You are on page 1of 6

VỘI VÀNG – XUÂN DIỆU

MB:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
(Giục giã – Xuân Diệu)
Nhắc đến một nhà thơ được mệnh danh là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, chắc hẳn không ai
không nhớ tới nhà thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu không chỉ mới ở phong cách thơ rất “Tây” mà còn mới ở cách
tạo nên bộ y phục tối tân cho thơ ca Việt Nam thời đại bấy giờ. Xuân Diệu đã không ngần ngại thay đổi và
cách tân nhiều yếu tố hình thức của thơ ca. Những cách tân hình ảnh, nhịp điệu trong thơ của ông đã góp
phần tạo nên thành công của hàng loạt tác phẩm, phải kể đến trước nhất là Vội vàng in trong tập thơ đầu tay
“Thơ thơ” của thi nhân. Vội vàng của Xuân Diệu như một bức tranh sống động về cuộc sống tươi đẹp,
những rung cảm mãnh liệt trước niềm vui và hạnh phúc của cuộc sống. Và quan trọng hơn nữa, qua Vội
vàng chúng ta nhận ra một quan niệm sống mới mẻ, một triết lý nhân sinh táo bạo mà nhà thơ muốn gửi
gắm.
+ Đoạn 1 (13): Đặc biệt, đoạn đầu tác phẩm chính là một bức họa ngập tràn màu sắc nêu bật được tình
yêu cuộc sống trần thế tha thiết của Xuân Diệu.
+ Đoạn 2 (16): Đặc biệt, đoạn giữa tác phẩm đã bộc lộ nỗi tiếc nuối, băn khoăn với tuổi trẻ ngắn ngủi,
qua đó thể hiện quan niệm nhân sinh mới mẻ về cuộc đời và tuổi trẻ.
+ Đoạn 3 (10): Đặc biệt, đoạn thơ cuối tác phẩm là lời giục giã cuồng nhiệt, vội vàng của nhà thơ.
TB:
 Khái quát:
Khi phá tung bức màn ước lệ của thơ ca trung đại mà nhìn thẳng vào thế giới bằng đôi mắt của cá
nhân, thơ Mới 1932 - 1945 mở ra một thế giới thiên nhiên trẻ trung, tươi non chưa từng thấy. Lại qua một
tâm hồn nồng nàn, rạo rực tình ái như Xuân Diệu, thế giới ấy lắm khi trở thành một thiên đường. Ai đó đã
thật đúng khi dùng thiên đường trên mặt đất để nói về hình ảnh mùa xuân trong Vội vàng. Mỗi thi sĩ lãng
mạn thời đó thường tìm cho riêng mình một thiên đường. Người mơ tình trong cõi mộng. Kẻ lên chốn bồng
lai tiên cảnh. Người thả hồn bay tới trăng sao. Kẻ quay về khóc thương cho dĩ vãng vàng son, tìm lại mùa thu
lá rụng sương giăng. Thậm chí có người ru mình trong những cơn say cuồng loạn và bất tận để quên nỗi đau
đời. Trong khi ấy Xuân Diệu chủ trương không trốn chạy, không siêu thoát đi đâu cả và đứng vững trên
mảnh đất trần gian này, bám chặt từng phút giây hiện tại này mà tìm nguồn sống. Đối với thi sĩ, thiên đường
không ở đâu xa, không ở trên “thiên” mà có ngay quanh mình, có ngay ở mùa xuân thắm tươi đang bày ra
trước mắt trong Vội vàng. Bài thơ mở đầu bằng một ước muốn thật lạ lùng:
 Đoạn 1:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Điệp ngữ “tôi muốn” như một tuyên ngôn của cái tôi tự tin và đầy tự tôn trước cuộc đời này. Với
cách đưa đại từ “tôi” lên đầu kết hợp với từ “muốn”, Xuân Diệu gần như đã lật nhào mọi quy phạm khắc
nghiệt của nền thơ ca trung đại trước đó. Thơ ca trung đại chỉ bàn tới việc nước, việc đại sự liên quan tới tồn
vong dân tộc. Có chăng chút phong cách cá nhân cũng chỉ dám nép mình sau chữ “ta” chung. Song, các nhà
thơ mới và ngay cả Xuân Diệu, tính phi ngã ấy đã bị phá vỡ hoàn toàn. Cái tôi ấy bàn tới việc gì lớn lao? Đó
là khao khát được “tắt nắng” và “buộc gió”. Con người ta ai mà tắt được nắng, ai mà buộc nổi gió. Vậy là
Xuân Diệu muốn đoạt quyền tạo hóa để chế ngự cả thời gian, cả đất trời. Đôn Ki-hô-tê xưa còn tưởng mình
đánh bại cả quái vật gió nhưng rốt cục đó chỉ là cái “cối xay”. Xuân Diệu cũng vậy, người lại có cái khao
khát quá mức hoang đường. Nắng và gió thuộc về trời cao, vậy mà thi sĩ muốn “tắt”, “buộc”. Hai động từ
mạnh càng như tăng thêm vẻ hăm hở, tự tin của tác giả. Song, khác với Đôn Ki-hô-tê, nguyên do của khát
vọng hoang đường ấy lại hoàn toàn có căn cứ: “Cho màu đừng nhạt mất”, “Cho hương đừng bay đi”. Hóa ra,
ông hoàng thơ tình đang lo lắng. Nhà thơ sợ màu nắng sẽ mất tươi, hoa nở sẽ sớm tàn, hương sắc sẽ sớm
phai. Xuân Diệu càng yêu tha thiết thì càng lo sợ sẽ mất đi. Cho nên người mới ham sống “vội vàng”, cuống
quýt. Hai chữ “đừng” như nguyện vọng thiết tha của chàng thi sĩ: thế giới quanh mình mãi mãi là mùa xuân,
thiên nhiên quanh mình mãi ngưng đọng ở độ thắm tươi, ngọt ngào nhất.
Cái ước muốn thật lạ lùng nhưng lại xuất phát từ một tấm lòng vô cùng thành thực. Chính từ đây,
Xuân Diệu say sưa vẽ ra một thiên đường trên mặt đất:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si”
Các dòng thơ gắn liền cùng các điệp từ “này đây” diễn tả động tác trữ tình. Ta tưởng tượng Xuân Diệu đang
lần lượt bày ra, dâng lên và thiết tha mời mọc người đời từng món ăn ngon lành của mâm cỗ mùa xuân. Đây
quả là những vẻ đẹp đặc trưng của thiên nhiên mùa xuân tươi non, căng tràn sức sống. Hơn thế, điệp từ “của”
lặp lại khiến câu thơ có vẻ hơi Tây và mới lạ. Sau từ “của” mang tính chất kết nối ấy, bức tranh thiên nhiên
tươi đẹp nơi thiên đường trần thế lần lượt hiện ra, vườn xuân cũng là vườn yêu, vườn tình, vườn ái ân hạnh
phúc. Thiên nhiên tạo vật say sưa, rộn ràng, mê mải trao gửi sắc hương, xui khiến lòng người ngất ngây tận
hưởng, để thi nhân tạo hóa thành tình nhân. Chính cái nhìn trẻ, cặp mắt xanh non luôn lấy con người làm
chuẩn mực của cái đẹp đã tạo nên vẻ độc đáo riêng trong bức tranh xuân của Xuân Diệu. “Tuần tháng mật”
của yêu thương vội chốc trở thành mùa vui của bướm ong dập dìu, cành xuân đã hóa thành “cành tơ phơ
phất” đầy nhựa sống, tiếng hót say sưa của “yến anh” trở thành điệu “tình si” say đắm lòng người.
Thiên đường trên mặt đất chính là hình ảnh mùa xuân đang ở độ thắm tươi, ngọt ngào nhất. Xuân
Diệu đã sử dụng những tính từ định ngữ giàu sức gợi cảm: mật, xanh rì, tơ, phơ phất, si... Đâu phải đến khi
Xuân Diệu viết Vội vàng trên thế gian mới có mùa xuân đẹp nhưng trong thơ ca thì nó được xuất hiện lần
đầu tiên. Suốt một thời văn chương mang tính phi ngã, ước lệ, làm sao thiên nhiên được đi vào thơ ca với tất
cả đường nét, sắc màu, thanh âm lẫn hương vị tự nhiên như nó vốn có! Chỉ đến khi thế hệ thi sĩ thơ mới như
Xuân Diệu xuất hiện, ý thức cá nhân bung phá bức tường ước lệ cổ điển, nhà thơ tiếp xúc trực tiếp cùng thế
giới với tư cách chủ thể trữ tình, trong thơ ca mới có một mùa xuân đẹp đến thế.
Thiên nhiên đã đẹp, song con người lại càng đẹp hơn. Trong quan niệm thẩm mĩ của Xuân Diệu, con
người ở độ tuổi trẻ và trong tình yêu chính là vẻ đẹp tối cao trên thế gian này. Bởi thế, ở tư duy thơ, ở cách
xây dựng hình ảnh thơ của Xuân Diệu thường có lối nhân hóa thiên nhiên. Nhà thơ đem đến cho thiên nhiên
vóc dáng, tâm trạng của con người. Bình minh không phải phát ra từ mặt trời mà từ đôi mắt của người thiếu
nữ. Đôi mắt ấy khẽ chớp hàng mi và nắng ấm dào dạt đã tuôn đầy khắp khu vườn tình ái:
“Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi buổi sớm, thần vui hằng gõ cửa”
Khi đôi mắt ấy chớp hàng mi thì lóe ra muôn vàn tia sáng rọi khắp thế gian. Niềm vui được Xuân
Diệu cảm nhận thành vị thần mỗi ban mai gõ cửa đến với từng nhà. Với Xuân Diệu, mỗi ngày được sống,
được chiêm ngưỡng ánh dương, được tận hưởng sắc hương của vạn vật là một ngày hân hoan vui sướng. Và
trong niềm hân hoan vui sướng đó, ngòi bút của thi nhân thật sự rất xuất thần, ông đã sáng tạo nên một câu
thơ tuyệt bút:
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Đây là câu thơ mới mẻ nhất, hiện đại nhất, đã khái quát được sự hấp dẫn của mùa xuân bằng sự so sánh vô
cùng độc đáo. Có thể nói, trước Xuân Diệu, chưa có ai tỏ tình với thiên nhiên như vậy. Nhà thơ cảm thụ
thiên nhiên bằng tình lứa đôi, bằng thể xác và tâm hồn. Tháng giêng vốn vô hình, ai mà ăn uống được bỗng
trở thành vật thể hữu hình qua từ “ngon”. Nó trở thành đối tượng cụ thể của hưởng thụ, của ăn uống. Độc
đáo hơn nữa, sau từ ngon Xuân Diệu lại ví như “một cặp môi gần”. Tháng giêng chứa đựng những gì đẹp đẽ,
tinh khôi nhất của tự nhiên vậy mà nó lại được đem so với cặp môi của con người. Một phép so sánh thật quá
táo bạo. Trước đây trong thơ, vẻ đẹp của con người vốn được ví với nét tinh khiết của thiên nhiên:
“Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
(Chị em Thúy Kiều – Nguyễn Du)
Phép so sánh như đã đưa cặp môi của người thiếu nữ trở thành trung tâm của vũ trụ, con người trở thành
chuẩn mực cho cái đẹp, là thước đo vẻ đẹp của tạo hóa. Không phải mùa xuân của đất trời mang lại tình yêu
cho con người mà chính tình yêu của con người đem đến mùa xuân bất tận cho thế gian. Khác với Nguyễn
Du tả mùa xuân tươi đẹp với chuẩn mực là thiên nhiên như trên, khác với Chế Lan Viên trong Điêu tàn, mùa
xuân đáng yêu là thế mà ông đã chối bỏ gay gắt, quyết liệt:
“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?”
(Xuân – Chế Lan Viên)
Ở đây, Xuân Diệu không có sự phủ nhận thực tại như Chế Lan Viên, mà trái lại, trước thực tại, ông luôn đón
nhận nó một cách nồng nhiệt, thiết tha. Có một cuộc sống đẹp đẽ như vậy để sống, có những sắc màu tuyệt
diệu như vậy để tận hưởng, con người ta sẽ sung sướng biết bao.
Quả thật, cuộc sống trần thế đẹp nhất vào lúc xuân. Và con người chỉ tận hưởng được lúc đang còn
trẻ. Song tuổi trẻ thì tàn phai theo thời gian, vì thế mà Xuân Diệu phải sống vội vàng, giục giã:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Nhà thơ tận hưởng cuộc sống một cách gấp gáp, vồ vập bởi mỗi phút giây đều sẽ ra đi vĩnh viễn. Đang dồn
dập, hối hả như vậy, nhịp thơ đột ngột có chút biến đổi khi có sự xuất hiện dấu chấm giữa dòng thơ: “Tôi
sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”. Dấu chấm ngắt câu thơ ra làm đôi, một nửa thì hăm hở, một nửa thì
ngập ngừng. Quả nhiên, Xuân Diệu đã gửi gắm thành công quan niệm: Mất mát sẽ đến nếu ta không chớp
thời cơ. Có lẽ thế mà Xuân Diệu không chờ mùa hạ đến mới nhớ xuân mà ôm riết mùa xuân lúc tràn đầy,
tươi non. Ham sống, khát sống, Xuân Diệu càng băn khoăn hơn trước sự vội vã của cuộc đời thì ông đã nhận
ra quy luật tuyến tính của thời gian, chống lại quy luật tuần hoàn của ông cha ta ngày xưa.

 Đoạn 2:
Đang say sưa trước một thiên đường trên mặt đất trong đoạn thơ đầu, Xuân Diệu chợt giật mình nhận
ra mùa xuân ấy nào đâu được vĩnh viễn, vẻ đẹp cứ thấm thoắt tiêu trôi theo thời gian. Đâu chờ nắng hạ mới
hoài xuân khi mà đang ở giữa mùa xuân nhà thơ đã thấy trước sự tàn phai của nó:
“Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.”
Mấy ai mà định nghĩa mùa xuân, thực chất là định nghĩa thời gian như Xuân Diệu. Rằng nếu người xưa luôn
yên tâm bình thản trước sự trôi chảy của thời gian bởi họ quan niệm thời gian là tuần hoàn, là sự luân hồi thì
Xuân Diệu lại quan niệm thời gian, mùa xuân, tuổi trẻ một đi không trở lại. Từ đây chữ “xuân” trong Vội
vàng mang theo một nét nghĩa mới: vẫn là xuân của đất trời nhưng đó còn là xuân của đời người. “Mà xuân
hết, nghĩa là tôi cũng mất”. Thế nên ông luôn hốt hoảng lo âu khi thời gian trôi mau. Cách sử dụng cặp từ đối
lập “tới - qua”, “non - già” đã cho thấy sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước bước đi của thời gian. Cùng
với hàng loạt câu thơ văn xuôi theo lối định nghĩa cùng sự lặp lại liên tiếp điệp ngữ “nghĩa là”, Xuân Diệu đã
khẳng định chắc nịch một sự thật hiển nhiên không gì phủ nhận: Dù xuân đương tới, xuân còn non nhưng
xuân sẽ qua, sẽ già, sẽ hết và tuổi trẻ cũng mất. Ở Đi thuyền, nhà thơ cũng từng thốt lên: “Từ tôi phút trước,
sang tôi phút này”. Đối diện với sự thật hiển nhiên mà phũ phàng ấy, Xuân Diệu không khỏi thảng thốt. Ước
mong được sống với tuổi trẻ thì vô cùng nhưng tạo hóa nào đâu chấp nhận. Xuân của đất trời thì tuần hoàn
đấy nhưng xuân của đời người có bao giờ thắm lại hai lần:
“Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!”
“Lòng tôi” và “lượng trời” vốn đã là hai thế cực tương phản của sự hữu hạn và vô hạn. Tuy nhiên
trong góc nhìn của Xuân Diệu thì cái vốn hữu hạn như đời người lại được mở rộng đến vô cùng “lòng tôi
rộng”, còn thứ vốn tưởng chừng vô hạn trong thời gian của đất trời lại trở nên nhỏ bé “lượng trời cứ chật”.
Một loạt hình ảnh được đặt trong thế tương phản đối lập cao độ “rộng” - “chật”, “xuân tuần hoàn” - “tuổi trẻ
chẳng hai lần”. Điều đó đã góp phần làm nổi bật một quy luật tất yếu: Làm sao cuộc đời con người có hai lần
tuổi trẻ? Và, “xuân vẫn tuần hoàn” thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì khi tuổi trẻ đã hết?
Với Xuân Diệu, tuổi trẻ không thắm lại nên cũng không thể nói mùa xuân là tuần hoàn. Thế nên
Xuân Diệu tiếc mùa xuân mà thực chất là tiếc tuổi trẻ:
“Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
Đúng vậy, giữa cái mênh mông của vũ trụ, vô cùng, vô tận của thời gian, tuổi trẻ, sự sống của con
người bỗng trở nên quá ngắn ngủi, chỉ như bóng ai qua cửa sổ, như cái chớp mà thôi. Nhưng ở đây, Xuân
Diệu không tiếc cho mình, tiếc cho tuổi trẻ mà điều ông tiếc nhất chính là “cả đất trời”. Trong khi đồng nhất
hóa mùa xuân với con người, Xuân Diệu đã sống đến tận cùng cảm giác, yêu đến tận cùng mê say và gửi cả
vào mùa xuân khát vọng của một tâm hồn muốn vươn tới cõi vô biên. Nhưng khi ý thức về thời gian đi liền
với tàn phai và hủy diệt, nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc bi kịch của con người phải chịu sự chi phối của quy
luật khách quan. Đó cũng là nỗi niềm chung của con người khi chôn vùi tuổi trẻ trong một cuộc sống đã mất
ý nghĩa mà Hồ Xuân Hương cũng chẳng ngại than thở đó sao?
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”
(Tự tình II – Hồ Xuân Hương)
Điều đặc biệt là Xuân Diệu không thu gọn cảm xúc trong nỗi niềm ngao ngán cho riêng bản thân. Thi
nhân đã dành hẳn một niềm “bâng khuâng, tiếc cả đất trời” để Ịàm nên một cuộc chia li bi tráng với mùa
xuân:
“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi đều than thầm tiễn biệt...
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?”
Những cuộc chia li nổi tiếng trong lịch sử văn chương cổ kim có lẽ cũng chỉ bùi ngùi đến vậy. Nước sông
Dịch lạnh theo nỗi niềm thái tử Đan đưa tiễn Kinh Kha sang sông hành thích bạo chúa nước Tần, người
chinh phụ đưa chồng ra chiến trận trong Chinh phụ ngâm. Tất cả đều cảm động lưu luyến nhưng đó là cảnh
chia li giữa người với người. Tản Đà mượn lời Thề non nước, Tống biệt cũng chỉ là mượn cảnh nói người,
cảm xúc man mác lặng lẽ. Còn Xuân Diệu đã diễn tả đầy đủ đến từng chi tiết cái không khí của cuộc chia li,
từ thời gian “tháng năm rớm vị chia phôi“, không gian “sông núi đều than thầm” đến “con gió xinh thì thào”,
“chim đứt tiếng reo”. Tất cả đều buồn bã, tất cả đều mất hết hương vị, chỉ còn “rớm vị chia phôi” với “than
thầm tiễn biệt”, chỉ còn “hờn nỗi phải bay đi”, chỉ “sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trong thơ Việt Nam, chưa ai có
giọng thơ nuối tiếc thời gian, thương tiếc cuộc sống thiết tha như Xuân Diệu. Cũng những nét ấy, sắc màu
âm thanh ấy, ở đoạn trên náo nức, rạo rực là thế, mà ở đoạn này thì buồn thương ngậm ngùi, xót xa biết bao,
tưởng chừng Xuân Diệu hình dung thấy rõ ràng mùa xuân đã mất, tuổi trẻ đã qua, nhà thơ đã kêu lên một
cách tuyệt vọng, bật thành tiếng than não nuột: “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa”. Còn làm được gì
nữa khi thời gian cứ mênh mông nhưng mùa xuân và đời người lại ngắn ngủi. Còn làm gì được nữa để biến
cái hữu hạn của đời người thành vô hạn với thời gian, với mùa xuân mãi mãi? Chỉ còn một cách, ấy là biến
cái hữu hạn về lượng thành ra cái vô hạn về chất, nghĩa là phải vội vàng, phải hối hả, phải đắm say, phải
mãnh liệt, phải sống để tận hưởng tất thảy sự đẹp đẽ, quý giá của đời sống, của mùa xuân, của tuổi trẻ. Phải
luôn nghĩ đến cái nguy cơ mùa xuân sắp qua, tuổi trẻ sắp hết: “Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt” (Giục giã)
 Đoạn 3:
Từ cảnh “Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt” (Giục giã) này trước nỗi lo âu, linh cảm về sự tàn phai
cùng dòng chảy thời gian, có một giao điểm hội tụ tình cảm và lý trí của nhà thơ, trở thành một niềm thôi
thúc cháy bỏng: “Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”. Đó là lời kêu gọi của tình yêu, của đam mê và
khát khao vượt ra thực tại đáng buồn để tìm đến mùa xuân. Chính vào lúc tưởng như rợn ngợp trong sự
hoang mang, nhà thơ đã vượt lên để thể hiện rõ phẩm chất cao đẹp – tìm về ý nghĩa của sự sống.
Từ nhận thức tỉnh táo “Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, về cuối bài thơ Vội vàng, Xuân Diệu đặt ra
cách ứng xử của riêng mình: Hãy mau mau tận hưởng vẻ đẹp của mùa xuân, hạnh phúc ngắn ngủi của đời
người. Mùa xuân đang ở độ non tơ, nồng thắm nhất, hãy bám riết lấy chứ đừng một phút buông lơi:
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi”
Không nhiều đoạn, nhiều bài thơ mới có cảm xúc cuồng nhiệt, giọng điệu dồn dập như Vội vàng,
Phải nói, Xa cách, Giục Giã như của Xuân Diệu. Phải là một tâm hồn, một thái độ sống, một khát vọng yêu
như thế nào đó mới đủ sức phổ thành những bài thơ như thế. Đến đây, nhà thơ công khai tuyên bố khát vọng
tận hưởng tức thì sự sống mới bắt đầu mơn mởn của mình. Đoạn thơ liên tiếp sử dụng các điệp từ “Ta muốn”
nếu như mở đầu bài thơ là hai lần “Tôi muốn”. Tôi hay ta cũng chỉ từ một Xuân Diệu mà thôi. Nhưng đại từ
“ta” hàm nghĩa rộng hơn. Xuân Diệu không chỉ nói khát vọng của mình mà còn nói hộ cho bao người trẻ
tuổi, trẻ lòng khác nữa. Đằng sau các điệp từ “Ta muốn” là những động từ diễn tả động tác mạnh mẽ, quyết
liệt: “muốn ôm”, “muốn riết”, “muốn say”, “muốn thâu”; lại còn “một cái hôn nhiều” thật mới lạ và đầy cảm
xúc. Phải dùng những động từ ấy may ra mới diễn tả nổi sự ham sống đến cuồng nhiệt lạ thường. Bổ ngữ của
những động từ này là một hệ thống hình ảnh căng tràn sức sống của mùa xuân: “Cả sự sống mơn mởn”,
“mây đưa gió lượn”, “cánh bướm và tình yêu”, “non nước, cây và cỏ rạng”. Đáng chú ý là trên một dòng thơ
mà Xuân Diệu dùng đến ba liên từ “và”. Chữ này lại đứng ngay đầu dòng thơ, điều ấy tạo nên giọng điệu liệt
kê, ấn tượng trùng điệp, thể hiện ước muốn ôm trùm, thâu tóm hết thảy vẻ đẹp trẻ trung rạo rực của thế gian.
Trạng thái của sự hưởng thụ ở đây phải đạt đến độ chếnh choáng, đã đầy, no nê chứ không thể lưng chừng.
Một nội dung cảm xúc như vậy gắn với một giọng điệu thơ gấp gáp, hối hả khác thường.
Có thể xem giọng điệu xuyên suốt đoạn thơ là một sợi dây đàn căng vút lên mãi mà đỉnh điểm chính
là câu thơ cuối cùng: “Hỡi xuân hồng, ta muốn gắn vào ngươi!”. Xuân Diệu tưởng tượng mùa xuân mơn
mởn, chín ửng như một trái ngon hiện ngay trước mắt để mình vồ vập cắn vào. Biến cái vô hình thành cái
hữu hình, điều phi vật thể thành đối tượng cụ thể của ăn, uống, cắn, ôm choàng, ôm riết... đó là lối tư duy,
kiểu xây dựng hình ảnh quen thuộc của Xuân Diệu. Có thế mới diễn đạt được trọn vẹn cái khát vọng tận
hưởng, tận hiến có tính trần tục, nồng nàn và cuồng nhiệt của “ông hoàng thơ tình”.
 Tóm lược nội dung, nghệ thuật:
Bài thơ Vội vàng đã thể hiện tinh tế những giác quan nhạy bén của hồn thơ Xuân Diệu trước mùa
xuân, sự kết hợp nhuần nhị giữa mạch cảm xúc và mạch luận lí, giọng điệu say mê, sôi nổi, khi thì trầm lắng,
sâu xa. Những sáng tạo độc đáo về ngôn ngữ và hình ảnh thơ gắn với quan niệm sống của ông đã nêu bật ý
nghĩa sự sống của đời người. Con người, với những tính cách và cảm xúc độc đáo hiện diện trong từng câu
chữ, mang nét đặc trưng của cảm quan lãng mạn. Bài thơ còn đưa ra một quan niệm sống tích cực: Phải biết
tận hưởng vẻ đẹp cuộc đời. Hiểu một cách đúng đắn quan niệm này có nghĩa là mỗi người cần phải sống hết
mình với cuộc sống hôm nay, sôi nổi chân thành và thiết tha với đời. Chính vẻ đẹp của con người sẽ làm nên
vẻ đẹp bất tử cho cuộc đời.
KB:
Đừng tìm vẻ đẹp ở đâu xa. Thiên đường của ta có ngay trên mảnh đất trần gian này, có ngay ở mùa
xuân mơn mởn, rạo rực quanh ta, ở tuổi trẻ mà ta đang được sống. Con người phải biết tận hưởng hạnh phúc
ngắn ngủi mà tạo hóa ban phát. Đó là những thông điệp cuồng nhiệt mà Xuân Diệu muốn gửi tới bạn đọc
mến yêu qua Vội vàng, đặc biệt là... Có thể nói, bài thơ nói chung và đoạn thơ nói riêng đã góp phần thổi vào
tâm hồn đang uể oải vật vờ ngọn lửa của niềm ham sống. Đặt trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, ngọn lửa
này lại càng đáng quý. Thế mới nói, “Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn
nước non lặng lẽ này... Khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết” (Hoài Thanh)

You might also like