You are on page 1of 18

THỂ LOẠI VÀ TÁC GIA TIÊU BIỂU VĂN HỌC PHƯƠNG TÂY

TÊN GIẢNG VIÊN: NGUYỄN LINH CHI

Đề tài:
VAI TRÒ CỦA CHI TIẾT
TRONG TRUYỆN NGẮN
“MỘT CUỘC ĐỔI ĐỜI” VÀ
“CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG”
CỦA O.HENRY
___

NHÓM THỰC HIỆN: NHÓM 1


2

A. PHẦN MỞ ĐẦU 3
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 4
I. Đặc trưng của truyện ngắn 4
1. Khái niệm 4
2. Đặc trưng truyện ngắn 4
II. Nhà văn O.Henry 6
1. Tiểu sử nhà văn O.Henry 6
2. Tóm tắt hai truyện ngắn 8
2.1. Truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” 8
2.2. Truyện ngắn “Một cuộc đổi đời” 8
3. Khái quát về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của hai truyện ngắn 8
3.1. Truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” 8
3.2. Truyện ngắn “Một cuộc đổi đời” 9
III. Vai trò của chi tiết trong hai truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” và “Một cuộc đổi
đời” 10
1. Chi tiết góp phần xây dựng cốt truyện 10
2. Chi tiết là yếu tố quan trọng tạo nên tình huống truyện 11
3. Chi tiết góp phần xây dựng hình tượng nhân vật 12
4. Chi tiết góp phần tạo nên kết cấu đặc sắc cho tác phẩm 15
5. Chi tiết góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm, tư tưởng nghệ thuật của tác
giả 16
C. KẾT LUẬN 18
3

A. PHẦN MỞ ĐẦU
Giáo sư Nguyễn Đăng mạnh đã từng nhận xét: "Ở truyện ngắn mỗi chi tiết đều có vị trí
quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt. Trong đó có những chi tiết đóng vai trò
đặc biệt như những nhãn tự trong thơ vậy. Đúng thế, văn chương là một loại hình nghệ
thuật buộc người nghệ sĩ phải sàng lọc chắt chiu từng hạt bụi quý giữa cuộc sống bộn
bề ngoài kia để đúc lên những bông hồng vàng văn chương đưa vào trang viết. Những
chi tiết ấy phải thật cô đọng, dồn nén và có sức khái quát cao.” Nhà văn chỉ thực sự là
“người thư kí trung thành của thời đại” khi anh ta có khả năng làm sống dậy cuộc đời
trên trang sách bắt đầu từ những chi tiết nhỏ. Lựa chọn chi tiết để xây dựng nên tác
phẩm nghệ thuật không chỉ thể hiện bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn bộc lộ
tài năng, tầm vóc tư tưởng của người cầm bút.Chính vì lẽ đó, mời cô và các bạn cùng
nhóm 1 tìm hiểu vai trò của chi tiết trong truyện ngắn của tác giả O.Henry để cùng
nhau có những đánh giá về đặc trưng thể loại và phong cách tài năng của tác giả.

B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

I. Đặc trưng của truyện ngắn


1. Khái niệm
Truyện ngắn là một khái niệm phức tạp, khó định nghĩa. Vì thế nhận diện thể loại truyện ngắn
luôn là một nỗ lực của cả người sáng tác và giới nghiên cứu lý luận. Mỗi người lại có những
khái niệm khu biệt.

Truyện ngắn được định nghĩa là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung thể loại của Truyện ngắn bao
trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó
là ngắn gọn. Bởi Truyện ngắn được viết ra để đọc liền một mạch. Tuy nhiên, mức độ dài ngắn
chưa phải là đặc điểm chủ yếu phân biệt truyện ngắn với các tác phẩm tự sự loại khác (các loại
truyện kể dân gian cũng có độ dài tương đương với truyện ngắn). Hình hài của truyện ngắn
4

hiện đại như ta thấy hiện nay là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm
bắt cuộc sống rất riêng, mang tính chất thể loại. Trong truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự
kiện phức tạp.

2. Đặc trưng truyện ngắn


• Về cốt truyện

Truyện ngắn là thể loại có cốt truyện nhưng nhìn chung biến hóa hơn tiểu thuyết.
Truyện ngắn có nhân vật, được thể hiện qua lời kể, trần thuật. Cả hai thể loại truyện
ngắn và tiểu thuyết đều chú trọng vai trò của người kể chuyện. Song điểm khác biệt dễ
thấy nhất giữa truyện ngắn và tiểu thuyết là truyện ngắn có hình thức kể chuyện nhỏ –
tức là “truyện ngắn”. Nó chỉ đề cập đến một vài biến cố riêng của cuộc sống con người.
Số lượng nhân vật cũng không nhiều, vì hầu hết các truyện ngắn xây dựng rất ít các sự
kiện, ít biến cố. Tình tiết trong truyện ngắn vì thế thường được lựa chọn rất kỹ, chỉ ghi
lại những tình huống nào tiêu biểu nhất, đủ sức cho người đọc hình dung cả quá trình
sống của nhân vật. Cũng vì vậy mà “dung lượng hiện thực trong cuộc sống phản ánh có
mức độ”.

• Về đề tài

Nội dung truyện ngắn có thể lấy ở nhiều mặt của cuộc sống, nhiều vấn đề có tính chất
thời sự xã hội. Phần lớn là vấn đề đời tư cá nhân, có khi chỉ là khoảnh khắc trong đời tư
đó. Việc lựa chọn đề tài, phản ánh nội dung trong tác phẩm chịu sự chi phối bởi “nhãn
quan” nhà văn, trong đó xác lập “điểm nhìn” riêng cho mình là quan trọng hơn cả. Nhà
văn tiến bộ luôn đứng trên mọi quan hệ giai cấp, mọi sự ràng buộc của hệ tư tưởng, nói
lên tiếng nói lẽ phải của chân lý, cuộc đời. Cảm hứng thế sự chi phối âm vang, độ lắng
đọng của truyện ngắn trong dòng thời gian, trong lòng người đọc. Những truyện ngắn
trường tồn mãi mãi khi nó âm ỉ bên trong những tiếng nói thầm kín của con người,
những khát vọng của mọi thời đại.

• Về nhân vật
5

Nhân vật trong truyện ngắn đa phần được khắc họa bằng nội tâm chứ ít khi thông qua
sự đối thoại như văn bản kịch. Nội tâm của nhân vật trong truyện ngắn là mạch chỉ
xuyên suốt, quyết định cấu chốt của cốt truyện.

• Về chi tiết

Kết cấu truyện ngắn cũng không chia thành nhiều thành tố phức tạp. Nó không có kết
cấu chương hồi, mà chủ yếu là sự đan bệnh các chi tiết. Chi tiết là nơi gửi gắm nhiều
nhất tư tưởng của nhà văn trong bất kỳ truyện ngắn nào. Nội dung của truyện ngắn thể
hiện qua hệ thống chi tiết. Các chi tiết có thể xuất hiện nhiều lần, lặp lại có tác dụng
nhấn mạnh chủ ý nhà văn. Có những tác phẩm rất nhiều chi tiết, các chi tiết chính
được các chi tiết phụ tô bật ý nghĩa. Đối với mỗi nhà văn, việc lựa chi tiết trong truyện
ngắn là hết sức cần thiết. “Ý thức về chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn là sức sống
cảm quan thẩm mỹ đối với người cầm bút. Do dung lượng truyện ngắn hạn chế, nên sự
tuyển dụng chi tiết đưa vào tác phẩm phục vụ cho chủ đề, cho tư tưởng chung, cho việc
khắc họa tính cách, tâm lý nhân vật .v.v.. là trách nhiệm, tài năng của nhà văn”

• Về ngôn ngữ

Ngôn ngữ truyện ngắn thường cô đọng, súc tích. Văn phong trong truyện ngắn đóng vai
trò quan trọng, tạo nên phong cách riêng của nhà văn. Giọng văn quyết định hình thức
tổ chức kết cấu truyện và nội dung tư tưởng. Thể tài truyện ngắn cũng chịu sự quy định
của văn phong. Lời văn bộc lộ, giải bày, suy ngẫm về thế thái nhân tình thì hình thành
truyện ngắn trầm tư, thế sự; lời văn trần thuật, hoạt kê tạo nên thể tài châm biếm, đả
kích; lời văn phân tích, mổ xẻ về những vấn đề thời sự xã hội thì tính hiện thực cao.

II. Nhà văn O.Henry

1. Tiểu sử nhà văn O.Henry


O. Henry sinh dưới tên William Sydney Porter ngày 11/9/1862 tại Greensboro, Bắc Carolina,
Hoa Kỳ. Tên lót của ông là Sydney sau đó được đổi thành Sydney vào năm 1898.

Cha ông là một bác sĩ có tài nhưng nghiện rượu và không biết lo xa, sống hoang phí. Mẹ ông
qua đời vì bệnh lao khi ông mới 3 tuổi. Sau đó, Porter và cha chuyển về sống với bà nội.
6

Khi còn bé, Porter đã tỏ ra rất ham đọc. Ông đọc mọi thứ mình có, từ các tác phẩm kinh điển
cho tới tiểu thuyết rẻ tiền và ông theo học tại trường tư do người cô của mình quản lý. Sau đó
ông tiếp tục theo học ở trường trung học Lindsey Street dưới sự bảo trợ của cô mình tới năm 15
tuổi. Năm 1879, ông làm việc cho hiệu y dược của ông chú, và sau đó, năm 1881, khi 19 tuổi, ông
lấy bằng dược sĩ.

Tháng 3/1882, khi bắt đầu có triệu chứng bệnh lao lây từ mẹ, ông được gửi đến sống trong một
trang trại chăn nuôi ở Texas với hy vọng khí hậu nơi đồng nội giúp vượt qua cơn bệnh – tương
tự như nhân vật chính trong truyện Hygeia at the Solito. Ít lâu sau, ông đã thử viết những
truyện ngắn đầu tay và một số mẩu truyện vui cho các nhật báo miền Tây Nam Hoa Kỳ. Sau đó,
ông làm tại một cơ quan địa chính và lần lượt qua nhiều công việc khác nhau: vẽ kỹ thuật và
kiến trúc, thư ký, đầu bếp nhà hàng, làm nhân viên cho công ty địa ốc, xưởng in,... Hầu như từ
mỗi ngành nghề, O. Henry đều có thể góp nhặt tư liệu cho các truyện ông viết.

Porter chuyển đến Austin năm 1884 và có một cuộc sống khá sôi nổi. Ông tham gia hát và cả
diễn kịch. Thực ra, Porter là một ca sĩ và cả nhạc sĩ giỏi. Ông có thể chơi cả guitar và mandolin.
Ông còn tham gia và nhóm hát "Hill city Quartet". Ở đây, Porter gặp và yêu Athol Estes, cô con
gái 17 tuổi của một gia đình giàu có nhưng không được sự đồng ý của gia đình cô. Tới tháng 7
năm 1887, Porter và Athol bỏ trốn gia đình, và sau đó họ trở thành vợ chồng.

Đến năm 1894, ông lập nên tờ tuần san hài hước The Rolling Stone và làm chủ bút. Tờ báo này
không mấy thành công, trở nên chết yểu sau một năm. Ông cũng làm phóng viên cho báo khác
và thỉnh thoảng đóng góp vẽ ký họa.

Năm 1884, ông làm việc cho một tờ báo châm biếm hàng tuần The Rolling Stone. Khi tờ báo
đóng cửa, ông chuyển sang làm phóng viên cho tờ The Houston Post. Năm 1898, ông bị cầm tù
vì bị kết án là biển thủ tiền tại Columbus, bang Ohio, nhưng nhiều người cho là ông bị oan.
Trong thời gian ở tù, ông đã bắt đầu viết truyện ngắn. Ở đây, ông tiếp xúc với đủ các thành
phần bất hảo của xã hội.Tuy nhiên trong số họ không phải ai cũng xấu. Những con người và
thế giới ngục tù cùng với những trải nghiệm, biến cố đã nếm trên trường đời là những khuôn
hình sinh động và là kho tư liệu vô giá để ông đưa vào các tác phẩm của mình.

Ông ra tù vào năm 1901, ông đến New York, kiếm sống bằng cách viết truyện cho nhiều tạp chí
nổi tiếng và trở nên lừng danh với hàng trăm truyện ngắn in dưới bút hiệu O.Henry.O. Henry
7

đã đưa truyện ngắn lên bản đồ thương mại của văn học , góp phần to lớn trong việc định hình
truyện ngắn.

Sau những năm tháng cùng quẫn, mặc dù đến lúc này đã trở nên nổi danh và có tiền nhuận
bút khá, O. Henry vẫn không được hưởng hạnh phúc vào những năm cuối đời: Năm 1907, O.
Henry tái hôn với Sara Lindsay Coleman – người bạn gái thân thiết từ thuở nhỏ. Nhưng cuộc
hôn nhân của hai người không mấy hạnh phúc. Họ chia tay một năm sau đó, khó khăn về tài
chính vì chi tiêu quá cao, lại thêm tái phát chứng lao phổi lây từ người mẹ và tật nghiện rượu
nhiễm từ người cha. Ông qua đời một cách khổ sở tại Thành phố New York ngày 5 tháng 6 năm
1910 do bệnh lao cộng thêm chứng xơ gan, kết thúc một cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy kịch
tính. Thêm ba tập truyện được ấn hành sau khi ông mất. Câu cuối cùng nhà văn nói trước khi
mất là: “Bật đèn lên, tôi không muốn về nhà trong cảnh tối tăm”.

Năm 1918, giải thưởng Tưởng niệm O. Henry đã được thành lập tại Mỹ nhằm tôn vinh cuộc đời
và sự nghiệp sáng tác của nhà văn.

2. Tóm tắt hai truyện ngắn


2.1. Truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”

Câu chuyện kể về ba người họa sĩ nghèo là Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ-men. Giôn- xi bị bệnh sưng
phổi và đang phải ngày đêm đấu tranh với căn bệnh này. Xiu và cụ Bơ men ngày đêm chăm sóc,
lo lắng cho cô. Hằng này, Giôn- xi nhìn ra cái cây ngoài cửa sổ đang rụng lá, cô đã nghĩ rằng khi
chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì cũng là lúc mình lìa đời. Sau một đêm mưa tuyết, cô tưởng
rằng chiếc cây đã rụng hết lá. Sáng hôm sau khi mở cửa ra, chiếc lá vẫn còn đó nhưng cụ Bơ
men đã lìa đời. Hóa ra, cụ là người đã vẽ ra chiếc lá - kiệt tác cuối cùng để mong Giôn xi có
thêm niềm tin, hy vọng vào cuộc sống.

2.2. Truyện ngắn “Một cuộc đổi đời”

Nhân vật chính của truyện ngắn này là Jimmy Valentine. Anh ta là một kẻ trộm tài ba, người
có thể mở được bất kỳ ổ khóa nào, cho dù là ổ khóa khó nhất. Sau vài phi vụ sau khi ra tù,
Jimmy đến thị trấn Elmore, bang Arkansas. Tại đây, anh đã phải lòng với một cô gái - con của
một ông chủ ngân hàng. Jimmy đổi tên thành Ralph D. Spencer, mở một hiệu đóng và bán giày.
Anh quyết định sẽ lập nghiệp tại đây để có thể lấy được con gái của ông chủ ngân hàng - cô
Annabel Adam, về làm vợ. Trong lúc này, thanh tra Ben Price đã đánh hơi được dấu vết của
anh, và quyết định đến Elmore để bắt anh về tù một lần nữa.Trong buổi khoe về chiếc tủ sắt
8

mới toanh có thể ngăn cản được mọi kẻ trộm của ông chủ ngân hàng, một sự cố đã xảy ra. Một
cô bé nhỏ đã bị nhốt trong chiếc tủ, và chiếc tủ sắt không tài nào mở ra được. Thanh tra Ben đã
đến trước cửa ngân hàng, đang lựa chọn thời cơ để bắt bằng được tên trộm khét tiếng. Mọi suy
nghĩ lóe qua đầu Jimmy, và anh quyết định để lộ thân phận của mình. Anh đã cứu cô bé nhỏ
khỏi chiếc tủ sắt, sau đó đi về phía vị thanh tra. Anh chấp nhận bị bắt. Nhưng thanh tra Ben lại
nhìn anh một cách kỳ lạ và nói: "Ông đã nhầm rồi..." Và rồi, vị thanh tra quay đi, "bước dọc theo
hè phố, nơi có một chiếc xe ngựa đang chờ sẵn."

3. Khái quát về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của hai
truyện ngắn
3.1. Truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”

a, Giá trị nội dung

- Truyện ngắn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, câu chuyện nói về tình bạn, tình yêu thương
giữa con người với nhau, ca ngợi tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ.

- Qua truyện, nhà văn cũng mang tới một thông điệp: Hãy luôn thắp sáng ngọn lửa của khát
khao hi vọng, luôn yêu thương, mang nghệ thuật phục vụ con người. Nghệ thuật chân chính
lâu bền nhất là nghệ thuật hướng tới con người và vì con người.

- Tôn vinh giá trị, sức mạnh của nghệ thuật chân chính mang đến niềm vui và hạnh phúc cho
con người.

b, Giá trị nghệ thuật

- Cốt truyện dàn dựng chu đáo, tình tiết sắp xếp khéo léo, hấp dẫn

- Nghệ thuật đảo ngược tình huống truyện hai lần đã tạo hứng thú với người đọc

- Khắc họa nhân vật cách đặc sắc

3.2. Truyện ngắn “Một cuộc đổi đời”

a, Giá trị nội dung

- Tình yêu có thể khiến con người ta thay đổi, sẵn sàng từ bỏ những điều xấu xa để xứng đáng
với người mình yêu. Tác giả thông qua câu chuyện đã mang đến thông điệp “Có thể dùng tình
yêu để cảm hóa con người”.
9

- Tính nhân văn được thể hiện sâu sắc trong truyện ngắn “Một cuộc đổi đời” của Ohenry. Viên
cảnh sát mặc dù luôn mong muốn bắt được tên tội phạm trộm két sắt nhưng sẵn sàng coi như
không biết gì sau khi chứng kiến hành động phá két sắt cứu cô bé thoát khỏi cái chết cận kề.

- Thể hiện niềm tin về tính hướng thiện trong con người.

b, Giá trị nghệ thuật

- Xây dựng tình huống truyện đặc sắc, khéo léo và bất ngờ.

- Miêu tả hành động và lời đối thoại nhân vật phong phú.

III. Vai trò của chi tiết trong hai truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” và
“Một cuộc đổi đời”

1. Chi tiết góp phần xây dựng cốt truyện


Cốt truyện là hệ thống các sự kiện xảy ra trong đời sống của nhân vật, có vai trò bộc lộ tính
cách, số phận nhân vật và làm sáng tỏ tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Đối với nhà văn, việc tạo
nên cốt truyện là yếu tố đầu tiên của quá trình sáng tạo. Làm nên cốt truyện là các sự kiện và
làm nên sự kiện là các chi tiết. Chi tiết nghệ thuật “đóng vai trò vật liệu xây dựng làm tiền đề
cho cốt truyện phát triển thuận lợi và hợp lý”.

Cốt truyện “Một cuộc đổi đời” lôi cuốn hấp dẫn với những chi tiết bất ngờ. Trong đó phải kể
đến chi tiết bộ đồ lề. Đầu tác phẩm, “bộ đồ lề đầy đủ, chế bằng thứ thép tinh luyện đặc biệt”,
“mới nhất” là điều mà Jimmy “lấy đó làm hãnh diện”, tốn bảy trăm đô la để đặt làm. Nó là công
cụ hành nghề, là dụng cụ để anh thực hiện những vụ mở két sắt. Bộ đồ lề được đựng trong
chiếc túi xách, theo chân Jimmy đến Elmore. Bộ đồ lề lần nữa được nhắc đến trong bức thư
anh gửi bạn tâm giao, muốn biếu cho bạn và báo tin mình bỏ nghề cũ, sống một đời lương
thiện. Qua đó thể hiện thái độ thành khẩn, khao khát được làm lại cuộc đời, được sống hạnh
phúc với người mình yêu. Lần thứ ba bộ đồ lề xuất hiện là khi Jimmy quyết định dùng nó để
phá cửa sắt cứu cháu gái của Annabel. Giây phút ấy có lẽ Jimmy đã từ bỏ khao khát được sống
lương thiện, chấp nhận vào tù vì những lần trộm trước của mình. Tuy nhiên, thanh tra Ben,
người đã theo dõi và chứng kiến mọi hành động của Jimmy lại tỏ ra không quen biết anh. Bộ
đồ lề lúc này không còn là dụng cụ để Jimmy thực hiện phi vụ phá két sắt cướp tiền nữa,
10

chúng trở thành công cụ để anh cứu sống một đứa bé. Vẫn là bộ đồ lề tinh xảo ấy, nhưng mục
đích sử dụng đã thay đổi. Hay chính Jimmy đã thay đổi. Anh đã hoàn lương, sống chân thành,
có ích, có khao khát hạnh phúc và hối cải. Thanh tra Ben đã nhìn ra điều ấy và trao cho anh cơ
hội được sống lương thiện như anh mong muốn. Chi tiết bộ đồ lề gắn liền với các sự việc,
xuyên suốt câu chuyện đã thành công trong việc khắc họa nhân vật và truyền tải tư tưởng tác
giả - tình yêu có thể cảm hóa con người.

Tạo nên cốt truyện hấp dẫn cho truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” không thể không nhắc đến
chi tiết chiếc lá. Khi căn bệnh quái ác cùng sự nghèo đói bủa vây, những chiếc lá thường xuân
là hy vọng sống của Johnsy. Để rồi, “sau trận mưa vùi dập và những cơn gió xoáy dữ tợn suốt
một đêm dài”, chiếc lá vẫn bám vào cành cây. Nó khiến Johnsy thấy mình thật hư, thật tệ, trỗi
lên niềm khao khát được sống, được hoàn thành ước mơ vẽ vịnh Naples. Chiếc lá ấy trở thành
kiệt tác không chỉ vì nó đẹp, giống y hư thật mà còn bởi nó được vẽ bằng nghị lực phi thường,
lòng yêu thương, đánh đổi bằng cả sự sống và cứu sống được một con người. Bằng chi tiết chiếc
lá cuối cùng ấy, nhà văn O.Henry đã chuyển tải lời nhắn nhủ của mình với bạn đọc. Đó không
chỉ là sức mạnh tình yêu thương giữa người với người mà còn là bài học về nghệ thuật: nghệ
thuật vị nhân sinh.

Như vậy, chi tiết bộ đồ lề và chiếc lá cuối cùng trong hai tác phẩm của O Henry có vai trò quan
trọng trong việc làm tiền đề cho cốt truyện được phát triển thuận lợi và hợp lý.

2. Chi tiết là yếu tố quan trọng tạo nên tình huống truyện
Tình huống là một trong những thành tố cấu trúc nên truyện ngắn hiện đại. Mỗi truyện ngắn
thường được kết cấu xoay quanh một tình huống. Tình huống là một biến cố, một sự kiện
trong đời sống được nhà văn lạ hóa để làm nổi rõ bản chất thật của con người, sự việc, qua đó,
tác giả gửi gắm tư tưởng tình cảm của mình. Tình huống truyện được hình thành bởi hệ thống
các chi tiết nghệ thuật có quan hệ biện chứng với nhau.

Truyện “Một cuộc đổi đời” được xây dựng với tình huống hành động, tức chủ yếu xoay quanh
hành động có tính bước ngoặt của nhân vật. Trong tác phẩm, nhân vật chính của truyện là
Jimmy Valentine - một kẻ trộm tài ba, người có thể mở được bất kỳ ổ khóa nào. Sau khi ra tù và
thực hiện vài phi vụ, Jimmy đến thị trấn Elmore, phải lòng Annabel - con của một ông chủ
ngân hàng. Jimmy đổi tên thành Ralph D. Spencer, mở một hiệu đóng, bán giày và phát tài,
chuẩn bị đính hôn với người mình yêu. Trong lúc này, thanh tra Ben đã bắt được dấu vết của
anh. Trong buổi giới thiệu về chiếc tủ sắt mới có thể ngăn cản được mọi kẻ trộm của ông chủ
11

ngân hàng, một sự cố đã xảy ra. Cháu gái của Annabel bị nhốt trong chiếc tủ, và không tài nào
mở ra được. Thanh tra Ben đã đến trước cửa ngân hàng, đang lựa chọn thời cơ để bắt bằng
được tên trộm khét tiếng. Mọi suy nghĩ lóe qua đầu Jimmy, anh quyết định để lộ thân phận
của mình. Anh đã cứu cô bé khỏi chiếc tủ sắt, đi về phía vị thanh tra, chấp nhận bị bắt. Nhưng
thanh tra Ben lại nhìn anh một cách kỳ lạ và nói: “Ông đã nhầm rồi…”. Những chi tiết như bộ
đồ lề, bức thư gửi bạn tâm giao, cánh hoa hồng trên áo,.... đã góp phần tạo nên tình huống
truyện lôi cuốn, hấp dẫn bạn đọc. Qua đó làm nổi bật sự thay đổi trong nhân vật Jimmy – từ
một kẻ trộm khét tiếng trở thành một người đàn ông thành đạt, khao khát được hạnh phúc và
sống lương thiện. Chính sự tin tưởng, tình yêu của Annabel đã trở thành động lực, làm thay
đổi con người của Jimmy.Thông qua tác phẩm, tác giả gửi gắm đến bạn đọc thông điệp “dùng
tình thương để cảm hóa con người”.

Tình huống trong “Chiếc lá cuối cùng” là tình huống đảo ngược hai lần. Ban đầu, Johnsy bị
bệnh, tuyệt vọng, đầy bi quan và cụ Behrman vẫn đang khỏe mạnh. Sau đó, Johnsy khỏi bệnh,
khao khát được sống và hoàn thành ước mơ; cụ Behrman ra đi sau hai ngày mắc bệnh. Hệ
thống chi tiết trong tác phẩm như chiếc lá cuối cùng, lời đối thoại của Johnsy và Sue, thái độ
của cụ Behrman khi nghe chuyện Johnsy phó thác cuộc đời cho chiếc lá thường xuân,.... đã có
vai trò quan trọng trong việc xây dựng tình huống truyện. Qua đó, thể hiện được tính cách
nhân vật và chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Phải có những lời thoại giữa Sue và Johnsy, chúng
ta mới cảm nhận được sự thay đổi của Johnsy, thái độ của cô với cuộc sống. Phải có những lời
thoại và thái độ của cụ Behrman, người đọc mới cảm nhận được sự quan tâm, lo lắng, săn sóc
của cụ dành cho hai cô gái. Phải có chi tiết chiếc lá cuối cùng, tác giả mới có thể truyền tải
được bài học về tình yêu thương và nghệ thuật đích thực.

Như vậy, mọi chi tiết trong hai tác phẩm đều xoay quanh, tạo nên tình huống truyện đặc sắc,
hấp dẫn bạn đọc. Từ đấy để làm nổi bật nhân vật cùng tài năng, thái độ và quan điểm của tác
giả. Thông qua đó, chúng ta cũng thấy được tính nhân văn trong các sáng tác của nhà văn
O.Henry.

3. Chi tiết góp phần xây dựng hình tượng nhân vật
Nhân vật là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tác phẩm tự sự, là phương tiện cơ bản để nhà
văn khái quát hiện thực, và “gửi gắm tư tưởng, tình cảm, quan niệm của mình về cuộc đời”.
Nhân vật là “con đẻ tinh thần của nhà văn”. Hình tượng nhân vật trở nên sinh động, gợi cảm là
nhờ các chi tiết. “Chi tiết (…) cho thấy tính cách nhân vật và diễn biến quan hệ của chúng (...).
12

Do đó chi tiết rất quan trọng đối với nhân vật, vừa tạo ra sức hấp dẫn, thú vị, vừa bộc lộ ý nghĩa
của chúng.” . Mỗi nhân vật là một sinh thể toàn vẹn được tạo nên bởi các chi tiết có quan hệ
máu thịt với nhau: các chi tiết về ngoại hình , các chi tiết về hành động, các chi tiết về nội tâm,
các chi tiết về ngôn ngữ, các chi tiết về mối quan hệ giữa các nhân vật và giữa nhân vật với
hoàn cảnh xung quanh, các mối quan hệ này bộc lộ địa vị, tính cách, và số phận của nhân…

Trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”, chi tiết nổi bật của truyện chính là chi tiết
từng chiếc lá trên cây thường xuân già rụng dần. Đó là một hình tượng giàu tính nghệ thuật:
một cây thường xuân già cỗi đã cạn nhựa sống chỉ còn lại bộ xương khẳng khiu với mấy chiếc
lá và bám vào bức tường đổ nát. Đây chính là hình ảnh về cuộc đời cô đơn, mòn mỏi của những
người nghệ sĩ. Mỗi chiếc lá rụng lại gợi cảm giác rằng cuộc đời đang lụi tàn dần, mỗi phút trôi
qua là một phút mất mát: nét tươi tốt dần tan biến nhường chỗ cho vẻ héo hắt, xơ xác.

Mỗi nhân vật trong truyện là một tính cách, một số phận.

Nhân vật Giôn – xi, cô mắc bệnh viêm phổi và phải nằm bẹp ở giường. Khi đó, cô rất yếu đuối,
yếu về thể chất đã đành nhưng thứ khiến cho bệnh tình của cô nghiêm trọng hơn cả đó là sự
yếu đuối về tinh thần. Giôn – xi mất đi sự lạc quan và nghị lực, như bác sĩ đã nói khi khám
bệnh: “Với cách con bệnh chỉ ngóng chờ công ty mai táng đến thì sách thuốc nào cũng vô
dụng”. Và cô tự cho cuộc đời cô gắn với những chiếc lá thường xuân “già cỗi” leo trên tường kia,
“Khi chiếc lá cuối cùng rụng thì mình cũng sẽ ra đi”. Cô cứ nằm trên giường và nhìn qua ô cửa
sổ đếm từng chiếc lá rơi, chi tiết đếm ngược từng chiếc lá rơi của cô khiến người đọc cảm nhận
được dường như cái chết đang gần kề, lá đang rơi nhanh quá, chẳng mấy chốc mà rụng hết:
“mười hai”, “mười một”, rồi “chín”, “tám”, “bảy” gần như liền nhau. Tức là cô sắp chết ư? Qua chi
tiết những chiếc lá thường xuân đó cho thấy, nhân vật Giôn – xi là một nhân vật đã đi đến
tuyệt vọng, cô mất hết ý chí và nghị lực để chiến đấu với bệnh tật, cô đầu hàng với số phận. Cô
tuyệt vọng nói với Xiu: “Mình chán chờ đợi rồi. Mình chán suy nghĩ. Mình muốn buông xuôi
tất cả, và thả người trôi xuống, xuống nữa, như là một trong mấy chiếc lá mệt mỏi kia”.

Nếu Giôn – xi hiện lên như một chú chim sẻ nhỏ bé, yếu ớt và cần được chở che, thì cụ
Bơ – men như là một cánh chim đại bàng dang tay sẵn sàng bảo vệ. Cụ Bơ – men là “một hoạ sĩ
sống ở tầng trệt bên dưới phòng của họ”, “đã quá sáu mươi”, “có một chòm râu rậm như ông
Moses hiện thân trên bức điêu khắc của Michelangelo”. Cả đời ông luôn canh cánh muốn làm
nên một tuyệt tác, thế nhưng ông như một kẻ thất bại trong nghệ thuật, mưu sinh bằng việc
ngồi làm mẫu cho các hoạ sĩ trẻ. Vì vậy mà ông có hay cáu gắt và lớn tiếng với mọi người,
13

nhưng trên thực tế ông như một người cha, ông còn tự nhận là “con chó xồm lớn chuyên gác
cửa bảo vệ hai nữ nghệ sĩ trẻ ở phòng vẽ tầng trên”.

Khi nghe chuyện về việc Giôn – xi đếm từng chiếc lá rơi như canh chừng ngày cô có thể lìa đời,
thì người hoạ sĩ già đã “lớn tiếng khinh thường và chế giễu”: “Khốn khổ! Ở đời sao lại có người
ngu xuẩn muốn chết vì mấy cái lá rụng từ một dây leo vô duyên như vậy?”. Qua chi tiết này có
thể thấy, đây là một nhân vật bảo vệ, họ thường nói lời mắng chửi, trách móc để thông qua đó
thể hiện nỗi lòng lo lắng và sự quan tâm của họ. Cụ Bơ – men dù lớn tiếng nhưng thâm tâm
ông là quan tâm, muốn bao bọc cho Giôn – xi bé nhỏ, muốn cô hãy bỏ cái suy nghĩ ngu ngốc ấy
đi.

Và cuối cùng, chi tiết đắt giá nhất truyện – chiếc lá cuối cùng – do cụ Bơ – men vẽ trong đêm
mưa bão đã chứng minh được tấm lòng nhân hậu của ông. Chiếc lá ấy là tác phẩm cuối cùng
và cũng chính là kiệt tác để đời của ông. Đêm ấy, gió xoáy dữ tợn, “mưa đập vào các cửa sổ”, có
một bóng người đi ra chỗ bức tường nơi dây thường xuân leo, cùng những màu, những cọ vẽ,
chiếc đèn bão và chiếc thang. Vào đêm chiếc lá thường xuân cuối cùng rơi xuống, cụ Bơ – men
đã vẽ lên đó một chiếc lá y như thật, một chiếc lá không bao giờ có thể lìa cành và rơi rụng.
Nhờ vậy mà Giôn – xi đã có động lực để sống tiếp. Nhưng đổi lại là mạng sống của ông cụ. Sau
đêm kinh hoàng đó, ông đã mắc viêm phổi và ra đi. Ông có tấm lòng của một người cha, yêu
thương những người trẻ như con của mình, sự hy sinh vĩ đại mà hiếm ai làm được. “Chiếc lá
cuối cùng”mà cụ Bơ - men vẽ không những là một tác phẩm kiệt xuất về mặt nghệ thuật vì nó
giống như thật, mà còn là biểu tượng của lòng nhân ái, đức hi sinh cao cả, sự quên mình để
bảo tồn sự sống cho người khác. Như vậy truyện đã “Ca ngợi tình yêu thương con người, ca ngợi
mục đích và ý nghĩa cao quý của nghệ thuật là hãy yêu thương và hy sinh sự sống vì con
người”.

Còn trong truyện ngắn “Một cuộc đổi đời”, nhân vật Jimmy Valentine được vẽ lên là một người
có tài phá khoá két sắt. Anh đã vào tù nhưng được ân xá. Tôi ấn tượng hơn cả ở anh ta là việc
dù có đi đến đâu thì cũng có người ngưỡng mộ vì phong cách có nét rất thu hút ở anh ta. Điều
đó được O. Henry thể hiện qua những chi tiết miêu tả nhân vật như: “mặc bộ vest đúng mốt và
vừa vặn, mang trong tay chiếc túi đã lau chùi sạch bụi”. Hay qua lời của người cảnh sát ta có
thể thấy, Jimmy là một người có có phong cách “làm việc” rất chuyên nghiệp: “đi làm ăn thật
xa, tẩu tán như chớp, không có đồng bọn, có gu sành điệu của giới thượng lưu – mấy mánh lới
này giúp anh Jimmy nhà ta dễ trốn lánh”. Đến người lễ tân của một khách sạn ở Elmore cũng
“bị thu hút bởi thời trang và phong thái của Jimmy”. Khi đến Elmore và có cửa hàng giày của
14

riêng mình, anh “thành công về mặt giao tiếp xã hội, có thêm nhiều bạn bè”, “được dân trong
thị trấn trọng vọng”. Hơn cả là Jimmy chiếm được lòng tin của tất cả mọi người, ngay cả trong
lúc nguy cấp nhất, cô gái của anh vẫn luôn tin tưởng anh vô điều kiện: “Annabel quay sang
Jimmy, đôi mắt to của cô đầy vẻ lo lắng, nhưng không có vẻ tuyệt vọng. Với người mà cô tôn
thờ, hình như không có việc gì mà anh không làm được”.

Những chi tiết miêu tả con người nhân vật Jimmy đã góp phần tạo nên một hình tượng nhân
vật hoàn chỉnh. Jimmy hiện lên với đầy đủ tính cách, hành động, suy nghĩ giúp người đọc dễ
tiếp cận hơn với câu chuyện, nhân vật trở nên gần gũi hơn với độc giả.

4. Chi tiết góp phần tạo nên kết cấu đặc sắc cho tác phẩm
Kết cấu là “toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm... không chỉ giới hạn ở sự tiếp
nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự
liên kết bên trong, nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm” . Trong tác phẩm văn
học chi tiết phải tuân thủ kết cấu. Kết cấu giúp tổ chức chi tiết. Trong nhiều truyện ngắn, nhà
văn đã tạo nên được những kết cấu độc đáo nhờ các chi tiết nghệ thuật.

Truyện ngắn của O. Henry có cấu trúc bình thường của một truyện ngắn. Nhưng kết cấu truyện
lại đặc biệt. Nó nằm ở phần kết thúc. Đoạn cuối truyện ngắn O.Henry dường như không theo
quy luật nhân quả. Mạch truyện ở kết thúc không diễn biến một cách logic mà có những biến
chuyển bất ngờ: bất ngờ rẽ sang hướng khác, bất ngờ đảo ngược, bất ngờ phát triển đột biến.

Về mặt kết cấu trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”, O. Henry đã sử dụng thành công thủ
pháp đảo lộn tình thế hai lần một cách đột ngột, bất ngờ để hấp dẫn người đọc. Trong truyện,
lần thứ nhất là khi Giôn - xi đi đến trạng thái tuyệt vọng, buông thả mọi ý chí, phó mặc cho
Thần Chết đưa lưỡi hái ra cắt đứt đời mình. Cô đã đoán chắc với Xiu: “Khi chiếc lá lìa cành thì
chắc chắn em cũng lìa đời”. Cô diễn tả tâm trạng của mình trong sự tuyệt vọng “chờ đợi làm
em chán lắm rồi, nghĩ ngợi cũng làm em chán lắm rồi. Em muốn buông tay ra khỏi tất cả
những thứ em còn đang nắm và lướt xuống, hệt như một trong những chiếc lá mệt mỏi đáng
thương đó”. Người đọc cảm thấy nghẹt thở tưởng như vô phương cứu chữa trước một con
người không còn một tơ vương nào vào cuộc sống. Nhưng kì diệu thay, chiếc lá cuối cùng
không rụng. Nó còn đó mãi mãi như sự bất tử của cuộc đời. Rồi Giôn-xi bắt đầu bình phục.

Lần đảo lộn tình thế thứ hai tiếp liền sau khi Giôn-xi bình phục, ở đoạn trên, ông cụ Bơ-men
xuất hiện thoáng qua rồi mất hút, người đọc bị hấp dẫn bởi cuộc đấu tranh giành sự sống
15

trong Giôn-xi cũng đã quên mất ông. Chính lúc ấy, lời kể của Xiu làm cho cả Giôn-xi và người
đọc sống lại một sự kiện bi tráng. Chiếc lá cuối cùng thật đã rụng. Còn lại mãi mãi trên tường
là chiếc lá của tình thương yêu, là lòng yêu mến cuộc sống cháy bỏng của người họa sĩ già. Sự
bất ngờ này đưa Bơ-men thành nhân vật quan trọng nhất thể hiện sâu đậm chủ đề của câu
chuyện.

Trong kết cấu của truyện “Một cuộc đổi đời”, O. Henry đã sử dụng rất hào phóng nhiều cái bất
ngờ chỉ trong một truyện ngắn thông qua những chi tiết. Đầu tiên phải kể đến đó là bất ngờ về
thân thế của Jimmy. Ở đầu câu chuyện, nhân vật chính đang ở trong một nhà tù. Nhận lấy tờ
giấy ân xá sau 10 tháng tù cho bản án 4 năm tù, anh tỏ vẻ mệt mỏi. “Anh nghĩ mình sẽ chỉ bị tù
nhiều nhất là ba tháng”. Khi nghe lời khuyên của cảnh sát, Jimmy cong nói: “Cả đời tôi chưa
từng phá một két sắt nào cả!”. Qua những chi tiết trên, tác giả lái suy nghĩ của người đọc khiến
ta tưởng rằng anh ta là một người vô tội, gợi ra sự tò mò, vậy anh ta có chăng là bị tù oan ư?

Nhưng sau đó, người đọc đã ngỡ ngàng lần thứ nhất. Nhân vật Jimmy không hề chịu một oan
ức nào, thậm chí, anh ta còn là một tay phá két sắt và trộm cắp vô cùng chuyên nghiệp. Điều
này được thể hiện rõ qua chi tiết bộ đồ lề của anh: “bộ đồ lề tinh xảo nhất trong toàn vùng
miền Đông dành cho đạo chích. Đấy là một bộ đồ lề đầy đủ, chế bằng thứ thép tinh luyện đặc
biệt, gồm các mũi dùi, đục, kẹp, kềm cùng các món linh tinh khác mà Jimmy tự ra mẫu lấy
theo kiểu mới nhất…”. Tiếp đó là hàng loạt vụ vụ mở két sắt tổng thiệt hại lên đến vài nghìn đô.
Vụ nào cũng thật là gọn gàng, “không có chứng tích tác giả là ai”.

Bất ngờ tiếp theo nằm ở phần cuối truyện, khi Jimmy đã có ý định hoàn lương, lấy Annabel và
sống một cuộc đời tốt đẹp. Nhưng một tình huống bất ngờ đã xảy ra, Jimmy đứng giữa ranh
giới của một người lương thiện và phải bộc lộ thân phận là một tên đạo chích lành nghề.
Nhưng cái bất ngờ ở đây là cái nghề đạo chích của anh lại chứng minh sự thiện lương của anh.
Để cứu đứa nhỏ bị kẹt trong két sắt, trước sự chứng kiến của tất cả mọi người có mặt ở nhà
băng trong đó có người con gái anh yêu, anh đã hành động cứu đứa bé. “Anh đặt túi xách lên
mặt bàn, mở toang nó ra. từ lúc ấy, dường như anh không để ý đến sự hiện diện của ai nữa.
Anh nhanh nhẹ bày ra các món đồ lề sáng bóng, hình thù kì dị, huýt sáo nho nhỏ theo thói
quen khi anh làm việc”. Như vậy, công việc tưởng chừng như trái pháp luật, trái đạo đức nay lại
có thể cứu sống một mạng người. Và Jimmy nguyện phơi bày việc mình là đạo chích trước mặt
mọi người, trước mặt tình yêu của mình để tận hiến cái thiện lương trong sáng của anh. Có
một chi tiết mà tôi vô cùng xúc động là trước khi hành động, anh đã cất lời nói với Annabel:
“Annabel, em tặng anh cánh hồng em đang mang, được không?”, “Jimmy nhét nó vào túi áo
16

vest, cởi áo choàng ra, xắn hai tay áo sơ mi lên. Với động tác này, Ralph Spencer đã ra đi, và
Jimmy Valentine thế chỗ vào”.

5. Chi tiết góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm, tư tưởng nghệ
thuật của tác giả
Macxim Gorki đã nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Văn học là đứa con tinh thần của
nhà văn nhà thơ được cấu thành từ nhiều yếu tố. Đó là sự chắt lọc về mặt ngôn ngữ, việc xây
dựng hình ảnh đầy dụng tâm của nhà văn, nhà thơ. Một tác phẩm dài ngắn không quan trọng,
mà hơn cả đó chính là sự neo đậu trong lòng người. Đôi khi chỉ cần một chi tiết nhỏ nhưng lại
để lại dấu ấn muôn đời, tạo thành nét riêng độc đáo của tác giả. Chi tiết ấy thể hiện tài năng
của nhà thơ, nhà văn. Và điều quan trọng là phải gắn với một tầm vóc tư tưởng của nhà thơ,
nhà văn. Tác phẩm truyện ngắn chỉ gói gọn vài khoảnh khắc cô đọng của cuộc sống nên chính
chi tiết đã góp phần dồn nén cái tình cái cảnh mà nhà văn muốn nói. Đó là chất nhựa của
cuộc sống căng tràn hòa quyện cùng tình cảm của người nghệ sĩ để tạo nên. Và đó cũng là cái
ghi dấu trong lòng người đọc. Khi nhắc về tác giả, về tác phẩm người đọc sẽ không nhớ đến tác
giả ấy đã sáng tác nên những tuyệt phẩm nào gây được nao tiếng vang mà điều duy nhất người
đọc nhớ đến đó là chi tiết. Cái chi tiết ấy chứa đầy tình cảm lắng đọng những suy tư.

Có lẽ nhờ cuộc đời phong phú của tác giả nên các truyện ngắn của O.Henry cũng thể hiện các
nét đa dạng của xã hội Mỹ đương thời. Người ta có thể tìm thấy những nhân vật làm các nghề
mà chính tác giả đã trải qua, và còn nữa: chủ cửa hiệu, người nhân viên bán hàng, ký gia, họa
sĩ, bác sĩ, diễn viên sân khấu, thợ cắt tóc, cảnh sát, thanh tra, dân đi tìm vàng, cũng có những
người vô nghề nghiệp vô gia cư, kể cả kẻ tội phạm và tù nhân.

“Chiếc lá cuối cùng” có rất nhiều chi tiết có ý nghĩa, nhưng chi tiết đặc sắc nhất và là chi tiết
chủ đạo chính là chi tiết chiếc lá cuối cùng. Chi tiết này đã góp phần thể hiện chủ đề đầy nhân
văn của tác phẩm. Đó là chủ đề về tình yêu thương giữa con người với con người và giá trị vĩnh
cửu của nghệ thuật chân chính. Thông qua chi tiết chiếc lá đó phần nào nào tư tưởng nghệ
thuật của tác giả cũng đã được thể hiện.

Chiếc lá cuối cùng sót lại không phải bởi cây ấy là cây thường xuân, không phải bởi lá ấy là lá
thường xuân mà bởi nét vẽ tài hoa của ông lão Bơ-men làm trường xuân lá ấy. Cây tuy là
thường xuân cũng không giữ được lá của mình. Người tuy là hữu hạn nhưng lại giữ được lá.
Vậy ra điều duy nhất để giữ lá kia ở lại trên dương thế này là tấm lòng. Con người dẫu có chết
nhưng tấm lòng kia vẫn lưu tồn muôn thuở. Tấm lòng đã thăng hoa thành nghệ thuật. Và nghệ
17

thuật đã mang thiên chức cứu người. Chiếc lá ấy là kiệt tác của Bơ-men, người “luôn ấp ủ dự
định vẽ một bức kiệt tác, nhưng vẫn chưa bắt đầu”.

Với O. Henry, nghệ thuật phải phụng sự cái đẹp, phải phụng sự cuộc sống. Mà cuộc sống, tồn
tại trong ý nghĩa cao đẹp nhất, là phải biết hy sinh. Có thể nói, nhân loại tồn tại và phát triển
là nhờ sự hi sinh kế tục của các thế hệ tiếp nối. Xét ở góc độ này, O. Henri đặt vấn đề về ý nghĩa
tồn tại và khả năng duy trì sự sống của con người. Hình tượng chiếc lá thường xuân, hình
tượng cô họa sĩ trẻ hay lão họa sĩ đều là những ẩn dụ về cuộc đời. “Chiếc lá cuối cùng” dù chỉ là
một câu chuyện rất nhỏ bé và bình dị đã trở thành tuyên ngôn nghệ thuật của O.Henry. Chiếc
lá là tượng trưng cho nghệ thuật. Chiếc lá vẽ ra để đem lại niềm tin và sự sống cho con người
nghĩa là nghệ thuật phải vị nhân sinh.

Còn với “Một cuộc đổi đời”, ta có thể thấy chủ đề nổi bật của tác phẩm đó là “tình yêu cảm hoá
con người”. Chủ đề này được thể hiện qua rất nhiều chi tiết trong truyện như chi tiết “bức thư
mà Jimmy gửi cho bạn”, chi tiết “bông hồng cài trên ve áo”. Tình yêu ở đây không chỉ là tình
yêu nam nữ mà nó còn là tình yêu thương giữa con người với con người, vì vậy, chi tiết “Ben
tha cho Jimmy” cũng đã góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm.

Thông qua những chi tiết đó, ta cũng có thể thấy được tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Chi tiết
“bức thư”, “bông hồng” hay “sự tha thứ của Ben” đều là tuyên ngôn của O.Henry về lòng hướng
thiện và tình yêu thương. Với con người, chỉ cần họ nhận sự tình yêu thương, sự bao dung, lòng
nhân hậu của mọi người thì những thứ xấu xa sẽ không còn tồn tại. Với O.Henry, cái đẹp là
nền tảng cho mọi lẽ thiện trên thế gian này. Nghệ thuật cũng vậy, nghệ thuật sinh ra là để
truyền tải tình yêu thương, cảm hoá con người.

C. KẾT LUẬN
Như vậy có thể khẳng định, trong truyện ngắn, chi tiết là một yếu tố quan trọng làm nên thành
công của tác phẩm. Tuy nó chỉ là một yếu tố nhỏ trong rất nhiều những yếu tố tạo nên một
truyện ngắn hay, nhưng chi tiết có vai trò như một hạt ngọc sáng làm cả thiên truyện toả ánh
hào quang rực rỡ.

Qua hai truyện ngắn của nhà văn Mỹ O.Henry, ta đã có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của
những giá trị nhân văn, nhân bản làm rung động trái tim người đọc bao thế hệ qua. Truyện
18

ngắn của O.Henry thành công được như vậy cũng là nhờ tài năng của ông, trong đó ông đã xây
dựng được những chi tiết ấn tượng, giàu ý nghĩa và nó có thể đại diện cho những giá trị cốt lõi
ở đời.

TÊN THÀNH VIÊN NHÓM 1:


- Nguyễn Hà Thu Hương ( nhóm trưởng)

- Lê Giang Chi

- Phạm Thảo Giang

- Nguyễn Hoàng Linh

You might also like