You are on page 1of 3

Tác giả Nam Cao

Nam Cao (1917 - 1951), là một nhà văn hiện thực lớn, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn,
là một trong những cây bút văn xuôi xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam. Ông đã để lại cho
nền văn học dân tộc một sự nghiệp văn chương đồ sộ với những tác phẩm chứa đựng quan điểm
nghệ thuật sâu sắc, phong cách nghệ thuật độc đáo, tinh thần nhân đạo cao đẹp và những giá trị
hiện thực lớn lao.
Trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, Nam Cao luôn xác định đúng đắn mối quan hệ
giữa sống và viết. Trước cách mạng, Nam Cao là một trong số ít những nhà văn ý thức được về
quan điểm sáng tác và xây dựng được cho mình một hệ thống quan điểm sáng tác sâu sắc và
toàn diện nhất. Trong mấy năm đầu, Nam Cao cũng sáng tác theo khuynh hướng văn chương
lãng mạn thi vị hóa cuộc sống nhưng ông nhanh chóng nhận ra đó là thứ văn chương hoàn toàn
xa lạ và không đem lại giá trị gì cho đời sống lầm than, khốn khổ của nhân dân. Chính vì thế
ông đã dứt khoát lựa chọn con đường nghệ thuật chân chính : nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa.
Trước Cách mạng, Nam Cao không trực tiếp đưa ra những quan điểm hoặc nêu lên những
tuyên ngôn nghệ thuật mà gửi gắm những quan điểm sáng tác nghệ thuật của mình qua những
tác phẩm : Giăng sáng, Đời thừa, Mua nhà, Nước mắt, Tư cách mõ. Trong đó “Đời thừa” được
coi là hai tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn.
Trước hết Nam Cao phê phán thứ văn chương lãng mạn thi vị hóa, tô hồng cuộc sống đen
tối, bất công của nhân dân lao động. Nam Cao khẳng định nghệ thuật phải có mối liên hệ sâu
sắc với đời sống, nhà văn phải nhìn vào hiện thực và phản ánh chân thực đời sống lầm than,
khốn cùng của nhân dân lao động. Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối,
không nên là ánh trăng lừa dối nghệ thuật. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra
từ những kiếp lầm than. Với quan điểm này, nhà văn đã dứt khoát phủ định con đường văn
chương nghệ thuật lãng mạn, nghệ thuật vị nghệ thuật, tuyên bố về sự lựa chọn con đường nghệ
thuật vị nhân sinh, nghệ thuật hiện thực của mình. Nhà văn Nam Cao đã đề cao sứ mệnh của
văn chương nghệ thuật chân chính, đặc biệt là khái niệm cảm hóa, thay đổi con người theo
chiều hướng tích cực.
Nam Cao không đồng tình với thứ văn chương “tả chân”, chỉ tả được cái vẻ bên ngoài
của hiện thực. Với Nam Cao, một tác phẩm nghệ thuật thực sự có giá trị không chỉ chứa đựng ý
nghĩa hiện thực sâu sắc mà còn thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân đạo cao đẹp. Đó phải là một
tác phẩm vượt lên trên tất cả mọi bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài
người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca
tụng lòng thương tình, bác ái, lẽ công bình. Nó làm cho người gần người hơn.
Nam Cao là một nhà văn có trách nhiệm cao trong nghề nghiệp, rất tâm huyết và có ý
thức đúng đắn về bản chất sáng tạo văn chương. Chính vì vậy, nhà văn không chấp nhận thứ
văn chương hời hợt, dễ dãi, dập khuôn, đòi hỏi người viết phải luôn đào sâu tìm tòi, sáng tạo
không ngừng. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu
đưa cho, văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai
khơi và sáng tạo những cái gì chưa có. Nhà văn còn rất đề cao lương tâm, trách nhiệm của
người cầm bút. Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì đã là một sự bất lương, nhưng sự cẩu thả trong
văn chương thì thật là đê tiện.
Sau cách mạng, ( ) với quan điểm sống “Hãy viết, góp sức vào việc không nghệ thuật lúc
này là để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn”.
Nhà văn khẳng định người nghệ sĩ phải biết đi sâu vào đời sống, thâm nhập sâu vào đời
sống, phải gần gũi, gắn bó, thấu hiểu quần chúng nhân dân thì mới có thể tìm thấy nguồn đề tài
phong phú và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Toàn bộ những tuyên ngôn nghệ thuật trong sáng
tác của Nam Cao được gửi gắm trong truyện ngắn “Đôi mắt”, một tác phẩm được coi là tuyên
ngôn nghệ thuật của lớp văn nghệ sĩ trước cách mạng trong quá trình tìm đường, nhận đường
của mình.
Nam Cao có sáng tác đăng báo từ năm 1936 nhưng tên tuổi của ông chỉ thực sự được biết
đến với sự xuất hiện kiệt tác “Chí Phèo” năm 1941. Sự nghiệp sáng tác của Nam Cao chia thành
2 giai đoạn : trước cách mạng và sau cách mạng.
Trước cách mạng, Nam Cao tập trung sáng tác hai đề tài lớn : người trí thức tiểu tư sản
nghèo và người nông dân. Nhiều tác phẩm tiêu biểu của đề tài người trí thức nghèo là Giăng
sáng, Đời thừa, Sống mòn, Mua nhà, Nước mắt. Các tác phẩm thuộc đề tài này chứa đựng tầm
vóc triết luận sâu sắc và ý nghĩa xã hội rộng lớn. Nhà văn đã phơi bày chân thực bi kịch tinh
thần đau đớn của những người trí thức nghèo trước cách mạng. Họ là những người có tài năng,
tâm huyết, có hoài bão, khát vọng lớn lao, có ý thức sâu sắc về giá trị của sự sống nhưng lại bị
gánh nặng cơm áo ghì sát đất, bị xã hội bất công, tàn bạo triết mòn về tinh thần. Qua đó nhà văn
tố cáo gay gắt xã hội bất công, tàn bạo đã bóp nghẹt đời sống tinh thần, hủy hoại ước mơ và tài
năng của con người khiến cho con người rơi vào bước đường cùng, phải sống một cuộc sống vô
ích, vô nghĩa, một cuộc “sống mòn, đời thừa”. Đặc biệt nhà văn ngợi ca cuộc đấu tranh dũng
cảm của những người trí thức để đạt đến một cuộc sống có ích, có ý nghĩa và xứng đáng với con
người.
Đề tài người nông dân đã phản ánh chân thực cuộc sống thê thảm của nông thôn Việt
Nam và số phận bi thảm của nông dân trước cách mạng. Nhà văn đặc biệt đi sâu và tình cảnh và
số phận của những con người “thấp cổ bé họng” bị dồn đẩy vào cảnh nghèo đói, cùng đường, bị
xúc phạm một cách bất công, tàn nhẫn, bị dồn đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa không
lối thoát. Qua đó nhà văn kết án đanh thép xã hội tàn bạo đã hủy diệt cả nhân hình lẫn nhân tính
của con người, đã tước đoạt quyền làm người, quyền được sống của những con người lương
thiện. Đồng thời nhà văn khẳng định, ngợi ca bản chất lương thiện, tốt đẹp của người nông dân
không bao giờ bị mất đi ngay cả khi họ bị vùi dập tàn nhẫn nhất. Đây chính là chiều sâu mới mẻ
trong ngòi bút hiện thực của Nam Cao.
Phong cách nghệ thuật của Nam Cao vô cùng độc đáo. Trước hết là cái nhìn hiện thực có
tính khám phá mới mẻ, sâu sắc. Nam Cao đặc biệt đề cao đời sống tinh thần, con người, tư
tưởng. Nhà văn không chỉ bộc lộ sự day dứt, trăn trở trước thực trạng nhân cách của con người
bị biến đổi bởi hoàn cảnh khốn cùng mà quan trọng là để từ đó cất lên tiếng nói kêu cứu khẩn
thiết trước thực trạng bị tha hóa, xói mòn về nhân cách, nhân phẩm con người.
Giọng điệu rất riêng và độc đáo với giọng văn tổng hợp có sự hòa trộn giữa các cực đối
lập, vừa bi lại vừa hài, vừa trữ tình lại vừa triết lý, có lúc lạnh lùng, dửng dung, khi thì buồn
thương, chua chat, có lúc lại trĩu nặng suy tư và đằm thắm yêu thương.
Nghệ thuật viết truyện đạt đến trình độ điêu luyện. Lối viết của ông vừa chân thực, cụ
thể, lại vừa có tính khái quát cao. Từ những câu chuyện đời thường giản dị tưởng không có gì
đáng nói, Nam Cao đã đặt ra những vấn đề mang ý nghĩa xã hội lớn lao, tầm vóc triết lý sâu sắc,
truyền tải những quan điểm nghệ thuật tiến bộ. Từ những con người đời thường giản dị, nhà văn
xây dựng thành những nhân vật sinh động, chân thực, tạo nên những điển hình nghệ thuật bất
hư có một không hai.
Nam Cao có biệt tài khám phá, phân tích tâm lý nhân vật. Nhà văn đặc biệt sắc sảo, tinh
tế trong việc khám phá diễn biến tâm lý phức tạp của các nhân vật, diễn tả được ranh giới mong
manh trong mỗi con người, giữa thiện ác, tốt xấu, người vật, người quỷ.
Ngôn ngữ tác phẩm đa dạng, phong phú, được nhà văn sử dụng hết sức linh hoạt, sáng
tạo, vừa gần gũi đời thường bình dị, lại vừa tinh tế, giàu giá trị nghệ thuật. Ngôn ngữ nhân vật
gồm ba loại là đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm. Ngôn ngữ kể chuyện mang tính đa thanh,
phức điệu, rất hiện đại.
Các tác phẩm của Nam Cao có kết cấu độc đáo, mới mẻ và rất hiện đại, vừa phóng
khoáng, lại vừa lôgic chặt chẽ. Đó là kiểu kết cấu tâm lý tâm trạng không tuân theo trật tự thời
gian, tuyến tính mà có sự đảo lộn giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Các tác phẩm thường có
mở đầu bất ngờ, hấp dẫn để tạo sức lôi cuốn trong khi kết thúc thường bỏ ngỏ, tạo sức ám ảnh
và mời gọi người đọc tự suy luận để tìm ra câu trả lời.

You might also like