You are on page 1of 9

"Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác nỗi mong cha."


Nỗi mong chờ và ao ước của đồng bào miền Nam được Bác vào thăm không còn nữa! Người đã
ra đi mãi mãi để lại bao niềm nuối tiếc trong lòng mỗi người dân Nam Bộ. Viễn Phương - nhà
thơ trẻ miền Nam - được vinh dự ra thăm lăng Bác. Tác giả đã thay mặt nhân dân miền Nam bày
tỏ tình cảm của mình khi đứng trước người cha già dân tộc. Xúc động tận đáy lòng, Viễn Phương
viết bài "Viếng lăng Bác". Đây là bài thơ gợi cho em niềm cảm xúc sâu xa nhất.
Cảm xúc đầu tiên mà em cảm nhận được từ bài thơ có lẽ vì bài thơ thể hiện được tình cảm chân
thành và giản dị của đồng bào Nam Bộ muốn nhắn gửi, nhờ Viễn Phương nói hộ cùng Bác nỗi
mong chờ và mong đợi Bác vào thăm.
Xúc động dạt dào, mở đầu bài thơ, tác giả viết:
"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre! Xanh xanh Việt Nam"
Tình cảm của nhà thơ rất chân thành và cũng rất gần gũi. Đối với người chiến sĩ miền Nam được
ra thăm lăng Bác là một điều rất vinh dự. Nhưng không vì thế mà giảm mất tình yêu thương của
tác giả đối với Bác. Câu thơ ấm áp tình người với cách xưng hô thân mật "con". Bởi tất cả mọi
người đều là những người con trung hiếu của Bác, xem Bác như "là cha, là bác, là anh". Tình
người bao la, giản dị, tình dân tộc đằm thắm mến yêu. Đoạn thơ đã tạo nên một không khí ấm áp,
gần gũi.
Tác giả khéo léo chọn hình ảnh cây tre, hình ảnh thân thuộc của đất nước để mở bài thơ rộng
hơn. Xa hơn nhưng cũng gần gũi hơn bao giờ hết. Nhắc đến hình ảnh cây tre, ta lại nghĩ tới đất
nước, tới dân tộc Việt Nam với bao đức tính cao quý. Tre anh dũng trong chiến đấu, tre yêu
thương giúp đỡ dân tộc, tre hi sinh cho thế hệ mai sau và tre cũng rất anh hùng bất khuất:
"Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường"
Tre đã vất vả, chịu nhiều nắng mưa nhưng vẫn hiên ngang đứng giữa trời xanh, như dân tộc ta
không bao giờ khuất phục bọn giặc cướp nước "Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng".
Theo đoàn người, tác giả vào thăm lăng Bác, nhà thơ nhìn thấy:
"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ."
"Mặt trời" ngày ngày đi qua trên lăng là mặt trời của đất, nguồn sáng lớn nhất, rực rỡ và vĩnh
viễn trên thế gian. Nhưng mặt trời ấy còn thấy và nhận ra một mặt trời khác, một "'mặt trời trong
lăng" rất đỏ. Mặt trời trên cao được nhân hóa, nhìn mặt trời trong lăng bằng đôi mắt của mặt trời.
Một hình ảnh chứa chan bao tôn kính đối với Bác Hồ vĩ đại. Bằng hình ảnh ẩn dụ, nhà thơ đã ví
Bác là mặt trời. Người là mặt trời đỏ rực màu cách mạng sẽ mãi mãi chiếu sáng đường chúng ta
đi bằng sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Đây là nét nghệ thuật sáng tạo của tác giả.
Độc đáo hơn, nhà thơ còn sáng tạo một hình ảnh khác nữa để ca ngợi Bác:
"Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân."
Hình ảnh những dòng người đi trong thương nhớ kết thành những tràng hoa không chỉ là hình
ảnh tả thực so sánh những dòng người xếp thành hàng dài vào lăng Bác trông như những tràng
hoa vô tận. Nó còn có nghĩa tượng trưng: Cuộc đời của họ đã nở hoa dưới ánh sáng của Bác.
Những bông hoa tươi thắm đó đang đến dâng lên Người những gì tốt đẹp nhất. "Dâng bảy mươi
chín mùa xuân" - đây là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng. Con người bảy mươi chín
mùa xuân ấy đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và đã làm ra những mùa xuân cho
đất nước, cho con người.
Nhà thơ vào lăng, được nhìn thấy Bác nằm trong giấc ngủ bình yên giữa một vùng ánh sáng nhè
nhẹ dịu hiền. Ánh sáng ấy nơi Bác nằm được nhà thơ miêu tả như ánh sáng một vầng trăng hiền
dịu:
"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!"
Ánh sáng của những ngọn đèn mờ ảo trong lăng gợi nhà thơ sự liên tưởng thật là thú vị "ánh
trăng". Tác giả đã thế hiện sự am hiểu của mình về Bác qua sự liên tường kì lạ đó. Bởi trăng với
Bác từng là đôi bạn tri âm tri kỉ. Ánh trăng bát ngát ngoài trời đã từng vào thơ Bác trong nhà lao,
trên chiến trận, giờ đây trăng cũng đến để ru giấc ngủ ngàn thu cho Người. Với hình ảnh "vầng
trăng sáng dịu hiền" dụng ý nhà thơ còn muốn tạo ra một hệ thống hình ảnh vũ trụ để ví với Bác.
Người có lúc như mặt trời ấm áp, có lúc dịu hiền như ánh trăng rằm.
Bác của chúng là là vậy. "Mặt trời", "vầng trăng", "trời xanh" đó là những cái mênh mông bao la
của vũ trụ được nhà thơ ví như cái bao la rộng lớn trong tình thương của Bác. Đó cũng là biểu
hiện sự vĩ đại, rực rỡ, cao siêu của con người và sự nghiệp của Bác. Biết rằng Bác vẫn sống mãi
trong sự nghiệp cách mạng và tâm trí nhân dân như bầu trời xanh vĩnh viễn trên cao. Nhưng nhà
thơ vẫn không khỏi thấy nhói đau trong lòng khi đứng trước thi thể của Người: "Mà sao nghe
nhói ở trong tim". Nỗi đau như hàng ngàn mũi kim đâm vào trái tim thổn thức của tác giả. Đó là
sự rung cảm chân thành của nhà thơ.
Còn đứng trong lăng Bác, nhưng khi nghĩ đến lúc phải xa Bác, Viễn Phương thấy bịn rịn không
muốn dứt. Tình cảm của nhà thơ trong suốt thời gian trên luôn sâu lắng, đau lặng lẽ nhưng đến
giây phút này, Viễn Phương không thể nào ngăn được nữa để cho tình cảm theo dòng nước mắt
tuôn trào, dâng lên cao và tha thiết nhất "mơ về miền Nam thương trào nước mắt".
Chỉ nghĩ đến việc về miền Nam, tác giả cũng đã "trào nước mắt", luyến tiếc khi chia tay, bịn rịn
không muốn xa nơi Bác nghỉ, ở câu thơ này, tác giả không sử dụng một nghệ thuật gì cả, chỉ là
lời nói giản dị, là tình thương sâu lắng tự tấm lòng nhưng lại làm cho ta xúc động, bài thơ thêm
giàu cảm xúc. Một cách nói không hoa mĩ, chân thành như người dân Nam Bộ, nhưng lại lắng
trong đó nỗi thương yêu đau đớn không có gì có thể nói và tả được.
Tác giả thay mặt cho nhân dân miền Nam bày tỏ niềm thương tiếc vô hạn đối với vị cha già dân
tộc. Câu nói giản dị ấy làm người đọc thêm hiểu và đồng cảm với cảm xúc của Viễn Phương, bởi
lời nói đó đều xuất phát từ muôn triệu trái tim bé nhỏ cùng chung nỗi đau không khác gì tác giả.
Được gần Bác dù chỉ trong giây phút nhưng không bao giờ ta muốn xa Bác bởi Người ấm áp
quá, rộng lớn quá. Ước nguyện thành kính của Viễn Phương cũng là mong ước chung của những
người đã hoặc chưa một lần nào gặp Bác:
"Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này."
Từ ngữ "muốn làm" được lặp đi lặp lại nhiều lần trong đoạn thơ thể hiện được ước muốn, sự tự
nguyện của tác giả. Hình ảnh cây tre lại xuất hiện khép bài thơ lại một cách khéo léo. Một mong
ước chân thành của nhà thơ. Tác giả muốn làm con chim hằng ngày ca hót cho Bác yên ngủ, làm
đóa hoa tỏa hương thơm ngào ngạt, cùng muôn đóa hoa khác làm đẹp nơi Bác nghỉ. Và vui
sướng nhất khi được làm cây tre trung hiếu đứng mãi bên Bác canh từng giấc ngủ của Người.
Cánh hoa ấy, tiếng chim hót và cây tre trung hiếu ấy giữ mãi cho Người giấc ngủ bình yên. Viễn
Phương nói lên mong ước của mình cũng như là ước nguyện của tất cả chúng ta muốn được gần
Bác để được lớn lên một chút:
"Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút."
Bác của chúng ta là vậy. Người giàu tình thương yêu, giàu đức hi sinh và đời Người thì vô cùng
giản dị. Đất nước ta mất Bác như mất người cha vĩ đại, người cha luôn luôn dành cho nhân loại
tình thương vô bờ bến.
Bài thơ "Viếng lăng Bác" thật giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, mấy ai đọc bài thơ mà không thấy
rung động trong lòng. Bằng cách sử dụng điêu luyện những biện pháp tu từ một cách sáng tạo,
tác giả đã thể hiện tình cảm ngọt ngào đằm thắm lại rất giản dị chân thành đối với Bác. Nhà thơ
đã truyền được cảm xúc của mình đến với người đọc chính bởi cảm xúc của cả đồng bào Nam
Bộ nói riêng cùa dân tộc nói chung. Chúng ta những cháu ngoan của Bác Hồ cũng xin nguyện
như Viễn Phương làm cây tre trung hiếu, làm bông hoa đẹp, làm tiếng chim hay và làm muôn
ngàn công việc tốt để dâng lên Người.
– Bài thơ “Viếng lăng Bác” thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và
của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.
– Viếng Lăng Bác là một nén tâm hương mà Viễn Phương thành kính dâng lên Người.
– Bốn khổ thơ, khổ nào cũng đầy ắp ẩn dụ, những những ẩn dụ đẹp và trang nhã, thể hiện sự
thăng hoa của tình cảm cao cả, nâng cao tâm hồn con người Viếng Lăng Bác của VP là một đóng
góp quý báu vào kho tàng thi ca viết về Chủ Tich Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân
tộc.
– “Viếng lăng Bác” là bài thơ giàu chất suy tưởng,chất trữ tình đằm thắm với cách sử dụng nhiều
luyến láy ngôn ngữ ,phong phú âm điệu khiến bài thơ mau chóng được đông đảo bạn đọc tiếp
nhận.
– Có thể nói bài thơ là một thứ tiếng lòng giản dị, hồn nhiên mà âm vang của nó còn làm thổn
thức lòng người mãi mãi.
– Quanh lăng Bác trồng rất nhiều loại cây có ở mọi miền đất nước. Viễn Phương đã chọn cây tre,
thứ cây không nơi nào không có, nhất là những vùng nông thôn. Tre xanh xanh tự bao
giờ/Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh. Hình ảnh đầu tiên mà nhà thơ nhìn thấy trên đường vào
viếng lăng Bác là “hàng tre bát ngát trong sương”. Hàng tre xanh xanh Việt Nam tạo cảm giác
thân thương, gần gũi biết bao. Có một làng quê Việt Nam giữa lòng Hà Nội, nơi Bác nằm yên
nghỉ “trong giấc ngủ bình yên”.
– Hình ảnh Bác Hồ là trung tâm của bài thơ. Những hình ảnh ẩn dụ trong bài về Bác nhấn mạnh
vào sự trường tồn, vĩnh cửu của Bác, của những tư tưởng, tình cảm mà Bác để lại cho dân tộc.
Nếu mặt trời gợi lên sự lớn lao, vĩ đại thì vầng trăng lại gợi lên vẻ thanh cao, trong sáng. Một
bên là vẻ đẹp của trí tuệ, tư tưởng, một bên là vẻ đẹp của tâm hồn, tình cảm.
– Về câu thơ: “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi / Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Vẫn biết chuyện
sống chết là quy luật ở đời không ai tránh khỏi, vẫn biết di sản quý báu Bác để lại cho dân tộc sẽ
còn mãi mãi (như trời xanh, như trăng sao) mà sao vẫn không thể kìm được lòng mình khi đứng
trước di hài Bác. Cứ ngỡ như vô lí (trong nhận thức) ấy cũng lại là cái có lí bởi nó nằm trong một
quy luật tình cảm khác, quy luật của tình cảm.
– Thơ Viễn Phương nền nã, thì thầm, man mác, bâng khuâng, day dứt, không gút mắt, cầu kỳ,
kênh kiệu, khoa ngôn. Hình ảnh nào trong đời sống anh cũng tìm thấy chất thơ. Không đợi đến
Tiếng tù và trong sương đêm, Hoa lục bình trôi man mác tím, bông lau bát ngát nắng chiều hay
Chòm xanh điên điển nhuộm vàng mặt nước… Một mái lá khô hanh trong rừng vắng anh cũng
đưa vào đấy cái thực, cái hư, rất thơ mà thực, rất thực mà thơ.
– Viễn Phương là một con người rất đa mang, rất nặng lòng với quá khứ, với cách mạng, quá
khứ
đấu tranh của dân tộc lẫn vào sâu sắc với thơ anh, với hồn anh, với đời anh.
– Cũng như Tố Hữu, Viễn Phương có một mối tình lớn nhất, thuỷ chung nhất trong thơ: đó là
mối tình với cách mạng.
– Thơ Viễn Phương chân tình, đằm thắm, chân thực. Anh viết trong trào lưu thơ cách mạng –
chiến đấu nhưng bằng kinh nghiệm sống và chất tâm hồn của riêng anh. Nhiều bài thơ của anh
đã nổi tiếng, trở thành bài hát được mọi người yêu mến.
– Thơ Viễn Phương nền nã, thì thầm, man mác, bâng khuâng, day dứt, không gút mắt, cầu kỳ,
kênh kiệu, khoa ngôn. Hình ảnh nào trong đời sống anh cũng tìm thấy chất thơ”
– Trong thơ, Viễn Phương ít có sự bứt phá, thơ của ông giản dị, thiên về tự sự, phản ánh hiện
thực.
Cách nhìn và thể hiện con người thiên về tốt đẹp, trong sáng là phương hướng chủ đạo và
thống nhất của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến. Lê Minh Khuê – nhà văn nữ chuyên viết
truyện ngắn trong thời kì này – cũng không nằm ngoài phương hướng chung ấy. Điển hình là
truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” viết về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến
đường Trường Sơn. Truyện xoáy sâu vào nhân vật Phương Định với lòng dũng cảm, tinh thần
trách nhiệm, sự hồn nhiên, mơ mộng và tình đồng đội gắn bó.
Nói đến nhân vật Phương Định, không thể không nói đến sự hồn nhiên, mơ mộng của cô.
Như mọi cô gái trẻ khác, Phương Định nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Cô tự hào
về bản thân và tự đánh giá: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái
khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm. Một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt
tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”. Dù đang ở giữa chiến trường nhưng
cô vẫn giữ được sự nữ tính rất dễ thương, rất đặc trưng của người Hà thành trong mình. Cô biết
mình được nhiều người để ý và cảm thấy vui, tự hào về điều đó – một tâm lí rất dễ hiểu của con
gái. Tuy vậy, cô lại điệu đà, không hay thể hiện tình cảm của mình, tưởng chừng như kiêu kì.
Nhưng đừng vì thế mà ghét cô. “Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông
minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”. Vẻ đẹp
của nhân vật không chỉ nằm ở ngoại hình mà ở những suy nghĩ rất đáng yêu của cô về những con
người hằng ngày đi qua cuộc sống của cô. Phương Định chính là đóa lan rừng làm dịu đi cái
nóng bỏng của chảo lửa Trường Sơn đầy bom đạn.
Bên cạnh đó, Phương Định còn rất mơ mộng và hồn nhiên trong sở thích của mình. “Tôi
mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ
ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình”. Phương Định hát như để gợi
nhớ về những kỉ niệm cũ, về thành phố quê hương. Hát vừa để giữ vững sự lạc quan, yêu đời,
vừa để nuôi niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng. Cũng có thể cô chỉ hát để thỏa mãn sở thích của
mình thôi, nhưng dù là lí do gì thì tiếng hát ấy cũng đã thể hiện một cá tính rất trẻ, rất hồn nhiên
nơi cô. Trong lời hát ấy, ta lại thoáng thấy hình ảnh của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm – một người
con gái từng cảm nhận cái hay của bản nhạc êm đềm giữa chiến trường khốc liệt. Trên trời máy
bay gầm rú, dưới đất đầy bom nổ chậm, nhưng những giai điệu dịu dàng, trong trẻo vẫn được
những cô gái ấy cất lên. “Tôi thích nhiều bài. Những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những
ngả đường mặt trận. Thích Cachiusa của Hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: “Về
đây khi mái tóc còn xanh xanh…”. "Đó là dân ca Ý trữ tình, phải lấy giọng thật trầm. Thích
nhiều”. Tiếng hát ấy át đi tiếng bom, mang trong đó sức trẻ và sự yêu đời của Phương Định.
Những bài hát ấy như những mảnh ghép chứa đầy sự nhạy cảm, hồn nhiên và dịu dàng của tâm
hồn cô gái thanh niên xung phong. Trải qua khói lửa, những bài hát ấy không chỉ là những giai
điệu bình thường nữa, chúng chính là tiếng đập từ trái tim rất vô tư, rất trẻ của Phương Định.
Sức trẻ ấy tiềm tàng mãnh liệt đến nỗi chỉ cần một trận mưa đá bất ngờ thôi cũng đủ
khiến nó bùng lên. Phương Định “chạy ra, vui thích cuống cuồng”. Giữa chiến trường ác liệt, dù
hiếm hoi vẫn có những giây phút vô tư, hồn nhiên, những giây phút mà cái say sưa của tuổi trẻ
đã đẩy lùi mưa bom bão đạn. “Những niềm vui con trẻ của tôi lại nở tung ra, say sưa, tràn đầy”.
Cơn mưa đá bất ngờ đã cho ta thấy góc khuất trong tâm hồn nhân vật. Đó là miền ký ức thân
thương và êm đềm của Phương Định về Hà Nội với căn gác nhỏ nơi cô sống cùng mẹ những
năm tháng học sinh, về những hình ảnh rất đỗi quen thuộc của thành phố quê hương. Những kỉ
niệm ấy luôn ở trong tim Phương Định, trở thành niềm tin, thành khát khao, thành nguồn động
lực để cô vượt qua mọi khó khăn thử thách để sống và tiếp tục chiến đấu. “Chao ôi, có thể là tất
cả những cái đó. Những cái đó ở thiệt xa… Rồi bỗng chốc, sau một cơn mưa đá, chúng xoáy
mạnh như sóng trong tâm trí tôi”. Cơn mưa đá bất ngờ kia không chỉ là một chi tiết để bộc lộ tính
cách nhân vật, nó là hiện thân của tuổi trẻ giữa chiến trường, một tuổi trẻ vẫn luôn giữ trong tim
những rung động, những khát khao mãnh liệt nhất trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chiến tranh có
thể tước đi tất cả, nhưng chúng không bao giờ lấy đi được niềm tin và khát vọng của Phương
Định cũng như của những người trẻ ngày đó.
Chính niềm tin và khát vọng chiến thắng ấy đã cho Phương Định sự dũng cảm và tinh
thần trách nhiệm. Cô nằm trong tổ trinh sát mặt đường tại một cao điểm trên tuyến đường
Trường Sơn. Tuy không trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận nhưng công việc của cô cũng không
kém phần nguy hiểm. “Còn chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban ngày. Mà ban ngày chạy trên
cao điểm không phải chuyện chơi. Thần Chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột
những quả bom. Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi”. Nếu như có rất nhiều
người chỉ hơi bị bệnh đã muốn trốn tránh công việc thì Phương Định vẫn kiên cường bám trụ ở
chiến trường dù đã bị thương. Chính ý thức trách nhiệm đã giữ cô ở lại trên cao điểm đầy bom
đạn ấy. Lời kể của Phương Định rất tự nhiên và bình thản, khiến người đọc tưởng như cô chỉ
đang kể chuyện đùa chứ không phải là nói về những hiểm nguy rình rập, về thương tích và cái
chết. “Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp
chung quanh có nhiều bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa, nhưng nhất định sẽ
nổ…”. Phương Định hiểu rõ những gì mình phải đối mặt hằng ngày nhưng vẫn bất chấp tất cả để
hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí cô còn thấy được trong cái ác liệt của chiến trường có một điều
gì đó rất riêng, rất thú vị mà cô đã vô cùng quen thuộc. Nên biết rằng cô là con gái Hà Nội –
những cô gái mà người ta bảo rằng “liệu có xa nhà được ba ngày?” trong khi cô “ở đây, trên cao
điểm này đã ba năm”, ta lại càng khâm phục cô. Sự khắc nghiệt của chiến trường không thể
khiến người con gái ấy gục ngã, mà còn tôi luyện cho cô một ý chí kiên cường. Chính ý chí ấy,
sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm ấy đã làm nên nét đẹp trong Phương Định khiến ta càng
thêm yêu, thêm quý nhân vật hơn.
Nhưng phải đến khi thấy Phương Định phá bom, ta mới hiểu rõ được lòng dũng cảm và ý
thức trách nhiệm trong cô. Dù đã quen với công việc nguy hiểm ấy nhưng mỗi lần phá bom vẫn
là một thử thách về thần kinh. “Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt chiến sĩ dõi theo
mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có
thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Trong không gian vắng lặng và đáng sợ, ánh mắt của đồng đội
đã giúp Phương Định trấn tĩnh lại, đồng thời sự dũng cảm của cô được kích thích thêm bởi lòng
tự trọng. Chỉ là kích thích thêm thôi, vì vốn dĩ sự gan dạ trong cô đã trở thành một điều tự nhiên
đến nỗi cô cũng không để ý. “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít:
ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu
mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?”. Có thể sẽ có
người cho rằng vì đã quá quen rồi nên Phương Định mới không sợ nữa. Không, cô có sợ chứ, vì
khi đứng trước cái chết, con người ai cũng sợ dù ít dù nhiều. Nhưng Phương Định đã vượt qua
được nỗi sợ ấy. Ý thức trách nhiệm đã đẩy lùi nỗi sợ, gạt nó vào một góc để tập trung vào việc
hoàn thành nhiệm vụ. Cô không lo bản thân sẽ bị thương, mà chỉ lo khi bị thương thì cô sẽ không
thể hoàn thành nhiệm vụ. Suy nghĩ ấy mới đẹp và đáng yêu làm sao! Đối với cô, cái chết chỉ nhẹ
tựa lông hồng. Cùng một suy nghĩ ấy là người con gái trong bài thơ “Khoảng trời hố bom” của
Lâm Thị Mĩ Dạ: “Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa / Đánh lạc hướng quân
thù hứng lấy luồng bom”. Dù chỉ là những cô gái chân yếu tay mềm nhưng trong tim họ là ngọn
lửa của tình yêu Tổ quốc, của tuổi trẻ. Chính ngọn lửa ấy đã xây dựng một Phương Định dũng
cảm và trách nhiệm, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến.
Không chỉ dừng lại ở đó, Phương Định còn vô cùng yêu thương đồng đội của mình. Khi
Nho và chị Thao đi lên cao điểm, cô ở lại trong hang vô cùng lo lắng. “Những gì đã qua, những
gì sắp tới… không đáng kể nữa. Có gì lí thú đâu, nếu các bạn tôi không quay về?”. Đây là lần
đầu tiên ta thấy người con gái ấy bứt rứt, bồn chồn và sợ hãi đến vậy. Bởi vì đối với cô, họ
không chỉ là đồng đội, mà còn là bạn bè thân thiết, là chị em trong gia đình. Mỗi người một tính
cách nhưng sống với nhau ba năm trời, cô biết rõ từng sở thích, từng ước mơ, từng cá tính của
mỗi người. Mỗi liên kết sâu sắc và bền vững ấy tự nhiên và chân thật đến nỗi thậm chí Phương
Định còn không nhận ra chính bởi vì nó mà cô gắt gỏng khi đại đội trưởng hỏi tình hình. Tình
đồng đội ấy làm ta nhớ đến những câu thơ của Chính Hữu trong bài “Đồng Chí”: “Anh với tôi
biết từng cơn ớn lạnh / Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi / Áo anh rách vai / Quần tôi có vài
mảnh vá / Miệng cười buốt giá / Chân không giày / Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Chính
gian lao thử thách đã xây dựng nên những tình cảm gắn bó vô cùng bền chặt. Khi Nho bị thương,
Phương Định đã tận tình chăm sóc cho Nho, “rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than”,
“tiêm cho Nho”, “pha sữa cho nó trong cái ca sắt”… Phương Định hiểu đồng đội mình đến mức
cảm nhận được cái đau của Nho, cả những tình cảm đang quay cuồng trong chị Thao nữa. Một
tình đồng đội đẹp đến thế chỉ có thể đến từ những trái tim cùng hướng về một lí tưởng cao đẹp,
từ những trái tim biết yêu thương và cho đi vô điều kiện. Trái tim chứa đầy tình đồng đội ấy là
nét vẽ hoàn thiện tính cách nhân vật Phương Định, biến cô trở thành hình tượng tiêu biểu cho
tuổi trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ.
Nhằm khắc họa rõ nét nhân vật Phương Định, tác giả đã chọn vai kể là nhân vật chính,
với cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ sinh động, trẻ trung và đặc biệt thành công về nghệ thuật
miêu tả tâm lí nhân vật. Thông qua dòng suy nghĩ và cảm xúc của Phương Định, tác giả đã tái
hiện cuộc sống của tuổi trẻ nơi chiến trường một cách tự nhiên và vô cùng chân thật. Cùng với
nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, cách kể này đã giúp tác giả tập trung miêu tả và bộc lộ rõ nét
thế giới nội tâm nhân vật, giúp người đọc thấu hiểu và cảm nhận được những gì nhân vật đã trải
qua. Đặc biệt, Lê Minh Khuê từng tham gia thanh niên xung phong nên lời văn của bà rất thật, ẩn
chứa một sức mạnh muốn thoát ra khỏi trang giấy và đi vào lòng người đọc. Ngôn ngữ trần thuật
trong truyện là ngôn ngữ tự nhiên, gần với khẩu ngữ, trẻ trung và đậm chất nữ tính. Lời kể
thường dùng những câu ngắn, câu đặc biệt với nhịp nhanh, gợi lên không khí khẩn trương của
chiến trường và những khoảng ngắt quãng bất ngờ tưởng như tiếng bom nổ đã cắt ngang dòng
suy nghĩ. Nổi bật lên tất cả những điều ấy là hình ảnh “những ngôi sao xa xôi” được chọn làm
tựa đề của truyện ngắn. “Những ngôi sao” ấy có thể là những ký ức êm đềm về Hà Nội, về quê
hương của các cô gái, những ký ức mà họ vẫn luôn mang theo trong tim để làm động lực chiến
đấu. Nhưng “những ngôi sao” ấy cũng chính là hiện thân của những cô gái thanh niên xung
phong, mà tiêu biểu là Phương Định. Những cô gái ấy sống giữa chiến trường nhưng vẫn giữ
được những nét đẹp trong tính cách, trong tâm hồn mình. Họ, như một anh trắc thủ pháo binh
nào đó đã từng viết trong một bài thơ, “là những ngôi sao xa xôi trên cao điểm”, những ngôi sao
tỏa sáng rực rỡ với tuổi trẻ và lòng can đảm giữa lửa bom khói đạn.
Bằng chính những trải nghiệm thực tế của mình, Lê Minh Khuê đã xây dựng nhân vật
Phương Định với những nét tính cách tiêu biểu của lớp trẻ Việt Nam thời kì ấy nói chung, và
những anh chị thanh niên xung phong nói riêng: can đảm và đầy trách nhiệm nhưng cũng tràn
đầy sự hồn nhiên và ngây thơ. Họ đã sống và chiến đấu hết mình vì độc lập tự do của Tổ quốc,
cuộc sống của họ dù có thể kết thúc bất cứ lúc nào nhưng vẫn tràn ngập sức trẻ, tràn ngập tình
yêu – “tình yêu của những con người trong khói lửa. Tình yêu độ lượng, tha thiết, vô tư mà kẻ
độc quyền có nó trong tim là những người chiến sĩ”. Đó là những tháng ngày gian khổ nhất,
nhưng trong tim, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc.
- “Tôi hay để ý những tình huống ghê gớm trong cuộc sống, để dẫn đến làm thế nào giải quyết
một tâm thế của đời sống, làm cho người ta tha thứ nhau, rồi người ta sống hòa bình hơn, và
người ta thương yêu nhau hơn. Đấy là ý của tôi."
(Lê Minh Khuê)
- “O du kích nhỏ giương cao súng/Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/Ra thế to gan hơn béo
bụng/Anh hùng đâu cứ phải mày râu/
(Tố Hữu)

You might also like