You are on page 1of 2

VIẾNG LĂNG BÁC

Bác Hồ là vị cha già kính yêu của dân tộc ta. Để viết về Bác có lẽ chẳng bao giờ có
thể ghi hết được công lao to lớn của Người dành cho dân tộc. Ngay cả sau khi Bác
mất, rất nhiều bài thơ hay về Bác đã ra đời. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến bài
thơ Viếng Lăng Bác của Viễn Phương.
Cũng như nhiều người dân khác của nước Việt Nam, mỗi lần nhắc đến Bác Hồ là
trong lòng lại trào dâng một nỗi xúc động lớn lao. Sự ra đi của Bác là nỗi tiếc
thương cho toàn thể dân tộc Việt. Chính vì vậy mà trong mỗi vần thơ đều có hàm
chứa sự biết ơn, lòng tôn kính đối với Người. Và bài thơ Viếng Lăng Bác đã thể
hiện rất rõ điều đó.
Mở đầu bài thơ, tác giả cho ta thấy được xuất xứ:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Lòng tôn kính dành cho Bác đã thôi thúc người chiến sĩ Viễn Phương từ miền
Nam ra thăm lăng Bác. Không quản ngại đường xa gian khó. Đến được với Bác là
một điều tuyệt vời và có ý nghĩa hơn cả. Nhìn từ đằng xa qua lớp sương mù bao
phủ nhưng nhà thơ đã thấy rõ hàng tre:
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng
Thán từ “ôi” gợi lên cho người đọc bao nỗi xúc động lớn lao. Dù chưa gặp Bác mà
mới chỉ thấy hàng tre thôi đã khiến cho tác giả nghẹn lòng. “Hàng tre xanh xanh
Việt Nam”, một hình ảnh tượng trưng vô cùng tuyệt vời. Người Việt Nam vốn gắn
bó với lũy tre xanh. Nhìn thấy tre, ta liên tưởng đến những con người Việt Nam
cần cù, chịu khó hai sương, một nắng. Cho dù phải hứng chịu biết bao bom đạn
của những năm tháng chiến tranh thì tre và người đều đứng hiên ngang, thẳng
hàng.
Hai câu thơ tiếp theo mới thật là đặc sắc:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Chúng ta đều biết, trong tự nhiên chỉ có một mặt trời. Điệp từ “ngày ngày” cho ta
thấy sự diễn biến liên tục của thời gian. Dường như không có một ngày nào mặt
trời không đi qua trên lăng Bác. Mặt trời bao trùm lên không gian bên ngoài lăng
Bác. Còn không gian bên trong thì đã có một mặt trời khác soi rọi. Mặt trời ấy
chính là Bác Hồ. Nhà thơ Viễn Phương đã có sự ví vón vô cùng tinh tế bởi Bác Hồ
khi còn sống là người đã chỉ đường cho chúng ta tìm thấy ánh sáng của sự tự do.
Màu sắc “rất đỏ” càng làm nổi bật thêm hình ảnh con người Bác.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
Hai câu thơ tiếp theo, Viễn Phương vẫn sử dụng điệp từ “ngày ngày” để chỉ sự liên
tục tiếp diễn của những dòng người tới viếng lăng Bác. Không riêng gì nhà thơ, ai
ai cũng muốn tới thăm Bác một lần để tưởng nhớ người anh hùng của dân tộc.
Động từ “dâng” cho thấy sự biết ơn và lòng kính trọng của người dân đối với Bác.
Ở đây, tác giả không nói dâng hoa lên Bác mà là “bảy mươi chín mùa xuân” ý chỉ
số tuổi của Bác. Bác của chúng ta đã nằm xuống ở tuổi bảy mươi chín.
Khổ thơ thứ ba miêu tả sự bình yên của Bác.
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim
Sau bao nhiêu năm tháng lăn lộn vì Tổ quốc, giờ đây Bác nằm xuống, đôi mắt
nhắm tưởng như là đang ngủ. Đó là một giấc ngủ sâu và kéo dài mãi mãi. Nhìn thì
bình yên vậy nhưng lòng người ở lại vẫn cứ thấy nhói đau. Đọc câu thơ thôi mà
chúng ta cũng thấy gợn trong lòng. Đó là một sự mất mát quá lớn, một nỗi tiếc
thương mà bao nhiêu năm cũng chẳng thể nào nguôi ngoai.
Khổ thơ cuối khép lại với lời chào tạm biệt Bác của nhà thơ. Đồng thời, nhà thơ
cũng mong ước được hóa thân vào làm chim, làm hoa, làm cây tre để được ở mãi
bên cạnh Người.
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Qua 4 khổ thơ với giọng điệu chân thành, bình dị, người đọc cảm nhận được tình
cảm của nhà thơ miền Nam dành cho Bác kính yêu. Bài thơ khép lại nhưng vẫn
đọng lại trong lòng người đọc những nỗi ám ảnh và những nỗi tiếc thương. Nhà
thơ Viễn Phương không chỉ nói lên được tình cảm của mình mà còn nói thay cho
toàn dân tộc. Thật đáng quý biết bao.

You might also like