You are on page 1of 3

CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ [1]

 MB:
“Mỹ học là triết học của sự sáng tạo nghệ thuật” (Hêghen). Thật vậy, những “Trà Hoa nữ” của Vecđi,
những “Hồ thiên nga” của Traicopxki đã trở thành tượng đài trong lòng biết bao người chiêm nghiệm chúng.
Trong nền văn học hiện đại Việt Nam cũng có một nhà văn tài hoa theo đuổi phương châm “nghệ thuật vị
nghệ thuật” ấy. Không ai khác chính là Nguyễn Tuân. Cái đẹp tựa như hơi thở, như nguồn sống trong các
sáng tác của Nguyễn Tuân. Và có lẽ, thiên truyện Chữ người tử tù in trong tập “Vang bóng một thời” là nét
chấm phá độc đáo bậc nhất mà người nghệ sĩ ngôn từ đã để lại cho đời. Đặc biệt qua đoạn trích vén màn tác
phẩm, hình tượng Huấn Cao được Nguyễn Tuân khắc họa hết sức thành công qua tiếng đời dành cho y.
Đồng thời diễn biến tâm trạng, sự náo nức tiềm tàng trong ý thức viên quản ngục và thầy thơ lại cũng hiển lộ
một cách vô cùng hài hòa.

 TB:
Khái quát “Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật” (Nguyễn Đình Thi – Điếu văn
truy điệu Nguyễn Tuân). Lời khẳng định của Nguyễn Đình Thi có thể được chứng minh bằng chính hành
trình sáng tạo của Nguyễn Tuân. Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân “muốn mỗi ngày có được cái
say sưa như là men rượu tối tân hôn” và ông mải miết đi tìm cái đẹp để thỏa mãn nhu cầu ấy. Nhưng ở xã hội
Việt Nam thời bây giờ, cái đẹp chân chính thật không dễ tìm chút nào. Bất mãn với xã hội, không tìm thấy
cái đẹp trong hiện tại, Nguyễn Tuân phải đi tìm cái đẹp trong quá khứ một thời vang bóng. Tập truyện vang
bóng một thời là sự khởi đầu cho hành trình đi tìm cái đẹp của nhà văn. Qua tập truyện này Nguyễn Tuân đã
làm sống lại những phong tục tập quán của dân tộc, những thú chơi tao nhã – những “thanh âm trong trẻo”
trong một xã hội hỗn loạn xô bồ mà Nguyễn Tuân gọi là xã hội “ối a ba phèng”.
Nhan đề Chỉ với tên tác phẩm, Nguyễn Tuân đã khơi gợi lên sự tò mò cho độc giả. Nhan đề đặc sắc ở
chỗ nó thể hiện tình huống éo le mà Huấn Cao gặp phải nhưng cũng cho thấy trí tuệ của ông. “Chữ” tượng
trưng cho sự tài hoa, tri thức lại sóng đôi cùng “người tử tù”, kẻ bị coi là thành phần bất hảo và không thể cải
tạo. Tuy nhiên, “tử tù” này không phải là người tầm thường mà là một bậc nho sĩ khí phách, có tài viết chữ
đẹp mỹ miều. Như vậy, chỉ trong bốn từ ngắn gọn, Nguyễn Tuân đã gửi gắm trọn vẹn thông điệp tác phẩm
thông qua tựa đề.
Tình huống truyện Thành công của một tác phẩm là đến từ tình huống truyện đặc sắc, đó chính là
chiếc chìa khóa thúc đẩy cốt truyện dâng lên cao trào. Chữ người tử tù cũng là một câu chuyện như thế,
Nguyễn Tuân đã đặt nhân vật của mình vào nghịch cảnh trớ trêu, cuộc hội ngộ giữa hai thế lực đối lập. Một
bên đại diện cho con người tài hoa khí phách, một bên là quyền lực tăm tối của xã hội phong kiến. Cuộc gặp
gỡ diễn ra đầy kịch tính, lôi cuốn người đọc, cuối cùng vẻ đẹp thiên lương tao nhã đã thắng thế trước cái xã
hội tàn bạo, xấu xa.
Nguyên bản nhân vật Trong văn học, nhân vật là linh hồn tác phẩm, có khả năng khắc hoạ xã hội
đương thời hay gián tiếp thể hiện tư duy của tác giả. Huấn Cao cũng không phải ngoại lệ, ông mang trong
mình phẩm chất nhà nho đầy anh dũng. Nguyễn Tuân đã dựa vào nguyên mẫu nhà nho giáo, vị lãnh tụ của
cuộc khởi nghĩa nông dân là Cao Bá Quát sở hữu tài hoa và dũng khí phi thường để sáng tạo ra nhân vật
Huấn Cao (Cao là họ, Huấn là dạy). Xây dựng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân vừa thể hiện lí tưởng thẩm
mĩ của ông lại vừa thỏa mãn tinh thần nổi loạn của ông đối với xã hội đen tối tàn bạo lúc bấy giờ.
Đoạn 1 Huấn Cao được miêu tả trên ba phương diện, một nghệ sĩ tài hoa, một vị anh hùng khí phách,
một người có thiên lương trong sáng. Đến với biệt khúc vén màn tác phẩm, ta nhận thấy được vẻ đẹp tài hoa
xuất chúng của ông Huấn chỉ qua tiếng đời dành cho. Với tội danh tử tù, ông bước vào đề lao với bao điều
tiếng. Thế nhưng không chỉ có vậy, những lời khen, lời đồn thổi về ông mà viên quản ngục và thầy thơ lại có
dịp nghe người dân “nhắc nhỏm” cũng xôn xao hệt như kiến vỡ tổ. Người tỉnh Sơn đề cập đến Huấn Cao như
một bậc thầy, một nghệ sĩ tài hoa, tiếng lành đồn xa đến mức ngay cả chốn lao ngục tối tăm, bốn bề kín kẽ
cũng biết đến ôn: người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó, là người
văn võ đều có tài. Như vậy, tài năng của ông được miêu tả gián tiếp thông qua đoạn đối thoại giữa quản ngục
và thầy thơ lại, giúp độc giả mường tượng hình ảnh Huấn Cao bằng sự tài hoa kể cả khi nhân vật chưa chính
thức xuất hiện. Ở nơi ảm đạm như ngục giam, cái tài của Huấn Cao vẫn được tán thưởng. Thầy thơ lại bộc lộ
sự tiếc nuối khi nghĩ đến việc ông sắp bị hành hình phải chém những người như vậy, tôi nghĩ mà thấy
tiêng tiếc, chi tiết này cho thấy Huấn Cao có tài đến mức ngay cả thầy bát cũng không muốn ông lìa trần.
Đoạn 2 Đoạn văn nằm ở phần mở đẩu tác phẩm, sau cuộc trò chuyện của ngục quan và thầy thơ lại về
Huấn Cao. Đây là bức tranh của nhà tù tỉnh Sơn đêm trước khi Huấn Cao vào trại giam. Đoạn văn thể hiện
bút lực già dặn bậc thầy của Nguyễn Tuân trong việc tả cảnh ngụ tình, hé mở cho người đọc về con người
thật của viên quản ngục, góp phần khẳng định sức tỏa sáng của hình tượng Huấn Cao giữa chốn ngục tù tăm
tối.
Khung cảnh nhà tù tỉnh Sơn hiện lên trong không gian tối mịt với những âm thanh quen thuộc vọng
lên chút sự sống quạnh quẽ nơi đây. Tiếng trống thu không, tiếng kiểng mõ đều đặn, thưa thớt nhịp khiến
không gian thêm hoang vu. Cảnh ở đây yên tĩnh và đầy rùng rợn với tiếng dội chó sủa ma từ một làng xa.
Lấy động để tả tĩnh, Nguyễn Tuân đã dùng âm thanh làm nền để bật lên khung cảnh hoang vu, tĩnh mịch đến
lạnh lẽo của chốn tù lao – nơi ngự trị của cái ác và bóng tối, cảm tưởng như lẩn khuất đâu đây chỉ toàn
những bóng ma, không một chút sự sống. Có âm thanh nhưng chỉ vẳng lại từ xa, thưa thớt và heo hắt, có
hình ảnh của mặt đất nhưng chỉ thấy thăm thẳm cỏ đẫm sương. Nguyễn Tuân tả cảnh qua đôi mắt nhìn của
viên quản ngục – đôi mắt chứa đầy tâm trạng, gợi bao suy tư, trăn trở. Đi qua vùng ấy, những cái song bỗng
vô hình giam hãm, trói buộc những nhân cách, số phận con người. Nhiều cái song kẻ những nét đen thẳng
lên nền trời như vạch ranh giới hư ảo với chốn ngục tù nơi đây. Trong màn đêm đen bao trùm cảnh vật,
điểm vào những mảng sáng nhỏ nhoi của lốm đốm tinh tú. Nguyễn Tuân sử dụng bút pháp lấy động để tả
tĩnh, thủ pháp đối lập, dựng lên khung cảnh chốn tù lao hoang vắng, yên tĩnh. Cảnh tĩnh nhưng không chết,
âm thanh, màu sắc kết nối với nhau bằng những sợi dây vô hình, toát lên nền ấy là tâm trạng của viên quản
ngục.
Quản ngục xuất hiện trong cái dáng người lặng lẽ đầy ưu tư trăn trở. Dường như ngục quan đang
bâng khuâng về hoàn cảnh sống của mình giữa chốn tù lao bức bối trói buộc con người, trói buộc nhân cách
đang khát khao cái đẹp. Quản ngục trân trọng và cảm phục Huấn Cao bởi tài hoa và khí phách anh hùng, âm
thầm tiếc nuối cho một nhân cách lớn sắp rơi vào tay tử thần. Cái nhìn của ngục quan hướng tới ngôi sao
Hôm cũng là cái nhìn hướng đến cái đẹp, cái cao cả của tâm hồn. Bởi vậy mà giữa cái tối tăm của ngục tù,
ngục quan vẫn hiện ẩn với vẻ đẹp của con người lương thiện, khao khát cái đẹp và trân trọng người tài là
“một âm thanh trong trẻo” chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ. Khơi được nét tâm
trạng này của quản ngục, Nguyễn Tuân càng khẳng định thêm sức tỏa sáng của hình tượng Huấn Cao. Chính
tài hoa và khí phách anh hùng của Huấn Cao đã đánh thức một tâm hồn lâu nay ngủ quên trong bóng tối để
tâm hồn ấy tìm được trái tim đồng cảm, tri âm, tri kỉ. Phải chăng đó cũng là một ngôi sao sáng giữa màn đêm
đen?
Đoạn 3 Nhân vật Huấn Cao có tiếng là người có tài viết chữ nhanh và đẹp. Ông không chỉ có tài về
nghệ thuật thư pháp mà còn có cái trí tuệ uyên bác. Từng nét chữ của ông ẩn chứa cả văn hóa, quan niệm về
nhân thế. Người ta treo chữ ông trong nhà không chỉ để chiêm ngưỡng cái đẹp của bức thi họa, mà còn để
ngẫm nghĩ những tư tưởng sâu sắc. Nhưng tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Thêm
vào đó, Huấn Cao được miêu tả là một người chính trực, khẳng khái, không vì tiền bạc, quyền thế mà ép
mình cho chữ bao giờ. Thế nhưng, khi hiểu ra nỗi lòng và sở thích cao quý của viên quản ngục, đồng thời
cảm động trước tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục, Huấn Cao đã đồng ý với ước nguyện của y,
tạo nên một cảnh tượng độc đáo diễn ra ở chốn ngục tù.
Từ xưa đến nay, ta vẫn thường thấy cảnh cho chữ được diễn ra tại những nơi trang trọng, có đủ trăng
hoa tuyết nguyệt để khơi nguồn cảm xúc. Tuy nhiên, Nguyễn Tuân đã xây dựng nên một cảnh cho chữ trong
một hoàn cảnh vô cùng khác lạ, đó là trong ngục tù tăm tối, trước khi Huấn Cao bị dẫn ra pháp trường. Trong
không gian đêm khuya vắng lặng, chỉ còn “văng vẳng tiếng mõ chòi canh”, dưới ánh sáng đỏ rực của bó
đuốc tẩm dầu, nơi buồng giam chật hẹp và ẩm ướt, viên quản ngục hàng ngày khét tiếng tàn bạo giờ đây lại
khúm núm, trái ngược với một kẻ tử tù "cổ đeo gông, chân vướng xiềng" lại đĩnh đạc và làm chủ nơi ngục
tù.
Bình luận nội dung Có ý kiến cho rằng: Nguyễn Tuân là nhà văn duy mĩ, tức là điều khiến ông quan
tâm chỉ là cái đẹp, là nghệ thuật. Nhưng qua truyện ngắn “Chữ người tử tù” mà đặc biệt là cảnh cho chữ ta
càng thấy rằng nhận xét trên là hời hợt, thiếu chính xác. Đúng là trong truyện ngắn này, Nguyễn Tuân ca
ngợi cái đẹp nhưng cái đẹp bao giờ cũng gắn với cái thiện, thiên lương con người. Bên cạnh đó, truyện còn
ca ngợi viên quản ngục và thầy thơ lại là những con người tuy sống trong môi trường độc ác xấu xa nhưng
vẫn là những “thanh âm trong trẻo” biết hướng tới cái thiện. Qua đó còn thể hiện tấm lòng yêu nước, căm
ghét bọn thống trị đương thời và thái độ trân trọng đối với những người có “thiên lương” trên cơ sở đạo lí
truyền thống của nhà văn.
Bình luận nghệ thuật Bút pháp lãng mạn đã xây dựng nhân vật Huấn Cao với những tính cách, nhiều
tài năng được lí tưởng hóa, đối lập với hoàn cảnh, đứng cao hơn hoàn cảnh. Xen lẫn trong đó là nét chấm phá
của ngôn ngữ góc cạnh, giàu tính tạo hình, sử dụng nhiều từ Hán Việt, từ cổ để tạo dựng không khí thời đại
và con người một thời vang bóng. Và thật là thiếu sót nếu không nhắc đến tình huống truyện độc đáo tột
đỉnh.

 KB:
Chữ người tử tù là viên ngọc toàn thiện, toàn mỹ, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn đàn Việt Nam.
Tác phẩm đi vào lòng người đọc, chứng minh tài năng của ngòi bút Nguyễn Tuân. Dẫu nhiều thập kỷ đã trôi
qua song nét đẹp vị anh hùng Huấn Cao và viên quan coi ngục luôn trường tồn. Trong xã hội hiện đại, độc
giả vẫn tôn vinh nét đẹp xưa và xem Chữ người tử tù là cánh cửa mở đến chân trời của những nho sĩ cuối
mùa. Như các văn phẩm khác trong Vang bóng một thời, truyện ngắn Chữ người tử tù sẽ nằm mãi trong tim
người yêu văn học Việt Nam. Thiên truyện chứa đựng giá trị của một thời vàng son, đồng thời lan rộng giá
trị đến tận những thế hệ sau.

You might also like