You are on page 1of 4

Phân tích bài thơ “Viếng lăng Bác” của tác giả viễn Phương

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà


Miền Nam mong, Bác nỗi mong cha”

Những câu thơ của Tố Hữu đã nói nên tiếng lòng của Viễn Phương kéo dài qua hai
cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở Nam Bộ. Lòng yêu thương, nhớ nhung
nhưng cũng đầy xót xa ấy vỡ òa khi ông có dịp “Viếng lăng Bác” năm 1976. Nó đọng
thành bài thơ cùng tên và in trong tập “Như mây mùa xuân”.

Bài thơ chạm vào nỗi khắc khoải mà dân tộc ta từng trăn trở suốt bao năm đất
nước còn chia cắt. “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Chỉ một câu thơ đã khiến lòng ta
bồi hồi, xốn xang. Sinh thời, Bác Hồ thường gọi cán bộ chiến sỹ là chú và xưng bác.
Nhưng nhà thơ Viễn Phương lại chọn cách xưng hô “con – Bác” vừa thân thương gần gũi
đậm chất nam bộ, vừa thành kính, tha thiết yêu thương. “Người là cha, là bác, là anh/ Quả
tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” – (Sáng tháng năm -Tố Hữu). Nhà thơ cố nén cảm xúc
khi dùng từ “thăm” chứ không là “viếng”, vì trong tâm thức của ông, Bác vẫn như đang
còn đây, đang dang tay ôm người con miền Nam thân yêu trong tình thương vô bờ. Về
thăm lăng Bác ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội mà sao tác giả thấy cảnh vật quá giản dị,
thân quen:
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”
Câu thơ thật vui mừng khôn xiết lại vừa thật xót xa! Một cái gì như kìm nén
bỗng oà ra tức tưởi. Thán từ “Ôi!” với bao cảm xúc nghẹn ngào, tràn ngập và các từ láy
“bát ngát”, “xanh xanh” đã làm tăng giá trị gợi hình gợi cảm cho hình ảnh hàng tre. Tre
tượng trưng cho những phẩm chất của con người Việt Nam: đoàn kết, bất khuất, hiên
ngang, bền bỉ. “Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy nên thành tre ơi!”
(Nguyễn Duy -Tre Việt Nam). Giữa lòng thủ đô, một mảng làng quê hiện hữu, khiến cho
nhà thơ cảm nhận được sự bình yên nơi Bác an nghỉ. Đằng sau màn sương khói mơ hồ
thực ảo “trong sương” thấp thoáng một hình ảnh ẩn dụ, một dáng đứng Việt Nam bốn
nghìn năm dựng nước "Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”.
Trên nền xanh bát ngát của hàng tre đứng thẳng trong sương là màu đỏ “rất đỏ”
của mặt trời:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
Màu sắc “rất đỏ” làm cho câu thơ có hình ảnh đẹp, gây ấn tượng, khiến ta liên
tưởng đến trái tim đầy nhiệt huyết của Bác. Ở khổ thơ thứ nhất, cây tre được hiện lên
trong tính đối xứng: cây tre tự nhiên (hàng tre trong sương) - cây tre biểu tượng (hàng tre
xanh xanh Việt Nam). Giống vậy, ở khổ thơ thứ hai này, hình ảnh mặt trời cũng được
miêu tả bằng thủ pháp đối xứng: mặt trời tự nhiên (mặt trời đi qua trên lăng) - mặt trời
biểu tượng (mặt trời trong lăng). Sự song song và ứng đối ấy làm cho hai hình ảnh mặt
trời hòa vào nhau. Đây là một sáng tạo về hình tượng. Mặt trời – một nguồn năng lượng
chiếu sáng vĩnh cữu trong thiên hà. Còn “mặt trời trong lăng” là hình ảnh ẩn dụ: Bác Hồ
là nguồn sáng cho cách mạng, là vầng dương sưởi ấm trái tim con người Việt Nam, như
Trái đất cần đến mặt trời. “Người rực rỡ một mặt trời cách mạng/ Mà đế quốc là loài dơi
hốt hoảng/ Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.” – (Sáng tháng năm - Tố Hữu).
Âm điệu bài thơ kéo dài với thời gian không dứt trong điệp ngữ “ngày ngày”.
Ngày ngày mặt trời vẫn cứ mọc, vẫn cứ đi qua lăng Bác, theo quy luật vận hành của tự
nhiên, và mọi người đến viếng lăng Bác trong niềm thành kính, thương nhớ như một quy
luật vận hành của tình cảm.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
Nhịp thơ chầm chậm như bước chân trong lễ tưởng niệm, thành kính và trang
nghiêm. Biết bao tình cảm và lòng biết ơn, gửi vào tràng hoa bất tận dâng lên Bác. Hình
ảnh “tràng hoa” còn có ý nghĩa tượng trưng: Cuộc đời như nở hoa dưới ánh sáng của Bác.
Cách nói hoán dụ “bảy mươi chín mùa xuân” rất thơ: Mùa xuân là Bác - Bác là mùa
xuân!
Và đây, giây phút tác giả thấy Bác:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
Hình ảnh “trời xanh” là sự trường tồn vĩnh cửu như Người hóa thân vào dáng hình
đất nước. Hình ảnh ấy đăng đối với hai nguồn sáng của vũ trụ thay nhau bao phủ giấc ngủ
của Người: mặt trời trên lăng và mặt trăng trong lăng. Ta thấy Bác vẫn như còn bên ta với
hình bóng “Bóng Bác cao lồng lộng/ Ấm hơn ngọn lửa hồng” (Đêm nay Bác không ngủ -
Minh Huệ).
Với ý niệm ấy, nhà thơ đã chọn cách nói giảm, nói tránh “Giấc ngủ bình yên/
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”: vừa giảm đi nỗi đau, vừa gợi nhớ đến câu thơ về
trăng của Người: “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
(Cảnh khuya - Hồ Chí Minh). Giờ đây, khi hoà bình lập lại, Người đã có thể nghỉ ngơi.
Gam màu của mạch thơ từ chói lọi, rực rỡ ở khổ thơ trên đã trở nên dịu nhẹ, mở ra một
tầng cảm nghĩ mới. Đó là tấm lòng của nhà thơ dành cho Bác. Các câu thơ chuyển từ 8
tiếng thành 7 tiếng (tới khổ sau lại trở vể 8 tiếng) - diễn tả nỗi đau hụt hẫng - dù, có thể
viết thêm cho đủ tám tiếng một câu - như trong lời bài hát cùng tên được nhạc sĩ Hoàng
Hiệp phổ nhạc:
Bác nằm trong (lăng,) giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng, sáng (trong) dịu hiền
Dẫu rằng trời xanh, biết là mãi mãi
Dẫu rằng biển xanh, biết là mãi mãi
Nhưng viết như vậy, giữ được âm điệu thơ thì lại ngăn cảm xúc chân thành bùng
phát. Cách viết của tác giả là lời nói bộc tuệch, không theo khuôn khổ, trong giây phút
không cầm giữ được lòng mình. Cặp từ hô ứng “Vẫn biết”, “Mà sao” đã thể hiện sự giằng
xé day dứt trong lòng nhà thơ dựa trên cấu trúc song hành: trời xanh là mãi mãi (là ẩn dụ
của sức sống dân tộc, là hình ảnh Hồ Chí Minh) nghe nhói ở trong tim (là giây phút cảm
nhận, thấm thía nỗi đau mất mát).
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Một từ “nhói”, tác giả đã nói hộ cho cả dân tộc, nỗi đau đớn vượt lên trên mọi lí lẽ,
lập luận. Từ “nghe” đậm chất dân dã như kiểu người nam bộ thường nói “nghe đói, nghe
thơm …”. Nhưng khi nằm trong đoạn thơ nó tinh tế như nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm
giác “nghe nhói ở trong tim” - nỗi đau nhức nhối như nghe thấy tiếng cắt cứa trong tim
mình.
Tình cảm càng lúc càng dạt dào, sâu đậm:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiều chốn này”
Câu thơ rất Nam Bộ. Những người con xa quê, “mang gươm đi mở cõi” ít khi
nào nói nhớ, nói yêu, mà thường nói thương. Đó không chỉ là cảm xúc đồng cảm. Mà
thương là cảm xúc cao nhất trong hệ thống cảm xúc của con người. Nó chứa đầy trách
nhiệm muốn sẻ chia, bù đắp cho người được thương và lưu luyến mãi. Giờ phút chia xa
vẫn còn trong giả định (mai là mai mốt, chưa chắc đã hẳn là ngày mai – tiếp theo ngày
hôm nay), như tình cảm đã bùng nổ “trào nước mắt”. Nhưng tác giả không để tình cảm
đó buông xuôi uỷ mị.
“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
Điệp ngữ “muốn làm” xuất hiện 3 lần như để nhấn mạnh lòng quyến luyến mãi
không muốn rời xa Bác, hóa thân thành “con chim”, “ đoá hoa”, “cây tre”. Đó không chỉ
là liệt kê những hình ảnh cụ thể, mà còn là sự ẩn dụ khao khát công hiến một cách tự
nguyện. Bởi vì đứng bên lăng Bác, nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn. Ước nguyện
tăng tiến theo mạch cảm xúc. “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”. “Cây tre trung
hiếu” – ngọn tầm vông sắc bén của người dân nam bộ. Hình ảnh cây tre được lặp lại thật
tự nhiên để khép lại bài thơ, tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng, tô đậm hình ảnh, gây ấn
tượng sâu sắc cho người đọc.
Bài thơ sử dụng thể thơ thay đổi linh hoạt từ bảy chữ đến chín chữ, mang giọng
điệu ấm áp, tâm tình. Nhịp thơ biến đổi theo mạch cảm xúc trữ tình vừa tha thiết, vừa
trang nghiêm, đặc biệt tuôn trào mạnh mẽ ở khổ cuối cùng. Chất liệu, ngôn từ thơ mộc
mạc bởi lẽ Bác sống giản dị và tác giả là người con miền nam chất phác.

Bài thơ không chỉ bộc lộ tình cảm sâu sắc của tác giả đối với Bác Hồ mà đó còn
là tiếng lòng của triệu người Việt Nam. Bài thơ là khúc nhạc lòng mà nhà thơ Viễn
Phương đã đại diện nhân dân Miền Nam gửi đến Bác. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ nhạc
cho bài thơ khiến trái tim ta trầm bổng theo ca từ. Bài thơ là một cung bậc về tình yêu
thương tôn kính của người dân Việt Nam dành cho Bác. Cung bậc này sẽ mãi ngân lên…
ngân mãi vào lòng mỗi người .

You might also like