You are on page 1of 10

1.

Sau 1975, con người Việt Nam phải đối mặt với một hiện thực mới, khi
thử thách khốc liệt không giấu trong họng súng mà trong sự cay cực, thiếu
thốn triền miên của đời sống cơm áo thời hậu chiến. Và lúc cơ chế quan
liêu bao cấp được thay thế bởi cơ chế thị trường thì, cùng với sự thay da
đổi thịt của đời sống vật chất, bộ mặt xã hội thời mở cửa cũng kịp phô ra
biết bao sự xô bồ, “ác hiểm” (chữ dùng của Ý Nhi). Điều này khiến cho các
nhà văn lớp trước, vốn quen với cái nhìn sử thi về hiện thực, giờ đây, hoặc
là, bất lực trước một đời sống đổi thay đến chóng mặt và trở nên quá xa lạ,
chấp nhận “đóng cửa phòng văn hì hục viết” với hồi quang của “cái thời
lãng mạn”; hoặc là, họ buộc phải tự điều chỉnh nhận thức về đời sống,
thậm chí phải thay đổi triệt để, để can đảm “ai điếu cho một giai đoạn văn
học minh họa”, trong đó có chính họ. Lời kêu gọi “nhìn thẳng sự thật, nói
rõ sự thật” trong thời kì này vừa là một yêu cầu bức thiết của hiện thực,
đồng thời cũng là một nhu cầu tự thân, mang tính sống còn của nghệ sĩ,
nếu như không muốn sáng tác của họ bị bỏ lại đằng sau thực tại đời sống
mà chính họ đang tham dự và đối mặt.
Trên thực tế, đến những năm 80 của thế kỉ XX, sau những lúng túng tìm
đường, nhiều nhà văn thế hệ chống Mỹ đã nhanh chóng bứt ra khỏi từ
trường của “khoảng chân không văn học” (Nguyên Ngọc) để tiếp tục dấn
bước sáng tạo. Không hẹn mà gặp, trong sáng tác của nhiều tác giả này,
chẳng hạn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Lê Lựu, Chu
Lai…, cảm hứng sử thi dần được thay thế bằng cảm hứng nhân sinh, thế
sự. Với nhu cầu nhận thức lại hiện thực, thay cho cái nhìn đơn tuyến và
đậm tính lí tưởng trước đây là một cái nhìn đa chiều, gai góc, đậm tính phê
phán. Cảm hứng này sẽ còn được tiếp tục đậm nét hơn, đa dạng hơn trong
sáng tác của các nhà văn thế hệ sau như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị
Hoài, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ… Đặt trong dòng
chảy đó, ta dễ dàng thấy sự xuất hiện của cảm hứng thế sự trong sáng tác
của Lê Minh Khuê là một tất yếu logic – lịch sử.
Như nhiều cây bút cùng thế hệ, Lê Minh Khuê không ngần ngại bám sát
vào những ngõ ngách của hiện thực thời hậu chiến, nhất là ở những mặt
trái, góc khuất của nó. Trong truyện ngắn của bà, ta bắt gặp rất nhiều tin
tức, sự kiện như được “cắt” ra từ các mẩu tin trên báo chí hàng ngày.
Nhưng từ những “chất liệu thô” của thời cuộc, nhà văn biết cách gạn lọc và
“nâng cấp” lên thành những vấn đề nhân sinh đáng suy ngẫm. Đằng sau
những thông tin sự vụ, bà nhìn thấy những câu chuyện về cuộc sống con
người, những chuẩn mực đạo đức của một xã hội, văn hóa của một thời
đại. Có thể nói, đọc truyện ngắn của Lê Minh Khuê, ta được cung cấp một
bức tranh hiện thực đời sống đầy chi tiết, sinh động, nồng nã vị khốn khó,
cơ cực khi đất nước chuyển từ thời chiến sang thời bình, dưới cơ chế quan
liêu bao cấp cho đến thời mở cửa thị trường. Hiện diện trong các trang viết
của tác giả là sự đảo lộn gay gắt của các thang bậc giá trị, sự áp đảo kinh
hoàng của cái xấu, cái ác cũng như sự “lép vế” của những giá trị tinh thần
– đạo đức giữa một xã hội thực dụng, cằn cỗi nhân tính. Đấy là một đời
sống mà những mối quan hệ gia đình, xã hội chỉ như những sợi dây ràng
buộc lỏng lẻo, đời sống áo cơm ghì người ta đến sát đất, con người không
còn liêm sỉ, lòng tự trọng, và nếu có, nó chỉ khiến người ta chua xót hơn vì
sự bất lực và thảm hại của chính mình. Đấy là một đời sống mà trong đó,
cha con, anh em sẵn sàng giết nhau vì tiền; cha đẻ có thể bán con ruột vì
nghiện hút; quan chức tham nhũng, trác táng, kẻ mang danh trí thức kì
thực chỉ là những kẻ hèn đớn, háo danh, trì độn… Như cái bóng ghê sợ
lừng lững ám ảnh trong nhiều trang viết của Lê Minh Khuê là những kẻ
bất thành nhân dạng, đại diện cho một não trạng tinh thần mông muội,
thấp kém và hung hãn. Trong truyện ngắn Lê Minh Khuê, cảm hứng thế sự
được thể hiện trước hết trong chủ đề hoàn cảnh tàn nhẫn và sự tha hóa của
con người. Bị chi phối bởi hoàn cảnh, phần đông con người trở nên bế tắc
mệt mỏi, đánh mất niềm tin vào những giá trị tốt đẹp. Họ trở nên thờ ơ, vô
trách nhiệm hoặc tham lam, bần tiện, giả dối, trở thành “đám đông ngu
muội”. Dù là một chủ đề quen thuộc trong sáng tác của các tác giả hiện
thực chủ nghĩa, song việc tập trung khai thác sự tối tăm hèn nhược của con
người trong một bối cảnh xã hội cụ thể cùng với khả năng rút tỉa những chi
tiết cốt lõi của đời sống nhằm nhận chân tinh thần của một thời kì lịch sử
đầy những hoang mang xáo trộn đã tạo nên một không khí “đương đại”
rất rõ trong các tác phẩm của Lê Minh Khuê. Trong sự đối chiếu giữa thời
chiến và thời bình, tác giả bộc lộ một sự thức nhận khá rạch ròi. Một mặt,
bà chỉ ra sự đổi thay theo hướng xấu đi của con người trong thời hậu chiến,
đặc biệt ở các đô thị, nơi mà tác động của kinh tế thị trường hiện lên trước
hết và rõ rệt nhất. Nhưng mặt khác, bà không tô vẽ quá khứ. Quá khứ
chiến tranh được mô tả từ góc nhìn thế sự, đời tư chứ không phải từ góc
nhìn sử thi và việc đặt quá khứ ấy trong tương quan đối lập với hiện tại là
nhằm để rút ra những bài học nhận thức tỉnh táo, cần thiết cho hiện tại.
Cũng chính ở đây, cảm hứng thế sự đã gắn liền với một cảm hứng mới:
nhìn thẳng vào sự thật, nhận chân lại các giá trị.
2. Cảm hứng thế sự chi phối chặt chẽ đến hệ thống hình tượng trong tác
phẩm Lê Minh Khuê. Nổi bật và xuyên suốt trong truyện ngắn của tác giả
này là hình tượng con người bế tắc và bất lực. Họ ý thức sâu sắc về cái cuộc
sống tồi tệ đang phải chịu đựng nhưng không có cách gì thoát ra được.
Đau đớn bởi sự tối tăm, cùn mòn, khát khao được thay đổi, nhưng họ biết
rõ hơn ai hết về sự bất lực, vô vọng của chính mình. Nhà văn thường bắt
đầu vấn đề từ những tình huống đời sống rất đỗi bình thường, với một lối
kể, tả khá tự nhiên, nhuần nhị. Cơn mưa cuối mùa kể về một mối tình “sét
đánh” của Mi, một nữ kĩ sư đã có chồng con, với một đồng nghiệp, cũng
đã có gia đình, trong một chuyến công tác trên công trường xây dựng.
Nhưng tác giả không mô tả và phán xét cuộc “ngoại tình” này dưới góc độ
đạo đức như thường thấy. Được nhìn nhận dưới góc độ nhận thức, nó trở
thành một “phép thử” để qua đó, con người có cơ hội để kiểm chứng lại
giá trị, ý nghĩa đời mình. Mối tình ấy chỉ tồn tại vừa đủ để soi sáng cuộc
sống vất vả, đơn điệu của nhân vật Mi, làm dấy lên những khát vọng sống
tưởng đã tắt vì những lam lũ lo toan của cô, nhưng đồng thời nó cũng bóc
trần những ảo tưởng của cô về bất kì một cuộc kiếm tìm nào khác. Tiếng
khóc của nhân vật quả thực nói lên nhiều điều: “Em không thể làm gì được
nữa. Mọi thứ đã xong xuôi rồi”. Cái quán tính sống ấy sẽ không thay đổi,
không có cách gì thay đổi. Rốt cục thứ tình cảm “ngoài luồng” ấy chỉ phản
chiếu rõ nét hơn cuộc sống khắc nghiệt, mệt mỏi, cả những ảo tưởng lẫn sự
bất lực của con người. Trong Thằn lằn, bằng một giọng điệu hài hước và
chua xót, nhà văn đã chạm được đến cái đáy sâu tuyệt vọng và nỗi khốn
cùng của con người trong một đời sống nghèo kiệt, tăm tối về vật chất lẫn
tinh thần: “Gã cất tiếng khóc hu hu. Gã khóc như con chó tru giữa đêm. Gã cũng
chả trách móc gã, cũng chả giận nàng. Cái số của gã nó như vậy. Gã biết gã là
giun dế trong đám giun, nhưng gã vẫn tủi lắm”… Quá khứ hiện lên như một
cuốn phim quay chậm, với một ý thức ngậm ngùi của nhân vật về “cái thời
ngày xưa”, khi anh ta thấy mình “có đến nỗi nào. Chả đến nỗi dị mọ như bây
giờ”. Nhưng sau cao trào phẫn uất suýt dẫn đến tự sát ấy, rốt cục, nhân vật
lại “lọ mọ” cho cái cà vạt (định dùng để tự sát – chú thích của L. H. Q.) “vào
túi ni lông. Để vào giữa cuốn sổ, đóng cái rương, cài móc sắt, đẩy cái rương vào
chỗ cũ” với “hai thúng khoai để lên cái rương”. Cũng vậy, mối tình thời chiến
trận đầy lãng mạn và hào hùng giữa Thắng và Cúc trong Dạo đó, thời chiến
tranh rốt cục cũng bị những nhỏ nhen tàn nhẫn của đời thường nghiền nát.
Người anh hùng của thời chiến trở nên “bạc nhược”, “chỉ biết than thở uống
rượu”, trở nên “khùng khùng”. Những ảo tưởng về một tình yêu thăng hoa
bị vùi dập thảm hại. Kết thúc là một sự thất vọng bao trùm: “Trời ơi, biết thế
này thì mơ mộng làm gì? Khổ thân cho những kẻ mơ mộng”. Điều đáng nói
thêm là sau tất cả những giãy giụa để tìm kiếm lối thoát, rốt cục nhân vật
Cúc (cũng như phần lớn kiểu nhân vật phản tỉnh này trong văn Lê Minh
Khuê) lại “chạy vào cái cối xay đã xay nát tình yêu của họ”.
Ở đây, ta có thể nói tới một kiểu motip nhân vật bi kịch (vỡ mộng, bất lực),
rất gần với kiểu nhân vật trung tâm trong loại hình truyện ngắn hiện thực
chủ nghĩa. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở chủ đề sự tàn nhẫn của đời sống
và bi kịch tha hóa của con người, e rằng những nhân vật của Lê Minh Khuê
khó lòng vượt qua được những Điền, Hộ, Thứ, San… trong truyện ngắn
Nam Cao (hoặc một số nhân vật điển hình trong truyện của Nguyễn Công
Hoan, Vũ Trọng Phụng…trước đó). Sự khác biệt nằm trong những thông
tin lịch sử mà những nhân vật của Lê Minh Khuê đem lại. Những con
người đó là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử – xã hội cụ thể của đất
nước. Những đau đớn, vật vã, cả sự bi đát và thảm hại trong đời sống của
con người ấy là kết quả của một ý thức “tra vấn lịch sử” khá rạch ròi, thậm
chí đôi khi chao chát, nghiệt ngã. Do đó, chân dung những Mi, Thắng, Cúc,
anh giáo làng… ở đây vừa có những nét rất gần gũi với những nhân vật
của chủ nghĩa hiện thực, song lại có những nét rất cá biệt, mang dấu ấn đặc
thù của cái thời hậu chiến. Đó là cái thời đoạn khi chiến tranh kết thúc,
chưa kịp hồi sức, với bao khao khát và hy vọng, con người đã phải đối mặt
với một hoàn cảnh thực tế không hề lí tưởng như mong đợi, đầy thiếu
thốn, nhem nhuốc, bệ rạc, khiến những khao khát ấy trở nên lạc lõng, hài
hước, thậm chí thảm hại.
Đặt nhân vật trong một bối cảnh lịch sử – xã hội cụ thể, bên cạnh việc phát
hiện và mô tả sự bế tắc và bất lực của con người, thật ra nhà văn còn muốn
đi xa hơn: những sang chấn lịch sử tới đời sống tinh thần của con người.
Con người với những “chấn thương” lịch sử, do vậy, cũng là một kiểu hình
tượng nổi bật trong văn Lê Minh Khuê. Như đã nói trên, truyện của tác giả
này phần lớn viết về khoảng thời gian vài ba chục năm, bao quát từ thời
kháng chiến đến thời Đổi mới, với sự thay đổi liên tục của bối cảnh xã hội
và cơ chế kinh tế. Trong những truyện ngắn dường như chỉ nói tới những
vấn đề của đời sống hiện tại (có khi lùi hàng chục/ mấy chục năm sau chiến
tranh) nhưng ám ảnh của những mất mát, của sự phi lí, sự sợ hãi bởi chiến
tranh vẫn rất rõ (Một chiều xa thành phố, Cơn mưa cuối mùa, Một ngày đi trên
đường, Bi kịch nhỏ, Biển mịt mù…) Chiến tranh ở đây hiện lên vừa như phần
kí ức trong đời sống lịch sử dân tộc và trong kí ức của mỗi cá nhân vừa với
tư cách là kẻ tham dự, kẻ chứng kiến và cũng là nạn nhân của chính nó.
Những chấn thương ấy vẫn tiếp tục ngay cả khi cuộc chiến trên thực tế đã
dừng lại. Ga xép, Biển mịt mù hay Một buổi chiều thật muộnchính là viết về
những vết thương tinh thần như vậy. Cái đời sống được mô tả trong
những câu chuyện này đã đạt đến một giá trị biểu tượng rất đáng kể. Đó là
một trạng thái đời sống mà ở đó, con người luôn tồn tại trong những nỗi sợ
hãi mơ hồ nhưng dai dẳng, nó tạo nên sự khiếp nhược khiến người ta
muốn ứa nước mắt, cảm giác bất lực trước một đời sống không thể hiểu,
không thể lí giải, một đời sống làm người ta hoang mang, nghi ngờ, muốn
chối bỏ, muốn trốn chạy. Hình ảnh “bức tường cao ken đầy mảnh chai bên trên
giằng dây thép gai” trong một ngôi nhà “sặc sỡ kiểu cách kì quặc” và giấc mơ
hằng đêm của ông già cô độc tên Lăng trong ngôi nhà ấy chính là một hình
ảnh mang tính tượng trưng như vậy. Ám ảnh trong câu chuyện này cũng
là ẩn dụ về cuộc đời của con người như một ga xép hắt hiu tàn lạnh và nỗi
ám ảnh về lịch sử như những chuyến tàu lao hối hả với tiếng bánh xe
nghiến trên đường sắt hãi hùng. Thông qua dòng chảy kí ức như cơn mộng
du đứt nối của một ông già, lịch sử, chiến tranh, đời sống quá khứ, thực
tại… đan dệt, giao thoa, đồng hiện, gợi nên nhiều chiều kích hiện thực. Gút
lại những ám ảnh, những giấc mơ, những lời trò chuyện, những đầu mối
liên hệ, tưởng tượng nhiều khi được đẩy đi rất xa là một đời sống thô lậu,
nhếch nhác, hãi hùng mà con người càng cố lùi xa, cố thoát ra, lại cứ bị
cuốn vào. Ga xép là một sự pha trộn tinh tế giữa thứ ngôn ngữ của kí ức và
thực tại. Rất nhiều những ám ảnh, hồi tưởng, triết lí, tâm trạng… trùng
trùng đồng hiện, tạo nên một nhịp điệu trần thuật vừa đứt đoạn, lơi lỏng,
vừa dồn nén, gợi nên nhiều tầng liên tưởng và xúc cảm. Hai bờ, Biển mịt
mờ hoặc Một buổi chiều thật muộn cũng là những truyện ngắn giàu tính
nhân sinh – tư tưởng dẫu rằng nó chỉ chớp lại một tình huống tưởng chừng
rất bình thường: chuyện tình yêu. Một tình yêu bình thường trong những
thời đoạn lịch sử không bình thường. Và do đó, con người thường trực
sống trong sợ hãi, trong những ám ảnh triền miên, những nỗi đau đớn âm
thầm, không thể chia sẻ, không thể giải thoát. Lê Minh Khuê đã trình bày
những nỗi ám ảnh ấy như những tình huống ngày thường và do vậy, hiện
lên trong truyện của bà là một hiện thực bất thường trong chính sự bình
thường của nó, nó gợi nên cảm giác không an toàn và đầy thương tổn.
Chính cái được gợi nên sau bề mặt hình tượng, giọng điệu này đã tạo nên
“âm hưởng tiểu thuyết” rất đặc sắc trong những truyện ngắn kể trên.
3. Có thể dễ dàng nhận thấy, chi phối trong sáng tác thời kì đầu của Lê
Minh Khuê là một cái nhìn trong sáng, hồn nhiên, mang đậm tính lí tưởng.
Tuy nhiên trong các sáng tác thời hậu chiến của bà, đặc biệt là sau 1986,
thay cho nhãn quan lí tưởng hóa ấy là một cái nhìn hiện thực đậm tính phê
phán. Xét đến cùng, sự phê phán ấy chính là một biểu hiện khác của tinh
thần công dân và ý thức trách nhiệm ở nhà văn. Đó không còn là một niềm
tin dễ dãi và đơn giản. Niềm tin ấy luôn phải đối mặt và bị thử thách tàn
nhẫn bởi một hiện thực nghiệt ngã, có khả năng hủy hoại triệt để những tín
niệm thiêng liêng và bền vững nhất. Không phải ngẫu nhiên mà hiện lên
trong nhiều trang viết của tác giả này là một thực tế đời sống gay gắt, trong
đó, con người đánh mất niềm tin về giá trị của bản thân, về sự tốt đẹp của
cuộc đời, trở nên bất lực, nhu nhược, cam phận, luôn luôn lo sợ. Khi con
người không còn niềm tin, không còn lí tưởng, đó sẽ là mảnh đất tươi tốt
lan tràn cái xấu, cái ác. Cũng không phải ngẫu nhiên mà truyện ngắn của
Lê Minh Khuê nói nhiều đến lối hành xử côn đồ, tàn nhẫn giữa con người
với con người. Một não trạng tinh thần đáng sợ. Bi kịch nhỏ là một ví dụ. Từ
góc nhìn của một người cháu, một nhà báo nữ, về ông bác của mình, vốn là
một cán bộ cấp cao trong bộ máy chính quyền nay đã nghỉ hưu, tác phẩm
đặt ra nhiều vấn đề, chẳng hạn sự duy ý chí trong quản lí xã hội, sự trả thù
cá nhân tàn độc nấp sau những chiêu bài chính trị, sự trớ trêu của đời sống
hay là sự trả thù tàn khốc của số phận…. Trên thực tế đấy không chỉ là bi
kịch của cá nhân, nó còn là tấn bi kịch của xã hội và lịch sử. Con người đối
mặt với sự trớ trêu của số phận kì thực là đối mặt với tội ác và sự tàn độc
của chính mình.
Là một nhà văn nữ, vượt lên định kiến thường gặp, Lê Minh Khuê không
chỉ “ăn mình”. Nói chính xác hơn, bà biết cách nhìn ra những vấn đề xã hội
từ góc nhìn của đời sống cá nhân, cá thể. Trong văn của Lê Minh Khuê, tuy
cảm hứng phê phán chi phối khá đậm nét nhưng dường như bao giờ cũng
có một cái ngưỡng để níu giữ con người bên bờ dốc chênh vênh của những
giá trị nhân văn và sự vô nhân tính. Những rung động, xúc cảm của con
người, thể hiện qua những giọt nước mắt là “cái ngưỡng” tinh thần như
vậy. Những giọt nước mắt của Mi trong Cơn mưa cuối mùa, Bình trong Biển
mịt mù, hay của ông Lăng trong Ga xép… rất đáng chú ý. Vượt ra khỏi ý
nghĩa phản ứng tâm lí thường tình, chúng là biểu trưng của một tâm hồn
giàu trắc ẩn và chưa bị đời sống thực dụng làm cho chai đá, cỗi cằn. Đấy là
biểu hiện của sự nhạy cảm trước những vẻ đẹp của cuộc đời, của con
người. Là khát khao đồng cảm, chia sẻ, vượt lên những biên giới cách
ngăn, thù hận. Trong nhiều truyện khác, nhà văn còn nói đến nỗi khao
khát và xúc động trước những không gian “trời đất bao la sạch sẽ”, “nước
sạch cỏ xanh” và sự “cao lớn”, “đường hoàng”, “tử tế” của con người. Những
rung động, khát khao và cả những nỗi đau ấy là những xúc cảm đẹp đẽ,
đầy nhân tính. Trong nhiều truyện ngắn của tác giả này, những xúc cảm ấy
tựa như một thứ phép thử tâm hồn. Như những giọt dung dịch trên giấy
quỳ, chúng cho thấy những sắc thái tinh thần phức tạp của con người và sẽ
không dễ cắt nghĩa, lí giải nếu chỉ nhìn theo một chiều giá trị. Một nhân vật
trong Cơn mưa cuối mùa đã cảm thán: “Giẫy giụa, chả có ích gì đâu các bạn
ơi!”. Dù vậy, bản thân sự “giãy giụa” ấy tự nó cũng đã nói lên điều gì đó
chứ đâu chỉ là sự khốn khổ! Những con người được mô tả trong những câu
chuyện này, thực ra, đâu thiếu thông minh. Ngược lại, chính vì thông minh
và nhạy cảm, họ nhận ra rất rõ sự thiếu vắng của tình yêu và khát vọng
trong đời họ, sự cùn mòn, hoen gỉ, trì trệ trong tâm hồn họ, sự tầm thường,
ô trọc của cuộc sống mà họ đang hít thở. Nhưng cũng vì thông minh và
nhạy cảm, nên họ cũng nhận ra rất rõ cái giới hạn không thể vượt qua,
những níu kéo, ràng buộc không thể phá bỏ. Tóm lại, sự thông minh ấy
giúp họ đủ tỉnh táo để nhận thấy tính phi thực tế của những giải pháp thay
đổi trong cái môi trường sống nghèo nàn, thực dụng đang sống. Bởi vậy,
vùng lên phá vỡ cuộc sống cũ đã vô vị đến phát ngấy thì không đủ can
đảm (phá vỡ thì đi đâu? đến đâu?) nhưng cứ tiếp tục cam chịu thì đau khổ,
dằn vặt. Nhà văn đã không xây dựng một kết thúc có hậu dễ dãi. Con
người làm sao có thể phút chốc xóa bỏ mọi mối dây rợ trách nhiệm, nghĩa
vụ ràng buộc quanh mình, cả những thói quen, dù là nhàm chán, vô vị? Sự
chấp nhận, cam chịu “buông xuôi” của nhân vật tạo nên nỗi buồn nản
thấm thía, cảm giác phũ phàng, nghẹt thở. (Có thể xem sự “đối nghịch cảm
xúc” này như một thành công đáng kể trong nghệ thuật viết của nhà văn, ở
đây, nhân vật có thể đầu hàng, có thể thỏa hiệp, nhưng với người đọc, điều
này sẽ tạo nên một sự phản kháng, một nhu cầu thay đổi thực sự).
4. Sự thay đổi trong chủ đề, ngôn ngữ, giọng điệu… từ Những ngôi sao xa
xôi và những tác phẩm viết sau thời Đổi mới chứng tỏ nỗ lực bám sát đời
sống của nhà văn cũng như những thay đổi đáng kể trong nhận thức của
tác giả về hiện thực. Từ cái nhìn lạc quan, trong sáng và mang tính lí tưởng
buổi đầu đến một cái nhìn gai góc, đậm chất phân tích sau này là cả một
bước chuyển trong quan niệm, tư tưởng của người viết. Hướng đến cái
đích nhận thức xã hội trong những tình huống đời sống cụ thể, nhiều
truyện của Lê Minh Khuê đã tạo nên những phức hợp chủ đề, có khả năng
bao quát và gợi ra nhiều suy ngẫm về nhân sinh, thế sự (Ga xép, Một buổi
chiều thật muộn, Biển mịt mờ, Hai bờ, Cơn mưa cuối mùa, Một ngày trên
đường…). Nghệ thuật trần thuật của tác giả cũng trở nên đa dạng và linh
hoạt. Nhà văn sử dụng kết hợp những điểm nhìn khác nhau để soi chiếu, lí
giải về con người và sự việc đặt ra trong các câu chuyện. Chẳng hạn,
trong Cơn mưa cuối mùa, những giọt nước mắt của Mi được nhìn nhận và
giải thích ít nhất từ ba góc độ: góc nhìn của anh chàng chơi đề thực dụng,
nước mắt chỉ còn chảy khi thua đề; góc nhìn của nhân vật Tôi – người kể
chuyện, một người từng sống qua chiến tranh, đủ từng trải và độ lượng để
chia sẻ nhưng không còn nhiều khao khát và hy vọng về đời; và cuối cùng
là góc nhìn của chính nhân vật Mi về bản thân mình, thể hiện qua sự tự
phân tích nội tâm bằng một giọng điệu vừa giễu cợt vừa riết róng, nghiệt
ngã. Xuất phát từ những bảng giá trị hoàn toàn khác nhau, thậm chí, đối
lập gay gắt, những giọt nước mắt cũng như tâm sự của nhân vật hiện lên
vừa đáng thương, vừa đáng buồn, lại vừa như một chuyện hài hước, tức
cười. Sắc thái bi kịch (có thể sẽ khá ướt át và… mùi mẫn, nặng nề, nếu tác
giả khai thác câu chuyện theo một hướng khác) đã được “điều chỉnh” kịp
thời nhờ sự phối hợp khéo léo những điểm nhìn khác biệt nói trên, kết hợp
với sự “đa thanh” trong ngôn ngữ, giọng điệu nhân vật và người kể
chuyện. Để diễn tả những diễn biến nội tâm phức tạp của nhân vật, tác giả
đã sử dụng hình thức những câu đối thoại giữa hai nhân vật (người kể
chuyện xưng “tôi” và Mi) rất đặc biệt, như là lừng khừng, ông chẳng bà
chuộc, chẳng đâu vào đâu. Nhưng chính độ “vênh” giữa bề mặt của lời
thoại với cái cảm xúc nghẹn ngào cố nén bên trong ấy đã “nói” nhiều hơn
so với việc kể lể dài dòng. Và cũng nhờ vậy mà vượt lên chủ đề về một câu
chuyện ngoại tình và tâm sự buồn chán của một người đàn bà không thỏa
mãn trong đời sống riêng, truyện ngắn này đã chạm đến một trạng huống
nhân sinh có tính phổ quát và đánh động nỗi ưu tư trong nhiều người đọc.
Giọng giễu nhại, hài hước (gọi các nhân vật bằng các từ như chàng, nàng…),
cách nhập vai, nhập giọng nhân vật (nhất là giọng điệu, ngôn ngữ “phố
phường” của các nhân vật phản diện), cách dùng từ thô, sỗ, cách nói
ngược… cũng là một trong những yếu tố đem lại cảm giác thú vị khi đọc
truyện của Lê Minh Khuê. Nhưng trong một số truyện khác, đôi khi liều
lượng “hiện thực phố phường” trong văn của bà bị đẩy đi quá đà. Một số
truyện ngắn thời hậu chiến của bà đi sâu vào khai thác những mặt trái đời
sống với tất cả những nhếch nhác, bần tiện của nó để lại những ấn tượng
sâu sắc ở những chi tiết tả thực, chẳng hạn Ngỗng non, Sân gôn, Làn nước dịu
dàng… Tuy nhiên, sự sắc sảo của nhà văn ở đây vẫn đang nằm trên bề mặt
các chi tiết tả thực (đôi khi hơi nệ thực) chứ chưa “nhấc bổng” được hiện
thực lên, biến chúng thành các hình tượng giàu tính tư tưởng – khái quát
hơn. Dường như có một sự “chênh chao” nào đó bên trong ngòi bút này,
khi tác giả phải đứng giữa sự lựa chọn một bên là cái khao khát chuyển tải
tư tưởng về đời sống (luôn phải khái quát và cô đọng hơn), và một bên là
yêu cầu phải xử lí một hiện thực lấm láp, xô bồ, bề bộn mà chi tiết nào
cũng tươi mới, cũng “ánh lên roi rói”, đòi hỏi phải được có mặt trong tác
phẩm.
5. Không ngần ngại “thọc tay” vào những góc cạnh dữ dằn, gai góc của đời
sống, kêu gọi sự tỉnh táo nhận thức, nhìn thẳng sự thật, bóc trần ảo tưởng,
Lê Minh Khuê đã đặt ra một cách trực diện nhiều vấn đề thiết cốt của đời
sống đương đại. Nhiều truyện ngắn của tác giả hấp dẫn người đọc bởi tính
thời sự của những vấn đề xã hội đặt ra, sự tinh tế trong việc diễn tả tâm lí,
cái nhìn hài hước mà chua xót về các trạng huống đời sống, sự sinh động
của những chi tiết mô tả… Truyện của Lê Minh Khuê là sự phẫn nộ của
lương tri con người trước những giá trị đạo đức bị hạ cấp, đảo lộn (trong
một số truyện, nhà văn có lúc quên khuấy vai trò người kể khách quan để
buột miệng kêu lên, thậm chí “thét lên” đầy bức xúc trước “những điều
trông thấy”…). Ta có thể thấy đằng sau cái hiện thực xô bồ được mô tả với
không ít trào lộng và chua xót vẫn là một tinh thần “nhập cuộc” hăng hái,
niềm thiết tha đối với lí tưởng đạo đức – xã hội của tác giả. Khát vọng lí
tưởng, niềm tin vào những gì tốt đẹp cuối cùng sẽ còn lại, tinh thần khẳng
định (ngay cả trong “giọng” phủ định rất nặng, rất “phũ”)… đó là những
điểm rất dễ nhận trong sáng tác thời hậu chiến của nhiều nhà văn thế hệ
chống Mỹ nói chung và Lê Minh Khuê nói riêng.
Có thể nói, cảm hứng thế sự là một mạch cảm hứng quan trọng, chi phối
đến nhiều phương diện nghệ thuật của truyện ngắn Lê Minh Khuê. Xuyên
suốt trong truyện ngắn của bà là một cái nhìn sắc sảo nhưng đôn hậu về
đời sống. Nó bộc lộ niềm trăn trở thường trực của nhà văn trong việc xác
lập những giá trị tinh thần mới, vừa thiết thực và gần gũi với đời sống hôm
nay nhưng vẫn phải đáp ứng được những chuẩn mực nhân văn muôn
thuở. Với điều đó, dường như tác giả đã lựa chọn một hướng đi dù không
có nhiều cách tân quyết liệt về mặt hình thức nhưng để lại ấn tượng sâu và
đằm về diện mạo của một nhà văn đầy trách nhiệm với đời sống, nặng
lòng với những giá trị tinh thần cội rễ, dứt khoát, can đảm nhưng chân
thành và nồng hậu.

You might also like