You are on page 1of 5

Đây thôn Vĩ Dạ

Hàn Mặc Tử
Mở bài: Hàn Mặc Tử là người có số phận bất hạnh. Ông là một trong những
nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt trong phong trào thơ mới; “Ngôi sao chổi trên
bầu trời thơ Việt Nam” (Chế Lan Viên). Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được sáng tác
vào năm 1938, in trong tập Thơ điên, được khơi nguồn cảm hứng từ mối tình
đơn phương của Hàn Mặc Tử với Hoàng Thị Kim Cúc. Bài thơ là bức tranh
phong cảnh Vĩ Dạ, lòng yêu đời, ham sống mãnh liệt và đầy uẩn khúc của nhà
thơ.
Khổ thơ 1 miêu tả cảnh ban mai nơi thôn Vĩ và tình người tha thiết.
Câu đầu là câu hỏi tu từ mang nhiều sắc thái.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Câu thơ có bảy chữ nhưng có tới sáu thanh bằng đi liền nhau làm cho câu
hỏi tu từ gợi cảm giác như lời trách nhẹ nhàng và cũng là lời mời gọi tha thiết
của cô gái thôn Vĩ với nhà thơ. Hay đây cũng là lời nhà thơ tự trách mình, tự hỏi
mình; là ước ao thầm kín của người đi xa mong được về lại thôn Vĩ.
Câu thơ không dùng hai chữ về thăm có vẻ xã giao mà dùng hai chữ về
chơi mang sắc thái tự nhiên, thân mật, chân thành. Câu hỏi tu từ như là một
duyên cớ khơi dậy trong tâm hồn nhà thơ bao kỉ niệm sâu sắc, bao hình ảnh đẹp
đẽ đáng yêu về xứ Huế, về Vĩ Dạ. Câu thơ là tiếng lòng của HMT, là ước ao
thầm kín, là niềm khát khao được trở về thôn Vĩ, được thăm lại cảnh cũ người
xưa. Ngay sau đó là thế giới sự sống hiện ra qua cảnh và người thôn Vĩ, qua
hoài niệm của thi nhân qua ba câu tiếp theo.
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Ba câu thơ sau gợi lên vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên thôn Vĩ trong
khoảnh khắc hừng đông. Bức tranh thôn Vĩ hiện lên với hình ảnh: nắng hàng
cau, vườn ai và hình ảnh mặt chữ điền.
Hình ảnh “Nắng hàng cau nắng mới lên” đây là sự quan sát rất tinh tế:
cái đẹp của thôn Vĩ không phải do nắng hay do hàng cau mà là do “nắng hàng
cau”, do sự hài hòa của ánh nắng vàng rực rỡ trên những hàng cau tươi xanh.
Hàn Mặc Từ còn gợi được vẻ đẹp của nắng ở nơi đây- đó là “nắng mới lên”
thật trong trẻo, tinh khiết. Ánh nắng đã làm bừng sáng cả khoảng trời hồi tưởng
của nhà thơ về xứ Huế.
Câu thơ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” – cái nhìn thật gần của tác
giả. Ở đây chỉ với một chữ “mướt”, Hàn Mặc Tử đã gợi được sự chăm sóc, vẻ
tốt tươi, đầy sức sống của vườn cây cũng như sự sạch sẽ, bóng láng của những
chiếc lá cây dưới ánh nắng mặt trời. Cụm từ “vườn ai mướt quá” mang sắc thái
ngợi ca. “Xanh nhủ ngọc” là một so sánh thật đẹp gợi hình ảnh những lá cây
xanh mướt, mượt mà được ánh nắng chiếu xuyên qua trở nên có màu xanh trong
suốt và ánh lên như ngọc. Phải là một người có tình yêu tha thiết với thiên
nhiên, với cuộc sống; có ân tình thật sâu sắc, đậm đà với thôn Vĩ mới lưu giữ
được trong tâm trí những hình ảnh đẹp và sống động đến như thế.
Câu thơ cuối “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”, sự xuất hiện của con
người càng làm cho cảnh vật thêm sinh động. Sự xuất hiện của con người thật
kín đáo vì thấp thoáng sau khóm trúc là khuôn mặt chữ điền – khuôn mặt của
người ngay thẳng, cương trực (nam), phúc hậu, hiền lành (nữ) theo quan niện
của người xưa.
Bằng ngôn ngữ chọn lọc, bút pháp lãng mạn, tượng trưng, hình ảnh thơ
gợi cảm, Hàn Mặc Tử đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên và con người gợi thần
thái của thôn Vĩ: cảnh xinh xắn, người phúc hậu; thiên nhiên và con người hài
hòa với nhau trong một vẻ đẹp kín đáo dịu dàng. Vĩ Dạ là địa danh cụ thể gắn
với những kỉ niệm của thi nhân. Vĩ Dạ còn tượng trưng cho thế giới bên ngoài
tươi đẹp. Nhà thơ khao khát được về thăm Vĩ Dạ cũng là khao khát về với cuộc
đời, với hạnh phúc và tình yêu.
Sau bức tranh phong cảnh là tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, con
người tha thiết, cùng niềm băn khoăn day dứt của tác giả.
Sang khổ thơ thứ hai là cảnh hoàng hôn nơi thôn Vĩ và niềm đau cô lẻ,
chia lìa. Hai câu thơ đầu, tác giả tả bao quát toàn cảnh với hình ảnh gió mây
chia lìa đôi ngả.
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”
Đến đây, Hàn Mặc Tử hướng về một hình ảnh không tách rời thôn Vĩ –
đó là dòng sông Hương với hai nét tiêu biểu là êm đềm và thơ mộng. Hai câu
thơ đầu, nhịp 4/3 kết hợp điệp từ gió và mây tác giả tả thực vẻ êm đềm, khoan
thai của xứ Huế: gió mây nhè nhẹ bay đi, dòng nước chảy lững lờ, cây cỏ khẽ
đung đưa. Nhà thơ đã dùng biện pháp nhân hóa với cả gió, mây và dòng sông.
Dòng nước buồn thiu nhân hóa dòng sông mang tâm trạng buồn thiu, không
muốm chảy như đánh mất sự sống của mình. Thông thường gió mây vẫn đi bên
nhau: mây bay nhờ gió, dòng sông nhờ gió nên có sóng. Ở đây mây và gió xa
rời nhau, ngăn cách đôi đường. Sự chuyển động ngược chiều của gió và mây là
tăng thêm cái trống vắng của không gian. Câu thơ gợi cảm giác buồn, chia ly,
tan tác gợi nỗi đau thân phận xa cách, chia lìa. Câu thơ của Trúc Thông:
“Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió
Người không thấy về”
Hay trong bài thơ Tràng giang, Huy Cận viết:
“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
Hình ảnh trong hai câu đầu đẹp nhưng lạnh lẽo, phảng phất tâm trạng u
buồn cô đơn của nhà thơ trước sự thờ ơ xa cách của cuộc đời đối với mình. Một
nỗi buồn hiu hắt mang dự cảm về hạnh phúc chia lìa.
Sang hai câu thơ sau tác giả tả dòng sông Hương trong đêm trăng lung
linh huyền ảo, vừa thực vừa mộng.
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay? ”
Dòng sông không còn là dòng sông của sóng nước nữa mà là dòng sông
ánh sáng, lấp lánh ánh trăng vàng. Con thuyền vốn thực trên dòng sông đã trở
thành hình ảnh của mộng tưởng để chở trăng về một mơi nào đó trong mơ. Sự
kết hợp giữa thuyền và sông trăng tạo nên một hình tượng đẹp, thi vị, gợi tả vẻ
đẹp thân thương của Huế. Nhà thơ rất yêu trăng, trăng là người bạn thân thiết
của nhà thơ, ám ảnh trong thơ của HMT – biểu tượng của tình yêu và hạnh
phúc. Nhà thơ cũng rất yêu xứ Huế nhưng cảnh Huế và người Huế không hiểu
được, không đáp lại tình yêu ấy nên nhà thơ muốn tâm sự với người bạn thật xa
là trăng – ánh trăng xoa dịu nỗi xót xa, trăng bầu bạn giúp tác giả bớt cô đơn.
Thật ra tứ thơ sông trăng, thuyền chở trăng,...đều là những công thức
quen thuộc trong thơ ca cổ điển. Trong thơ Thi Tiên Lý Bạch - một nhà thơ yêu
trăng. Hình ảnh thuyền trăng và sông trăng xuất hiện với tần số cao. Trong thơ
Bác, chúng ta có thể bắt gặp cách diễn đạt này. Bài thơ Nguyên Tiêu – Rằm
tháng Giêng”
“Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”
Câu hỏi tu từ “Có chở trăng về kịp tối nay?” thể hiện sự băn khoăn, khắc
khoải, mong ngóng hy vọng và chạy đua với thời gian. Từ “kịp” thể hiện rõ tâm
tư của nhà thơ: cuộc sóng hiện tại của nhà thơ quá ngắn ngủi tranh thủ từng
ngày, từng giờ trong quỹ thời gian hạn hẹp của cõi trần. HMT mong ngóng, chờ
đợi trăng cũng là tranh thủ tận hưởng thời gian quý báo còn lại. Đằng sau cảnh
vật là tâm trạng vừa đau đớn, khắc khoải vừa khát khao cháy bỏng của nhà thơ.
Hai câu thơ cho thấy tâm hồn nhà thơ có buồn và cô đơn nhưng vẫn chan chứa
tình yêu với con người và thiên nhiên xứ Huế.
Ở hai khổ thơ trên, HMT cho người đọc thấy được bức tranh huyền ảo,
phảng phất tâm trạng u buồn, cô đơn mong ngóng của nhà thơ. Người đọc cảm
thông trước niềm đau của thi nhân. Hai khổ thơ tác giả hướng đến thiên nhiên
xứ Huế để bộc lộ tâm tư, đến khổ thơ thứ ba nhà thơ trực tiếp tâm sự với người
xứ Huế.
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Khổ thơ thứ ba là nỗi niềm thôn Vĩ- hình bóng con người và tâm trạng
thi nhân. Hai câu thơ đầu bóng dáng người xa hiện lên mờ ảo, xa vời trong
“sương khói mờ nhân ảnh” trong cảm nhận của khách đường xa. Mơ là trạng
thái vô thức, nhà thơ đang đắm chìm trong cõi mộng. Điệp ngữ “khách đường
xa” lặp lại hai lần bỏ mất chữ mơ khiến câu thơ hai tâm trạng, hai cảm xúc: lần
đầu là khát vọng, lần sau là thực tại nhấn mạnh thêm nỗi xót xa, như lời thầm
tâm sự của nhà thơ với chính mình. Trước lời mời của cô gái nơi thôn Vĩ “Sao
anh không về chơi thôn Vĩ?” có lẽ nhà thơ chỉ là người khách trong mơ mà thôi.
Câu thơ“Áo em trắng quá nhìn không ra” có thể hiểu câu thơ theo hai
nghĩa. Về nghĩa thực, xứ Huế nắng nhiều, mưa nhiều nên cũng nhiều sương
khói. Sương khói màu trắng, áo em cũng màu trắng nên chỉ thấy bóng người
thấp thoáng mờ ảo. Về nghĩa bóng, sương khói làm mờ bóng người tượng trưng
cho cái huyễn hoặc của cuộc đời làm cho tình người trở nên xa vời khó hiểu.
Hai câu cuối mang chút hoài nghi mà lại chan chứa niềm tha thiết với
cuộc đời. “Ai biết tình ai có đậm đà?” Nhà thơ sử dụng tài tình đại từ phiếm chỉ
“ai” lặp lại hai lần để mở ra hai ý nghĩa của câu thơ: Nhà thơ làm sao biết được
tình người xứ Huế có đậm đà hay không, hay cũng mờ ảo, chóng tan như sương
khói kia; người xứ Huế có biết chăng tình cảm của nhà thơ với cảnh Huế, người
Huế rất thắm thiết, đậm đà.Câu hỏi tu từ chứa đựng tâm trạng bất an hoài nghi.
Câu thơ làm tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng trong một tâm hồn thiết tha yêu
thương con người và cuộc đời. Ta bắt gặp ý thơ trên qua bài thơ Hoa cỏ may
của Xuân Quỳnh:
“Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay”
Đánh giá nghệ thuật: Hình ảnh thơ độc đáo, gợi hình gợi cảm. Ngôn ngữ trong
sáng tinh tế đa nghĩa. Sử dụng các biện pháp tu từ: câu hỏi tu từ, điệp từ, so
sánh, nhân hóa được sử dụng có hiệu quả. Người đọc còn thấy được trí tưởng
tượng phong phú của nhà thơ. Hình ảnh sáng tạo “bến sông trăng”, có sự hòa
quyện giữa thực và ảo.

Phong cách nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử.


Thơ Hàn phản ánh một tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống, yêu thiên cảnh,
yêu con người đến khát khao, cháy bỏng, một khát vọng sống mãnh liệt đến đau
đớn tột cùng. Nhiều bài thơ mang khuynh hướng siêu thoát vào thế giới siêu
nhiên, tôn giáo, nhưng đó là hình chiếu ngược của khát vọng sống, khát vọng
giao cảm với đời. Nhiều bài thơ đan xen hình ảnh ma quái, dấu ấn của sự đau
đớn, giày vò về thể xác lẫn tâm hồn, đó là sự khủng hoảng tinh thần, bế tắc và
tuyệt vọng trước cuộc đời. Thơ Hàn có ngôn từ ấn tượng, gợi cảm giác liên
tưởng phong phú, bút pháp lãng mạn, tượng trưng kết hợp tinh tế với yếu tố siêu
thực.

Kết bài: Bài thơ là bức tranh thiên nhiên và con người xứ Huế hiện lên qua hồi
ức của tác giả. Đồng thời, nó cũng là bức tranh tâm cảnh của một tâm hồn cô
đơn, khát khao được yêu, được sống. Với giọng điệu tha thiết, bài thơ Đây thôn
Vĩ Dạ thể hiện tình cảm của tác giả với cảnh Huế, người Huế và với cuộc đời.
Bài thơ là tiếng lòng muôn đời của con người. Là học sinh, chúng ta biết yêu
cuộc sống; vượt lên hoàn cảnh, số phận; sống có nghị lực có ý nghĩa.

You might also like