You are on page 1of 5

ĐÂY THÔN VĨ DẠ - HÀN MẶC TỬ

Chế Lan Viên từng nhất xét rằng : “ Trước không có ai, sau không có ai,
Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với các đuôi chói
lòa rực rỡ của mình”. Hàn Mặc Tử - một trái tim, một tâm hồn lãng mạn dạt dào
yêu thương đã bật lên những tiếng thơ, tiếng khóc của nghệ thuật trước cuộc đời.
Những phút giây xót xa và sung sướng, những phút giây mà ông đã thả hồn mình
vào trong thơ, những giây phút ông đã chắt lọc, đã thăng hoa từ nỗi đau của tâm
hồn mình để viết lên những bài thơ tuyệt bút. Là một nhà thơ tiêu biểu trong phong
trào thơ Mới đã hòa mình vào thiên nhiên đất nước, viết nên bài thơ “Đây thôn vĩ
dạ” mộng mơ, là bài thơ đặc sắc bậc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Hàn Mặc
Tử. Bài thơ là tiếng lòng tha thiết với quê hương, là tình yêu mãnh liệt với cuộc đời
và là nỗi u buồn như dòng sông Hương hiền hòa thấm đượm chút tình của Huế.
“Đây thôn Vĩ Dạ” sáng tác năm 1938 in trong tập “Thơ Điên”, sau đổi tên
thành “Đau thương”. Bài thơ viết trong hoàn cảnh mối tình đơn phương của Hàn
Mặc Tử với cô gái gốc Huế dường như đã trở nên vô vọng khi hai người vừa cách
biệt cả địa vị lẫn địa lý. Bài thơ ra đời trong lúc bệnh tình của ông trở nặng, lại
nhận được tấm bưu thiếp của người xưa, điều ấy đã khơi gợi lên trong lòng ông sự
vui sướng, sự luyến tiếc, niềm ham sống vô cùng, tất cả đều được thể hiện một
cách trọn vẹn nhất.
Khổ thơ đầu tiên, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã hướng ngòi bút đến khung cảnh
thiên nhiên giản dị mà đẹp đẽ, trong trẻo của thôn Vĩ:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc chen ngang mặt chữ điền”
Bài thơ được bắt đầu bằng một câu hỏi: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” gợi
nhiều sắc thái. Đó có thể là tiếng trách móc, thở than hoặc lời mời gọi của cô gái
thôn Vĩ gửi đến. Mà bên cạnh đó, nó cũng có thể là một lời tự vấn, tự trách của
chính nhà thơ dành cho bản thân mình, chất chứa đong đầy một nỗi niềm tiếc nuối
vô tận, là khao khát mãnh liệt được một lần đặt chân quay trở lại chốn cũ, vườn
xưa. Nhà thơ sử dụng từ “chơi” gợi lên sự thân mật gần gũi mà mộc mạc chân
thành. Có lẽ khi sáng tác bài thơ này, nhà thơ đang ở giai đoạn cuối của bệnh
phong nên ông chỉ có thể trở về chơi thôn vĩ trong tâm tưởng, nhưng dù là trong
tâm tưởng thì cảnh thiên nhiên về thôn Vĩ vẫn đẹp lung linh. Câu hỏi đã thành
công khơi gợi lên trong tâm tưởng của thi sĩ những kỉ niệm đẹp đẽ, khung cảnh
thân quen của xứ Huế. Đó là khi ánh “nắng” rực rỡ vào lúc ban mai chan hòa lên
cảnh vật, khoác lên “hàng cau” thẳng tắp, duyên dáng một vầng hào quang dịu
dàng, tinh khôi. Cách quan sát tinh tế kết hợp với điệp từ “nắng” làm sáng bừng
lên vẻ đẹp hài hòa, trong trẻo, thanh khiết của thôn Vĩ Dạ vào buổi sớm mai. Dưới
ánh nắng vàng bao phủ là vẻ đẹp của khu vườn xứ Huế rất “mướt” đầy sức gợi với
màu “xanh như ngọc”. Chỉ một từ “mướt” thôi nhưng đã gợi ra sự trù phú, non
tươi, mỡ màng tràn đầy sinh khí của khu vườn thôn Vĩ. Và phép so sánh màu sắc
“xanh” của khu vườn “như ngọc” càng lột tả thêm sự trang trọng, quý phái của cỏ
cây hoa lá. Cách so sánh “xanh như ngọc” khiến ta liên tưởng đến câu thơ của
Xuân Diệu trong “Thơ duyên” :
“Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền”
Câu thơ lại thêm một từ “ai” phiếm chỉ khiến cho toàn cảnh bức tranh trở nên có
hồn hơn, và len lỏi trong không gian ấy là sự tò mò, mơ hồ xen lẫn hụt hẫng, xót xa
vì sự bất lực của Hàn Mặc Tử khi không thể trực tiếp ngắm nhìn, chiêm ngưỡng
sắc xanh mơn mởn của chốn cũ. Cảnh vật Vĩ Dạ bỗng sinh động hẳn lên khi bóng
dáng con người xuất hiện. “Mặt chữ điền” là một gương mặt phúc hậu, cương trực,
ngay thẳng, còn “lá trúc” gợi cái dáng vẻ mảnh mai, xinh xắn, thanh tú. Dù là cách
hiểu nào thì Hàn Mặc Tử cũng đều muốn thể hiện vẻ đẹp của con người xứ Huế
cũng như tình cảm dành cho con người, cảnh vật nơi đây.
Nếu ở khổ thơ thứ nhất nhà thơ nhìn cảnh vật bằng sự lạc quan yêu đời, thì
khổ thơ thứ hai đã có sự thay đổi đó chính là sự mặc cảm về cảnh chia lìa, tan tác :
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Mọi sự xuất hiện của cảnh vật đều gợi cảm giác buồn. Hình ảnh thiên nhiên gợi ra
sự chia ly “gió theo lối gió, mây đường mây”. “Gió theo lối gió”, “mây” đi “đường
mây”, vốn dĩ chẳng thể cách xa, sao giờ đây lại phải tách rời riêng biệt? Phải
chăng, chính tác giả cũng đang gợi lên một nỗi buồn thảm thương của sự chia ly
tan tác, hay nói đúng hơn, là cái đớn đau khi đứng trước bờ vực của sinh tử. Hai
câu thơ đầu tả thực cảnh mây trời, sông nước xứ Huế với lối ngắt nhịp 4/3 tựa như
bẻ đôi câu thơ làm hai nửa, tạo cảm giác hụt hẫng khó tả. Nếu trong tự nhiên, gió
và mây vốn là những sự vật luôn quấn quýt, gắn bó với nhau thì ở đây Hàn Mặc Tử
lại để “mây và gió” chia cách đôi ngả. Điệp từ “gió” và “mây” lại càng nhấn mạnh
thêm sự bi thương tột cùng. Đến cả dòng nước - một sự vật vô tri, vô giác nhưng
qua cái nhìn của nhà thơ giờ đây cũng có cảm xúc. Từ điệu chảy lững lờ, ngập
ngừng “buồn thiu” của “dòng nước” sông Hương nổi tiếng đi vào thơ đã trở thành
hình ảnh nhân hóa phản chiếu nỗi lòng sầu muộn của thi nhân trước số phận. Mà
có lẽ rằng, “hoa bắp lay” chính là cuộc đời của ông, nhạt nhòa, buồn tẻ và lặng lẽ
chán chường.
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
“Trăng” đã trở thành một biểu tượng quen thuộc của thi ca. Đặc biệt trong thơ Hàn
Mặc Tử, vầng trăng như là tri kỷ, là giấc chiêm bao đẹp đẽ rạng ngời mà thi sĩ say
sưa nguyện đắm chìm vào. Vì thế, hình ảnh “trăng” xuất hiện không biết bao nhiêu
lần trong tác phẩm của ông, tựa như vầng trăng trong “Say trăng” rằng :
“Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra”.
Ánh trăng sáng rỡ in bóng, phản chiếu lại trên mặt nước mênh mông tạo thành
“sông trăng”. Đây là cảnh thực mà cứ như ảo vì dòng sông không còn là mặt nước
sông gợn sóng nữa mà là dòng sông lấp lánh ánh trăng vàng. Câu hỏi tu từ “Có chở
trăng về kịp tối nay?” toát lên vẻ nôn nóng, thấp thỏm, ẩn hiện trong đấy là sự lo
lắng của tác giả trước sự hữu hạn của đời mình. Với bao người, sau đêm nay thì sẽ
còn có thêm đêm khác, nhưng đối với Hàn Mặc Tử, ông không biết liệu đây có
phải là đêm cuối cùng của mình hay không. Vậy nên, nhà thơ đã luôn lo rằng liệu
bản thân có còn “kịp” tận hưởng ánh trăng sáng, hay chính là cuộc đời vốn còn
nhiều nuối tiếc.
Khổ thơ thứ ba cho thấy vẻ đẹp huyền ảo của xứ Huế và tình người tình đời
thiết tha mà xa xăm vô vọng của tác giả :

“Mơ khách đường xa, khách đường xa


Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Giữa không gian mơ hồ giữa “ảo và mộng” của “cảnh và người”. Khung cảnh vận
động từ thực đến ảo, từ khu vườn thôn Vĩ Dạ đến sông trăng và cuối cùng chìm
vào tâm thức mờ ảo của sương khói. Điệp ngữ “khách đường xa” như một tiếng
gọi tha thiết, Hàn Mặc Tử nhớ về quê hương để rồi phải mặc cảm trong sự chia
cách. Vì vậy, tác giả chỉ thấy “áo’’ nhưng “nhìn không ra”. Màu “trắng” là màu áo
dài của nữ sinh xứ Huế và cũng là màu gợi về sự thanh khiết trắng trong rất phù
hợp với cô gái trong mộng tưởng. Thế nhưng nó lại khó nhận ra khi lẩn vào sương
khói hư ảo của Huế lắm nắng, nhiều mưa và sương khói của mối tình chưa có ước
hẹn. Nhận thức được hoàn cảnh của bản thân, thi nhân chỉ có thể tự khước từ với
tình yêu của mình. Nguyễn Gia Thiều đã từng viết:
"Con quay búng sẵn lên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm."
Đời người là một con quay đã búng sẵn, chính bản thân ta cũng không thể điều
khiển được số phận của bản thân mình. Trong mối quan hệ với người khác thì ta
chỉ nắm bắt được "nhân ảnh" chứ không thể là chính người đó. Tiếp tục là một câu
hỏi tu từ “Ai biết tình ai có đậm đà?”, nhà thơ hỏi người mà cũng giống như hỏi
mình, liệu tình yêu ấy còn “đậm đà", son sắt như ngày xưa. Khi dùng đại từ phiếm
chỉ “ai” làm tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng của một tâm hồn khát khao được
sống, được yêu. Câu thơ làm nhòe mờ hình tượng của khách thể và chủ thể trữ
tình, tạo nên một nỗi ám ảnh về nỗi đau trong cõi mênh mông vô tận, tâm trạng hụt
hẫng và đầy tuyệt vọng của nhà thơ. Tháng dài năm rộng, liệu rằng mối quan hệ
giữa người với người trên thế giới này có phôi phai hay vẫn mặn mà, khăng khít
như thuở ban đầu.
Cả bài thơ là một bức tranh thôn Vĩ vừa mang vẻ đẹp rất thực với tất cả nét trong
sáng, tinh khôi, thơ mộng của những đặc trưng thiên nhiên xứ Huế. Nhưng những
hình ảnh ấy cũng phảng phất sự mơ hồ, mờ nhòe như thực, như ảo được tái hiện lại
qua kí ức của người nghệ sĩ. Bởi thế “ Có thể nói rằng, bước vào Đây thôn Vĩ Dạ
là bước vào những câu hỏi đầy ám ảnh về tình đời, tình người.” “Đây thôn Vĩ Dạ”
đốt lên trong trái tim ta một tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên đất nước nồng nàn
mãnh liệt, hướng tất cả chúng ta đến gần hơn với con đường chân - thiện - mỹ.

You might also like