You are on page 1of 5

ĐÂY THÔN VĨ DẠ - HÀN MẶC TỬ

MB:
Vừa lạ vừa quen, ta bắt gặp khát vọng sống ở mọi trái tim, mọi ngõ ngách giữa cuộc đời hối hả.
Trong thời chiến, khát vọng sống được nhìn thấy qua lòng quả cảm và quyết tâm của những người chiến sĩ
giữa mưa bom bão đạn, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Còn với thời bình, khát vọng sống lại được nhìn
nhận ở nhiều khía cạnh hơn thế. Trước hết, ta thấy rõ nhất khát vọng sống ở những con người đang mang
trong mình căn bệnh hiểm nghèo, ví như vị thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử ở những giây phút cuối đời vậy. Trong
khoảng thời gian tuyệt vọng và khổ sở đó, “Đây thôn Vĩ Dạ” trích từ tập thơ “Điên” là một tác phẩm độc đáo
bậc nhất được ra đời dưới ngòi bút của ông, và được xem là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của
phong trào Thơ mới cũng như trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
+ Đoạn 1: Nhắc đến “Đây thôn Vĩ Dạ”, người ta thường nhớ đến bức tranh thiên nhiên và con người tươi
đẹp của xứ Huế trong tâm trí say mê gắn bó, tình cảm nhớ thương đằm thắm, tâm trạng bâng khuâng tiếc
nuối của Hàn Mặc Tử thông qua khổ thơ đầu.
+ Đoạn 2: Nếu khổ thơ đầu là sự bừng sáng kí ức của hoài niệm về vườn Vĩ Dạ lúc hửng đông thì khổ
thơ thứ hai lại phác họa nên cảnh xứ Huế đêm trăng thơ mộng cùng bao nỗi niềm chia lìa, lạc loài bơ vơ,
buồn thương tuyệt vọng của thi sĩ.
+ Đoạn 3: “Đây thôn Vĩ Dạ” sở hữu một bức tranh xứ Huế thơ mộng trong tâm trí Hàn Mặc Tử, một nỗi
niềm cô đơn tuyệt vọng của nhà thơ vì mối tình đơn phương không thành mà bản thân lại đang trong bi kịch
của xa lánh do căn bệnh phong quái ác... Tuy nhiên, ẩn sâu trong cái đau xót của nhân vật trữ tình, Hàn Mặc
Tử còn truyền tải tới người đọc một thông điệp về khát vọng sống cao đẹp qua khổ thơ cuối.

TB:
 Khái quát:
Hàn Mặc Tử sống vừa trọn chẵn 26 năm. 26 năm của tuổi thanh niên đã sớm khởi phát tài năng để đi
tới khẳng định thiên tài. Từ tài năng của một thần đồng đang ngồi trên ghế nhà trường đến tập Thơ điên là
thời kỳ bệnh nặng của nhà thơ. Trăng không còn trăng của Bẽn lẽn: “Trăng nằm sóng soải trên cành liễu”.
Suối không còn suối của trăng tắm. Từ cõi chết, nhà thơ vụt dậy đến với cõi sống không gian khi nhận được
tấm bưu ảnh xứ Huế của cô Hoàng Thị Kim Cúc. Cõi sống không gian làm nhà thơ nhớ về một Vĩ Dạ nắng
xanh, thuyền đậu, khói mơ, cũng là nơi quê nhà của nàng cố nhân. Đây thôn Vĩ Dạ được viết trong cơn đau
thương mà như một hồi sinh của tâm hồn qua đau thương, qua cõi chết nay về với bến đậu. Vĩ Dạ là hồn quê,
hồn không gian làm nên tươi tắn và mãnh liệt sống của thơ Hàn. Thơ Hàn khát khao một khuôn mặt, khát
khao một lá trúc, khát khao về một cõi sống thanh cao, cứng cỏi.
 Khổ 1:
Đây thôn Vĩ Dạ cho ta gặp một cái tôi trữ tình đau thương và khao khát. Câu thơ mở đầu gợi bao suy
tưởng trong lòng người đọc:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Đây liệu có phải là câu hỏi có đượm một chút trách khéo về việc “anh” đã lâu không về thăm thôn Vĩ? Bởi,
khi làm bài thơ này, Hàn Mặc Tử đang ở trại phong Tuy Hòa và nhận được bức ảnh của cô Cúc về miền quê
xứ Huế, ông theo đó mới phác họa nên những đường nét xưa cũ qua dòng hồi ức mà bức ảnh gợi nhắc.
Nhưng với câu hỏi này, ta cũng có thể hiểu đó là câu hỏi tu từ với nhiều sắc thái. Không những là câu hỏi, là
lời trách cứ nhẹ nhàng mang ý nghĩa mời gọi thiết tha của cô gái thôn Vĩ dành cho nhà thơ. Song, đây cũng
là lời Hàn Mặc Tử tự trách mình, tự vấn mình, là một day dứt làm sống dậy cả một thế giới của hoài niệm.
Câu thơ bảy chữ nhưng chứa bảy thanh bằng đi liền nhau làm cho âm điệu trách móc dịu nhẹ đi, trở nên tha
thiết và bâng khuâng. “Anh” ở đây là đại từ nhân xưng được dùng ở ngôi thứ nhất chứ không phải ngôi thứ
hai. Một câu hỏi mang tính chất giãi bày, câu thơ thể hiện niềm nuối tiếc. Dòng thơ đượm buồn, có pha chút
hối hận. Cả bài Đây thôn Vĩ Dạ được chắp bút nên phải chăng là để trả lời câu hỏi đầu tiên này mà thôi?
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Thôn Vĩ hiện lên qua hồi tưởng của nhà thơ thật đẹp. Đó là cảnh thôn Vĩ trong một buổi sáng “nắng
mới lên”, ngày mới bắt đầu. Từ trong tưởng tượng của người đọc, một bức tranh tươi đẹp về thiên nhiên, con
người xứ Huế được hiện lên nên thơ, yên bình. Cả bức tranh nổi bật lên màu nắng tươi mới trên bầu trời cao
xanh, màu nắng ấy đã làm tỏa rạng cả một vườn xanh tươi. Hai nét vẽ thật tài hoa: một nét trên cao, nắng ban
mai rực rỡ, nhảy múa lung linh trên những hàng cau; một nét dưới thấp, màu xanh mướt như ngọc của vườn
cây sum suê hoa trái. Bút pháp tả cảnh của thi nhân ở đây thật tinh tế: có “nắng mới lên” thì sương mới tan
và vườn cây mới mướt và có “mướt” thì mới “xanh như ngọc” được. Tất cả gợi lên cảm giác xanh tươi lạ
thường, liên tưởng tới mảnh vườn nhỏ y như một viên ngọc thanh thoát mà đồng nội giữa cảnh sắc xứ Huế
mộng mơ. Phải yêu thôn Vĩ lắm thì trong hồi tưởng của mình, cảnh vườn quê thôn Vĩ mới sống dậy lung linh
rạo rực dưới ngòi bút của nhà thơ như thế. Với hai câu thơ này, hàng cau quê hương và màu xanh làng quê
đất Việt có thêm một giá trị mới trong ngòi bút thơ đầy phát hiện của Hàn Mặc Tử. Và một chữ “ai” vừa như
phiếm chỉ lại như xác định, nhói lên một nỗi đau. “Vườn ai...” tức đâu còn là vườn của mình nữa. Đã là vườn
của ai rồi, làm sao mà về lại được nữa? Và hẳn cũng không thể về trong hoàn cảnh bệnh tật hiểm nghèo. Ở
đây có sự đối lập giữa đẹp và đau: cảnh càng đẹp thì lòng càng đau và lòng thi nhân càng đau thì cảnh vật
thôn Vĩ hiện lên càng đẹp trong tâm tưởng xót xa của ông.
Đặc biệt, nổi bật trong những sắc màu tốt tươi mang lại cảm giác thanh bình yên ả ấy, hình ảnh con
người xứ Huế hiện lên hiền lành, đôn hậu với “khuôn mặt chữ điền” ấn lấp sau lá trúc, một biểu tượng cho
sự thanh tao của người quân tử:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Khuôn mặt chữ điền bị lá trúc che ngang lâu nay đã trở thành thách đố đối với biết bao độc giả yêu thơ.
Nhiều người cho rằng khuôn mặt chữ điền là khuôn mặt phúc hậu, hiền lành như ca dao Huế đã từng ca tụng:
“Mặt em vuông tựa chữ điền,
Dạ em thì trắng, áo em mặc ngoài.
Lòng em có đất, có trời,
Có câu nhân nghĩa, có lời hiếu trung”
Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng có ý nghi ngờ khi đặt câu nghi vấn: “Con gái mặt chữ điền thì đẹp gì mà Hàn
Mặc Tử ca ngợi?”. Hình tượng “mặt chữ điền” đặt trong khổ thơ và câu thơ tạo nên ấn tượng nổi bật là sự
hài hòa gắn bó mật thiết giữa con người với vườn tược quê hương. Không những thế, cho dù mặt chữ điền là
khuôn mặt không mấy mềm mại nhưng cũng đã được lá trúc xanh che chắn cho khuất đi sự gai góc ấy. Như
vậy, câu thơ đã khắc họa thành công một nét đáng nhớ, đáng yêu của thôn Vĩ: cảnh đẹp, giàu sức sống, con
người đôn hậu, hiền lành hòa hợp với nhau.
 Khổ 2:
Ở khổ đầu này, tất thảy màu sắc đến đường nét đều tạo cho bức tranh một sự tươi sáng lạ thường,
khiến lòng người yên ổn. Nhưng ở khổ thơ thứ hai, giống như những cảm xúc vui tươi nhất thời khi đón
nhận được món quà đã qua, xúc cảm bám víu bao ngày nay trở lại, ta nhận ra giọng đượm màu chia cách
trong giọng thơ Hàn Mặc Tử:
“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
Một không gian li tán, từ sự tương đồng trong khổ thơ đầu chuyển sang sự đối lập, chia tách phi hiện thực
trong khổ thơ này: gió bay theo lối của gió, mây trôi theo đường của mây. Trong văn học vốn chưa từng có
sự chia tách ấy. “Gió” và “mây” vốn là hai hiện tượng gắn bó mật thiết trong quan niệm phương Đông: “Hổ
tòng phong, long tòng vân” nhưng ở câu thơ của Hàn Mặc Tử thì lại mỗi thứ một đường, tạo một sự chia xa
khó tả. Cảnh li tán ở đây phản chiếu nỗi ám ảnh về sự xa cách mang tính định mệnh giữa nhà thơ với cuộc
đời và con người. Không chỉ có vậy, sự êm đềm của dòng sông xứ Huế lại tạt vào lòng người cảm giác
“buồn thiu”, những cánh “hoa bắp lay” cũng gợi sự mỏng manh yếu ớt khiến cho cả không gian nhuốm màu
đoạn tuyệt thê lương. Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật “nhân hóa”, dòng sông đã trở thành một sinh
thể, có tâm trạng, có hồn, mang nỗi niềm của con người. Từ “gió” được điệp lại ở vế một, đóng khung một
thế giới đầy gió, chỉ có gió, chỉ riêng gió. Từ “mây” điệp ở vế hai, tạo nên một thế giới mây khép kín chỉ có
mây. Vậy là hai sự vật vốn dĩ chỉ đi liền với nhau thì nay tách biệt và chia lìa. Trong khung cảnh không
nhiều vui tươi như thế, một câu hỏi tu từ chợt bật ra:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Cảnh vật được gợi ra một cách lung linh, huyền ảo, tràn ngập ánh trăng, mang ý nghĩa vừa thực vừa
ảo. “Sông trăng” có thể hiểu là dòng sông tràn ngập ánh trăng, cũng có thể là trăng tuôn chảy thành dòng.
“Thuyền trăng” là con thuyền chở đầy trăng, cũng có thể hiểu là trăng giống như hình ảnh một con thuyền.
Dù hiểu theo cách nào thì trăng đã tràn ngập cả không gian, vừa thực vừa ảo, tạo nên một cảm giác mơ hồ.
Trong thơ của Hàn Mặc Tử có cả một miền trăng, để có một thế giới tri âm, chất chứa tâm sự, giải tỏa những
niềm đau, trăng đối với Hàn Mặc Tử là một người bạn tri âm ông luôn ước ao:
“Không gian dầy đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”
Không chỉ có thế, tình yêu cũng là một trong những niềm khát khao của Hàn Mặc Tử. Với Xuân Diệu, trăng
là vú mộng, là tình duyên. Nhưng Hàn Mặc Tử với trăng, trăng là nàng, trăng là gái hồng nhan, nên trăng ở
trong thi sĩ, trăng trong miệng thi sĩ, trăng của một nỗi khát khao trong Một miệng trăng:
“Cả miệng ta trăng là trăng!
Cả lòng ta vô số gái hồng nhan”
Hy vọng vẫn còn nhưng hoài nghi đã lấn át cả hy vọng. “Thuyền ai” lại gợi ra một danh từ phiếm chỉ.
Hai câu thơ chứa đựng cả những hình ảnh mâu thuẫn. Câu dưới không có trăng, ý thơ phi lý về hiện thực
nhưng chúng ta có thể lý giải được khi dựa vào tâm trạng của chủ thể trữ tình. Trăng lúc có lúc không, mong
manh và mờ ảo, người tri kỷ cũng mờ ảo và mong manh nên Hàn Mặc Tử lo âu, phấp phỏng là thế. Chờ
trăng là chờ sự tri âm, chờ sự đồng điệu, chờ sự sẻ chia và chờ được khát khao giao cảm với đời, làm một
người bình thường sống trọn vẹn trên đời. Một lần nữa, câu hỏi tu từ vang lên chữ “kịp” đầy khắc khoải lo
âu. Qua đó thể hiện được quỹ thời gian sống của thi nhân đang vơi cạn đi từng ngày, cuộc chia lìa vĩnh viễn
có thể đến bất cứ lúc nào. Với một người bình thường nếu không trở về tối nay thì còn nhiều những đêm
khác, nhưng với Hàn Mặc Tử nếu thuyền không về đêm nay, không có tri âm thì thi sĩ sẽ ra đi vĩnh viễn
trong đau buồn, vương lại nỗi khát khao trong vô vọng.
 Khổ 3:
Nếu khổ thơ đầu diễn tả vườn Vĩ Dạ buổi ban mai, khổ thứ hai là đêm trăng xứ Huế cùng với những
mặc cảm, chia lìa, xa cách thì khổ thơ cuối lại nêu bật hình bóng khách đường xa và nỗi niềm mơ tưởng của
thi sĩ:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra”
Bị cuộc đời tuyệt giao, nhưng Hàn Mặc Tử không bao giờ chịu tuyệt tình. Càng chia lìa, càng bị cuộc đời bỏ
rơi, thi sĩ càng yêu đời thiết tha, đắm say đến đau đớn. Ao ước trở về thôn Vĩ không thành, thi sĩ lại mơ
tưởng đến người thương thôn Vĩ, may chăng có cứu rỗi mình được không? Nhưng người thương giờ đây chỉ
còn trong mơ, lại là “Mơ khách đường xa, khách đường xa”. Thật xót xa khi trong giấc mơ, người thương đã
thành khách đường xa. Nỗi cách trở chia ly như nhân lên trùng trùng qua nghệ thuật điệp liên tiếp. Ta tưởng
như trong giấc mộng của thi sĩ, bóng dáng người xưa vừa chợt hiện lên đã mờ dần, khuất xa, mất hút. Người
tình xưa như đang chạy trốn ta vậy. Câu thơ tự sự mà mang âm điệu của tiếng nấc nghẹn ngào, của lời than
chới với, hụt hẫng. Đồng thời, trong giấc mơ ấy, bóng hình “em” hiện lên thật ám ảnh: “Áo em trắng quá
nhìn không ra”. Áo em lẫn vào sương khói nên không nhìn thấy, không rõ? Có lẽ không phải vậy. Câu thơ
chỉ là một cách cực tả sắc trắng tuyệt đối, trắng đến lạ lùng của thi sĩ mà thôi. Cực tả vốn là một thiên hướng
của Hàn Mặc Tử. Hơn nữa, những nàng thơ trong cõi thơ của Hàn luôn hiện ra với vẻ đẹp lý tưởng trinh
bạch, thanh khiết và vẻ đẹp ấy bao giờ cũng được biểu lộ bằng sắc áo trắng tinh khôi. Ví như vẻ đẹp thanh
khiết của cô gái đồng trinh đã được cực tả: “Chết rồi - xiêm áo trắng như tinh”. Vậy, cực tả sắc trắng lạ lùng
của người con gái Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử muốn gửi gắm tâm sự gì? Phải chăng đó là niềm đắm say tột bậc
trước vẻ đẹp tinh khôi, trinh nguyên, thanh khiết đến tuyệt vời của người yêu dấu. Cùng với vườn ngọc,
trăng huyền ảo, hình bóng trinh nguyên của người khách đường xa đã hợp thành thế giới ngoài kia - lộng lẫy,
quyến rũ. Nhưng cũng giống như những hoài niệm về vườn Vĩ Dạ lúc hửng đông, sông nước xứ Huế đêm
trăng đi liền với niềm đắm say tột bậc là nỗi đau thương đến xót xa. Câu thơ không chỉ đơn giản là lời thú
nhận bất lực về thị giác mà là bất lực về tâm hồn của một trái tim phải cách xa cuộc đời ngoài kia cả nghìn
thế giới, cả một tầm tuyệt vọng.
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Trong tâm trạng tuyệt vọng đó, nhà thơ hoài nghi tất cả: Có phải sương khói cuộc đời đã làm mờ ảnh
hình của con người? “Ở đây” là không gian nào, Vĩ Dạ mộng mơ hay trại phong lạnh lẽo, là cái lồng khóa
chặt thi sĩ với cuộc đời ngoài kia, là căn bệnh hiểm nghèo mà ngày đêm thi sĩ đang một mình chống chọi
chăng? Ở đây sương khói mịt mù, vùi lấp cả bóng người. Sương khói nào mà lại có sức phủ ghê gớm đến
vậy. Đó chỉ có thể là sương khói của thời gian dài đằng đẵng, của không gian xa nghìn trùng, của mối tình
đơn phương vô vọng, của mặc cảm chia lìa. Những lớp sương khói mịt mù, trùng trùng điệp điệp ấy đã phủ
kín hình ảnh, bóng ảnh. Thế nên, thi sĩ ở trên đời mà như không còn tồn tại nữa. Trong câu thơ như có tiếng
than khổ đau của kiếp người đã bị lãng quên:
“Tôi đang ở đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu”
(Những giọt lệ - Hàn Mặc Tử)
Và cuối cùng, Hàn Mặc Tử đã trút một tiếng thở dài kết thúc cho mối tình xa xăm, vô vọng của mình: “Ai
biết tình ai có đậm đà?” Câu thơ là tiếng dội của câu thơ đầu bài nhuốm màu hoài nghi. Chút hoài nghi trong
câu thơ là có thực, là đúng với tâm trạng thi sĩ lúc bấy giờ, nhưng chính cái hoài nghi này lại biểu hiện niềm
tha thiết với cuộc đời của nhà thơ. Bởi đây không phải là một câu nghi vấn thông thường, mà còn là một nỗi
niềm băn khoăn, day dứt trong lòng nhà thơ qua sự xuất hiện một lần nữa của hai danh từ phiếm chỉ “ai”.
Tuy nhiên, trong băn khoăn day dứt cũng chất chứa niềm hy vọng. Và đó chính là niềm thiết tha với cuộc đời
của Hàn Mặc Tử ngay cả khi ông gặp nhiều đau thương, bi kịch khi viết nên Đây thôn Vĩ Dạ. Trong đau
thương tột cùng mà nhà thơ vẫn có những phút giây thả hồn trong trẻo để hướng về một miền quê thân thiết
và một mối tình đầy mộng ảo để tạo nên một “viên ngọc thơ tuyệt vời, chói lọi nghìn năm” (Chế Lan Viên).
 Tóm lược nội dung, nghệ thuật:
Suy cho cùng, khơi nguồn mạch cảm hứng cho cả bài thơ là một câu hỏi và hàng loạt câu hỏi liên tiếp
đã tạo nên giọng điệu băn khoăn, day dứt và khao khát được giãi bày. Khác với nhiều bài thơ trong tập “Thơ
Điên” (sau này đổi tên thành “Đau thương”) thường được viết theo một mạch cảm xúc bất thường, Đây thôn
Vĩ Dạ êm ả, phẳng lặng hơn trên một dòng chảy. Nhưng trên dòng chảy ấy có một con đập chắn ngang, cấu
trúc bài thơ do đó có yếu tố bi kịch. Ngoài ra, việc sử dụng các câu hỏi tu từ, các đại từ phiếm chỉ, các phép
tu từ, sự cường điệu, mờ hóa, sự phong phú và nhất quán của các hoạt động tâm lý... tạo được ấn tượng sâu
đậm trong lòng mỗi người đọc.
KB:
Qua nội tâm mãnh liệt chứa đầy đau đớn, khắc khoải của Hàn Mặc Tử, bức tranh thiên nhiên và con
người thôn Vĩ càng như gợi lên nỗi niềm ngang trái chia lìa của lòng người.
 Hai khổ đầu: Chính sự đối lập của khoảnh khắc hừng đông tươi non và khung cảnh đêm trăng đượm
buồn thấm đẫm sự chia ly đã dấy lên trong lòng người ước mộng sum vầy cháy bỏng. Khát khao đó gửi
gắm vào trăng. Trăng trong thơ Hàn là biểu tượng của cái đẹp, của tình yêu và của hạnh phúc nhưng
cũng nhiều lần trăng đó là điềm báo cho đoạn tan vỡ như cuộc đời của nhà thơ: “Hôm nay còn một nửa
trăng thôi - Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!” (Một nửa trăng).
 Hai khổ sau: Chính khung cảnh đêm trăng đượm buồn thấm đẫm sự chia ly đã dấy lên trong lòng người
ước mộng sum vầy cháy bỏng. Khát khao đó gửi gắm vào trăng. Trăng trong thơ Hàn là biểu tượng của
cái đẹp, của tình yêu và của hạnh phúc nhưng cũng nhiều lần trăng đó là điềm báo cho đoạn tan vỡ như
cuộc đời của nhà thơ: “Hôm nay còn một nửa trăng thôi - Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!” (Một nửa trăng)
Từ nỗi lo âu ấy, khát khao giao cảm với đời của Hàn Mặc Tử càng thêm thiết tha, phải chạy đua từng
giây phút quý giá để bắt kịp với thế giới tươi đẹp ngoài kia.

You might also like