You are on page 1of 5

ĐỀ 01 : PHÂN TÍCH ĐẶC SẮC TÌNH HUỐNG TRUYỆN TRONG TÁC PHẨM

Nguyễn Tuân được đánh giá là “nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp”. Ông có vị trí và ý nghĩa quan trọng đối với nền văn học
Việt Nam. Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân thoát li hiện thực, tìm về nếp sống thanh nhã của người xưa thông qua tập truyện “Vang bóng
một thời”. Trong đó, “Chữ người tử tù” là một trong những thiên truyện xuất sắc nhất, cho thấy tài xây dựng tình huống truyện của “cây
bút quái kiệt” trong nền văn học nước nhà.

Nguyễn Tuân (1910 – 1987), bút danh Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc, Thanh Hà - là người thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục (tên Nôm
là làng Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn, từ nhỏ ông
đã theo gia đình sinh sống ở nhiều tỉnh miền Trung, nhất là Thanh Hóa. Nguyễn Tuân học đến cuối bậc Thành chung Nam Định (tương
đương với cấp THCS, tiền thân của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định hiện nay) thì bị đuổi vì tham gia bãi hóa phản đối
giáo viên Pháp xúc phạm đến người Việt. Về con người, Nguyễn Tuân được biết đến là một người trí thức giàu tinh thần dân tộc, yêu
tha thiết những giá trị văn hóa nước nhà. Ông đa tài đa nghệ, bên cạnh văn học còn am hiểu nhiều môn nghệ thuật khác: hội họa,
điêu khắc, sân khấu, điện ảnh…Lối sống phóng khoáng, ý thức cá nhân phát triển cao của ông không phù hợp với chế độ thuộc địa, hai
lần đi tù đều vì lí do chính trị. Về văn chương, Nguyễn Tuân là nhà văn lớn, có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại.:
thúc đẩy thể tùy bút, làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học dân tộc,..Ông có phong cách nghệ thuật độc đáo, uyên bác, sâu sắc với
các tác phẩm chính như Một chuyến đi (1938), Vang bóng một thời (1940), Đường vui (1949)… Trong đó, tập truyện ngắn “Vang bóng
một thời” với tác phẩm “Chữ người tử tù” được xem là kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân trước Cách mạng. “Chữ người tử tù” ban
đầu có tên là “Dòng chữ cuối cùng”, in năm 1939 trên tạp chí Tao đàn. Đây là một truyện ngắn đặc sắc trong “Vang bóng một thời” –
tập truyện được xuất bản năm 1940, gồm 11 truyện ngắn viết về “một thời” đã qua nay chỉ còn “vang bóng”. Mỗi truyện trong “Vang
bóng một thời” đi vào một cái tài, một thú chơi tao nhã, phong lưu của những nhà nho lỡ vận : chơi chữ, thả thơ đánh thơ,.. “Chữ
người tử tù” xoay quanh cuộc gặp gỡ kì lạ, có phần éo le của Huấn Cao, người tử tù đang bị áp giải về kinh lĩnh án chém và viên quản
ngục người cai quản chốn ngục tù tối tăm nhưng lại là con người yêu và trân trọng cái đẹp.

Nổi bật trong các khía cạnh thành công của “Chữ người tử tù” chính là cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, thể hiện rõ nét phẩm
chất của từng nhân vật. Tình huống truyện là một hoàn cảnh đặc biệt mà ở đó nhân vật bộc lộ rõ nét những suy nghĩ, hành động, năng
lực và cá tính của mình. Tình huống gắn bó chặt chẽ với cốt truyện, chi phối chiều hướng nhân vật và thể hiện sâu sắc dụng ý của tác giả.
Trong “CNTT”, tình huống truyện là cuộc gặp gỡ khác thường của hai con người khác thường : viên quản ngục – kẻ đại diện cho bạo lực
tăm tối nhưng mang khát khao ánh sáng của chữ nghĩa và Huấn Cao – người tử tù có tài viết chữ đẹp nổi tiếng. Cuộc hội ngộ giữa hai kẻ
biệt nhỡn liên tài trở nên oái oăm khi họ gặp nhau giữa chốn ngục tù, trong một tình thế éo le : cuộc chạm trán giữa một tên “đại
nghịch”, cầm đầu cuộc nổi loạn đang đợi ngày ra pháp trường với kẻ đại diện cho trật tự xã hội đương thời. Khi biết Huấn Cao - người mà
mình luôn ngưỡng mộ bị giải đến nhà lao nơi mình cai quản, viên quản ngục đã có những biệt đãi đặc biệt, rượu thịt chu tất cho người tử
tù mà đáng ra mình phải đối xử tàn nhẫn. Song vốn tính kiêu bạc, ngang tàn lại căm ghét cái xấu xa giả tạo, ban đầu Huấn Cao tỏ ra coi
thường, khinh bạc đối với những tiếp đãi đặc biệt ấy. Cuối truyện, khi nhận ra tấm lòng trong sáng, chân thành của viên quản ngục, Huấn
Cao đã vô cùng cảm động, hối hận vì “thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Để đáp lại tấm lòng ấy, ông đã quyết
định tặng chữ và đưa những lời khuyên chân thành để bảo vệ thiên lương trong sáng ở viên quản ngục.

Có thể thấy, nét độc đáo trong tình huống truyện nằm ở tính éo le và kì lạ của cuộc gặp gỡ giữa hai kẻ đại diện cho hai thái cực của trật
tự xã hội thời bấy giờ. Nói là cuộc gặp gỡ éo le là bởi xét trên bình diện xã hội, Huấn Cao và quản ngục là những kẻ đối địch nhau, là kẻ
thù của nhau : một người đấu tranh để lật đổ cái trật tự xã hội hiện hành, một kẻ là đại diện cho cái trật tự mà người kia đang muốn
đánh đổ. Nhưng trên phương diện tài hoa, nhân cách, họ lại là những người bạn tri âm, tri kỉ : một người là nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp, một
người biết thưởng thức và trân trọng cái đẹp ; một người trân trọng những tấm lòng trong thiên hạ và một người là “thanh âm trong
trẻo” giữa chốn ngục tù. Nhưng không chỉ éo le và trớ trêu, cuộc gặp gỡ này còn mang phần kì lạ. Không gian diễn ra cuộc gặp gỡ là nhà
ngục, là phòng giam ẩm thấp bẩn thỉu nơi vốn chỉ gợi nhắc đến sự tăm tối, bạo hành và tội ác. Thời gian diễn ra cuộc gặp gỡ cũng rất ấn
tượng : đó là những ngày cuối cùng của người tử tù trước khi bị giải về kinh chịu án chém. Giữa không gian u ám và thời gian khắc nghiệt,
một cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa những tâm hồn yêu cái đẹp dường như là điều “xưa nay chưa từng có”, là một sáng tạo đáng nể phục của
nhà văn Nguyễn Tuân.

Với truyện ngắn, tình huống truyện có ý nghĩa rất quan trọng, là vấn đề cốt lõi của tác phẩm. Tình huống của “Chữ người tử tù” cũng vậy.
Trước hết, nó đã góp phần làm nổi rõ tính cách nhân vật, đặc biệt là Huấn Cao – nhân vật chính của truyện : là một người tài hoa, hiên
ngang, bất khuất trước cái ác, cái xấu nhưng lại mềm lòng trước cái thiện, cái đẹp. Với viên quản ngục, tình huống truyện giúp soi sáng vẻ
đẹp tâm hồn ông – một kẻ biệt nhỡn liên tài, một tấm lòng trong thiên hạ. Tình huống truyện thúc đẩy cốt truyện phát triển, tạo không
khí căng thẳng, lôi cuốn : Từ tình huống truyện, cốt truyện được triển khai, phát triển và lên đến cao trào trong cảnh cho chữ cuối tác
phẩm. Chính tình huống độc đáo đã tạo cho câu chuyện sự lôi cuốn, hấp dẫn người đọc ngay từ đầu tác phẩm. Tình huống truyện cũng ít
nhiều làm bật sáng chủ đề tác phẩm : ngợi ca cái đẹp, cái tài và đề cao cách hành xử giàu tinh thần nhân văn và cao thượng – sống trên
đời không được phụ những tấm lòng tri kĩ, phải biết “biệt nhỡn liên tài”. Từ đó thể hiện trọn vẹn phong cách nghệ thuật của Nguyễn
Tuân : một nhà văn ưa khám phá sự vật, hiện tượng ở phương diện thẩm mĩ, xây dựng hình tượng nhân vật là những người tài hoa nghệ
sĩ. Cùng với đó là niềm yêu thích những sự việc độc đáo, phi thường.

Nhìn chung, tình huống truyện là một thành công nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm, góp phần tạo nên giá trị, sức hấp dẫn của tác phẩm
đồng thời thể hiện rõ phong cách nghệ thuật độc đáo của tác giả Nguyễn Tuân.
Thông qua việc xây dựng tình huống truyện ấn tượng trong “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân đã thể hiện được tư tưởng chủ đề của
truyện ngắn, đồng thời nhấn mạnh chất văn của mình : quan niệm về sự bất tử của cái đẹp, khẳng định và tôn vinh sự chiến thắng của
ánh sáng đối với cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao cả của con người.

ĐỀ 02 : PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT HUẤN CAO


Giữa cuộc đời cũng như trong nghệ thuật, Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ có lí tưởng thẩm mĩ và phong cách độc đáo. Đánh giá về Nguyễn
Tuân, nhà văn Nguyễn Minh Châu nhận định : Nguyễn là “một cái định nghĩa về người nghệ sĩ”. Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn
Tuân nổi tiếng với “Vang bóng một thời” – tập truyện viết về những vẻ đẹp của “một thời” đã qua nay chỉ còn “vang bóng”. Trong đó,
“Chữ người tử tù được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, kết tinh phong cách sáng tác và tài năng nghệ thuật của nhà văn.
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn này không nhiều, nhưng nhân vật nào cũng hiện lên thật sống động với số phận, tính cách và vẻ đẹp
riêng. Điển hình là Huấn Cao – nhân vật trung tâm của tác phẩm.

Có thể nói, trong số những nho sĩ cuối mùa của “Vang bóng một thời”, Huấn Cao là một hình tượng nhân vật nổi bật - một con người vừa
có tâm vừa có tài, hiên ngang và bất khuất.

Theo sách “Thi nhân Việt Nam”, nguyên mẫu của nhân vật Huấn Cao là danh nhân lịch sử Cao Bá Quát (1808 – 1855). “Huấn” trong Huấn
Cao là huấn đạo (giáo thụ) – chức quan phụ trách việc học ở một huyện. Cao Bá Quát từng giữ chức giáo thụ ở Quốc Oai – Hà Tây. Còn
“Cao” lại chính là họ của “thánh Quát”. Trong lịch sử nước ta, Cao Bá Quát không chỉ nổi tiếng là văn hay chữ tốt mà còn là người cương
trực, quý trọng tài năng, có bản lĩnh, sống có lí tưởng và dám đương đầu với cường quyền : cứng cỏi đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa
Mĩ Lương chống lại triều đình nhà Nguyễn hèn yếu, lạc hậu để rồi hi sinh trong một trận đánh. Tuy nhiên, Cao Bá Quát suy cho cùng chỉ là
một điểm tựa, một chất liệu văn học để Nguyễn Tuân xây dựng nên nhân vật của mình. Phần hư cấu, sáng tạo của nhà văn vẫn là chủ yếu
bởi Huấn Cao xuất hiện trong tác phẩm theo đúng lý tưởng thẩm mĩ và quan niệm nghệ thuật của tác giả.

Ngay từ đầu tác phẩm, thông qua cuộc đối thoại giữa viên quản ngục và thầy thơ lại, nhà văn đã cho thấy một cái nhìn tổng quát về tài
năng của Huấn Cao : “cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”. Đây không phải lời khen của một cá
nhân, đó là lời của người dân cả một tỉnh – tức là cái tài của ông Huấn đã được công chúng rộng rãi thừa nhận từ lâu. Chữ viết không chỉ
là kí hiệu ngôn ngữ mà còn thể hiện tính cách con người. “Nét chữ nết người”, chữ của Huấn Cao “đẹp lắm, vuông lắm” - nét chữ thể
hiện khí phách hiên ngang của kẻ tử tù từng tung hoành tứ bề. Chữ Huấn Cao đẹp đẽ quý hiếm đến mức viên quản ngục sẵn sàng “biệt
đãi” tên tử tù – điều mà cả ông hay bất cứ ai cũng hiểu là hành động phạm pháp, thậm chí bị quy vào tội đồng lõa với phạm nhân. Với tội
danh này, nặng thì bị xử tử, nhẹ thì mất việc, khuynh gia bại sản. Quản ngục vừa đánh đổi sự nghiệp lẫn tính mạng, vừa phải hạ mình
nhẫn nại trước một tù nhân – một chuyện vô lí trên đời. Nhưng đó âu cũng chỉ là vì chữ của Huấn Cao, đối với quản ngục – chính là mơ
ước, là một “vật báu trên đời”. Có thể thấy, qua vẻ đẹp tài năng của Huấn Cao, Nguyễn Tuân không hề giấu giếm thái độ say mê, cảm
phục của mình với những người như ông Huấn , với nhân vật mang vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc - tài viết thư pháp. Sáng
tạo vẻ đẹp tài năng Huấn Cao có thể xem là một phương thức nghệ thuật để nhà văn kín đáo thể hiện tình cảm yêu mến, trân trọng của
mình đối với những giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc.

Là người “văn võ đều có tài”, bên cạnh chữ viết, Huấn Cao còn hiện lên với vẻ đẹp khí phách. Ông có cốt cách ngạo nghễ, phi thường của
một bậc trượng phu : Không theo vinh hoa phú quý mà chọn đứng về chính nghĩa, về những người dân thấp cổ bé họng để rồi trở thành
tử tù phản nghịch triều đình. Tuy bị giam cầm về thể xác nhưng ông Huấn vẫn hoàn toàn tự do trong hành động “dỡ cái gông nặng tám tạ
xuống nền đá tảng đánh thuỳnh một cái” và “lãnh đạm” không thèm chấp sự đe dọa của tên lính áp giải. Điều đó cho thấy ông là người
không chịu khuất phục, không sợ cường quyền, đòn roi. Mặc dù ở trong tù, Huấn Cao vẫn thản nhiên “ăn thịt, uống rượu như một việc
vẫn làm trong hứng bình sinh”, chẳng màng tới cái chết đang cận kề. Lời tự nhủ “đến cái cảnh chết chém ông còn chẳng sợ nữa là…”
được chứng thực bằng hành động mỉm cười lặng lẽ khi hay tin mình sẽ phải thụ án ngay trong sớm mai. Đối với Huấn Cao, cái chết
dường như không đáng sợ bằng việc phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ : ông vẫn đủ thanh thản, vị tha để xúc động trước tấm lòng
viên quản ngục và day dứt vì lỡ khinh miệt một người mang sở nguyện cao đẹp.

Tuy nhiên, vẻ đẹp đơn thuần nhất của Huấn Cao không nằm ở tài năng hay khí phách mà chính ở sự “thiên lương”. “Thiên lương” là bản
tính tốt đẹp do trời phú, là bản chất sâu thẳm bên trong con người. Thiên lương của Huấn Cao thể hiện ở lòng tự trọng. Ông biết giữ lấy
cái tài, biết trân trọng tài năng đích thực của mình và biết dùng nó đúng lúc đúng chỗ : chỉ cho chữ bạn tri âm tri kỉ, không vì quyền uy mà
ép mình viết chữ. Đó là con người chính trực, khảng khái, kiêu bạc ngạo nghễ với vẻ đẹp tâm hồn trong sáng lành vững mà thời đại nào
cũng cần. Không chỉ vậy, thiên lương của kẻ tử tù còn thể hiện ở cách ứng xử cao thượng và đầy tinh thần văn hóa. Vốn mang ác cảm,
nhưng đến khi hiểu được con người bên trong của ngục quan, khi đã “cảm” được tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” thì Huấn Cao nhanh chóng
bỏ qua những nghi kị trước đó, vui vẻ tự nguyện cho chữ. Điều đó cho thấy lẽ sống : sống là phải xứng đáng với những tấm lòng tri kỉ,
phụ tấm lòng cao đẹp của người khác là không thể tha thứ. Đây là lẽ sống cao đẹp, coi trọng thiên lương. Chuyện xin chữ - cho chữ đến
đây đã không còn là một thú chơi mà trở thành một bài học về đạo đức và lẽ sống của mỗi con người.

Ba vẻ đẹp đáng trân trọng của con người : “tài” – “tâm” – “dũng” hòa quyện với nhau và tỏa sáng rực rỡ trong cái đêm Huấn Cao cho chữ
quản ngục. Vẻ đẹp tài hoa : tài năng của Huấn Cao không còn là những lời đồn đại, nó đã hiện thành hình với “những nét chữ vuông tươi
tắn,…” Vẻ đẹp khí phách : khi nghe tin thụ án, quản ngục và thầy thơ lại lo lắng tái nhợt người đi, đối nghịch với Huấn Cao thản nhiên đón
nhận cái chết, một mực tập trung vào nét chữ và thưởng thức hương thơm của thoi mực. Vẻ đẹp thiên lương : Nâng niu thiên lương - đỡ
viên quản ngục đứng thẳng dậy, lời khuyên dẫn dắt, phát triển thiên lương trong quản ngục đi theo hướng tốt đẹp, nhân văn hơn.
Nhìn chung, Huấn Cao là hình tượng nhân vật thể hiện rõ quan niệm thẩm mĩ của tác giả : cái đẹp phải là sự kết hợp giữa cái tâm và cái
tài. Gốc của cái đẹp, cũng như gốc của chữ nghĩa chính là “thiên lương”. Cái đẹp dù trong hoàn cảnh nào cũng vươn lên và tỏa sáng. Qua
Huấn Cao, nhà văn gắm thông điệp sống đẹp, sống nhân văn, trân trọng, bảo vệ và phát triển “thiên lương”. Về nghệ thuật, tác phẩm bao
trùm bởi bút pháp lãng mạn, lí tưởng hóa hình tượng Huấn Cao – một người mang vẻ đẹp toàn diện. Cùng với đó là thủ pháp tương phản
giữa cái đẹp (Huấn Cao, quản ngục, thầy thơ lại) và cái xấu (chốn ngục tù). Ngôn ngữ được tác giả sử dụng vừa cổ kính vừa hiện đại,
mang đậm chất “điện ảnh” – nét đặc trưng trong văn chương Nguyễn Tuân.

Có thể nói, Huấn Cao là một trong những hình tượng nhân vật đẹp nhất của nhà văn Nguyễn Tuân. Qua Huấn Cao, nhà văn thiết tha gửi
đến người đọc thông điệp về sống đẹp, sống có “thiên lương”, biết “biệt nhỡn liên tài” dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào.

ĐỀ 03 : PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT QUẢN NGỤC


Giữa cuộc đời cũng như trong nghệ thuật, Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ có lí tưởng thẩm mĩ và phong cách độc đáo. Đánh giá về Nguyễn
Tuân, nhà văn Nguyễn Minh Châu nhận định : Nguyễn là “một cái định nghĩa về người nghệ sĩ”. Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn
Tuân nổi tiếng với “Vang bóng một thời” – tập truyện viết về những vẻ đẹp của “một thời” đã qua nay chỉ còn “vang bóng”. Trong đó,
“Chữ người tử tù được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, kết tinh phong cách sáng tác và tài năng nghệ thuật của nhà văn.
Tương tự như kẻ tử tù Huấn Cao, nhân vật viên quản ngục cũng được đặt trong tình cảnh éo le – làn ranh giới giữa thiện và ác, từ đó làm
sáng lên những vẻ đẹp nhân văn trong chốn oái oăm ngục tù.

Nguyễn Tuân (1910 – 1987), bút danh Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc, Thanh Hà - là người thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục (tên Nôm
là làng Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn, từ nhỏ ông
đã theo gia đình sinh sống ở nhiều tỉnh miền Trung, nhất là Thanh Hóa. Nguyễn Tuân học đến cuối bậc Thành chung Nam Định thì bị
đuổi vì tham gia bãi hóa phản đối giáo viên Pháp xúc phạm đến người Việt. Về con người, Nguyễn Tuân được biết đến là một người
có lối sống phóng khoáng, là một trí thức giàu tinh thần dân tộc, yêu tha thiết những giá trị văn hóa nước nhà. Về văn chương,
Nguyễn Tuân là nhà văn lớn, có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Tập truyện ngắn “Vang bóng một thời” với tác
phẩm “Chữ người tử tù” được xem là kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân trước Cách mạng. “Chữ người tử tù” ban đầu có tên là
“Dòng chữ cuối cùng”, in năm 1939 trên tạp chí Tao đàn. Đây là một truyện ngắn đặc sắc trong “Vang bóng một thời” – tập truyện
được xuất bản năm 1940, gồm 11 truyện ngắn viết về “một thời” đã qua nay chỉ còn “vang bóng”. Mỗi truyện trong “Vang bóng một
thời” đi vào một cái tài, một thú chơi tao nhã, phong lưu của những nhà nho lỡ vận : chơi chữ, thả thơ đánh thơ,.. “Chữ người tử tù”
xoay quanh cuộc gặp gỡ kì lạ, có phần éo le của Huấn Cao, người tử tù đang bị áp giải về kinh lĩnh án chém và viên quản ngục người
cai quản chốn ngục tù tối tăm nhưng lại là con người yêu và trân trọng cái đẹp.

Bên cạnh vẻ đẹp tài hoa khí phách của Huấn Cao, dù không có tên tuổi song hình tượng nhân vật viên quản ngục cũng lấp lánh những vẻ
đẹp diệu kì.

Quản ngục trong câu chuyện là một người đàn ông đứng tuổi, mang nét suy tư nho nhã trái ngược hẳn với hoàn cảnh nhà tù u ám, hoang
tàn : “Đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu “, “Những đường nhăn nheo của bộ mặt tư lự”, “mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và
êm nhẹ”.

Đáng buồn thay, hoàn cảnh của viên quản ngục lại không “bằng lặng” như vẻ ngoài của ông. Việc phải sống “giữa một đống cặn bã”,
“phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt” đã khiến viên quản ngục ít nhiều nhiễm những thói xấu thông thường của chốn ngục tù, song tác
phẩm lại thể hiện điều đó một cách kín đáo : “cặp mắt hiền lành”, “trái với phong tục nhận tù thường ngày”, “những mánh khóe hành hạ
thường lệ”. Sự bất bình thường trong cách đối xử với Huấn Cao, sự bất ngờ của đám lính trước ngục quan đã cho thấy cái thông thường
trong cách hành xử “bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc” ở viên coi ngục và cả cái nhà tù này. Tuy nhiên, Nguyễn Tuân không dành nhiều tâm
sức để miêu tả cụ thể những biểu hiện tiêu cực của ngục quan trong công việc cai quản lao tù hằng ngày, mà ông tập trung thể hiện đời
sống nội tâm bên trong và bản chất thật của nhân vật. Dưới ngòi bút tác giả, quản ngục là người có “tính cách dịu dàng và lòng biết giá
người”, một “người thẳng thắn” nhưng “phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”. “Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi, một
kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay vô tình.” - lời bộc bạch cho thấy sự thật : quản ngục vẫn chưa hoàn toàn
đánh mất mình, ở ông vẫn còn giữ được những vẻ đẹp thiên lương trong sáng. Ông là quản ngục, nhưng cũng là tù nhân chung thân của
cái nhà ngục do chính mình cai quản. Cái danh, cái lợi, trách nhiệm, bổn phận của một ông ngục quan là những thứ gông cùm, xiềng xích
vô hình siết chặt tâm hồn quản ngục suốt đời. Bi kịch của quản ngục chính là việc phải sống trong sự giằng xé giữa tâm hồn và hoàn
cảnh, là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.

Song, hoàn cảnh bi kịch lại là nền cho vẻ đẹp phẩm chất được tỏa sáng. Vẻ đẹp của viên quản ngục trước hết là ở tâm hồn nghệ sĩ : là
một người làm nghề coi ngục, là công cụ trấn áp của bộ máy thống trị đương thời, nhưng ông lại có một thú chơi tao nhã - chơi chữ. Sở
nguyện “một ngày kia được treo ở riêng nhà mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Coi chữ của kẻ tử tù như một “vật báu trên
đời”, sẵn sàng nhẫn nại hạ mình, dám đánh đổi cả sự nghiệp lẫn tính mạng chỉ để xin được chữ của vị anh tài. Để rồi trong những ngày
ngắn ngủi khi ông Huấn bị giam trong ngục, viên quản ngục luôn sống trong sự dằn vặt, nỗi khổ tâm, lo lắng vì mai mốt “ông Huấn bị
hành hình mà không kịp xin được mấy chữ thì ân hận suốt đời”. Tâm trạng ấy của quản ngục cho thấy cái sở nguyện chơi chữ không chỉ là
sự thỏa mãn thú vui của một cá nhân. Trên hết, đó là một con người mang tâm hồn nghệ sĩ, biết trân trọng những giá trị văn hóa của dân
tộc. Bên cạnh đó, không riêng gì kẻ tử tù, ở viên quản ngục cũng có vẻ đẹp khí phách : dũng cảm biệt đãi Huấn Cao và “năm người đồng
chí của ông”, dẫu biết rằng điều đó đi ngược lại với nghề nghiệp, với chính tính mạng của mình. Vẻ đẹp khí phách tồn tại song song với vẻ
đẹp thiên lương, biểu hiện qua tấm lòng biết “biệt nhỡn liên tài”. Sự biệt đãi của quản ngục đỗi với Huấn Cao là một hành đông xuất phát
từ lòng say mê cái đẹp và mến trọng khí phách. Dù bị Huấn Cao tỏ ra khinh bạc nhưng vẫn nhỏ nhẹ “Xin lĩnh ý” - không hề oán thù, không
giở trò tiểu nhân thị oai. Quản ngục thừa hiểu rằng Huấn Cao là người “chọc trời quấy nước, đến trên đầu người ta, người ta cũng chẳng
cần biết có ai nữa, huống chi cái thứ mình chỉ là một kẻ tiểu lại giữ tù”. Điều đó cho thấy quản ngục rất biết “giá người”, biết mình biết ta,
hiểu đời hiểu người, biết nhận diện cái đẹp đích thực. Đặc biệt, ông trân trọng, nâng niu những người tài, những cái đẹp mà ông biết là
“có một không hai” trên đời. Quản ngục không “lớn” ở uy quyền mà “lớn” ở nhân cách.

Xuôi theo dòng cốt truyện, ba vẻ đẹp của quản ngục dần liên kết rồi tựu chung ở cảnh cho chữ của kẻ tử tù. Vừa có khí phách dám xin
chữ Huấn Cao, dám sắp xếp một đêm cho chữ trong phòng giam, vừa có tâm hồn mang chất nghệ sĩ - chăm chú chứng kiến những nét
chữ dần hiện ra, khúm núm cất từng đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ. Vẻ đẹp thiên lương đến đây cũng tỏa sáng rực rỡ. Nhân cách và sở
nguyện cao đẹp của quản ngục cuối cùng đã được Huấn Cao thấy hiểu, chia sẻ và trân trọng. Trước lời khuyên chân thành của Huấn Cao,
quản ngục chắp tay vái người tử tù một vái, nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào : “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Cái vái lạy và
dòng nước mắt không làm cho quản ngục trở nên nhỏ bé, đê hèn mà ngược lại làm cho hình tượng này trở nên lớn mạnh, đẹp đẽ hơn về
nhân cách. Cái cúi đầu của thầy quản ngục vái lạy Huấn Cao chính là cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai “Nhất sinh đê thủ bái mai
hoa”. Diễn biến nội tâm, hành động và cách ứng xử của viên quản ngục cho thấy ông là một người có nhân cách đẹp, là “một tấm lòng
trong thiên hạ”, xứng đáng là tri âm, tri kỉ với Huấn Cao.

Nếu Huấn Cao là hiện thân của cái đẹp thì quản ngục chính là tín đồ của cái đẹp với tình cảm yêu mến, tôn thờ, khao khát, say mê và trân
trọng cái đẹp. Huấn Cao là đấng sáng tạo ra cái đẹp thì quản ngục chính là sứ giả của cái đẹp, vừa phá vỡ những giới hạn thông thường
để đến với cái đẹp, vừa là giá đỡ, là bệ phóng cho cái đẹp được thăng hoa và bất tử. Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc biệt, đặt nhân vật
vào tình huống gặp gỡ độc đáo, kết hợp với nghệ thuật cường điệu, phóng đại, tương phản giúp bộc lộ sâu sắc tính cách nhân vật.

Đặt nhân vật trong một tình huống truyện éo le, Nguyễn Tuân đã thể hiện quan điểm nghê thuật tiến bộ của mình thông qua hình tượng
người quản ngục. Đó là sự bất tử của cái đẹp. Đôi khi cái đẹp tồn tại trong môi trường của cái ác, cái xấu nhưng không vì thế mà nó lụi
tàn, trái lại, nó càng mạnh mẽ và bền bỉ hơn. Và trong mỗi con người chúng ta, ai cũng ẩn chứa một tâm hồn yêu cái đẹp, cái tài, cái phần
“thiên lương”.

ĐỀ 04 : PHÂN TÍCH CẢNH CHO CHỮ TRONG TÁC PHẨM.


Nguyễn Tuân được biết tới là một nhà văn duy mĩ trước Cách mạng tháng Tám. Ông có tình yêu say đắm với cái đẹp, thông qua thơ văn
để ngợi ca cái đẹp cũng như tôn thờ nó. Theo ông, mĩ (cái đẹp) là đỉnh cao của nhân cách con người. Những nhân vật hiện lên trong tác
phẩm của Nguyễn Tuân phải là hiện thân của cái đẹp. Đó là những con người tài hoa hoạt động trong những hoàn cảnh, môi trường đặc
biệt, phi thường. Ông phát hiện, miêu tả cái đẹp phải đạt được cả bên ngoài và bên trong của nhân vật. Truyện ngắn “Chữ người tử tù”
trong tập “Vang bóng một thời” là áng văn hay nhất, tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân. Giá trị tư tưởng và dụng công nghệ thuật của
Nguyễn Tuân được thể hiện chủ yếu trong đoạn văn tả một cảnh tượng xưa nay chưa từng có : cảnh tượng một người tử tù cho chữ một
viên cai ngục.

Trong đó, cảnh cho chữ trong nhà giam ở cuối thiên truyện là một trong số những đoạn văn làm người đọc ngạc nhiên, sững sờ trước
một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, chứa đựng một nhân cách cao cả và một bút pháp tinh luyện.

Cốt truyện của “Chữ người tử tù” được xây dựng trên một cuộc gặp gỡ kì lạ giữa hai con người đối lập. Là kẻ đại diện cho bạo lực tăm
tối, quản ngục lại rất khát khao ánh sáng của chữ nghĩa. Kẻ ây đã gặp được người viết chữ nổi tiếng mà mình vốn nghe danh. Oái oăm
thay, cuộc gặp gỡ giữa hai kẻ biệt nhỡn liên tài bỗng trở thành cuộc chạm trán giữa một người tử tù và một viên quan coi ngục. Bởi sở
nguyện xin chữ tử tù mà viên quản ngục phải nhún nhường, nhã nhặn hạ mình ngay cả khi bị Huấn Cao xua đuổi. Tình huống truyện được
thắt nút ở chi tiết quản ngục bỗng nhận được công văn thụ án của ông Huấn. Đặt trong dòng cốt truyện, trong kết cấu của tác phẩm,
cảnh cho chữ trong nhà giam có vai trở “mở nút”, giải tỏa. Từ đây, nổi bật lên vẻ đẹp kì vĩ của các nhân vật, nổi bật lên lí tưởng thẩm mĩ
của nhà văn Nguyễn Tuân.

Cảnh cho chữ được chính tác giả công nhận là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Không gian cho chữ là “một buồng tối chật hẹp,
ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”, với ánh sáng tỏa ra từ một bó đuộc tẩm dầu, khói bốc mù mịt khiến
mọi người dụi mắt lia lịa. Thời gian cho chữ là thời khắc tiệm cận cái chết của người tử tù. Tư thế của những con người cho chữ và nhận
chữ cũng khác thường. Người cho chữ cổ vẫn đeo gông, chân vẫn vướng xiềng nhưng tư thế, hành động thì nghĩa hiệp, đang phóng bút
sáng tạo ra cái đẹp cho đời. Kẻ nhận chữ vốn đầy uy quyền chốn nhà lao – lúc này lại “khúm núm” cất những đồng tiền kẽm. Còn thầy
thơ lại – kẻ có lẽ chỉ dưới một người, trên trăm người trong cái nhà ngục – thì “run run bưng chậu mực”. Thân phận của nhân vật đã
thay đổi. Kẻ tử tù tuy bị cầm tù về nhân thân nhưng lại tự do trong nhân tâm, đắm chìm trong sáng tạo, thưởng thức – vốn là đối tượng
cần được giáo dục cảm hóa, nay lại đứng ở vị thế kẻ ban phát những lời khuyên cho quản ngục. Còn quản nguc, tuy tự do về nhân thân
nhưng bị cầm tù về nhân cách, phải âm thầm sùng bái cái đẹp – vốn là người cai quản tử tù, nay lại đứng ở vị thế “bái lĩnh” lời khuyên và
dòng chữ của người tử tù. Hoàn cảnh cho chữ, tư thế của những con người cho chữ và nhận chữ “xưa nay chưa từng có” nêu trên đã làm
nổi bật tính chất “chưa từng có” của cuộc gặp gỡ này. Đây là lần đầu tiên, nhưng đau xót thay – cũng là lần cuối cùng ba con người ấy
được gặp nhau với con người thật của mình. Không còn là kẻ tử tù, không còn là quan cai ngục. Lúc này chỉ có những tấm lòng biệt nhỡn
liên tài đang rung cảm với những nét chữ vuông vắn trên tấm lụa trắng tinh.

Chi tiết kết thúc cảnh cho chữ càng gợi không khí lắng đọng, thiêng liêng : Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một
câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào : “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Khác với lần “lĩnh ý” trước, lần “bái lĩnh” này
là kết quả của sự bừng tỉnh, sự giác ngộ. Chiến thắng đã thuộc về cái đẹp, cái cao thượng. Điều đó thể hiện lí tưởng thẩm mĩ, niềm tin
đáng quý của Nguyễn Tuân trong hoàn cảnh xã hội đen tối, tù túng thời bấy giờ : ngay giữa nơi tưởng chỉ có thể tồn tại cái xấu, tài năng
và nhân cách cao cả của con người vẫn có thể tìm thấy không gian, thời gian để tồn tại và chiến thắng.

Đoạn trích cảnh cho chữ đã khẳng định sự chiến thắng, sự bất tử của cái đẹp, tài năng và nhân cách con người. Từ đó cho thấy quan
điểm thẩm mĩ đáng ca ngợi của tác giả, đồng thời thể hiện niềm tin vào con người : sống giữa tăm tối nhưng vẫn giữ thiên lương, đứng
trước cái chết nhưng vẫn một lòng kính trọng thiên lương, tin tưởng vào sự vĩnh thiện, phục thiện của con người. Để lại bài học lớn cho
người đọc : muốn chơi chữ phải giữ lấy thiên lương. Chơi chữ lúc này không chỉ là chuyện chữ nghĩa ; đó là một bài học về lẽ sống, về văn
hóa con người. Nghệ thuật tương phản, ngôn từ cổ kính kết hợp cùng nhịp điệu câu văn chậm rãi như một thước phim quay chậm đã làm
nổi bật vẻ đẹp của các hình tượng và ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm.

Cảnh cho chữ cuối thiên truyện “Chữ người tử tù” là một kết thúc có hậu. Nó giúp người đọc thêm yêu mến một nét đẹp trong truyền
thống văn hóa của dân tộc, giáo dục cách ứng xử văn hóa, thái độ tôn trọng tài năng và gieo vào lòng người một niềm tin vào sự bất diệt
của thiên lương. Đoạn trích là đỉnh điểm sáng tạo của Nguyễn Tuân, thể hiện tài năng nghệ thuật và xây dựng cốt truyện, khiến người
đọc phải “bái lĩnh” trước vẻ đẹp của một tư tưởng, tài hoa của một nghệ sĩ.

You might also like