào trên đất nước Việt Nam. Vì đã là người Việt Nam thì không thể nào không biết đến
cây tre. Hơn nữa, lúc sinh thời, Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc luôn có cách sống giản dị, gần
gũi với nhân dân nên nơi an nghỉ của Bác cũng có một phong cảnh mộc mạc, thanh bình như thế.
Ở hai câu thơ sau, tác giả vẫn tiếp tục nhắc đến hình ảnh hàng tre:
“Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.”
Trước hết ta thấy tác giả dùng câu đặc biệt “Ôi!” để bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên, bất ngờ. Tác giả không
ngờ ngay ở giữa quảng trường Ba Đình mênh mông lại có một hàng tre bát ngát gợi lên hình ảnh quen
thuộc như ở chốn làng quê thành bình. “Hàng tre xanh xanh Việt Nam” đây là hình ảnh ẩn dụ mang ý
nghĩa tượng trưng, là biểu tượng của dân tộc Việt Nam với đầy đủ khí chất, bản lĩnh của một dân tộc
anh hùng, kiên cường, bất khuất trước mưa bom bão đạn của kẻ thù để chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.
Hai hình ảnh có vẻ đối xứng nhau “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”, hình ảnh ẩn dụ kết hợp với
giọng điệu hào hùng, rắn rỏi, tác giả thể hiện niềm tự hào trước bản lĩnh hiên ngang, kiên cường, bất
khuất của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Kết thúc chuyến đi về “nguồn” của nhà thơ Viễn Phương được thể hiện qua câu thơ:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt”
Câu thơ thể hiện niềm lưu luyến, xúc động, bịn rịn của đứa con trước lúc đi xa. Tác giả nghĩ đến ngày
mai sẽ trở về miền Nam, nỗi thương xót trào rơi nước mắt, không phải là “rưng rưng” hay “rơm rớm”
mà là “trào”. Đây là một cảm xúc thật mãnh liệt, tình thương yêu dành cho Bác như vỡ òa trong dòng
nước mắt. Từ đó làm nảy sinh bao ước muốn trong lòng nhà thơ:
“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
Điệp ngữ “Muốn làm” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần vừa làm cho khổ thơ nhịp nhàng, cân đối, giàu
chất nhạc, vừa khẳng định ước muốn chân thành của nhà thơ được hóa thân thành những cảnh vật xung
quanh lăng Bác, muốn làm con chim hót quanh lăng, để làm rộn vui cho không gian mênh mông, muốn
làm đóa hoa tỏa hương thơm ngát, dâng hương sắc làm đẹp khuôn viên lăng Bác. Đặc biệt tác giả muốn
làm “cây tre trung hiếu”. Mọi ước nguyện đều quy tụ vào một điểm là mong được ở gần bên Bác mãi
mãi, hẳn là muốn làm vui, làm vơi đi nỗi vắng vẻ trong lăng của Người – một con người đã suốt đời hy
sinh cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, giải phóng dân tộc, một con người mà lúc sinh thời đã dành trọn
tình yêu thương cho mọi người tầng lớp nhân dân và đặc biệt là cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Khổ
thơ cuối đã khẳng định sự gắn bó, thủy chung trong tình cảm và ý chí của người miền Nam đối với Bác.
Bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương ngắn gọn, lời thơ tự nhiên, âm hưởng trầm lắng, giàu sức
biểu cảm, giàu sức gợi, một lòng viếng lăng Bác, nhớ đến Bác, là một lần lòng ta trong sáng hơn. Bài
thơ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc, bởi lẽ tình cảm của nhà thơ cũng là tình cảm của
mỗi người Việt Nam dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

You might also like