You are on page 1of 4

PHÂN TÍCH KHỔ 3, 4 BÀI VIẾNG LĂNG BÁC

Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già đáng kính của cả dân tộc Việt Nam. Vì thế, sự ra
đi của Bác là một sự mất mát to lớn của toàn thể dân tộc. Đã có rất nhiều vần thơ thể hiện
lòng nhớ thương của những người con Việt Nam đối với Bác. Tuy là một bài thơ ra đời khá
muộn, nhưng "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương vẫn để lại trong lòng người đọc những cảm
xúc sâu lắng, bởi đó là tình cảm của một người con miền Nam lần đầu được gặp Bác. Toàn
bài thơ là một lời tâm sự thiết tha, là nỗi lòng thành kính và tha thiết của một người con miền
Nam đối với Bác Hồ. Nhà thơ thể hiện tình cảm thiết tha của một người con miền Nam rõ rệt
nhất ở trong khổ 3, 4:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên


Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim

Mai về miền Nam thương trào nước mắt


Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”

Bài thơ không những chỉ thể hiện dòng cảm xúc trào dâng của nhà thơ mà còn thể
hiện hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh bằng những hình ảnh vừa quen thuộc, vừa giàu sức khái
quát, vừa lung linh gợi cảm. Bằng cảm xúc chân thực và ngôn ngữ thơ gợi cảm, Viễn Phương
đã nói hộ chúng ta một chân lý: Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong lòng nhân dân ta.

Khổ thơ thứ ba tiếp tục diễn tả trình tự vào lăng của dòng người nhưng khoảnh khắc bây giờ
là tác giả được đứng chiêm ngưỡng Bác trong lăng. Cảm xúc dồn nén, chất chứa thương yêu
đem lại sự lắng sâu về vẻ đẹp tâm hồn Bác. Ở trên, Bác được so sánh với "mặt trời" thì ở khổ
này Bác lại được đặt vào ánh sáng "vầng trăng".

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên


Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”

Thực ra, vầng trăng này là một liên tưởng sáng tạo của Viễn Phương, bởi lẽ trong lăng nhưng
tâm hồn Bác luôn có vầng trăng tri kỷ. Tâm hồn Bác là tâm hồn thi nhân, trăng từng làm bạn
với Người trong bao bài thơ khi bị giam cầm, lúc đi kháng chiến... nên giờ đây khi Người vào
"giấc ngủ bình yên" thì dường như trăng lại toả sáng cốt cách thi nhân của Bác. Toát lên từ
khuôn mặt Bác là vẻ đẹp mà tác giả cảm nhận như giấc ngủ bình yên, giấc ngủ của con người
thanh thản vì đã làm tròn sứ mệnh với dân tộc, hoàn thành sự nghiệp cách mạng của mình.
Nhà thơ sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh không chỉ để giảm nhẹ nỗi đau trong lòng
những người con Việt Nam, mà còn để ca ngợi sự ra đi nhẹ nhàng mà thanh thản của Bác.
Không gian trong lăng Bác ngời sáng một ánh sáng dịu hiền, như ánh sáng của vầng trăng,
người bạn tri kỷ của Bác. Câu thơ gợi cảm giác nghiêm trang, đến lúc đó mới cảm thấy nỗi
đau mất mát. Nhà thơ nhận ra một nỗi đau “Bác đã đi rồi sao Bác ơi”. Nhưng tác giả không
tin đó là sự thật mà Bác chỉ đang nằm trong giấc ngủ, ngủ sau một chặng đời dài bảy chín
mùa xuân cống hiến, xây dựng cho quê hương đất nước. Bác vẫn ở cùng chúng ta:
“Suốt cuộc đời Bác có ngủ ngon đâu
Nay Bác ngủ chúng con canh giấc ngủ”
(Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi)

Bác nằm đó, nhưng không ai tin, ta phải tự an ủi mình bằng lẽ trường cửu của cuộc đời nhưng
trong lòng cảm thấy nhói đau:

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi


Ma sao nghe nhói ở trong tim”

Dù Bác đã đi xa nhưng Bác mãi là “trời xanh”, sẽ còn mãi với thời gian với dân tộc Việt
Nam, sự vĩnh hằng của Bác nhà thơ Tố Hữu đã khái quát:

“Bác sống như trời đất của ta


Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa”
(Bác ơi)

Bác thực sự đã hóa thân vào thiên nhiên đất nước Việt Nam. Bác sẽ còn mãi với chúng ta với
quê hương đất nước. Mặc dù vậy, lý trí vẫn nhắc nhở nhà thơ một sự thật về sự chia ly, một
cảm giác đau nhói trong lòng nhà thơ cũng như bao người con dân tộc Việt Nam. Nỗi đau ấy
nhói trong tim mỗi người như hàng ngàn mũi kim đâm vào trái tim thổn thức của chúng ta.
Nỗi đau ấy làm sao có thể bù đắp được. Sự ra đi của Người đã làm thiên nhiên trời đất con
người tiếc thương:

“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa


Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…”

Như vậy, chỉ với bốn câu thơ trong một đoạn thơ,giọng điệu nhẹ nhàng cảm xúc, sử dụng
hình ảnh biểu tượng “ mặt trời”. Khổ thơ đã hiện sự thành kính thiêng liêng trước sự vĩnh
hằng của Người. Tạo nên những hình ảnh cao đẹp về Bác Hồ kính yêu. Để lại cho người đọc
những cảm xúc chân thành. Bác của chúng ta là vậy. Người giàu tình yêu thương đức hi sinh
và sống cuộc đời vô cùng giản dị. Đất nước ta mất Bác như mất người cha già vĩ đại, người
cha luôn dành tình thương vô bờ bến cho nhân loại:

“Bác sống như trời đất của ta


Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già”.

Nỗi đau là có thật, xuất phát từ sâu thẳm trái tim của đứa con miền Nam ra thăm Bác ngày
đất nước đã hoàn toàn thống nhất. Đây là lần đầu tiên Viễn Phương được gặp Bác. Trong suốt
những năm đất nước bị chia cắt, nhân dân miền Nam quyết tâm chiến đấu, ai cũng mong có
lúc miền Nam chiến thắng , đón Bác vào thăm. Nhưng, niềm mong ước ấy không bao giờ
thành hiện thực. Bác đã ra đi khi chưa thực hiện được niềm mong ước cuối cùng là vào Nam
gặp mặt đồng bào, những người con vẫn ngày đêm mong nhớ được gặp mặt Bác.

Vì vậy, sự ra đi của Bác là một mất mát to lớn không gì bù đắp được đối với một người con
Nam Bộ như Viễn Phương. Ngày hội non sông không chứng kiến nụ cười của Bác rạng rỡ.
Khổ thơ giàu chất trữ tình đằm thắm, thiết tha. Với giọng điệu và những hình ảnh ẩn dụ giàu
tính biểu cảm đã thể hiện tình cảm chân thành, thiết tha, sâu sắc của nhà thơ và đồng bào
miền Nam đối với Bác Hồ, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc. Bác tuy đã đi xa nhưng
những phẩm chất cao đẹp, sự cống hiến to lớn, cao cả và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác
sẽ luôn sống trong hàng triệu trái tim của những người con đất Việt.

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen


Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Những câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang là những nét vẽ tài hoa về nhân cách phẩm chất
đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Dân tộc Việt Nam mãi mãi tự hào vì có một vị cha
già kính yêu cả cuộc đời đã hiến dâng cho non sông đất nước. Tri ân người rất nhiều văn
nghệ sĩ đã có những vần thơ đẹp ca ngợi Bác. Trong đó bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn
Phương chính là tấm lòng thầm kính ngưỡng vọng là nén tâm hương mà nhà thơ ngưỡng
vọng dâng lên Bác kính yêu. Bài thơ kết thúc với dòng cảm xúc:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt


Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”

Dòng thơ đầu tiên cất lên bỗng trào dâng mãnh liệt cảm xúc nghẹn ngào, như rưng
rưng hàng lệ nơi khóe mắt: "Mai về miền Nam thương trào nước mắt". Chỉ một chữ "thương"
quen thuộc gắn với câu nói của người miền Nam mà như gói trọn biết bao thương yêu, xót
xa. Câu thơ cất lên mà như nghẹn lại đến vô cùng. Từ “thương” có lẽ còn là một từ đặc biệt
mà không một ngôn ngữ nào có thể cắt nghĩa hay giải thích được. Chỉ với một từ “thương”
mà tình cảm của đồng bào miền Nam đối với Bác đã được thể hiện trọn vẹn. Đó chính là lòng
kính yêu, sự kính trọng đối với cuộc đời cao cả, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã
cống hiến cả cuộc đời mình cho dân, cho nước, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là sự hy
sinh quên mình của người cha già trầm lặng:

“Bác để tình thương cho chúng con


Một đời thanh bạch chẳng vàng son”

Đó cũng là nỗi xót xa, xót xa của tác giả nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Giờ
đây, chúng con đã vĩnh viễn mất đi người cha già kính yêu. Nỗi đau ấy, sau được kìm nén
trong hành trình về với Bác, giờ lại “ứa nước mắt” khi chia tay. Mọi đau buồn dồn nén, trào
dâng. Và không chỉ người buồn, dường như đất trời cũng rung chuyển:

“Suốt mấy đêm dài đau tiễn đưa


Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”

(Tố Hữu)

Chỉ với một câu thơ 8 chữ nhưng tình cảm của nhà thơ Viễn Phương đã được bộc lộ hết sức
chân thành. Là nỗi buồn vô hạn mà sau khi kìm nén lại rơi nước mắt lúc chia tay.

Lúc này tác giả đang đứng trước lăng, vẫn đang bên Bác, nhưng dường như nỗi nhớ càng lớn
thêm khi nghĩ đến việc ngày mai phải chia xa người cha vĩ đại của dân tộc. Vì biết phải rời xa
Bác, nên nỗi buồn ngập tràn trong lòng thi nhân. Tác giả đã trực tiếp bày tỏ tình cảm của
mình qua cụm từ “thương trào nước mắt”. Nỗi niềm nhà thơ dành cho Bác không thể diễn tả
thành lời, bùi ngùi mà rơi những giọt nước mắt. Đó là giọt nước mắt đau lòng của người con
quá yêu và thương Bác. Tình cảm của tác giả quá lớn mà hóa thành những ước nguyện dẫu
tưởng chừng phi lí: làm chim, làm hoa, làm cây tre:

“Muốn làm con chim hót quanh Bác


Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”

Bằng việc sử dụng điệp ngữ “muốn làm”, tác giả đã nhấn mạnh những khát khao chân thành
của mình: mong làm chú chim trên bầu trời tự do để ngày ngày ca vang lời yêu Bác sâu đậm;
mong được làm “bông hoa tỏa hương thơm” để làm say lòng người. Đặc biệt, chúng ta càng
thấy thấm thía tấm lòng của tác giả qua một ao ước chân thành, giản dị: làm “cây tre trung
hiếu”. Nhà thơ muốn nhập vào hàng tre xanh trước lăng để ngày ngày tỏa bóng mát. Không
chỉ vậy, ước nguyện muốn làm cây tre còn thể hiện khát vọng được ở bên canh giấc ngủ ngàn
thu cho Người, được bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với vị cha già của dân tộc. Ước ao được
làm “cây tre trung hiếu” ở cuối khổ thơ đã tạo nên một kết cấu tương ứng cho cả bài thơ.
Hình ảnh cây tre với những đức tính tốt đẹp mở đầu và cũng kết thúc bài thơ một cách thật tự
nhiên. Cây tre mang bao vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam muôn đời. Khổ thơ cuối
khép lại lắng đọng thật nhiều cảm xúc của tác giả. Ước nguyện chân thành của Viễn Phương
khiến ta nhớ đến lời thơ của Thanh Hải trong bài “Mùa xuân nho nhỏ”:

“Ta làm con chim hót


Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”.

Nếu Thanh Hải nguyện ước được làm một tiếng chim, một cành hoa để góp phần điểm tô cho
vẻ đẹp của mùa xuân đất nước thì Viễn Phương lại muốn hóa thân vào cảnh vật để bên Bác
suốt đời.

Bằng ngôn ngữ giàu cảm xúc và những hình ảnh tiêu biểu, 2 khổ thơ cuối bài thơ
“Viếng lăng Bác” đã để lại cho người đọc nhiều cảm xúc mạnh mẽ. Đó là những tiếc nuối,
xót xa và ước nguyện đau đáu của tác giả – cũng là ước nguyện của hàng triệu người dân Việt
Nam với Bác Hồ. Có hàng nghìn bài thơ viết về Bác nhưng Viễn Phương với những vần thơ
Bác dịu dàng vẫn giữ một vị trí không thể thay thế, làm đẹp thêm kho tàng văn học viết về
Bác.
Bằng những từ ngữ, lời lẽ chân thành, giàu cảm xúc, nhà thơ Viễn Phương đã bày tỏ được
niềm xúc động cùng lòng biết ơn sâu sắc đến Bác trong một dịp ra miền Bắc viếng lăng Bác.
Bài thơ như một tiếng nói chung của toàn thể nhân dân Việt Nam, biểu lộ niềm đau xót khi
thấy Bác kính yêu ra đi. Qua bài thơ, tôi cảm thấy rằng đất nước ta có hoà bình như ngày hôm
nay một phần lớn là nhờ công lao của Bác, như vậy chúng ta cần phải biết xây dựng và bảo
vệ tổ quốc.

You might also like