You are on page 1of 7

BỨC TRANH + NGƯỜI ĐÀN BÀ TRÊN CHUYẾN TÀU TỐC HÀNH

3.1. Nguyễn Minh Châu có sự đổi mới về cách nhìn con người.
Nếu giai đoạn trước năm 1975, vào những năm tháng chiến tranh, Nguyễn
Minh Châu hướng tới cảm hứng sử thi lãng mạn, khái quát lịch sử, nhà văn tập
trung khắc họa những con người với vẻ đẹp cao cả, lý tưởng cùng "những hạt ngọc
ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người". Các nhân vật đều ít nhiều mang dáng
dấp của nhân vật sử thi, cái điển hình lấn át cái riêng biệt. Đến giai đoạn sau năm
1975, khi chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, con người trở về với cuộc sống
thường nhật, nhà văn đã có sự nhìn nhận con người một cách mới mẻ hơn và sâu
sắc hơn. Con người được đặt trong những mối quan hệ của cuộc sống, dưới cái
nhìn "người hơn", đa diện, đa chiều hơn, không còn vẻ đẹp thuần túy mang tính
chất anh hùng ca mà mang vẻ đẹp đời thường, bình dị, có cả mặt tốt và mặt
xấu.

Sự đổi mới này bắt đầu với các tác phẩm Bức tranh, Người đàn bà trên
chuyến tàu tốc hành. Hình ảnh chị Quỳ, anh Hòa và những đồng đội của họ trong
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành đều là những anh hùng trong chiến tranh,
dũng cảm, cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên bên cạnh hình ảnh anh hùng ấy, tác
giả phát hiện một khía cạnh mới ở họ, Quỳ nhìn thấy ở anh Hòa những điều hết sức
con người. Khi trở về với cuộc sống đời thường, gắn bó cùng nhau, Hòa mang
dáng dấp bình thường, có cái tốt và cái chưa tốt, đôi bàn tay chảy mồ hôi của anh
khiến Quỳ cảm thấy "khó chịu" và dường như trở nên xa lánh anh. Sống trong
chiến tranh, Quỳ yêu thích những sự tốt đẹp của Hòa và đi tìm ở anh hình ảnh một
"thánh nhân" nhưng cũng là lúc chị "vỡ mộng". Sự "vỡ mộng" ấy phải chăng chính
là sự kết thúc của một quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Minh Châu
ở giai đoạn trước 1975, để rồi nhìn con người với đúng bản chất của họ, trong mối
quan hệ đa chiều của cuộc sống. "Trong lúc mọi người bàn tán, thương tiếc kể ra
bao nhiêu công đức, thành tích và nết tốt của anh ấy thì tôi, tôi chỉ nghĩa đến những
tật xấu, thì anh ấy lại mới xuất hiện ra và đi về phía tôi, xích lại gần tôi, như là 1
con người bằng xương bằng thịt". Con người ấy mang những điểm xấu khiến chị
xa lánh là đôi bàn tay "luôn dấp dính mồ hôi" nhưng cũng khiến chị thương tiếc vô
hạn, đó là đôi bàn tay của một con người tài giỏi, có lý tưởng cao cả mà bình dị.
Nhà văn đặt con người trong cuộc sống thường nhật, phát hiện ra những nét tính
cách riêng của họ và tìm thấy vẻ đẹp từ trong những điều bình dị, không thi vị hóa,
lãng mạn hóa mà để nó hiện ra một cách chân thực, sinh động.

Hay nhân vật anh họa sĩ trong Bức tranh cùng quá trình "tự nhận thức" của
mình, bức tranh như một lời tự thú của chính nhân vật, sự tự nhận thức và tự phê
phán của con người dưới ánh sáng của lương tâm đạo đức. Nguyễn Minh châu đã
đào sâu vào thế giới bên trong của con người, đặt trước tấm gương soi tỏ dưới
luồng ánh sáng của lương tâm và khát vọng của người nghệ sĩ khám phá những
chiều sâu trong thế giới nội tâm con người. Trong văn học cách mạng trước đó,
thước đo giá trị chủ yếu của nhân cách là sự cống hiến cho cách mạng, cho đất
nước, là đạo đức cách mạng trong quá trình chiến đấu với kẻ thù, trong quan hệ với
cộng đồng. Song đến tác phẩm này, nhà văn chuyển hướng khám phá con người
trên bình diện đạo đức thế sự. Quá trình tự nhận thức và tự phê phán của nhân vật
họa sĩ trong truyện chính là quá trình tự định giá nhân cách dựa trên những chuẩn
mực giá trị của nhân cách cá nhân, dưới ánh sáng của lương tâm con người. Tội lỗi
anh gây ra không phải bị lên án bởi đạo đức cách mạng mà sự tự phê phán của anh
đi liền với quá trình tự nhận thức về con người bên trong của chính mình. Đây
chính là điểm mới khởi nguồn cho quan niệm con người của Nguyễn Minh Châu
sau 1975: khám phá con người trong cái nhìn đa diện hơn "ở tầng cao và độ sâu
mới dưới anh sáng của tư tưởng triết học nhân bản".
3.2 Nguyễn Minh Châu có sự đổi mới về cách khám phá và thể hiện con người.
Trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu vào thời kỳ trước 1975, nhìn chung,
hình tượng nhân vật chủ yếu được soi chiếu dưới góc độ con người của cộng đồng,
chưa có những nét riêng độc đáo. Nhân vật đặt được khắc họa theo khuynh hướng
sử thi, anh hùng ca, mang vẻ đẹp gần như tuyệt đối. Nhưng càng về sau, ngòi bút
nhà văn hướng tới sự chuyển mình theo sự đổi mới trong cách nhìn con người,
vươn tới khắc họa con người đa diện, nhiều chiều.
Sau 1975, thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu được
chia làm ba loại chính: nhân vật tư tưởng, nhân vật tính cách - số phận và nhân vật
thế sự. Nhân vật tư tưởng là những nhân vật tập trung thể hiện tư tưởng, quan niệm
của tác giả. Nguyễn Minh Châu qua những nhân vật tư tưởng thể hiện trực tiếp
nhất những nỗi suy tư của mình về việc nhìn nhận lại nền văn học cũng như đổi
mới cách nhìn về con người. Nhân vật họa sĩ trong Bức tranh là một nhân vật tư
tưởng, nhà văn không đi sâu khắc họa tính cách nhân vật mà đặt nhân vật trong sự
"tự nhận thức" chính mình dưới ánh sáng của lương tâm, từ đó đặt ra vấn đề tự
nhận thức và kiểu người tự phê phán, nhìn nhận con người qua góc nhìn nhân bản,
đời thường.Qua mỗi hình tượng nhân vật, nhà văn đều thể hiện được góc nhìn đa
chiều, đa diện của mình về con người, song chung quy lại đều thể hiện tư tưởng
nhân bản cốt lõi trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu.
Nhân vật Quỳ trong “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”, bước ra từ chiến
tranh khốc liệt, trải qua biết bao nhiêu biến động của thời chiến, để lại trong lòng
những vết thương lòng khó phai, những nỗi ám ảnh cả tiềm thức đến vô thức. Điều
đó ảnh hưởng sâu sắc đến nội tâm, tính cách, quan điểm sống và hành động của
nhân vật cho đến tận cuộc sống thực tại. Một nội tâm luôn đặt ra những câu hỏi, sự
thắc mắc, dằn vặt về chính bản thân và những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, về
mối tình sâu nặng nhất nhưng lỡ dở của mình. Bi kịch đầu tiên là bi kịch ở sự
mong muốn và thực tế trái với điều mình mong muốn. Quỳ trong Người đàn bà
trên chuyến tàu tốc hành yêu Hòa (một người trác việt) nhưng cô mong muốn anh
phải trở thành một “thánh nhân” nên cô không thể chấp nhận được cái tật đổ mồ
hôi tay và hay mặc quần xà lỏn của anh trong lúc hai người yêu nhau; dù ở tuổi 29,
anh là một người vô cùng tài giỏi với nhiều chiến công lẫy lừng, được mọi người
quý trọng. Cô luôn hờ hững và chạy trốn tình yêu của Hòa cho đến khi anh mãi hy
sinh thì cô mới nhận ra rằng trên đời không có ai là thánh nhân và mình không cần
yêu một thánh nhân – cô chỉ cần có Hòa. Khoảnh khắc Quỳ cầm đôi tay dập nát
của anh cô mới cảm thấy trân trọng đôi tay ấy, cô ước được cầm lại đôi tay nguyên
vẹn như thuở nào - đôi tay mà khi xưa cô vẫn hay chê trách vì hay đổ ướt mồ hôi.
Hòa bây giờ không còn mặc quần xà lỏn mà đi lêu nghêu trước mắt làm cô phải
phật lòng vì trước mắt cô chỉ còn lại một thân xác rả rời vì bom đạn. Tất cả chỉ còn
lại ánh mắt và một nụ cười bí hiểm.Với đôi mắt nhạy cảm trước những biến động
của cuộc sống, nhà văn xây dựng những nhân vật thế sự trong đời thường, nhắc
nhở con người về quan hệ ứng xử, về đạo đức và lối sống. Qua mỗi hình tượng
nhân vật, nhà văn đều thể hiện được góc nhìn đa chiều, đa diện của mình về con
người, song chung quy lại đều thể hiện tư tưởng nhân bản cốt lõi trong sáng tác của
Nguyễn Minh Châu.
Tính đa diện còn được thể hiện ở Hòa (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành)
là một trung đoàn trưởng tài khiến người lính ở hàng ngũ bên kia cũng phải
ngưỡng mộ. Nhưng trong sinh hoạt hàng ngày, Hoà cũng có những thói nọ tật kia
như những con người bình thường khác. Anh mừng rỡ, hí hửng khi được thăng
cấp; chăn một đàn gà riêng, đánh một cái quần xà lỏn đi phát rẫy; yêu người này,
nói xấu sau lưng người kia; có hai bàn tay lúc nào cũng dấp dính mồ hôi... Hòa vừa
là một thánh nhân nhưng cũng lại là con người phàm tục với những ham hố, nhược
điểm. Nhân vật Hòa là một hình mẫu hoàn toàn mới khác hẳn với những con người
trong tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu trước 1975.
Nhà văn tập trung chú ý vào số phận con người, tính cách nhân vật và đã huy
động vào đấy tâm hồn đa cảm dồi dào, ấn tượng tươi mới và xúc động về cuộc
sống, bút pháp chân thực và 1 giọng văn trữ tình trầm lắng, ấm áp. Suy nghĩ, trăn
trở không ngừng về số phận những con người lao động bình thường trước những
thử thách ác liệt của chiến tranh, cũng như trong cuộc sống vất vả hằng ngày,
xuyên thấm các trang viết của Nguyễn Minh Châu, và chính sự chuẩn bị này đã
biến anh thành 1 trong những đại diện sớm sủa, kiên định và có uy tín của trào lưu
văn học đổi mới ở nước ta hiện nay.

3.3. Ý nghĩa của sự đổi mới

Về cơ bản, sự vận động và đổi mới ý thức nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu
không nằm ngoài sự vận động đồng hướng của văn xuôi VN đương đại trong 1 vài
thập kỉ trước và sau 75. Đó là quá trình vận động dựa trên sự phù hợp biện chứng
của một hình thái ý thức xã hội với những đặc điểm của hoàn cảnh lịch sử xã hội.
Chiến tranh qua đi, văn học VN cũng đã từng bước chuyển từ khuynh hướng sử
thi sang góc độ đời tư - thế sự. Từ thuần túy là những lời khẳng định, ngợi ca tự
tin, những phương tiện giáo dục, tuyên truyền hữu hiệu đối với cuộc kháng chiến
và con người kháng chiến - một đối tượng phản ánh vĩ đại, lớn lao nhưng cũng
giản dị, rõ ràng bởi những chuẩn mực công cộng nhất định, văn học đã trở thành 1
hành trình kiếm tìm, khám phá vừa được mở rộng trong bộn bề những vấn đề của
cuộc sống nhân sinh thế sự, vừa được đào sâu những tầng bậc bí ẩn của tâm hồn
con người.Với những tìm tòi và khám phá "dũng cảm và điềm đạm", Nguyễn Minh
Châu không phải là nhà văn đổi mới đầu tiên sau chiến tranh nhưng lại giữ vai trò
tiên phong trong những cố gắng đưa văn học trở về với cuộc sống đời thường.
Trong văn học giai đoạn trước năm 1975, con người luôn được đặt trong đời
sống tập thể, cái tôi cộng đồng được quan tâm hơn cả thì việc tìm về với cái tôi cá
nhân, xây dựng hình ảnh con người mang ý thức cá nhân sâu sắc của Nguyễn Minh
Châu có ý nghĩa to lớn, như một sự mở đầu, bước ngoặt cho hành trình tìm về cái
tôi của nền văn học hiện đại, hậu chiến tranh. Nguyễn Minh Châu cùng những tác
giả cùng thời như Nguyễn Khải, Lê Lựu,… đã tiếp tục khai thác vấn đề về "cái tôi
đã mất" để văn học của giai đoạn tiếp theo chứng kiến sự khẳng định về ý thức cá
nhân sâu sắc, cái tôi cá nhân mạnh mẽ cùng sự tồn tại mang tính bản chất của con
người.
Bên cạnh đó, chính sự suy tư về nhân tính, sự truy vấn về đạo đức con người là
một khía cạnh khiến cho Nguyễn Minh Châu vượt lên tầm vóc của thời đại. Nhân
vật họa sĩ trong "Bức tranh" được đặt trong hoàn cảnh "tự nhận thức" lại bản thân,
tự truy vấn nhân tính, đặt chính mình trong sự soi chiếu với đạo đức con người.
Chính bởi thế, con người trở nên đa diện, lẫn lộn giữa cái tốt và cái xấu, họ không
được định giá như thời kỳ trước, bằng lòng yêu nước hay sự cống hiến mà là trong
những thách thức của cuộc sống đời thường, những góc khuất phía sau bức chân
dung cuộc đời. Nguyễn Minh Châu khai thác miền sâu ẩn ức của thể giới tâm hồn
con người như một nhà tâm lý học, chính cảm quan tư duy hiện đại này đã mở ra
một miền khác lạ về con người, điều mà xuất hiện phổ biến trong rất nhiều trang
văn của các tác phẩm sau Nguyễn Minh Châu như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp,
… Tác phẩm “Bức tranh” là đánh dấu bước ngoặt trong giai đoạn sáng tác của
ông. Sáng tác này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong những sáng tạo văn học
của các nhà văn. Theo dấu chân đời sống, người lính bước tiếp cuộc sống của
mình, trở về với đời sống xã hội vốn có, nhà văn cũng vậy. Nhà văn đưa mình trở
về với thực tại, quan tâm đến hiện thực đời thường và số phận con người cá nhân.

Với con người làm trung tâm của nghệ thuật – một bản thể đầy bí ẩn và là nơi
đi đến của văn học nghệ thuật. Hình tượng con người trong các sáng tác của
Nguyễn Minh Châu là con người đa dạng, phức tạp và ẩn chứa nhiều cung bậc cảm
xúc cũng như những tầng sâu trong hồn người. Tư tưởng sáng tác của ông có kết
tinh cao nhất là đối với giai đoạn sau năm 1975. Giáo sư Trần Đình Sử nhận xét:
“Bắt đầu từ truyện ngắn Bức tranh đến tập Người đàn bà trên chuyến tàu tốc
hành,… truyện ngắn Nguyễn Minh Châu xuất hiện như là một hiện tượng văn học
mới, một phong cách trần thuật mới…”

Tiểu kết

Như vậy, giai đoạn thời kì đất nước đi vào công cuộc đổi mới, dựng xây nhà nước
xã hội chủ nghĩa, ngòi bút Nguyễn Minh Châu mang đầy những đối mới so với giai
đoạn trước đó. Nổi bật căn bản là sự khác biệt trong tư tưởng trên căn cứ đối sánh
với thời kì trước. Trước hết, ông nhạy cảm và nhạy bén với thời cuộc nên bước đầu
đã phát hiện ra hiện tượng đời sống trong nhận thức triết học, lịch sử từ đó đặt ra
quá trình tự nhận thức tư duy cảm quan của người đọc. Ngoài ra còn thể hiện ở
thiên hướng nắm bắt được các hiện tượng đời sống chân thực từ tận trong thẳm sâu
ẩn khuất. Đặc biệt trong đó là nhận thức tư duy về con người trong mối tương quan
với các mối quan hệ đời sống nhiều tầng bậc, lớp nang đa dạng, sâu sắc.

You might also like