You are on page 1of 5

Tình huống truyện

I. Mở bài:
II. Thân bài:
1) Khái niệm:

- Tình huống truyện là cái hoàn cảnh riêng, cái tình thế xảy ra truyện, là khoảnh khắc được tạo
nên bởi một sự kiện đặc biệt trong truyện khiến tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý
đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất, tính cách nhân vật cũng bộc lộ chân xác
nhất.

- Tình huống truyện thường có vai trò gây đột biến, tạo ra bước ngoặt, sự biến đổi bất ngờ
trong cuộc đời, trong tâm trạng hoặc nhận thức của nhân vật.

- Có 3 loại tình huống truyện thường đc tác giả chú tâm xây dựng:

a. Tình huống hành động:

- Xuất hiện trong truyện ngắn giàu kịch tính.

- Tình huống này thường hướng tới kiểu nhân vật hành động, hiện lên bằng hệ thống hành vi.

b. Tình huống tâm trạng:

- Xuất hiện trong truyện ngắn trữ tình.

- Kiểu nhân vật đc hiện lên chủ yếu bằng thế giới nội cảm, nhà văn tạo dựng nên hình tượng
nhân vật chủ yếu bằng một hệ thống chất liệu là cảm xúc.

c. Tình huống nhận thức:

- Xuất hiện trong loại truyện ngắn nghiêng về triết luận.

- Kiểu nhân vật: nhân vật tư tưởng, đc khai thác chủ yếu ở đời sống nhận thức. Chất liệu cơ
bản để dệt nên nhân vật là hệ thống những quan sát, phân tích, suy lí, đúc kết, chiêm nghiệm,

2) Vai trò:

Tình huống truyện như “cái chìa khóa vận hành cốt truyện”:

- Từ tình huống truyện, các sự kiện, biến cố của cốt truyện được phát triển.

- Qua tình huống truyện, tính cách nhân vật đc bộc lộ rõ nét.
- Việc giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong tình huống truyện sẽ bộc lộ rõ tư tưởng
chủ đề của tác phẩm và dụng ý nghệ thuật của tác giả.

- Việc sáng tạo nên các tình huống độc đáo biểu hiện khả năng quan sát, khám phá bản chất
cuộc sống, bản chất con người nhà văn.

3) Chứng minh:

Tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân:

Vợ nhặt là một nhan đề tạo ra những ấn tượng sâu sắc, kích thích sự tò mò, chú ý của người
đọc, hé mở tình huống đặc sắc của tác phẩm. Với từ “nhặt” làm định ngữ, nhan đề Vợ nhặt đã
khiến người đọc phần nào suy đoán được phẩm chất giá trị của người vợ khi được nhặt về như
cỏ rác; cũng đồng thời hình dung được tình cảnh của người chồng khi một việc lớn lao, trọng
đại của đời người lại được thực hiện bởi một hành động ngẫu nhiên, thờ ơ, không chủ tâm.
Như vậy, nhan đề truyện ngắn Vợ nhặt với sự hàm chứa những mâu thuẫn, éo le đã góp phần
thể hiện những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm, giúp nhà văn phản ánh tình
cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của những người nông dân nghèo trong nạn đói 1945.
Tình huống được tạo dựng trên cơ sở những mâu thuẫn, trở nên được đẩy tới tận cùng giới
hạn. Sự trớ trêu đầu tiên xuất hiện ở nhân vật Tràng- chủ thể của hành đồng nhặt vợ. Tràng là
người mà ngay trong hoàn cảnh bình thường cũng rất ít khả năng có thể lấy được vợ – hắn là
dân ngụ cư với địa vị lép vế trong làng xã, lại nghèo khổ, xấu xí, thô kệch và hơi dở tính. Vậy
mà Tràng lại lấy được vợ, thậm chí chóng vánh, dễ dàng đến mức chính hắn cũng không tin
nổi. Sự trớ trêu thứ hai đặt ra ở hoàn cánh nhặt vợ của Tràng. Hôn nhân là biểu tượng của
cuộc sống gia đình, của sự sinh con đẻ cái, của sự sống. Việc một anh con trai nghèo khổ, xấu
xí lại nhặt được vợ một cách chóng vánh, dễ dàng ngay trong những năm tháng đói khát
khủng khiếp nhất của quê hương và đất nước, đó là một chuyện lạ, là một tình huống đặc sắc
giúp nhà văn gửi gắm những vấn đề lớn lao của cuộc sống con người, đem đến cho tác phẩm
những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Tình huống éo le đã được tạo ra bởi sự đối đầu
khốc liệt giữa sự sống và cái chết, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa hi vọng và tuyệt vọng,
giữa ấm áp của tình người và cái lạnh lẽo thê lương của chết chóc. Tất cả những sự việc liên
quan đến cuộc hôn nhân này đều bị hạ giá thê thảm: cô dâu cắp chiếc nón rách tàng, mặc bộ
quần áo tả tơi như tổ đỉa về nhà chồng; hai hào dầu đã là xa xỉ, hoang phí cho đám cưới; ngày
đưa dâu chỉ có hai bóng người lủi thủi, âm thầm, lặng lẽ về làng trên con đường khẳng khiu
trong một buổi chiều ảm đạm, trong cái lạnh lẽo đầy âm khí của những làn gió ngắn ngắt thổi
về từ ngoài đồng; đêm tân hôn phảng phất mùi đống rấm ở những nhà có người chết và văng
vẳng tiếng hờ khóc tỉ tê; bữa cơm đầu tiên mẹ chồng đãi nàng dâu mới cũng thật thê thảm;
giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo… niêu cháo
lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn, để rồi, sau đó, cháo cám trở
thành cỗ cưới trong nỗi tủi hờn ai oán của mọi người. Không dừng lại việc phản ánh bề mặt
hiện thực với những hình ảnh hay âm thanh, Kim Lân còn phản ánh bề sâu của hiện thực khi
sự đói khát khiến giá trị của con người trở nên rẻ rúng, những điều đẹp đẽ thiêng liêng của
cuộc sống trở nên bi hài, chua chát đến tội nghiệp. Không chỉ xót thương cho thân phận con
người qua bức tranh hiện thực ngày đói, nhà văn còn thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc trong
việc khẳng định, ngợi ca, trân trọng và thể hiện niềm tin vào bản chất tốt đẹp của những con
người biết vượt lên trên cái đói, cái thảm đạm để sống, để yêu thương, để vui và hi vọng. Tình
huống truyện đã cho thấy sự đói khát không làm con người mất đi lòng nhân ái. Lòng nhân ái
đã thể hiện ngay trong việc nhặt vợ của Tràng. Chia sẻ miếng ăn với một người xa lạ đang đói
khát không hẳn chỉ là bốc đồng, chia sẻ cuộc đời với một người đàn bà khốn khổ, xấu xí
không hẳn chỉ là liều lĩnh – đằng sau sự bốc đồng, liều lĩnh ấy là tấm lòng hào hiệp của người
đàn ông có trái tim nhân ái. Tình huống truyện cũng giúp người đọc nhận ra sự đói khát không
làm con người mất đi những khát vọng hạnh phúc. Khi chấp nhận người đàn bà xa lạ, đói khát
làm dâu con, bà cụ tứ đã bỏ qua không chỉ lễ giáo thông thường mà cả nỗi ám ảnh khủng khiết
của sự đói khát, chết chóc đã chấp nhận cưu mang một con người khốn khổ, để vun đắp cho
hạnh phúc của con cái. Biết trân trọng, yêu thương, biết chia sẻ, quan tâm lo lắng cho nhau
ngay trong cảnh khốn cùng, đó là biểu hiện cao nhất của lòng nhân ái, đó cũng là phẩm chất
đẹp đẽ truyền thống của một dân tộc luôn nhắc nhau lá lành đùm lá rách, thương người như
thể thương thân. Câu chuyện nhặt vợ của Tràng đã cho thấy tấm lòng nhân ái của con người
không thể bị hủy hoại trước sự đói khát, thậm chí sự đe dọa ghê gớm là cái chết. Đó là những
biểu hiện rõ nhất của niềm khát khao hạnh phúc, niềm mong ước được tìm đến với nhau, được
sum vầy trong những mái ấm gia đình, khát vọng ấy vẫn tồn tại trong tâm hồn những con
người đang sống trên bờ vực hủy diệt của sự đói khát.

Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu:

Tình huống được hé mở ngay trong nhan đề tác phẩm. Chiếc thuyền ngoài xa là một nhan đề
có ý nghĩa biểu tượng, khơi gợi suy tưởng, hé mở tình huống và góp phần thể hiện chủ đề tác
phẩm. Nhan đề bao gồm cả đối tượng quan sát là chiếc thuyền và cự li quan sát là ở ngoài xa.
Cùng mọi người quan sát, cùng một đối tượng quan sát, và gần như cùng một thời điểm quan
sát, nhưng ở những cự li khác nhau sẽ cho những kết quả khác nhau, dẫn đến những xúc cảm
và nhận thức khác nhau. Chiếc thuyền xuất hiện trong truyện ngắn trước hết ở ngoài xa, đó là
hình ảnh một cánh buồm nhòa mờ trong màn sương huyền ảo của buổi sớm mai trên mặt biển
xa, vẻ đẹp hài hòa, toàn bích, cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh khiến ngệ sĩ bàng hoàng xúc
động trong cảm nhận: Cái đẹp là đạo đức! Trong giây phút thăng hoa của cảm xúc, thậm chí
nghệ sĩ còn như phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức, anh như vừa khám phá thấy
chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn – đó là
khoảng khắc con người cảm thấy tâm hồn mình như được thanh lọc, gột rửa để trở nên trong
sáng, thánh thiện khi đứng trước cái đẹp trong trẻo của thiên nhiên. Đó cũng chính là sự giác
ngộ, nhận thức về sức mạnh kì diệu của cái đẹp, của nghệ thuật đối với con người, bởi nói như
quan niệm của Dostoiepxki: “cái Đẹp cứu rỗi thế giới” – khi đứng trước cái đẹp, người ta
thường không nghĩ đến cái xấu, cái ác, cái dung tục, tầm thường của cuộc đời mà để tâm hồn
mình bay bổng hướng thiện. Nhưng khi chiếc thuyền tới gần, đó lại là sự hiện hữu một không
gian sống đầy bi kịch của những người dân chài bị cầm tù bởi đói nghèo, tăm tối và bạo lực!
Sự thật trần trụi, tàn nhẫn của cuộc sống khiến nghệ sĩ kinh hoàng, sợ hãi, phẫn nộ. Như vậy,
cùng một thời điểm, cùng một người quan sát, cùng một đối tượng quan sát, nhưng với hai cự
li và góc độ khác nhau, người nghệ sĩ đã phát hiện hai bức tranh hoàn toàn tương phản: phía
sau cái đẹp thánh thiện trong trẻo của ngoại cảnh lại là sự độc ác, xấu xa, u tối trong cuộc sống
con người. Nghịch lí đau đớn này sẽ đưa đến những nhận thức sâu sắc, mới mẻ cho người
nghệ sĩ về cách nhìn với hiện thực cuộc đời. Cuộc gặp gỡ của Đẩu, Phùng và người đàn bà
hàng chài ở tòa án đã đẩy tình huống truyện lên tầm cao của giá trị nhận thức. Chánh án Đẩu
đứng về phía người vợ để khuyên chị ly hôn nhưng thật bất ngờ, bằng những lý lẽ rất chân
tình, người vợ từ chối, thậm chí van xin tòa án cho chị không bỏ chồng. Theo chị, gã chồng là
chỗ dựa quan trọng của người phụ nữ làng chài, nhất là khi biển động phong ba. Hơn nữa, chị
còn có những đứa con, chị phải sống vì con, sống cho con chứ không thể sống vì bản thân. Và
trên thuyền cũng có những lúc vợ chồng con cái sống vui vẻ. Sau khi đã có sự tin cậy và cảm
thông, người đàn bà hàng chài đã kẻ cho Đẩu và Phùng nghe về cuộc đời mình, giải thích cho
họ hiểu vì sao dù có khổ sở đến đâu chị cũng không thể bỏ chồng, không thể đi tìm sự giải
thoát cho riêng mình, giúp các anh phát hiện ra sự giản đơn chua xót của nghịch lí. Hiện thực
với những lí lẽ giản dị mà nghiệt ngã, những mâu thuẫn, éo le qua câu chuyện của người đàn
bà thất học, quê mùa nhưng sâu sắc từng trải khiến Đẩu và Phùng bỗng trở thành những người
nông nổi, ngây thơ; lòng tốt của các anh mới chỉ dừng lại ở những lí thuyết đẹp đẽ nhưng phi
thực tế khi giải pháp các anh đưa ra chỉ có thể giúp người đàn bà bỏ chồng để thoát khỏi đòn
roi mà chưa thể giúp chị thoát khỏi cuộc sống lam lũ, vất vả, đói nghèo… Câu chuyện của
người đàn bà hàng chài làm vỡ ra nhiều điều trong suy nghĩ của Đẩu và Phùng, đó chính là sự
nhận thức, giác ngộ về những nghịch lí vẫn luôn tồn tại đâu đó trong cuộc sống, những nghịch
lí mà dù có đau đớn hay phẫn nộ, con người nhiều khi vẫn buộc phải chấp nhận. Tình huống
đặc sắc trong Chiếc thuyền ngoài xa đã giúp nhà văn gửi gắm những thông điệp lớn lao, thấm
đẫm giá trị nhân đạo tới cuộc đời. Từ sự đối lập giữa cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh với
hiện thực phũ phàng, tàn nhẫn của cuộc sống, nhà văn cho thấy không phải bao giờ cái đẹp
cũng thống nhất với cái thiện, không phải bao giờ cái bên ngoài cũng là sự thể hiện bản chất
thật bên trong. Vì vậy, muốn đúng về bản chất cuộc sống, con người, phải có cái nhìn thấu
đáo, toàn diện, sâu sắc từ nhiều góc độ, không thể nhận xét, đánh giá đơn giản, dễ dãi, một
chiều căn cứ vào kết quả cảm tính của cái nhìn hời hợt, nông cạn bên ngoài sự vật, sự việc. Từ
câu chuyện của người đàn bà hàng chài, tình huống cũng đưa đến một thức nhận thấm thía nỗi
chua xót: cái xấu, cái ác nhiều khi vẫn tồn tại trong cuộc sống con người như một lẽ bất khả
kháng; con người cần có cái nhìn thấu đạt nhân tình, không phải để chấp nhận, dung túng mà
để tìm ra cội nguồn phát sinh nhằm loại bỏ nó, đem lại sự bình yên, tốt đẹp cho cuộc sống con
người. Không chỉ đưa ra thông điệp về cái nhìn toàn diện, sâu sắc, thấu đáo với cuộc sống,
tình huống truyện còn đưa đến một nhận thức quan trọng: để giải phóng con người khỏi cảnh
đói nghèo, khổ đau, tăm tối cần phải có những giải pháp thiết thực mang tính toàn xã hội chứ
không phải chỉ bằng những lí thuyết đẹp đẽ mà xa rời thực tiễn, những phương cách cực đoan
duy ý chí. Tình huống còn đưa đến một thông điệp quan trọng về trách nhiệm của người nghệ
sĩ với nghệ thuật và con người. Không thể tách rời nghệ thuật với hiện thực cuộc sống con
người; hãy rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật với hiện thực bởi nghệ thuật đích thực luôn
gắn bó khăng khít và phản ánh chân thực cuộc sống con người. Tình huống cũng giúp nhà văn
thể hiện những tư tưởng nhân đạo sâu sắc nhất cho truyện ngắn của mình. Thấu hiểu, xót
thương cho số phận bất hạnh của con người trong cuộc sống mưu sinh., trong hành trình tìm
kiếm hạnh phúc và sự bình yên, biết quý trọng những vẻ đẹp dẫu là khuất lấp trong tâm hồn,
tình cảm những con người khốn khổ, bất hạnh.

4) Các nhận định:

- “Tình huống là một lát cắt của sự sống, là một sự kiện diễn ra có phần bất ngờ nhưng cái
quan trọng là sẽ chi phối nhiều điều trong cuộc sống con người.” (Nguyễn Minh Châu)

- “Tình huống là lát cắt của thân cây mà qua đó ta thấy được trăm năm đời thảo mộc.”

- “Tình huống là sự kiện mà tại sự kiện đó tính cách của con người được bộc lộ.”

- “Tình huống là một khoảnh khắc của dòng chảy đời sống mà qua khoảnh khắc thấy được
vĩnh viễn, qua giọt nước thấy được đại dương.”

- “Tình huống chính là thứ nước rửa ảnh làm nổi hình nổi sắc nhân vật, làm rõ tư tưởng nhà
văn, là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người.” (Nguyễn Minh Châu)

- “Nói chung tình huống là một trạng thái có tính chất riêng biệt và trở thành quy định. Ở
trong thuộc tính này của nó, tình huống góp phần biểu lộ nội dung là cái phần có được một sự
tồn tại bên ngoài bằng sự biểu hiện nghệ thuật.” (Heeghen)

- “Phải đẩy tới chóp đỉnh cao mâu thuẫn thì sự sống nhiều hình mới vẽ ra.” (Heeghen)

- “Điều quan trọng đối với truyện ngắn là phải lựa chọn được tình thế.” (Nguyễn Kiên)

You might also like