You are on page 1of 8

2.2.

Những đặc điểm của thể loại truyện ngắn hiện đại Việt Nam giai đoạn 1900
– 1930
2.2.1. Cốt truyện
Trong các yếu tố là đặc trưng của thể loại truyện ngắn, cốt truyện được xem là
một yếu tố quan trọng nhất, hay có thể nói nghệ thuật truyện ngắn chính là nghệ thuật
xây dựng cốt truyện. Đại thi hào J. W. Goethe đã từng đưa ra nhận định:“Đúng vậy,
còn gì quan trọng hơn cốt truyện và nếu thiếu nó thì cả nền lý luận nghệ thuật sẽ còn
ra gì nữa? Nếu cốt truyện không dùng được thì tài năng ta cũng sẽ lãng phí vô ích.
Và chính vì nghệ sĩ hiện nay không có những cốt truyện xứng đáng nên tình hình
nghệ thuật hiện đại mới bi đát như thế”. Qua nhận định này, có thể thấy Goethe đã
nhấn mạnh và khẳng định cụ thể vai trò của cốt truyện trong quá trình sáng tạo tác
phẩm truyện ngắn. Nó không chỉ quyết định đến giá trị của truyện ngắn mà đồng thời
còn thể hiện được bức tranh chung của một giai đoạn văn học cụ thể. Thật vậy, trong
tiến trình phát triển của văn học Việt Nam, đặc biệt vào giai đoạn 1900 – 1930 – một
giai đoạn giao thời với rất nhiều sự biến động của xã hội. Các lực lượng sáng tác lúc
bấy giờ chủ yếu là các trí thức Nho học, họ lần đầu tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của
lối viết truyện ngắn theo kiểu Tây phương mới du nhập. Việc sáng tạo cốt truyện
cũng do đó mà có bước chuyển mình, tuy nhiên tất yếu sự thay đổi đó là chưa triệt để.
Các tác phẩm truyện ngắn nói riêng cũng như các thể loại khác nói chung vẫn tồn tại
sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới mà phương diện cốt truyện là một biểu hiện cụ
thể, tập trung nhất. Qua đó, giúp cho các tác phẩm truyện ngắn giai đoạn này đã có
một bước phát triển, tiến bộ hơn so với giai đoạn trước – “một mặt vẫn mang một số
đặc điểm của truyện ngắn trung đại, mặt khác đã bước đầu bộc lộ những dấu hiệu
hiện đại, mới mẻ đáng ghi nhận”
Thông qua việc khảo sát yếu tố cốt truyện của một số truyện ngắn giai đoạn
1900 – 1930, chúng tôi nhận thấy trong các truyện ngắn giai đoạn này tồn tại chủ yếu
các dạng cốt truyện: cốt truyện luận đề, cốt truyện mang tính kịch cao và cốt truyện
tâm lý
2.2.1.1. Cốt truyện luận đề
Dạng cốt truyện này là sự biểu hiện cụ thể sự giao thoa cũ – mới của giai đoạn
văn học giao thời. Cốt truyện nêu luận đề là dạng cốt truyện mà tác giả chủ yếu xây
dựng các sự việc, tình tiết, chi tiết của câu chuyện nhằm hướng tới một khái quát
mang tính luận đề. Tác giả viết truyện nhằm tập trung thể hiện một quan điểm đạo lí
cụ thể và bằng những lập luận, lí lẽ, tác giả chứng minh và bình luận những luân lý
đó cho độc giả. Do đó, cốt truyện và các tình tiết trong câu chuyện chủ yếu trở thành
bằng chứng để tác giả chứng minh cho luận đề, làm giảm bớt vai trò của cốt truyện
trong tác phẩm truyện ngắn. Cách xây dựng cốt truyện này dường như chịu ảnh
hưởng của quan niệm sáng tác trong giai đoạn văn học trung đại trước đó: “thi dĩ
ngôn chí”, “văn dĩ tải đạo”: dùng thơ, dùng văn để nêu lên một tư tưởng, đạo lí, lễ
giáo, cương thường trong xã hội. Ngoài ra, do chú trọng miêu tả các sự kiện để hướng
tới một khái quát mang tính luận đề, tác giả thường có xu hướng nói thay cho nhân
vật, biến nhân vật trở thành loa phát ngôn cho những quan niệm, những phạm trù đạo
đức của tác giả. Đây cũng là hiện tượng ảnh hưởng của truyện ngắn trung đại ở
truyện ngắn đầu thế kỉ XX nhất là của các truyện ngắn ở thế hệ các tác giả Hán học
lúc bấy giờ.
Biểu hiện cụ thể cho dạng cốt truyện nêu luận đề có thể nhắc đến các tác phẩm
truyện ngắn của Nguyễn Bá Học (cụ thể trong Một nhà bác học và Câu chuyện gia
tình). Cốt truyện của các tác phẩm này thường khá đơn giản, hạn chế các chi tiết,
nhân vật không được thực hiện nhiều hành động. Vì thế, các thành phần chính của
một truyện ngắn cũng không được đảm bảo. Cụ thể như trong tác phẩm Câu chuyện
gia tình, không có sự việc thể hiện sự xung đột giữa hai nhân vật chính (bà lão và
nhân vật “tôi”), hai nhân vật này chỉ đơn thuần vô tình gặp và trò chuyện cùng nhau.
Ngoài ra, các sáng tác của ông thường được xây dựng dựa vào cách thức kể chuyện
đan xen với phân tích, bình luận trực tiếp, vì thế, cốt truyện cũng được xây dựng sao
cho phù hợp với phương thức tự sự này. Các câu bình luận của tác giả thường xuất
hiện ở đầu tác phẩm với dung lượng là một đoạn văn hoặc đan xen vào trong quá
trình kể chuyện. Cụ thể, ngoài những thành phần chính của cốt truyện (phần trình
bày, phần nút thắt, phần phát triển, phần điểm đỉnh, phần kết thúc) thì truyện ngắn
Nguyễn Bá Học thường xuất hiện một đoạn mà tác giả lý luận về luận đề (hoặc một
mâu thuẫn xã hội là hệ quả của luận đề) của tác phẩm, đóng vai trò như phần dẫn dắt
vào tác phẩm, phần “mồi” cho độc giả. Có thể thấy điều ấy qua đoạn văn mở đầu sau
trong truyện Câu chuyện gia tình: “Ngán thay! Cái thị dục loài người càng lớn, thì
sự đua tranh trong xã hội càng gớm ghê: đường sinh nhai càng khó khăn thì cảnh
đoàn viên trong gia đình càng tiêu táp. Tưởng những nhà cha mẹ, anh em, vợ chồng,
con cháu sum họp một nhà, chia bùi xẻ ngọt, đã có phúc là nhường nào; lại ái ngại
thay cho những nhà cốt nhục như sâm thương, gia đình như băng thán. Kia những kẻ
gieo bút tòng quân, theo thầy học nghề, hoặc lên rừng lách núi mà kiếm ăn, hoặc
vượt bể ra ngoài mà buôn bán, phép nước nặng hơn tình nhà, công danh thiết hơn ân
ái, đã đành thế bách hình khu, nên phải chia tình cắt ái; lại còn những kẻ thiếu niên
khách khí, ham ăn ham chơi, quá nỗi nên mê, ưa mới nới cũ, đã làm tổn phí bao
nhiêu là nước mắt khóc thầm của vợ con, tấm lòng ân hận của cha mẹ, nỗi hờn giận
của anh em, tình yếm bạc của thầy bạn, mà cái hạnh phúc sum họp trong gia đình đã
nên một vật rất hiếm hoi đang buổi văn minh còn non nớt! Hãy nghe câu chuyện gia
tình của một bà già này, dù cảnh ngộ không lấy gì làm ly kỳ, mà tình trạng thực đủ
làm chứng cái khốn nạn chung trong xã hội.” Qua đoạn giới thiệu này, Nguyễn Bá
Học đã nêu lên được mâu thuẫn trong lòng xã hội những năm đầu thế kỉ XX về một
tầng lớp thanh niên chênh vênh giữa giai đoạn giao thời, khi nền Hán học đang đến
mức suy đồi, còn nền Tây học thì chỉ vừa du nhập, mới manh nha xuất hiện và từ đó
nêu lên mâu thuẫn chính của truyện. Ngoài ra, các câu bình luận, phân tích của tác
giả còn được thể hiện đan xen trong lúc kể chuyện. Trong truyện Câu chuyện một tối
của người tân hôn khi người bạn kể lại cho nhân vật tôi nghe về người tân nhân của
mình “Thương ôi, người tân nhân tôi khổ thật, mà thiên hạ trầm luân trong khổ cảnh
ấy biết là bao nhiêu!”, hay ở câu “Tôi nghe chuyện càng cảm càng thương, dù có là
chuyện không may riêng của một người, mà cũng là cái dấu thương tâm chung cho
đồng loại” không chỉ đơn thuần là lời kể lại cho bạn nghe mà đó còn là thái độ xót xa
của người kể đối với người tân nhân của mình nói riêng và cho cả nhân loại nói
chung. Trong hoàn cảnh ấy số phận người nghèo khổ chẳng được xem ra gì, giá trị
của họ thật thấp bé. Hay trong Câu chuyện gia tình, thông qua các câu thoại của nhân
vật, tác giả đã thể hiện các quan niệm đạo lí, tư tưởng của bản thân về lớp thanh niên
buổi đầu thể kỉ XX: “Già là đàn bà không dám nói đạo thánh, chỉ biết làm người ai
cũng phải có bổn phận: làm con phải đền ơn cha mẹ, làm chồng phải giúp vợ, làm
cha phải nuôi con, ở đời phải biết tranh cạnh, phải biết biến thông, dù không có tài
có đức để ấm tí3 cho mọi người, cũng không chịu mang tiếng hư sinh để đà luỵ đến
kẻ khác. Người không như thế học mấy cũng là người đần. Như con già ra ngoài
không gánh vác gì với xã hội, ở nhà cũng không no ấm cho vợ con. Như thế, thầy bảo
hữu dụng hay vô dụng?”
Ngoài Nguyễn Bá Học, có thể thấy ở Trần Quang Nghiệp, kiểu cốt truyện luận
đề này cũng được vận dụng ở khá nhiều tác phẩm. Trong tác phẩm Trên lầm dưới lỗi,
ông đã đề cao giá trị đạo đức sâu sắc – tình cảm máu mủ, ruột rà. Lên án, đả phá
những người vì tiền của mà làm điều sai trái, xằng bậy; những bậc làm cha mẹ nhưng
không có trách nhiệm; những con người hèn nhát bị những thứ phù phiếm làm cho
mờ mắt mà không đủ bản lĩnh làm chủ cuộc đời mình. Hay trong truyện Ông tơ cắt
cớ, Trần Quang Nghiệp cũng đã thể hiện một khát vọng về một nơi tràn đầy niềm
hạnh phúc mà ở đó không có những vong tình bạc nghĩa, đồi phong bại tục, bi kịch
gia đình, đạo đức băng hoại. Nơi đó, đồng tiền không thể chi phối và sai khiến được
con người. Từ đó con người không phải chịu bất hạnh, bất công, khổ sở. Ngoài ra,
câu chuyện cũng gửi gắm đến người đọc quan niệm về tình nghĩa thủy chung son sắt
của đạo vợ chồng – người vợ người Mọi ấy mặc dầu có xấu, có “đen đúa”, nhưng lại
yêu thương chồng hết mực, người chồng vì cảm được tình cảm thủy chung chân
thành của người vợ nên chấp nhận cùng sống với nàng nơi núi rừng. Ngoài ra, những
luận đề trong tác phẩm của Trần Quang Ngiệp còn chịu ảnh hưởng của cách nghĩ
truyền thống dân gian. Những quan niệm như “ác giả ác báo”, “gieo gió gặt bão”
được tác giả đưa vào và thể hiện. Trong truyện Số bạc mười ngàn, cậu Hai Lang đã
coi khinh bác mình – ông Huơng hào Y vì ông nghèo. Nhưng chung cục vì buồn nên
ông đã hiến mười ngàn đồng bạc cho hội Phước Thiện – số tiền mà lúc đầu ông đã
định cho cậu Hai Lang.
Một đặc điểm nữa trong dạng cốt truyện luận đề đó là thay vì những truyện ở
giai đoạn văn học trung đại thường cài cắm nhiều chi tiết ly kì, là sản phẩm của quá
trình thần thánh hóa, truyền thuyết hóa theo quan điểm dân gian thì cốt truyện luận đề
của truyện ngắn đầu thế kỉ XX không xây dựng cốt truyện theo hướng đó. Truyện
ngắn giai đoạn này đã dần dần thoát ly với những yếu tố kì ảo mà gắn chặt với hiện
thực, hướng tới tính xác thực của chi tiết, lập luận logic, từ đó gây ấn tượng và tạo
sức thuyết phục lớn nơi người đọc. Tuy nhiên, do đang ở trong giai đoạn giao thời,
nên dấu hiệu hiện đại của dạng cốt truyện này vẫn chưa thực sự sáng rõ, tác động của
chúng đến với độc giả cũng chưa đạt đến trình độ nhuần nhị, chưa có những chi tiết
ấn tượng in sâu vào tâm trí người đọc như những tác phẩm truyện ngắn giai đoạn
1930 – 1945.
2.2.1.2. Cốt truyện có các sự việc kịch tính cao
Theo Từ điển tiếng Việt – kịch tính được hiểu là “Tính chất kịch, phản ánh một
cách tập trung nhất những mâu thuẫn, xung đột trong sự vận động của đời sống”. Có
thể thấy, để một tác phẩm có kịch tính, tác phẩm đó phải là sự tập trung cao độ của
những mâu thuẫn xã hội. Tác giả cần chọn lọc trong đời sống hằng ngày những hoàn
cảnh và sự kiện có ý nghĩa tập trung và đột xuất nhất. Vì thế, không phải mâu thuẫn,
xung đột nào trong xã hội cũng được tái hiện trong tác phẩm mà phải là những mâu
thuẫn có tính chất kịch tính – tức là những mâu thuẫn, xung đột tạo ra được những
tình huống căng thẳng, phát triển gay gắt và từ đó buộc các nhân vật phải hành động
và bộc lộ tính cách, suy nghĩ, nội tâm của mình. Ngoài ra, cần phải hiểu xung đột
kịch là sự va chạm của những quan điểm khác nhau về xã hội, về thế giới quan, về
luân lí đạo đức,… của những người có quyền lợi, địa vị, tính cách khác nhau. Nói
cách khác, đó là cuộc đấu tranh mà kết cục cuối cùng sẽ dấn đến thắng lợi của người
này và thất bại của người khác, đến sự biến đổi tính cách, phát hiện những đặc điểm
mới hoặc phẩm chất mới ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các nhân vật. Để có một
truyện có kịch tính, tác giả phải xây dựng được hệ thống các sự việc có những phần
lắt léo, xung đột và đẩy xung đột đến mức cao trào. Trong quá trình phát triển, dạng
cốt truyện này cũng có ít nhiều sự biến đổi.
Nếu như văn xuôi tự sự trung đại thường chỉ chú trọng đến hành động, sự kiện
với những nội dung cốt yếu, kể một cách rõ ràng các nguyên nhân dẫn đến sự kiện và
hành động mà không tập trung xây dựng những sự kiện kịch tính, những kết thúc bất
ngờ như ở văn xuôi hiện đại. Một số nhà văn buổi đầu giai đoạn giao thời đã thành
công khi vận dụng dạng cốt truyện này. Có thể thấy nó được biểu hiện cụ thể qua các
sáng tác của Trần Quang Nghiệp – có thể nói đây là sở trường của ông trong việc
sáng tạo các tác phẩm truyện ngắn. Truyện của ông luôn chứa đựng những tình huống
căng thẳng, gay cấn, diễn biến li kì và đầy bất ngờ. Như trong truyện Trời Phật công
bình, kể về câu chuyện về một vụ “ăn đêm” của bọn cướp của giết người khét tiếng –
thằng Lành và vợ chồng Hai Môn. Trong một chuyến tàu đêm, thằng Lành đã “tay
cầm dao nhọn… ông khách bị một mũi xuyên ngay vào ngực, hắn lập tức thò tay đoạt
của” nhưng ngay sau đó lại bị chính cha mẹ mình – vợ chồng Hai Môn đâm chết, khi
rọi đèn xem mặt thì mới biết bản thân đã giết ngay chính đứa con của mình. Các sự
việc được tổ chức theo một trình tự phù hợp, được cụ thể hóa qua hành động của
nhân vật, làm cho câu chuyện trở nên vô cùng li kì, hấp dẫn, bất ngờ. Hay trong
truyện Ăn mày trúng số, Trần Quang Nghiệp đã xây dựng nên một cốt truyện với kết
thúc vô cùng bất ngờ, để lại nơi người đọc những suy nghĩ, đắn đo. Truyện với phần
nút thắt là một tên ăn mày may mắn được trúng tờ vé số 10.000 đồng bạc. Do trúng
số, nên hắn vênh váo và bắt đầu mơ tưởng đến một viễn cảnh giàu có với một “cái
nhà rộng, thật khéo, thật đẹp, chung quanh có vườn tược, có đủ thứ cây ăn trái và đủ
thứ bông hoa kiểng vật”, một chiếc xe hơi, một cô gái đẹp. Sau đó, lão cảm thấy
những “cây gậy, cái bị” không còn cần thiết nữa, nên quăng ngay chúng xuống sông.
Nhưng khi chúng đã trôi được một quãng xa, lão mới sực nhớ ra rằng tờ vé số trúng
thưởng của lão nằm trong cái bị đang trôi dưới dòng sông ấy để rồi lão nhảy xuống và
chết chìm trong làn nước sâu, cùng tờ vé số trúng thưởng và giấc mộng giàu sang.
Truyện ngắn Ăn mày trúng số đã được tác giả xây dựng hệ thống cốt truyện đầy đủ
các thành phần. Đặc biệt, sự việc ở phần điểm đỉnh đã khiến cho người đọc bất ngờ,
vừa tức cười, vừa thương xót cho số phận của tên ăn mày kia. Dường như số phận
của lão ngay từ đầu đã chìm hẳn xuống dưới đáy sông mặc dù là có hay không có tấm
vé số trúng thưởng hay không.
Hay trong truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn. Tác phẩm với cốt
truyện được xây dựng với những sự việc không theo một trình tự diễn tiến theo cốt
truyện truyền thống. Truyện bắt đầu bằng một sự việc mang tính cao trào – hàng ngàn
người đang cố gắng giữ con đê trước bão lũ, trong khi đó, quan huyện vẫn nghiễm
nhiên đáng bài đánh bạc. Từ đó, các sự việc được xây dựng ngày càng đẩy câu
chuyện lên cao trào đến cuối cùng người đọc thực sự phẫn nộ trước sự vô lương tâm,
vô trách nhiệm và mất hết nhân tính của tên quan với những người dân đen nghèo
khổ. Truyện đã thể hiện sâu sắc xung đột giữa những người giàu – người nghèo, giữa
những tên quan lại tham tàn và những người dân, mâu thuẫn giữa các tầng lớp trong
xã hội bấy giờ.
Tuy nhiên, do ở buổi đầu tiếp thu quan điểm sáng tác truyện ngắn theo lối Tây
học, nhiều tác giả – tác phẩm xây dựng dạng cốt truyện có kịch tính này cũng thường
sa vào lối giảng thuyết đạo lí, làm cho cốt truyện sơ sài, kém hấp dẫn và nặng về lý
thuyết. Các sự việc xuất hiện trong truyện vẫn mang trong mình những xung đột, mâu
thuẫn của xã hội, mâu thuẫn giữa những tư tưởng – đạo lí nhưng không được nhà văn
tận dụng mà phát triển lên cao trào. Cụ thể như trong truyện ngắn Bác nghiện – Vũ
Miễn Nam kể về câu chuyện anh Mỗ sinh từ một người là “con quan đốc học, thông
minh lanh lợi”, nhưng do sự rủ rê, lôi kéo của đám bạn bè xấu mà sa vào nghiện
ngập. Từ đó thay đổi con người, cách nghĩ, cách hành động, đến khi nhận ra thì đã
muộn, chỉ ngậm ngùi chịu chết vì bệnh tình do hút thuốc phiện gây ra. Mặc dù cốt
truyện vẫn thể hiện sự xung đột trong quan niệm, tư tưởng (về thuốc phiện) của xã
hội bấy giờ, nhưng chủ yếu vẫn sa vào việc thể hiện luận đề của tác phẩm, làm cho
truyện kém hấp dẫn.
2.2.1.3. Cốt truyện tâm lí
Trong những năm đầu thế kỉ XX, có một dạng cốt truyện của truyện ngắn vẫn
chưa thấy xuất hiện trong giai đoạn văn học trung đại – đó là dạng cốt truyện không
có cốt truyện – hay còn gọi là dạng cốt truyện tâm lí.
Nếu như ở truyện ngắn trung đại, các sự kiện luôn giữ vai trò chính yêu và
không thể không có thì đến đầu thể kỉ XX đã xuất hiện những truyện mà sự kiện trở
nên mờ nhạt, ý nghĩa tuyện nhiều khi không còn nằm ở cốt truyện mà nằm ở cách kể,
cách sử dụng và phát triển các chi tiết để miêu tả cách nghĩ, thế giới nội tâm của nhân
vật – con người, từ đó khái quát những vấn đề của cuộc sống, của xã hội đương thời.
Trong giai đoạn 1900 – 1930, dạng cốt truyện này chỉ tồn tại ở dạng thể nghiệm, nó
chỉ mới manh nha xuất hiện và vẫn còn những hạn chế, chưa đạt được thành tựu cụ
thể nào. Mãi cho đến giai đoạn sau với trào lưu văn học lãng mạn, dạng cốt truyện
này đã được vận dụng rất thành công ở những trang văn của Thạch Lam, Thanh Tịnh,
… về sau

You might also like